Chó cắn trăng đêm dài nhưng trăng không vụng, Cóc nghiến răng sái lợi chờ mưa nhưng mưa vẫn không về. Đi đâu sao chẳng thấy về, Hay là đã chết nơi quê xứ người.Không phải là tin dị đoan hay là một cái gì đó đại loại như thế, thím Biện bỗng nhiên biết ngay là ngày giờ chết của mình đến rất gần. Có thể là một nỗi sợ sệt vô hình. Mà có thể là do thím biết những vận hành trong cơ thể của mình đang suy kiệt. Con chim gần chết còn biết gáy gở, hồ huống chi là con người. Vết cua kẹp thường không độc. Có người bị cua kẹp hoài mà đâu có sao. Có người bị cua kẹp, nặng lắm cũng chỉ là bị nhiễm độc rồi bị cụt mất một ngón tay. Nhưng có người thì ngay cả cái mạng to đùng như thế cũng không thể giữ lại được. Thế mới có chuyện để người làng Cối bảo nhau: - Chớ có mà xem thường các việc. Nhà thím Biện sát ruộng trúc nhà ông phán Hựu ngày xưa chỉ bị cua kẹp mà thác oan đấy! Có người gàn, hay cãi chày cãi cối, bảo: - Chẳng phải là bị cua kẹp đâu. Chắc là vì cái gì khác nữa cơ! Với Ốc, nó biết mẹ nó chỉ vì bị cua kẹp mà thác oan. Ban đầu chỉ là một vết kẹp không sau lắm. Nhưng đêm đến nó bỗng hành khiến người thím Biện gai gai cơn sốt. Thím chỉ ngỡ là mình bị cảm, thành ra cứ nghĩ là mình chỉ bị sốt nhẹ rồi thồi. Chuyện bị cảm thì đây không phải là lần đầu tiên thím mới bị. Bữa cơm chiều hôm ấy vẫn là món riêu cua chấm với rau muống bào ra. Nhà chỉ có hai mẹ con ăn cơm với nhau. Hợi vẫn ốm liệt giường, hơn ba năm nay, Hợi nằm riệt, có người biết chuyện bảo là: - Nặng thà chết còn sướng hơn. Chứ cứ ốm riệt như thế, khổ làm sao mà chịu được. Bao nhiêu thuốc men cả nhà đều chạy chữa tận tình cho Hợi nhưng xem ra cái chất ham sống, ham mình được mau khỏi bệnh bên trong của Hợi đã không còn nữa. Cô sống thoi thóp như một cành xương rồng héo rũ, không hẳn là chết, mà cũng không hẳn là còn sống. Thím Thoan thương con gái nên lâu lâu lại lén chồng đem sang hai quả trứng gà hay một bát cơm nếp lạc cho con gái, nhưng xem ra những cử chỉ ân cần ấy vẫn không đánh thức được bệnh tình của cô con gái kém phước. Chiều hôm nay tự nhiên thím Biện nhớ đến Nghêu một cách rất lung. Thím gọi Ốc vào bảo: - Mẹ biết sức vóc của mình cũng không còn là bao nhiêu nữa. Chắc rồi thì mẹ không bao giờ nhìn thấy con Nghêu nữa. Tội nghiệp cho nó quá... Thím Biện rất muốn kể ra câu chuyện tình của Nghêu cho Ốc nghe. Nhưng thím không thể nào kể ra được. Dù gì thì vợ thằng Ốc vẫn còn đang sống sờ sờ ra đấy. Kể câu chuyện này ra thì chưa hẳn đã giải quyết được việc gì. Con Nghêu thì đã bỏ nhà đi được hơn ba năm nay. Nếu thím lấy ngày nó bỏ nhà biền biệt ra đi làm ngày giỗ thì cũng kể là mãn tang rồi đấy. Có những câu chuyện ở đời người ta chỉ biết sống để bụng, thác đem theo. Ốc nghe mẹ nói, trong lòng cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động: - Số chị ấy lớn. Lại là người ăn ngay ở lành. Đi đâu mà chả có người khuất mặt khuất mày phù độ, mẹ lo làm gì, nghỉ cho đỡ mệt. Thím Biện gượng ngồi dậy, thím lấy tay vấn lại mái tóc đã không còn dày như ngày xưa nữa: - Con bảo, ở ngoài kia, làm gì có người tốt. Cảnh bôn ba xứ người, chỉ có những người tán gia bại sản mới phải lưu đày như thế. Đêm hôm gió rét... ngoài đường ngoài chợ. Ốc an ủi mẹ: - Mẹ khéo lo. Mai kia biết đâu chị Nghêu lại dắt cả chồng cả con về. Mẹ phải ráng khỏe để còn nhìn thấy cháu ngoại nữa chứ! Trên khuôn mặt thím Biện là một nụ cười héo hắt. Thật ra trong bụng thím rất mong sẽ được nhìn thấy viễn cảnh tươi đẹp ấy. Mà chẳng phải đợi Ốc nói ra thím mới không nghĩ đến chuyện ấy. Nhiều đêm thím Biện đã có những giấc mơ rất đẹp. Chẳng hạn như thím nằm mơ nhìn thấy Nghêu lên xe hoa lấy chồng, Nghêu cho con bú, Nghêu giặt tã cho con, Nghêu ru con, tập cho con đi, chồng Nghêu răng hô... Những đứa trẻ trong mơ nhìn đến hay. Thím Biện nhìn con trai: - Gía được như thế còn nói làm gì nữa. Qua trưa hôm sau thì thím Biện run bần bật, thím bảo Ốc đun cho mình một nắm lá xông. Ốc vội vã làm theo lời mẹ dặn. Nhưng khi bưng nồi nước xong lên thì mẹ đã mê man. Anh vội vứt con cho vợ rồi rảo chân đi tìm thầy thuốc. Bắt mạch khám bệnh xong, ông lang nói với anh con trai: - Thím Biện nhà mình bị nọc cua kẹp. Khó qua khỏi. Nhất là cái kiểu mạch chạy yếu thế kia. Da dẻ không còn nhiều sinh khí. Chỉ còn mỗi một liều thuốc có thể chữa được. Nhưng xem ra rất khó có thể tìm... Ốc bỗng cảm thấy sốt ruột, gần như anh nổi cáu: - Xin cụ cứ dạy cho. Đắt mấy nhà cháu cũng không tiếc. Ông lang từ tốn bảo: - Thuốc này không thể mua bằng tiền được. Ốc mặt thộn ra: - Thế thì phải làm gì bây giờ? Ông lang cầm lấy tay anh, nhẹ nhàng phân trần: - Thế tôi mới nói là khó tìm... Thím Biện nhà ta bây giờ đang mong chờ được nhìn thấy mặt chị Nghêu của cháu. Nhưng mà người ta như con chim... Đã bay đi là bay mất, có đi tìm cũng không kịp. Nhân duyên con ngừơi là như thế... Vô duyên thì lúc chết cũng không được nhìn thấy nhau. Ốc mắt rân rấn nước: - Thế mẹ cháu còn sống được bao lâu. – Hình như anh đang muốn biết để tính toán xem anh có đủ thời gian để đi tìm chị gái về hay không. Ông Lang bảo là thím Biện chỉ còn sống được bất quá là qua đêm rằm tháng bảy. Ốc nghe xong vỡ òa lên khóc. Nếu thế, mẹ anh chỉ con hơn một ngày nữa để sống. Đau đớn thật. Cái đâu lớn nhất là nhìn thấy người thân của mình sắp chết mà không cứu được. Ốc lấy tay chùi nước mắt. Ông lang cáo về mà không chịu lấy tiền. Hình như khi phải đầu hàng trước một con bệnh, ông ta luôn cảm thấy mình mắc nợ họ nhiều hơn là mình đáng được nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Lại nói về chuyện của thím Biện, con người ta trước khi chết thường có những hành động tỉnh táo minh mẫn rất lạ, đấy là một điềm gở rõ ràng nhất. Không tin thì cứ đi hỏi mấy người già sống nhiều, ai ai họ cũng bảo chuyện ấy là có thật. Thím Biện trước hôm rằm bỗng nhiên tỉnh táo khác thường. Thím bảo con trai đun nước cho mình tắm, rồi thím còn dặn Ốc đi mua hương bài về để thím đốt trước bàn thờ tổ tiên nhà họ Huỳnh. Thím bảo Ốc mặc áo mới nhất cho thằng cháu nội tên Sinh. Rồi thím tự mình lê ra ngoài sân hóng nắng. Ốc biết ông lang kia thần cơ diệu đoán. Lời ông ấy nói không sai. Thành ra nhìn thấy mẹ mệt nhọc lê lết. Anh không dám cản. Nghĩ đến chuyện phải chạy đi mua hương bài khiến anh đã cay đắng. Hơn lúc nào hết, anh chỉ muốn được túc trực ở bên cạnh mẹ. Thế là Ốc chạy một mạch đi mua hương, trong bụng thầm cầu xin khi anh về đến nhà thì mẹ anh vẫn còn chưa bị việc gì. Khấn nguyện xong với nhà họ Huỳnh, thím Biện bảo con trai đun cho mình một bát chè đỗ đen. Thím bảo: Cái món chè này ngày xưa bố con với cái Nghêu thích ăn nhất. Ốc nhanh chóng làm theo lời mẹ, anh vừa nấu chè vừa khóc. Nước mắt tuôn chảy ròng ròng. Khi mảnh trăng tròn nhô lên quá ngọn tre, Ốc chợt hoảng sợ. Phải chi có một phép lạ nào đó để anh có thể níu vầng trăng kia lại được. Phải chi anh có thể hy sinh tuổi thọ của mình để cứu cho mẹ vài hôm. Phải chi ông lang kia đã nói nhầm... Khi đứng trước sự bất lực của chính mình, con người ta bao giờ cũng bấu víu vào tất cả những gì họ có thể bấu víu vào. Cho dù đó là những sự bấu víu vô lý nhất. Thím Biện cho gọi Ốc vào, thím thở nặng nhọc: - Ốc này... mẹ xin con một vài điều trước khi mẹ đi về với các cụ tổ nhà họ Huỳnh. Trong giây phút linh thiêng trang trọng ấy, Ốc quỳ xuống bên đầu gối mẹ, thành kính lắng nghe. Giọng thím Biện run run: - Thứ nhất, làm gì thì làm, con phải coi chị Nghêu... như mẹ, sau này mẹ mất! Ốc cúi đầu: Vâng. Người mẹ nói tiếp: - Thứ hai, nếu chị con... mà nó có về, con phải tìm cho chị con một chỗ... Cố mà khuyên chị con... Đàn bà không chồng... nhọc cái thân lắm... Ốc cúi đầu thấp hơn xuống nữa: Con xin nghe lời mẹ dạy. Thím Biện phải nghỉ để thở, sau cũng thím mệt nhọc nói: - Còn điều này nữa. Con phải yêu thương vợ con... Người đàn bà... Vợ con... rất cần đến sự chăm sóc của con... Hình như thím Biện còn muốn nói thêm một điều gì đó nữa nhưng lại thôi. Thím nằm xuống rồi nhắm mắt lại. Ốc bật lên khóc. Anh cầm lấy bàn tay thô gầy của mẹ áp lên má mình. Nước mắt lưng tròng, anh biết mẹ anh đã từ chối chính cuộc sống của mình. Ốc chợt nhận ra anh nhỏ bé biết bao nhiêu. Khi con người ta còn cha mẹ, họ sẽ không bao giờ cảm thấy mình yếu đuối. Nhưng khi cha mẹ không còn, người ta mới cảm nhận ra trên đầu mình không còn sự bao dung che chở. Thím Biện cũng khóc. Nhưng thím mệt nên chỉ nằm nhắm mắt. Vào giờ sửu thì thím Biện ra đi. Ốc chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ vào cái đêm rằm tháng bảy năm đó. Thằng Sinh năm ấy mới lên ba tuổi đầu. Ký ức của nó về bà nội không có nhiều. Thế giới của nó vẫn còn quá nhỏ bé để nhìn thấy ranh giới của tử biệt sinh ly. Nó cũng không nhớ rõ là hôm ấy nó mặc chiếc áo mới nhất của mình.