Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 3

Sau gần ba ngày liên tục điều tra, đội đặc nhiệm của hãng CBA thu được một thành công quan trọng.
Ở Larchmont thuộc bang New York, người ta đã nhận ra tên khủng bố quốc tịch Colombia tên là Ulises Rodriguez đã tham gia vào vụ bắt cóc người nhà Sloane và có thể là kẻ cầm đầu nhóm bắt cóc.
Đúng như đã hứa, sáng chủ nhật hôm sau tại trụ sở hãng CBA người ta đã có được bức hoạ chì Rodriguez do một bạn học thuở sinh viên trường Đại học California của hắn vẽ cách đây khoảng hai mươi năm. Chủ nhiệm Karl Owens, người đã phát hiện ra tên của Rodriguez qua các đầu mối của ông ở Bogota và ở Sở di trú Hoa Kỳ, đã nhận được bức hoạ ấy và sau đó mang tới Larchmont. Một đội quay phim và một phóng viên tại New York được vội vã gọi về cùng đi với ông.
Trong tiếng máy quay đang rè rè chạy, Owens cho người phóng viên giơ sáu tấm ảnh cho bà Priscilla Rhea, một nhà giáo về hưu, người đã chứng kiến vụ bắt cóc ở bãi đậu xe Grand Union coi. Một tấm là ảnh Rodriguez, còn năm tấm ảnh khác chụp năm người đàn ông có khuôn mặt tương tự rút từ trong các hồ sơ lưu trữ ra. Bà Rhea lập tức chỉ vào ảnh Rodriguez.
“Người này. Hắn là người bảo là chúng đang quay một cảnh phim. Trong ảnh trông hắn trẻ hơn, nhưng đúng là hắn. Dù ở đâu tôi cũng nhận ra hắn”. Rồi bà nói thêm: “Lúc tôi thấy, hắn có vẻ là thằng cầm đầu”.
 
Tới lúc này, mới chỉ có CBA có được tin này. (Tất nhiên người ta không biết Rodriguez đang dùng tên khác là Miguel, hay trong chyến bay trên chiếc Learjet qua Peru, hắn tên là Pedro Palacios. Nhưng điều ấy không quan trọng, vì bọn khủng bố thường dùng nhiều tên khác nhau).
Cuối ngày chủ nhật, bốn thành viên của nhóm đặc nhiệm gồm Harry Partridge, Rita Abrams, Karl Owens và Iris Everly gặp nhau để trao đổi về phát hiện trên. Hài lòng vì đã giúp vào việc lần ra đầu mối, Owens đề nghị đưa tin mới này vào bản tin chiều thứ hai.
Trong khi Partridge còn lưỡng lự, Owens lập luận một cách chắc chắn: “Này nhé, Harry, chưa ai biết tin này. Chúng ta có trước tất cả các hãng. Nếu ngày mai chúng ta phát tin, các hãng, kể cả thời báo New York và Bưu điện Washington dù họ không thích, cũng vẫn phải đưa tin của chúng ta và khâm phục hãng mình. Nhưng nếu chúng ta ghìm tin chờ đợi quá lâu, tin về Rodriguez sẽ lọt ra ngoài, và thế là chúng ta mất độc quyền. Anh cũng như tôi đều biết là mọi người thích đưa chuyện. Cái bà Rhea ở Larchmont ấy thế nào chả kể cho ai đó nghe, và người này lại đi kể lại với người khác. Mà ngay cả người của hãng chúng ta cũng hở chuyện, và rất có thể một hãng khác nghe được”.
“Tôi ủng hộ ý kiến của Karl”, Iris Everly nói. “Ngày mai tôi sẽ có bài tiếp theo, Harry ạ. Không có cái gã Rodriguez, tôi không có chất tin gì mới mà”.
“Tôi hiểu”, Partridge trả lời: “Tôi cũng đang nghĩ nên đưa tin sớm, nhưng cũng có một vài lý do cần phải chờ. Ngày mai tôi mới quyết định được”.
Nghe anh nói thế, mấy người kia đành phải bằng lòng.
Partridge tự quyết định là Crawford Sloane cần được thông báo về phát hiện mới này. Anh lập luận rằng Crawf đang phải chịu đựng nỗi đau như thế, thì bất cứ một bước tiến nào, cho dù chẳng đi đến đâu, cũng sẽ làm cho anh ấy nhẹ bớt niềm đau. Mặc dù đã muộn – mười giờ khuya rồi – Partridge vẫn quyết định đến thăm Sloane. Rõ ràng anh không thể nói qua điện thoại, vì tất cả các cú điện thoại gọi tới nhà Sloane ở Larchmont đều được FBI nghe và ghi hết. Mà Partridge thì lại chưa muốn cho FBI biết tin tức mới này.
Sử dụng chiếc điện thoại trong văn phòng anh đang dùng tạm, anh gọi tài xế đưa xe của hãng CBA đến đón anh ở cổng chính toà nhà của Ban tin tức.
 
°
 
“Rất cảm ơn anh đã tới thăm, Harry ạ”, Crawford Sloane nói sau khi nghe Partridge báo tin. “Ngày mai anh sẽ phát tin này chứ?”.
“Tôi cũng chẳng biết nữa”, Partridge nói cả hai lẽ, rồi thêm: “Riêng tôi muốn giữ kín tin đó”.
Họ đang ngồi uống rượu trong phòng khách, nơi mà mới chỉ cách đây bốn tối, Sloane buồn rầu nghĩ, anh đã ngồi nói chuyện với Jessica và Nicholas sau khi anh từ trụ sở trở về.
Khi Partridge đi vào, một nhân viên FBI nhìn anh với vẻ dò xét. Tôi hôm ấy, Otis Havelock đã đóng chặt cửa phòng thông ra hành làng bên ngoài và hai người nói với nhau rất nhỏ:
“Dù anh quyết định thế nào, tôi cũng ủng hộ quyết định đó của anh”, Sloane bảo: “Nhưng anh có đủ lý do để tin là chúng bay qua Colombia không?”.
Partridge lắc đầu: “Chưa đâu, vì Rodriguez chỉ là tay đâm thuê chém mướn. Hắn hoạt động ở khắp Mỹ la tinh và ở cả châu Âu nữa. Vì vậy tội cần phải biết thêm, đặc biệt là hang ổ của bọn này hiện ở đâu. Ngày mai tôi sẽ tiếp tục điều tra qua điện thoại. Những người khác cũng thế”.
Đặc biệt, Partridge muốn gọi điện cho ông luật sư thường bào chữa cho các nhân vật trong nhóm tội ác có tổ chức. Anh đã gọi cho ông này hôm thứ sáu, nhưng vẫn chưa thấy ông ta gọi lại. Linh tính cho anh biết rằng bất cứ ai, kiểu như Rodriguez hoạt động tại Mỹ, đều cần có liên hệ với một tổ chức tội ác nào đó.
Khi Partridge chuẩn bị ra về, Sloane đặt tay lên vai anh và nói: “Bạn Harry thân mến”, anh nói giọng cảm động: “Tôi đã tin là cơ hội duy nhất để cứu thoát Jessica, Nicky và cha tôi chính là anh”. Anh ngập ngừng, rồi nói tiếp: “Tôi nghĩ cũng có lúc tôi với anh không được thân thiết lắm, ngay cả chỉ là đồng minh cũng không. Trong chuyện đó có lỗi của tôi, và tôi xin lỗi anh. Nhưng gác chuyện đó ra, tôi chỉ muốn anh hiểu rằng hầu hết những gì tôi có và thương yêu trên thế giới này đang tuỳ thuộc vào anh”.
Partridge cố tỉm từ để đáp lại, nhưng không được. Vì thế anh gật gật đầu, cũng vỗ vai Sloane và chào: “Chúc anh ngủ ngon”.
 
°
 
“Bây giờ đi đâu, thưa ông Partridge?” Người tài xế của hãng CBA hỏi.
Đã gần nửa đêm, nên Partridge trả lời một cách mệt mỏi: “Anh cho tôi về khách sạn Intercontinental”
Ngả người trên ghế, nhớ lại những lời Sloane nói lúc chia tay, Partridge nghĩ: “Ừ đúng thật, mình không biết cái đau của nỗi mất mát, hoặc có khả năng mất người mà mình yêu”. Trước đây, lâu lắm rồi, anh đã mất Jessica, nhưng cái đó làm sao sánh được với tình cảnh truyệt vọng của Crawf bây giờ. Rồi sau đó anh đã mất Gemma…
Anh ngừng không nghĩ tiếp. Không được! Anh không được nghĩ tới Gemma tối nay. Gần đây anh thường nhớ tới nàng rất nhiều… khi người mệt mỏi là anh lại nhớ, và cũng nỗi nhớ, bao giờ cũng là nỗi đau.
Và anh buộc mình phải nghĩ tới Crawf, người ngoài nỗi đau Jessica, còn thêm nỗi đau mất đứa con trai của mình. Bản thân anh cũng hiểu, chỉ một mất mát thôi cũng đã không chịu nổi, có lẽ là mất mát đau đớn nhất. Anh và Gemma đã mong mỏi có con…
Anh thở dài… Ôi, Gemma thân yêu!
Anh đành chịu thua, thả mình theo dòng suy tư, trong khi chiếc xe chạy êm như ru về Manhattan…
Anh nhớ mãi ngày ấy. Sau nghi lễ cưới đơn giản ở Panama City khi anh và Gemma đứng trước cha xứ, nói lời thề nguyền mộc mạc, Partridge tin rằng hôn lễ đơn giản thường đem lại hạnh phúc cho đôi lứa, trong khi đám cưới linh đình, màu  mè như gánh xiếc thường đưa tới những cuộc ly hôn.
Anh thừa nhận nghĩ như vậy cũng hơi định kiến, chủ yếu từ kinh nghiệm bản thân. Lần cưới trước ở Canada, bà mẹ cô dâu một mực đòi “đám cưới mặt toàn đồ trắng” trong đó có đủ lệ bộ phù dâu, vài trăm khách khứa và làm lễ ở nhà thờ. Trước đó, phải còn tập dượt như trong nhà hát, làm cho buổi lễ mất hết cả ý nghĩa. Sau đó, cuộc sống gia đình chẳng ra sao – mà Partridge thừa nhận ít ra anh cũng có lỗi năm mươi phần trăm. Và lần ấy, theo sự đồng ý của cả hai bên, họ nói lời thề thốt ấy trước sự hiện diện của ông chánh án: cái câu thề sáo rỗng “Sống với nhau đến khi nhắm mắt xuôi tay” ấy chỉ kéo dài được có một năm.
Nhưng sau lần cưới Gemma, ít ai có thể nghĩ lại bắt đầu trên chiếc chuyên cơ của Giáo hoàng, tình yêu của họ ngày càng thêm nồng làm cho cuộc sống gia đình càng thêm vững. Chưa khi nào trong đời Partridge cảm thấy hạnh phúc như vậy.
Anh tiếp tục làm phóng viên thường trú của CBA, tại Rome, nơi mà theo lời một đồng nghiệp làm cho hãng CBS đã nói, các phóng viên nước ngoài có thể “sống như vua chúa”. Hầu như ngay sau chuyến đi theo Đức Giáo hoàng trở về, Partridge và Gemma tìm được căn hộ trong một toà nhà cổ xây từ thê kỷ XVI.  Nằm giữa Spanisli Steps và Đài nước phun Trevi, căn hộ có tám phòng và ba ban công. Vào những ngày ấy, các hãng thông tấn xài tiền như nước; các phóng viên tự thuê  lấy nơi ở và hãng sẽ trả lại tiền. Gần đây, do ngân sách có phần eo hẹp và các tay thủ quỷ cứ rền rĩ khi phải chi trả, các hãng cấp nhà cho phóng viên, tất nhiên là chất lượng nhà kém hơn và cũng rẻ hơn.
Khi nhìn qua căn hộ sẽ là nơi ở đầu tiên của hai vợ chồng, Gemma tuyên bố: “Ôi, Harry, tình yêu của em! Thật cứ như thiên đường. Em sẽ biến nơi này thành tổ ấm tuyệt vời của anh” và nàng đã làm được điều ấy.
Gemma rất giỏi làm người khác cười vui và yêu đời. Nàng cũng sắp xếp nhà cửa và nấu món ăn thật tuyệt. Nhưng Partridge cũng nhanh chóng phát hiện ra rằng nàng không thể quản lý tiền bạc hoặc cân bằng thu chi. Khi viết séc, Gemma thường quên không ghi lại trên phần cuống séc, do đó số dư trong tài khoản ngân hàng bao giờ cũng thấp hơn nàng tưởng. Ngay cả khi nàng nhớ ghi đi nữa, thì việc tính toán của nàng cũng không đáng tin cậy – đáng ra phải trừ đi thì nàng lại cộng vào, vì vậy luôn có chuyện giữa nàng và nhà băng. “Harry, - nàng phàn nàn sau khi bị ông quản lý nhà băng lên lớp đến nơi đến chốn, - mấy tay nhà băng chẳng có tình cảm gì cả…Họ… tiếng Anh nói thế nào hả anh?”.
Anh thích chí nói: “Thực dụng phải không?”. “Ôi, Harry, anh thật là thông minh. Đúng vậy”. Gemma cả quyết nói. “các ông chủ nhà băng thật quá thực dụng”.
Partridge tìm ra cách giải quyết dễ dàng. Đơn giản là anh phải nắm phần tài chính của gia đình; việc này xem ra chỉ là phần đóng góp nhỏ nhoi của anh để đổi lấy những điều thú vị mà nay anh có trong cuộc sống của mình.
Ở Gemma còn một vấn đề khác mà anh cần giải quyết tế nhị hơn. Nàng rất thích xe hơi; nàng sử dụng chiếc Alfa Romeo đã cũ và giống như những gười Italia khác, nàng lái xe phóng như điên dại. Ngồi cạnh nàng trong chiếc Alfa hay chiếc BMW của anh mà nàng rất thích lái, nhiều lúc Partridge phải nhắm mắt lại, tin rằng thế nào cũng bị tai nạn. Sau mỗi lần như thế, anh lại ví mình như con mèo đang mất dần chín vía của nó.
Đến khi chỉ còn bốn vía, anh đánh bạo hỏi Gemma xem nàng có nghĩ tới việc thôi lái lấy nữa không. “Anh hỏi vậy vì anh yêu em vô cùng”, anh nói để nàng an tâm; “mỗi khi xa em, anh luôn bị ám ảnh bởi những việc chẳng lành, sợ xe cộ có chuyện và em bị thương lúc anh về”.
Nàng gạt đi vì không hiểu ý anh: “Nhưng Harry, em có làm sao đâu, bởi vì em là người lái xe cẩn thận”.
Đến đó thì Partridge đành phải thôi, nhưng tìm cách thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ấy, có thay đổi trong cách nói là: Ừ thì Gemma đúng là lái xe rất an toàn, nhưng vì tự anh cứ thấy sợ nhũn cả người. Tuy nhiên, anh cũng chỉ nhận được một lời hứa có điều kiện: “Ôi, tình yêu của em, ngay khi em mang thai, em sẽ thôi không tự lái xe nữa. Em thề với anh như thế”.
Điều này nhắc anh nhở đến hai vợ chồng mong muốn có con tới mức nào. “Ít nhất là ba đứa”. Gemma tuyên bố ngay sau khi cưới, và Partridge chẳng có lý do gì để không tán thành.
Trong lúc đó, anh vẫn thường xa Rome để thực hiện các việc lấy tin của CBA, và thời gian đầu Gemma vẫn tiếp tục công việc chiêu đãi viên hàng không của nàng. Nhưng chẳng bao lâu họ thấy việc đó làm họ rất ít gặp nhau, bởi vì đôi lúc Partridge xong công chuyện trở về thì Gemma lại đang trên chuyến bay; những lúc khác lại ngược lại. Chính Gemma lại là người quyết định là nàng phải thôi bay để điều chỉnh cuộc sống của hai vợ chồng.
Thật may mắn là khi nàng xin thôi việc với hãng hàng không Alitalia, hãng đã giao cho nàng các công việc giúp nàng luôn có mặt tại Rome. Cả Gemma và Partridge đều mừng vì từ nay họ có nhiều thời gian bên nhau hơn.
Họ dùng thời giàn rỗi để thăm thú thành Rome, tìm hiểu lịch sử hàng ngàn năm của nó. Kết quả là Partridge phát hiện ra rằng đã thu thập được cả một kho tàng chuyện đáng giá.
“Hoàng đế Angustus, tức là con nuôi của Julius Caesar ấy, Harry ạ, đã dùng nô lệ lập một đội cứu hoả. Nhưng rồi có một đám cháy mà họ không dập tắt được, cho nên ông ta tống hết nô lệ ra, và dùng vigiles,  tức dân tự do, vì họ làm tốt hơn. Đó là vì những người được tự do thực sự muốn dập tắt các đám cháy”.
“Có đúng như vậy không?”, Partridge nghi ngờ hỏi lại. Gemma chỉ cười, nhưng những nghiên cứu về sau đã cho anh thấy là nàng nói đúng, và việc chuyển sang dùng dân tự do làm thợ cứu hoả bắt đầu ở thế kỷ thứ VI sau công nguyên. Sau này, khi Liên hiệp quốc tổ chức một hội thảo về tự do ở Rome mà Partridge phải đưa tin, anh đã khéo léo đưa câu chuyện cổ về thợ cứu hoả vào trong bài viết cho bản tin CBA.
Vào một lần khác, nàng bảo: “Harry ạ, nhà thờ thánh Sistine dùng làm nơi chọn Giáo hoàng mới ấy mà, được đặt tên của giáo hoàng Sixtua IV. Ông này đã cấp giấy phép hành nghề cho các ổ chứa ở Rome, đã có nhiều con trai, trong đó một đứa là với em gái của ông ta. Ông ta đã phong cho ba con trai ông làm Hồng y Giáo chủ”.
Khi công việc và thời gian cho phép, Gemma và Partridge đi xa hơn, tới Florence, Venice và Pisa. Khi đang trên đường từ Florence trở về bằng tàu hoả, Gemma trông nhợt nhạt và mấy lần phải vào nhà vệ sinh. Lúc Partridge tỏ vẻ lo lắng, nàng gạt đi ngay: “Có lẽ em ăn phải thứ gì đó. Đừng lo anh ạ”.
Khi xuống khỏi tàu ở Rome, Gemma trở lại bình thường, nên hôm sau Partridge lại đến văn phòng như thường lệ. Nhưng khi trở về vào buổi tối, anh ngạc nhiên thấy trên bàn ăn có thêm chiếc đĩa nhỏ trong có đựng chìa khoá chiếc Alfa Romeo của Gemma. Anh hỏi tại sao lại như vậy, thì Gemma mỉm cười và bảo: “Em giữ đúng lời hứa”.
Mất một lúc anh vẫn chưa hiểu; nhưng rồi nhớ lại lời nàng “ngay khi em mang thai là em sẽ thôi không tự lái xe nữa”. Lòng anh tràn ngập yêu thương và anh hét lên vui sướng.
Gemma giàn giụa nước mắt sung sướng khi họ hôn và ôm chặt lấy nhau.
Một tuần sau đó, Bản tin của hãng CBA cho Partridge biết anh sẽ không thường trú tại Rome nữa, mà chuyển sang việc khác quan trọng hơn, tức là phóng viên thường trú tại London.
Ý nghĩ đầu tiên của anh là không biết Gemma nghĩ thế nào về việc thuyên chuyển này nhưng thực ra anh đã lo vô ích.
“Tuyệt vời, Harry thân yêu”, nàng bảo anh. “Em yên mến London. Khi còn làm ở Alitalia, em vẫn thường bay đến đó. Ở đó, chúng mình sẽ thoải mái lắm”.
 
°
 
“Đến nơi rồi, thưa ông Partridge”.
Đang ngồi nhắm mắt – mà anh định chỉ một lát thôi -  trong chiếc xe của hãng CBA, Partridge mở choàng mắt. Xe họ đã tới Manhattan, đang ở phố Bốn mươi tám trước khách sạn Intercontinental. Anh cám ơn người lái xe, chúc ngủ ngon, rồi bước vào khách sạn.
Khi ở trong thang máy lên phòng, anh nhận ra đã là ngày thứ hai, bắt đầu của một tuần lễ có thể là rất quan trọng.