CHƯƠNG III - 22
Khoán cả cúng

Bạn bè lớp tôi tốt nghiệp ra trường, đa phần hành nghề mình học. Chỉ có vài đứa rẽ ngang. Hai đứa học sinh giỏi, giật giải thành Nam Định hồi phổ thông, là Thềm và Tùng, xin mãi không được việc. Thềm đành ở nhà bán vật liệu xây dựng, còn Tùng rẽ sang nghề bảo hiểm. Với sức học như Thềm, một, chứ hai, ba bằng tiến sỹ, giật nhẹ như lông hồng. Kẻ thứ ba bỏ nghề thú y là tôi, ra làm báo. Tiếp đó đến Hoàng, sản xuất kinh doanh.
Hoàng quê huyện Tứ Kỳ. Lần tôi và Hoàng đến nhà thư pháp Nguyễn Xuân Hoà, xin chữ, sau khi hỏi quê Hoàng, cụ giảng giải, Tứ Kỳ là bốn lá cờ, đất nghèo, mà xưa, vùng ấy đỗ đạt và làm quan nhiều lắm. Thảo nào, hồi học đại học, Hoàng cũng tay học tầm cỡ trong khoa.
Ra trường, mới đầu Hoàng vẫn làm nghề mình học, phụ trách thú y xưởng chế biến thực phẩm, sau đó lên phụ trách xưởng. Tuy không học kinh tế, nhưng cậu chàng có đầu óc kinh doanh. Trong cảnh nửa đổi mới, nửa bao cấp, phụ trách cái xưởng ngót trăm công nhân, không những Hoàng giải quyết đủ đầy lương, mà mỗi năm còn nộp lên công ty cả tỷ đồng lãi.
Điều trái khoáy là vị giám đốc hơi tham. Đáng lý ra, vị ta cứ ngồi trên mà hưởng, thì lại nghĩ, cái xưởng này còn bở nữa. Ông ta liền nhét chân tay vào và hất anh chàng Hoàng ra.
Lãnh đạo công ty của Hoàng hình như có bệnh tham tiền sử. Ông cựu giám đốc trước, vì xơi nhiều quá, nên phải vào tù cỡ mươi năm, cái án tù kinh tế nổi tiếng tỉnh này một thời.
Đến ông giám đốc này cũng không kém cạnh. Ông ta làm xiếc tỏi. Từ tỏi Tàu biến hoá thành tỏi xuất xứ ta, rồi đem ra xuất khẩu, lấy phần trăm tiền của Chính phủ hỗ trợ nông sản xuất khẩu. Ông này vẽ dự án đại tài. Cái dự án tuyệt mỹ và thành công nhất là việc đem trụ sở công ty ở ngay ngã tư nhà máy sứ, vuông thành sắc cạnh, đẹp đẽ vậy, bổ ra làm đôi, bổ cả đất lẫn nhà, rồi bán cho anh ngân hàng. Ông giám đốc này điển hình cho lớp cán bộ một thời yêu và toàn sống dựa trên các chính sách của nhà nước, bòn rút công quỹ giỏi và di dời an toàn, trước khi tàu đắm.
Anh chàng Hoàng bị ủn bằng cách điều ngược lên trên. Tiếng là phó giám đốc, nhưng là phó hờ, ngồi chơi xơi nước và nghiên cứu báo Nhân dân. Đang làm việc, giờ bị đầy ra xơi nước, Hoàng chán quá. Cuối cùng, anh chàng giấu, hùn vốn với mấy anh em, mở cơ sở kinh doanh. Việc đó thì không giấu được ai. Giám đốc tìm mọi cách đì Hoàng, đì tới mức, cậu ta có nguy cơ bị khai trừ khỏi Đảng. Lúc đó Hoàng thường đùa, giờ em là loại đảng viên xấu nhất, nhì tỉnh.
Hồi Hoàng còn ở Công ty cũ, tôi và Tô Quang Nam, nay là Trưởng ban Thời sự báo Tiền phong, từng nửa đêm lên xe lợn của công ty đi Thái Bình điều tra, xem người ta hành chính sách khuyến khích nông sản xuất khẩu như thế nào. Trên xe, tôi và Nam được cả đêm ngửi phân lợn, trưa hôm sau đói quá, phải mua trứng vịt lộn ăn lấy no.
Trong khi công ty cũ, Nhà nước đầu tư mấy chục năm trời, đất cát, vốn liếng tới vài ba chục tỷ, vẫn làm ăn lẹt đẹt. Còn công ty Thắng Lợi của Hoàng, thuê được vỏn vẹn ba ngàn mét vuông đất, vốn tự bỏ ra, mà nay sản lượng xuất khẩu lợn sữa đứng đầu trong các công ty cùng ngành hàng các tỉnh phía Bắc.
Có lần tôi đi với Hoàng tới một công ty bạn. Gần hai trăm cán bộ công nhân, một nửa là chân gián tiếp. Mới cuối chiều, khoảng sân rộng ngót ha, cánh hành chính nô nức chơi cầu lông, còn công nhân dưới xưởng đang è nhau chọc tiết và vặt lông lợn.
Chả bù cho công ty của Hoàng, chỉ mươi người ăn lương gián tiếp, còn lại việc gì cũng khoán. Đến như việc cúng lễ cuối năm cũng khoán. Một năm ngày áp Tết, tôi cùng Lê Việt Hùng, phóng viên báo Nông nghiệp xuống cơ sở Hoàng chơi, thấy ông thầy lui cui ngồi gõ mõ, khấn lễ, bên cái miếu dựng trước khu nhà xưởng. Hoàng giới thiệu:
- Ông thày đang cúng đấy. Nghề sát sinh này phải chu đáo. Bao sinh linh lang thang quanh đây. Chúng mà quấy nhiễu là mệt.
- Sao có mình ông thày. Nhân viên công ty đâu, không có người phụ lễ?
- Khoán, khoán cả rồi. Cứ cúng hết ba tiếng là xong, năm giờ chiều đến tám giờ tối.
Tôi đùa:
- Khoán thì khoán chứ, cũng phải kiểm soát. Không người giám sát, nhỡ cứ lộc lá thày khấn hết về nhà thày, hay mang tuốt tên tuổi anh em, con cái ra kêu cầu, thì các ông mất toi tiền à!