Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 7

Ở ban tin CBA, người ta sắp dừng cuộc tìm kiếm một cách có hệ thống các mục quảng cáo đăng trên các báo địa phương trong vòng ba tháng qua.
Khi bắt đầu việc tìm kiếm trước đó khoảng hơn hai tuần, điều quan trọng là xác định xem hang ổ của bọn bắt cóc ở đâu trên đất Mỹ. Lúc ấy, người ta hy vọng là cho dù không tìm thấy các nạn nhân, chí ít cũng có được những chứng cứ cho thấy họ bị đưa đi đâu. Song bây giờ, khi đã biết người nhà Sloane bị bắt cóc hiện ở Peru, mặc dù chỉ có Sendero Luminoso biết chính xác chỗ họ đang bị giam giữ, việc tìm kiếm cơ sở của chúng ở Mỹ xem ra không còn quan trọng nữa.
Tuy vậy, từ góc độ giới làm tin truyền hình, việc phát hiện và chụp ảnh hiện trường vẫn được quan tâm; song liệu điều đó có giúp ích gì lớn không, xem ra cũng giảm dần cùng ngày tháng.
Dẫu sao, cố gắng trên cũng không phải là vô ích. Do đọc báo địa phương, Jonathan Mony đã phát hiện ra tờ tuần báo tiếng Tây Ban Nha Semana, mà tin tức trong đó đã giúp họ lần tới được Alberto Godoy. Việc vặn hỏi Godoy cho họ biết ông ta đã bán quan tài cho ai và xác định đúng được nhân thân tên khủng bố Ulises Rodriguez. Sau đó do sức ép mà Godoy phải cung cấp những chứng cứ giúp họ tìm tới nhà băng American – Amazonas, tới cái chết rõ ràng là do bị sát hại của nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc Jose Antonia Salavery cùng cô bồ của anh ta là Helga Efferen va mối liên hệ của họ ở Peru.
Nói chung, mọi người đều cho rằng chỉ riêng những việc ấy cũng đủ thấy việc tìm qua các mục quảng cáo là việc bõ công làm.
Nhưng tiếp tục nữa liệu có thấy thêm được gì không? Don Kettering, hiện phụ trách nhóm đặc nhiệm của Ban tin CBA không nghĩ như vậy. Chủ nhiệm chính, thành viên của nhóm đặc nhiệm Norman Jaeger cũng vậy. Ngay cả Teddy Cooper, người đề xuất và giám sát chặt chẽ việc tìm kiếm ngay từ đầu cũng thấy không có lý do gì để tiếp tục công việc ấy nữa.
Vấn đề được đưa ra bàn trong cuộc họp của Nhóm đặc nhiệm vào sáng thứ ba.
Kể từ hôm thứ sau, khi CBA công bố tất cả các tin tức liên quan đến vụ bắt cóc, thủ phạm và việc các nạn nhân hiện đang ở Peru, cùng với bản tin cuối cùng tối thứ sáu phát băng ghi hình Jessica và đòi hỏi của Sendero Luminoso, đến nay đã được bốn ngày. Trong thời gian đó, xảy ra việc Theodore Elliott sơ ý để lộ tin ra ngoài, dẫn đến kết quả tai hại là cả thế giới đều biết quyết định mà CBA định giữ kín ít nhất cũng cho tới thứ năm tuần sau. Đáng chú ý là không ai trong Ban tin CBA chê trách tờ Ngôi sao Bantimore vì họ hiểu rằng phóng viên và biên tập của tờ báo này đã làm một việc mà bất cứ hãng tin nào khác, kể cả CBA cũng sẽ làm trong hoàn cảnh đó.
Theodore Elliott không giải thích, cũng chẳng lấy làm tiếc về việc xảy ra.
Hôm thứ bảy, ở Peru, nhóm của Harry Partridge, Minh Văn Cảnh và chuyên viên âm thanh Ken O’Hara được tăng cường thêm Rita Abrams và biên tập viên băng hình Bob Watson. Bản tin tổng hợp đầu tiên của họ được truyền từ Lima hôm thứ hai qua vệ tinh, và được đưa lên đầu  bản tin chiều toàn quốc của CBA tối hôm ấy.
Chủ đề chính do Partridge chấp bút là tình hình đang xấu đi một cách nghiêm trọng ở Peru, cả về kinh tế, pháp luật và trật tự xã hội. Bản tin trích  lời của ông Serge Hurstade phụ trách đài phát thanh Peru, ông chủ bút kiêm chủ báo Esena là Manuel Leon Seminario để minh hoạ cho những điểm trên, cùng với ảnh một đám đông tức giận từ khu ổ chuột đang cướp phá một cửa tiệm bán đồ ăn và chống trả cảnh sát.
Theo lời Hurstade, “Đây là một đất nước dân chủ đầy hứa hẹn, nhưng bây giờ chúng tôi đang lao trên con đường đau khổ tự huỷ diệt, giống như ở Nicaragua, En Xanvado, Venezuela, Colombia và Achentina”.
Còn Seminario thì nêu ra một câu hỏi không thể trả lời được: “Ở xứ Mỹ la tinh  này, cái gì đã làm chúng tôi không bao giờ có được một chính quyền ổn định?”. Rồi ông tiếp tục: “Chúng tôi tương phản một cách đáng buồn với các nước láng giềng khôn ngoan ở phía bắc. Trong khi Canada và Mỹ đã đạt thoả thuận rất văn minh về tự do mậu dịch, làm cho đất nước họ giàu mạnh và ổn định trong nhiều thế hệ tới, thì chúng tôi ở phương nam lại đang phân cực và giết hại lẫn nhau”.
Nhằm giữ mức cân đối của bản tin, theo gợi ý của Partridge, Rita đã cố xin phỏng vấn ghi âm tổng thống Castanheda, nhưng họ từ chối. Thay vào đó, họ đưa một vị bộ trưởng thuộc tuyến hai trong chính phủ là Edonard Loayda ra trả lời phỏng vấn, nói toàn những lời có tính chất trấn an tinh thần. Qua người phiên dịch, ông ta tuyên bố các vấn đề hiện nay ở Peru chỉ là tạm thời. Nền kinh tế đang bị phá sản của nước này sẽ gượng dậy được. Sức mạnh của Sendero Luminoso đang giảm đi, chứ không phải là tăng lên. Và những người Mỹ hiện bị Sendero Luminoso giam giữ sẽ được quân đội, cảnh sát Peru tìm ra và giải thoát.
Những lời nhận xét trên của Loayda được đưa vào bản tin tối thứ hai, song con người và giọng điệu của ông ta, như Rita diễn tả “thối không ngửi được”.
Nhóm phóng viên CBA tại Lima và trụ sở CBA ở New York thường xuyên liên lạc với nhau; Partridge và Rita được thông báo về những diễn biến mới trong nước như việc nhận được băng ghi hình Jessica, những đòi hỏi của Sendero và sự hỗn loạn do Theodore Elliott gây ra. Điểm này làm Partridge ngỡ ngàng và tức giận, vì biện pháp mà anh đang âm thầm thự hiện có khả năng bị phá sản hoàn toàn. Tuy nhiên anh vẫn quyết tâm tiếp tục chiến thuật lúc đầu ấy của anh.
Có lẽ vì mũi nhọn công việc ở CBA đã chuyển từ New York sang Lima, nên trong cuộc họp hôm thứ ba của Nhóm đặc nhiệm, mọi người chú ý nhiều đến vấn đề tương đối nhỏ là việc có tiếp tục tìm qua các mục quảng cáo trên báo nữa không.
Norman Jaeger nói với Leslie Chippingham lúc ấy đến muộn một chút: “Tôi nêu vấn đề này ra vì anh có ý lo về chuyện chi phí xem chừng hơi lớn; song ta có thể dừng lại bất cứ lúc nào”.
“Thôi được rồi!”. Chippingham công nhận. “Song các anh nói đúng, vì vậy ta hãy quyết định xem nên thế nào”. Cái anh không nói ra là bản tin chiều hiện đang được xếp hạng thứ rất cao, nên việc chi phí nhiều hơn số được cấp không làm anh lo lắng nữa. Nếu Margot Lloyd- Mason có la lối, anh chỉ việc vạch cho bà ta thấy một thực tế là dưới thời các chũ tịch hãng trước đây, chưa bao giờ số khán giả xem truyền hình của hãng lại nhiều như bây giờ.
Chippingham hỏi Teddy Cooper: “Teddy, anh thấy thế nào về việc dừng tìm kiếm qua các mục quảng cáo?”.
Ngồi phía bên bàn họp, anh chàng nghiên cứu người Anh cười tươi và nói: “Nghĩ ra việc đó cũng hay đây chứ?”.
“Hay! Chính thế nên tôi mới hỏi ý kiến anh”.
“Kể ra cũng vẫn có thể tìm được thêm nhiều điều khác tựa như khi lật các lá bài, mong vớ được con át, thì tìm được ngay một chú. Tuy nhiên không hoàn toàn dễ như vậy. Nếu ta bỏ, tôi sẽ phải nghĩ ra một kế hay khác”.
“Mà anh ta chắc là sẽ nghĩ ra”, Norm Jaeger bình luận, quay ngoắt một trăm tám mươi độ so với nhận xét lúc đầu của anh ta về anh chàng Teddy Cooper hiếu thắng này.
Cuối cùng mọi người quyết định từ ngày hôm sau sẽ chấm dứt việc tìm kiếm qua quảng cáo.
Thế rồi, sau đó ba tiếng, cứ như trời đất run rủi, cuộc tìm kiếm trên báo đã lần ra được một manh mối quan trọng, mà ngay từ khi bắt đầu mọi người đều hy vọng tìm được nó.
 
°
 
Vào lúc hai giờ chiều, tại phòng họp của Nhóm đặc nhiệm, Teddy Cooper nhận được điện thoại của Jonathan Mony.
Lúc này Mony đảm nhận vai trò giám sát việc tìm kiếm, và trong mười ngày qua, phụ trách tất cả những người mới tham gia việc này. Có nhiều dư luận cho rằng khi công chuyện này kết thúc, Mony sẽ được chính thức tuyển dụng vào làm tại Ban tin tức. Nghe trong điện thoại, cậu ta có vẻ phấn khích, nói không kịp thở.
“Tôi nghĩ đã tìm thấy nó. Anh hoặc ông Kettering có thể tới đây được không?”.
“Tìm thấy gì?”
“Tìm thấy chỗ bọn bắt cóc đã ở, tôi hầu như cầm chắc là thế. Hiện tôi đang ở Hackensack, bang New Jersey. Trên tờ Record là tờ báo ở đây có một mục quảng cáo, chúng tôi theo đó và lần ra được”.
“Chờ một lát”, Cooper bảo. Don Kettering và Norm Jaeger lúc ấy vừa vào. Cooper bỏ ống nghe khỏi tai, tay vung vẩy. “Jonathan gọi. Cậu ta nghĩ là đã tìm ra chỗ bọn bắt cóc”.
Trên bàn cạnh đó có máy điện thoại gắn loa phát. Jaeger ấn nút và loa bắt dầu hoạt động.
“Được rồi, Jonathan”, Kettering bảo. “Nói xem cậu tìm thấy gì”.
Tiếng Mony nghe qua loa rất rõ: “Có một quảng cáo trên tờ Record. Có lẽ khớp với cái ta đang tìm. Tôi đọc anh nghe nhé”.
“Ừ, đọc đi!”.
Ba người nghe tiếng giấy xột xoạt, rồi tiếng Mony tiếp tục báo cáo.
Họ được biết mục quảng cáo này được đăng vào ngày mùng mười tháng tám, tức là một tháng bốn ngày trước khi xảy ra vụ bắt cóc, và cũng trùng với khoảng thời gian bọn chúng theo dõi Sloane trước vụ bắt cóc.
 
TRANG TRẠI HANKENSACK – BÁN HOẶC CHO THUÊ
 
Nhà rộng kiểu cổ trên diện tích ba mẫu Anh, có sáu buồng, khu người làm riêng, thích hợp gia đình đông người, hoặc có thể dùng làm bệnh xá. Có lò sưởi củi, sưởi dầu, điều hoà nhiệt độ. Các khu nhà phụ rất rộng dùng để xe, làm xưởng hoặc chứa gia súc. Địa điểm kín đáo, vắng vẻ. Bán giá phải chăng hoặc cho thuê, có tính đến việc cần sửa chữa đôi chút.
Prandus và Paige
Hãng buôn bán bất động sản và xây dựng
 
Một cô gái trong nhóm phát hiện ra mẩu quảng cáo đó lẫn trong bao nhiêu quảng cáo khác, vì tờ Record có mục quảng cáo bất động sản lớn nhất so với các tờ báo khác ở vùng này. Đọc xong, cô tìm ngay Jonathan Mony lúc ấy dang ở gần đó, có mang theo máy điện đàm loại bỏ túi. Cậu đến gặp cô ta ở văn phòng làm việc của tờ báo, và gọi điện thoại cho hãng buôn bán bất động sản Prandus và Paige.
Lúc đầu, cậu ta cũng không mấy lạc quan. Suốt hai tuần trước đó, đã có nhiều phen mừng hụt kiểu này. Sau những giây phút khấp khởi và lần tìm thêm, kể cả việc đến tận nơi “có khả năng là nó” thì hoá ra lại không phải. Khả năng lần này liệu có khác hơn không, xem ra không lớn.
Cũng như trong các trường hợp khác, lần này khi biết CBA muốn tìm hiểu xem thế nào, hãng bất động sản tỏ thái độ hợp tác và cho họ địa chỉ. Có điều khác hơn là họ cung cấp thêm một vài thông tin: một là, gần như ngay sau khi đăng quảng cáo, có người đến thuê ngay với thời hạn một năm và trả tiền trước luôn một lần. Hai là, gần đây tới kiểm tra, họ thấy ngôi nhà chính và các dãy nhà phụ trống không, người thuê nhà rõ ràng đã bỏ đi.
Một nhân viên trong hãng nói với Mony: “Những người thuê nhà ở đó khoảng một tháng. Sau đó không thấy họ đâu cả, nên chúng tôi không biết họ còn quay lại nữa hay thôi. Lúc này, chúng tôi không biết phải làm gì; nếu các anh có gặp họ, làm ơn báo cho chúng tôi biết”.
Sự chú ý của Mony càng tăng. Cậu hứa sẽ báo cho hãng bất động sản này viết thư. Sau đó, cậu cùng cô gái tới thăm khu nhà nói trên.
“Tôi biết lẽ ra chúng tôi không được tới thẳng chỗ đó”. Cậu nói với Cooper và hai người kia trong điện thoại. “Nhưng đó là quy định trước khi chúng ta biết bọn bắt cóc hiện đang ở Peru. Dù sao chúng tôi cũng tìm thấy một vài cái mà chúng tôi cho là quan trọng, và vì thế tôi quyết định gọi điện báo cáo với anh”.
Cậu ta bảo đang gọi điện từ một tiệm cà phê, cách ngôi nhà hoang khoảng một dặm.
“Trước hết hãy chỉ đường cho bọn tôi”, Kettering bảo. “Rồi quay lại ngôi nhà đó và đợi. Chúng tôi sẽ đến ngay lập tức”.
 
°
 
Một tiếng sau, chiếc xe chuyển tải của CBA chở Don Kettering, Norm Jaeger, Teddy Cooper cùng đội quay gồm hai người chạy vào sân nhà ở Hackensack.
Từ trong xe bước ra, Kettering quan sát các dãy nhà cũ mục nát, rồi bình luận: “Tôi hiểu tại sao quảng cáo lại nói “cần sửa chữa đôi chút”.
Cooper gấp tấm bản đồ anh đã nghiên cứu lại. “Chỗ này cách Larchmont hai mươi lăm dặm. Đúng như ta dự đoán”.
“Đúng như dự đoán của anh”, Jaeger bảo.
Mony giới thiệu cô bạn cùng nhóm, cokie Vale, cô gái tóc hung nhỏ nhắn. Cooper nhận ra cô ta ngay. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với nhóm tình nguyện, chính cô ta là người đã hỏi liệu có đội quay hình khi họ đạt được kết quả như lúc này không.
“Tôi vẫn nhớ câu hỏi của cô”, anh bảo cô và chỉ tay về phía đội quay đang chuẩn bị đồ nghề. “Cô thấy đấy, câu trả lời là “có”.
Cô ta nhìn anh, cười rạng rỡ.
“Cái đầu tiên anh nên xem là ở tầng hai của ngôi nhà chính”. Mony nói.
Theo chân cậu ta, những người khác đi vào ngôi nhà chính trông có vẻ hoang tàn đổ nát, rồi leo chiếc cầu thang rộng, ngoằn ngoèo. Tới gần đầu cầu thang, cô ta mở cửa, đứng lại nhường cho mọi người vào trước.
Căn phòng họ vào hoàn toàn khác hẳn với những gì họ thấy ở xung quanh nhà. Nó sạch sẽ, tường sơn trắng như trong bệnh viện, sàn nhà lát bằng nhựa màu xanh nhạt. Mony bật công tắc đèn nê ông trên trần mà rõ ràng là vừa mới lắp thêm. Mọi người nhìn thấy hai giường bệnh xá, cả hai đều có dây khoá để cột chân tay bệnh nhân. Một giường sắt hẹp, méo mó han gỉ trông khác hẳn hai giường kia. Giường này, cũng có dây khoá như hai giường nọ.
Chỉ chiếc giường sắt, Kettering nói: “Cái này hình như mới thêm vào sau. Căn phòng trông giống như một trạm cứu thương”.
Jaeger gật đầu. “Có thể nó mới được sắp đặt để giam giữ ba người đã bị đánh thuốc mê, trong đó một người chúng không tính trước”.
Mony mở cánh tủ. “Những người ở đây cũng chẳng thèm vứt những thứ trong tủ trước khi bỏ đi”.
Trước mặt họ là mấy loại đồ nghề y tế: kim tiêm, băng, mấy cuộn bông gòn, gạc và hai hộp đựng thuốc còn nguyên chưa mở.
Jaeger nhặt một hộp và đọc to: “Điprivan…. Propofol đó là tên gốc la tinh”. Anh ta đọc hàng chữ ghi rõ trên nhãn thuốc: “Nó ghi: “Thuốc gây mê tiêm mạch”. Rồi nhìn Kettering, anh ta nói: “Không còn chệch vào đâu được: đúng như dự đoán”.
“Tôi dẫn các anh xuống dưới nhà nhé?”, Mony nhắc.
“Ừ, đi đi”, Kettering bảo cậu ta. “Anh là người đã có thời gian xem xét xung quanh”.
Khi vào một nhà phụ, Mony chỉ tay vào chiếc lò sắt đầy tro: “Họ đốt khối thứ ở đây, nhưng nhiều cái vẫn chưa cháy hết”. Cậu ta nhặt một mảnh giấy cháy dở, vẫn còn nhìn rõ tên tờ tạp chí “Caretas”.  “Đó là tạp chí của Peru”, Jaeger nói: “Tôi biết rõ tờ đó”.
Họ qua một căn nhà rộng hơn. Nhìn từ bên trong, rõ ràng đó là xưởng sơn xì. Bọn chúng hầu như cũng không cố dọn sạch căn nhà này. Những hộp sơn, có hộp đang dùng dở, có hộp chưa mở vẫn còn để đấy. Hầu hết các hộp đều mang nhãn “Sơn bóng ô tô”.
Teddy Cooper nhìn các màu sơn: “Các anh có nhớ ta nói chuyện với những người đã thấy bọn theo dõi Sloane chứ? Một số nói thấy chiếc xe màu xanh, nhưng loại xe mà họ nói không có chiếc nào khi ra xưởng lại có màu ấy. Đây này, màu xanh men sứ và cả màu vàng nữa”.
“Đúng chỗ này rồi”, Jaeger nói. “Nhất định thế”.
Kettering gật đầu: “Toi cũng nghĩ vậy. Vậy ta bắt tay vào làm thôi. Chúng ta sẽ đưa chuyện này vào bản tin tối nay”.
“Còn một việc nữa”, Mony bảo. “Cokie phát hiện ra nó ở ngoài kia”.
Lần này đến lượt cô gái tóc hung xinh đẹp dẫn đường. Cô đưa họ tới một bụi cây cách xa ngôi nhà chính và căn nhà phụ, và giải thích: “Cách đây không lâu, có người đã đào bới chỗ này. Sau đó họ cố lấp đất cho phẳng nhưng không được. Cỏ vẫn còn chưa kịp mọc lại”.
Cooper bảo: “Hình như họ hất đất lên và chôn vật gì đó, cho nên không san phẳng được”.
Mọi ngươi đưa mắt nhìn nhau, Cooper có vẻ bồn chồn còn Jaeger ngoảnh nhìn chỗ khác. Nếu chôn, thì chôn cái gì? Xác một người hay nhiều người? Mọi người có mặt đều nghĩ rất có khả năng xảy ra chuyện đó.
Jaeger nói, vẻ do dự: “Chúng ta phải báo cho FBI chuyện này. Có thể chúng ta nên chờ và để họ…”.
Sở dĩ anh nói như vậy, vì sau Bản tin chiều thứ sáu, giám đốc FBI ở Washington đã gọi điện cho Margot Lloyd Mason, cực lực phản đối việc CBA không báo cho FBI biết ngay các sự kiện mới. Một số người ở CBA coi việc đó là nghiêm trọng, có lẽ do tin rằng tổ chức của bà có thể chống chọi được bất cứ sức ép nào của chính quyền và không có chuyện phải ra hầu toà. Bà chỉ báo cho Les Chippingham biết là có chuyện như vậy. Đến lượt ông chủ tịch Ban tin cảnh tỉnh Nhóm đặc nhiệm là cần cho giới chức giữ gìn luật pháp biết tin, trừ phi có lý do bắt buộc để không làm như vậy.
Rõ ràng, vì có những bằng chứng hiển nhiên ở Hackensack liên quan đến vụ bắt cóc, FBI cần được thông báo về phát hiện này, chắc chắn phải trước buổi phát tin tối nay. “Nhất định phải báo FBI rồi”, Kettering nói. “Nhưng trước tiên tôi muốn xem liệu có gì chôn dưới này không”.
“Có mấy chiếc xẻng chỗ lò sưởi”. Mony nói.
“Cậu lấy lại đây”, Kettering bảo cậu ta. “Chúng ta đều khoẻ chân mạnh tay cả. Hãy đào lên xem sao”.
Một lát sau, mọi người thấy chỗ họ đào không phải là mồ chôn người, mà là chỗ chứa các thứ những người thuê nhà vừa rồi vứt đi và có lẽ muốn giấu kín. Có vài thứ vô thưởng vô phạt như đồ ăn, quần áo, các thứ dùng trong nhà tắm và báo chí. Các thứ khác có ý nghĩa hơn như thuốc men mới đưa tới, bản đồ, một vài cuốn sách bìa mỏng bằng tiếng Tây Ban Nha, và các đồ sửa xe.
“Chúng ta biết bọn chúng có cả một đội xe tải và xe con”, Jaeger nói. “Có thể FBI sẽ tìm ra chúng dùng những thứ này vào việc gì, nếu lúc này điều đó còn có ích”. “Tôi thấy những thứ này không có thể giúp ích gì vào lúc này” Kettering phán. “Thôi, ta đi đi”.
Trong khi họ đào bới, đội quay bắt đầu làm việc, trước tiên họ thu tiếng Cokie Vale tả lại việc cô tìm kiếm các mục quảng cáo thế nào, và tại sao họ lại tìm đến được ngôi nhà ở Hackensack. Trước ống kính máy quay, cô hành động rất tự nhiên, diễn đạt mạch lạc và tiết kiệm lời. Sau đó cô thú nhận đó là lần đầu tiên cô xuất hiện trên truyền hình. Song những người quan sát cô thì cảm thấy đó sẽ không phải là lần cuối cùng.
Mọi người thấy Jonathan Mony cũng đang được thu hình và đã mô tả lại căn phòng trên tầng hai là nơi chắc chắn bọn bắt cóc đã giam giữ ba nạn nhân. Cậu cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ.
“Nếu cố gắng này của chúng ta chẳng thu được gì thêm”, Jonathan nói với Don Kettering, “ít ra nó cũng giúp ta phát hiện được những khả năng mới”.
Sau khi từ trong nhà ra, Mony lại leo xuống hố đào tiếp thì Kettering quyết định thôi. Lúc sắp sửa trèo lên, Mony cảm thấy giẫm lên vật gì đó cưng cứng, liền lấy xẻng đào thử. Một lúc sau, cậu lôi ra được một vật, liền gọi: “Các anh nhìn này!”.
Đó là chiếc máy điện thoại di động bọc trong vải.
Đưa chiếc điện thoại cho Cooper, Mony bảo: “Tôi nghĩ dưới ấy còn nữa”.
Không phải chỉ một, cậu còn tìm thêm được bốn cái. Họ đặt tất cả sáu chiếc cạnh nhau.
“Bọn thuê chỗ này không phải là thiếu tiền”, Cokie nhận xét. “Có thể là tiền do buôn bán ma tuý; dẫu sao chúng cũng có nhiều đấy”. Don Kettering nói với cô ta. Anh nhìn mấy cái máy với vẻ suy nghĩ. “Nhưng có thể, chỉ là có thể thôi nhé, là chúng ta sẽ lần ra được”.
Jaeger hỏi: “Họ có hồ sơ lưu về tất cả các máy điện thoại di động không?”.
“Có chứ”, Kettering, vốn là phóng viên phụ trách mảng tin kinh doanh, mới đây vừa viết một bài dài về thị trường điện thoại không dây di động đang phát đạt, trả lời chắc như đinh đóng cột. “Họ còn vô khối hồ sơ lưu, kể cả tên người đặt điện thại loại thông thường, cùng địa chỉ gữi hoá đơn thanh toán. Dùng máy loại này, nhất định bọn chúng phải có kẻ đồng loã ở địa phương”. Anh quay sang nói với Cooper “Teddy, trên mỗi máy sẽ có ghi số hiệu của vùng, sau đó là số máy thường dùng như máy ở nhà hoặc ở văn phòng vậy”.
“Tôi hiểu rồi”, Cooper trả lời. “Anh có muốn tôi ghi lại các số ấy không?”.
“Vâng”.
Trong khi Cooper thử quay số, họ tiếp tục quay ngôi nhà chính và các nhà phụ. Phóng viên đưa tin tại chỗ là Kettering. Anh đứng trước ống kính và nói:
Có thể có người cho rằng việc tìm ra chỗ ẩn náu ở Mỹ mà bọn bắt cóc đã bỏ, vào lúc này là quá ít và quá muộn. Có thể là như vậy. Nhưng rồi đây FBI và những người khác sẽ sàng lọc những bằng chứng tìm được ở đây, trong khi cả thế giới sẽ nóng lòng theo dõi và tiếp tục hy vọng.
Don Kettering hãng CBA, Hackensack, New Jersey.
Trước khi ra về, họ ghé vào trụ sở cảnh sát địa phương, yêu cầu họ báo tin cho FBI.
 
°
 
Ngay cả trước khi Bản tin chiều toàn quốc được phát, Kettering vẫn còn gọi điện cho một người bạn có vai vế trong NYNEX, là công ty quản lý toàn bộ hệ thống điện thoại ở New York và New Jersey. Cầm bản danh sách các số máy mà Teddy Cooper ghi lại, Kettering giải thích rõ điều anh muốn biết là tên và địa chỉ của (những) người thuê bao những máy này, cùng với danh sách những lần gọi đi hoặc gọi tới những số máy ấy trong hai tháng vừa qua.
Bạn anh, phó chủ tịch điều hành của công ty nói với anh: “Tất nhiên anh thừa biết, cho anh những thông tin đó không những là vi phạm quyền riêng tư của mỗi người, mà còn là hành động phạm pháp và tôi có thể mất việc. Nếu như anh là một nhân viên điều tra và có giấy tống đạt của toà thì lại là chuyện khác”.
“Cái đó thì tôi không có và không thể có đâu”, Kettering trả lời. “Nhưng tôi dám đánh cuộc là ngày mai thế nào FBI cũng sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin đó, và chắc chắn họ sẽ có. Tôi muốn biết câu trả lời trước họ”.
“Ôi, lạy Chúa! Tại sao tôi lại giao du với một nhân vật như anh cơ chứ?”.
“Tại anh hỏi tôi mới nhớ là anh cũng đã nhờ CBA giúp đỡ một đôi lần và tôi đã giúp anh. Thôi nào! Chúng ta tin nhau từ hồi ở trường thương mại đến giờ và có bao giờ phải hối tiếc vì chuyện đó đâu”.
Có tiếng thở dài ở đầu dây bên kia. “Cho tôi những số máy chết tiệt ấy!”.
Sau khi Kettering đọc số máy, bạn anh nói tiếp: “Anh nói ngày mai FBI sẽ hỏi. Tức là anh muốn biết câu trả lời ngay tối nay?”.
“Đúng vậy, nhưng tốt nhất là trước mười hai giờ. Anh có thể gọi số máy ở nhà tôi. Anh có đấy chứ?”.
“Thật không may, tôi lại có”.
Bạn anh gọi lại lúc mười hai giờ kém mười lăm. Don Kettering ở lại làm việc rất muộn ở CBA, vừa mời về tới nhà ở phố Bảy mươi bảy khu Đông, Aimee vợ anh, nghe  máy, rồi đưa ống nghe cho anh.
“Tôi theo dõi mục tin tối nay của anh”, anh bạn ở NYNEX bảo anh. “Tôi chợt nghĩ những số của máy mà anh đưa tôi là số máy bọn bắt cóc sử dụng”.
“Có vẻ là vậy”. Kettering thừa nhận.
“Nếu đúng thế, ước gì tôi giúp anh được nhiều hơn. Song lúc này không  nhiều lắm đâu. Trước hết, các số máy trên đều đứng tên một người là Helga Efferen. Tôi có cả địa chỉ”.
“Chắc không phải địa chỉ mới – Cô gái đó chết rồi. Bị giết. Tôi hy vọng cô ta không còn nợ nần gì anh chứ?”.
“Lạy Chúa! Bọn phóng viên các anh máu lạnh thật đấy”. Ngừng một lát, anh ta nói tiếp: “Về chuyện tiền nong, thực ra lại ngược lại. Sau khi thuê bao các số này, người nào đó đã trả trước vào tài khoản mỗi máy năm trăm đôla, tổng cộng sáu mày là ba ngàn đôla. Chúng tôi không đòi hỏi, nhưng trong tài khoản ghi là tiền đặt cọc”.
Kettering bảo: “Tôi đoán những người sử dụng máy không muốn công ty gửi hoá đơn đòi thanh toán, hoặc hỏi han lôi thôi trước khi họ an toàn rời khỏi nước này”.
“Lý do gì đi nữa, phần lớn số tiền vẫn còn ở đó. Họ mới dùng chưa hết một phần ba, bởi vì chỉ có sáu máy đó gọi cho nhau, chứ không gọi máy nào khác, trừ một lần duy nhất. Các máy trong khu vực gọi cho nhau đều phải trả tiền, nhưng không nhiều như lần gọi ấy”.
“Tất cả cho thấy bọn bắt cóc có tổ chức và kỷ luật”, Kettering xác nhận. “Nhưng anh bảo trừ có một lần?”. “Đúng thế, vào hôm mười ba tháng mười, gọi điện quốc tế trực tiếp qua Peru”.
“Đó là ngày trước hôm xảy ra vụ bắt cóc. Anh có số máy đó không?”.
“Tất nhiên có. Đó là 001, tức là số xin đăng ký gọi quốc tế; 51 là số ký hiệu Peru, rồi 14-28-9427. Các nhân viên nói với tôi số 14 là Lima. Còn chính xác là ở đâu thì anh phải tự tìm lấy”.
“Nhất định rồi. Cám ơn anh!”.
“Hy vọng thông tin của tôi giúp ích anh phần nào. Chúc anh may mắn”.
Mấy phút sau, xem trong sổ tay, Kettering gọi điện thoại theo số 011-51-14-44-1212.
Vừa nghe đầu kia trả lời: “Buenas tardes, khách sạn Cesar”, Kettering bảo: “Cho tôi nói chuyện với ông Harry Partridge”.