Chương 36
Giỗ mẹ

Hương nặng tình nên khói bay không thẳng,
Người nặng khối sầu nên nước mắt không rơi.
Làm con đạo hiếu ai ơi,
Công cha nghĩa mẹ biển trời sánh ngang.
Thím Biện ra đi là một nỗi đau lớn nhất trong đời mà Ốc trải qua. Hình như với tất cả những đứa con có hiếu, cái chết của người mẹ là một tổn thất cùng cực nhất mà họ đã trải nghiệm qua.
Mùa bòng năm ấy ra hoa nhưng tuyệt nhiên không hề đậu quả. Hình như cây cối cảnh vật cũng tiếc thương cho người đàn bà sớm hôm chăm bón cho nó. Cây bòng năm nay để tang cho thím Biện. Thế mới biết là cây cỏ không phải là sống không có tình. Nó biết tri ân và cũng biết xót xa tiễn biệt người đã hàng ngày tưới nước vun phân cho nó.
Con Mực già cũng chết theo chủ. Người ta bảo nó đã quá già. Dù sao thì với một con chó mà sống đến những mười bốn năm theo mỗi mùa mưa thì gẫm ra nó đã sống rất thọ với tuổi của loài chó. Ốc chỉ biết sau ngày mẹ đi được ba hôm, anh nhìn thấy nó nằm cứng nhắc bên chân giường của thím Biện, cái đầu gối lên đôi guốc gỗ đã cũ của thím.
Hôm ấy Ốc giao con cho vợ rồi vác mai ra đào một cái huyệt nhỏ cho con Mực, sát ngay bên cạnh nhấm mồ vẫn con tươi màu đất của mẹ. Anh chôn theo con Mực đôi guốc gỗ của mẹ anh. Quay sanh nhìn lên nấm mồ của mẹ, Ốc rưng rưng nói:
- Con Mực nó nhớ mẹ nên đã đòi đi theo mẹ đấy. Hôm nay con đem nó ra đây để nó cùng với mẹ đi về nơi chín suối.
Quay lại nhìn con Mực già lần cuối, Ốc bảo với con vật co đôi mắt vẫn mở ra nhìn:
- Sinh thời mày là con vật trung thành với nhà họ Huỳnh. Nay thì mày cuối cũng đã trả xong món nợ. Tao xin lỗi là ngày xưa đã nhiều lần đánh mày. Nhưng mày có biết là tao bực bội nên mới làm như thế. Loài chó chúng mày bực bội thì sủa. Con người như tao thì khi bực bội chẳng biết làm sao. Mày cũng đừng buồn gì tao nữa. Nếu mày không chê bai nhà họ Huỳnh ăn ở hẹp bụng, nhớ xuống đấy mà ở với người nhà họ Huỳnh.
Xong việc anh quay về nhà, trong lòng trỗi lên một nỗi niềm bâng khuâng, trống vắng trong tận đấy sâu thẳm của cõi lòng. Anh nhớ mẹ da diết. Nước mắt ba hôm nay hình như không bao giờ cạn. Không nghĩ đến mẹ thì thôi, khi nghĩ đến mẹ thì lòng anh lại như có ai xát muối. Ốc không con thiết tha gì đến chung quanh. Kể cả chuyện có người thấy anh đem con Mực ra ruộng mả chôn đã nói:
- Đừng chôn con chó mà phí của. Bán rẻ cho chúng tôi đi.
Bình thường Ốc sẽ quay lại mắng cho người ấy một câu. Nhưng hôm nay Ốc không thiết tha đến bất cứ chuyện gì. Anh không muốn nói chuyện với ai cả. Người ấy lại nhằng nhẵng nói:
- Nếu anh ngại, thui xong, tôi sẽ biết cho anh nguyên hẳn một cái đùi.
Ốc vẫn lẳng lặng bước đi. Đã bảo là hôm nay anh không thiết tha gì đến chung quanh nữa. Mẹ mất, Ốc chết một phần trong trái tim anh.
...
Một năm trôi qua...
Mùa bòng năm sau quả ra rất sai. Chẳng phải nó là giống cây mau quên, không tế nhị, ít nghĩ ngợi nhiều, nhưng có lẽ nó đã suy ngẫm ra rằng tâm ý của người trồng nó bao giờ cũng mong nó ra nhiều quả. Hình như có điều gì giác ngộ, cây bòng liền trổ rất nhiều hoa, mười quả đậu thì đủ mười quả chín, người tinh ý nhận ra cả đời cây bòng chỉ mất có một năm nó không ra trái, đấy là cái năm nó để tang thím Biện.
Thấm thoắt thoi đưa, nỗi đau có lúc chùng chình như thể nó không bao giờ chịu dứt. Nhưng cũng có lúc nó ngủ quên, có như thế con người ta mới không bị điên cái đầu vì phải đắm vùi trong nỗi đau. Thời gian, tuy có nhiều thâm ý nham hiển, cuối cùng cũng chẳng làm gì khác hơn được. Đấy là theo cái nhìn của người có thói quen nghi kỵ. Còn với người hiền lành chất phác, giống như cái nhà anh Ký bị què, bạn của Ốc, họ sẽ bảo:
- Thời gian bao giờ cũng là một liều thuốc chữa lành mọi nỗi đau thương phiền phức của thân phận làm người. Không có thời gian,chẳng biết con người sẽ xoay xở làm sao với những nỗi đau gặm nhấm của lòng mình.
Chả mấy mà giỗ đầu tiên của thím Biện. Ốc không làm cơm kỵ đãi cả làng. Anh đợi đến giỗ mãn tang mẹ mới làm cơm đãi họ mạc và những người hàng xóm. Chả là nhà anh trong lúc này đang bấn lắm.
Rồi thì vợ Ốc cũng dần hồi phục, có lẽ cô vợ nhận ra là anh chồng quá vất vả. Ngày thím Biện còn sống, tuy không làm được những công việc nặng, nhưng các việc cơm nước bếp núc trong nhà thím đều làm cả. Giờ thì Ốc phải cáng đáng cả những chuyện giặt giũ, con cái, thành ra Hợi cố gượng dây.
Rồi thì loanh quanh những công việc nhỏ nhặt dần dần, sau cùng Hợi đã bình phục, tuy chậm, nhưng là một sự bình phục có kết quả rất đáng khích lệ.
Có những vết thương lòng sâu hoắm cũng sẽ nguôi ngoai dần. Cơn bão nào rồi cũng đi qua. Chẳng phải là Hợi chóng quên, làm sao người ta có thể quên đi mối tình đầu đã khiến họ phải mất hơn ba năm trời mới chữa lành được. Không phải cô là người dễ thay đổi như thế, nhưng đứng trước những khó khăn của chồng, Hợi không thể nào cứ nhớ mãi về người tình của mình được.
Hợi bắt đầu nhận ra nét tận tụy chân thành của chồng. Ốc chân thuần chịu khó, anh nghe theo lời dặn thứ ba của mẹ, nhất định thương yêu vợ hết mực. Không hề có bất cứ điều gì sơ suất. Cơm anh lo, chuyện giặt giũ anh cũng không cho Hợi động tay vào. Có lẽ vì thế mà Hợi cảm động dần dần. Con người ta bao giờ cũng thế, tình cảm luôn đến một cách âm thầm, ngoại trừ những lần họ bị choáng ngợp bởi những tiếng sét ái tình đầu tiên quá mạnh.
Vả lại Nghêu ra đi gần như tuyệt tình. Không một lời thăm hỏi, không một mẩu tin bắn về, điều đó khiến Hợi cảm thấy Nghêu là người ích kỷ. Gía như Nghêu chỉ cần nhắn tin ai đó, như thế sẽ đủ đối với Hợi. Nhưng tịnh như không, sự chờ đợi vò võ của Hợi cuối cùng hẫng tuột, nhẹ dần, cô cảm thấy Nghêu có lẽ đã không còn thương yêu cô nồng thắm như xưa nữa. Có lúc Hợi lại nghĩ khác đi: Có khi mình nghĩ oan cho Nghêu. Có khi người ta đã chết rồi cũng nên. Hoặc giả có thể người ta đã nương vào cửa Phật, quyết lòng diệt dục, quên đi những niềm ân ái năm nào.
Nghĩ thế nên Hợi quyết định không thể sống với mối tình cũ của mình mãi được. Tuy không yêu thương Ốc nồng nàn như Hợi đã từng mất ăn mất ngủ vì Nghêu, nhưng Hợi nghĩ rằng trước mắt cô còn có thằng con và một người chồng. Hóa ra nằm mơ mãi, cũng có lúc người ta sẽ tỉnh thức.
Hóa ra giỗ đầu của thím Biện cũng là lúc vợ Ốc bình phục khỏi mối tình đầu đầy uẩn khúc.