CHƯƠNG I - 2
Vạ lây cái hồn ma

Nước Việt ta sao lắm chiến tranh. Dân Việt hiếu chiến ư? Quân Mông Cổ đòi mượn đất Việt sang đánh Chiêm Thành; đế quốc Mỹ hạm đội giăng khắp bốn biển, năm châu, bảo ta dùng cái tàu ọp ẹp ra gây sự với chúng; còn Nhật, Pháp nữa,... toàn cái lý cùn của kẻ mạnh. Có năm châu, thì đế quốc ba châu, từng sang giày xéo nước ta, lính; thì đủ sắc tộc: Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc kéo sang đánh hôi.
Riêng một huyện như quê tôi, từ kháng chiến chống Pháp tới nay đã hy sinh tới 3.999 liệt sỹ. Nếu cả nước, chỉ cần tính trên năm trăm quận, huyện thôi, thì riêng binh sỹ một phía, thiệt mạng tính toán tới hai triệu người, chưa kể dân thường và binh sỹ phía bên kia và hàng triệu nạn nhân trong trận đói bốn lăm. Số người chết là bao nhiêu triệu người?
Thời kỳ đầu cuộc ném bom của không quân Mỹ, gia đình tôi sơ tán đến làng Rùa, làng nửa lương, nửa giáo, thuộc huyện Tứ Kỳ. Nhà có mẹ và ba chị em tôi sơ tán, còn cha tôi là dân quân, nên ở lại nhà. Chủ gia đình tôi sơ tán tên là vịnh, vợ chồng rất tốt tính, họ dành cho mẹ con tôi hẳn ba gian nhà ngang.
Vợ chồng ông bà chủ có hai người con. Tôi nhớ: chị Gái và thằng Ghẻ. Chị Gái hơn tôi ba, bốn tuổi, còn thằng Ghẻ xấp xỉ tuổi tôi. Nó được gọi tên ấy vì người ghẻ kềnh càng. Một điều nữa ở nó là mũi lúc nào cũng thò lò xanh lẹt. Ngày ấy trẻ nhỏ thường mũi xanh thò lò.
Bà chủ nhà rất quan tâm đến gia đình tôi. Nhà có món tươi nào, như con cua, mớ cá bắt được trong buổi làm đồng, bà đều san sẻ cho, không chí ít, thì bà gắp đĩa rau muống sang. Mẹ tôi nhiều lần từ chối, mà không được.
Trong đám tài sản sơ tán của nhà tôi có chiếc tủ đứng và chiếc đồng hồ côn là quý giá nhất. Sợ va đập, bố tôi lấy gỗ đóng kín, che tấm gương chiếc tủ lại, còn chiếc đồng hồ, treo ở bên trong. Cứ mười lăm phút một lần, đồng hồ gióng giả bính boong. Mỗi lần gõ chuông, thằng Ghẻ sán lại, áp tai vào cánh tủ, nghe. Như dạng chiếc đồng hồ này, hồi ấy cả thị trấn quê tôi có độ mươi chiếc. Trong dịp sơ tán, chị Huyền, chị gái cả tôi, phải đội nó chuyển hết vùng này tới vùng kia. Vì di chuyển nhiều, nhà tôi đành bán cả tủ gương và chiếc đồng hồ đi.
Ông chủ nhà là cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, hình như là phó, hay chủ nhiệm. Sau này ông bị cách chức. Mãi khi lớn tôi mới hay. Có lẽ ông vướng vào công quỹ, hoặc do mâu thuẫn nội bộ, nên bị cách chức. Trước kia ông từng tham gia đội Việt Hùng, một tổ chức thành lập ở vùng tề để thủ tiêu việt gian.
Khi cuộc ném bom của không quân Mỹ chấm dứt, ông bà chủ nhà nơi gia đình tôi sơ tán, thỉnh thoảng đi chợ thị trấn, có ghé vào nhà tôi chơi. Bẵng đi một thời gian, quan hệ hai nhà thưa thớt dần. Chiến tranh qua đi nhiều năm, sự biết ơn, ân huệ phai nhạt.
Quãng sau năm bảy lăm, dân trong vùng nhao nhao tin về vụ đắm đò, chết mấy chục người ở ngôi làng lương giáo kia. Vụ đó lại liên quan đến chủ nhà mà gia đình tôi sơ tán. Sự việc bắt đầu từ chuyện chị Gái đi lấy chồng. Nhà gái và nhà trai cách nhau con sông. Đưa dâu xong, khách nhà gái trên đường trở về, đò qua được nửa sông, bất ngờ xảy ra tai nạn. Đại diện, họ hàng nhà gái bị chết tới mười bảy người, xác vớt lên, đưa về sân kho Hợp tác. Cảnh thật rùng rợn. Trên sân kho, xác người xếp thành dãy.
Trong vụ đắm đò, người day dứt nhất là gia đình ông bà Vịnh. Vì đám cưới con gái, mà họ hàng, dân làng nhiều người thiệt mạng. Ông bà còn day dứt hơn, nhà mình không ai bị gì. Giá như nhà họ cũng có, thì đỡ dằn vặt hơn. Trong tang tóc, có nhà trong làng không kìm nổi, khóc đay nghiến ông bà. Người ta lôi ra cả chuyện ngày xưa, ông từng làm Việt Hùng, hồn ma trả thù, họ bị vạ lây.
Tưởng số phận ông bà Vịnh hẩm hiu đến thế là cùng, đến quãng năm tám mươi, tai hoạ lại ập xuống. Người con dâu - là vợ thằng Ghẻ, một hôm cả nhà đi vắng, nó lôi cậu em chồng, cùng thằng con trai vào buồng, rồi dùng chày giã cua, đập đến chết hai đứa bé. Lúc này dân làng càng xúm vào đàm tiếu. Cô con dâu kia bị những hồn ma, do ông bố chồng giết trước đây, nhập vào, đập chết hai thằng bé. Tang tóc kinh hoàng và trước cả những lời xầm xì tai ác, ông bà sống sao nổi ở quê. Tuổi ngoài năm mươi, họ đành dắt díu nhau rời làng. Nghe nói, ông bà đi kinh tế mới tít tận Sơn La.
Chuyện oán thù, hồn ma với gia đình ông bà chủ nhà tôi sơ tán chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng câu chuyện sau đây thật khó hiểu. Ông ta tên là An, Trưởng bến đò Ảnh. Thấy bảo trước từng là đội viên đội Việt Hùng. Bọn trẻ con ở xóm bến đò rất sợ ông bến trưởng. Muốn doạ trẻ, người lớn thường mang ông An ra hù doạ.
Trưởng bến đò An đã có vợ. Vợ chồng đứng tuổi, qua mấy đận sinh, không đậu đứa con nào. Họ là cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng. Người ta bảo hồn ma lộn vào đấy. Dân xóm bến đò rỉ tai nhau câu chuyện về ông An. Sau nhiều lần mất con, đến lần đó, để nó không lộn được nữa, ông An đem mổ bụng, móc ruột gan xác đứa con do vợ vừa sinh ra. Ông còn lật sấp đứa trẻ, trước khi nhập quan cho nó. Sau lần ấy, vợ ông không sinh nở nữa. Chắc hồn ma không lộn được. Khi tôi lớn, ông An đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng còn thấy ông. Ông đi buôn cáy từ Vĩnh Bảo về quê, bán cho dân làm mắm. Cái dáng ông cao lòng còng, hom hem, gò lưng đạp xe cáy, trông cứ tồi tội.