Phải mãi tới sau buổi phát tin toàn quốc tối thứ bảy, buổi họp của ban đặc nhiệm bị gián đoạn vì sự việc đau buồn ở White Plains lúc sáng mới được triệu tập lại tại trụ sở của hãng CBA. Lúc đó là 7 giờ 10 phút tối và mọi người thuộc ban đặc nhiệm đành phải bỏ kế hoạch đi nghỉ của mình. Những người làm nghề truyền hình có giờ giấc làm việc thất thường; họ luôn vắng mặt ở nhà và không thể sắp xếp sinh hoạt như đã dự tính trước, cho nên tỷ lệ ly hôn vì nghề nghiệp của họ rất cao. Lại thủ trì cuộc họp, Harry Partridge ngó qua những người khác. Rita, Norman Jaeger, Iris Everly, Karl Owens, Teddy Cooper. Tất cả đều có vẻ mệt mỏi. Iris lần đầu tiên ăn mặc không được gọn gàng cho lắm, mái tóc của cô xơ xác, còn chiếc áo sơ mi trắng thì giây mực, Jaeger mặc áo sơ mi ngắn tay ngồi trên chiếc ghế ngả về phía sau, chân gác lên mặt bàn. Căn phòng cũng bừa bộn với những chai lọ rỗng không vứt khắp nơi, gạt tàn thuốc lá đầy ắp, những tách đựng cà phê bẩn vứt lỏng chỏng và những tờ báo cũ nằm rải rác trên sàn nhà. Cái giá phải trả cho việc khoá cửa các phòng làm việc của ban đặc nhiệm là những người quét dọn không vào được. Rita đã thầm nhắc mình phải thu xếp để các căn phòng được dọn dẹp trước sáng thứ hai. Bảng “trình tự các sự kiện” và mục “các công việc linh tinh” đã được bổ sung đáng kể. Phần tin mới nhất trong đó là bản đánh máy do Partridge tóm tắt vụ tàn phá hồi sáng ở White Plains. Mặc dù vậy, trên bảng vẫn không có một kết luận nào về tung tích của bọn bắt cóc và những nạn nhân của chúng. “Ai có ý kiến gì không?”. Partridge hỏi. Jaeger đã cho chân xuống, đẩy ghế lại sát bàn và giơ tay. “Nói đi, Jaeger”. Người chủ nhiệm kỳ cựu nói bằng giọng nhỏ nhẹ và với vẻ am hiểu của ông. “Gần như suốt ngày hôm qua tôi đã gọi điện sang bên châu Âu và Trung Đông – cho các trưởng phòng, các phóng viên, liên lạc viên và những người sắp xếp tin tức. Chỉ để hỏi: Họ có biết điều gì mới hay khác thường về hoạt động của bọn khủng bố không? Có dấu hiệu hoạt động đặc biệt nào của chúng không? Có tên nào hay thậm chí có nhóm nào gần đây bỗng biến mất không? Nếu có thì liệu chúng có sang Mỹ không? Và vân vân…”. Jaeger ngừng lời, lật những trang chi chép rồi nói tiếp: “Có một số câu trả lời tương đối có cơ sở. Cả nhóm của Hezbollah đã rời khỏi Beirut cách đây một tháng và chưa xuất hiện lại. Nhưng có tin đồn bọn chúng đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, vạch một kế hoạch tấn công mới vào những người Do Thái, và từ Ankara đã có tin khẳng định rằng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang truy tìm chúng. Mặc dù vậy, chẳng có bằng chứng nào hết. Chúng có thể ở bất cứ chỗ nào. Có nguồn tin báo rằng nhóm FARL. – Các nhóm cách mạng vũ trang Leban – đang hoạt động. Nhưng cả ba báo cáo riêng biệt, kể cả một từ Paris nói rằng bọn chúng đang ở Pháp. Lại không có bằng chứng nào cả. Abu Nidal đã biến mất khỏi Syria và có tin cho rằng bọn chúng đang ở Italia, nơi người ta khám phá ra rằng hắn, nhóm Hồi giáo Jihad và “Các lữ đoàn đỏ” đang âm mưu một chuyện gì đó tệ hại. Jaeger vung tay lên: “Cái lũ du côn này cứ như những bóng đen không thể tóm được, mặc dù những nguồn tin tôi đã có được trước đây tỏ ra rất đáng tin cậy”. Leslie Chippingham bước vào phòng họp, sau có một lát Crawford Sloane bước vào. Họ ngồi vào bàn cùng những người khác. Cảm thấy mọi người có vẻ im lặng, vị chủ nhiệm ban tin giục: “Tiếp tục đi”. Jaeger nói: “Mấy cái tin tình báo vịt giời đó cũng cho ta biết thêm đôi điều về phong trào khủng bố. Tôi sẽ không làm các bạn mất thì giờ vì những chi tiết, nhưng tôi muốn nói rằng bọn chúng đang bị giam chân ở châu Âu và Trung Đông. Điều quan trọng hơn là những người mà tôi đã trao đổi cho rằng không thấy bọn khủng bố di chuyển cả băng tới Mỹ hay Canada. Nếu có, họ nói rằng không thể không có tin tức gì. Nhưng tôi đã nói với mọi người cứ xem xét, nghe ngóng và báo cáo”. “Cám ơn anh Norm”, Partridge quay sang phía Karrl Owens: “Tôi biết anh đã tìm hiểu phần phía nam, có kết quả gì không?”. “Không có tin gì khả quan lắm”. Người chủ nhiệm trẻ tuổi không cần phải giở những ghi chép về các cuộc điện thoại ngày hôm đó của anh. Đúng theo phương pháp làm việc chính xác, anh đã tóm tắt mỗi cuộc nói chuyên vào một tấm phiếu cỡ 4x6 cm chữ viết ngay ngắn, được xếp theo thứ tự. “Tôi cũng đã nói chuyện với những nơi như Norm, hỏi những câu hỏi tương tự như thế - ở Managua, San Salvador, Havana, La Paz, Buenos Aires, Teguxigalpa, Lima, Santiago, Bogota, Brasilla, Mexico City. Như mọi khi, ở những nơi đó lúc nào cũng có hoạt động khủng bố, có cả những báo cáo về bọn khủng bố thay đổi địa bàn hoạt động, vượt biên giới như người đi vé tháng đổi tàu vậy. Nhưng không có tin nào về hoạt động của những nhóm thuộc loại mà ta cần tìm. Tôi có hồ nghi một tin và đang tìm hiểu chuyện này”. “Cứ nói đi”, Partridge nói “Chúng tôi chỉ cần nghe sơ lược thôi”. “Thế này, có một tin từ Colombia. Về một anh chàng tên là Ulises Rodriguez”. “Một tên khủng bố đặc biệt khả ố”, Rita nói: “Tôi đã nhge người ta nói về hắn như là Abu Nidal của châu Mỹ Latinh”. “Hắn đúng là như thế”, Owens tán đồng, “và người ta cũng cho rằng hắn đã tham gia vào nhiều vụ bắt cóc ở Colombia. Ba tháng trước đây, có tin báo rằng hắn đang ở Bogota, rồi đột nhiên biến mất. Có tin đồn rằng hắn đã tới London, nhưng dù hắn đang ở đâu chăng nữa, người ta cũng không thấy hắn xuất hiện từ tháng sáu”. Owens ngừng lời, chuyển sang một tờ phiếu khác: “Bây giờ đến một vấn đề khác. Do linh cảm, tôi đã gọi điện cho một người quen ở Washington ở Văn phòng nhập cư Mỹ và tìm tên của Rodriguez. Sau đó, nguồn tin của tôi báo lại rằng cách đây ba tháng, tức là vào khoảng thời gian mà Rodriguez biến mất, văn phòng nhập cư đã được CIA thông báo rằng hắn có thể đột nhập vào nước Mỹ qua Miami. Đã có lệnh truy nã hắn trên toàn liên bang và văn phòng nhập cư Miami và hải quan đã được báo động. Nhưng hắn vẫn không xuất đầu lộ diện”. “Hay đã lọt vào mà không bị phát hiện?” Iris Everly hỏi. “Có thể lắm. Mà cũng có thể hắn đã lọt vào qua một cửa khác – từ London chẳng hạn, nếu như tin đồn mà tôi nói đến là chính xác. Còn một chi tiết nữa về hắn. Rodriguez học tiếng Anh ở Berkeley và nói tiếng Anh không bị lơ lớ, thậm chí còn nói được giọng Mỹ. Điều tôi đang nói là hắn có thể trà trộn khắp nơi”. “Chuyện có vẻ hay đấy”, Rita nói “Còn gì nữa không?”. Owens gật đầu “Còn một chút nữa. Ngoài chuyện tôi vừa mới kể cho các bạn ra, hắn đã tốt nghiệp tại Berkeley niên khoá 72”. Partridge hỏi: “Có còn những tấm ảnh của hắn không?”. Owens gật đầu “Tôi đã hỏi sở nhập cư và câu trả lời là không. Họ nói rằng chẳng ai có ảnh, kể cả CIA. Rodriguez rất cẩn thận. Tuy nhiên về điểm này, chúng ta có thể có chút may mắn”. “Thôi, lạy Chúa, Karl ạ!” Rita than phiền “Nếu anh phải đóng vai tiểu thuyết gia, thì cũng kể tiếp câu chuyện đi chứ!”. Owens mỉm cười. Phong cách của anh ta là cứ từ từ mà tiến. Như vậy mà vẫn cứ được việc và anh ta không có ý định thay đổi phong cách này vì cô Abrams hoặc vì bất cứ ai khác. “Sau khi biết chuyện Rodriguez, tôi đã gọi điện cho văn phòng của chúng ta tại San Francisco và yêu cầu họ cử người tới Berkeley để kiểm tra”. Ông ta liếc về phía Chippingham. “Tôi đã viện tên anh, Leslie ạ. Nói rằng anh ra lệnh làm hết sức mình”. Ông chủ tịch ban tin gật đầu trong khi Owens tiếp tục nói. “Họ cử Fiona Gowan, tình cờ là người trước đây đã tốt nghiệp ở Berkeley, nên biết mọi đường đi lối lại. Fiona may mắn, đặc biệt là kể cả vào ngày thứ bảy và – không biết các bạn có tin tôi không – đã phát hiện ra một người trong khoa tiếng Anh. Người này đã nhớ chính xác là Rodriguez ở khoá năm 1972”. Rita thở dài “Chúng tôi tin chuyện đó”. Giọng của cô ngụ ý: “Nói tiếp đi”. “Rodriguez có vẻ là một kẻ cô đơn, không bạn bè thân thiết. Một điều khác mà anh chàng ở khoá này nhớ lại là Rodriguez rất ngại chụp ảnh và không để ai chụp ảnh mình. Tờ Daily Cal, tờ báo của sinh viên, muốn có một hình ảnh của hắn trong nhóm sinh viên nước ngoài, hắn toàn cúi gầm mặt tránh đi. Tình cờ một sinh viên vốn là một tay nghệ sĩ khá đã vẽ một bức phác hoạ bằng than của Rodriguez mà hắn không hề biết. Khi người nghệ sĩ đó đưa cho mọi người xung quanh xem, Rodriguez tức phát điên lên. Rồi hắn đề nghị mua lại bức vẽ và đã mua bằng được, trả giá cao hơn giá trị thực. Điều thú vị là tay nghệ sĩ đó đã vẽ ra hàng chục bản và phát cho bạn bè của anh ta. Rodriguez không bao giờ biết điều đó”. “Những bản ấy…” Partridge lên tiếng. “Chúng ta sắp nói tới điểm đó, Harry ạ”. Owens mỉm cười, vẫn nhẩn nha. “Fiona trở lại San Framcisco, gọi điện suốt chiều hôm đó. Cũng khá vất vả vì khoa tiếng Anh ở Berkeley có ba trăm tám mươi tám sinh viên. Tuy vậy cô ấy đã lần dần ra. Ngay trước cuộc họp này, cô ấy gọi điện cho tôi và báo đã tìm ra một trong những bản phác thảo đó và ngày mai sẽ có. Khi có, văn phòng ở San Francisco sẽ chuyển cho chúng ta”. Có tiếng rì rầm tán thưởng nổi lên, Chippingham nói “Đúng là cừ đấy. Cảm ơn Fiona cho tôi”. “Dù sao thì tỷ lệ hy vọng cũng không khả quan”, Owens nói rõ. “Lúc này thì chúng ta không có gì nhiều hơn là một sự trùng hợp và chỉ có thể phỏng đoán là Rodriguez dính vào vụ bắt cóc của chúng ta. Ngoài ra, bức hoạ bằng chì than cũng đã cách đây hai mươi năm rồi”. “Hai mươi năm người ta cũng không thay đổi nhiều lắm”, Partridge nói. “Điều chúng ta có thể làm là đưa bức hoạ cho những người ở quanh Larchmont xem có ai nhận đã gặp hắn không. Có gì mới chăng?”. Rita nói: “Văn phòng Washington mới gọi. Họ nói rằng FBI chẳng có tin gì mới. Nhân viên pháp lý đang xem xét những thứ còn lại của chiếc xe Nissan ở White Plains, nhưng cũng chẳng có gì khả quan. Đúng như lời Salermo đã nói tại buổi phát tin hôm thứ sáu vừa rồi, trong các trường hợp bắt cóc thì FBI phụ thuộc vào các cuộc tiếp xúc do những kẻ bắt cóc mà thôi”. Partridge nhìn về cuối bàn phía Sloane đang ngồi và nói: “Tôi rất buồn, Crawf ạ, nhưng xem chừng đó là tất cả những gì chúng tôi biết được”. Rita nhắc anh: “Trừ ý đồ của Teddy”. Sloane vội hỏi: “Ý gì vậy? Tôi chưa nghe nói”. “Tốt nhất là để Teddy giải thích”, Partridge nói. Anh gật đầu ra hiệu cho anh chàng người Anh, cũng đang ngồi bên bàn, và Cooper rạng rỡ hẳn lên khi mọi người chú ý đến mình. “Có một khả năng để tìm ra nơi náu của bọn bắt cóc, ông Sloane ạ. Cho dù hiện nay tôi chắc là chúng đã chuồn mất rồi”. Chippingham hỏi: “Nếu chúng chuồn rồi, thì còn tìm cái gì nữa?”. Sloane bồn chồn khoát tay “Không sao. Tôi muốn nghe ý đồ đó”. Mặc dù bị ngắt lời, Cooper trả lời Chippingham trước: “Dấu vết, ông Chippingham ạ. Bao giờ người ta cũng để lại dấu vết, lộ rõ chúng là ai, từ đâu đến và thậm chí là đã đi đâu”. Cooper nhắc lại những suy nghĩ mà anh đã trình bày với Partridge và Rita vào sáng sớm hôm đó… loại nhà và vị trí trụ sở của bọn bắt cóc đã có được cái cơ sở đó nhờ các quảng cáo trên báo chí… phương án xem xét xếp loại các quảng cáo xuất hiện ngoài ba tháng trước đây trong vòng hai mươi lăm dặm từ Larchmont… Mục đích của cuộc tìm kiếm là những nơi tương tự như lời mô tả của các trụ sở trên lý thuyết… Công việc cụ thể, ở các thư viện và các toà báo do những người trẻ tuổi thông minh được thuê đảm nhiệm… Sau đó nhóm này sẽ điều tra các vị trí có thể rút ra từ các cuộc tìm kiếm, có chỉ đạo… Cooper kết thúc: “Thú thực, việc này rất mất thời gian”. “Tôi không tin vào sự thành công của việc này”, Chippingham nói. Ông đã cau mày trong suốt thời gian nghe trình bày, và càng suy nghĩ lung hơn khi vấn đề thuê thêm người được đặt ra: “Chúng ta phải cần thêm bao nhiêu người nữa?”. Rita nói: “Tôi đã thử tính toán. Trong các khu vực mà chúng ta đang bàn tới ở đây, có xấp xỉ một trăm sáu mươi tờ bào hàng ngày và hàng tuần. Các thư viện chỉ lưu một số không nhiều lắm, vậy nên hầu hết là phải đi đến các cơ quan thông tin và tìm lục hồ sơ. Làm việc đó, tìm đọc suốt ba tháng mọi quảng cáo và ghi chép lại sẽ là một công việc to lớn khủng khiếp. Nhưng nếu điều đó đang làm, thì cần phải làm thật nhanh…”. Chippingham ngắt lời: “Liệu ai đó có thể vui lòng trả lời câu hỏi của tôi không đã. Cần bao nhiêu người?”. “Tôi dự tính là sáu mươi” Rita bảo ông. “Ngoài ra, một số người làm nhiệm vụ theo dõi nữa”. Chippingham quay lại phía Partridge. “Harry, anh đang yêu cầu làm việc này nghiêm túc đấy chứ?”. Giọng nói của ông ngụ ý: Anh không thể mất trí tới mức đó được! Partridge do dự. Anh chia sẻ những nỗi nghi ngại của Chippingham. “Đúng thế, Les ạ”, anh nói. “Ý của tôi là chúng ta phải thử mọi việc. Ngay bây giời, chúng ta cũng không có những ý kiến kiệt xuất hoặc mới mẻ gì lắm”. Chippingham rất thất vọng khi nghe câu trả lời đo. Ông hiểu sự cần thiết của việc định thuê thêm sáu mươi người nữa, cộng thêm chi phí đi lại và các thứ linh tinh khác, và việc này phải làm trong nhiều tuần, mà đó là chưa kể những người giám sát mà Rita vừa mới nói tới. Kiểu thuê thêm người như vậy sẽ là một khoản tốn kém khủng khiếp. Hồi còn được tiêu pha thoải mái thì ông không phải mảy may suy tính gì hết. Nhưng giờ đây, lệnh của Margot Lloyd-Mason lại vang lên trong tâm trí ông “Tôi không muốn bất cứ ai… tiêu pha không tính toán… Không ai được phép chi cho bất cứ hoạt động nào mà không có lệnh của tôi”. Chippingham thầm nghĩ rằng cũng như mọi người khác ông cũng muốn tìm Jessica, con trai và cha của Sloane bị đưa đi đâu. Nếu cần, ông không ngần ngại gì trong việc đấu tranh để có được tiền. Nhưng phải là cho một cái gì tin được chứ đâu phải cái chuyện tầm phào ngu xuẩn của thằng cha người Anh hăng tiết vịt này. “Harry ạ, tôi sẽ phản đối việc đó, ít nhất là trong lúc này”, Chippingham nói. “Đơn giản là vì nó không đủ khả năng để chứng minh cho nỗ lực bỏ ra”. Ông nghĩ nếu mọi người biết trong thâm tâm ông sợ Margot, thì họ sẽ gọi ông là thằng hèn. Mà cũng đành vậy, vì ông đang có chuyện, kể cả chuyện công việc làm ăn của chính mình còn đang bị đe doạ, họ đâu có biết. Jaeger cất tiếng: “Tôi thì tôi lại nghĩ như thế này này, Les ạ…”. Crawford Sloane cắt ngang “Norm ạ, để tôi nói”. Rồi anh gay gắt hỏi: “Les, khi anh bảo không chứng mình được cho nỗ lực bỏ ra, thì có phải anh định nói là anh sẽ không chi tiền không?”. “Đó là một yếu tố: anh biết đấy, tiền nong bao giờ cũng là vấn đề. Nhưng chủ yếu là cần phải suy xét xác đáng. Ý vừa mới được gợi ra không phải là ý tốt”. “Chắc là anh có được ý tốt hơn chăng?”. “Ngay bây giờ thì không”. Sloane lạnh lùng nói: “Vậy thì tôi muốn hỏi một câu mà tôi muốn có được câu trả lời trung thực nhất. Có phải là Margot Lloyd-Mason đã hạn chế chi tiêu không?”. Chippingham nói vẻ khó chịu: “Chúng ta đã bàn về chuyện tiền nong, thế thôi!”. Ông ta nói thêm “chúng ta có thể nói chuyện riêng với nhau không?”. “Không!” Sloane gầm lên, đứng phắt dậy nhìn trừng vào mặt Chippingham “Không có riêng cái quái gì với cái con chó cái vô tâm đó: Anh hãy chỉ trả lời tôi đi. Đúng là có sự hạn chế chi tiêu không?”. “Điều đó không có ý nghĩa gì cả. Nếu có gì đang phải chi tiêu đơn giản là tôi chỉ cần gọi điện tới Stonehenge…”. Sloane vẫn gầm lên: “Và cái tôi sẽ gọi là một cuộc họp báo ngay tại đây, tối nay! Để nói với cả thế giới là trong khi gia đình tôi đang đau khổ ở một cái địa ngục nào đó mà chỉ có Chúa mới biết là ở đâu, thì cái hãng giàu có này lại hạn chế chi tiêu, xem xét ngân sách, mặc cả từng xu nhỏ…”. Chippingham phản đối: “Không có ai mặc cả hết! Crawf ạ, điều này không cần thiết. Tôi rất ân hận”. “Vậy thì anh nói ra làm cái quái gì?”. Mọi người ngồi quanh bàn khó tin điều họ vừa mới nghe. Thứ nhất là có sự hạn chế chi tiêu được áp dụng bí mật đối với công việc của họ, và thứ hai là trong tình trạng tuyệt vọng hiện nay, không thử tất cả mọi khả năng là điều khác thường. Một điều khác cũng kỳ lạ không kém: hãng CBA đã xúc phạm người công dân lừng danh nhất của họ là người phát thanh viên lâu năm này. Tên của Margot Lloyd- Mason đã được nhắc tới, như vậy chỉ có thể kết luận là bà ta đại diện cho những nhát rìu cắt xén của Liên đoàn Globanic. Norman Jaeger cũng đứng dậy, đây là hình thức phản đối đơn giản nhất. Ông nhỏ nhẹ nói: “Harry cho rằng chúng ta nên dành cơ hội cho cái ý định của Teddy. Tôi cũng vậy”. Karl Owens tán thành: “Cả tôi nữa”. Rita, thoáng do dự vì lo cho Chippingham, nói: “Tôi cho rằng các bạn nên tính cả tôi nữa”. “Thôi được, thôi được, chúng ta hãy chấm dứt tấn trò này đi”, Chippingham nói. Ông nhận thấy mình có lỗi vì đã nhận định lầm, biết rằng cách nào thì ông cũng yếu thế và trong lòng ông rủa thầm Margot. “Tôi đổi ý. Có lẽ tôi đã sai lầm. Crawf ạ, chúng ta cứ tiến hành đi”. Nhưng Chippingham quyết định là sẽ không gặp Margot và xin ý kiến; ông biết quá rõ, biết ngay từ đầu là mụ ta sẽ trả lời kiểu nào. Ông sẽ quyết định mọi sự chi tiêu rồi sẽ liệu sau. Rita, vẫn thực tế như thường lệ và muốn tìm cách làm dịu tình hình, nói: “Nếu chúng ta định làm thì đừng nên mất thì giờ. Đến thứ hai là ta phải có đủ người làm việc rồi. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?”. “Chúng ta nên nhờ bác Arthur”, Chippingham nói. “Tôi sẽ gọi điện cho bác ấy tối nay và mời bác ấy tới ngay ngày mai để bắt đầu tuyển người”. Crawford Sloane rạng rỡ: “Một ý hay đấy”. Teddy Cooper đang ngồi cạnh Jaeger, thì thầm hỏi: “Bác Arthur là ai vậy?”. Jaeger cười khùng khục: “Anh chưa gặp bác Arthur à? Ngày mai thì anh sẽ học được một kinh nghiệm độc nhất vô nhị đấy, anh bạn trẻ”. “Để tôi trả tiền rượu”, Chippingham nói. Trong thâm tâm ông muốn nói thêm: “Tôi mời các bạn tới đây để hàn gắn mọi sự rạn vỡ”. Ông đã cùng mọi người ghé vào quán Stuzzi, một hiệu ăn và tiệm rượu trang trí theo kiểu tân – La Mã cổ đại gần trung tâm Lincoln. Đây cũng là nơi dân vô tuyến truyền hình gặp gỡ nhau. Dù cho tối thứ bảy quán này đông nghẹt người, họ vẫn cố chen chúc nhau vào quanh một cái bàn. Chippingham mời tất cả mọi người trong ban đặc nhiệm, kể cả Crawford Sloane, nhưng anh từ chối và đi về nhà cùng với tay cảnh sát FBI hộ tống. Và họ lại chờ qua một đêm nữa với nỗi hy vọng là có điện thoại của bọn bắt cóc nhắn gọi. Khi mọi người đã uống được một chầu và mọi sự căng thẳng lắng xuống, Partridge nói: “Les ạ, có một điều tôi thấy cần phải nói. Nếu được chọn lựa thì tôi không muốn làm cái công việc của các bạn. Nhưng đặc biệt là ngay lúc này, tôi chắc chắn là không có người nào trong chúng ta ở đây lại có thể tránh né trách nhiệm”. Chippingham nhìn Partridge với vẻ hàm ơn và gật đầu. Đó là lời bày tỏ sự thông cảm của một người mà Chippingham tôn trọng, và đó cũng là điều Partridge nhắc nhủ những người khác, rằng không phải tất cả mọi việc đều trơn tru hoặc mọi quyết định đều dễ dàng. “Harry ạ”, ông chủ tịch ban tin nói “Tôi biết cách làm việc của anh và các anh nhanh chóng cảm thấy tình hình. Có phải với chuyện này cũng vậy không?”. “Tôi cũng cho là như vậy”, Partridge liếc về phía Teddy Cooper. “Teddy tin rằng những con chim của chúng ta đã bay khỏi đất nước này rồi; tôi cũng kết luận như vậy. Nhưng có một cái gì đó khiến tôi có cảm giác là chúng ta đang gần lần ra manh mối”. “và khi chúng ta biết được rồi thì sao?”. “Khi điều đó xảy ra, tôi sẽ có cách của tôi. Bất cứ là ở đâu, tôi sẽ là người đầu tiên đến đó”. “Anh chắc chắn sẽ là người đầu tiên”, Chippingham nói “và tôi hứa là anh sẽ có mọi sự giúp đỡ cần thiết”. Partridge cười phá lên và nhìn quanh cả bàn: “Mọi người nhớ lấy nhé. Tất cả đều nghe rõ cả đấy”. “Chắc chắn là mọi người đểu nghe” Jaeger nói: “Les ạ, nếu cần là chúng tôi sẽ phải nhắc anh đấy”. Chippingham lắc đầu: “Khỏi cần”. Cuộc nói chuyện tiếp tục. Trong lúc đó Rita làm như vẻ đang tìm kiếm gì trong túi, nhưng thực ra là cô đang viết vào một mẩu giấy. Cô lén chuyển qua gầm bàn vào tay Chippingham. Ông chờ tới khi mọi ngươi không chú ý tới mình, nhìn xuống. Mảnh giấy ghi: “Les, anh đã thấy mệt chưa? Chúng mình đi khỏi đây đi thôi”.