Tại trụ sở hãng CBA sáng thứ bảy, cuộc họp của ban đặc nhiệm vừa bắt đầu lúc 10 giờ sáng đã đột ngột phải ngừng lại. Harry Partridge ngồi ở đầu bàn họp vừa mở đầu một cuộc tranh luận thì tiếng điện thoại truyền tin vang lên – thông báo của phòng tin chính. Partridge ngừng lời, cùng sáu người khác ở chiếc bàn đó lắng nghe. “Phòng trực ban, Richardson. Tin này do UPI thông báo… “White Plwains – New York. Một chiếc xe chở khách, có lẽ là chiếc xe đã được dùng trong vụ bắt cóc gia đình Sloane hôm thứ năm, đã nổ tung cách đây vài phút. Ít nhất có ba người chết, những người khác bị thương. Vụ nổ xảy ra khi cảnh sát đang trên đường đến kiểm tra chiếc xe để trong khu nhà để xe của Trung tâm thương mại thành phố. Vụ nổ xảy ra lúc nhiều khách hàng vừa lái xe tới để mua bán vào ngày cuối tuần. Toà nhà bị phá huỷ nghiêm trọng. Lính cứu hoả, các đội cấp cứu và xe cứu thương đang có mặt ở hiện trường mà theo lời miêu tả của một nhân chứng “giống như một cơn ác mộng”. Ngay khi bản tin vẫn còn đang tiếp tục, những chiếc ghế trong phòng họp đã bị đẩy bật lại phía sau, các thành viên trong ban đặc nhiệm bật dậy. Khi bản tin kết thúc, Partridge là người đầu tiên lao ra ngoài tới phòng tin ở tầng dưới. Rita Abrams bám sát theo anh. Buổi sáng thứ bảy ở bất cứ phòng tin nào cũng là quãng thời gian tương đối thoải mái. Phần lớn những nhân viên làm việc từ thứ hai đến thứ sáu đều nghỉ ở nhà. Một số người phải trực ngày cuối tuần đều biết rằng lãnh đạo không có mặt ở đó. Vì vậy, mọi người ăn mặc tuỳ ý, hầu hết là quần bò và cánh đàn ông không đeo cravat. Phòng tin chính cửa hãng CBA yên tĩnh một cách kỳ lạ, chỉ có một phần ba số ban là có người ngồi và người phụ trách trực ngày hôm đó là Orv Richardson, phụ trách cả phần tin trong nước. Còn ít tuổi, gương mặt tươi tắn và hăng hái, Richardson vừa mới từ một địa phương chuyển đến làm tại đây. Mẩu tin quan trọng đột ngột từ White Plains khiến anh hơi căng thẳng. Anh muốn chắc chắn là không phạm sai lầm. Vì vậy, anh cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy một phóng viên kỳ cựu, là Harry Partridge và một chủ nhiệm cao cấp, là Abrams lao vào phòng tin và tiến đến phía anh. Trong khi Partridge đọc lướt qua bản tin vừa in của hãng UPI và đọc phần tiếp theo đang nằm trong máy vi tính, Rita bảo Richardson: “Chúng ta nên phát tin ngay đi. Ai có quyền quyết định đây?”. “Tôi có số máy”. Với chiếc tai nghe vắt trên vai và vừa tìm số ghi, anh chàng trực ban vừa bấm nút gọi cho ông Phó chủ tich hãng CBA hiện đang ở nhà. Khi ông ta trả lời, Richardson giải thích tình hình và xin phép được phát bản tin đặc biệt này. Ông phó chủ tích hét trả lại: “Tất nhiên rồi. Làm ngay đi”. Tiếp theo đó là một cảnh tượng gần giống như hôm thứ năm bao trùm lên toàn hệ thống của hãng thì tin vụ bắt cóc bay về lúc xế trưa. Sự khác nhau chỉ là ở nội dung của bản tin và những người tham gia vào đưa tin. Partridge đã ở trong phòng phát hình, ngồi đúng chỗ của người phát thanh viên, Rita đang làm quyền uỷ viên ban chủ nhiệm và trong phòng điều khiển, một đạo diễn chương trình tin khác đã có mặt, ông vội vã đến đây từ một phòng khác trong toà nhà khi nghe gọi có “bản tin đặc biệt”. Hãng CBA đã phát bản tin bốn phút sau khi nhận được tin của UPI. Những hãng khác cũng phát chương trình của họ hầu như cùng lúc đó. Như thường lệ, Harry Partridge đã thu thập và khớp lại phần chính của bản tin. Không còn thời gian để viết lời hay dùng máy nhắc vô tuyến, anh chỉ ghi nhớ nội dung của bức điện báo và đọc ứng khẩu. Bản tin đặc biệt kết thúc trong vòng hai phút. Chỉ có mấy con số trần trụi, một vài chi tiết và không có hình ảnh – trừ mấy cái ảnh chụp vội vàng của gia đình Sloane, ngôi nhà của họ ở Larchmont và cửa hàng Grand Union, nơi vụ bắt cóc xảy ra hôm thứ Năm hiện lên qua vai Partridge. Partridge hứa với khán giả: một bản tin chi tiết với hình ảnh tại White Plains sẽ được phát đi muộn hơn trong bản tin tối toàn quốc ngày thứ bảy của hãng CBA. Ngay sau khi đèn đỏ của camera trong phòng máy tắt đi, Partridge gọi điện cho Rita ở phòng điều khiển: “Tôi sẽ tới White Plains. Chị sẽ lo liệu mọi việc chứ?”. “Tôi đã sắp xếp cả rồi. Iris, Minh và tôi cũng sẽ tới đó. Iris sẽ chuẩn bị bản tin cho tối nay. Anh có thể đứng bình luận tại chỗ ở đó và chúng ta sẽ lồng tiếng sau. Đã có xe và lái xe chờ dưới nhà”. Thành phố White Plains có một lịch sử lầu đời từ năm 1661 khi nó còn là một khu trại của người da đỏ Siwanoy – họ gọi nó là Quaropas, có nghĩa là cánh đồng trắng hay cọ trắng – gọi theo tên của loài cây mọc ở vùng này. Hồi thế kỷ 18, nó là một khu mỏ rất quan trọng và là đầu mối của các tuyến đường giao thông. Năm 1776, thời kỳ cách mạng Mỹ, một trận chiến đấu xảy ra ở đồi Chatterton gần đó, buộc Washington phải rút lui, nhưng cũng trong năm đó, một đại hội tỉnh này đã thông qua Tuyên ngôn độc lập và lập ra bang New York, nhưng không có sự kiện nào lại xấu xa như vụ nổ do nhóm Medellin và Sendero Luminoso gây ra ở nhà để xe của toà nhà Thương mại trung tâm thành phố. Sau này, khi sự việc trở nên sáng tỏ hơn, người ta thắy rằng đó là một việc không thể tránh khỏi nằm trong một chuỗi các sự việc. Đêm hôm trước, một nhân viên bảo vệ đi tuần tra đã ghi lại biển số và tên hãng của những chiếc xe để qua đêm ở đó – một thủ tục thông thường và một sự đề phòng những tay lái xe láu cá có thể nói dối rằng họ đã mất uổng vé đỗ xe và mới đỗ xe ở đó có một ngày. Sự có mặt của chiếc xe hiệu Nissan với biển số của New York đã được để ý tới từ đêm trước, điều đó cũng không có gì bất thường. Đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau, có những chiếc xe được để ở đó cả tuần hay thậm chí còn hơn nữa. Nhưng đến đêm thứ hai, một nhân viên bảo vệ khác cảnh giác hơn đã băn khoăn không rõ chiếc xe Nissan này có thể là chiếc xe đang bị truy tìm có liên quan đến vụ bắt cóc gia đình Sloane mà anh đã được biết hay không. Anh ghi lại điều nghi vấn đó trong bản báo cáo và người quản lý đọc bản báo cáo đó sáng hôm sau đã nhanh chóng gọi điện cho cảnh sát White Plains. Họ đã điều ngay một chiếc xe đến nơi kiểm tra. Lúc đó, theo báo cáo của cảnh sát là 9 giờ 50 sáng. Tuy vậy, người quản lý không ngồi chờ cảnh sát đến. Anh đi tới chỗ chiếc xe tải, lấy ra một chùm chìa khoá lớn mà anh đã thu thập được trong nhiều năm. Anh tự hào là hầu như chỉ có rất ít xe anh mới không mở được bằng chùm chìa khoá này. Sự việc xảy ra đúng lúc những người đi mua hàng ngày thứ bảy ngồi trong xe lũ lượt tiến vào khu đỗ xe. Rất mau lẹ viên quản lý tìm một chiếc chìa khoá tra vừa vào chiếc xe Nissan và mở cửa buồng lái. Đó là cử chỉ cuối cùng trong những giây phút ít ỏi còn lại của cuộc đời anh. Với một tiếng vang rền mà sau này một ai đó đã mô tả là “giống như một trăm năm mươi tiếng sấm góp lại”, chiếc xe Nissan tan tành, một quả cầu lửa nuốt chửng nó. Một phần lớn khu nhà và nhiều chiếc xe để gần đó, may thay là xe không có người, bốc cháy dữ dội. Sức nổ đã tạo nên những lỗ thủng lớn ở phía bên trên và bên dưới nơi đỗ chiếc xe Nissan khiến cho những chiếc xe đang bốc cháy lao rầm rầm qua những lỗ thủng đó xuống tầng dưới. Không chỉ khu để xe bị tàn phá. Khu trung tâm Thương mại của thành phố cũng bị hư hỏng cả phần cấu trúc. Cả bên trong lẫn bên trên khu này, toàn bộ cửa sổ và cửa ra vào bằng kính đều vỡ tung toé. Những mảnh vỡ khác, đầu tiên bay lên trên, sau đó văng ra những đường phố bên cạnh, vào xe cộ và người đi đường. Tác động của cú sốc này còn gấp bội. Khi tiếng nổ rền vang lắng xuống thì ngoài tiếng động nhỏ hơn của những đám cháy tiếng đồ vật đổ vỡ, có một khoảng im lặng. Rồi đột ngột tiếng la khóc, tiếp theo là tiếng kêu gào và nguyền rủa lẫn lộn, tiếng rên rỉ cầu cứu, những mệnh lệnh không đâu vào đâu và ngay sau đó, những tiếng còi cứu thương và cứu hoả từ mọi hướng ập tới. Thật đáng kinh ngạc là rốt cuộc số người bị tai nạn cũng không lớn lắm. Ngoài viên quản lý chết ngay tại chỗ, hai người nữa chết sau đó chút ít, bốn người bị thương thập tử nhất sinh. Hai mươi hai người khác, trong đó có năm sáu trẻ em, cũng bị thương phải đưa đi bệnh viện. Sau đó người ta tranh luận, tập trung vào một câu hỏi: Nếu viên quản lý chờ cảnh sát đến thì vụ nổ có xảy ra không? Cảnh sát nói là sẽ không xảy ra, viện lý do là họ sẽ gọi FBI và các chuyên viên FBI sẽ xem xét chiếc xe, phát hiện ra chất nổ, và vô hiệu hoá chất nổ. Nhưng những người khác đều hoài nghi vì họ tin rằng thế nào thì chính cảnh sát cũng sẽ mở xe, hoặc là tự họ, hoặc là họ sẽ mượn chùm chìa khoá của viên quản lý. Có một điều tự bản thân nó đã rõ là chiếc xe Nissan này đã được bọn bắt cóc sử dụng vào vụ bắt cóc gia đình Sloane cách đây hai ngày. Việc xe để ở gần Larchmont, việc mọi người thấy nó xuất hiện ở khu để xe của Trung tâm Thương mại từ hôm thứ năm và sự kiện chúng gài bẫy kiểu này đều thích hợp với việc kết luận này. Còn biển số của xe, sau khi người ta kiểm tra sổ đăng ký, thì lại thuộc về một chiếc xe mui kín hiệu Oldsmobile sản xuất năm 1983. Tuy nhiên người ta phát hiện ngay được là tên chủ xe, địa chỉ và sổ bảo hiểm nằm trong hồ sơ lưu trữ đều là giả mạo, cũng như tiền đăng ký và bảo hiểm đều trả bằng tiền mặt và người đóng tiền không để lại dấu vết gì. Tất cả điều đó có nghĩa là chiếc Oldsmobile đã biến mất, có thể là đã vào hàng đồng nát, nhưng người ta vẫn giữ sổ đăng ký của nó để sử dụng vào việc phi pháp. Do đó cái biển số trên xe Nissan là phi pháp, tuy không nằm trong “sổ đen” của cảnh sát. Còn một vấn đề nữa là người làm chứng ở Larchmont khai chiếc xe Nissan mang biển số bang New Jersey, còn cái để ở khu đỗ xe White Plains lại mang biển số bang New York. Nhưng sau này các nhà điều tra đã nhận định rằng việc bọn tội phạm thay đổi biển số xe ngay sau khi gây án là chuyện thường tình. Viên cảnh sát trưởng đã đưa ra một kết luận khác về cảnh tượng vụ nổ. Ông ta buồn bã nói với các phóng viên là: “Rõ ràng chuyện này là do bàn tay của bọn khủng bố sừng sỏ làm”. Khi người ta hỏi rằng có phải ông muốn nói rằng đây chính là bọn khủng bố ngoại quốc đã bắt cóc ba người trong gia đình Sloane không, ông cảnh sát trưởng trả lời: “Chuyện này chưa xảy ra trên địa bàn của tôi, nhưng tôi cũng cho là như vậy”. “Chúng ta hãy để cái lập luận về bọn khủng bố ngoại quốc làm trọng tâm của bản tin tối nay”, Harry Partridge bảo với Rita và Iris Everly khi anh nghe báo cáo về lời bình luận của viên cảnh sát trưởng. Đội quân của hãng CBA vừa tới được vài phút trên hai chiếc xe – nhóm quay phim đi bằng chiếc Jeep Wagoneer, còn Partridge, Rita, Iris và Teddy Cooper đi trên chiếc Chevrolet mui kín do một nhân viên của hãng lái – hai chiếc xe này đã lao từ giữa Manhattan cách đó hai mươi lăm dặm tới đây trong ba mươi phút. Cùng với một đám phóng viên tập trung tại hiện trường, người xem đổ xô tới sau các hàng rào chắn của cảnh sát. Minh Văn Cảnh và người phụ trách âm thanh, Ken O’Hara, đã chuẩn bị băng hình và ghi cảnh toà nhà bị đổ, cảnh vận chuyển người bị thương, cảnh đống xe bị rúm ró vặn vẹo và một số còn đang cháy dở. Họ cũng kịp tham dự cuộc họp báo bất chợt để ghi lời tuyên bố của viên cảnh sát trưởng. Sau khi đánh giá tình hình chung, Partridge gọi Minh Văn Cảnh và O’Hara lại và bắt đầu phỏng vấn thu hình một số người đang tham gia cứu trợ cũng như những người đã chứng kiến vụ nổ. Đây là công việc mà chỉ cần đội quay phim hoặc một chủ nhiệm làm là đủ. Nhưng nó đã gây cho Partridge một cảm giác nhập cuộc, lần đầu tiên đụng chạm trực tiếp tới câu chuyện. Đụng chạm vào một câu chuyện thời sự đang tiếp diễn là sự cần thiết về mặt tâm lý của người phóng viên, bất kể là lượng thông tin mà phóng viên đó có thể có được về bối cảnh câu chuyện là bao nhiêu. Partridge đã tiến hành điều tra vụ bắt cóc gia đình Sloane tới gần bốn mươi hai tiếng đồng hồ rồi nhưng cho tới giờ phút này anh chưa có được sự tiếp xúc trực tiếp với bất cứ yếu tố nào của vụ án. Có những lúc anh cảm thấy như bị nhốt vào lồng, vì chỉ có một cái bàn, một máy điện thoại và một máy điều khiển vi tính nối anh với thực tế bên ngoài. Đi tới White Plains, xem xét những cảnh tượng bi thảm, nhằm thoả mãn cho nhu cầu cần thiết đó, anh biết rằng Rita cũng cần như vậy. Nghĩ tới cô, anh sực nhớ đên việc tìm cô và hỏi “Đã ai nói chuyện với Crawf chưa?”. “Tôi vừa mới gọi điện về nhà anh ấy” – Cô nói – “Anh ấy định phóng tới đây, nhưng tôi đã xin anh ấy ở nhà. Thứ nhất là thế nào người ta cũng bu kín lấy anh ấy. Thứ hai là thấy được tận mắt khả năng của lũ khốn kiếp này thì anh ấy sẽ phiền muộn khủng khiếp lắm”. “Nhưng thế nào mà anh ấy lại chẳng xem hình”. “Anh ấy rất muốn. Anh ấy sẽ gặp chúng ta tại hãng, cùng với Les, và trong tay tôi đã có những thứ đã quay được đây này”. Rita giơ những băng hình ra. Cô nói thêm “Tôi nghĩ là tôi và anh nên về. Iris và Minh có thể ở lại thêm lúc nữa”. Partridge gật đầu: “Được, nhưng chờ tôi một phút đã”. Họ đang đứng ở tầng ba của khu đỗ xe. Để Rita đó, anh bước về một góc vắng, không bị phá huỷ. Từ đây anh thấy toàn cảnh White Plains và thành phố vẫn tiếp tục mọi hoạt động thường ngày. Cách đây một quãng là đường quốc lộ dẫn tới New England và bên trên đó là những ngọn đồi xanh của khu Westchester, tất cả mọi cảnh quan thường lệ hoàn toàn đối nghịch với sự tàn phá kề cận bên anh. Anh đã bước ra khỏi mọi sự lộn xộn đó, tìm một khoảnh khắc im lặng để suy ngẫm, để hỏi và trả lời một câu hỏi nhức nhối: Anh đã nhận nhiệm vụ tìm và giải phóng cho Jessica, con trai cô và cha của Crawford, thì liệu anh có chút hy vọng nào… dù một hy vọng mong manh nhất… là sẽ thế chân anh ấy không? Lúc này đây Partridge sợ rằng câu trả lời sẽ là không. Chuyện xảy ra ngày hôm nay, tại nơi đây, qua việc quan sát khả năng của đối phương, thực ra là một cuộc đọ sức đáng gờm. Nó đặt ra những câu hỏi như: Liệu có thể đối địch với sự tàn bạo này không? Giờ đây sự liện quan của một vụ khủng bố đã được khẳng định rõ, liệu những phương sách văn minh có thể lần theo dấu vết và khôn ngoan thắng được một kẻ thù xấu xa như thế không? Và thậm chí nếu câu trả lời là được, và cho dù có sự lạc quan ban đầu tại trụ sở hãng CBA, phải chăng đây là một sự tự phụ rỗng tuếch khi cho rằng một phóng viên làm tin tay không lại có thể thành công trong khi lực lượng cảnh sát, các chính phủ, giới tình báo và quân sự vẫn thường thất bại? Còn đối với anh, anh cho rằng đây không phải là một trận chiến đấu công khai. Đây là một cuộc chiến ngấm ngầm, bẩn thỉu, với kẻ thù giấu mặt, với bao nạn nhân vô tội, sự giao tranh mệt mỏi… Nhưng đặt mọi cảm giác cá nhân sang một bên, liệu anh có nên đưa ra những lời khuyên hợp lý là hãng CBA nên thôi việc tham gia năng nổ này, mà ủng hộ cho việc trở lại vai trò hợp quy chuẩn là quan sát đưa tin hoặc, nếu không được như vậy, thì ít ra là nên chuyển trách nhiệm này cho người nào khác? Anh cảm thấy có tiếng động ở phía sau. Quay lại, anh thấy Rita. Cô hỏi “Tôi có thể giúp anh không?”. Anh bảo cô: “Từ trước tới nay chúng ta chưa từng có vụ nào giống vụ này, vì nó phụ thuộc quá nhiều vào việc chúng ta phải làm gì chớ không phải là chỉ vào chuyện đưa tin như thế nào”. “Tôi biết”, cô nói. “Có phải anh đang nghĩ tới chuyện đặt lại vấn đề, trả cái gánh nặng lại cho người khác không?”. Anh ngạc nhiên trước sự nhạy cảm của cô. Anh gật đầu: “Phải, đúng vậy”. “Đừng làm thế, Harry ạ”, cô khẩn khoản. “Đừng bỏ cuộc! Vì nếu anh bỏ cuộc, thì chẳng có ai giỏi được bằng anh nữa đâu”.