Chương 29

    
ƠI NÓNG đã thấm sũng tất cả mọi vật. Suốt một tuần nay nhiệt độ vắt vẻo ở mức ba bảy độ tám và hơi ẩm lên đến chín mươi chín phần trăm. Nếu trời còn ẩm nữa, chúng tôi đến bơi trong nước mất. Mấy tấm ga tôi phơi trên dây không tài nào khô nổi, cửa trước chẳng đóng kín được nữa vì nó đã phồng rộp cả lên. Còn phải nói, bánh trứng đường có đánh mấy cũng chẳng quánh. Ngay cả bộ tóc giả tôi thường đội khi đi lễ nhà thờ cũng bắt đầu rối tung rối mù lên.
Sáng nay, tôi còn không đi được cả vớ. Chân tôi sưng lên ghê quá. Tôi tính khi nào đến nhà cô Leefolt ở đấy có điều hòa, tôi sẽ xỏ sau vậy. Hẳn đợt nóng này phải đạt mức kỷ lục, vì tôi đã giúp việc cho người da trắng tới bốn mươi mốt năm trời và đây là lần đầu tiên trong lịch sử tôi đi làm mà không mang vớ.
Ấy thế mà nhà của cô Leefolt còn nóng hơn cả nhà tôi. “Aibileen, vú đi pha trà và... mấy đĩa xa lát... vú rửa ngay đi...” Hôm nay cô còn chẳng ló mặt xuống bếp. Cô ở lì trong phòng khách và đã kịp kéo chiếc ghế ra sát lỗ thông hơi, thế là gió từ máy lạnh thốc ngược lên chiếc váy lót cô đang mặc. Cô chỉ mang ngần ấy thứ y phục trên người, chiếc váy lót và đôi hoa tai. Tôi từng giúp việc cho những bà chủ da trắng dám bước ra từ phòng ngủ mà không có lấy một mảnh vải che thân, nhưng cô Leefolt là kiểu người chẳng bao giờ làm thế.
Lâu lâu, động cơ máy điều hòa lại hắt ra một tiếng Phiuuuuuu. Xem ra nó cũng phải đầu hàng rồi. Cô Leefolt đã gọi thợ hai lần, lần nào anh ta cũng bảo đang đến, nhưng tôi dám cá anh chàng còn lâu mới thò mặt sang. Nóng quá mà.
“Nhớ đừng quên... cái gì bằng bạc ấy nhỉ - à cái nạo dưa chuột ri, ở trong...”
Nhưng chưa kịp nói hết câu, cô đã buông thõng giữa chừng, hình như trời nóng quá, đến việc sai tôi cũng trở nên quá sức đối với cô. Dường như tất cả mọi người trong thị trấn đều phát điên hết vì nóng. Cứ ra ngoài phố là thấy bốn phía lặng ngắt như tờ, kỳ quái y hệt mấy phút trước khi một cơn bão tràn tới. Hay có khi là do tôi đang hồi hộp quá vì cuốn sách cũng nên. Nó sẽ ra vào thứ Sáu này.
“Cô có nghĩ ta nên hủy buổi chơi bài hôm nay không?” Tôi hỏi vọng ra từ trong bếp. Hội bài đã chuyển sang thứ Hai, các bà các cô sẽ có mặt ở đây trong hai mươi phút nữa.
“Không. Mọi thứ... đã chuẩn bị xong hết rồi còn gì,” cô nói, nhưng tôi biết đầu óc cô bây giờ mụ mẫm
“Tôi sẽ cố đánh lại mẻ kem vậy. Xong tôi phải ra gara một tí. Để đi vớ vào.”
“Ôi vú đừng bận tâm chuyện đó, Aibileen. Nóng thế này, đi vớ làm gì.” Cuối cùng cô Leefolt cũng chịu rời cái ô thông gió, lê mình xuống bếp, vừa đi vừa vẩy phành phạch chiếc quạt giấy của nhà hàng đồ ăn Trung Hoa Chow-Chow. “Ôi trời đất ơi, nhiệt độ trong bếp phải cao hơn phòng ăn đến cả chục độ ấy nhỉ!”
“Chờ thêm một phút nữa là tắt được lò nướng thôi. Bọn trẻ con ra ngoài sân sau chơi rồi.”
Cô Leefolt nhìn ra cửa sổ nơi hai đứa trẻ đang đùa nghịch trong làn nước tưới cỏ. Trên người Mae Mobley có độc chiếc quần lót. Ross - tôi gọi nó là Cu Con - thì mặc tã. Thằng bé vẫn chưa đầy một tuổi, ấy thế mà đã đi lại chững chạc chẳng kém gì một đứa bé lớn. Thậm chí nó còn chẳng bò một ngày nào.
“Chẳng hiểu sao bọn nó chơi được ngoài ấy nhỉ,” cô Leefolt nói.
Mae Mobley thích chơi với em trai lắm, nó chăm em hệt như mẹ chăm con. Nhưng Mae Mobley không được ở nhà với chúng tôi cả ngày nữa. Sáng sáng Bé Con của tôi phải đến trường mẫu giáo Broadmoore. Nhưng hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động, ngày lễ của cả thế giới, nên lớp nghỉ. Tôi cũng vui lắm. Tôi chẳng biết mình còn bao nhiêu ngày với nó nữa.
“Trông bọn nó chơi ngoài kia kìa,” cô Leefolt nói và tôi đi ra cửa sổ chỗ cô đang đứng. Vòi phun bắn tia nước lên tận ngọn cây, tạo thành những dải cầu vồng. Mae Mobley cầm tay Cu Con và hai đứa đứng dưới làn nước, mắt nhắm nghiền như thể chúng đang chịu lễ rửa tội.
“Bọn nó quả là những đứa trẻ đặc biệt,” cô nói, đoạn thở dài, dường như đến tận bây giờ cô mới nhận ra điều đó.
“Đúng thế thật,” tôi nói và thầm nghĩ chúng tôi đang được chia sẻ một giây phút đồng điệu, tôi và cô Leefolt, cùng nhìn ra cửa sổ ngắm hai đứa trẻ chúng tôi đều rất yêu. Nó khiến tôi tự hỏi phải chăng mọi thứ đã thay đổi, dù chỉ là chút ít. Dù sao giờ cũng đã là năm 1964. Trong trung tâm thị trấn, người ta còn cho phép người da màu được ngồi ở quầy tiệm ăn Woolworth.
Trong lòng tôi bỗng nhói lên một cảm giác chán nản, tự hỏi có phải mình đã đi quá xa không. Vì sau khi sách ra, nếu mọi người phát hiện đó chính là chúng tôi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ được gặp lại hai đứa bé nữa. Nhờ tôi còn không kịp chào tạm biệt Mae Mobley và nói với nó lần cuối cùng rằngđứa bé ngoan thì sao? Còn Cu Con nũa? Ai sẽ kể cho nó chuyện về ông người Sao Hỏa da xanh Martian Luther King?
Chính tôi đã trải qua cảm giác này, tới hai mươi lần. Nhưng hôm nay mọi cảm xúc bỗng trở nên vô cùng sống động. Tôi chạm tay lên kính cửa sổ, tưởng như đang được chạm vào chúng. Nếu cô ấy phát hiện ra... ôi, tôi sẽ nhớ bọn trẻ nhiều lắm.
Tôi nhìn sang và thấy mắt cô Leefolt đã dừng lại trên đôi cẳng chân trần của tôi. Tôi nghĩ cô đang tò mò lắm. Tôi cá trước nay cô chưa bao giờ nhìn thấy chân người da đen để trần ở cự li gần đến thế. Nhưng sau đó, tôi thấy trán cô cau lại. Cô đang nhìn Mae Mobley với bộ mặt cau có thường nhật. Bé Con đã vục bùn và cỏ lên bôi bê bết khắp ngực và bụng. Xong xuôi nó quay ra trang điểm cho thằng em cứ như thằng bé là một con lợn trong chuồng và tôi nhìn thấy nỗi ghê tởm cô dành cho đứa con gái chính mình đẻ ra. Cu Con thì không, chỉ Mae Mobley thôi. Chỉ đặc biệt dành riêng cho Mae Mobley mà thôi.
“Con ranh phá tan cả cái sân rồi kia kìa!” Cô Leefolt rú lên.
“Để tôi ra gọi bọn nó vào. Tôi sẽ lo...”
“Mà tôi cấm vú phục vụ chúng tôi với bộ dạng đó, với... với hai cái cẳng chân trần thế kia!”
“Tôi đã báo cô rồi...”
“Hilly sẽ đến đây trong năm phút nữa, thế mà con bé phá tanh bành hết cả lên kia kìa!” Cô kêu thất thanh. Tôi đoán Mae Mobley đã nghe thấy tiếng mẹ nó qua cửa sổ vì nó quay lại nhìn chúng tôi, người trơ ra như tượng. Nụ cười tắt lịm. Chỉ trong một giây, nó bắt đầu chậm chạp đưa tay chùi bùn đất dính trên mặt.
Tôi xỏ tạp dề vào vì phải ra tắm rửa cho hai đứa. Sau đó tôi sẽ vào gara đi vớ. Sách sẽ ra trong bốn ngày nữa. Không sớm hơn một phút nào.
° ° °
TẤT CẢ CHÚNG TÔI đều sống trong hồi hộp phấp phỏng. Tôi, Minny, cô Skeeter, tất cả những người giúp việc đã đóng góp chuyện vào cuốn sách. Cảm giác như suốt bảy tháng qua, chúng tôi chỉ chờ đến khi một ấm nước vô hình sôi. Chờ đợi đến sau tháng thứ ba thì chúng tôi đã thôi không bàn tán gì đến nó nữa. Cũng tại càng nói bụng dạ càng chộn rộn.
Nhưng hai tuần vừa qua, cả niềm hân hoan lẫn nỗi sự hãi thầm kín cùng khuấy đảo trong gan ruột tôi, khiến tốc độ đánh sáp sàn nhà bị kéo trì xuống mức siêu chậm và giặt đồ lót biến thành một cuộc chạy đua vượt đèo. Công cuộc là liáy dường như kéo dài đến vô tận, nhưng biết làm sao được. Tất cả chúng tôi đều biết khá rõ ràng sẽ không ai thèm nhắc nhỏm gì đến cuốn sách ngay sau khi nó được ra mắt. Như bà Stein đã nói với cô Skeeter, cuốn sách khó có khả năng bán chạy và nên giữ “kỳ vọng thật thấp.” Cô Skeeter còn nói có khi đừng nên trông chờ điều gì hết, rằng hầu hết dân miền Nam đều giỏi “kiềm chế.” Nếu có đánh hơi được điều gì đó, có lẽ họ sẽ không hở ra câu nào. Chỉ nín thở chờ nó qua đi, như hơi ga vậy.
Minny bảo, “Cháu mong mụ ấy sẽ nín thở đến khi người mụ nổ tung toé thành cả trăm mảnh bay ra khắp cái quận Hinds này.” Ý nó muốn ám chỉ cô Hilly. Tôi ước sao Minny cầu mong thay đổi theo hướng nhân ái, nhưng Minny vẫn là Minny, mãi mãi là thế.
“CON MUỐN ĂN GÌ LÓT DẠ KHÔNG, Bé Con?” Tôi hỏi khi con bé từ trường về đến nhà hôm thứ Năm. Ôi, nó lớn quá! Đã bốn tuổi rồi. Con bé cao vượt hẳn những đứa cùng tuổi - đa số mọi người nghĩ nó phải năm, sáu tuổi cơ đấy. Mẹ thì gầy nhẳng cù nheo thế, nhưng Mae Mobley vẫn béo mũm mĩm. Còn mái tóc nó nom không được đẹp mắt cho lắm. Nó quyết định tự xử lý tóc mình bằng chiếc kéo cắt giấy thủ công và kết quả thế nào, chắc chẳng nói ai cũng biết. Cô Leefolt phải lôi nó đến thẩm mỹ viện của người lớn nhưng thợ ở đó cũng chẳng chữa được m ấy nỗi. Tóc nó một bên ngắn cũn, phía trước trán thì hầu như chẳng còn gì.
Tôi làm cho nó một món ít calo để lót dạ vì cô Leefolt chỉ cho phép có thế. Bánh quy ăn kèm cá ngừ hoặc: thạch Jell-O không có kem tươi.
“Hôm nay con được học cái gì?” Tôi hỏi, mặc dù con bé vẫn chưa đi trường thật, chỉ là trường giả vờ thôi. Hôm nọ, lúc tôi hỏi, con bé đáp, “Người hành hương ạ. Họ đến đây nhưng chẳng có cây gì mọc lên cả, thế là họ phải ăn thịt người Anh Điêng.”
Giờ tôi đã biết những người hành hương không ăn thịt dân Anh Điêng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là, ta phải để ý những gì bọn trẻ nạp vào đầu. Mỗi tuần, con bé vẫn được nhận bài học của Aibileen, câu chuyện bí mật. Khi Cu Con đủ lớn, tôi cũng sẽ kể cho nó nghe. Ý tôi là, nếu tôi vẫn còn làm ở đây. Nhưng tôi không nghĩ mọi thứ sẽ như cũ với Cu Con. Nó cũng yêu tôi, nhưng thằng bé hoang dã lắm, như động vật vậy. Nó có thể ào đến ôm chặt lấy chân tôi, rồi tót đi chơi thứ khác ngay lập tức. Nhưng kể cả nếu tôi không có cơ hội làm thế với nó, tôi cũng không thấy buồn quá. Tôi biết một điều, tôi đã truyền đi những câu chuyện và thằng bé con đó, dù chưa nói được từ nào, nhưng nó luôn nghe mọi lời Mae Mobley nói.
Hôm nay khi tôi hỏi nó học được gì, Mae Mobley chỉ đáp, “Chẳng có gì,” và trề môi ra.
“Con thích cô giáo của con không?” Tôi hỏi nó.
“Cô xinh lắm,” nó nói.
“Tốt,” tôi nói. “Con cũng xinh.”
“Sao da bác lại nâu, hả bác Aibileen?”
Tôi đã nghe câu hỏi này vài lần từ miệng những đứa bé da trắng khác tôi chăm. Trước đây tôi chỉ cười trừ, nhưng lần này tôi muốn làm rõ chuyện này với nó. “Vì Chúa sinh ra bác là người da màu,” tôi nói. “Và trên đời này chẳng có lý do nào khác cả.”
“Cô Taylor bảo là trẻ con da màu không được đến trường con vì bọn nó không thông minh.”
Tôi vòng ra trước quầy bếp. Tôi nâng cằm nó lên và vuốt mái tóc kỳ khôi của nó. “Con nghĩ bác đần độn ư?”
“Không,” con bé thì thầm bằng giọng quả quyết, như thể nó tin thế lắm. Trông con bé có vẻ ân hận vì đã lỡ kể ra chuyện kia.
“Vậy ta có thể suy ra điều gì về cô Taylor?”
Nó chớp mắt, như đang chăm chú iắng nghe.
“Là không phải lúc nào cô Taylor cũng nói đúng,” tôi nói.
Con bé vòng tay ôm cổ tôi và nói, “Bác đúng hơn cô Taylor.” Tôi trào nước mắt. Tôi xúc động quá. Những từ này, tôi chưa được nghe bao giờ.
BỐN GIỜ CHIỀU HÔM ẤY, từ bến xe buýt, tôi rảo bước thật nhanh đến nhà thờ. Sau mười phút thở hổn hển và gõ tay lên thành cửa, tôi thấy một chiếc xe đỗ lại. Một cô gái da trắng ra khỏi xe và tôi nheo mắt nhìn. Cô gái này trông giống hệt bọn hippy tôi nhìn thấy trên tivi nhà cô Leefolt. Cô mặc một chiếc váy ngắn màu trắng và đi xăng đan. Tóc cô suôn dài, không xịt gôm. Sức nặng của mái tóc giúp kéo thẳng cả những sợi xoăn và xù. Tôi úp mặt vào tay mà cười, ước sao tôi có thể chạy ra ngoài và ôm chầm lấy cô, tôi chưa được gặp cô Skeeter lần nào suốt sáu tháng nay, kể từ ngày chúng tôi hoàn tất phần biên tập bà Stein yêu cầu và gửi đi bản thảo cuối cùng.
Cô Skeeter lôi từ băng ghế sau ra một cái thùng to màu nâu rồi khệ nệ bê ra trước cửa nhà thờ, như thể đang cũ đến hiến tặng. Trong giây lát cô đứng lại và tần ngần nhìn cánh cửa, rồi quay trở về xe và lái đi. Thấy cô phải làm thế, tôi buồn lắm, nhưng chúng tôi không muốn làm mọi chuyện bung bét ra trước cả khi nó kịp bắt đầu.
Cô vừa đi khỏi, tôi vội chạy ra vần chiếc hộp vào và vồ lấy một cuốn, rồi nhìn nó đắm đuối. Tôi còn không cố kìm những giọt nước mắt tuôn rơi. Đó là cuốn sách đẹp đẽ nhất đời tôi từng thấy. Bìa sách màu xanh lơ, màu của bầu trời. Và một con chim trắng thật lớn - một con bồ câu hòa bình - dang rộng đôi cánh từ đầu này sang đầu kia. Tựa sách Help được viết ở mặt trước bằng những chữ màu đen, kiểu cách khỏe khoắn mạnh mẽ. Điều duy nhất khiến tôi kém vui chính là phần người-viết-sách. Nó ghi tác giả là Vô Danh. Tôi ước sao cô Skeeter được nêu tên ở đó, nhưng nó sẽ là một sự liều lĩnh khủng khiếp.
Ngày mai, tôi sẽ đem những cuốn mới ra lò này đến tặng những người đã góp chuyện trong sách. Cô Skeeter sẽ mang một cuốn lên Trại cải tạo cho Yule May. Theo một cách nào đó, cô ấy chính là lý do khiến những người khác đồng ý giúp chúng tôi. Nhưng tôi nghe nói Yule May có thể không nhận được món quà. Cứ mười thứ được gửi vào, tù nhân chỉ được nhận bất quá là một vì các quản trại đã giữ hết cho riêng mình mất rồi. Cô Skeeter nói cô sẽ gửi thêm mười lần nữa cho chắc ăn.
Tôi bê chiếc hộp to kềnh càng ấy về nhà và lấy ra một cuốn rồi cất cả hộp dưới gậm giường. Sau đó tôi chạy qua nhà Minny. Minny đã mang bầu đến tháng thứ sáu, nhưng nhìn vào khó ai có thể nhận ra nổi. Khi tôi đến nơi, cô đang ngồi bên bàn bếp uống một cốc sữa. Leroy ngủ trong phòng còn Benny, Sugar và Kindra đang tách lạc ngoài sân sau. Gian bếp yên tĩnh lắm. Tôi tươi cười, đưa Minny cuốn sách của cô.
Cô ngắm nghía nó. “Cháu thấy con chim câu trông được đấy.”
“Cô Skeeter bảo chim hòa bình là dấu hiệu báo một thời kỳ tươi sáng hơn sắp tới. Bảo bên California người ta toàn mặc áo có in hình đấy thôi.”
“Cháu chả cần để ý mấy người bên tận California,” Minny nói, mắt dán lên trang bìa. “Cháu chỉ quan tâm những người ở Jackson, Mississippi này nói gì về nó thôi.”
“Ngày mai sách sẽ được ra hiệu và vào thư viện. Hai ngàn năm trăm bản ở Mississippi, nửa còn lại chia đều khắp nước Mỹ.” Thế là lớn hơn nhiều so với con số bà Stein nói với chúng tôi trước đó, nhưng bởi các phong trào đòi tự do đã bắt đầu nở rộ, cộng thêm vụ mấy người đấu tranh đòi dân quyền biến mất trên một chiếc xe hơi ở ngay giữa Mississippi này(13), người dân toàn quốc đang hướng hết sự chú ý về bang chúng tôi.
“Bao nhiêu cuốn được vào thư viện da trắng ở Jackson?” Minny hỏi. “Không à?”
Tôi lắc đầu với một nụ cười. “Ba cuốn. Sáng nay cô Skeeter vừa gọi điện báo cho ta.”
Ngay cả Minny cũng lộ vẻ sửng sốt. Mới hai tháng trước đây, thư viện da trắng bắt đầu cho phép người da màu vào cửa. Riêng tôi đã vào hai lần.
Minny mở cuốn sách và bắt đầu đọc ngay tại chỗ. Bọn trẻ kéo nhau vào và cô sai chúng phải làm việc gì, làm thế nào mà không cần ngẩng đầu lên. Đôi mắt cô không ngừng lướt trên trang giấy. Bản thân tôi đã đọc nó vô số lần trong thời gian làm sách suốt một năm vừa qua. Nhưng Minny luôn nói cô không muốn đọc, chờ đến khi nào sách ra thật kia. Cô bảo cô không muốn làm hỏng nó.
Tôi ngồi với Minny một lúc. Thỉnh thoảng cô cười toe toét. Có lúc bật cười thành tiếng. Và hơn một lần cô gầm lên. Tôi không hỏi lý do tại sao. Tôi để cô lại với cuốn sách và quay về nhà. Sau khi viết xong hết những lời cầu nguyện của mình, tôi đi ngủ với cuốn sách đặt trên gối ngay cạnh mình.
HÔM SAU Ở CHỖ LÀM, tôi chỉ nghĩ được duy nhất một điều, đó là các cửa tiệm đang bày cuốn sách của tôi lên giá. Tôi lau nhà, tôi là quần áo, tôi thay tã, nhưng tôi không nghe thấy một từ nào liên quan đến nó trong ngôi nhà của cô Leefolt. Cứ như tôi chưa từng viết cuốn sách nào vậy. Tôi không biết mình trông đợi điều gì - một chút biến động chăng - nhưng đó là chỉ là một ngày thứ Sáu bình thường với lũ ruồi vo vo ngoài cửa lưới.
Tối hôm đó có tới sáu người giúp việc góp mặt trong cuốn sách gọi đến nhà tôi hỏi đã có ai nói gì chưa. Chúng tôi nấn ná trên điện thoại như thể câu trả lời sẽ thay đổi nếu chúng tôi thở vào ống nghe đủ lâu vậy.
Cô Skeeter gọi đến sau cùng. “Tôi vừa ghé qua tiệm Bookworm chiều nay. Tôi đứng ở đấy một lúc, nhưng chẳng có ai buồn cầm nó lên xem cả.”
“Eula kể cô ấy có qua tiệm sách da màu. Tình hình cũng vậy.”
“Thế hả,” cô thở dài.
Nhưng suốt cả hai ngày cuối tuần đó và tuần tiếp theo, chúng tôi cũng chẳng nghe được tin tức gì. Vẫn những cuốn sách cũ nằm trên táp đầu giường cô Leefolt: Các nghi thứ giao của Frances Benton, Peyton Place, cuốn Kinh Thánh cũ đầy bụi bặm cô đặt cạnh giường để trưng bày là chính. Thế mà trời đất, mắt tôi cứ chốc chốc lại liếc nhìn đống sách ấy cứ như đó là một vết bẩn.
Đến thứ Tư, mặt nước vẫn chưa xuất hiện lấy một gợn lăn tăn nào. Chưa có ai mua cuốn nào ở hiệu sách da trắng. Hiệu trên phố Farish báo đã bán được chừng hơn chục quyển, quả là tin tốt. Nhưng có lẽ đó chỉ là những người giúp việc kia mua về tặng bạn bè.
Thứ Năm - ngày thứ bảy, tôi chưa kịp ra khỏi cửa để đi làm, điện thoại đổ chuông ầm ĩ.
“Tôi có tin mới đây,” cô Skeeter thì thào. Tôi đoán cô lại đang giam mình trong kho chứa thực phẩm.
“Có chuyện gì thế?”
“Bà Stein vừa gọi, nói chúng ta sắp được lên chương trình của Dennis James rồi.”
“Người ta nói đấy á? Chương trình trên tivi phải không?”
“Sách của chúng ta được vào mục bình sách. Bà ta nói chương trình sẽ phát trên Kênh Ba thứ Năm tuần sau lúc một giờ chiều.”
Trời thần ơi, chúng tôi sẽ được lên WLBT-TV! Đó là chương trình tivi của riêng khu vực Jackson, và được phát sóng màu, ngay sau bản tin mười hai giờ.
“Cô nghĩ ý kiến bình luận sẽ theo hướng tốt hay xấu?”
“Tôi không biết nữa. Tôi còn không biết Dennis có tự mình đọc cuốn sách không hay chỉ nói lại những gì người ta bắt ông ta nói.”
Tôi vừa phấn khích, lại vừa sợ hãi. Điều gì đó nhất định phải xảy đến sau chương trình này.
“Bà Stein nói hẳn đã có ai đó trong ban quảng bá của Harper and Row thấy tội nghiệp thay cho ta và đã gọi điện tác động. Bà ta nói sách của ta là cuốn đầu tiên bà ta triển khai với kinh phí quảng bá bằng không.”
Chúng tôi cười, nhưng tiếng cười đều nhuốm màu lo lắng.
“Tôi hy vọng vú sẽ xem được ở nhà Elizabeth. Nếu không, tôi sẽ gọi cho vú để kể lại tất cả những gì họ đã nói.” " align="justify">TỐI THỨ SÁU, một tuần sau khi cuốn sách ra mắt, tôi ăn mặc gọn gàng, chuẩn bị tới nhà thờ. Sáng nay trợ tế Thomas vừa gọi cho tôi và mời tôi đến dự một cuộc họp đặc biệt, nhưng khi tôi hỏi họp về vấn đề gì, thì ông áy lại có việc bận đột xuất, nói phải đi ngay. Minny nói cô cũng được báo y như vậy. Thế nên tôi là một chiếc váy vải lanh xinh xắn của bà Greenlee cho và sang nhà Minny. Hai cô cháu sẽ đi bộ cùng nhau.
Như thường lệ, căn nhà Minny hệt như một cái chuồng gà đang gặp hỏa hoạn. Minny gào thét, đồ vật bay vèo vèo, bọn trẻ thì kêu oang oác. Tôi nhìn thấy tí bụng bắt đầu nhô lên dưới chiếc váy Minny mặc, tôi mừng vì cuối cùng cô cũng đã có bụng. Leroy, nó không đánh Minny khi cô có bầu. Và Minny cũng biết thế, nên tôi đồ rằng sau đứa này chắc sẽ còn nhiều em bé nữa lắm.
“Kindra! Nhấc cái mông lên ngay!” Minny thét. “Khi nào bố dậy, đậu phải nóng bỏng rồi nghe chưa!”
Kindra - con bé đã lên bảy rồi - vùng vằng đi ra chỗ bếp đun, mông vểnh tớn ra còn mũi hếch lên trời. Tiếp đến xoong chảo thi nhau va đụng loảng xoảng. “Sao con phải nấu cơm? Đến lượt chị Sugar chứ!”
“Vì Sugar còn bận làm việc ở nhà cô Celia và mày vẫn còn muốn sống mà học lên lớp ba.”
Benny bước vào vòng tay quanh hông tôi siết thật chặt. Nó cười hớn hở và chìa ra cho tôi xem cái răng vừa nhổ, rồi chạy biến đi mất.
“Kindra, vặn lửa nhỏ xuống không cháy nhà bây giờ!”
“Đi thôi, Minny,” tôi nói, vì trò gào thét này có thể kéo dài thâu đêm. “Ta đến muộn mất.”
Minny nhìn đồng hồ, đoạn lắc đầu. “Sao Sugar vẫn chưa về nhỉ? Cô Celia có bao giờ giữ cháu lại muộn thế đâu.”
Tuần trước, Minny bắt đầu đưa Sugar đi làm. Minny muốn dạy cho con bé quen việc để đến khi nào cô sinh, Sugar sẽ thế chỗ mẹ. Tối nay cô Celia bảo Sugar nán lại làm muộn, còn nói cô sẽ lái xe đưa nó về.
“Kindra, khi nào về, mẹ không muốn nhìn thấy một hạt đậu nào trong bồn rửa đâu đấy. Cọ cho sạch vào.” Minny ôm nó một cái. “Benny, vào bảo bố liệu mà lê xác ra khỏi giường nhanh lên.”
“Eo ôi, mẹ, sao lại là con...”
“Đi đi, can đảm lên con. Lúc bố tỉnh đừng đứng gần quá là được.”
Chúng tôi đã bước khỏi cửa và ra đến phố thì nghe thấy tiếng Leroy gầm lên với Benny vì dám đánh thức bố dậy. Tôi bước nhanh hơn để cô khỏi quay lại và cho Leroy thứ nó đáng được nhận.
“May mà tối nay cô cháu mình được đến nhà thờ,” Minny thở dài. Chúng tôi rẽ vào phố Farish, chân đã bước lên bậc thềm. “Ít ra cháu có một tiếng đỡ phải ong đầu vì những chuyện đấy.”
Khi chúng tôi vừa kịp bước vào sảnh chờ, một người trong mấy anh em nhà Brown lách ra sau lưng chúng tôi và khóa cửa lại. Tôi đang dợm miệng định hỏi tại sao, có lẽ tôi còn phát hoảng nếu có đủ thời gian, nhưng sau đó hơn ba chục người có mặt trong căn phòng bắt đầu vỗ tay hoan hô. Minny và tôi cũng họa theo. Chắc có ai vừa đỗ đại học hay gì đó.
“Ta vỗ tay mừng ai đấy?” Tôi hỏi Rachel Johnson. Cô ấy là vợ ngài linh mục.
Cô bật cười và cả phòng bỗng im lặng. Cô nghiêng sát vào tôi.
“Chị, bọn em vỗ tay mừng chị đấy.” Rồi cô cúi xuống và lấy ra một cuốn sách trong túi mình. Tôi nhìn quanh, giờ đây mỗi người đều đang cầm một cuốn sách trong tay. Tất cả những vị chức sắc quan trọng và trợ tế nhà thờ đều có mặt ở đây.
Linh mục Johnson tiến đến trước mặt tôi. “Aibileen, đây là một thời khắc quan trọng cho con và nhà thờ của chúng ta.”
“Hẳn mọi người đã dọn sạch cả hiệu sách rồi nhỉ,” tôi nói, và tất cả mọi người đều cười ồ lên rất lịch sự.
“Chúng ta muốn con biết, vì sự an toàn của con, đây sẽ là lần duy nhất cả nhà thờ chúc mừng con vì thành tựu con đạt được. Ta biết rất nhiều người đã tham gia làm cuốn sách này, nhưng ta nghe nói nó không thể hoàn thành nếu không có con.”
Tôi nhìn sang thấy Minny đang cười, và tôi biết có cũng góp mặt trong vụ dàn dựng này.
“Một thông điệp kín đã được gửi đi khắp giáo đoàn và cả khu vực, rằng nếu bất kỳ người nào biết được ai là người có mặt trong cuốn sách hay ai đã viết cuốn sách, tuyệt đối không được bàn đến chuyện đó. Trừ đêm nay. Ta xin lỗi” - cha cười, đoạn lắc đầu - “nhưng chúng ta không thể bỏ qua dịp này mà không tổ chức ăn mừng được.”
Cha trao cho tôi quyển sách. “Chúng ta biết con không thể đưa tên thật vào đó, nên tất cả mọi người đã ký tên mình cho con.” Tôi mở trang bìa ra và chúng ở đó, không phải ba mươi hay bốn mươi cái tên, mà là hàng trăm, có lẽ phải đến năm trăm, ở các trang bìa giả phía trước, phía sau, dọc theo lề giấy trắng của những trang ruột. Tất cả mọi người ở nhà thờ của tôi và những người ở các nhà thờ khác nữa. Ôi, tôi chỉ biết òa lên khóc. Như thể hai năm trời làm việc và cố gắng và hy vọng, nay đã được đền đáp. Rồi mọi người xếp thành một hàng đi đến ôm tôi. Khen tôi thật dũng cảm. Tôi nói với họ rằng còn rất nhiều người khác cũng dũng cảm. Tôi ghét phải vơ vét hết mọi sự chú ý về mình, nhưng tôi vô cùng biết ơn vì họ không nhắc đến một cái tên nào khác. Tôi không muốn họ gặp rắc rối Tôi không nghĩ họ biết Minny là một trong số đó.
“Sắp tới có lẽ sẽ có vài khoảng thời gian khá khó khăn,” linh mục Johnson nói với tôi. “Nếu điều đó xảy ra, nhà thờ sẽ giúp con mọi mặt.”
Tôi òa khóc ngay trước mặt tất cả mọi người. Tôi nhìn sang Minny, cô đang cười. Lạ thật, mỗi người lại có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau quá. Tôi tự hỏi cô Skeeter sẽ làm gì nếu cô có mặt ở đây, nghĩ đến đấy làm tôi thoáng buồn. Tôi biết sẽ không có ai trong thị trấn ký một cuốn sách nào cho cô và bảo rằng cô thật dũng cảm. Sẽ không có ai hứa chăm lo cho cô.
Rồi linh mục trao cho tôi một chiếc hộp bọc giấy trắng, thắt ruy băng màu xanh lơ, giống hệt màu cuốn sách. Cha đặt tay lên hộp như một lời chúc phúc. “Cuốn này là để dành cho cô gái da trắng. Con nói với cô ấy là chúng ta yêu cô ấy, như cô ấy là ruột thịt của chúng ta.”
THỨ NĂM, tôi thức dậy cùng mặt trời và đi làm thật sớm. Hôm nay là một ngày trọng đại. Tôi kết thúc thật nhanh phần việc bếp núc. Một giờ tới, tôi bày biện đồ nghề là ủi thật tươm tất ngay trước chiếc tivi nhà cô Leefolt, bật sang Kênh Ba. Cu Con đang ngủ trưa còn Mae Mobley vẫn ở trường.
Tôi cố ủi mấy đường li nhưng tay tôi run lẩy bẩy, thế là thành ra nhăn nheo hết cả. Tôi xịt nước và ủi lại, vừa lính quýnh vừa nhăn nhó. Cuối cùng cũng đến giờ.
Trên chiếc hộp hiện lên hình Dennis James. Anh ta bắt đầu nói cho khán giả biết hôm nay chúng ta sẽ bàn về đề tài gì. Mớ tóc đen nhánh xịt đẫm gôm đến mức nó không hề động đậy một li. Anh ta là người miền Nam nói nhanh nhất mà tôi từng biết. Cái cách anh ta tuôn lời khiến tôi có cảm giác như mình đang phóng trên một cái tàu lượn siêu tốc. Tôi hồi hộp quá, tưởng sắp nôn ra ngay bộ âu phục của ông Raleigh mất.
“… và chúng sẽ kết thúc chương trình với mục điểm sách.” Sau phần quảng cáo, anh ta bình luận gì đó về căn phòng phòng xanh của Levis Presley. Sau đó anh ta nói đến con đường Cao tốc liên bang số 55 người ta sắp xây dựng, đi xuyên qua Jackson lên tận New Orleans. Rồi tiếp theo, lúc 1:22 chiều, một phụ nữ ra ngồi cạnh anh ta, tên Joline French. Cô ta tự giới thiệu mình là nhà phê bình sách trong vùng.
Đúng giây phút đó, cô Leefolt bước vào phòng. Cô đang diện bộ đồng phục Hội, gõ đôi giày cao gót ầm ĩ và đi thẳng vào phòng khách.
“Cuối cùng đợt nóng cũng kết thúc, tôi mừng muốn nhảy lên đây,” cô nói.
Ngài Dennis đang tán gẫu về một cuốn sách tên là Người đàn ông vĩ đại nhỏ bé, tôi cố tỏ ý đồng tình với cô Leefolt, nhưng chẳng hiểu sao mặt tôi cứ đơ ra. “Tôi... tôi tắt tivi đi đây.’
“Không, cứ để đấy!” Cô Leefolt kêu lên. “Joline French đang ở trên tivi kìa! Tôi phải gọi cho Hilly mới được.”
Cô lộc cộc chạy vào bếp và nhấc điện thoại lên nói chuyện với người giúp việc thứ ba cô Hilly thuê trong có một tháng. Ernestine chỉ có mỗi một tay. Lựa chọn dành cho cô Hilly ngày càng eo hẹp hơn.
“Ernestine, tôi Elizabeth đây... Ồ, cô ấy không có nhà à? Vậy, khi nào cô ấy về, chị bảo ngay là một cô trong hội nữ sinh viên chúng tôi đang được lên tivi nhé... Đúng rồi, cảm ơn chị.”
Cô Leefolt cuống quít quay về phòng khách và ngồi xuống ghế sofa, nhưng đang đến phần quảng cáo. Tôi bắt đầu thở hổn hển. Cô ta đang làm gì vậy? Trước nay chúng tôi đã bao giờ xem tivi cùng nhau đâu. Thế mà đúng ngày hôm nay cô ta lại ngồi chễm chệ ở đó, căng mắt ra nhìn cứ như đang được xem chính mình trên màn ảnh vậy!
Đột nhiên đoạn quảng cáo xà phòng Dial chấm dứt. Và ngài Dennis xuất hiện với cuốn sách của tôi trên tay! Con chim trắng nom to hơn bao giờ hết. Anh ta giơ nó lên và chỉ ngón tay vào chữVô Danh. Trong vòng hai giây tôi cảm thấy kiêu hãnh hơn là sợ hãi. Tôi muốn hét lên - Sách của tôi đấy! Sách của tôi được lên tivi đấy! Nhưng tôi phải đứng im, như thể đang xem một thứ tẻ nhạt. Tôi hầu như không thở nổi!
“...có tựa đề là Help với những bằng chứng được chính những người giúp việc ở Mississippi...”
“Ôi, ước gì Hilly có ở nhà! Tôi biết gọi cho ai đây? Trông đôi giày cô ấy đi xinh chưa kìa, chắc cô ấy mua ở tiệm Papagallo đấy.”
Cô im đi cho tôi nhờ! Tôi vươn tay ra và vặn to tiếng thêm một chút, nhưng ngay lập tức tôi ước sao mình đừng làm như vậy. Nhỡ họ nói về cô ta thì sao? Liệu cô Leefolt có nhận ra cuộc sống của chính mình không?
“… vừa đọc xong tối qua, hiện giờ vợ tôi cũng đang đọc...” Ngài Dennis tuôn ra hàng tràng như một gã đấu giá, miệng cười hô hố, lông mày nhướng lên hạ xuống liên tục, tay chỉ vào cuốn sách của chúng tôi. Và nó thực sự rất cảm động. Rất đậm tính khai sáng, tôi phải nói vậy và họ bịa ra một thị trấn Niceville không có thực, ở Mississippi, nhưng ai mà biết được?” Anh ta đưa tay lên che nửa miệng, rồi thì thầm rất to. “Nó có thể là Jackson lắm chứ!”
Cái gì cơ?
“Ấy, tôi không dám nói chắc, nó có thể là bất kỳ đâu, nhưng để phòng khi, bạn nên chạy đi mua ngay một cuốn để đảm bảo mình không xuất hiện trong sách! Ha-Ha-Ha-Ha...”
Tôi chết trân, cảm thấy trên cổ ngứa ran lên. Không có một chữnào trong đó là Jackson cả. Ngài Dennis, xin ngài nói lại cho tôi nghe nó có thể là bất kỳ đâu đi!
Tôi thấy cô Leefolt tươi cười với cô bạn mình trên tivi, cứ như cô kia có thể nhìn thấy cô, ngài Dennis cười cười nói nói không nghỉ miệng tí nào, nhưng cái cô trong hội nữ sinh viên, cô Joline, thì đỏ gay cả mặt như muốn ra hiệu cho anh ta dừng lại.
“… một sự bôi nhọ miền Nam! Một sự bôi nhọ những phụ nữ miền Nam tốt bụng đã dành cả cuộc đời mình chăm lo cho những người giúp việc. Tôi biết chính bản thân tôi đối xử với người giúp việc như ruột thịt trong nhà và tất cả các bạn bè của tôi đều thế...”
“Sao cô ấy lại cau có như thế trên tivi?” Cô Leefolt rên rỉ với chiếc hộp. “Joline!” Cô chúi hẳn người về phía trước và gõ-gõ-gõngón tay lên trán cô Joline. “Đừng cau có! Làm thế trông cậu chẳng xinh tí nào!”
“Joline, chị đã đọc phần kết chưa? Về chiếc bánh ấy? Nếu chị giúp việc Bessie Mae nhà tôi cũng đang xem chương trình này, Bessie Mae, tôi có một niềm kính trọng mới dành cho những gì chị đang làm mỗi ngày. Và từ rày trở đi cho tôi xin kiếu món bánh sô-cô-la! Ha-Ha-Ha...”
Nhưng cô Joline giơ cuốn sách lên như thể muốn đốt nó ngay lập tức. “Đừng mua cuốn sách này! Các chị em phụ nữ Jackson, đừng tiếp tay cho những lời vu khống này bằng những đồng tiền mồ hôi mắt của chồng mình...”
“Hở?” Cô Leefolt hỏi ngài Dennis. Và sau đó bụp - tivi chuyển sang quảng cáo Tide.
“Họ vừa nói về cái gì đấy?” Cô Leefolt hỏi tôi.
Tôi không trả lời. Tim tôi đang đập thình thịch.
“Joline bạn tôi có cầm một cuốn sách trong tay.”
“Phải, thưa cô.”
“Tên là gì ấy nhỉ? Help hay gì đó thì phải?”
Tôi ấn mũi bàn ủi xuống cổ áo sơ mi của ông Raleigh. Tôi phải gọi cho Minny, cô Skeeter nữa, để xem họ có xem được chương trình này không. Nhưng cô Leefolt vẫn đứng đó chờ câu trả lời của tôi và tôi biết cô sẽ không bỏ qua. Cô không bao giờ bỏ qua.
“Tôi nghe họ nói nó viết về Jackson thì phải?”
Tôi vẫn trân mắt nhìn chòng chọc vào cái bàn ủi.
“Tôi nghĩ họ đã nói Jackson. Nhưng tại sao họ lại không muốn chúng tôi mua nó nhỉ?”
Tay tôi run bần bật. Sao chuyện này lại có thể xảy ra cơ chứ? Tôi tiếp tục ủi, cố gắng tạo ra cái gì đó khá hơn là những mặt phẳng nhăn nheo.
Một giây sau, quảng cáo Tide kết thúc và ngài Dennis James ở đó, tay giơ cao cuốn sách còn mặt cô Joline vẫn đỏ au. “Chương trình xin tạm dừng tại đây,” anh ta nói, “nhưng các bạn nhớ mua cho mình một cuốn Người đàn ông vĩ đại bé nhỏ và Help từ nhà tài trợ của chúng tôi, hiệu sách phố State. Và hãy tự mình kiểm chứng xem đó có phải là Jackson hay không?” Rồi nhạc nổi lên và anh ta hét to, “Chúc một ngày tốt lành, Mississippi!”
Cô Leefolt nhìn tôi và nói, “Chị thấy chưa? Tôi đã bảo chị họ nói nó viết về Jackson mà lị!” Và chỉ năm phút sau, cô đã phóng ra hiệu sách để mua cho mình một cuốn sách tôi đã viết về cô.
MINNY