Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 8

Đã một tuần rưỡi trôi qua kể từ khi sáu mươi người tạm tuyển được CBA phái đi nghiên cứu báo chí địa phương trong khu vực, để tìm nơi bọn bắt cóc gia đình Sloane có thể đang ở. Tuy nhiên ở đây, cũng như các vùng khác, họ chưa tìm thấy được điều gì.
FBI, tuy không nói hẳn là họ cũng đang tắc, nhưng cũng chẳng biết gì thêm. CIA, hiện có  tin đồn cũng bắt đầu tham gia, không có tuyên bố nào cả.
Hình như mọi người đang chờ đợi bọn bắt cóc đánh tiếng cùng với những đòi hỏi của chúng. Nhưng cho đến lúc này, điều đó vẫn chưa thấy xảy ra.
Tin về vụ bắt cóc vẫn liên tục được đưa, nhưng trong các buổi phát tin vô tuyến, nó không còn được ở vị trí hàng đầu, còn báo chí thì đưa tin này ở các trang sau.
Mặc dù dư luận có vẻ ít chú ý hơn, nhưng những lời phỏng đoán thì không thiếu. Trong giới đưa tin, người ta ngày càng tin rằng những người bị bắt cóc đã được lén đưa ra nước ngoài. Còn đi đâu thì hầu hết cho là đi Trung Đông.
Chỉ có ở CBA người ta lại nghĩ khác. Vì nhóm đặc nhiệm đã xác định tên khủng bố người Colombia Ulises Rodriguez là kẻ đã tham gia, và có lẽ là tên cầm đầu nhóm bắt cóc, nên mọi người tập trung chú ý vào khu vực Mỹ Latinh. Nhưng vẫn chưa xác định được có thể  nước nào là hang ổ của bọn chúng.
Những người có liên quan rất đỗi ngạc nhiên là cho đến giờ này mới chỉ có CBA biết về sự dính líu của Rodriguez. Mọi người đều nghĩ tin này thế nào cũng đến tai các hãng thông tin báo chí, đài phát thanh… và rồi ai cũng biết. Nhưng cái điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào ấy đến nay vẫn chưa xảy ra.
Trong khi đó, khác với các hãng khác, CBA lại luôn đưa tin về vụ bắt cóc, bằng cách bắt chước cách thức mà địch thủ của mình là CBS đã làm. Trong suốt thời gian khủng hoảng Iran 1979-1981, Walter Cronkite, người dẫn chương trình chiều của CBS lúc ấy luôn kết thúc buổi phát tin bằng câu “cuộc khủng hoảng là như vậy, tính đến hôm nay, các con tin Mỹ đã bị giam giữ tại Iran… ngày” (tổng cộng họ bị giam giữ 444 ngày).
Như Barbara Matusow, nhà  lịch sử rất am hiểu về lĩnh vực phát tin đã viết trong cuốn “Những ngôi sao ban chiều” của bà, Cronkite “đã quyết định là các con tin trở thành vấn đề quan trọng đến mức không được phép để rơi sự chú ý của mọi người cho dù chỉ trong một buổi tối”.
Cũng bằng cách đó, Harry Partridge, hiện đang thay thế nhiệm vụ dẫn chương trình, luôn bắt đầu bằng câu: “Tính đến nay, vợ, con và cha của người dẫn chương trình tin CBA Crawford Sloane đã bị bắt cóc một cách dã man (số) ngày…”. Sau đó là những điều liên quan tới vụ bắt cóc.
Theo chủ trương của Chippingham, đã được ông giám đốc chấp hành đồng ý, trong tất cả các bản tin chiều đều nhắc đến vụ bắt cóc gia đình Sloane, cho dù phải thông báo là chưa có tiến triển gì mới.
Nhưng vào sáng thứ hai, tức là mười ngày sau khi phái người tìm kiếm trong báo chí địa phương, một sự kiện mới làm cho cả Ban tin CBA náo nức hẳn lên, chấm dứt thời gian không có động tĩnh gì vốn đang làm cho mọi người trong nhóm đặc  nhiệm ngán ngẩm.
Lúc đó, Harry Partridge đang làm việc tại văn phòng. Vừa nhìn lên anh thấy Teddy Cooper đứng ở cửa, và sau anh ta là Jonathan Mony, chàng thanh niên da đen đã gây cho anh ấn tượng mạnh khi những người tạm tuyển tập họp nhau lại.
“Có thể chúng ta đã có manh nối, Harry ạ”, Cooper nói.
Partridge vẫy tay mời hai người vào.
“Jonathan sẽ nói rõ với anh”. Rồi Cooper ra hiệu bảo Mony: “Cậu kể đi”.
“Hôm qua tôi tới toà báo ở Astoria, anh Partridge ạ”, Mony bắt đầu với vẻ tự tin. “Vùng đó thuộc khu Queens, gần mỏm Jackson. Tôi đã làm tất cả những gì anh dặn, nhưng không phát hiện được gì. Rồi khi trở ra, tôi nhìn thấy trụ sở tờ tuần báo tiếng Tây Ban Nha tên là Semana. Tờ báo này không có trong danh sách của anh, nhưng tôi vẫn mò vào”.
“Cậu nói được tiếng Tây Ban Nha à?”.
Mony gật đầu: “Tôi nói khá thạo. Rồi tôi yêu cầu được xem những số báo trong thời gian như ta quy định, và họ cho tôi xem. Cũng chẳng thấy thêm được gì, nhưng lúc tôi ra về, họ đưa tôi số báo mới nhất. Tôi mang về nhà và suốt tối qua đọc hết cả tờ báo”.
“Và cậu ta mang tới cho tôi sáng nay”, Cooper nói thêm. Anh chìa ra tờ báo khổ nhỏ, rồi mở để trên bàn Partridge: “Chúng tôi nghĩ cột này sẽ làm anh quan tâm, còn đây là bản dịch của Jonathan”.
Partridge liếc qua tờ báo,  rồi đọc bản dịch đánh máy gọn trong một trang giấy.
Chào các bạn. Các bạn không nghĩ rằng có người mua áo quan theo kiểu như tôi và các bạn mua pho mát ở cửa hàng đúng không? Thế mà có đấy! Hãy hỏi Alberto Godoy ở Nhà đòn Godoy. Hình như có một người từ đường bước vào và mua hai áo quan, một cái kích cỡ bình thường, cái kia nhỏ hơn. Anh ta bảo mua cho bố mẹ mình, cái nhỏ là cho mẹ. Điều đó là thế nào, thưa các cụ? Có nghĩa là: “Nào, các cụ, cuộc vui đã tàn, mời các cụ đi cho”.
Các bạn khoan hãy đi nào! Tuần trước, tức là sáu tuần sau đó, lại vẫn anh chàng nọ quay  lại, mua thêm một chiếc áo quan cỡ bình thường nữa. Anh ta trả bằng tiền mặt và mang đi giống như lần trước. Chẳng nói lần này mua cho ai. Không biết có phải vợ anh ta ngoại tình không?
Xin nói với các bạn: Albert Godoy không cần biết điều ấy. Ông ta bảo sẵn sàng và sẵn lòng phục vụ theo kiểu đó.
“Còn thế này nữa, Harry ạ”, Cooper thêm. “Chúng tôi vừa gọi điện thoại đến báo Semana, Jonathan nói chuyện và chúng tôi gặp may. Tay viết báo đang có mặt ở đó”.
“Anh ta bảo tôi là viết bài đó vào thứ sáu tuần trước. Anh ta gặp Godoy trong quán rượu, và ông này kể là hôm đó vừa bán thêm chiếc áo quan thứ ba xong”, Mony kể.
“Tức là ngay sau hôm xảy ra vụ bắt cóc”, Cooper nói thêm.
“Gượm đã”, Partridge bảo: “Đừng nói gì nữa, để tôi nghĩ một chút”.
Anh ngồi ngẫm nghĩ, trong khi hai người kia im lặng.
Bình tĩnh nào, anh tự nhủ. Chớ vội kết luận nhé! Nhưng dữ kiện này không thể nhầm lẫn được; hai chiếc áo quan đều được mua trước khi xảy ra vụ bắt cóc sáu tuần, chỉ trước việc gia đình Sloane bị bám sát cả tháng liền, và đúng trong khoảng thời gian ba tháng mà nhóm đặc nhiệm dự kiến tìm kiếm. Rồi còn kích cỡ của hai áo quan nữa; một bình thường, một cái nhỏ nói là để cho một bà già, nhưng cũng có thể dùng cho đứa trẻ độ mười một tuổi. Còn chiếc thứ ba, theo lời bài báo cũng là chiếc cỡ bình thường. Thực tế là thế này: ông già Angus, cha của Crawford, đến thăm con trai chỉ báo trước có một ngày qua điện thoại. Vì thế, nếu gia đình Sloane không ngờ ông đến, thì bọn bắt cóc cũng vậy. Nhưng chúng bắt cả ông cùng Jessica và Nicky. Như vậy là ba, chứ không phải hai.
Vấn đề là: có đúng là chúng đã có hai áo quan rồi không? Có phải việc bắt cả ông bố làm chúng phải mua thêm chiếc thứ ba không? Có phải vì thêm ông mà chúng phải mua thêm chiếc nữa ở Nhà đòn Godoy ngay hôm sau vụ bắt cóc không? Hay tất cả chỉ là một sự trùng hợp kỳ lạ? Có thể có, mà cũng có thể không phải như vậy”.
Partridge ngước nhìn hai người, lúc đó đang chăm chú theo dõi nét mặt anh.
“Nhiều vấn đề suy nghĩ, phải không?”, Cooper hỏi. “Anh có nghĩ là…”.
“Tôi nghĩ là chúng ta đã có thể biết chúng đưa chị Sloane và hai ông cháu ra khỏi Mỹ bằng cách nào”. “Cho vào áo quan ư? Anh nghĩ họ đã chết rồi sao?”.
Cooper lắc đầu: “Dùng thuốc mê. Chuyện đó trước đã xảy ra”.
Lời nói của Cooper khẳng định điều Partridge đang nghĩ. “Bây giờ làm gì, anh Partridge?”, Mony hỏi.
“Chúng ta phải gặp ngay ông báo áo quan…”, Partridge liếc qua bản dịch tiếng Anh trên đó có ghi địa chỉ nhà đòn. “Ông Godoy ấy. Tôi sẽ làm việc đó”.
“Tôi muốn cùng đi với anh”.
“Đáng để cậu ta cùng đi, Harry ạ”, Cooper khuyên.
“Tôi cũng nghĩ thế”,  Partridge cười, nhìn Mony và nói: “khá lắm, Jonathan”.
Chàng thanh niên rạng rỡ ra mặt.
Partridge quyết định đi ngay, đem theo một thợ quay phim. Anh bảo Cooper: “Tôi nghĩ Minh Văn Cảnh chắc đang ở trong phòng họp. Nói anh ta mang đồ nghề cùng đi với ta luôn”.
Cooper đi ra, còn Partridge nhấc điện thoại, điều xe của hãng CBA.
Khi đi ngang qua phòng tin chính, anh và Mony gặp Don Kettering, phóng viên phụ trách các tin thuộc màng lưới kinh doanh của hãng. Khi có tin về vụ bắt cóc gia đình Sloane, chính Kettering là người được giao nhiệm vụ ngồi vào “chỗ nóng” trong phòng phát tin và trở thành người đầu tiên đọc bản tin đặc biệt trên vô tuyến truyền hình.
“Có gì mới chưa”, anh ta liền hỏi. Gọn gàng trong bộ comple may đo màu nâu, bộ ria mỏng tỉa gọn, Kettering lúc nào trông cũng ra dáng một nhà kinh doanh làm ăn phát đạt.
Partridge định trả lời xã giao rồi đi ngay, nhưng lại lưỡng lự. Anh kính nễ Kettering không chỉ là một chuyên gia, mà còn là một phóng viên hạng nhất. Với cung cách đó, Kettering có thể dễ dàng hơn anh trong vấn đề mà anh sắp phải xử lý.
“Cũng có đấy, Don ạ. Anh có bận gì bây giờ không?”.
“Cũng không bận lắm. Thị trường chứng khoán hôm nay yên ắng. Anh cần tôi giúp không?”.
“Có thể lắm. Hãy đi với chúng tôi. Trên đường đi, tôi sẽ nói để anh rõ”.
“Để tôi báo ban đã nhé”. Kettering nhấc ống nói ở chiếc bàn gần nhất. “Đi trước đi, tôi sẽ ra ngay bây giờ”.
Chiếc xe Jeep đít vuông sẽ đi ra qua cổng chính của Ban tin tức hãng CBA, và chưa đầy một phút sau, Partridge, Mony, Minh Văn Cảnh đã đứng ở ngoài phố. Anh thợ quay phim vác máy trèo lên ghế phía sau với sự giúp đỡ của Mony. Partridge ngồi ghế trước, cạnh người  lái xe. Khi cửa xe đóng lại, Don Kettering tới và chen vào ngồi phía ghế sau.
“Chúng ta sang khu Queens”, Partridge nói với người lái xe. Anh có mang theo tờ tuần báo Semana cùng bản dịch của Mony và đọc to địa chỉ Nhà đòn Godoy.
Người lái xe quay đầu xe, chạy về hướng cầu Queensboro.
“Don này”, Partridge nói và quay đầu lại phía sau. “Đây là những gì chúng tôi biết, và cũng là điều chúng tôi đang còn phân vân…”.
 
Hai mươi phút sau, trong văn phòng bừa bộn và mù mịt khói, Harry Partridge, Don Kettering và Jonathan Mony đối diện với ông chủ nhà đòn béo tròn, đầu hói đang ngồi ở bàn. Ba người không chịu trả lời những câu mà bà thư ký ở ngoài hỏi, cứ bước thẳng vào phòng.
Theo lệnh của Partridge, Minh Văn Cảnh vẫn ngồi lại trên xe đậu ở ngoài. Khi cần quay, anh ta sẽ được gọi vào. Lúc này từ trong xe, Minh Văn Cảnh kín đáo quay  ngôi nhà của Godoy.
Mồm ngậm thuốc là, ông chủ nhà đòn xét đoán mấy vị khách với vẻ ngờ vực. Còn khách cũng nhận thấy vẻ tồi tàn của văn phòng, những thớ thịt chảy xệ chứng tỏ ông chủ là tay bợm rượu, những vết đồ ăn dây trên chiếc áo khoác màu đen và quần ghi kẻ sọc của ông ta. Xem ra cái cửa hàng này chẳng ra gì, và có lẽ cũng không được quản lý một cách cẩn thận, chu đáo.
“Ông Godoy, như đã nói với bà thư ký ngoài kia, chúng tôi là người của hãng CBA”, Partridge nói.
Godoy tỏ vẻ chăm chú: “Ông có phải là người tôi thấy trên tivi không? Trong chương trình phát đi từ nhà Trắng ấy?”.
“Đó là John Cochran; mọi người thỉnh thoảng vẫn nhầm tôi với anh ta. Anh ta làm cho hãng NBC, còn tôi là Harry Partridge”.
Godoy đập tay đánh đét một cái vào đầu gối. “À, anh là người đưa tin về mấy người bị bắt cóc, đúng không?”.
“Đúng thế; một phần vì việc đó mà chúng tôi tới đây. Chúng tôi ngồi được chứ?”.
Godoy ra hiệu mời ngồi. Partridge và mấy người kia ngồi đối diện ông ta.
Partridge giơ tờ Semana ra hỏi: “Tôi xin phép hỏi ông đã đọc số báo này chưa?”.
Godoy sa sầm mặt. “Cái thằng chó đẻ lẻo mồm khốn kiếp! Hắn  không có quyền đưa lên báo những điều hắn nghe lỏm, chứ đâu phải kể với hắn”.
“Tức là ông có xem và biết họ viết gì trong đó à?”.
“Tất nhiên tôi có biết. Thế thì sao?”.
“Chúng tôi muốn ông trả lời cho một số câu hỏi, ông Godoy ạ. Trước tiên, người mua áo quan ấy tên là gì? Mặt mũi ra sao? Ông có thể tả cho húng tôi được chứ?”.
Ông chủ nhà đòn lắc đầu. “Đó là việc riêng của tôi”. “Việc này rất quan trọng, ông ạ”, Partridge cố làm vẻ thân thiện, nói nhỏ. “Rất có thể nó liên quan tới chuyện ông vừa nhắc đến, tức là vụ bắt có gia đình Sloane”. “Liên quan thế quái nào được”. Rồi Godoy bướng bỉnh nói thêm. “Dẫu sao cũng là việc riêng, đừng hỏi vô ích. Xin lỗi các ông, tôi có việc phải làm”.
Lúc này Don Kettering mới lên tiếng: “Mấy áo quan đó ông đòi bao nhiêu? Chúng tôi muốn biết giá người ta trả cho ông là bao nhiêu?”.
Ông ta đỏ mặt. “Tôi nói mãi với các ông rồi mà. Việc của tôi, tôi lo. Các ông lo việc của các ông”.
“À, dĩ nhiên rồi”, Kettering nói: “Thực tế việc của chúng tôi là từ đây đi thẳng tới sở thuế thành phố New York”. Anh chỉ tờ Semana, rồi nói tiếp: “Mặc dù tờ báo này nói người ta trả ông toàn bằng tiền mặt, nhưng tôi chắc ông nhận tiền, báo và đóng thuế tại sở; việc này hẳn họ sẽ ghi lại, trong đó có cả tên người mua”. Kettering quay sang nói với Partridge: “Harry này, sao ta không đến luôn sở thuế nhỉ. Ông này không muốn hợp tác, thì ta còn ở đây làm gì?”.
Godoy xanh mặt, rồi ấp úng: “Ấy, khoan đã nào. Thư thư cho một chút”.
Kettering quay lại, làm bộ ngây thơ: “Sao nào?”.
“Có thể tôi…”.
“Có thể ông đã không đóng thuế, cũng chẳng báo sở, mặc dù chắc chắn là ông đã bán”. Giọng Kettering trở nên hách dịch, không cần làm vẻ thân thiện, anh nhoài người qua bàn. Trước nay chưa được thấy anh chàng phóng viên hành động kiểu này, Partridge rất mừng là đã kéo anh ta cùng đi.
“Godoy, hãy nghe cho kỹ”, Kettering tiếp tục nói: “Một hãng như hãng của tôi bao giờ cũng có khối miếng hiểm, và chúng tôi buộc phải dùng đến chúng khi cần; nhất là lúc này, chúng tôi đang phải chiến đấu để bảo vệ chính người của mình chống lại một tội ác bẩn thỉu, đó là bắt cóc gia đình anh ta. Chúng tôi cần ông trả lời ngay những câu hỏi của chúng tôi. Nếu ông giúp chúng tôi, chúng tôi cũng có cách giúp ông, bằng việc không tiết lộ những điều không quan trọng đối với chúng tôi, chẳng hạn như vấn đề thuế doanh thu và thuế thu nhập – có khi ông còn giấu cả sở thuế thu nhập nữa chưa biết chừng. Nhưng nếu ông không trả lời thành thực, thì ngay hôm nay, chúng tôi sẽ báo FBI, sở cảnh sát New York, sở thuế doanh thu và thuế thu nhập. Ông thích làm việc với chúng tôi, hay với họ, tuỳ ông lựa chọn”.
Godoy liếm môi. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của các ông” – giọng ông ta có vẻ cam chịu.
“Harry, mời anh”, Kettering gật đầu bảo.
“Ông Godoy”, Partridge hỏi: “Ai mua những áo quan ấy?”.
“Anh ta bảo tên là Novack. Tôi không tin đó là tên của anh ta”.
“Có lẽ ông nghĩ đúng. Ông còn biết gì về anh ta nữa không?”.
“Không”.
Partridge thò tay vào túi. “Tôi sẽ đưa ông xem bức ảnh. Chỉ cần cho tôi biết phản ứng của ông thế nào”. Anh đưa ra bức ảnh Ulises Rodriguez, vẽ bằng chì hai mươi năm trước.
Godoy nói ngay: “Chính là anh ta, Novack. Anh ta già hơn trong ảnh”.
“Chúng tôi biết. Ông có hoàn toàn chắc chắn đó là anh ta không?”.
“Chắc chắn. Tôi thấy anh ta hai lần. Anh ta ngồi chỗ mà anh đang ngồi bây giờ”.
Trong một loạt sự việc bắt đầu hôm nay, đây là  lần đầu tiên Partridge cảm thấy hài lòng. Một lần nữa, nhóm đặc nhiệm lại khai thông trong công tác điều tra. Mối liên quan giữa mấy chiếc áo quan và vụ bắt cóc được xác định chắc chắn. Liếc nhìn Kettering và Mony, anh biết họ cũng nhận thấy điều đó.
“Ta hãy xem Novack nói với ông những gì. Từ đầu nhé”, anh bảo Alberto Godoy.
Qua các câu hỏi và trả lời, Partridge cố khai thác ông chủ hiệu áo quan được càng nhiều càng tốt. Nhưng xem ra cũng không nhiều lắm, vì rõ ràng Ulises Rodriguez đã rất cẩn thận không để lại dấu vết.
“Anh có ý gì khác không Don?”, Partridge hỏi.
“Cũng có một vài ý”.
Kettering nói với Godoy. “Tôi muốn hỏi về số tiền mặt Novack trả cho ông. Tôi nghĩ ông bảo cả hai lần hắn đưa ông tổng cộng là mười ngàn đô la, chủ yếu là tờ một trăm đô, đúng không?”.
“Đúng”.
“Số tiền đó có gì đặc biệt không?”.
“Tiền là tiền, chứ gì đặc biệt?”, Godoy lắc đầu trả lời.
“Toàn tiền mới à?”.
Ông ta ngẫm nghĩ: “Ít thôi, còn chủ yếu là tiền cũ”.
“Số tiền ấy hiện giờ ở đâu?”.
“Tiêu rồi. Tôi dùng trả tiền hàng hết rồi”. Godoy nhún vai, nói thêm: “Thời buổi này tiền nhanh hết lắm”.
Trong lúc hai người hỏi, Jonathan Mony chăm chú quan sát ông chủ nhà đòn. Lúc đầu, khi nói đến chuyện tiền mặt, câu ta tin là thấy Godoy hoảng hốt. Lúc này cậu ta cũng vẫn có cảm giác đó. Cậu ngoáy mấy chữ trên mảnh giấy, rồi đưa cho Kettering. Trên giấy viết: “Ông ta nói dối. Ông ta vẫn còn giữ một số tiền lại. Ông ta ngại cho mình biết vì còn sợ chuyện thuế doanh thu và thuế thu nhập”.
Anh phóng viên đọc mẩu giấy, khẽ gật đầu và đưa trả lại. Anh ta hỏi Godoy, mềm mỏng nhưng lên giọng như thể sắp đi. “Ông còn nhớ, hoặc có thể nhớ thêm được điều gì giúp ích chúng tôi không?”. Nói xong, Kettering quay đi.
Godoy, lúc này có vẻ nhẹ nhỏm và tự tin, rõ ràng luốn mau kết thúc, nên trả lời: “Không còn quái gì cả”.
Kettering quay ngoắt lại, mặt sắt lại, đỏ bừng vì tức giận, anh ta bước nhanh lại phía hắn, vươn người túm vai ông chủ hiệu áo quan. Xoay người ông ta đến khi đối diện mình, Kettering dằn từng tiếng: “Godoy, ông là tên nói dối khốn kiếp. Ông vẫn còn giữ một số tiền đó. Vì ông không cho chúng tôi xem, thử để sở thuế thu nhập có thấy nó được không. Tôi đã bảo nếu ông giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ không gọi họ đến. Thôi, giờ đành làm thế vậy”.
Kettering đẩy Godoy xuống ghế, thò tay lấy trong túi ra cuốn sổ tay mỏng dùng ghi địa chỉ và kéo chiếc điện thoại trên bàn về phía gần mình.
Godoy hết to: “Đừng”. Ông ta giật máy lại, thở hổn hền và làu bàu: “Đồ con hoang! Thôi được, tôi sẽ cho ông xem”.
“Ông hiểu cho rằng đừng nên giở trò dối trá nữa nhé. Sau việc này…”.
Godoy, lúc này đang đứng, gỡ khung kính để giấy phép kinh doanh của ông treo trên tường đằng sau bàn xuống để ló ra một chiếc két sắt. Ông chủ hiệu xoay số mở khoá.
Mấy phút sau, Kettering xem xét kỹ số tiền khoảng bốn ngàn đôla mà Godoy vừa lôi ra từ trong két, trong khi những người khác đứng nhìn. Anh ta xem cả hai mặt từng tờ giấy bạc, rồi xếp chúng thành ba xấp, hai xấp nhỏ, còn xấp kia to hơn. Cuối cùng anh ta đẩy xấp tiền to về phía Godoy, chỉ hai xấp nhỏ và nói: “Chúng tôi cần mượn số này. Chúng tôi sẽ ghi biên nhận cẩn thận với danh nghĩa CBA mượn. Ông có thể ghi số xêri nếu ông muốn, rồi cả tôi và ông sẽ ký vào giấy biên nhận. Tôi xin bảo đảm ông sẽ nhận lại đầy đủ số tiền sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ và sẽ không bị hỏi thêm gì nữa”.
“Tôi nghĩ thế cũng được”, Godoy miễn cưỡng nói.
Kettering ra hiệu bảo Partridge và Mony lại gần hai xấp tiền nhỏ. Tất cả đều là giấy bạc một trăm đôla.
Kettering bảo: “Nhiều người ngại dùng loại giấy bạc một trăm đôla vì sợ bị tiền giả. Chẳng hạn, anh thuê xe và trả bằng giấy bạc một trăm đô khi giao lại xe, Hortz hay hãng cho thuê xe nào cũng vậy, sẽ ghi số hợp đồng thuê xe lên tờ giấy bạc đó, để nếu là bạc giả họ có thể tìm ra chỗ của anh. Cũng vì thế, một số thủ quỹ nhà băng ghi tên người giữ hoặc số tài khoản của người đó lên tờ bạc họ đưa nhà băng”.
“Tôi thấy việc đó cả trăm lần mà cứ không thiểu tại sao phải làm thế”, Partridge nói.
“Tôi thì chưa”, Mony xen vào. “Loại giấy bạc đó đâu đến ượt tôi”.
“Chú mày cứ vào được hãng truyền hình thì khắc đến lượt”, Kettering cười bảo. Rồi anh tiếp tục giảng giải: “Tất nhiên đánh dấu lên tờ bạc thế là bất hợp pháp. Làm biến dạng tờ bạc cũng là phạm tội hình sự, nhưng giá có quy định tội danh ấy thì cũng chẳng mấy ai để tâm. Dẫu sao thì trong xấp thứ hai có ghi tên. Harry ạ, nếu anh muốn, tôi có thể đưa cho mấy anh bạn ở nhà băng xem các nhóm số này, họ có thể biết ai là người dùng tiền ấy, sau đó sẽ thử qua máy tính. Còn những cái tên ghi ở đây,  tôi sẽ tra trong danh bạ điện thoại, để xem người có tiền và dùng tờ bạc một trăm này ở đâu”.
“Tôi cho rằng tôi có thể hình dung ra được, chúng ta phải làm gì”, Partridge đáp. “Nhưng Don này, anh có thể nói rõ chúng ta tìm kiếm cái gì trong mấy xấp tiền này?”.
“Tìm nhà băng. Các thông tin ta thu được sẽ đưa ta tới được nhà băng đã nhận số giấy bạc này; rất có thể nhân viên nhà băng đã viết những số và tên mà anh thấy trên tờ bạc. Rồi, nếu chúng ta may mắn, chúng ta có thể tìm ra được nhà băng đã gửi tiền này cho ai”.
“Tôi hiểu rồi”, Mony nói. “Trả tiền này cho những tên bắt cóc, bọn này dùng tiền đó trả tiền mua áo quan của ông Godoy”.
“Đúng vậy”, Kettering gật đầu. “Tất nhiên cũng là hú hoạ thôi, nhưng nếu đúng, ta có thể tìm ra ngân hàng nơi bọn bắt cóc gửi tiền, và chúng có thể có tài khoản ở đó”. Anh ta nhún vai. “Một khi đã biết được điều đó, anh có thể bắt đầu điều tra từ đó, Harry ạ”.
“Tuyệt quá, Don ạ”, Partridge nói. Cho đến lúc này, những việc ta làm cầu may hoá ra lại hay”.
Nhìn thấy  tờ Semana, theo đó họ lần tới đây, anh nhớ tới lời bác Arthur nói khi bắt đầu cuộc tìm kiếm trên báo chí địa phương: “Những việc cầu may có cái là tuy không mấy khi biết chắc là đang tìm kiếm cái gì, song rất có thể ta gặp được một cái gì đó có ích cho ta theo một cách khác”.