CHƯƠNG V – 40
Người xưa cũ

Anh Huy Quang, trưởng phòng Kinh tế cũng là bạn rượu của tôi. Anh và Nhà thơ Trần Thụ cùng quê Nam Định. Bác Trần khen văn anh Huy Quang, sang trọng và điệu đàng. Uống với nhau, anh và tôi toàn nói chuyện lăng nhăng, ít khi bàn văn chương. Một lần anh khoe, đang thai nghén cuốn tiểu thuyết vùng quê anh, trong đó anh tâm đắc, nhắc nhiều tới chi tiết, vụ cứu cô gái chết đuối, anh sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết.
Tháng bảy xập xì mưa Ngâu. Ban tôi tổ chức chuyến nghỉ mát tắm biển Sầm Sơn. Trong lúc trò chuyện ở bãi biển, anh rủ mùa thu sẽ cùng lên Điện Biên, vừa công tác vừa thăm đứa con trai dạy học trên đó.
Chưa kịp, thì anh đã đi rồi. Âu cũng là số phận, một kiếp người đào hoa và lận đận, buồn như chuyện anh trở lại thăm Chị Thìn. Thôi thì tôi chỉ có vài dòng này, như trái khế đặt lên ban trong ngày giỗ, quả khế trong truyện ngắn Cây khế của anh đấy, anh Huy Quang ơi!
Bác Trần Thụ là trưởng ban Chuyên đề, còn cô Khánh Hồ và chú Phán Lương là phó ban. Bác Trần Thụ và chú Lương, thì sửa bài dễ dãi.
Chú Lương trước đó là Trưởng phòng Khoa học và trước đó nữa là Trưởng phòng Phụ nữ. Anh em có vè vui về chức trưởng phòng: Việt Nam dân chủ cộng hoà, Trưởng phòng Phụ nữ lại là đàn ông.
Với cô Khánh Hồ, ngôn từ, câu cú, cô sửa rất kỹ. Cô thâm thuý, sắc sảo, từ ngữ dùng thì thôi rồi Lượm ơi là chính xác. Tôi đã học được rất nhiều về cách dùng từ ngữ của cô. Trong tập truyện ngắn đầu tay Người con gái năm Ất Dậu, tôi nhờ cô, người thày ngôn ngữ, sửa giúp, trước khi gửi tới nhà xuất bản.
Khi tôi về Đài thì nhà thơ Trần Thụ đang là phó ban Các chương trình trong nước. Bác sống đại lượng, ôn hoà, thu phục nhân tâm. Tôi còn nhớ, trong một buổi dự giao ban, có người phát biểu khá hăng. Trong lúc nghe, bác thủng thẳng kéo ngăn bàn, cầm mẩu bánh mì khô lên, thản nhiên nhấm nháp. Để cho diễn giả nói tới khi chán, bác tưng tửng:
- Chuyện này tớ nói từ lâu rồi, nói từ hai mươi năm trước cơ! Người bảo rằng hay, người bảo không hay.
Và bác Trần Thụ thơ thẩn cười. Anh Diễn Như rất khoái triết lý ẩm ương trên của bác. Thỉnh thoảng anh còn mang ra nhại trộm, người bảo rằng hay, người bảo không hay. Nhớ có lần vào nộp chương trình, bác Trần Thụ đang bận tiếp khách thơ, bác ký cái rẹt và nói:
- Tớ ký, cậu chịu trách nhiệm nhé!
Một lần tôi đến chơi nhà bác Trần Thụ. Lúc đó nhà thơ Thu Lệ ra họp Quốc hội, bác Lệ đang bế thằng cháu nội, con trai của Nam Trần. Nói chuyện loanh quanh, tôi và bác Trần Thụ chuyển sang bàn chuyện chính trị. Đến lúc này bác Lệ mới góp chuyện. Vừa nghe nhà thơ thu Lệ nói, bác Trần đã nhíu mày bảo:
- Bà thì biết cái gì!
Bà nghị sĩ, mà bác bảo không biết gì về chính trị. Đấy, bác Trần cứ thế đấy!
Tôi thích giọng văn trong những truyện ngắn của Nam Trần. Những vật thể tròn, hiện đại và suy tư. Rất tiếc Nam ít viết. Hồi Nam phụ trách mục Chuyện thật như bịa, nó đã làm rúng động khối nhà quản lý và các ông doanh nghiệp. Mục đó nổi đình đám đến mức, phải dừng, không phát tiếp nữa. Dịp Nam có chút tai nạn nghề nghiệp, khi đang làm ở báo, tôi sang chơi, Nam đưa truyện ngắn mới viết. Đọc xong, tôi hỏi Nam, buồn đến thế ư, dòng đời dài chen chúc?
Hồi mới về cơ quan, sáng sáng, bác Trần hay sang phòng Thiểu số của tôi. Còn sớm, nên cơ quan chửa có ai. Mới vào đến cửa, bác đã khoe, đêm qua tớ sáng tác được bài thơ. Thơ bác Trần nhiều bài được phổ nhạc. Bài Em vẫn như ngày xưa được thế hệ tuổi trung niên rất ưa nghe.
Trong khi anh Diễn Như pha nước, bác Trần ngâm nga đọc thơ. Người làm ra thơ, rất thích được kẻ khác bình. Biết ý vậy, anh Diễn Như buộc phải bình thơ thủ trưởng. Nhiều lần anh Diễn Như đã hết lời khen, vẫn bị sếp mắng cho một chặp. Cái cậu này, thơ người ta ý thế này, cậu lại tán ra cái ý kia.
Khổ thế đấy, chê không được, mà khen cũng không xong. Tôi và Đặng Quang, đám hậu sinh, không dám ho he, chỉ biết ngồi thưởng thức nước chè và nghe thơ, bố dám bình thơ bác. Lớ xớ là vớ phải trận mắng. Sau mấy lần nghe thơ, bình thơ và bác Trần Thụ mắng anh Diễn Như, rút kinh nghiệm, những sáng sau, vừa thấy bác vào khoe, đêm qua tớ sáng tác được bài thơ, tôi và Đặng Quang vội lỉnh ngay. Chỉ còn lại anh Diễn Như ngồi lại bình thơ và lại nghe bác Trần mắng.
Tôi còn nhớ một lần, không hiểu sao, anh em lại đem chuyện, nếu như quan chức thời phong kiến xưa, thì phẩm, hàm của bác Trần thuộc loại cỡ nào. Nhà văn Thành Phạm, bình bầu bác Trần vào cỡ bát phẩm. Thực ra, chức trưởng ban của bác, ít ra cũng hàng tòng ngũ phẩm, hay chánh lục phẩm, tức khoảng gần tri phủ, hay ngang tri huyện, anh Thành Phạm lại hạ cấp bác xuống mấy hàng, ngang cụ chánh tổng. Lúc ấy, không thấy bác Trần nói gì. Đúng như có người nhận xét, ông nhà Nho sinh ra không phải thời Nho.
Anh Thành Phạm hay hầu chuyện bác Trần. Kể cũng lạ, hai người tính khí khác nhau, mà lại hay chuyện với nhau. Tôi đồ rằng, một ông cò cưa, chuyện này tớ nói từ hai mươi năm nay rồi và một ông cứ: không, không, Hậu Chí Phèo làm gì mà anh đã biết.
Có lẽ từ đó Thành Phạm là người biết nhiều về bác Trần. Chẳng hạn, khi nước ta ồn ã tiểu thuyết "Báu vật của đời” – nguyên nghĩa là vú to, mông nở, của nhà văn Mạc Ngôn, thì Thành Phạm kể, bác Trần tuyên ngôn, đại ý là: Một dân tộc biết có cường thịnh hay không, hãy nhìn vào mông và vú người phụ nữ. Hoặc như, cũng nhờ Thành Phạm mà hai bài thơ "Vui xuống cấp" và "Đường hàng tỉnh" của bác được nhiều bạn bè biết tới. Nhà văn Hoàng Minh Tường đã đưa cả hai bài thơ này vào tập hai của tiểu thuyết "Thuỷ hoả đạo tặc”... Ngược lại, tên truyện "Hậu Chí Phèo", của Thành Phạm lại do chính bác Trần đặt. Lúc đầu tác giả định đặt là Tạp lục Chí Phèo.
Hồi ấy ở huyện ven biển Nam Định, trong khi làm thuỷ lợi, người ta phát hiện ra bộ xương lớn. Anh Kháng Nguyễn, Trưởng phòng Khoa học, báo cáo tin đó với bác Trần. Cứ như anh Kháng Nguyễn nói, thì đây là bộ xương con khủng long.
Nghe xong, bác Trần rất mừng, quê mình phát hiện ra khủng long. Vốn cẩn trọng, bác Trần hỏi đi hỏi lại ông Trưởng phòng Khoa học. Sau cả tuần, anh Kháng Nguyễn vẫn như đinh đóng cột, các nhà khoa học khẳng định là khủng long. Lúc này, bác Trần phấn khởi quá. Bác so sánh, phát hiện trên ngang bằng sự kiện Hoa Kỳ phóng tàu vũ trụ A pô lô. Vậy là Nam Định quê bác không phải vùng đất biển mới bồi, như lâu nay người ta vẫn nói, mà nó phải có lịch sử tới cả vạn, triệu năm. Tự hào quá, một miền đất văn vật và văn hiến!
Bác gọi điện về cho lãnh đạo xã, huyện, dặn dò phải có kế hoạch chu đáo cho sự kiện này. Cứ như bác Trần tiên đoán, thì tới đây, cả vạn, triệu khách sẽ đổ xô tới tham quan con khủng long. Không lo trước, người ta đến du lịch, giẫm nát hết lúa. Xã, huyện phải quy hoạch vài sào, không, phải vài ha để làm nơi tham quan cho khách.
Hỡi ôi, tin từ ông Trưởng phòng Khoa học là tin vịt. Bộ xương kia chỉ là cốt con cá voi. Thôi, thế là vùng đất văn vật ven biển Nam Định vừa nâng cấp lên vạn, triệu năm, lại bị hạ xuống còn vài ba trăm năm tuổi. Trước sự thật lịch sử phũ phàng ấy, Bác Trần rất bực, bực đến mức văng cả tục ra với ông Trưởng phòng Khoa học.
Ông lão nhà thơ Trần Thụ ngày xưa đi cày và anh Kháng Nguyễn nay đều đã mất. Họ thành những người ngày xưa rồi.