Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 10

Trong suốt những ngày chờ đợi, ngày nào Crawford Sloane cũng bị thôi thúc bởi ý muốn gọi điện cho Harry Partridge ở Peru và hỏi: “Có tin gì mới không?”. Song anh cố kìm lại, vì biết rằng, nếu có tin gì mới, anh cũng sẽ được thông báo ngay. Vả lại, anh cũng thấy điều quan trọng là để Partridge không bị phân tán tư tưởng và tự do làm theo cách của mình. Sloane vẫn tin ở Partridge hơn bất cứ ai khác, nếu người đó được phái sang Peru làm chuyện này.
Anh kìm mình không gọi cũng còn một lý do khác: Partridge là một người chu đáo; nhiều lúc đêm khuya hoặc sớm tinh mơ, anh ta đã ghé thăm Sloane ở Larchmont để thông báo cho anh về sự tiến triển của tình hình.
Nhưng đã mấy ngày không có điện từ Peru gọi về, và mặc dù thất vọng, Crawford Sloane nghĩ chắc không có tin gì mới để chuyển về. Song anh đã lầm.
Điều anh không biết, và không thể biết được là Partridge đã đi đến kết luận rằng, việc liên lạc giữa Lima và New York dù qua điện thoại, vệ tinh viễn thông hay bằng thư từ đều không còn bảo đảm an toàn nữa. Sau cuộc phỏng vấn tướng Ortiz trong đó ông tư lệnh cảnh sát chống khủng bố nói toạc ra rằng mọi hành động của Partridge đều bị theo dõi, anh cho rằng có thể chúng nghe trộm điện thoại và kiểm tra các thư từ của anh. Các buổi truyền qua vệ tinh ai cũng có thể ghi lại được, miễn là có thiết bị thích hợp, và dù có sử dụng đường điện thoại riêng cũng không đảm bảo bí mật.
Một lý do khác làm anh phải thận trọng là hiện giờ ở Lima, các phóng viên kéo đến rất đông, trong đó có cả các nhóm truyền hình từ các hãng khác, thi nhau đưa tin về vụ bắt cóc người nhà Sloane và săn tìm chứng cứ mới. Cho tới giờ, Partridge vẫn tránh không chạm trán với cánh báo chí, song vì CBA đã rất thành công trong các tin đưa, nên anh biết mọi người đang quan tâm đến việc anh đi đâu, và gặp gỡ những ai.
Vì những lý do trên, anh quyết định không thảo luận, nhất là qua điện thoại, việc anh tới căn phòng ở phố Huancavelia và những điều anh đã thu thập được. Anh ra lệnh cho các thành viên khác trong nhóm tuân thủ nguyên tắc ấy, đồng thời cũng báo trước là chuyến đi mà họ đang chuẩn bị tới Nueva Esperanza cần phải giữ tuyệt đối bí mật. Ngay cả CBA ở New York cũng phải đợi, họ sẽ báo sau.
Vì thế, vào buổi sáng thứ năm, ở New York, Crawford Sloane tới trụ sở CBA lúc mười một giờ kém năm, chậm hơn thường lệ một chút, vì biết rằng ngày hôm trước chưa có tin gì mới từ Lima.
Một nhân viên FBI còn trẻ tên là Ivan Ungar ngủ ở ngôi nhà Larchmont từ tối hôm trước, cfung đi với anh. FBI vẫn tiếp tục canh gác đề phòng âm mưu bắt cóc Sloane và có tin đồn các thành viên ở các hãng truyền hình khác cũng được bảo vệ như vậy. Tuy nhiên, vì biết bọn bắt cóc đã từng theo dõi cá cuộc nói chuyện điện thoại ở nhà Sloane liên tục hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng, nên các máy điện thoại ở văn phòng làm việc đều bị cắt.
Nhân viên đặc biệt của FBI, Ortis Havelock, vẫn theo dõi vụ này, và sau khi phát hiện ra nơi ở cũ của bọn bắt cóc ở Hackensack hôm thứ ba, anh ta phụ trách cuộc tìm kiếm ở đây. Sloane được biết, một nơi khác được FBI chú ý là sân bay Teterboro, vì nó gần khu vực Hackensack. Hồ sơ về các chuyến bay xuất phát từ đây trong khoảng thời gian từ ngay sau vụ bắt cóc đến ngày được biết các nạn nhân đã ở Peru đang được rà soát. Nhưng công việc tiến triển chậm vì có quá nhiều chuyến bay như vậy trong mười ba ngày ấy.
Khi anh vào hành lang trầng chính của trụ sở Ban tin CBA, một lính gác mặc đồng phục chào anh cho có lệ, nhưng anh không thấy bóng dáng nhân viên cảnh sát thành phồ New York như vẫn thấy suốt hơn một tuần sau khi xảy ra vụ bắt cóc. Hôm nay, người ra vào vẫn như mọi ngày, và mặc dù những người vào phải trình qua bàn thường trực, Sloane tự hỏi không biết có phải việc canh gác ở CBA lại trở lại lơi lỏng như trước không.
Từ hành lang, vẫn có nhân viên FBI Ungar đi kèm, anh vào thang máy lên tầng tư, rồi đi về phòng làm việc của mình ngay cạnh Vành móng ngựa; mấy người đang làm việc ở đó ngước lên chào anh. Sloane để ngỏ cửa phòng. Ungar ngồi trên chiếc ghế phía bên ngoài.
Trong khi cởi áo khoác mắc lên giá, anh nhìn thấy trên bàn có một hộp bọc ni lông mỏng, loại vẫn dùng trong các cửa hàng bán đồ ăn mang đi. Ở khu vực này có vài cửa hàng ăn loại đó, hàng bán khá chạy ở CBA. Chỉ cần gọi điện thoại là họ mang đồ ăn, thức uống đến ngay. Trước nay, anh chưa bao giờ đặt hàng, mà thường ăn trưa ở tiệm cà phê, nên anh nghĩ chắc họ đưa lầm.
Nhưng anh ngạc nhiên khi thấy chữ “C. Sloane” ghi bên ngoài hộp, có buộc dây trằng rất gọn. Anh hờ hững lấy kéo trong ngăn bàn, cắt dây và mở gói ra. Anh phải giở mấy lượt giấy trắng mới thấy những cái ở bên trong.
Sau mấy giây sững người, không tin vào mắt mình, Crawford Sloane kêu thất thanh; tiếng kêu thảm thiết, nghe nhức nhối trong tai. Những người đang làm việc đều ngẩng lên nhìn. Ungar nhân viên FBI bật khỏi ghế, chạy vội vào, vừa chạy vừa rút súng ra. Nhưng trong phòng chỉ có một mình Sloane miệng vẫn la hét, hai mắt mở to, nhìn cái gói với vẻ ngây dại, mặt tái nhợt.
Những ngời khác cũng vội chạy về phía phòng Sloane, vài người vào trong, hơn chục người khác đứng kín cả cửa ra vào. Một nữ chủ nhiệm vươn người nhìn vào cái gói để trên bàn Sloane. “Ôi, lạy Chúa”, chị ta kêu rồi chạy ra ngoài vì lợm giọng.
Nhân viên Ungar kiểm tra gói giấy và nhìn thấy hai ngón tay người dây đầy máu đã khô. Cố nén cảm gíac kinh tởm, anh nhanh chóng làm chủ tình hình. Anh ta hét bảo những người đang đứng trong phòng và cửa ra vào: “Mọi người ra ngoài hết!”. Ngay trong lúc đó, anh đã nhấc máy, ấn nút xin tổng đài và yêu cầu: “Số máy Bảo vệ! Nhanh lên”. Khi có tiếng trả lời, anh ta nói cộc lốc: “Tôi là Ungar, nhân viên FBI. Anh hãy nhận lệnh của tôi. Báo cho người gác, từ giờ phút này, không ai được phép rời khỏi nhà này. Không trừ một ai, và nếu họ kháng cự, hãy sử dụng vũ lực. Sau khi thông báo lại lệnh đó, anh hãy gọi ngay cảnh sát thành phố tới giúp sức. Tôi sẽ ra hành lang chính. Tôi muốn một vài nhân viên bảo vệ đợi tôi ở đó!”.
Trong lúc Ungar đang nói điện thoại, Sloane ngã gục trên ghế. Sau này có người bảo: “Lúc ấy anh ta trông như xác chết”.
Chủ nhiệm chính Chuck Insen len qua đám người ngày càng đông ở ngoài vào và hỏi: “Có chuyện gì thế này?”.
Nhận ra ông, Ungar chỉ tay về phía chiếc hộp giấy trắng, rồi nói như ra lệnh: “Không được sờ vào những thứ trong hộp. Tôi đề nghi ông hãy đưa ông Sloane ra chỗ khác và khoá cửa phòng cho đến khi tôi quay lại”.
Insen gật đầu. Tới lúc đó, ông đã nhìn thấy cái đựng trong hộp và cũng như mọi người, ông nhận ra hai ngón tay thon, nhỏ, rõ ràng là ngón tay trẻ con. Ông quay lại nhìn Sloane ánh mắt nói rõ điều cần hỏi. Sloane cố gật đầu và thều thào đáp: “Vâng”, “Ôi, lạy chúa”, Insen lẩm bẩm.
Sloane có vẻ sắp ngã gục, Insen vòng tay đỡ anh phát thanh viên và dìu ra khỏi phòng. Những người đứng ngoài cửa tránh ra, nhường lối.
Insen và Sloane về văn phòng của chủ nhiệm chính. Vừa đi, Insen vừa ra lệnh. Ông bảo cô thư ký: “Khoá cửa phòng ông Sloane không để ai vào trừ nhân viên FBI. Rồi gọi người trực tổng đài, gọi điện mời bác sĩ tới đây. Nói ông Sloane bị choáng nặng và có thể cần thuốc an thần”. Rồi gọi một chủ nhiệm: “Báo Don Kettering việc vừa xảy ra và mời anh ta lên đây; chúng ta cần đưa tin ngay tối nay”. Ông quay sang những người khác: “còn mọi người hãy về làm việc”.
Văn phòng của Insen có một cửa sổ rộng bằng kính nhìn ra Vành móng ngựa, phía trong treo mành xếp có thể che kín khi cần. Sau khi giúp Sloane ngồi vào ghế, ông hạ mành xuống.
Sloane dần dần bình phục, nhưng vẫn gục người, hai tay ôm đầu. Anh rên rỉ, nửa như nói với mình, nửa như với Insen “Bọn chúng biết Nicky chơi đàn piano. Bằng cách nào? Tôi đã cho chúng biết! Chính là tôi, trong cuộc họp báo sau vụ bắt cóc”.
“Tôi nhớ chuyện đó, Crawf ạ”. Insen nhẹ nhàng nói: “Người ta hỏi, anh trả lời, chứ anh không tự nêu ra điều đó. Dẫu sao! Ai mà thấy trước được…”. Ông ngừng lại, biết rằng lý giải vào lúc này chẳng có ích gì.
Sau này Insen thường nói với mọi người: “Tôi phải giao nó cho Crawf. Anh ấy can đảm thật. Sau chuyện đó, nhiều người muốn đáp ứng tất cả các đòi hỏi của bọn bắt cóc. Nhưng ngay từ đầu, Crawf hiểu chúng ta không nên, và không thể làm thế, và anh không hề dao động”.
Tiếng gõ cửa nhè nhẹ và cô thư ký bước vào. “Bác sĩ đang trên đường tới đây”, cô nói.
 
°
 
Lệnh tạm thời cấm mọi người rời khỏi toà nhà được bãi bỏ khi những người ở trong hoặc chuẩn bị ra ngoài được nhận diện và biết rõ lý do họ có mặt tại đó. Có khả năng là chiếc hộp giấy đựng hai ngón tay được đưa tới đó từ trước, và vì người của khách sạn thường ra vào luôn, nên không ai thấy có gì khác lạ.
FBI bắt đầu mở cuộc điều tra ở các khách sạn gần đó, cố tìm xem ai là người mang hộp giấy đó vào, nhưng không có kết quả. Lẽ ra đội bảo vệ CBA phải kiểm tra nhận dạng những người đưa đồ ăn của khách sạn vào trụ sở, nhưng mọi người biết là họ làm việc đó thất thường, có khi còn chiếu lệ.
Một vài ý kiến nghi ngờ có phải đó là ngón tay của Nicky không đã nhanh chóng bị bác bỏ. FBI đã kiểm tra phòng ngủ của Nicky trong ngôi nhà của gia đình Sloane ở Larchmont. Nhiều dấu tay tìm thấy trong phòng khớp với các dấu tay ở hai ngón tay đựng trong chiếc hộp giấy trên bàn làm việc của Sloane.
Trong lúc mọi người ở Ban tin CBA còn đang bận tâm lo lắng, một gói khác được gửi tới Stonehenge. Đầu giờ chiều thứ năm, có người đã chuyển một gói nhỏ tới văn phòng của Margot Lloyd- Mason. Bên trong là một băng ghi hình của Sendero Luminoso.
Vì đã biết trước – trong tài liệu “Thời tươi sáng đã đến” của Sendero nhận được cách đó sáu ngày đã nói sẽ gửi tới vào thứ năm, nên Margot và Leslie Chippingham đã bố trí người liên lạc chuyển ngay băng đó cho ông chủ tịch Ban tin. Ngay khi nhận được, Chippingham mời Don Kettering và Norman Jaeger tới và chỉ có ba người được xem băng hình trong văn phòng của Chippingham.
Cả ba nhận thấy ngay cuốn băng có chất lượng cao, cả về mặt kỹ thuật lẫn cách dàn dựng, trình bày. Hàng chữ lớn mở đầu: “Cách mạng thế giới: Sendero Luminoso dẫn đường” nổi rõ trên nền với những cảnh kỳ thú nhất của Peru: vẻ hùng vĩ đến ngợp người của những đỉnh cao và băng hà trên dãy Andes, vẻ huy hoàng làm ta sửng sốt của Machu Picchu, rừng xanh biếc trải dài như vô tận, dải sa mạc khô cằn ven biển và Thái Bình Dương cuộn sóng. Jaeger là người nhận ra nhạc nền tôn nghiêm chính là bản giao hưởng số ba “Eroica” của Beethoven.
“Chúng có những người làm phim rất giỏi tay nghề”, Kettering lẩm bẩm. “Tôi cứ tưởng nó tồi hơn cơ”. “Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên”. Chippingham nói. “Peru đâu phải chốn ao tù, nước đọng. Họ có khối nhân tài và trang thiết bị tốt nhất”.
“Mà Sendero thì có thừa tiền để mua những thứ đó”. Jaeger nói thêm. “Chưa kể chúng ranh ma luồn lách khắp mọi nơi”.
Ngay cả đoạn quá khích ở sau cũng chủ yếu là những cảnh dễ gây xúc động như cảnh bạo loạn ở Lima, những cuộc đình công của công nhân, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, cảnh thê lương sau những cuộc tấn công của quân chính phủ và các làng ở vùng núi Andes. “Chúng ta là cả thế giới”, tiếng người thuyết minh ngân vang, “và thế giới đã sẵn sàng bùng nổ cách mạng”.
Nội dung chính của cuốn băng là cái họ giới thiệu là cuộc phỏng vấn Abimael Guzman, người sáng lập và lãnh đạo của Sendero Luminoso. Cũng khó phân biệt, vì người đó ngồi quay lưng lại phía ống kính máy quay. Người thuyết minh giải thích: “Lãnh tụ của chúng ta có nhiều kẻ thù luôn tìm cách giết hại Người. Để Người lộ diện sẽ là giúp cho những mục đích ác độc ấy của chúng”.
Một giọng Tây Ban Nha được giới thiệu là giọng Guzman bắt đầu: “Companeros revolucionarios, nuestro trabajo y objetivo es unir los cẻoyentes en la filosofia de Marx, Lenin, y Mao…” (1). Tiếng nói nhỏ dần và một giọng khác tiếp tục: “Các đồng chí, chúng ta phải đập tan trật tự xã hội không còn thích hợp nữa trên toàn thế giới”.
“Guzman không biết tiếng Anh phải không?’, Kettering thắc mắc hỏi.
Jaeger đáp: “Rất lạ là ông ta là một trong số rất ít người Peru có học thức lại không biết tiếng Anh”.
Những điều này sau đó có thể biết trước được, vì Guzman trước đó đã nói nhiều lần. “Cần phải tiến hành cách mạng vì chủ nghĩa đế quốc bóc lột tất cả những người nghèo khổ trên toàn thế giới”… “Những tin tức xuyên tạc đổ tội cho Sendero Luminoso là vô nhân đạo. Sendero còn nhân đạo hơn bọn siêu cường là kẻ sẵn sàng huỷ diệt nhân loại bằng kho vũ khí hạt nhân, điều mà cách mạng vô sản vĩnh viễn loại trừ…”… “Phong trào công nhân ở Mỹ, thực chất là một tầng lớp tư sản được ưu đãi, đã lừa gạt và bán rẻ giai cấp công nhân Mỹ”… “Những người cộng sản ở Liên xô chẳng hơn gì bọn đế quốc. Liên xô đã phản bội cách mạng của Lê-nin”… “Castro của Cuba là thằng hề, tay sai đế quốc”.
Các bài của Guzman bao giờ cũng chung chung. Nhiều người cố tìm trong các bài viết và bài nói chuyện của ông ta xem có đề cập tới vấn đề gì cụ thể không, nhưng chẳng bao giờ thấy.
“Nếu mang của này phát thay Bản tin chiều”, Chippingham bình luận, “chắc bây giờ người xem đã bỏ chúng ta và hãng chúng ta chắc bị xếp cuối sổ”.
Chương trình nửa tiếng kết thúc trong tiếng nhạc Beethoven, với nhiều cảnh đẹp của đất nước và tiếng người thuyết minh hô lớn: “Chủ nhĩa Mac Lê-nin, Mao, học thuyết dẫn dắt chúng ta, muôn năm!”.
“Thôi được rồi”, cuối cùng Chippingham nói. “Như đã thoả thuận, tôi sẽ cho cuốn băng này vào tủ khoá lại. Chỉ có ba chúng ta đã xem. Tôi đề nghị không trao đổi với ai về nội dung ta đã xem”.
Jaeger hỏi: “Anh vẫn theo gợi ý của Karl Owens về việc cuốn băng bị hỏng trên đường đi phải không?”. “Lạy Chúa! Ta còn cách nào khác sao? Nhất định không thể phát cuốn băng này thay chương trình tin thứ hai được”. “Tôi nghĩ ta chẳng còn cách nào khác”, Jaeger thừa nhận. “Chừng nào chúng ta hiểu rằng khả năng chúng tin lời ta nói không còn nhiều, nhất là sau vụ Theo Elliott lộ chuyện với tờ Ngôi sao Bantimore”, Kettering nói.
“Mẹ kiếp, tôi biết chứ!”. Giọng ông chủ tích Ban tin phả ánh sự căng thẳng trong những ngày qua. Ông nhìn đồng hồ; ba giờ năm mươi ba phút. “Don này, đúng bốn giờ cho phát bản tin trên toàn quốc. Nói chúng ta đã nhận được một băng của bọn bắt cóc, song nó bị hỏng và vẫn chưa sửa được. Gửi băng khác thay thế hay không là tuỳ Sendero Luminoso”.
“Được”.
“Trong khi đó”, Chippingham nói thêm, “tôi sẽ gọi cho các báo và ra tuyên bố trên đài truyền thanh, yêu cầu họ đưa tin tiếp qua Pêru. Nào, ta làm ngay đi”.
 
°
 
Cái tin giả của CBA đã nhanh chóng được phát đi các nơi. Vì giờ Peru chậm hơn giờ New York một tiếng - ở Mỹ còn đang theo giờ mùa hè, ở Peru thì không, nên tuyên bố của CBA tới Lima còn kịp đưa vào chương trình tối của đài phát thanh và vô tuyến truyền hình và đăng báo vào ngày hôm sau.
Trong tin tức ngày hôm đó, được phát trước đấy, có tin về việc Crawford Sloane gần như phát điên khi nhận ra ngón tay của con mình.
Ở Ayacucho, những người lãnh đạo Sendero Luminoso nhận được cả hai tin trên. Đối với tin thứ hai, về việc cuốn băng bị hỏng, họ không tin. Điều cần phải làm ngay lập tức, họ lập luận, là có hành động gây sức ép mạnh hơn là hai ngón tay bị chặt của cậu bé.
 
 
Chú thích:
1 Hỡi các đồng chí cách mạng, nhiệm vụ là phải đoàn kết những người tin theo học thuyết triết học của Margot, Lê-nin, và Mao.