Teddy Cooper đã đoán sai, bọn bắt cóc chưa rời nước Mỹ. Tuy nhiên, theo kế hoạch hiện thời, vài giờ nữa chúng sẽ đi.
Vì cần phải nấp kín tại Hackensack tới tận chiều thứ bảy, chúng cảm thấy căng thẳng cực độ. Nguyên nhân trực tiếp khiến chúng lo lắng là tin tức do đài phát thanh và truyền hình đưa về những sự kiện xảy ra tại White Plains.
Miguel, mệt mỏi và lo lắng, cáu kỉnh trả lời những câu hỏi của đồng bọn. Khi Carlos, kẻ điềm tĩnh nhất trong năm gã người Colombia, giận dữ đưa ra ý kiến là cái bẫy chất nổ đặt ở xe Nissan là một ý đồ khốn nạn, Miguel đã vớ lấy dao. Rồi, tự kiềm chế lại, hắn bỏ dao xuống.
Miguel cũng biết rằng cái bẫy đặt trong xe ở White Plains là một sai lầm tệ hại. Ý đồ ban đầu của hắn là đưa ra một lời cảnh cáo nặng cân về tính chất nghiêm trọng sau khi bọn bắt cóc đã ra đi. Bởi vì Miguel tin rằng với những thay đổi bề ngoài của chiếc xe mà chúng đã làm sau khi bắt cóc, bỏ cửa kính màu sẫm và thay biển số New Jersy thành biển số New York thì chiếc xe sẽ nằm ở khu đỗ xe White Plains đến năm, sáu ngày, và có lẽ còn lâu hơn mà không ai để ý tới.
Rõ ràng là hắn đã sai lầm. Tệ hại hơn là vụ nổ sáng hôm đó và sự việc tiếp theo đã làm cho sự quan tâm trên toàn quốc lại hướng vào những kẻ bát cóc gia đình Sloane và đưa sự báo động trong giới cảnh sát và trong công chúng lên cao độ, đúng vào lúc chúng đã sẵn sàng lẻn ra khỏi đất nước một cách êm ắng.
Cả Miguel lẫn mấy tên kia đều không mảy may quan tâm gì đến những người chết và những tổn thương nói chung tại White Plains. Ở vào các tình huống khác chúng lại còn thấy khoái chí nữa là đằng khác. Điều chúng quan tâm là hiện chúng đang lâm vào nỗi hiểm nguy lớn hơn và chuyện này đáng lẽ không nên để xảy ra.
Bọn bắt cóc lo lắng không hiểu các điểm kiểm soát trên xa lộ của cảnh sát, mà theo tin tức là đã đượcnới lỏng từ hôm thứ năm, có siết lại hay không? Từ nơi ẩn náu của chúng cho tới sân bay Teterboro co một hay nhiều trạm? Còn tại sân bay thì sao? Và nếu bốn tên ra đi cùng chiếc máy bay tư nhân Learjet rồi thì tới trạm dừng là sân bay Opa Locka tại Florida thì sao? Liệu ở đó có nguy hiểm lắm không?
Một lý do khác khiến chúng căng thẳng là mối bất hoà ngày càng tăng giữa bọn chúng với nhau. Hơn một tháng trời bị tù túng, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài tới mức tối đa, những nỗi bực dọc cá nhân chuyển dần sang cái gì đó như là sự căm hận. Cái làm cho cả bọn đặc biệt ghê tởm là thói quen của Rafael khi ho xong khạc nhổ đờm ra bất cứ nơi nào, kể cả lúc đang ngồi ở bàn ăn. Vào một bữa ăn Carlos quá bực đã gọi Rafael là “đồ súc sinh dơ dáy”, khiến Rafael tóm ngay lấy vai Carlos, ấn vào tường rồi nện liên hồi bằng những cú đấm như búa bổ. Chỉ khi Miguel can thiệp vào Carlos mới thoát khỏi bị trọng thương. Sau đó Rafael vẫn không hề thay đổi thói quen cho dù Carlos tức sôi lên.
Luis và Julio cũng trở nên thù địch với nhau. Tuần trước, Julio tố cáo Luis gian lận trong khi chơi bài. Cả hai ẩu đả nhau kich liệt bất phân thắng bại, mặt mũi của cả hai đều sưng vù lên và từ đó trở đi chúng không hề hé răng nói với nhau câu nào.
Giờ đây, Soccoro lại là một nguyên nhân khiến chúng va chạm nhau. Mặc dù trước đây cô phản đối mọi mối quan hệ tình dục, đêm qua ả đã ngủ với Carlos. Những tiếng ồn kiểu thú vật đã làm mấy gã đàn ông kia nổi cơn thèm muốn, và Rafael ghen tuông dữ đội vì hắn muốn dành Soccoro cho riêng hắn. Sáng nay hắn đã nhắc ả điều đó. Nhưng cô ả bảo hắn ngay trước mặt cả bọn trong lúc ăn sáng: “Anh phải thay đổi cái thói dơ bẩn của anh đi trước khi anh đưa cái của ấy vào trong người tôi”.
Tình thế còn phức tạp hơn vì chính Miguel cũng thèm muốn Soccoro mãnh liệt. Nhưng vì là tên cầm đầu nên hắn phải luôn tự kiềm chế để không lao vào tranh chấp với bọn kia.
Do đó, vì những lý do khác nhau đối với mỗi người, ai cũng thấy nhẹ nhõm vì 7 giờ 40 phút tối đã tới gần và việc chuẩn bị rút lui đang được thực hiện.
*
Julio sẽ lái chiếc xe tang còn Luis lái chiếc xe vận tải mang chữ “nhà táng Thanh Bình”. Cả hai xe đều đã sẵn sàng lên đường.
Chiếc xe tang chỉ chở cỗ quan tài trong đó Jessica đang nằm mê man bất tỉnh. Angus và Nicholas cũng bất tỉnh và nằm trong các quan tài đóng kín đặt trên xe tải. Trên mỗi chiếc quan tài Carlos để một vòng hoa cúc trắng xen lẫn cẩm chướng hồng hắn vừa mua sáng nay.
Một điều lạ là cảnh những chiếc quan tài và vòng hoa làm bọn khốn kiếp này dịu lại, nhờ thế các vai chúng sắp phải đóng ít nhiều dễ thành công hơn.
Chỉ có Baudelio lăng xăng quanh mấy chiếc quan tài, sử dụng phút cuối cùng để xem xét các dụng cụ dặt bên ngoài. Đây là trách nhiệm nặng nề của hắn vì sự thành công của cả phi vụ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những sự chuẩn bị với quá trình hành động của hắn. Nếu một trong những người bị bắt hồi tỉnh lại và vùng vẫy hoặc kêu la trong khi cả bọn đang ở trên đường, nhất là lúc đang bị xét hỏi, thì tất cả sẽ đi toi.
Thậm chí chỉ cần một sự nghi ngờ rằng những chiếc quan tài có vẻ gì đó khác thường thì các quan tài sẽ bị khám và toàn bộ kế hoạch sẽ thất bại – như đã xảy ra tại sân bay Stansted nước Anh hồi năm 1984. Đó là trường hợp một người Nigeria, bác sĩ Umaru Dikko, bị bắt cóc và bị đánh thuốc mê, chuẩn bị được đưa sang Lagos trong chiếc hòm đóng kín niêm phong. Các công nhân làm việc ở sây bay báo cáo là có một “mùi như mùi thuốc” rất mạnh và nhân viên hải quan Anh khăng khăng đòi mở ra. Nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn sống.
Miguel và Baudelio đều biết sự việc năm 1984 và không muốn nó lập lại.
Khi gần tới giờ xuát phát, Soccoro xuất hiện, quyến rũ mê hồn trong bộ áo váy bằng nỉ đen và chiếc áo khoác hợp màu viền ren. Mái tóc ả cuộn dưới chiếc mũ chụp đen, tai đeo hoa tai vàng và cổ cũng đeo dây chuyền vàng mỏng. Ả khóc ràn rụa, kết quả của liều thuốc do Baudelio kể: để ở mỗi mi dưới mắt một mảnh hạt tiêu. Ả cũng làm như vậy cho Rafael. Đầu tiên thì gã đàn ông to lớn này phản đối nhưng Miguel cương quyết nên gã phải nhượng bộ. Rafael tỏ ra một vẻ đau đớn trầm tĩnh, tuy nước mắt vẫn tuôn lã chã.
Rafael, Miguel và Baudelio, đều mặc đồ đen và thắt cravat, trông rất hợp vói cảnh tang tóc. Nếu ai đó có hỏi tới, thì Rafael và Soccoro sẽ thủ vai anh chị ruột của một người phụ nữ Colombia chết trong tai nạn cháy ô tô khi đang đi thăm nước Mỹ, di hài được đem về nước để chôn cất. Đứa con trai nhỏ của bà ta cũng bị chết trong tai nạn đó, nên Rafael và Soccoro cũng là bà dì và ông cậu đầy đau khổ của Nicky. Người “chết” thứ ba, Angus sẽ là người bà con xa cùng đi du lịch với hai người kia.
Baudelio đóng vai người giúp việc của cái gia đình tang tóc này, còn Miguel là bạn thân của gia đình.
Những hồ sơ chi tiết làm chứng cho câu chuyện này là giấy chứng tử từ Pennsylvania, nơi dường như đã xảy ra tai nạn khủng khiếp đó, những tấm ảnh ghép của một cảnh tai nạn xe cộ trên xa lộ, và thậm chí còn cả một bài báo dường như cắt từ tờ Người điều tra Philadelphia, nhưng thực ra là được in riêng. Trong tập hồ sơ này còn có hộ chiếu mới cho Miguel, Rafael, Soccoro và Baudelio, và hai bản chứng tử dự trữ, một bản đã được dùng cho Angus. Trọn gói “hồ sơ” này do một bọn người của Miguel ở Tiểu Colombia cung cấp, giá phải trả là hơn hai mươi nghìn đôla.
Kèm theo câu chuyện trên và bài báo giả còn có một chi tiết thương tâm là: cả ba thi thể đã bị dập nát và cháy xém đến mức không thể nhận ra được. Miguel tính điều đó sẽ ngăn cản việc đòi mở áo quan khi vận chuyển ra khỏi nước Mỹ.
Hai chiếc xe đã khởi động máy, sau chúng là chiếc Plymouth Reliant do Carlos cầm lái. Hắn sẽ đi theo sau hai xe kia một quãng, sẵn sàng lao vào can thiệp trong trường hợp xảy ra rắc rối. Trừ Baudelio, tất cả đều có vũ khí.
Kế hoạch trước mắt là đi thẳng tới sân bay, mất chừng mười phút hoặc mười lăm phút là cùng.
Trong sân nhà ở Hackensack, Miguel kiểm tra đồng hồ, 7 giờ 35 phút. Hắn ra lệnh: “Tất cả lên xe”.
Lần cuối cùng hắn soát căn nhà và cả những dãy nhà phụ, hài lòng vì không có dấu vết gì tỏ ra là bọn chúng đã ở đây. Chỉ có một điều làm hắn bực là chỗ đất chúng đào lên để chôn những chiếc máy điện thoại lưu động và những dụng cụ khác không bằng phẳng so với xung quanh. Julio và Luis đã cố hết sức để san bằng đất và vải lá lên, nhưng vẫn còn dấu vết. Miguel cho là không ảnh hưởng gì lắm và bây giờ cũng chẳng kịp làm chuyện gì nữa.
Quay trở lại chiếc xe tang, hắn trèo lên hàng ghế trước và ra lệnh cộc lốc: “Đi!”.
Trời đã sãm tối, từ bên phải chúng là những vệt sáng cuối cùng của buổi hoàng hôn lúc chúng tiến về phía Teterboro.
*
Luis là người đầu tiên thấy ánh đèn nhấp nháy của cảnh sát ở phía trước. Hắn vừa khẽ văng tục vừa phanh lại. Từ phía bên này, Miguel cũng nhìn thấy ánh đèn. Hắn vươn người ra để xem xét vị trí của chúng trong đám xe cộ, Soccoro ngồi giữa hai gã.
Chúng đang đi trên đường quốc lộ số 17 hướng về phía nam, con đường tầng cao tốc Passaic đã ở phía sau một dặm. Giao thông hai chiều chen chúc. Giữa bọn chúng và những ánh đèn nhấp nháy không có chỗ nào rẽ sang phải, và dải phân cách hai chiều không cho phép ngoặt trở lại theo hình chữ U. Miguel bắt đầu toát mồ hôi, nắm chặt tay lại và ra lệnh cho Luis: “Cứ đi tới đi”. Hắn ngoái lại để chắc chắn xem chiếc xe tải “Nhà tang Thanh Bình” có theo sát ngay đó không.
Carlos ngồi trong chiếc Plymouth ở tít tận phía sau, khó mà thấy được.
Bây giờ chúng đã có thể nhìn thấy xe cộ phía trước đang bị những chiếc xe cảnh sát tách ra thành hai hàng bên làn đường phía tay phải. Giữa các làn đường có một kết cấu gọn nhẹ dựng thành môt thứ như chòi gác và nhiều cảnh sát đang nói gì đó với những người lái xe khi họ dừng lại. Bên ngoài làn đường phía tay phải còn có nhiều xe cảnh sát và đèn loang loáng.
Miguel bảo hai tên kia: “Cứ bình tĩnh. Để tôi nói chuyện với họ”.
Chúng tiến chậm chạp về phía trước mất khoảng mười phút nữa trước khi có được một chỗ bao quát cả đầu đoàn xe cộ. Ngay cả lúc đó cũng chưa biết chính xác là điều gì đang xảy ra. Trời đã tối hắn, đèn đóm làm loá cả mắt. Sau những lời trao đổi giữa cảnh sát và những người chủ xe, môt số xe ô tô và xe vận tải đã phải đỗ dạt sang bên đường để kiểm tra ký hiệu, còn những xe khác được ra đi tiếp.
Miguel xem đồng hồ. Đã gần tám giờ. Không có cách nào có thể đến được điểm hẹn với chiếc máy bay Learjet đúng giờ.
Mặc dù đã ra lệnh cho bọn kia bình tĩnh, nỗi căng thẳng của chính bản thân Miguel cũng tăng lên. Sau khi chúng đã có được những thành công đáng kinh ngạc cho tới nay, đây có phải là điểm kết thúc của mọi chuyện với cái kết quả là bị bắt hoặc chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát? Giữa hai cái, hắn thích chọn cái chết. Cơ hội để thoát được trong tình trạng này xem ra rất mong manh. Hắn cân nhắc: Có nên bỏ chạy để cho điều đó xảy ra nhanh hơn, ít ra là còn tạo được một cuộc đọ súng, hay chúng cứ tiếp tục ngồi yên ở đây, để có những giây phút chậm chạp trôi qua, với nỗi hy vọng duy nhất như một canh bạc này là qua thoát?
Luis thì thào: “Mấy thằng chó đó đang tìm chúng ta!”. Thò tay vào túi, hắn rút ra môt khẩu Walter P38 và đặt xuống ghế ngay bên cạnh.
Miguel gắt: “Để vào chỗ kín chứ!”.
Luis lấy một tờ báo che khẩu súng.
Bên cạnh hắn, Miguel cảm thấy Soccoro run bần bật. Hắn đặt một tay lên cánh tay ả và ả ngừng run. Hắn thấy ả nhìn trân trân về phía trước, mắt dán vào viên cảnh sát đang tiến đến.
Người mặc đồng phục này xuất hiện có một mình, không thuộc nhóm đang đứng trước hàng xe. Lúc đi, anh ta liếc vào những chiếc xe đang đỗ, thỉnh thoảng lại dừng, rõ ràng là để trả lời các câu hỏi. Khi người sĩ quan cảnh sát đã đi quá mấy bước, Miguel quyết định cầu may. Hắn nhấn nút hạ cửa kính điện bên phải xuống.
Thưa ông sĩ quan – Miguel gọi to – ông làm ơn cho biết thế này là thế nào ạ?
Viên cảnh sát trông chỉ lớn hơn một cậu thiếu niên một chút, tiến đến gần. Tên của anh ta để trên biển hiệu là “Quiles”.
“Đây chỉ là cuộc kiểm tra điều độ giao thông thôi, thưa ông, vì sự an toàn công cộng mà”. Anh ta nói với một nụ cười có vẻ gượng gao.
Miguel không tin lời anh ta nói.
Rồi lúc viên cảnh sát thấy chiếc xe tang và mọi thứ trong xe, anh ta nói thêm: “Tôi mong rằng các ông không phải là những người mới đi đánh chén say sưa về”.
Đó là một câu đùa nhạt nhẽo vụng về, nhưng Miguel thấy cơ hội đã đến và vớ ngay lấy. Hắn nhìn xoáy vào mặt viên cảnh sát tuần tiễu với một cái nhìn sắc lạnh, và nói vẻ nghiêm khắc “Nếu đó là một câu đùa thì, thưa ông sĩ quan, câu đó cực kỳ nhạt đấy”.
Vẻ mặt của anh chàng sĩ quan trẻ tuổi biến sắc. Anh ta nói: “Tôi xin lỗi”.
Như thể không nghe thấy gì, Miguel tiếp tục: “Bà ngồi bên tôi đây đi thăm đất nước này với cô em. Cô em yêu quý của bà đang nằm trong quan tài phía sau chúng tôi, đã bị chết thê thảm trong một vụ tai nạn giao thông cùng với hai người nữa ở trong chiếc xe phía sau. Thi thể của họ sẽ được đưa về để được chôn cát nơi quê cha đất tổ. Chúng tôi có một chiếc máy bay đang chờ ở Teterboro và chúng tôi không muốn đùa cợt cũng như là bị trễ”.
Đúng theo vai tuồng của mình, Soccoro quay đầu lại để viên sĩ quan cảnh sát có thể nhìn thấy những giọt nước mắt đang tuôn ướt đầm khuôn mặt ả.
Quiles nói vẻ ân hận “tôi đã nói là tôi rất ân hận, thưa ông bà. Tôi lỡ lời. Tôi xin lỗi”.
“Chúng tôi nhận lời xin lỗi của ông, ông sĩ quan ạ”, Miguel nói vẻ trang trọng. “Bây giờ tôi mong rằng ông có thể giúp chúng tôi đi tiếp con đường của chúng tôi”.
“Xin cứ ở đó”. Viên cảnh sát tuần tiễu bước nhanh về phía đầu đoàn xe để anh ta hỏi ý kiến một viên chuẩn uý. Viên chuẩn uý lắng nghe, nhìn về phía chúng rồi gật đầu. Anh ta quay trở lại.
Anh ta bảo Miguel: “Tôi sợ rằng tất cả chúng ta đều có chuyện bực mình, thưa ông”. Rồi anh ta hạ giọng vẻ tâm sự: “Sự thật là điều đang xảy ra ở đây chỉ là một cái cớ và chúng tôi đang tìm kiếm những kẻ bắt cóc. Ông có nghe nói chuyện gì đã xảy ra ở White Plains ngày hôm nay không?”.
“Vâng, tôi có nghe”, Miguel trả lời vẻ nghiêm nghị - “Thật là khủng bố”.
Chiếc xe ngay phía trước đã tiến lên, tạo thành một khoảng trống.
“Cả hai lái xe của ông có thể lái vòng sang bên trái, thưa ông. Xin cứ theo tôi tới chỗ chắn đường rồi nhập vào dòng xe được phép đi. Một lần nữa tôi rất ân hận vì đã lỡ đùa”.
Viên cảnh sát tuần tiễu ra hiệu cho chiếc xe tang và chiếc xe vận tải GMC ra khỏi hàng, đồng thời ra hiệu cho một chiếc xe phía sau tiếp tục tiến lên. Liếc về phía sau, Miguel vẫn còn chưa thấy bóng dáng của chiếc Plymouth Reliant đâu. Thôi kệ, hắn nghĩ, Carlos sẽ phải tự lo lấy thân.
Anh chàng cảnh sát đi bộ trước chúng cho tới khi họ tới ngang chiếc chòi canh mà chúng đã thấy từ xa rồi anh ta vẫy tay ra hiệu cho chúng qua. Đường phía trước rất quang.
Khi chiếc xe tang đi ngang qua anh ta, Quiles dập chân chào lễ độ và cứ giữ như vậy cho tới khi hai chiếc xe đi khuất.
Ngay lần thử đầu tiên, Miguel nghĩ, câu chuyện bịa của chúng đã thành công. Còn sự thử thách tại sân bay Teterboro sắp tới, hắn tự hỏi: Liệu lần này có thành công hay không?
Trong mấy tuần lễ trú tại Hackensack, Miguel đã tới Teteroboro hai lần để xem xét.
Đó là một sân bay nhộn nhịp dành riêng cho các máy bay tư. Cứ trung bình hai mươi bốn tiếng đồng hồ có khoảng bốn trăm chuyến bay hạ và cất cánh, nhiều chuyến vào ban đêm. Quãng một trăm máy bay sử dụng Teterboro làm căn cứ và đỗ dọc theo ngoại vi đông bắc. Dọc theo ngoại vi tây bắc là các khu trụ sở của sáu công ty điều hành mọi dịch vụ cho máy bay lên xuống hoặc đỗ lại. Mỗi công ty có một lối vào sân bay riêng và chỉ đạo hệ thống an ninh riêng.
Trong sáu công ty của Teterboro, công ty hàng không Brunswick là công ty lớn nhất. Theo gợi ý của Miguel, đó là công ty mà chiếc Learjet 55 LR của Colombia sẽ sử dụng.
Trong một chuyến tới đó, Miguel đã đóng vai ông chủ một chiếc máy bay riêng và gặp tổng giám đóc của Brunswick cùng các giám đốc của hai công ty khác. Hắn thấy là vì mục địch cất giữ hàng trên máy bay nên một số khu vực của sân bay xa cách và riêng biệt hơn những khu vực khác. Nơi ít riêng biệt hơn và là khu vực máy bay hạ cánh hoặc đỗ lại gọi là khu Bàn, nằm ở trung tâm gần các trụ sở điều hành.
Khu vực ít được sử dụng nhất và bị coi là không thuận tiện nằm ở cuối phía nam sân bay. Vì vậy, yêu cầu dành một chỗ đỗ tại đó được chấp nhận ngay, vì nó không kém ảnh hưởng tới khu vực Bàn vốn đã rất nhộn nhịp. Gần đó cũng có một cánh cổng khoá kín, chỉ được mở ra khi một công ty điều hành nào đó của Teterboro yêu cầu.
Sau khi nắm bắt được mọi thông tin đó, Miguel gửi một bức điện tới Bogota qua đường liên lạc của viên lãnh sự Colombia tại New York, khuyên chúng đặt chỗ ở cuối đường phía nam gần cổng. Rồi hôm nay, sử dụng chiếc máy điện thoại lưu động lần cuối cùng, hắn gọi cho hãng hàng không Brunswick yêu cầu mở cửa phía nam vào khoảng từ 7 giờ 45 tới 8 giờ 15 tối.
Qua các cuộc nói chuyện trước đây tại Teterboro, Miguel biết rằng một yêu cầu như vậy không có gì là bất thường. Chủ của các chiếc máy bay tư thường có những công chuyện mà họ không thích những người khác biết và những người điều hành sân bay phải hoàn toàn giữ bí mật. Thậm chí một trong các giám đốc sân bay còn kể cho Miguel nghe một phi vụ liên quan đến một chuyến chở ma tuý.
Giờ đây, khi chiếc xe tang và xe vận tải đã tiến gần tới Teterboro, Miguel đã hướng dẫn cho Luis tiến về cổng phía nam. Cho dù hắn không trông chờ vào cơ may tránh được toàn bộ sự kiểm soát, hắn đổ chừng là đi theo lối này chúng ít phải theo thể thức hơn là qua cổng chính.
Lúc chúng tới gần hàng rào máy bay, Miguel xem đồng hồ: đã 8 giờ 25 phút. Chúng tới muộn nửa tiếng, đã quá giờ hẹn mở cổng mất mười phút.
Khi những ánh đèn pha trước chiếu lên cổng, thì cổng đã được khoá chặt. Bên trong tối om – không có bóng người nào. Cáu kỉnh, Miguel đấm tay vào bảng đồng hồ, thốt ra: “Mẹ tiên sư!”.
Luis đi ra khỏi chiếc xe tang để xem xét khoá. Từ chiếc xe tải phía sau, Rafael đi theo hắn, rồi quay lại phía chiếc xe tang: “Tôi có thể làm bật mẹ nó ra bằng một viên đạn”.
Miguel lắc đầu, không hiểu tại sao một trong những viên phi công của chiếc Learjet lại không đón chúng tại đó? Trong bóng tối hắn có thể thấy rất nhiều máy bay đỗ bên trong hàng rào, nhưng không có đèn hoặc hoạt động gì. Liệu có phải máy bay tới trễ không? Dù câu trả lời là gì đi nữa, hắn biết rằng phải vào qua cổng chính của công ty hàng không Brunswick.
Hắn bảo Luis và Rafael: “Quay lại”.
Lúc chúng từ cổng phía nam quay trở lại, chiếc Plymouth Reliant vừa kịp theo sau. Rõ ràng là Carlos đã vượt qua trạm kiểm soát của cảnh sát an toàn. Hắn được lệnh phải đi theo tới gần cổng ra vào của sân bay, rồi cứ đợi ở bên ngoài cho tới khi chiếc xe tang và xe vận tải quay lại.
Tới gần khu nhà của công ty Brunswick rực ánh đèn, chúng thấy rằng còn có một cổng nữa chắn trên đường của chúng. Bên cạnh nó, tại lối vào bốt canh, có một nhân viên an ninh mặc đồng phục. Cạnh anh ta là một người đàn ông cao lớn, đầu hói đang nhìn chăm chú vào chiếc xe tang tiến đến. Một thám tử cảnh sát chăng? Một lần nữa Miguel cảm thấy ruột gan thắt lại.
Người đàn ông thứ hai bước lên phía trước. Có lẽ ông ta đã ngoài năm mươi nên cử chỉ có vẻ đường hoàng. Luis hạ cửa kính xe xuống. Người đàn ông hỏi: “Có phải các ông chuyển món hàng hiếm tới ngài Pizarro không?”.
Miguel nhẹ bỗng cả người. Đó chính là mật hiệu đã săp xếp từ trước. Hắn dùng mật hiệu trả lời: “Hàng đã sẵn sàng chuyển đi và toàn bộ giấy tờ đều đã xong xuôi”.
Người mới tới gật đầu “Tôi là phi công của các anh. Tên là Underhill”. Giọng của ông ta rất Mỹ. “Mẹ kiếp, các anh đến muộn thế!”.
“Chúng tôi gặp rắc rối”.
“Tôi cóc cần biết. Tôi đã vào sổ chuyến bay. Hãy chuẩn bị đi. Lúc đi vòng sang cửa hành khách, Underhill ra hiệu cho người gác, và cánh cửa được mở toang ra ngay.
Rõ ràng là không có kiểm tra an ninh, không có thanh tra cảnh sát. Câu chuyện giả của bọn chúng mà chúng đã dày công chuẩn bị không cần thiết nữa. Tuy vậy, Miguel không hề bận tâm.
Bốn người phải ngồi ép lại trên hàng ghế trước của chiếc xe tang, nhưng chúng vẫn đóng được cửa. Viên phi công chỉ dường cho Luis đi vào đường dành cho ô tô giữa những hàng đèn xanh và hướng về phía nam sân bay. Chiếc xe vận tải GMC theo sau.
Nhiều máy bay đỗ lù lù đằng trước. Viên phi công chỉ vào chiếc lớn nhất, chiếc Learjet 55 LR. Từ dưới bóng của nó một người hiện ra.
Underhill nói cộc lốc: “Faulkner. Phi công cùng lái”.
Từ phía bên trái của máy bay, một chiếc cửa kín được mở ra ngả xuống dưới thành bậc thang từ thân máy xuống đất. Người phi công thứ hai bước vào bên trong và ánh đèn vẫn sáng.
Luis lùi đuôi chiếc xe tang vào sát bậc thang máy bay để chuyển hàng vào. Chiếc xe tải đỗ cách đó một đoạn, Julio, Rafael và Baudelio nhảy ra.
Khi mọi người đứng túm lại gần cửa ra vào máy bay, Underhill hỏi: “Có bao nhiêu ngườ sống bay đây?”.
“Bốn”, Miguel đáp.
“Tôi cần biết tên những người đó để kê khai”. Viên phi công nói. “Và cả tên những người chết nữa. Ngoài chuyện đó ra, Faulkner và tôi muốn biết thêm chút gì về các người hoặc công chuyện của các người. Chúng tôi thực hiện một hợp đồng bay. Không có gì khác”.
Miguel gật đầu. Hắn đoán chắc rằng cả hai viên phi công đã kiếm khối vàng vì chuyến bay đêm này. Những đường bay giữa châu Mỹ La tinh và nước Mỹ có vô khối đội bay của Mỹ và của các nước khác đã phớt lờ luật lệ, làm những chuyện cực kỳ mạo hiểm vì tiền, những khoản tiền lớn. Còn đối với hai viên phi công này, Miguel chẳng mảy may quan tâm đến việc họ tránh không dính vào chuyện đang xảy ra. Dù sao thì hắn biết chắc là nếu bị lộ thì những viên phi công này cũng phải chịu chung trách nhiệm.
Hai viên phi công đứng canh chừng còn Rafael, Julio, Luis và Miguel cùng bê chiếc quan tài có đựng Jessica từ chiếc xe tang vào máy bay. Đi thẳng qua cửa thật là khó vì không có chỗ nào hở. Bên trong, những chiếc ghế bên tay phải đã được tháo ra. Những sợi dây giữ hàng hoá – lúc này là những chiếc quan tài – đã được nối liền vào những đường ray dưới sàn và ở phía bên trên.
Lúc chiếc quan tài thứ nhất đã chuyển xong, chiếc xe tang tránh ra cho xe tải vào. Hai chiếc quan tài kia được đẩy vào một cách mau lẹ, rồi Miguel, Baudelio, Soccoro và Rafael bước vào theo và cửa máy bay đóng lại. Không ai quan tâm đến việc chào từ biệt. Khi Miguel ngồi xuống và nhìn qua cửa sổ, ánh đèn của hai chiếc xe kia đã xa dần.
Trong lúc viên phi công thứ hai đang buộc dây quanh những quan tài, viên phi công thứ nhất đã bấm nút trong buồng lái và động cơ bắt đầu nổ. Viên phi công thứ hai đi về phía trước, và chiếc đài vô tuyến tìm liên lạc với đài chỉ huy. Một lúc sau họ đã chạy trên đường băng.
Từ chỗ hắn ngồi, Baudelio vươn lên phía trước, bắt đầu nối dụng cụ điều khiển bên ngoài vào những chiếc quan tài. Hắn tiếp tục làm nhiệm vụ khi chiếc Learjet cất cánh, bay cao mãi vào không trung đen thẫm và hướng về phía nam để đi tới Florida.
Dưới mặt đất, còn có một số việc phải hoàn tất.
Khi chiếc xe tang và xe tải GMC hiện ra từ sân bay, thì Carlos đang đợi ở ngoài, cũng rồ máy chiếc Plymouth và đi theo chiếc xe tang tới Paterson, khoảng mười dặm về phía tây. Tại đó Luis lái chiếc xe tang tới một nhà tang lễ bình thường mà hắn không chọn trước và để ở chỗ đỗ xe của khu nhà. Hắn bỏ chìa khoá xe vào bên trong, đi nhanh về phía chiếc Plymouth và Carlos lái xe đi.
Có lẽ sáng ngày ra chủ nhà táng sẽ đấu tranh tư tưởng mãnh liệt giữa việc gọi cảnh sát hay chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu có, vì rõ ràng đây là món quà có giá trị. Gì thì gì, Carlos, Luis và đồng bọn đã chạy xa rồi.
Từ Pateson, Carlos và Luis đi tiếp sáu dặm nữa về phía bắc tới Ridgewood, nơi lúc này Julio đang lái chiéc xe tải GMC tới. Hắn đã bỏ chiếc xe bên ngoài một cửa hàng bán xe vận tải cũ đang đóng cửa nghỉ đêm. Một chiếc xe vô chủ, gần như mới toanh sẽ đương nhiên là rất hấp dẫn: sự hiện diện của nó không bao giờ được báo cáo lại hết.
Hai tên kia đón Julio tại một địa điểm đã hẹn trước gần đó, rồi cả ba trở lại nơi trú ẩn ở Hackensack lần cuối cùng. Ở đó, Julio và Luis chuyển sang chiếc Chevrolet Celebrity và chiếc Ford Tempo. Không trì hoãn, chúng cùng Carlos tản đi ngay.
Chúng sẽ để xe ở cách nhau khá xa, bỏ cửa ngỏ và để chìa khoá điện tại chỗ - tức là với hy vọng rằng ai đó sẽ ăn cắp những chiếc xe này, vậy là mối liên quan nào đó với vụ bắt cóc gia đình Sloane khi có thể bị phát hiện.