Chương 34

    
ÔM NAY BỘ ĐỒ BẠC nhà cô Leefolt lấm tấm những đốm mờ nom đến kỳ cục. Chắc là do độ ẩm cao quá. Tôi đi quanh bàn chơi bài, đánh bóng lại từng chiếc dao nĩa, kiểm tra xem có thiếu mất cái nào không. Cu Con đã bắt đầu biết xoáy những món lặt vặt, thìa dĩa rồi tiền xu và cả trâm cài tóc nữa. Nó giấu hết mấy món lủng củng đó vào tã. Nhiều khi, thay tã cho thằng bé cứ như là mở rương kho báu vậy.
Điện thoại đổ chuông, thế là tôi chạy xuống bếp nghe.
“Cháu có tin mới đây,” Minny nói trên điện thoại.
“Cháu nghe được gì?”
“Bà Renfro nói bà ta biết thừa chính mụ Hilly là người đã ăn cái bánh đấy,” Minny cười rinh rích nhưng tim tôi lại đập nhanh gấp mười lần.
“Trời thần ơi, năm phút nữa là cô Hilly sẽ có mặt ở đây. Cô ta nên mau mau dập tắt đám lửa đó đi.” Điên thật, bây giờ thì đâm ra chúng tôi lại cùng phe với cô ta. Tôi thấy đầu óc mình cứ rối tung hết cả lên.
“Cháu gọi cho bà Enerstine què...” Minny đột nhiên im bặt. Chắc cô Celia vừa bước vào.
“Không sao, cô ta đi rồi. Cháu gọi cho bà Enerstine què, bà ấy bảo mụ Hilly gào thét suốt ngày trên điện thoại. Còn bà Clara nữa, bà ta biết về Fanny Amos rồi.”
“Bà ta có đuổi việc Fanny không?” Cô Clara đã giúp đỡ con trai Fanny Amos vào đại học, một trong những câu chuyện vui.
“Không không. Chỉ ngồi há hốc miệng với cuốn sách trong tay thôi.”
“Tạ ơn Chúa. Nếu nghe được tin gì nữa thì gọi ngay cho ta nhé,” tôi nói. “Nếu cô Leefolt nghe máy thì cũng đừng cuống. Cứ bảo cô ấy là cháu báo tin em gái ta đang ốm.” Và này, thưa Chúa, xin Người đừng phạt con vì nói dối chuyện đó nhé. Con chẳng muốn em gái con ốm chút nào cả.
Chúng tôi vừa gác máy được vài phút chuông cửa đã reo inh ỏi, và tôi vờ như không nghe thấy gì. Tôi sợ phải đối mặt với cô Hilly sau những gì cô ta đã nói với cô Skeeter. Tôi không thể tin nổi mình lại nhắc đến vết nứt chữ L kia trong sách. Tôi ra nhà vệ sinh của mình và cứ ngồi nguyên trong đó, lẩn mẩn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu tôi phải rời xa Mae Mobley. Lạy Chúa, tồi thầm cầu nguyện, nếu con phải rời xa nó, xin Người hãy ban cho nó ai đó tử tế. Đừng bỏ mặc nó một mình với cô Taylor luôn mồm rủa làn da đen của nó thật bẩn thỉu và mụ bà ngoại cứ cấu chí nó không thương tay chỉ để moi lấy vài câu cảm ơn cùng cô Leefolt lạnh lùng thờ ơ. Mai tôi sẽ làm, tôi tự nhủ. Tôi sẽ tạm biệt Mae Mobley, phòng khi.
KHI TRỞ VÀO NHÀ, tôi nghe thấy tiếng các cô đang quây quanh bàn chơi bài nói chuyện. Giọng cô Hilly rất to. Tôi ghé sát tai vào c bếp, chứ không dám ra ngoài đó.
“… không phải Jackson đâu. Cuốn sách đó chỉ là đồ rác rưởi, có thế thôi. Tôi cá tất cả đều do một con mọi đen bịa ra...”
Bỗng dưng có tiếng ghế cọt kẹt, tôi biết ngay cô Leefolt sắp vào đây lùng tôi. Tôi không thể trốn tránh thêm được nữa.
Tôi mở cửa ra, tay bưng khay trà đá. Tôi đi vòng quanh bàn, mắt dán chặt xuống giày.
“Tôi nghe nói nhân vật Betty có thể là Charlene đấy,” cô Jeanie nói, hai mắt trố ra thô lố. Bên cạnh cô, mắt cô Lou Anne lộ vẻ lãnh đạm như thể dù có thế nào đi nữa thì cô cũng chẳng lấy làm bận tâm. Tôi ước sao mình có thể vỗ lên vai cô. Tôi ước sao mình có thể nói để cô biết chỉ riêng việc cô là bà chủ của Louvenia cũng khiến tôi lấy làm sung sướng lắm, nhưng tôi biết mình không thể. Và tôi cũng không hiểu ý tứ của cô Leefolt ra sao nữa, vì cô chỉ cau mày như mọi khi. Nhưng mặt cô Hilly thì tím ngắt như một quả mận.
“Còn bà giúp việc ở Chương Bốn ấy?” Cô Jeanie lại tiếp lời. “Tôi nghe chị Sissy Tucker bảo...”
“Đã bảo không phải Jackson cơ mà!” Cô Hilly gần như gào lên khiến tôi đang dở tay rót trà cũng phải giật bắn mình. Một giọt nước vô tình rót xuống chiếc đĩa không của cô Hilly. Cô ngẩng lên nhìn tôi và cứ như có nam châm, mắt tôi cũng bị hút chặt vào mắt cô.
Bằng giọng trầm và lạnh lẽo, cô nói, “Aibileen, vú làm rớt nước rồi đấy.”
“Tôi xin lỗi, tôi...”
“Lau đi.”
Tôi lẩy bẩy lấy chiếc khăn đang lót quai khay nước chùi sạch cái đĩa.
Cô nhìn xoáy vào mặt tôi, đến độ tôi phải cụp mắt xuống. Tôi có thể cảm thấy cái bí mật nóng bỏng chen giữa hai chúng tôi. “Lấy cho tôi cái đĩa khác. Cái nào chưa dính nùi giẻ bẩn thỉu của vú ấy.”
Tôi lấy cho cô cái đĩa khác. Cô săm soi nó rồi khịt mũi rất to, đoạn quay sang cô Leefolt và nói, “Cái lũ này đến chuyện làm thế nào cho sạch sẽ cũng không thể dạy nổi.”
TÔI PHẢI Ở LẠI đến tối muộn hôm ấy vì cô Leefolt. Mae Mobley ngủ rồi, tôi bèn lấy cuốn sổ cầu nguyện ra và lên damừng cho cô Skeeter lắm. Sáng nay cô ấy đã gọi cho tôi và bảo là sẽ nhận việc. Một tuần nữa thôi, cô sẽ lên New York! Nhưng trời đất, cứ hễ nghe thấy tiếng động nào là tôi lại giật bắn mình, chỉ sợ cô Leefolt bất thình lình bước vào và nói rằng cô đã biết hết sự thật. Đến lúc về tới nhà, bụng dạ tôi vẫn còn nhộn nhạo, có lên giường chắc cũng chẳng ngủ nổi. Tôi mò mẫm đi xuyên qua màn đêm tối đen như mực, lần đến cửa hậu nhà Minny. Cô đang ngồi bên bàn đọc báo. Đây là khoảng thời gian duy nhất trong ngày mà Minny không phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để lau chùi một thứ gì đó, hay cho ai đó ăn hoặc uốn nắn ai đó làm ăn cho tử tế. Căn nhà im ắng đến mức tôi đồ rằng đã có chuyện chẳng lành. “Mọi người đâu cả rồi?”
Cô nhún vai, “Đi ngủ hoặc đi làm hết rồi.”
Tôi kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống. “Ta chỉ muốn biết điều gì sẽ xảy ra,” tôi nói. “Ta biết lẽ ra phải mừng vì mọi thứ chưa nổ tung ngay trước mặt mình, nhưng cứ chờ đợi mãi thế này thì ta đến phát điên mất.”
“Nó sẽ xảy ra. Sớm thôi mà,” Minny nói, cứ như chúng tôi đang bàn về loại cà phê mình uống vậy.
Cô nhìn tôi, tay đặt lên chiếc bụng đã bắt đầu nhô cao chỉ sau có hai tuần vừa rồi. “Cô biết bà Chotard, cái bà mà Willie Mae giúp việc không? Hôm qua bà ta hỏi Willie Mae là bà ta có đối với cô ấy tệ như mụ chủ độc ác trong sách không.” Minny khụt khịt. “Willie Mae đáp bà ta vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục nhưng được cái không đến nỗi tệ bạc lắm.”
“Bà ta hỏi chị ấy thế thật ư?”
“Sau đó Willie Mae ngồi kể hết tất cả mấy bà cô da trắng đã đối xử với cô ấy như thế nào, cả người tốt lẫn người xấu, thế mà cái bà kia chịu nghe đấy. Willie Mae bảo cô ấy đã vào cửa cái nhà đấy những ba mươi mốt năm trời, nhưng đây là lần đầu tiên họ ngồi cùng một bàn.”
Ngoài Louvenia, đây là tin tốt đầu tiên chúng tôi được nghe. Tôi cố gắng tận hưởng nó rồi lập tức quay về với hiện tại. “Cô Hilly thì sao? Còn những chuyện cô Skeeter nói nữa? Minny, chả lẽ cháu không thấy lo lắng tí gì ư?”
Minny đặt tờ báo xuống. “Cô nghe này, Aibileen, cháu không nói dối cô làm gì. Cháu sợ Leroy sẽ giết cháu nếu hắn biết chuyện, cháu sợ mụ Hilly sẽ đốt trụi nhà cháu. Nhưng,” cô lắc đầu, “cháu cũng không cắt nghĩa được. Tự nhiên cháu có linh cảm. Rằng có lẽ mọi sự đang diễn ra theo đúng cách nó phải thế.”
“Thật ư?”
Minny gần như bật cười. “Trời đất, giọng lưỡi của cháu bắt đầu giống hệt cô rồi nhỉ? Chắc cháu già rồi.”
Tôi giơ chân đá nhẹ cô. Nhưng tôi đang cố hiểu Minny dựa vào đâu mà suy nghĩ thế. Chúng tôi đã làm được một việc rất dũng cảm, rất tốt. Và có lẽ Minny chẳng muốn bị cướp mất bất cứ thứ gì dính dáng đến dũng cảm và tốt. Kể cả xấu. Nhưng tôi không tài nào lý giải nổi thái độ bình thản của cô lúc này.
Minny lại nhìn xuống tờ báo nhưng chỉ một lát sau, tôi đã nhận ra ngay cô không hề đọc. Cô chỉ đăm đăm nhìn những dòng chữ, còn đầu lại nghĩ chuyện khác. Chớt cửa xe ai đó bên nhà hàng xóm bất thình lình sập lại khiến người cô giật bắn lên. Và tôi bỗng thấy cô đang lo sợ lắm, song vẫn cố giấu. Nhưng tại sao? Tôi tự hỏi. Sao cô lại giấu tôi chuyện đó?
Ngẫm nghĩ một hồi, tôi chợt hiểu chuyện gì đang xảy ra, hiểu điều Minny đã làm. Tôi không biết tại sao đến giờ mình mới ngộ ra. Minny ép chúng tôi đưa chuyện chiếc bánh vào sách để bảo vệ chúng tôi. Không phải để bảo vệ bản thân cô, mà là bảo vệ tôi và những người khác. Cô biết nó sẽ chỉ khiến mối thù giữa cô và Hilly thêm sâu nặng. Nhưng cô vẫn làm, vì tất cả những người khác. Cô không muốn ai thấy cô đang sợ hãi đến mức nào.
Tôi vươn tay ra và siết chặt tay cô. “Cháu là một người cao thượng, Minny ạ.”
Cô trợn mắt, lè lưỡi, cứ như tôi vừa đưa cho cô một đĩa bánh quy cho chó ấy. “Cháu biết ngay cô lẩm cẩm rồi mà.” Cả hai cô cháu cùng cười. Bấy giờ đã muộn và chúng tôi cùng mệt rã rời, nhưng cô vẫn đứng dậy rót thêm một cốc cà phê khác và pha cho tôi một tách trà, tôi nhấm nháp thật chậm rãi. Chúng tôi hàn huyên đến tận khuya.
HÔM SAU, THỨ BẢY, tất cả chúng tôi đều ở nhà, cả gia đình cô Leefolt cộng với tôi. Ngay cả ông Leefolt hôm nay cũng ở nhà. Cuốn sách của tôi không còn nằm trên chiếc táp đầu giường nữa. Tôi không biết cô đã cất vào đâu. Sau đó tôi trông thấy chiếc túi xách của cô Leefolt trên ghế sofa, cô đã bỏ nó vào trong túi. Nghĩa là cô vừa cầm nó theo đi đâu đó, tôi nhòm vào thì thấy tấm thẻ đánh dấu đã không còn ở đó.
Tôi muốn nhìn thẳng vào mắt cô để xem cô biết những gì, nhưng cô Leefolt cứ lúi húi trong bếp suốt để làm bánh trái gì đó. Cô nhất định không cho tôi vào giúp. Cô bảo cái bánh này không giống những loại bánh tôi vẫnàm, đó là công thức gì cầu kỳ lắm mà cô lấy tận trên tạp chí Gourmet về. Ngày mai cô sẽ thết tiệc buổi trưa cho cả nhà thờ và phòng ăn đã la liệt những bát đĩa dao dĩa để phục vụ cho dịp này. Cô đã mượn những ba chiếc lò hâm bên nhà cô Lou Anne cùng tám bộ dao nĩa của cô Hilly vì sẽ có tới mười bốn người khách và Chúa cấm tiệt các con chiên đi nhà thờ không được ăn bằng mấy cái nĩa kim loại dùng trong bữa ăn ngày thường.
Cu Con ở trong phòng Mae Mobley chơi với chị. Còn ông Leefolt cứ lượn đi lượn lại khắp nhà như cái đèn cù. Thỉnh thoảng ông lại dừng trước cửa phòng Bé Con, rồi lại đi liếp. Có lẽ ông ấy nghĩ mình nên vào chơi với con, hôm nay thứ Bảy mà, nhưng tôi đồ là ông không biết chơi làm sao.
Thành ra tôi chẳng còn mấy chỗ để đi. Khi ấy mới là hai giờ chiều, nhưng tôi đã lau chùi sạch sẽ khắp mọi ngóc ngách xó xỉnh của căn nhà, cọ xong nhà vệ sinh, giặt hết quần áo. Tôi còn ủi phẳng lù tất tật những cái gì na ná vết nhăn. Tôi đã bị cấm cửa không cho vào bếp, mà tôi lại không thích ông Leefolt nghĩ rằng tôi chỉ biết mỗi trò ngồi quanh ngồi quẩn rồi chơi nhởn với bọn trẻ. Cuối cùng tôi cũng lại thơ thẩn đi quanh nhà.
Khi ông Leefolt chuyển sang tuần tiễu phòng ăn, tôi hé mắt nhòm vào và thấy Mae Mobley cầm tờ giấy trong tay, nó đang dạy thằng Ross cái gì đó. Con bé thích chơi trò cô giáo học sinh với thằng em nó lắm.
Tôi vào phòng khách, bắt tay vào phủi bụi giá sách lần thứ nhì, với ngần ấy người lảng vảng xung quanh thế này, chắc hôm nay tôi không thể nói lời tạm biệt phòng hờ với con bé được mất.
“Bây giờ mình chơi trò này nhé,” tôi bỗng nghe Mae Mobley bảo em nó. “Em ngồi ở quầy này nhé vì em đang ở tiệm Woolworf, với cả em là người da màu. Chị có làm gì thì em vẫn phải ngồi yên ở đấy, không thì em sẽ bị bắt vào tù ngay.”
Tôi lao vào phòng nó nhanh hết mức có thể, nhưng ông Leefolt đã đứng lù lù ở đó nhìn cánh cửa. Tôi đứng lại sau ông.
Ông Leefolt khoanh cánh tay lại trên ngực áo sơ mi trắng. Đầu ông nghển sang một bên. Tim tôi đập thình thình với tốc độ cả ngàn dặm một giờ. Tôi chưa từng nghe thấy Mae Mobley nhắc đến câu chuyện bí mật của hai bác cháu với một ai khác ngoài tôi. Và chỉ khi nào mẹ nó không có ở nhà và xung quanh chẳng còn ai, ngoại trừ căn nhà, nghe thấy. Nhưng con bé quá mải mê với trò chơi của mình nên không biết bố nó đang lắng tai nghe.
“Được rồi,” Mae Mobley nói, đoạn con bé đỡ thân hình mũm mĩm của thằng em lên ghế. “Ross, em phải ngồi yên ở quầy ăn tiệm Woolworf nghe chưa. đứng dậy đấy.”
Tôi muốn lên tiếng, nhưng không thể đẩy nổi từ gì ra khỏi miệng. Mae Mobley rón rén vòng ra sau lưng Ross, rồi dốc cả hộp bút sáp màu xuống đầu thằng bé, chúng đua nhau rơi loảng xoảng. Cu Con nhăn nhó, nhưng con bé nghiêm mặt nhìn nó, bảo, “Em không được động đậy. Dũng cảm lên. Mà cấm đánh trả đấy nhá.” Rồi con bé lè lưỡi giễu thằng em và bắt đầu cầm giày của búp bê ném vào nó còn Cu Con nhìn chị như muốn hỏi Sao em lại phải chịu đựng ba cái trò ngớ ngẩn này? Rồi nó lồm cồm bò xuống khỏi ghế, miệng rền rĩ khổ sở.
“Em thua rồi!” Con bé kêu ầm lên. “Nào, giờ ta sẽ chơi trò Cuối Xe Buýt và tên em là Rosa Parks.”
“Ai dạy con mấy thứ này, Mae Mobley?” Ông Leefolt bỗng cất tiếng hỏi và Bé Con quay ngoắt lại, ánh mắt thảng thốt như vừa nhìn thấy một bóng ma.
Tôi cảm thấy xương cốt mủn hết ra. Từng tế bào trên cơ thể đều thúc giục tôi vào trong đó. Để cứu con bé khỏi rắc rối, nhưng tôi còn không thở đủ để cất nổi bước chân. Bé Con nhìn thẳng vào tôi, lúc ấy đang đứng sau lưng bố nó. Ông Leefolt ngoái lại thấy tôi, bèn quay về nhìn con.
Mac Mobley ngước mắt lên nhìn bố nó trân trân. “Con không biết.” Rồi mắt nó nhìn lảng xuống bộ đồ chơi đang nằm lăn lóc trên sàn, như thể nó đang tính chơi món này. Tôi đã từng thấy nó làm thế và biết tỏng nó đang nghĩ gì. Nó cho rằng nếu nó chú tâm vào một thứ khác và tảng lờ bố nó, có lẽ ông ta sẽ bỏ đi.
“Mae Mobley, bố đang hỏi con kia mà. Con học mấy thứ đó ở đâu?” Ông cúi xuống sát mặt con bé. Tôi không nhìn thấy mặt ông, nhưng tôi biết ông đang tươi cười vì Mae Mobley nom ngượng nghịu lắm, đứa bé gái nào mà chẳng yêu bố. Và rồi nó đáp thật to, thật rõ:
“Cô Taylor ạ.”
Ông Leefolt đứng phắt dậy. Ông đi thẳng xuống bếp còn tôi tất tả bám theo. Ông nắm vai cô Leefolt mà xoay lại và nói: “Ngày mai. Em phải đến trường và chuyển ngay Mae Mobley sang lớp khác cho anh. Không có cô Taylor Tay Liếc gì nữa.”
“Sao cơ? Làm sao em đổi cô giáo của nó được...”
Tôi nín thở, thầm cầu nguyện, Có, cô làm được. Xin cô.
“Làm ngay đi.” Ví như mọi người đàn ông khác, ông Raleigh Leefolt bước thẳng ra cửa, đến nơi ông không phải mất công đôi co với bất cứ ai về bất cứ
CẢ NGÀY CHỦ NHẬT, tôi không thể ngừng cảm ơn Chúa vì đã cứu Bé Con khỏi bàn tay của cô Taylor. Hàng tràng Tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa ngân lên trong đầu tôi như một khúc ca. Sáng thứ Hai, cô Leefolt sắm sửa quần áo chỉnh tề để đến trường của Mae Mobley, và tôi không khỏi mỉm cười vì thừa biết cô đi vì việc gì.
Trong khi cô Leefolt đi, tôi bắt tay vào chùi rửa bộ dao nĩa của cô Hilly. Sau bữa tiệc trưa hôm qua, cô Leefolt đã nhặt lại hết và sắp cả ra bàn bếp. Tôi rửa sạch từng cái và dành cả giờ đồng hồ tiếp theo để đánh bóng, bụng cứ thắc mắc không hiểu bà Ernestine què tay làm việc này kiểu gì. Đánh bóng đồ bạc kiểu Grand Baroque, với ngần ấy đường cuộn và xoắn, là công việc phải huy động cả hai tay.
Khi cô Leefolt về đến nhà, cô bỏ chiếc xắc tay lên bàn và chắt lưỡi. “Ấy, tôi đã định mang trả bộ dao nĩa từ sáng nay nhưng lại phải đến trường của Mae Mobley và tôi mới biết con bé bị cảm vì nó đã hắt hơi suốt cả sáng, mà giờ đã gần mười giờ rồi...”
“Mae Mobley bị ốm ư?”
“Chắc thế.” Cô Leefolt đảo mắt. “Ôi, tôi trễ cái hẹn làm tóc mẩt. Khi nào vú lau chùi xong thì mang luôn sang nhà Hilly giúp tôi. Tôi sẽ về sau giờ ăn trưa.”
Làm xong, tôi gói ghém tất cả bộ dao nĩa của cô Hilly trong một tấm vải xanh rồi đi đánh thức Cu Con. Thằng bé vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, nó hấp háy mắt nhìn tôi và cười toe toét.
“Nào, Cu Con, bác thay tã mới cho con nhé.” Tôi đặt nó lên bàn thay tã và cởi chiếc tã ướt ra, lạy Chúa, thế nào mà chả có ba mảnh gỗ ghép và một cái trâm cài tóc của cô Leefolt trong đó. Nhưng ơn trời, chỉ có tã ướt, chứ tuyệt không thấy mấy món kia.
“Trời đất,” tôi cười, “con cứ như kho bạc Fort Knox vậy.” Thằng bé toét miệng và cười khanh khách. Nó chỉ tay vào cũi và tôi ra xem thì thấy cái chăn đắp lổn nhà lổn nhổn và y như rằng, ở đó có hẳn một cái lô cuốn tóc, một cái thìa đong, và một chiếc khăn ăn. Trời thần ơi, tôi phải xử lý mấy thứ này mới được. Nhưng không phải bây giờ. Tôi phải qua nhà cô Hilly trước đã.
Tôi đặt Cu Con vào xe nôi và đẩy nó dọc con phố dẫn đến nhà cô Hilly. Ngoài trời nóng hầm hập, nắng đổ chói chang và yên tĩnh lắm. Hai bác cháu vừa đi lên đường xe vào nhà thì Ernestine đã mở sẵn cửa. Một cái u nhỏ xương xẩu màu nâu nhô lên bên ống tay áo trái của bà ta. Tôi không quen bà ta lắm, chỉ biết bà ta cũng là người hay chuyện. Bà ta đi nhà thờ Hội Giám Lý.
“Chào chị, Aibileen,” bà ta nói.
“Chào chị, Ernestine, chắc chị thấy tôi đến từ ngoài kia phải không.”
Bà ta gật đầu và nhìn xuống Cu Con. Thằng bé đang chăm chú nhìn cái tay cụt, hình như nó sợ thứ kia sẽ bắt mình.
“Tôi phải ra đây trước khi cô ta kịp ra,” Ernestine thì thào và rồi bà ta nói, “chắc chị cũng nghe nói rồi nhỉ.”
“Nghe gì cơ?”
Ernestine quay ra ngó sau lung, rồi hơi cúi xuống. “Bà chủ của Flora Lou, bà Hester ấy? Bà ta vừa nổi trận lôi đình với Flora Lou sáng nay.”
“Bà ta đuổi cô ấy à?” Flora Lou đã tiết lộ vài chuyện chẳng hay ho gì. Cô ấy bất bình lắm. Cái bà Hester mà ai cũng tưởng là dịu dàng tốt bụng lắm ấy, bà ta đưa Flora một chai “nước rửa tay” đặc biệt để cô ấy dùng mỗi sáng. Hóa ra đó là một loại thuốc tẩy cực mạnh. Flora từng cho tôi xem vết sẹo bỏng.
Ernestine lắc đầu. “Bà Hester lôi cuốn sách ra và gào lên, ‘Đấy là tôi phải không? Cô viết về tôi đúng không?’ và Flora Lou đáp, ‘Không thưa bà, tôi thì làm sao viết nổi sách. Tôi còn chưa học hết lớp năm cơ mà’ nhưng bà Hester lồng lộn hết cả lên, bà ta bảo, ‘Tôi làm sao biết Clorox làm bỏng da, tôi làm sao biết lương tối thiểu là một đô hai nhăm xu, nếu Hilly không bảo tất cả mọi người đó không phải là Jackson thì tôi đã đuổi cô thẳng cánh rồi,’ thế là Flora Lou nói, ‘Ý bà là tôi không bị đuổi phải không?’ và bà Hester rú lên, ‘Đuổi ư? Tôi không thể đuổi cô được, nếu thế mọi người sẽ biết tôi là Chương Mười mất. Cô sẽ phải làm việc ở đây đến hêt phần đời còn lại thì thôi.’ Nói xong bà Hester gục mặt xuống bàn và sai Flora Lou đi rửa nốt bát đĩa.”
“Trời thần ơi,” tôi nói, cảm thấy đầu ong ong. “Tôi hy vọng... mọi chuyện đều được tốt đẹp như thế.”
Trong nhà vọng ra tiếng cô Hilly réo tên Ernestine. “Tôi chẳng dám chắc đâu,” Ernestine thì thào. Tôi đưa Ernestine bọc vải nặng trĩu những dao nĩa. Bà ta vươn cánh tay lành ra đỡ, và tôi đoán do thói quen, cái tay cụt cũng vươn ra theo.
ĐÊM HÔM ẤY, một cơn bão khủng khiếp tn về. Sấm chớp nổ đùng đùng còn tôi ngồi bên bàn bếp, mồ hôi túa ra ướt đầm đìa. Người tôi run bần bật, tôi cố viết ra những lời cầu nguyện của mình. Flora Lou đã gặp may, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Còn quá nhiều điều chưa biết, quá nhiều điều phải lo lắng và...
Thình thình thình. Bỗng ai đó đập lên cửa nhà tôi.
Ai thế? Tôi ngồi dựng đứng lên. Chiếc đồng hồ đặt trên lò nướng chỉ tám giờ ba mươi lăm phút. Ngoài trời, mưa quất ràn rạt từng đợt. Bất kỳ ai thân quen với tôi ắt sẽ dùng cửa hậu.
Tôi nhón chân đi ra trước nhà. Họ lại đấm cửa lần nữa, còn tôi suýt nữa nhảy bắn ra khỏi giày.
“Ai... ai đấy?” Tôi hỏi và kiểm tra, cửa vẫn khóa.
“Tôi đây.”
Trời thần ơi. Tôi thở hắt ra và mở cửa. Cô Skeeter đứng đó, ướt như chuột lột và run lẩy bẩy. Chiếc túi đỏ của cô gồ lên dưới áo mưa.
“Lạy Chúa lòng lành...”
“Tôi không vòng ra cửa sau được. Bùn ngoài sân dày quá, tôi chịu không lội qua nổi.”
Cô đi đất, đôi giày bê bết bùn đất cầm trên tay. Tôi vội đóng cánh cửa lại sau lưng cô. “Có ai nhìn thấy cô không?”
“Không thể nhìn ra nổi cái gì ngoài kia. Lẽ ra tôi định gọi điện trước cơ, nhưng bão lớn quá nên đường dây hỏng mất rồi.”
Tôi đã biết ắt phải có chuyện gì đó xảy ra, nhưng được thấy mặt cô trước khi cô lên New York, tôi mừng quá. Chúng tôi chưa gập nhau phải đến sáu tháng nay rồi. Tôi ôm siết lấy cô thật chặt.
“Trời thần ơi, cho tôi xem mái tóc cô nào.” Cô Skeeter bèn kéo chiếc mũ xuống, rũ tung mái tóc dài quá bờ vai.
“Đẹp lắm,” tôi nói và thật lòng nghĩ vậy.
Cô cười vẻ e thẹn và thả chiếc túi xuống sàn. “Mẹ tôi ghét lắm.”
Tôi bật cười rồi hít vào một hơi thật dài, cố gắng lên dây cót cho bản thân để đón nhận bất cứ tin xấu nào cô sắp phải nói với tôi.
“Aibileen, các cửa hiệu đang đặt thêm sách nữa đấy. Chiều nay bà Stein vừa gọi cho tôi.” Cô nắm chặt tay tôi. “Họ sẽ in nối bản. Thêm năm ngàn cuốn nữa.”
Tôi chỉ nhìn cô chòng chọc. “Tôi… tôi còn không biết họ có thể làm thế,” tôi nói và đưa tay lên bịt chặt miệng. Cuốn sách của chúng tôi đang có mặt trong năm ngàn ngôi nhà, trên giá sách, cạnh táp đầu giường, sau két nước bồn cần ư?
“Sẽ có thêm nhuận bút. Ít nhất là một trăm đô-la cho mỗi người. Và ai mà biết được? Có khi sẽ còn nhiều tiền nữa.
Tôi đặt tay lên tim mình. Tôi đã tiêu xu nào trong món tiền sáu mươi mốt đô-la nhận đợt trước đâu, thế mà cô lại bảo còn nữa ư?
“Còn một việc nữa.” Cô Skeeter nhìn xuống chiêc túi. “Hôm thứ Sáu tôi đã đến tòa báo và thôi không đứng mục cô Myrna nữa.” Cô hít một hơi thật dài. “Và tôi bảo ông Golden, tôi nghĩ cô Myrna tiếp theo nên là vú.”
“Tôi ư?”
“Tôi bảo ông ấy suốt bấy lâu nay chính vú là người cho tôi câu trả lời. Ông ấy nói sẽ suy nghĩ rồi hôm nay ông ấy gọi cho tôi và nói đồng ý, miễn là vú không tiết lộ với ai và phải viết bài trả lời giống hệt cô Myrna.”
Cô lôi từ trong túi ra một cuốn sổ bìa bọc vải xanh rồi đưa cho tôi. “Ông ấy nói sẽ trả công vú bằng tôi, mười đô-la một tuần.”
Tôi? Viết bài cho báo của người da trắng ư? Tôi ngồi xuống ghế sofa rồi mở cuổn sổ ra, và thấy tất cả những lá thư cùng các bài viết từ trước đến nay. Cô Skeeter bèn ngồi xuống cạnh tôi.
“Cảm ơn cô, cô Skeeter. Vì cái này, vì tất cả.”
Cô ấy mỉm cười và hít một hơi thật dài như muốn cố kìm lại những giọt nước mắt.
“Tôi không thể tin nổi mai cô đã trở thành người New York rồi,” tôi nói.
“Thật ra, tôi sẽ lên Chicago trước. Chỉ một đêm thôi. Tôi muốn đến thăm Constantine, thăm mộ bác ấy.”
Tôi gật đầu. “Tôi mừng cho cô.”
“Mẹ cho tôi xem tờ cáo phó rồi. Nghĩa trang ở ngay ngoại ô thành phố thôi. Xong xuôi tôi sẽ lên đường đến New York vào sáng hôm sau.
“Cô gửi lời chào chị Constantine hộ tôi nhé.”
Cô cười. “Tôi hồi hộp quá. Tôi chưa bao giờ đến Chicago với New York. Tôi còn chưa từng đặt chân lên máy bay lần nào.”
Chúng tôi ngồi đó trong giây lát, lắng nghe cơn bão gào rú ngoài kia. Tôi nghĩ tới lần đầu cô Skeeter đến nhà tôi, chúng tôi đã ngượng ngùng biết mấy. Giờ đây tôi có cảm giác như chúng tôi đã là ruột thịt.
“Vú có sợ không, Aibileen?” Cô hỏi. “Về những gì có thể xảy đến ấy?”
Tôi quay đi để cô không nhìn thấy đôi mắt mình. “Tôi không sao.”
“Nhiều khi, tôi không biết làm thế có đáng không nữa. Nếu vú có gặp chuyện gì... tôi làm sao sống nổi, khi biết lỗi là do tôi?” Cô áp chặt bàn tay lên mắt, như thể không muốn nhìn thấy những gì sẽ xảy ra.
Tôi vào phòng ngủ và mang ra hộp quà Linh mục Johnson đưa từ lần trước. Cô xé lớp giấy gói và đăm đăm nhìn cuốn sách, nhìn những cái tên ký chi chít trên đó. “Tôi định gửi lên New York cho cô, nhưng tôi nghĩ cô nên nhận luôn bây giờ thì hơn.”
“Tôi không... hiểu,” cô nói. “Cái này là dành cho tôi ư?”
“Phải đấy.” Rồi tôi chuyển lại cho cô nghe lời gửi gắm của Linh mục, rằng cô là một thành viên trong đại gia đình chúng tôi. “Cô phải nhớ rằng, mỗi chữ ký trong số này đều có nghĩa cuốn sách đáng làm lắm.” Cô đọc những lời cảm ơn, những câu nhắn nhủ mọi người viết, ngón tay cô lướt trên dòng mực. Nước dâng đầy mắt cô.
“Chắc Constantine tự hào về cô lắm đấy.”
Cô Skeeter mỉm cười và tôi bỗng nhận ra, cô trẻ quá. Sau ngần ấy câu chuyện chúng tôi đã viết, ngần ấy tiếng đồng hồ mệt mỏi rã rời và lo lắng sợ hãi chúng tôi đã trải qua, vậy mà tôi không hề nhìn thấy cô gái trẻ vẫn sống trong cô suốt thời gian vừa qua.
“Vú có chắc là không sao chứ? Nếu tôi bỏ vú đi, với tất cả những...”
“Lên New York đi, cô Skeeter. Đi tìm cuộc sống cho riêng mình đi.”
Cô mỉm cười, chớp nhanh để nén những giọt lệ dâng trào, và nói, “Cảm ơn vú.”
ĐÊM HÔM ĐÓ tôi nằm trên giường ngẫm nghĩ. Tôi mừng cho cô Skeeter quá. Cô ấy sắp bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới. Nước mắt cứ ứa ra, chảy dài qua thái dương xuống tai tôi, khi nghĩ đến cảnh cô sải bước trên những đại lộ mênh mang tôi từng thấy trên tivi, mái tóc dài buông xoã sau lưng. Một phần trong tôi ước sao mình cũng có một khởi đầu mới. Mục bí quyết tẩy rửa, cái đó mới thật. Nhưng tôi còn trẻ trung gì nữa đâu. Đời tôi như thế kể cũng sắp tận rồi.
Càng cố ngủ, tôi càng biết rõ mình sẽ thức trắng cả đêm nay. Dường như tôi có thể cảm thấy những tiếng xôn xao râm ran khắp thị trấn, tiếng mọi người bàn tán về cuốn sách. Ai mà ngủ nổi với ngần ấy tiếng ong ong trong đầu? Tôi nghĩ đến Flora Lou, nếu ả Hilly không nói với mọi người rằng cuốn sách không phải về Jackson, bà Hester đã tống cổ cô ấy ngay tức khắc rồi. Ôi Minny, tôi thầm nghĩ. Cháu đã làm một việc thật tốt. Cháu lo lắng cho tất cả mọi người, trừ bản thân mình. Ước gì ta có thể bảo vệ cháu.
Có vẻ như cô Hilly đang ở trong thế ngàn cân treo sợi tóc mất rồi. Cứ mỗi ngày lại có thêm một người nói họ biết chính cô đã ăn cái bánh đó còn cô Hilly lại lồng lên điên cuồng hơn. Lần đầu tiên trong đời, tôi thực lòng thắc mắc không hiểu ai sẽ thắng trận chiến này. Trước đó, tôi luôn cho là cô Hilly sẽ thắng, nhưng giờ thì tôi không biết nữa. Rất có thể cô Hilly sẽ thua keo này.
Tôi chỉ chợp mắt được vài tiếng trước bình minh. Lạ một điều, khi trở dậy vào lúc sáu giờ, tôi chẳng cảm thấy mệt mỏi chút nào. Tôi mặc bộ đồng phục sạch tinh tươm tôi đã giặt trong bồn tắm tối qua. Vào bếp, tôi uống một hơi hết cốc nước mát lạnh lấy từ vòi. Tôi tắt đèn bếp đi ra cửa, bỗng nhiên chuông điện thoại đổ dồn. Trời thần ơi, còn sớm thế kia mà.
Tôi nhấc máy và nghe thấy tiếng rền rĩ.
“Minny? Cháu phải không? Có...”
“Tối qua chúng nó đuổi việc Leroy rồi! Lúc Leroy hỏi tại sao, lão chủ nói ông William Holbrook bảo lão làm thế. Gã Holbrook bảo lão ấy rằng chính mụ vợ mọi đen của Leroy là lý do hắn bị đuổi, thế là Leroy lao về nhà, hắn đã định tự tay giết cháu!” Minny thở hổn hển. “Hắn ném bọn trẻ ra sân rồi giam cháu trong nhà vệ sinh và bảo sẽ châm lửa đốt trụi cả nhà luôn!”
Trời thần ơi, nó xảy ra thật rồi. Tôi bịt chặt miệng, cảm thấy như mình đang rơi xuống cái lỗ đen su hút chúng tôi đã tự đào cho mình. Suốt những tuần qua, lúc nào nghe giọng Minny cũng tự tin là thế, vậy mà giờ đây...
“Con phù thủy khốn nạn,” Minny gầm lên. “Vì nó mà hắn sắp giết cháu!”
“Cháu đang ở đâu, Minny, bọn trẻ đâu rồi?”
“Trạm xăng, cháu phải chạy chân đất ra đây! Bọn trẻ lánh sang nhà hàng xóm rồi…” Cô thở hổn hển, và nấc, và gầm gào. “Octavia đang đến đón mấy mẹ con. Nó nói nó sẽ lái xe nhanh hết mức có thể.”
Nhà Octavia ở Canton, cách nhà cô Celia hai mươi phút xe đi về phía bắc. “Minny, cô sẽ chạy đến đấy ngay đây...”
“Đừng, cô đừng dập máy, cháu xin cô. Cô cứ giữ máy với cháu đến khi nào Octavia tới đây nhé.”
“Cháu có sao không? Cháu có bị thương không?”
“Cháu không thể chịu đựng thêm được nữa đâu, cô Aibileen ơi. Cháu không thể...” Cô òa lên khóc nức nở trên điện thoại.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe Minny nói thế. Hít một hơi thật sâu, tôi biết mình phải làm gì. Từng câu từng chữ vang lên trong đầu tôi rất rõ ràng và ngay bây giờ là cơ hội duy nhất của tôi để cô thực sự nghe tôi, khi cô đã hoàn toàn trắng tay, đầu trần chân đất đứng bơ vơ giữa bốt điện thoại trạm xăng. “Minny, nghe ta nói đây. Cháu sẽ không bao giờ mất việc ở chỗ cô Celia. Chính miệng ông Johnny đã nói thế. Và vẫn còn thêm tiền nhuận bút từ cuốn sách nữa, tối qua cô Skeeter vừa mới biết tin. Minny, nghe ta nói đây, Cháu không phải chịu đòn của Leroy thêm một giấy một phút nào nữa.”
Minny nấc lên.
“Đến lúc rồi, Minny. Cháu có nghe ta nói không? Cháu tự dorồi.”
Dần dần, tiếng khóc của Minny dịu bớt. Cho đến khi cô im hẳn. Nếu không nghe thấy tiếng cô thở, chắc tôi phải tưởng cô đã gác máy. Cố lên, Minny, tôi thầm nghĩ. Hãy tận dụng cơ hội này mà thoát ra.
Cô hít vào một hơi thật sâu, run rẩy, rồi khẽ nói. “Cháu nghe cô, Aibileen.”
“Để ta ra trạm xăng chờ cùng cháu. Ta sẽ nhắn cô Leefolt ta đến muộn.”
“Thôi,” cô nói. “Em cháu... sắp đến rồi đây/ Tối nay sẽ ở nhà nó.”
“Minny, chỉ tối nay hay...”
Cô thở hắt ra một hơi dài vào điện thoại. “Không,” cô nói. “Cháu không thể. Cháu chịu đựng thế là đủ lắm rồi.” Và tôi bắt đầu thấy Minny Jackson trở lại với chính mình. Giọng cô vẫn còn run run, tôi biết cô đang sợ lắm, nhưng cô nói, “Chúa giúp hắn, nhưng Leroy không biết Minny Jackson sắp biến thành thứ gì đâu.”
Tim tôi giật thót. “Minny, đừng giết hắn. Nếu không cháu sẽ phải vào tù đúng như mụ Hilly muốn.”
Trời ơi, khoảng im lặng tiếp theo đó thật dài đặc và khủng khiếp.
“Cô Aibileen, cháu sẽ không giết hắn đâu. Cháu hứa đấy. Mẹ con cháu sẽ ở với Octavia cho đến khi nào tìm được chỗ ở mới.”
Tôi thở phào.
“Em cháu đến rồi,” cô nói. “Tối nay cháu sẽ gọi cho cô.”
KHI TÔI ĐẾN NHÀ CÔ LEEFOLT, cả căn nhà vắng lặng lạ thường. Chắc Cu Con vẫn đang ngủ. Mae Mobley đã đi học. Tôi bỏ túi trong phòng giặt là. Cánh cửa xoay mở ra phòng ăn đã đóng kín và gian bếp còn lại là một ô vuông mát rượi.
Tôi đặt ấm cà phê và cầu nguyện cho Minny. Cô ấy có thể ở nhờ nhà Octavia một thời gian. Octavia có một trang trại khá rộng rãi, tôi biết thế vì đã nghe Minny kể. Minny đi làm sẽ gần hơn, nhưng chỗ đấy lại hơi xa trường của bọn trẻ. Nhưng quan trọng là Minny tránh xa được Leroy. Tôi chưa từng nghe thấy cô nói sẽ bỏ Leroy, dù chỉ một lần, và Minny chẳng bao giờ nói hai lời. Nếu đã định làm gì, cô sẽ làm ngay.
Tôi pha một bình sữa cho Cu Con và hít một hơi thật sâu. Tôi có cảm giác như đã hết ngày, mặc dù lúc ấy mới là tám giờ sáng. Nhưng tôi vẫn không mệt mỏi chút nào, không hiểu tại sao.
Tôi đẩy cửa ra. Và cô Leefolt với cô Hilly ngồi đó, ở cùng một bên bàn ăn, cả hai cùng nhìn tôi trân trân.
Trong một giây, tôi đứng sững lại, tay siết chặt bình sữa. Cô Leefolt vẫn cuốn lô đầy đầu và mặc chiếc áo choàng tắm thêu màu xanh lơ. Nhưng cô Hilly thì ăn mặc chỉnh tề trong bộ âu phục kẻ carô xanh, vết bầm đỏ au kinh khủng vẫn còn nguyên trên khoé môi cô
“Chào các cô,” tôi nói và dợm bước vào nhà trong.
“Ross vẫn còn đang ngủ,” cô Hilly nói. “Không cần phải vào đấy làm gì.”
Tôi dừng lại tại chỗ và nhìn sang cô Leefolt, nhưng cô đang cắm mắt nhìn xuống vết nứt hình chữ L kỳ khôi trên bàn ăn nhà mình.
“Aibileen,” cô Hilly cất lời và liếm môi. “Lúc vú mang trả mấy bộ đồ bạc của tôi hôm qua, trong bọc vải thiếu ba món. Một cái nĩa bạc và hai cái thìa bạc.”
Tôi hóp lấy một hơi không khí. “Để... để tôi vào bếp tìm xem, có khi tôi bỏ sót mấy thứ cũng nên.” Tôi nhìn cô Leerolt, xem có phải cô cũng muốn tôi làm thế không, nhưng cô vẫn dán mắt lên vết nứt. Tôi bỗng sởn gai ốc.
“Vú thừa biết mấy cái thìa dĩa đấy không hề có trong bếp,” cô Hilly nói.
“Cô Leefolt, cô đã kiểm tra giường Ross chưa? Thằng bé vẫn hay nhón trộm đồ và giấu trong...”
Cô Hilly ho hắng rất to. “Cậu nghe bà ta nói gì chưa, Elizabeth? Bà ta lại còn định đổ tội cho một đứa con nít nữa chứ.”
Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi cố nhớ xem mình đã đếm lại số dao nĩa trước khi gói chúng vào bọc vải chưa. Tôi nghĩ mình đã làm rồi. Lúc nào tôi cũng nhớ làm mà.. Trời ơi, xin hãy nói cho tôi biết, không phải cô ta đang nói điều tôi nghĩ đấy chứ...
“Cô Leefolt, cô đã kiểm tra bếp chưa? Hoặc trong tủ đựng đồ bạc ấy? Cô Leefolt?”
Nhưng cô Leefolt vẫn không chịu nhìn tôi, khiến tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Tôi vẫn chưa biết chuyện này tệ đến mức nào. Có lẽ nó chẳng liên quan gì đến dao nĩa cả, có khi vấn đề thực sự lại chính là cô Leefolt và chương Hai cũng nên...
“Aibileen,” cô Hilly nói, “vú có thể trả lại tôi mấy chiếc thìa dĩa đó trong hôm nay, nếu không Elizabeth sẽ đi báo cảnh sát.”
Cô Leefolt nhìn cô Hilly và hớp một hơi, hình như chính cô cũng ngạc nhiên. Và tôi bỗng tự hỏi vụ này là “sáng kiến” của ai, cả hai người bọn họ hay chỉ mình cô Hilly thôi?
“Cô Leefolt, tôi không hề ăn cắp thứ gì cả,” tôi nói, và chỉ riêng mấy chữ đó cũng đủ khiến tôi muốn co giò mà chạy.
Cô Leefolt khẽ nói, “Vú ấy nói không lấy mà, Hilly.”
Cô Hilly còn không thèm vờ như mình cũng nghe thấy. Cô nhướng chân mày lên nhìn tôi và nói, “Vậy thì tôi có nhiệm vụ phải báo với vú, Aibileen, rằng vú đã bị đuổi việc.” Cô Hilly khịt mũi. “Tôi sẽ báo cảnh sát. Họ biết tôi quá rõ rồi.”
“Mẹẹ ơii... mẹẹẹẹ ơiiii,” Cu Con đang ở trong cũi bỗng gào toáng lên. Cô Leefolt ngoái lại nhìn sau lưng, rồi lại nhìn sang cô Hilly, hình như cô không biết mình phải làm thế nào. Tôi đồ rằng ngay giây phút này đây, cô đang tưởng tượng ra đời mình sẽ ra sao nếu không còn ai hầu hạ dạ vâng nữa.
“Aaai-beee,” Cu Con lại gọi, thằng bé bắt đầu khóc mếu.
“Aai-bee,” lại một tiếng trẻ con khác vang lên, tôi bỗng nhận ra Mae Mobley đang ở nhà. Chắc hôm nay nó không đến trường. Tôi ép chặt tay lên lồng ngực. Chúa ơi, xin Người đừng để con bé thấy cảnh này. Xin Người đừng để nó nghe thấy những gì cô Hilly nói về con. Phía cuối hành lang, cánh cửa bật mở và Mae Mobley bước ra. Con bé chớp mắt liên tục và ho sù sụ.
“Bác Aibee ơi, ngọng con đau quá.”
“Bác... bác vào với con ngay đây.”
Mae Mobley lại ho rũ rượi, nghe phát sợ, hệt như tiếng chó sủa, thế là tôi dợm bước ra hành lang, nhưng cô Hilly đã lên tiếng, “Aibileen, vú cứ đứng đấy cho tôi, Elizabeth tự lo cho con cô ấy được.”
Cô Leefolt nhìn cô Hilly như muốn nói, Tớ phải lo cả ư?Nhưng rồi cô đứng dậy và uể oải lê bước xuống cuối hành lang. Cô dắt Mae Mobley vào phòng Cu Con rồi đóng cửa lại. Bấy giờ chỉ còn lại hai người chúng tôi, tôi và cô Hilly.
Cô Hilly ngả người lên lưng ghế, nói, “Tôi sẽ không bao giờ dung tha lũ dối trá.”
Đầu tôi ong ong. Tôi chỉ muốn ngồi thụp xuống. “Cô Hilly, thật sự là tôi không ăn cắp cái thìa cái nĩa nào hết.”
“Tôi không nói đến thìa dĩa,” cô ta nói, đoạn nghiêng người về phía trước. Cô ta rít lên những tiếng rất nhỏ để cô Leefolt khỏi nghe thấy. “Tôi nói tới những thứ vú viết về Elizabeth kia. Cô ấy không hề biết Chương Hai viết về mình còn tôi là một người bạn quá tử tế để nói cho cô ấy biết. Và có lẽ tôi không thể tống vú vào tù vì vú đã viết về Elizabeth, nhưng tôi dư sức tống vú vào tù với tội trộm cắp.”
Tôi sẽ không vào tù vào ngục nào hết. Quyết không thể, đó là tất cả những gì tôi còn nghĩ được.
“Còn con bạn của vú, con Minny ấy? Nó sắp được nhận một bất ngờ thú vị lắm đấy. Tôi sẽ gọi cho Johnny Foote và bảo anh ấy phải đuổi việc nó ngay lập tức.”
Cả căn phòng trở nên mờ nhòe. Tôi lắc đầu lia lịa và hai nắm tay tôi siết cứng lại.
“Tôi quá thân thiết với Johnny Foote rồi mà. Chả có cái gì tôi bảo mà anh ấy không...”
“Cô Hilly.” Tôi nói thật to và rõ. Cô ta im bặt. Tôi cá suốt chục năm nay cô Hilly chưa từng bị một ai ngắt lời.
Tôi nói, “Tôi vẫn biết vài điều về cô, xin cô chớ có quên.”
Cô ta nheo mắt nhìn tôi. Nhưng cô không nói năng gì.
“Và tôi nghe nói, trong tù có vô khối thời gian để viết thư.” Tôi run lên. Hơi thở nóng bỏng như lửa đốt. “Thời gian để viết thư cho từng người một ở Jackson, kể lại sự thật về cô. Thời gian có thừa mà giấy thì lại miễn phí nữa chứ.”
“Chẳng ai thèm tin những gì bà viết đâu, đồ mọi đen.”
“Tôi không biết. Có người từng khen tôi viết hay lắm đấy.”
Cô ta thè lưỡi ra và chấm lên vết bầm kia. Rồi mắt cô ta rời mắt tôi.
Nhưng cô ta chưa kịp nói gì khác thì cánh cửa cuối hành lang mở bung. Mae Mobley mặc nguyên chiếc váy ngủ chạy bổ ra và con bé đứng khựng lại ngay trước mặt tôi. Nó vừa khóc mếu vừa nấc lên, chiếc mũi bé tí đỏ au như một bông hồng. Chắc mẹ nó đã báo tin tôi sắp nghỉ việc.
Lạy Chúa, tôi thầm cầu khẩn, xin hãy nói với con rằng nó sẽ không nhắc lại những lời dối trá của cô Hilly.
Bé Con túm lấy chân váy đồng phục của tôi và nhất định không buông ra. Tôi đặt tay lên trán nó, người nó nóng bỏng vì sốt.
“Cưng à, con phải về giường nằm ngay đi.”
“Khônggg,” nó nức nở. “Bác đừng điiiii, Aibee.”
Cô Leefolt bước ra khỏi phòng ngủ, mặt cau có, tay cô bồng Cu Con.
“Aibee!” Thằng bé gọi tướng lên, miệng cười toe toét.
“Cu... Con à,” tôi khẽ nói. Tôi mừng vì nó chưa hiểu được chuyện gì đang diễn ra. “Cô Leefolt, xin cô để tôi đưa con bé xuống bếp cho nó uống thuốc. Nó sốt cao quá.”
Cô Leefolt liếc sang cô Hilly, nhưng cô ta chỉ khoanh tay ngồi trơ đó. “Thôi được, vú đi đi,” cô Leefolt nói.
Tôi cầm bàn tay bé xíu nóng giãy của Bé Con và dắt nó vào bếp. Bé Con lại thở ra một tràng ho rũ rượi ghê người. Tôi bèn lấy thuốc aspirin cùng xi rô chống ho cho nó. Chỉ ở đây cùng tôi cũng khiến nó nguôi ngoai ít nhiều, nhưng nước mắt vẫn chảy đầm đìa trên hai má nó.
Tôi bế nó đặt lên quầy và nghiền một viên thuốc hồng nhỏ xíu, rồi pha với nước táo và cho nó uống một thìa đầy. Con bé gân cổ nuốt, tôi biết nó đang đau lắm. Tôi vuốt tóc nó. Mảng tóc nó đã cắt trụi bằng chiếc kéo thủ công giờ đã mọc trở lại, những sợi cứng đâm lên tua tủa. Hẳn gần đây cô Leeoflt chẳng thèm để mắt đến nó mấy.
“Bác đừng đi, Aibee,” nó lại nức nở.
“Bác phải đi, cưng ạ. Bác xin lỗi con.” Nói đến đây, tôi cũng bật khóc. Tôi rất không muốn, vì làm thế chỉ khiến con bé khổ sở thêm, nhưng tôi không nén nổi.
“Tại sao? Tại sao bác không muốn chơi với con nữa? Bác sẽ đi chăm đứa bé khác phải không?” Trán con bé nhăn nhúm cả lại, y hệt mặt mẹ nó mỗi lần nổi điên với nó. Trời thần ơi, tôi có cảm tưởng như tim mình sắp rỉ máu đến chết mất.
Tôi ấp mặt con bé trong hai bàn tay mình, cảm thấy hơi nóng ghê người tỏa ra từ đôi má nó. “Không phải vì thế đâu cưng. Bác có muốn rời con đâu, nhưng...” Tôi biết nói thế nào đây? Tôi không thể bảo mình bị đuổi việc được. Tôi không muốn nó đổ lỗi cho mẹ nó, làm thế, tình cảm giữa hai mẹ con chỉ thêm sứt mẻ. “Đến lúc bác phải nghỉ ngơi rồi. Con là em bé cuối cùng của bác,” tôi nói vậy, vì đó là sự thật, chứ không phải lựa chọn của riêng tôi.
Tôi để nó khóc thổn thức trên ngực mình một lát nữa và rồi lại khum bàn tay nâng mặt con bé lên. Tôi hít một hơi thật sâu và bảo Bé Con
“Bé Con,” tôi nói. “Bác muốn con ghi nhớ tất cả những gì bác đã nói với con. Con còn nhớ bác nói gì không?” Nó vẫn khóc tỉ ti, nhưng không còn nấc nữa. “Đi ị xong phải chùi sạch đít ạ?”
“Không, cưng à, chuyện kia cơ. Về bản thân con ấy.”
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt nâu thăm thẳm của nó và nó cũng nhìn vào mắt tôi. Trời thần ơi, con bé có đôi mắt già đời quá, cứ như nó đã sống đến cả ngàn tuổi vậy. Và tôi thề rằng tôi nhìn thấy tận trong đáy mắt, người phụ nữ mà sau này nó sẽ trở thành. Một viễn ảnh thoáng qua từ tương lai. Người nó dong dỏng cao, dáng đứng thẳng thớm. Mái tóc tỉa rất khéo. Và nó vẫn ghi nhớ từng từ tôi thì thầm vào tai nó. Vẫn ghi nhớ ngay cả khi đã là một phụ nữ trưởng thành.
Và rồi con bé nói ra, y như tôi mong mỏi. “Con tốt bụng,” nó nói, “con thông minh. Con quan trọng.”
“Ôi trời thần ơi.” Tôi ôm siết cả cái cơ thể bé nhỏ nóng bỏng ấy vào lòng mình. Tôi có cảm giác Bé Con vừa tặng tôi một món quà quý giá vô ngần. “Cảm ơn con.”
“Không có gì ạ,” nó đáp, đúng phép tôi đã dạy. Nhưng rồi nó lại gục đầu lên vai tôi và hai bác cháu cứ khóc nức nở như thế một lúc, cho đến khi cô Leefolt bước vào bếp.
“Aibileen,” cô Leefolt lên tiếng rất khẽ.
“Cô Leefolt, cô có chắc... cô muốn...” Cô Hilly đã nối gót cô bước tới, mắt gườm gườm nhìn tôi. Cô Leefolt gật đầu, trông cô có vẻ cắn rứt lắm.
“Aibileen, tôi rất tiếc. Hilly, cậu muốn... báo cảnh sát thì tuỳ.”
Cô Hilly khịt mũi và nói, “Tớ chẳng thừa thì giờ cho ba cái việc lặt vặt đấy.”
Cô Leefolt thở phào, dường như chính cô cũng thấy nhẹ lòng. Trong giây lát, mắt chúng tôi chạm nhau và tôi nhận ra cô Hilly nói đúng. Cô Leefolt không hề có một ý niệm gì rằng Chương Hai viết về cô. Kể cả nếu có lờ mờ nhận ra, cô sẽ không bao giờ thừa nhận với chính mình đó là sự thật.
Tôi đẩy Mae Mobley ra thật nhẹ nhàng và nó nhìn tôi, rồi nhìn sang mẹ nó với đôi mắt lờ đờ vì ngái ngủ và sốt. Trông con bé như thể đang hãi hùng lắm khi tưởng tượng đến mười lăm năm tiếp theo của mình, nhưng rồi nó chỉ thở dài, hình như nó đã quá mệt để nghĩ ngợi thêm nữa. Tôi hạ nó xuống đất, hôn lên tr, nhưng rồi con bé lại vươn tay ra đòi ôm tôi. Tôi phải lùi lại.
Tôi xuống phòng giặt, lấy áo khoác và túi của mình.
Tôi bước ra khỏi cửa hậu, bỏ lại sau lưng tiếng khóc xé ruột xé gan của Mae Mobley. Tôi đặt chân xuống đường xe vào nhà, mắt nhòe nước. Tôi biết mình sẽ nhớ Mae Mobley lắm, tôi ước sao mẹ nó có thể dành cho nó nhiều tình yêu thương hơn. Nhưng cùng lúc đó, tôi bỗng có cảm giác mình đã tự do, như Minny. Tự do hơn cả cô Leefolt, kẻ bị giam cầm trong chính suy nghĩ của mình, đến nỗi không nhận ra bản thân mình khi đọc sách. Và tự do hơn cả cô Hilly. Mụ đàn bà đó sẽ phải mất cả đời này kiếp này để thuyết phục mọi người rằng kẻ ăn cái bánh kia không phải là mình. Tôi nghĩ đến Yule May đang ngồi trong tù. Vì cô Hilly, cô ta cũng chết rữa trong tù ngục của riêng mình, song khác chăng, đó là một cái án chung thân.
Tôi đi trên vỉa hè nóng như rang vào lúc tám rưỡi sáng, tự hỏi không biết mình sẽ làm gì trong suốt phần ngày còn lại. Trong suốt phần đời còn lại. Tôi vừa khóc vừa run lẩy bẩy, một phụ nữ da trắng đi ngang qua cau mày nhìn tôi. Tòa soạn sẽ trả tôi mười đô-la một tuần, còn cả tiền nhuận bút cho cuốn sách và thêm một khoản nữa sắp tới. Nhưng thế vẫn chưa đủ để tôi sống nốt những ngày tháng cuối cùng. Tôi sẽ không thể giúp việc một nhà nào nữa với tội ăn cắp mà cô Leefolt và cô Hilly chụp lên đầu tôi. Mae Mobley là đứa bé da trắng cuối cùng của tôi. Trớ trêu một nỗi, tôi lại vừa mua bộ đồng phục mới tinh này nữa chứ.
Mặt trời đổ nắng chói chang nhưng mắt tôi vẫn mở to. Tôi đứng ở bến xe buýt như tôi vẫn từng làm thế suốt bốn chục năm có lẻ vừa qua. Chỉ trong vỏn vẹn ba mươi phút, cuộc đời tôi đã... bế mạc. Có lẽ tôi phải tiếp tục viết, không chỉ cho báo, mà viết một thứ gì đó khác, về tất cả những người tôi quen biết và những gì tôi đã thấy, đã làm. Có lẽ mình chưa quá già để bắt đầu lại từ đầu, tôi thầm nghĩ, tôi không khỏi dở khóc dở cười trước ý nghĩ ấy. Bởi chỉ mới đêm qua thôi, tôi đã tin chắc rằng đời mình chẳng hòng mong có cái gì mới nữa.

Hết