Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 13

Trong cái ngày thứ sáu bận rộn ấy, Partridge không hề biết cuộc khủng hoảng ở New York liên quan đến anh.
Sáng thứ hai, khi đang ăn sáng tại nhà, Margot Lloyd Mason nhận được điện thoại báo là Theodore Elliott muốn gặp bà “ngay lập tức” tại trụ sở tổ hợp Globanic ở Pleasantville. Sau khi hỏi lại, “ngay lập tức” được ấn định vào lúc mười giờ sáng. Cô thư ký ở Pleasantville thông báo đây là cuộc gặp đầu tiên trong ngày của ông chủ tịch Globanic.
Sau đó, Margot gọi một trong hai cô thư ký ở nhà, chỉ thị cho cô huỷ bỏ hoặc chuyển lại giờ các cuộc gặp gỡ của bà sáng hôm ấy. Bà không biết theo Elliott muốn gì.
Tại trụ sở Globanic, Margot phải ngồi đợi mấy phút tại phòng khách sang trọng của các uỷ viên hộ đồng chấp hành cao cấp, không biết rằng bà đang ngồi đúng chiếc ghế mà trước đó bốn ngày, phóng viên Glen Dawson của tờ Ngôi sao Bantimore đã ngồi.
Khi Margot bước vào phòng chủ tịch, Elliott không phí thời gian chào hỏi xã giao, mà hỏi ngay: “Tại sao bà không kiểm soát chặt chẽ lũ phóng viên khốn kiếp của bà ở Peru?”.
Margot giật mình hỏi: “Kiểm soát cái gì? Mọi người đều khen các bài viết từ đó gửi về. Và xếp thứ hạng…”. “Tôi đang nói về những tin thất thiệt; toàn một màu đen cơ”. Elliott đập mạnh tay xuống bàn. “Tối qua, tôi nhận được điện thoại trực tiếp của tổng thống Castaneda từ Lima. Ông ta cho rằng tất cả tin tức mà CBA đưa về Peru đều tiêu cực và mang tính phá hoại. Ông ta tức điên lên vì cái hãng tin của bà. Tôi cũng vậy!”.
Margot đáp, giọng phải chăng: “Các hãng khác và tờ Thời Báo New York cũng đưa những tin gần đúng như vậy, Theo ạ”.
“Đừng nói với tôi về các hãng khác! Tôi đang nói về chúng ta kìa. Ngoài ra, có vẻ như tổng thống Castadena nghĩ tình trạng hiện nay là CBA bắt nhịp những hãng khác đi theo. Ông ta nói với tôi như vậy đấy”.
Cả hai vẫn còn đang đứng. Elliott, mặt đỏ bừng vì tức giận, không mời Margot ngồi. Margot hỏi: “Có chuyện gì cụ thể không?”.
“Bà nói đúng, có đấy!”. Ông chủ tịch Globanic chỉ tay vào khoảng năm sáu chiếc băng video trên bàn. “Sau khi tổng thống gọi cho tôi tối qua, tôi cho người đến lấy những băng ghi chương trình tin phát trong tuần này. Sau khi xem tất cả các băng, tôi hiểu Castaneda muốn nói gì. Các chương trình toàn những tin tức tồi tệ, về việc tình hình càng ngày càng xấu đi ở Peru. Chẳng có tin nào tích cực cả! Không tin nào nói Peru có tương lai xán lạn trước mắt hay đó là nơi đi nghỉ tuyệt diệu, hoặc cái bọn phiến loạn “Con đường sáng” điên khùng chẳng bao lâu sẽ bị đánh bại”. “Theo, mọi người đều nhất trí cho là chúng sẽ không bị đánh bại đâu”.
Elliott giận dữ nói tiếp như thể không nghe thấy lời bà: “Tôi có thể hiểu tại sao tổng thống Casteneda điên tiết, một điều Globanic lẽ ra không được để xảy ra, và bà thừa hiểu tại sao. Tôi đã báo trước cho bà việc đó, nhưng rõ ràng, bà đã không chịu nghe. Còn việc này nữa, Fossie Xenos cũng tức điên người. Thậm chí anh ta còn nghĩ bà có ý phá hoại hợp đồng lớn chuyển nợ thành bất động sản của anh ta”.
“Chuyện tầm bậy, và tôi chắc là ông biết điều đó. Song có lẽ ta có thể làm việc gì đó để cứu vãn tình thế”. Margot đang nghĩ rất nhanh, nhận thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn lúc đầu bà tưởng. Bà cũng nhận ra rằng tương lai của chính bà ở Globanic có thể dễ dàng bị ảnh hưởng. “Tôi sẽ nói chính xác việc bà phải làm”, giọng Elliott trở nên nghiêm khắc: “Tôi muốn cái tay phóng viên phá thối Partridge ấy bị lôi về trong chuyến máy bay tới và đuổi hắn ngay khỏi hãng”.
“Chắc chắn tôi có thể triệu hồi anh ta, nhưng không chắc về việc thải hồi anh ta”.
“Tôi nói là “đuổi ngay”! Sáng nay bà có vẻ nặng tai hay sao, Margot. Tôi muốn đuổi thằng con hoang ấy khỏi CBA, để thứ hai tới, việc đầu tiên là tôi gọi điện cho tổng thống Peru và nói: “Này ông! Tôi đã tống khứ cái thằng gây rối ấy đi rồi. Chúng tôi lấy làm tiếc đã cử hắn sang nước ông. Đó là một sai lầm tệ hại, song từ nay về sau sẽ không còn chuyện như thế nữa”.
Lường trước những khó khăn bà sẽ gặp tại CBA, Margot đáp: “Theo, tôi cần phải nói rõ rằng Partridge đã làm việc cho hãng từ lâu. Có lẽ phải tới gần hai mươi lăm năm và có nhiều đóng góp tốt”.
Elliott mỉm cười tinh quái: “Vậy hãy tặng thằng chó đẻ ấy chiếc đồng hồ vàng. Tôi không cần biết, miễn là tống cổ hắn đi, để thứ hai tới tôi có thể gọi điện như tôi đã nói. Và tôi còn phải báo trước cho bà một việc nữa, Margot ạ!”.
“Việc gì thế, Theo?”.
Elliott tới ngồi sau bàn làm việc của ông ta. Vẫy tay mời Margot ngồi, ông ta nói: “Tôi muốn nói, nghĩ rằng bọn nhà văn hay nhà báo là những người đặc biệt là rất nguy hiểm. Bọn chúng chẳng có gì đặc biệt, nhưng đôi khi chúng tin là thế, và đánh giá quá cao về vai trò quan trọng của chúng. Thực ra thì thiếu giống gì cái bọn viết lách ấy. Cắt đi một, hai thằng khác lại mọc lên, như cỏ dại ấy mà”.
Thích chí vì chủ đề của mình, Elliott nói tiếp: “Những người như tôi và bà mới đáng được kể đến trên đời này, Margot ạ. Chúng ta là những người hành động, những người làm cho sự vật tiến triển hàng ngày. Vì vậy, chúng ta có thể mua được bọn ấy khi nào chúng ta muốn, và đừng bao giờ quên điều này! Với cái giá một xu hai thằng như người Anh nói. Vì thế, khi đã tống cổ cái thằng viết thuê hết hơi như Partridge bà hãy kiếm một thằng mới, một thằng nhãi ranh mới ở trường ra, như kiểu ta mua bắp cải ấy”.
Margot mỉm cười, rõ ràng là cấp trên của bà đã qua cơn giận dữ nhất. “Đó là một quan niệm hay!”.
“Bà áp dụng đi. Và còn một việc nữa”.
“Tôi vẫn đang nghe ông nói”.
“Đừng nghĩ rằng những người thuộc Globanic, trong đó có tôi, không biết rằng bà, Leon Ironwood và Fossie Xenos đang lừa miếng nhau, người nào cũng hy vọng sẽ có ngày ngồi vào vị trí của tôi hiện nay. Mà tôi phải nói với bà, Margot ạ, là giữa bà và Fossie, sáng nay Fossie tỏ ra trội hơn bà đấy”.
Ông chủ tịch vẫy tay ra ý kết thúc câu chuyện. “Tất cả là vậy. Gọi điện cho tôi hôm nay khi cái vụ Peru ấy xong xuôi”.
 
°
 
Cuối buổi sáng hôm đó, từ văn phòng của bà ở Stonehenge Margot gửi giấy báo cho Les Chippingham, ông chủ tịch Ban tin phải đến gặp bà “ngay lập tức”.
Bà không thích việc sáng nay bị triệu đi; bà thích triệu người khác đến gặp bà. Bà cảm thấy hài lòng về tình huống ngược lúc này.
Margot, cũng không thích cái lối Elliott nói về việc Fossie “trội hơn bà”. Nếu cái thế tương đối ấy là thực, bà nghĩ, thì bà sẽ nhanh chóng lật ngược thế cờ. Margot không định để những toan tính về sự nghiệp của mình bị đảo lộn bởi cái bà chỉ coi là vấn đề nhỏ về tổ chức, có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm.
Vì thế, khi Les Chippingham vừa tới vào khoảng giữa trưa, bà đi ngay vào vấn đề như Theo Elliott đã làm với bà.
“Tôi không muốn bàn cãi gì hết”, bà tuyên bố. “Đây là tôi ra lệnh cho anh”. Rồi bà nói tiếp: “Chấm dứt ngay việc sử dụng Harry Partridge. Tôi muốn anh ta rời khỏi CBA vào ngày mai. Tôi biết anh ta có hợp đồng làm việc, nhưng bằng cách nào đó anh phải huỷ bỏ nó ngay. Anh ta còn phải rời khỏi Peru, tốt nhất là vào ngày mai, nhưng không chậm quá chủ nhật. Nếu phải thuê bao cả chuyến máy bay, anh cứ việc làm”.
Chippingham há hốc mồm, dán mắt nhìn bà ta với vẻ không tin. Được một lúc, không biết trả lời sao, ông ta nói: “Bà nói đùa!”.
Margot đáp, giọng kiên quyết: “Tôi nói nghiêm tuc và tôi đã bảo không bàn cãi”.
“Dẹp cái đó đi”, ông cao giọng vì xúc động. “Tôi sẽ không đứng yên nhìn một trong những phóng viên giỏi nhất, đã phục vụ tốt hãng này hơn hai mươi năm, bị đẩy ra mà không có lý do gì”.
“Lý do gì không phải việc của anh”.
“Tôi là chủ tịch Ban tin, đúng không? Margot, mong bà xem xét lại. Mà lạy Chúa, Harry đã làm gì cơ chứ? Một việc tồi tệ à? Nếu vậy, tôi muốn biết việc đó”.
“Nếu quả thực anh muốn biết, thì đó là vấn đề tin mà anh ta đưa”.
“Chắc chắn đó là những tin khá nhất. Trung thực, hiểu biết, không thiên vị. Bà cứ hỏi mọi người xem”.
“Tôi không cần phải làm điều ấy. Dù sao, không phải ai cũng đồng ý với anh”.
Chippingham nhìn bà ta, vẻ ngờ vực. “Đây là tác phẩm của Globanic phải không?”. Ông đoán bằng trực giác: “Của ông bạn của bà, lão bạo chúa tàn ác Theo Elliott ấy!”. “Anh nói năng cẩn thận”, bà ta cảnh cáo và quyết định cuộc nói chuyện như thế là đủ.
“Tôi không định giải thích gì thêm”, Margot lạnh lùng nói, “song tôi phải nói với anh điều này: Nếu lệnh của tôi không được thi hành vào cuối giờ làm việc ngày hôm nay, anh cũng sẽ mất việc và đến mai tôi sẽ cử người khác làm quyền chủ tịch Ban tin và họ sẽ phải thi hành lệnh đó”.
“Bà thực sẽ làm điều đó?”, ông ta nhìn bà với vẻ ngạc nhiên và căm ghét.
“Đừng lầm tưởng, đúng, tôi sẽ làm điều đó. Và nếu anh còn muốn ở lại làm việc, hãy báo cáo tôi vào buổi chiều nay là điều tôi muốn đã được thực hiện. Bây giờ mời anh ra khỏi đây”.
Chippingham đi rồi, Margot hài lòng nhận thấy khi cần thiết, bà cũng có thể cứng rắn được như Theo Elliott.
 
°
 
Trở lại trụ sở Ban tin CBA, vì không muốn quyết định ngay, Les Chippingham giải quyết luôn một vài công việc vặt tới gần ba giờ chiều mới chỉ thị cho cô thư ký là sẽ không tiếp ai và không trả lời điện thoại cho tới khi có lệnh mới. Ông cần có thời gian để suy nghĩ.
Đóng chặt cửa phòng, ông ngồi xuống dãy bàn họp cách xa bàn làm việc của ông, đối diện với một trong những bức hoạ mà ông ưa thích – một vùng đất cô quạnh của Andrew Wyeth. Song hôm nay, Chippingham như không thấy bức ảnh; tâm trí ông tập trung vào cái quyết định quan trọng mà ông sắp phải có.
Ông biết ông đã tới điểm khủng hoảng trong cuộc đời.
Nếu làm như Margot ra lệnh là buộc Harry Partridge thôi việc mà không có lý do rõ ràng, ông sẽ tự hạ thấp lòng tự trọng của mình; ông sẽ làm một việc đáng hỗ thẹn và không công bằng đối với một người bạn, một người đồng nghiệp, một con người đứng đắn tay nghề giỏi và được kính trọng, chỉ để thoả mãn ý muốn ngông cuồng của người khác. Ông không biết người khác đó là ai, ý muốn ngông cuồng đó là gì, nhưng ông tin cuối cùng ông và mọi người cũng sẽ tìm ra. Còn lúc này, ông nghĩ thế nào Theodore Elliott cũng có dính dáng, và xem xét qua phản ứng của Margot ông tin là mình đoán đúng.
Liệu Les Chippingham có chấp nhận làm điều đó không? Đối chiếu với những tiêu chuẩn mà ông theo suốt cả cuộc đời, ông không thể làm như vậy được.
Song mặt khác, và quả là còn một mặt khác, là nếu ông, Les Chippingham không làm, sẽ có  người khác làm việc ấy. Margot đã nói rất rõ. Và bà ta sẽ chẳng khó khăn gì không tìm được người khác. Chắc chắn là như vậy, vì những kẻ tham vọng chẳng thiếu gì, kể cả trong Ban tin CBA.
Như vậy, dẫu sao chăng nữa sự nghiệp của Partridge cũng tiêu tan, ít ra là ở CBA, điều quan trọng là ở điểm đó.
Khi có tin, mà hẳn là sẽ rất nhanh, là Harry Partridge đi khỏi CBA và chưa làm cho ai, anh sẽ không bị thất nghiệp tới mười lăm phút. Các hãng khác sẽ đổ xô nhau mời anh làm cho họ. Harry là một “ngôi sao”, một “tay anh chị” có tiếng là tử tế, nên với anh có đi khỏi CBA cũng chẳng hại gì. Không gì có thể đánh quỵ được Harry Partridge. Thực tế, với một hợp đồng mới ở một hãng mới, có lẽ lại là tốt cho anh hơn.
Nhưng còn một ông chủ tịch Ban tin bị mất việc thì sao? Đó lại là chuyện hoàn toàn khác, và Chippingham biết rõ hoàn cảnh của mình nếu Margot làm như bà ta nói mà ông tin là bà ta sẽ làm, nếu ông không theo ý muốn của bà ta.
Là chủ tịch Ban tin, ông cũng có một hợp đồng làm việc, và sẽ được nhận khoảng một triệu đôla nếu hợp đồng bị huỷ sớm. Một triệu nghe có vẻ to, nhưng thực ra lại không phải như thế. Một khoản khá lớn sẽ phải dùng để trả thuế. Và rồi các chủ nợ cũng sẽ cấu xé phần còn lại, vì ông nợ rất nhiều. Còn được chút nào, các luật sư giải quyết đơn li dị của Stasia sẽ thèm thuồng nhòm ngó. Cuối cùng là, ông sẽ rất ngạc nhiên nếu còn lại được số tiền đủ cho hai người ăn tối ở hiệu Bốn Mùa!
Rồi lại còn vấn đề kiếm đâu ra việc làm. Không như Partridge, các hãng khác sẽ không chạy theo ông. Một lý do là mỗi hãng chỉ có một chủ tịch Ban tin, mà ông thì không nghe có hãng nào khuyết chân ấy. Ngoài ra, các hãng muốn những ông chủ tịch tin thành đạt, chứ đâu phải người bị mất việc trong những hoàn cảnh rất đáng ngờ. Các vị cựu chủ tịch ban tin chưa có việc vẫn còn sờ sờ ra đó!
Tựu trung là ông sẽ phải bằng lòng với một công việc thấp hơn, và hầu như chắc chắn là với số tiền ít hơn nhiều; thế mà Stasia vẫn sẽ muốn chấm mút vào đó nữa.
Viễn cảnh chẳng hay ho gì. Trừ phi - trừ phi ông làm điều Margot muốn.
Nói theo ngôn ngữ kịch, ông nghĩ, những việc ông làm sắp làm lột đi từng lớp của tâm hồn, nhìn sâu vào trong và không thích những gì mình thấy.
Song kết luận không tránh khỏi là: trong cuộc đời, có những lúc phải nghĩ đến việc tự bảo tồn trước hết. Harry, tôi ghét phải làm việc này, ông thầm nhủ, nhưng tôi không còn cách nào khác nữa.
 
°
 
Mười lăm phút sau, Chippingham đọc lại bức thư ông tự đánh lấy trên chiếc máy chữ thường cũ rích hiệu Underwood mà ông vẫn giữ trên bàn làm việc như một kỷ niệm thuở xưa.
Bức thư viết:
Harry thân mến,
Tôi rất lấy làm tiêc phải báo với anh là hợp đồng làm việc vói CBA của anh bị huỷ bỏ và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo điều khoản hợp đồng với CBA…
Vì gần đây đã có dịp xem lại, ông biết hợp đồng của Partridge có điều khoản “cho nghỉ có lương”, tức là nếu hãng huỷ bỏ hợp đồng, nó buộc phải trả số tiền từ lúc đó cho đến khi hết hợp đồng. Trong trường hợp Partridge, thời gian đó là một năm.
Cũng trong hợp đồng, có điều khoản “không gây tranh chấp” quy định rằng khi chấp nhận “nghỉ có lương”, Partridge đồng ý không làm cho một hãng khác ít nhất là trong vòng sáu tháng.
Trong thư, Chippingham lờ điều khoản “không gây tranh chấp” đi, để Harry Partridge vẫn được lãnh đủ số tiền hãng trả, nhưng tự do nhận việc làm ngay ở một hãng khác. Chippingham tin rằng, trong những hoàn cảnh như thế này, đó là điều ít ra ông cũng giúp được Harry.
Ông định gởi thư qua Lima bằng máy fax. Ở phòng ngoài có máy và ông sẽ tự mình gửi đi. Theo phản xạ tự nhiên, ông lật úp lá thư xuống.
Crawford Sloane bước vào. Anh đang cầm trên tay tờ tin điện. Anh nói, giọng nghẹn ngào, nước mắt chảy dài trên má. “Leslie”, Sloane nói. “Tôi cần gặp anh. Tin này vừa mới đến”.
Anh đưa tờ tin điện. Chippingham cầm đọc. Nó đưa lại tin của tờ diễn đàn Chicago từ Lima nói về việc tìm thấy đầu của Angus Sloane.
“Ôi, lạy Chúa! Crwaf, tôi…”, không thể nói hết câu, Chippingham lắc đầu, rồi dang rộng hai tay, và hai người bất giác ôm chặt nhau.
Buông tay ra, Sloane nói: “Đừng nói gì thêm. Tôi không dám chắc là tôi có thể làm nổi. Tôi không thể xuất hiện trong bản tin tối nay. Tôi đã nói mọi người gọi Teresao Toy”
“Đừng nghĩ đến việc ấy, Crawf!” Chippingham bảo. “Chúng tôi sẽ lo liệu”.
“Không!”, Sloane lắc đầu. “Còn việc nữa, tôi phải làm. Tôi muốn thuê một chếc Learjet đi Lima. Tôi phải tới đó, khi vẫn còn khả năng cứu Jessica và Nicky”.
Sloane ngừng lại, cố trấn tỉnh, rồi nói thêm: “Trước hết tôi trở lại Larchmont, rồi ra sân bay Teterboro”.
Chippingham hỏi, giọng lưỡng lự: “Anh chắc vậy sao, Crawf? Làm vậy có phải là khôn ngoan không?”.
“Tôi sẽ đi, Leslie ạ”, Sloane trả lời. “Đừng có ngăn cản tôi. Nếu CBA không chi, tôi sẽ trả tiền thuê máy bay”. “Không cần phải thế. Tôi sẽ ra lệnh thuê máy bay”. Chippingham đáp.
Sau đó, ông lệnh thuê máy bay. May bay sẽ rời Teterboro tối hôm đó và sẽ tới Peru vào sáng hôm sau.
Vì cái tin đau đột ngột về cái chết của Angus Sloane, mãi tới gần hết buổi chiều Chippingham mới ký và gửi bức thư bằng đường fax qua Lima. Sau khi cô thư ký đã ra về, Chippingham gọi số fax ở Entel Peru, ở đó người ta sẽ chuyển về phòng dành cho CBA trong cùng nhà. Ông cũng đánh thêm mấy chữ, yêu cầu cho bức thư vào phong bì và đề địa chỉ “Ông Harry Partridge” cùng chữ “thư riêng”.
Chippingham đã tính báo cho Crawford Sloane về chuyện bức thư, nhưng sau ông nghĩ cả tuần Crawf bị choáng như thế đã đủ lắm rồi. Ông biết Crawf cũng như Partridge sẽ rất tức giận, và nghĩ thế nào họ cũng công phẫn gọi điện đòi giải thích lý do. Nhưng đó là chuyện ngày mai, và Chippingham sẽ phải lựa cách  mà trả lời cho êm.
Cuối cùng Chippingham gọi điện cho Margot Lloyd- Mason, lúc ấy là sáu giờ mười lăm phút, song bà ta vẫn còn ở văn phòng. Trước tiên ông thông báo: “Tôi đã làm việc bà yêu cầu”, sau đó báo tin về cái chết của ông bố Crawford Sloane.
“Tôi có nghe”, bà ta trả lời, “và rất lấy làm tiếc. Về việc kia, anh cũng kịp làm vào phút chót và tôi đã bắt đầu nghĩ anh sẽ không gọi. Dù sao cũng cảm ơn anh”.