Bản tin đặc biệt của hãng CBA thông báo về vụ bắt cóc gia đình Sloane đã gây ra những phản ứng tức thời và lan rộng. Hãng tin NBC, bị cái cung cách thông tin lịch sự và nhã nhặn của hãng CBA giành mất vị trí có thể dẫn đầu của mình, đã đưa một bản tin tiếp theo đó trong vòng chưa đầy một phút – trước kế hoạch cũ đã định là sẽ ngắt câu chuyện vào buổi trưa. Các hãng CBS, ABC và CNN, được báo trước qua những tin điện của hãng AP và Reuter cũng đều phát tin trong vòng có vài phút. Các trạm phát hình trên cả nước không có liên hệ với hệ thống truyền hình quốc gia, nhưng lại có những chi nhánh riêng của họ cũng đã đưa tin ngay lập tức. Hãng truyền hình Canada cũng đưa tin vụ bắt cóc gia đình Sloane lên đầu chương trình đầu tiên của buổi phát thanh trưa. Các đài phát thanh với tính chất tức thời của mình còn tỏ ra nhanh hơn các hãng truyền hình trong việc đưa tin này. Từ bờ đại dương này sang bờ đại dương khác, các báo buổi chiều vội thay ngay những dòng tít lớn trang đầu. Các tờ báo lớn nước ngoài cũng ra lệnh cho phóng viên thường trú ở New York viết những bài báo do chính họ săn tin. Các hãng ảnh thời sự lao vào một cuộc săn tìm điên cuồng những bức ảnh của Jessica, Nicholas và Angus Sloane. Những bức ảnh của Crawford Sloane thì không thiếu gì. Tổng đài chính của hãng CBA dồn dập những cú điện thoại gọi cho Crawford Sloane. Khi những người gọi điện được trả lời một cách lịch sự rằng ông Sloane không có ở đây, hầu hết đều gửi lại những lời thăm hỏi chia buồn. Giới báo chí và phóng viên các phương tiện truyền thông khác biết rằng tốt hơn cả là sử dụng đường dây trực tiếp với hãng CBA. Kết quả là một số máy bị bận liên tục, khiến cho việc liên lạc với bên ngoài trở nên khó khăn. Những phóng viên may mắn gọi được, muốn phỏng vấn Sloane thì người ta khuyên rằng anh đang quá đau buồn tới mức không thể nói chuyện với bất cứ ai và rằng, dù thế nào đi nữa, cũng không có tin gì mới hơn những điều đã được công bố. Chỉ có một người thực sự nói chuyện được với Sloane qua điện thoại là Tổng thống nước Mỹ. “Crawford thân mến, tôi vừa được thông báo về cái tin khủng khiếp này”, - Tổng thống nói. “Tôi biết rằng giờ đây trong đầu anh có rất nhiều ý nghĩ muốn nói, nhưng tôi muốn anh biết rằng cả tôi lẫn Bacbara đều đang nghĩ về anh và về gia đình anh và mong đợi sớm có tin tức tốt lành. Cũng như anh, chúng tôi muốn nỗi phiền muộn này sớm chấm dứt”. “Xin cảm ơn Tổng thống”, Sloane đáp: “Điều này thật có ý nghĩa đối với tôi”. “Tôi đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp”, - Tổng thống nói tiếp: “rằng FBI phải đặt việc tìm kiếm gia đình anh lên trên hết, và bất kỳ các nguồn nào khác của chính phủ nếu cần đến đều sẽ được sử dụng”. Sloane nhắc lại lời cảm ơn của mình. Nội dung cuộc nói chuyện điện thoại của tổng thống đã được người phát ngôn của Nhà Trắng công bố ngay lập tức, bổ sung thêm vào dòng thác thông tin ngày càng phong phú đang chiếm lĩnh chương trình thời sự buổi tối của tất cả các hệ thống thông tin. Các đội quay vô tuyến truyền hình của các đài ở New York và các mạng lưới khác đã đến Larchmont ngay sau khi bản tin đầu tiên được công bố và đã phỏng vấn “hầu như tất cả những sinh vật nào biết thở” mà họ gặp - như cách nói của một nhà quan sát – kể cả những người chỉ có chút xíu liên quan đến vụ án. Bà giáo về hưu Friscilla Rhea tươi trẻ lại trước mọi sự chú ý, đã tỏ ra là một người trả lời phỏng vấn giỏi nhất, còn ông cảnh sát trưởng Larchmont là người thứ hai. Một tình tiết mới nữa nổi lên khi có vài người sống gần gia đình Sloane cho biết thêm rằng: rõ ràng là ngôi nhà của Sloane đã bị theo dõi từ nhiều tuần nay, có lẽ phải đến một tháng. Người ta đã bắt gặp một loạt những chiếc xe khác nhau và nhiều lần còn có cả những chiếc xe tải nữa đến đấy. Những chiếc xe đó thường đỗ gần ngôi nhà rất lâu và những người trong xe thường rất kín đáo. Người ta cũng đã mô tả hình dáng một số chiếc xe mặc dù những thông tin chi tiết còn rất sơ sài. Tất cả các nhân chứng đều nhất trí ở một điểm là đôi khi có những chiếc xe mang biển số của New York và những lần khác của New Jersey. Mặc dù vậy, không một ai nhớ được số xe. Một trong những chiếc xe do một người hàng xóm miêu tả lại có những điểm giống như chiếc xe mà Florence, người giúp việc của gia đình Sloane đã trông thấy – cũng chính là chiếc xe đã bám theo chiếc Volvo của Jessica Sloane khi Jessica, Nicky và ông Angus rời khỏi nhà để đi mua hàng. Các phóng viên truyền hình và báo chí đặt ra một câu hỏi: tại sao không có ai thông báo cho cảnh sát về sự theo dõi rõ rành rành đó? Các câu trả lời trong mọi trường hợp đều như nhau. Người ta cho rằng gia đình ông Crawford Sloane danh tiếng đang được hưởng sự bảo vệ về an ninh thì tại sao những người hàng xóm phải can thiệp vào chuyện đó. Giờ đây khi đã quá muộn, những thông tin về những chiếc xe đó đang được cảnh sát quan tâm thu thập. Báo chí nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới vụ bắt cóc. Tuy rằng khuôn mặt và giọng nói của Sloane không quen thuộc đối với người nước ngoài bằng đối với người dân Bắc Mỹ, việc xảy ra với một nhân vật nổi tiếng của một hãng truyền hình lớn dường như chứa đựng những hậu quả mang tính quốc tế. Tâm trí của Sloane bị rối loạn bởi những tình cảm khác nhau. Trong nhiều giờ sau đó, anh sống trong nỗi bàng hoàng kinh ngạc, mong ước rằng bất chợt tất cả câu chuyện vừa qua chỉ một sự hiểu lầm, một sự nhầm lẫn sẵn sàng được giải thích. Nhưng rồi thời gian cứ trôi đi, và cùng với chiếc xe Volvo của Jessica đứng bất động trong khu đõ xe của siêu thị Larchmont, mong ước đó càng trở nên xa vời. Điều khiến Sloane cảm thấy đau buồn hơn cả là hồi ức về cuộc nói chuyện tối hôm trước với Jessica. Chính anh là người đã nêu ra khả năng bị bắt cóc, và đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên thử thách anh. Từ những kinh nghiệm lâu năm của mình, anh biết rằng cuộc đời thực và những bản tin thực đều đầy rẫy những sự trùng hợp, đôi khi đến mức không thể tin được. Nhưng khi anh xem xét điều đó vào lúc này, thì chính thái độ ích kỷ và tự cho ta đây là quan trọng của anh khiến anh có cảm tưởng rằng chỉ có anh mới có thể là nạn nhân của vụ bắt cóc. Thậm chí Jessica đã hỏi anh: “Thế còn các gia đình thì sao? Họ có thể là mục tiêu không?”. Nhưng anh đã bác lại ý kiến ấy, không tin rằng điều đó có thể xảy ra cũng như Jessica và Nicky cần được bảo vệ. Giờ đây tự trách mình về thái độ thờ ơ và xao lãng, cái cảm giác mình có lỗi lại tràn ngập trong anh. Lẽ dĩ nhiên anh cũng hết sức băn khoăn về cha anh, mặc dù việc ông Angus mắc vào sự việc ngày hôm nay rõ ràng là ngẫu nhiên. Ông tình cờ đến chơi và thật không may, đã bị sa vào lưới của bọn bắt cóc. Ngày hôm đó, Sloane luôn bồn chồn bực dọc. Anh muốn có một hànhh động nào đó, bất cứ một hành động gì, dù anh hiểu rằng anh khó có thể làm được gì. Anh nôn nóng muốn đi về Larchmont ngay, rồi lại thấy rằng có về cũng chẳng được việc gì và nếu có những tin tức sốt dẻo thì anh có thể bị lỡ không biết. Một lý do nữa khiến anh ở lại là việc có ba nhân viên FBI đến gây ra những hoạt động nhộn nhịp tập trung quanh Sloane. Otis Havelock, nhân viên đặc nhiệm, người nhiều tuổi hơn cả trong bộ ba, ngay lập tức tỏ ra mình đang là người “thi hành công vụ”. Ông ta nhất định giành lấy việc điều khiển văn phòng của Sloane, và ở đó, sau khi đã tự giới thiệu với Sloane, ông yêu cầu các nhân viên dưới quyền đưa viên chỉ huy lực lương an ninh của hãng đến gặp. Sau đó ông gọi điện thoại yêu cầu Sở cảnh sát New York giúp đỡ. Havelock là một người đàn ông tầm thước, hoạt bát, đầu hói và có một đôi mắt xanh sâu thẳm luôn nhìn xoáy vào người đang nói chuyện với mình. Thái độ nghi ngờ thường xuyên của ông như muốn bảo: “Tôi đã thấy và nghe tất cả những chuyện này từ trước rồi”. Sau này, Sloane và những người khác mới hiểu rằng chính điều khẳng định không nói thành lời ấy lại là sự thật. Là một nhân viên FBI kỳ cựu đã 20 năm trong nghề Otis Havelock, đã dành phần lớn cuộc đời của mình vào việc điều tra những tội ác bỉ ổi nhất của nhân loại. Viên chỉ huy lực lượng an ninh của hãng CBA, một thám tử thuộc sở cảnh sát New York đã về hưu với mái tóc hoa râm vội vã đến ngay. Havelock bảo ông ta: “Tôi muốn toàn bộ tầng nhà này phải được giám sát ngay lập tức. Những kẻ đã bắt cóc gia đình ông Sloane cũng có thể âm mưu bắt cóc nốt cả ông ta nữa. Ông hãy cử hai người trong đội khác tới. Họ phải đi kiểm tra, kiểm tra thật cẩn thận, căn cước của tất cả những người ra vào tầng nhà này. Sau đó, ông hãy bắt tay vào kiểm tra thật kỹ lưỡng những người đã ở trong tầng này, ông rõ chưa?”. Viên chỉ huy cao tuổi hơn phản đối: “Rõ quá đi chứ. Tất cả chúng tôi đều lo cho ông Sloane. Nhưng số người mà tôi có trong tay chỉ có hạn thôi, mà những điều ông đòi hỏi thì quá sức. Cần có những trách nhiệm an ninh khác mà tôi không thể lơ là được”. “Anh đã tỏ ra lơ là với trách nhiệm của mình rồi đấy thôi” Havelock ngắt lời. Rồi ông đưa ra một tâm căn cước ép nhựa cứng. “Ông hãy xem đây này. Tôi đã dùng nó để ra vào ngôi nhà nay. Tôi chỉ cần giơ nó ra cho người gác ở dưới nhà nhìn thấy, thế là anh ta phẩy tay ra hiệu cho tôi vào”. Viên chỉ huy nhìn chằm chằm vào tấm thẻ trên đó có bức ảnh của một người đàn ông mặc quân phục. “Ảnh ai đây?”. “Ông hãy thử hỏi ông Sloane đây xem”. Havelock đưa tấm thẻ cho Sloane. Khi Sloane nhìn vào tấm ảnh, đù đang hết sức lo lắng, anh cũng phải bật cười: “Đại tá Qaddafi”. “Tôi đã đặt làm riêng tấm thẻ này” – Havelock nói - “thỉnh thoảng tôi dùng nó để chứng minh cho những công ty kiểu như hãng ta đây biết rằng an ninh của họ lỏng lẻo đến mức nào. Giờ thì ông hãy thi hành điều tôi nói. Kiểm tra tầng nhà này và ra lệnh cho các nhân viên của ông kiểm tra kỹ căn cước, kể cả ảnh nữa”. Khi ông ta bước ra khỏi phòng, Havelock nói với Sloane. “Lý do tại sao an ninh ở hầu hết các công ty lớn đều kém hiệu quả là vì nó không phải là bộ phận có thể sinh thu nhập, vì thế bắt buộc người ta phải cắt giảm nó tới mức tối đa. Nếu anh có được an ninh thích đáng ở đây, thì phải bao gồm cả việc bảo vệ anh và gia đình anh ở nhà nữa”. Sloane nói giọng đầy phiền muộn: “Giá như ông đến gợi ý từ trước thì đâu đến nỗi”. Trước đó vài phút, Havelock gọi điện cho Sở Cảnh sát New York, ông đã nói chuyện với viên trưởng ban điều tra, giải thích cho ông ta rằng vụ bắt cóc đã xảy ra và yêu cầu cảnh sát bảo vệ cho Crawford Sloane. Giờ đây từ ngoài đường vọng vào âm thanh của những tiếng còi báo động ngày một gần và rõ hơn, rồi dừng hẳn. Vài phút sau, một viên trung uý cảnh sát mặc quân phục và một trung sĩ bước vào. Sau khi giới thiệu Havelock nói với viên trung uý: “Tôi đề nghị anh cho hai xe ô tô có máy đàm thoại đỗ bên ngoài để tỏ cho mọi người biết sự hiện diện của cảnh sát, đồng thời cử một người gác ở một cửa vào và thêm một người trong hành lang chính. Bảo họ rằng họ được phép chặn lại hỏi bất cứ ai có vẻ khả nghi”. Viên trung uý đáp: “Tuân lệnh”. Quay sang phía Crawford Sloane, anh ta nói với vẻ kính trọng: “Chúng tôi sẽ bảo vệ ông thật chu đáo. Bất cứ lúc nào tôi có ở nhà, cả tôi và vợ tôi đều theo dõi chương trình tin của ông. Chúng tôi rất thích cách bình luận của ông”. Sloane khẽ gật đầu: “Cảm ơn”. Hai cảnh sát đưa mắt nhìn quanh có vẻ muốn nán lại, nhưng Havelock chợt nghĩ ra một ý tưởng khác: “Các anh có thể kiểm tra vòng ngoài bằng cách cử ai đó lên nóc nhà. Hãy quan sát ngôi nhà từ trên cao. Phải bảo đảm mọi lối ra vào đều được theo dõi”. Sau khi bảo đảm rằng mọi sự có thể đều sẽ được thực hiện, hai cảnh sát rời khỏi phòng. “Tôi cho rằng ông sẽ còn phải nhìn thấy tôi suốt ngày đấy, ông Sloane ạ!” Viên cảnh sát đặc nhiệm nói khi chỉ còn lại hai người trong phòng. “Tôi được lệnh phải luôn theo sát ông. Chắc ông cũng đã nghe tôi nói rằng chúng tôi cho là ông cũng có thể bị bắt cóc”. “Đôi lúc tôi cũng cho rằng có thể bị” Sloane nói, và anh thổ lộ cái cảm giác có lỗi đang hình thành trong anh: “Tôi chưa từng bao giờ nghĩ được rằng gia đình tôi lại có thể gặp nguy hiểm”. “Điều đó chỉ là do ông đang suy nghĩ một cách lý trí mà thôi. Nhưng những tên tội phạm ranh ma thì thật không ai có thể lường trước dược”. Sloane hỏi với vẻ mặt căng thẳng: “Ông cho rằng chúng ta có thể sẽ phải đương đầu với hạng người đó chăng”. Vẻ mặt của ông nhân viên FBI không hề thay đổi. Ông rất ít khi phí thời gian vào việc chọn những từ ngữ nghe êm tai: “chúng tôi vẫn chưa biết được bọn chúng là loại người như thế nào. Nhưng tôi đã nghiệm thấy rằng không đánh giá thấp kẻ thù chỉ luôn có lợi mà thôi. Còn nếu sau đó sự việc cho thấy rằng tôi đã đánh giá hắn quá cao thì càng có lợi cho tôi”. Havelock nói tiếp: “Sẽ có thêm một số người của chúng tôi tới đây và tới nhà của ông với các thiết bị điện tử. Chúng tôi cần giám sát những cú điện thoại gọi cho ông, vì vậy trong thời gian ở trong ngôi nhà này, ông nên trả lời tất cả các cú điện thoại theo đường dây thông thường” ông chỉ tay về phía bàn làm việc của Sloane “nếu bọn bắt cóc gọi điện đến, ông phải làm đúng như sau – cố kéo dài cuộc nói chuyện càng lâu càng tốt, vì giờ đây chúng ta có thể lần theo dấu vết đường dây nhanh hơn trước, và bọn tội phạm cũng biết điều đó”. “Ông có nhận thấy rằng điện thoại của chúng tôi ở nhà có số không ghi trong danh bạ không?”. “Tất nhiên là có, nhưng tôi cho rằng bọn bắt cóc cũng biết số điện thoại đó. Khá nhiều người biết số đó” Havelock lôi ra một quyển sổ. “ông Sloane bây giờ tôi cần một số câu trả lời”. “Ông cứ hỏi”. “Ông hay ai đó trong gia đình có nhận được lời đe doạ nào mà ông còn nhớ không? Xin ông hãy cân chắc thật cẩn thận”. “Chưa từng có lời đe doạ nào”. “Liệu có thể có những tin nào mà ông đã đưa có thể gây nên sự phản đối cực lực của một người hay một tổ chức nào đó không?”. Sloane giơ tay lên: “Ít nhất là mỗi ngày một lần”. Tay nhân viên FBI gật đầu: “Tôi cũng đoán vậy, cho nên hai đồng nghiệp của tôi sẽ xem xét các chương trình của ông, soát lại các chương trình từ cách đây hai năm, để xem sự việc có sáng tỏ thêm chút nào không? Thế còn thư phản đối thì sao? Hẳn là ông có nhận được chứ?”. “Tôi không bao giờ xem thư. Những người làm việc ở bộ phận tin tức không được phép tiếp xúc với thư từ. Đó là quyết định của ban giám đốc”. Đôi lông mày của Havelock hơi rướn lên khi Sloane tiếp tục nói. “Mọi điều mà chúng tôi đưa lên truyền hình khiến chúng tôi có một số lượng khổng lồ thư từ. Nếu đọc hết tất cả sẽ mất rất nhiều thời gian. Rồi chắc là chúng tôi sẽ muốn trả lời và càng mất thời gian nữa. Còn một điều mà ban giám đốc chắc chắn rằng chúng tôi nên giữ tầm bao quát và tính khách quan nếu chúng tôi tránh được những phản ứng cá nhân đối với các tin tức”, Sloane nhún vai. “Một số người có thể không đồng tình, sự thực là như vậy”. “Vậy còn các bức thư thì sao?”. “Nó sẽ được một ban gọi là “Hộp thư khán giả” xử lý. Tất cả các thư đều được trả lời và những gì quan trọng được chuyển tới ông chủ nhiệm Ban tin tức”. “Tôi đoán là tất cả các thư gửi đến đều được lưu giữ”. “Tôi tin như vậy”. Havelock ghi nhanh vào sổ: “Chúng tôi cũng sẽ cử người đến làm việc đó”. Trong khi hai người ngừng nói chuyện, Chuck Insen gõ cửa phòng và bước vào. “Cho phép tôi…” ông giám đốc ban tin nói tiếp khi hai người cùng gật đầu. “Crawf, chắc anh cũng biết rằng tất cả chúng tôi đều cố làm mọi điều có thể cho anh, Jessica va Nicky…”. “Vâng, tôi biết” – Sloane đáp. “Chúng tôi cảm thấy anh không nên thực hiện chương trình tối nay. Một mặt, đối với anh, đó là một điều nặng nề. Mặt khác, ngay cả nếu anh chỉ thực hiện phần còn lại, theo cách như công việc hàng ngày trước nay thì có vẻ như là toàn bộ hãng đều rất thờ ơ, mà điều đó dĩ nhiên là không đúng sự thật”. Sloane đồng ý và nói thêm một cách thận trọng: “Tôi cho rằng anh nói đúng”. “Điều khiến chúng tôi băn khoăn là liệu anh cảm thấy thế nào nếu có cuộc phỏng vấn trực tiếp”. “Anh cho là tôi nên trả lời phỏng vấn à?”. “Giờ đây khi câu chuyện đã “loang ra”, Insen nói, “tôi cho rằng càng thu hút được sự chú ý bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Rất có thể là trong đám khán giả thế nào cũng có người có thêm những tin tức mới nào đấy”. “Vậy thì tôi nhận lời”. Insen gật đầu và nói tiếp: “Chắc anh cũng biết rằng các hãng khác và giới báo chí đều muốn phỏng vấn anh. Anh cảm thấy liệu một cuộc họp báo vào chiều nay có được không?”. Sloane phác một cử chỉ bất lực, rồi chấp nhận: “Thôi được”. Insen hỏi: “Khi xong công việc ở đây, có thể đến chỗ tôi và Leslie ở văn phòng của tôi được không? Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến của anh về một số kế hoạch”. Havelock bỗng xen vào: “Tôi muốn ông Sloane ở trong phòng của ông ấy bên máy điện thoại càng lâu càng tốt”. “Dù sao thì tôi cũng vẫn luôn ở bên máy”, Sloane cam đoan với ông.