Chương 42

     ải quân và CIA đã hợp tác với nhau, với sự đồng ý của chồng tôi, đổi anh qua Luân Đôn làm việc, vì những hoạt động giữa tôi và CIA tại nước Mỹ trái nguyên tắc. Trong thời gian qua, cứ ba tháng CIA phải xin gia hạn với Bộ tư pháp, cho phép CIA và tôi hoạt động trong nước Mỹ. Gửi tôi ra nước ngoài để hoạt động là thượng sách.
Tháng 7 năm 1977, má tôi và Minh Tâm về Atlanta, Georgia với chị tôi. Xe tải tới dọn nhà, đóng thùng bàn ghế, 90% đồ trong nhà đem gởi trong kho; khi nào chúng tôi đổi về Mỹ sẽ lấy ra. Khi qua Luân Đôn, Hải quân sẽ cho chúng tôi mướn bàn ghế xài trong thời gian ở đó. Con chó Moon Joe của Lance tạm thời gởi cho vợ chồng của một người bạn nuôi giùm trong thời gian chúng tôi đi vắng. Tội nghiệp con tôi, khóc một trận lúc chia tay con chó. Nhưng rồi Lance cũng tạm quên con chó, khi nó biết ở Luân Đôn có tiệm bán đồ chơi Hamleys lớn nhứt thế giới; vậy là từ ngày đó Lance cứ theo hỏi “chừng nào mình đi Luân Đôn?”.
Hải quân đã đưa chúng tôi đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ, nơi nào cũng là nhà, nơi nào cũng sống gần gũi với những gia đình hải quân những người đặt tổ quốc trên hết, sống với nhau trong tinh thần phục vụ và bảo vệ đất nước. Nhưng chuyến công du ở Luân Đôn lần này để lại nhiều kỷ niệm cho gia đình tôi, mà tới chết cũng không quên được. Đây cũng là nơi một lần nữa thử thách lòng yêu nước, yêu tự do và chung thuỷ của gia đình tôi. Nơi đây, tôi đã trưởng thành qua những chông gai, thử thách, ngoài sức tưởng tượng của một người con gái lớn lên trong vùng giải phóng.
Một tuần sau khi chúng tôi dọn vào một cái nhà xinh đẹp ở số 8 Regal Lane vùng Regent Park, nhà của một sĩ quan không quân người Anh đang làm việc tại toà đại sứ Anh ở Washington, chồng tôi dẫn Lance ghi tên để Lance đi học lớp ba ở American School of London. Một đêm, tôi chiêm bao thấy Rob và Bill tới nhà hỏi tôi có chịu ra toà làm chứng khi Bộ tư pháp truy tố Trương Đình Hùng không? Sáng thức dậy, tôi kể cho John nghe; anh cười tôi, vì tôi làm gián điệp từ ban ngày cho đến giấc ngủ.
Một tuần sau. Bill Fleshman và Rob Hall đến gõ cửa nhà tôi. Vừa thấy Bill, tôi nói:
- Anh đừng có nói với tôi là người ta muốn bắt David Trường” (tên Mỹ của Trương Đình Hùng).
Tôi mở cửa, không chào hai người.
Cả hai cùng sửng sốt.
- Trời ơi, tôi thức hết nửa đêm để lựa lời tới đây nói chuyện với bà. Bà làm cho công việc của tôi dễ dàng quá! Tôi tới đây chính là với sứ mạng đó.
Chúng tôi mời Rob và Bill vào nhà. Tôi chưa muốn nghe hung tin này, nên chần chờ làm cafe. Khi mọi người ai nấy đã có ly café của mình rồi, thì Bill tằng hắng, bắt đầu cho biết là Bộ tư pháp gởi hai anh cùng hai luật sư của CIA và Bộ tư pháp tới gặp tôi, nói rõ cho tôi biết họ cần tôi hợp tác trong việc truy tố Trương Đình Hùng và Ronald Louis Humphrey, nhân viên cơ quan USIA.
Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài không hơn 20 phút. Rob và Hill hẹn sẽ gặp lại chiều đó ở một cái nhà bí mật của CIA; khi đó tôi sẽ gặp hai người luật sư của CIA và FBI. Tôi muốn có thì giờ để suy nghĩ và chuẩn bị tinh thần, nên tôi dời lại đến sáng hôm sau. Bill đồng ý.
Đêm đó tôi thao thức đến 2 giờ sáng. Sự lựa chọn nó lớn hơn tôi bằng nhiều hình thức. Nó không giản dị nnhư đứng giữa thiện và ác, giữa tự do và cộng sản, hay giữa thuỷ chung và phản bội. Tôi biết, nếu tôi hợp tác với Bộ tư pháp thì từ đây về sau bí mật về tôi sĩ bật mí. Nhưng điều tôi lo nhứt, là an ninh của ba con ruột thịt của tôi ở bên nhà. Ba tôi và anh Khôi ở trong tay của Cộng sản. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho họ? Teằn trọc hoài cái gối nóng hổi, tôi trở nó không biết bao nhiêu lần nhưng không ngủ được. Sợ ngày mai không đủ sức đi họp, tôi uống thuốc ngủ, nằm chờ giấc ngủ, mà cũng không biết nên làm được gì đây.
Sáng hôm sau, chúng tôi tới căn nhà bí mật của CIA có tên là Reeve House, như những villa xinh xắn có tên. Chúng tôi được giới thiệu với luật sư Tony Lapham, cố vấn luật pháp cho CIA, ông John Martin, luật sư của Bộ tư pháp. Tới giờ này tôi mới biết giới luật sư thường hay nhiều lời. Hai ông nói vòng vo, chung quy cho tôi biết là Bộ tư pháp cần sự hợp tác của tôi. Ông Tony Lapham nói câu thòng để tôi hiểu ý của CIA, là mọi quốc gia ở trong tay tôi; họ không bắt buộc tôi. Nhưng ông John Martin của Bộ tư pháp lại cho tôi biết rằng, không có tôi làm chứng thì họ không thể đưa hai tên phạm tội này ra toà được.
Làm sao mà tôi quyết định tại chỗ được dù tôi biết bốn người này nóng lòng chờ tôi quyết định. Hai người luật sư cho biết, họ chỉ ở Luân Đôn hai ngày nữa thôi. Tôi nghĩ đây là mánh lới của hai người, muốn dồn tôi vào ngõ bí, để vội trả lời mà không kịp suy nghĩ. Họ nóng như lửa, nhưng tôi nguội như tro tàn. Chuyện họ công tác ở Luân Đôn hai ngày nữa hay một tháng nữa, không phải là vấn đề của tôi. Tôi cáo từ và hẹn hôm sau gặp lại.
Hồi nhỏ, mỗi lần gặp khó khăn, tôi thường hỏi ý kiến của ông ngoại. Ông tôi hay trả lời:
- Làm sao mà lương tâm cho phép thì làm.
Sau khi rời Reeve House. John đưa tôi đi ăn trưa trong toà đại sứ Mỹ. Đó cũng là nơi anh làm việc. Tôi hỏi John tôi nên làm gì, nên hay không nên ra toà làm chứng cho Bộ tư pháp. John cố làm cho tôi vui với giọng nói nửa đùa nửa nghiêm nghị:
- Cô ơi, phải sống với sự quyết định của cô cho tới già. Vì vậy, nếu để anh quyết định giùm thì không công bằng. Những hãy nhớ, em đi đến quyết định nào thì chồng của em cũng ủng hộ em 100%.
Tôi nhìn John mà không cười nổi.
Nhớ có một lần hồi còn ở Mỹ, Bill Heshman có hỏi, nếu phải đưa Trương Đình Hùng ra toà, tôi có dám đứng ra làm chứng không?
Tôi trả lời gọn lỏn:
- Không, nhất định là không.
Phải chi bây giờ tôi cũng có thể trả lời bốn người này như vậy thì dễ quá. Nếu tôi không hợp tác để đưa Trương Đình Hùng ra toà, tôi còn triển vọng gặp lại ba tôi sau này, và có thể một ngày không xa má tôi sẽ được gặp lại anh Khôi; hơn nữa, thằng Cộng sản gian ác cũng không biết gì đến việc tôi muốn tiếu diệt chế độ cộng sản.
Lại một đêm trằn trọc, tôi trở cái gối không biết mấy chục lần. Sợ đánh thức John nên tôi lén qua nằm chung giường với Lance. Nếu ngày mới tôi trả lời với họ là “Không, nhứt định không”, thì hai người gián điệp này có thể tiếp tục làm nguy hại cho an ninh quốc gia của nước Mỹ. Những người hoạt động cho CIA ở hải ngoại sẽ bị lộ diện. Riêng những điệp viên của CIA ở Việt Nam trong thời chiến còn bị kẹt lại Việt Nam sau 1975, họ bị bắt, bị tra khảo, đánh đập tàn nhẫn. Tôi rừng mình khi nghĩ điều này. Ronald Humphrey đã cung cấp cho Cộng sản Hà Nội danh sách của những người này qua tài liệu mà Trương Đình Hùng đã đưa cho tôi và đã được FBI chặn lại. Luật sư của Bộ tư pháp đã lặp đi lặp lại cho tôi biết, chỉ có tôi làm chứng. Trương Đình Hùng là người trao cho tôi những hồ sơ tối mật thì hai người gián điệp mới bị kết án; còn nếu tôi từ chối thì hai người không có tội vạ gì hết.
Biết được trách nhiệm của mình nặng nề như vậy, liệu tôi có thể trốn được bổn phận được không? Lớn lên trong một gia đình mà người lớn ai cũng biết làm người, ai cũng có trách nhiệm, ai cũng làm tròn bổn phận: bổn phận với đất nước, với dân tộc, với gia đình, với người chung quanh; tôi không biết hành động gì khác hơn những tâm gương sáng đó. Đến khi đi lấy chồng, lại gặp người đàn ông có trách nhiệm; anh làm tròn bổn phận công dsân, bổn phận làm chồng, làm con, làm cha.
Tôi quyết định là sẽ hợp tác với Bộ tư pháp cho tới cùng, nhưng nhứt thời, tôi không cho chồng tôi, FBI, và CIA biết quyết định này. Tôi cần thêm thì giờ, chớ không thể nào trả lời dứt khoát với Bộ tư pháp bây giờ được. Không phải cần thì giờ để suy nghĩ, mà cần thì giờ để hoạt động. Tôi cần gặp ba tôi một lần nữa để hỏi ba tôi, có khi nào ông nghĩ tới việc hưu trí, rời Việt Nam, tìm một nơi dưỡng già với má tôi? Tôi muốn tranh luâhn lần nữa, tìm cách cho gia đình tôi đoàn tụ. Con anh Khôi, tôi phải biết anh Khôi có được an toàn không, một khi cả thế giới biết em của anh là gián điệp của CIA. Nếu anh sẽ bị liên luỵ, thì tôi phải tìm cách đưa anh ra khỏi Việt Nam trước đó.
Tôi gặp ông John Martin hôm sau, tha thiết nói cho ông biết nguyện vọng của tôi là gặp ba tôi một lần nữa; hay ít cho anh Khôi trốn qua Mỹ đã, sau đó tôi sẽ sẵn sàng ra làm chứng. Tôi nghĩ, dù sao ba tôi cũng sẽ không gặp khó khăn, vì ông được sự tin tưởng từ cấp trên xuống cấp dưới; ông còn là người hữu dụng của đảng: có thể ông không bị liên luỵ vì tôi. Phần anh Khôi, tôi phải bảo vệ anh tới cùng.
Cuối cùng, tôi quyết định cho FBI và CIA biết nguyện vọng của tôi: cứu ba tôi và anh tôi trước khi bắt Trương Đình Hùng và Ronald Humphrey. Họ gởi điện văn về Washington báo tin mừng này, nhưng họ cho đó là “điều kiện” chớ không phải là sự hợp tác. Riêng đối với tôi, họ muốn dùng danh từ gì cũng được; tôi không quan tâm và cũng không giận họ. Tôi là người đã đòi hỏi họ phải có bổn phận “quét dọn sạch sẽ sân sau nhà”. Bây giờ họ lại than phiền là tôi đặt điều kiện để gây khó khăn cho họ. Tôi nhớ câu danh ngôn ông ngoại bắt chúng tôi thuộc lòng: “Đường đi khó, không phải khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Để giữ cho ba tôi và anh tôi an toàn, giờ phút này không có núi nào mà tôi không dám trèo, cũng không có một sông nào mà tôi không dám qua.
Tôi không ra điều kiện nào với FBI, nhưng tôi cần sự yểm trợ của họ, để ba và anh tôi được an toàn thôi. Tôi yêu cầu CIA hãy tìm cách gởi tiền về Việt Nam cho anh Khôi tìm đường vượt biên. Khi FBI đồng ý, thì CIA giành phần đó, bởi vì khi anh Khôi đào thoát được, họ sẽ khai thác anh Khôi. Một sĩ quan tên lửa, một người cựu sinh viên du học ở Liên Xô, khó khăn bao nhiêu để cũng giúp anh đào thoát, CIA cũng hỗ trợ, để sau này khai thác nguồn tin đó. Bây giờ tới phiên tôi bối rối, vì không biết gởi tiền cho anh Khôi bằng cách nào đây? CIA cho biết, vì Sài gòn mới mất, đường đây liên lạc với Việt Nam bị gián đoạn hết, người của họ bị kẹt mà họ còn không tìm được, thì vấn đề này họ chi trông cậy vào tôi thôi.
FBI và CIA gởi điện văn cho Bộ trưởng Bộ tư pháp, ông Martin Bell, và ông giám đốc của CIA là ông Stanfield Turner về diễn tiến này.
Tuần trước, anh Huỳnh Trung Đồng có nói là anh sẽ đi công tác Sài gòn trong vòng một hai tuần. Vì thế, anh cứ gọi hối thúc tôi đem gói đồ của Trương Đình Hùng nhờ tôi đem qua chỗ anh, để lâu sẽ “mất thời gian tính”.
Gói tài liệu còn giữ lại tại Bộ tư pháp, sau khi họ được phép mở tất cả những bao thơ của Hùng đưa cho tôi. Tôi không biết và cũng không muốn biết trong đó có những tài liệu gì, chỉ biết đó là những tài liệu tối mặt của Chánh phủ Mỹ mà thôi.
FBI ở Washington chuyển gói tài liệu của Hùng đưa cho tôi, trè những tài liệu có tên tuổi những gián điệp Việt Nam của CIA còn kẹt lại Việt Nam, và gián điệp của CIA hoạt động ở hải ngoại.
Rob yêu cầu chồng con tôi tháp tùng với tôi đi Paris kỳ này để che giấu hoạt động tình báo, làm như chúng tôi là một gia đình làm ăn bình thường, chồng con rảnh rang đi xem viện bảo tàng của Paris.
Sau khi John, tôi và Lance ăn điểm tâm, chúng tôi chia tay hẹn nhau trưa đó hai cha con đi xem Louvre, còn tôi thì vào đại sứ Hà Nội để gặp đại sứ Võ Văn Sung, nhờ ông thuyết chánh phủ của ông cho ba tôi qua Luân Đôn thăm má tôi, vì bà đau nặng. Đại sứ Võ Văn Sung hứa là sẽ chuyển tin về cho người cao nhứt trong chính quyền Hà Nội. Tôi rời toà đại sứ với hy vọng tràn trề.
Trở về khách sạn, người concierge đưa cho tôi cái note. Thì ra Phan Thanh Nam cần gặp tôi gấp. Lên phòng thì John và Lance đi chơi chưa về, tôi vội viết giấy để lại cho hai cha con biết, tôi phải đi gặp Phan Thanh Nam.
Phan Thanh Nam cần gặp tôi gấp, là muốn nhờ tôi đưa thơ về cho Trương Đình Hùng. Ngoài bao thơ, Nam chỉ ghi một chữ “Tâm”, một tên giả khác, như những lần ông đi ghi trên bao thơ trao cho Hùng. Sau khi tôi cho Nam biết tôi sề về Luân Đôn trước khi về Mỹ, thì Nam lấy thơ lại, xe bỏ bao thơ, đề địa chỉ của một người đàn bà Mỹ ở đường S tại Washington. Tôi nhìn qua địa chỉ này, rồi cho Nam biết tôi rành vùng đó, tôi có thể đem thơ đưa cho người đàn bà đó, nhưng Nam giựt mình và nói rằng:
- Cháu dán con tem Mỹ rồi bỏ vô thùng thơ giùm cho là xong.
- Bà ta có biết sẽ làm gì khi nhận được thơ này không?
Ông gật đầu. Tôi lại nói:
- Cháu đoán thơ này lá thơ quan trọng.
- Thơ nào của chú cũng quan trọng hết.
Tôi nói để dò xét ông:
- Nếu vậy để cháu trao tận tay bà cho chú?
- Không, không! Đừng làm vậy!
Ông nói mà nhìn tôi như muốn lấy lại cái bao thơ:
- Theo chú, cháu không cần trao tận tay bà, chỉ cần dán tem rồi bỏ vô thùng thơ là được rồi.
Mấy giây sau như đã qua cơn khích động, Phan Thanh Nam giải thích:
- Cháu không nên gặp cô này. Cháu đừng hỏi tại sao, nhưng chú có lý do của chú.
Vừa nói ông vừa nhìn cái bóp mà tôi vừa mới cất lá thơ vô, như có ý muốn lấy lại.
Một sự im lặng khó thở trong căn phòng rộng, trong đó chỉ tôi và Phan Thanh Nam. Trên vách tường, “Bác Hồ” nhìn tôi.
- Chiến tranh tại trên đất nước mình là chiến tranh gì hả chú Nam? - Tôi hỏi.
Chiến tranh đã chấm dứt rồi Mỹ Dung à. Bây giờ là đến giai đoạn xây dựng lại đất nước. Những người như cháu là tài sản của tổ quốc.
- Cháu sẽ cố gắng hết lòng.
Tôi nói mà sợ con thằn lằn trên vách nó nghe, nó xấu hổ. Nam tiễn tôi ra cửa, chúng tôi bắt tay từ giã. Khi cánh cổng gỗ khép lại, tôi vội bước nhanh ra cửa.

*

Thời gian ở Paris, tôi luôn luôn nghĩ đến cách nào gởi tiền ở anh Khôi vượt biên. Lúc đầu, khi CIA hỏi cần chẳng bao nhiêu để vượt biên, tôi nói nhiều lắm là 3.000 dollars, đó là trường hợp có vai ba chuyến vượt biên bị bể. CIA thì nói họ nghĩ anh Khôi cần nhiều tiền hơn để hối lộ chính quyền; họ ra lịnh gởi 10.000 dollars. Tôi cãi lại: nếu được nhiều tiền quá, anh Khôi mua hết công an tại Việt Nam, chớ anh không đi nữa vì anh thương ba tôi lắm.
Nhưng CIA thắng, và họ cho biết họ sẽ đưa 10.000 dollars. Bổn phận của tôi là tìm cách gởi về cho anh. Vậy mà hồi con ở Việt Nam, từ Việt Cộng tới Quốc gia, nhiều người cho rằng CIA đi trên nước, bước trên mây; từ trên máy bay phi công Air America của CIA nhìn xuống biết được con rắn đực hay rắn cái nữa mà! Mà thôi, Việt Nam của tôi có biết bao nhiêu chuyện hoang đường. Biết vậy cho nên khi lớn lên tôi không tin những gì qua “nghe nói”. Trong thực tế, đây là Paris, đây là vấn đề sanh tử của anh tôi, thì nó là bổn phận của tôi, chớ không phải của CIA.
Khi Rob tới khách sạn tối đó để gặp chúng tôi, tôi ngồi xuống về ra một khuôn hình 8x10, dầy 1 inch. Tôi trình bày với Rob và John là khuôn hình làm bằng gỗ đẹp, cưa làm đôi theo bề đọc; cưa xong khoét để vừa đúng 100 tờ giấy 100 dollars, trong giấy nylon, sau đó dán kín lại, mà không thấy đường nào trên bốn bề của khuôn hình. Sau đó dán một bên hình của ba, bên nọ hình của má. Xong đâu đó, phết lên chừng mười lớp vernis, vừa bóng, vừa chắc khuôn hình. Khi anh Khôi nhận được khuôn hình, thể nào anh cũng rủa con em vô duyên: tại sao khuôn hình như vậy, vì chưng lên, thấy hình ba thì không thấy hình mà. Rồi lậy trời cho anh lanh trí như con em của anh, biết cái khuôn hình này ngụ ý gì. Tôi sẽ nói với anh Huỳnh Trung Đồng: đây cũng là ngụ ý sự ngăn cách của ba má.
Trước khi gởi hình đi đóng khung và giấu tiền bên trong, CIA yêu cầu tôi viết cho anh Khôi một câu ngắn: “Hãy trốn khỏi Việt Nam ngay.
Trước khi vợ chồng tôi rời Paris về Luân Đôn, tôi ghé qua trụ sở Hội Việt kiều yêu nước giao cho anh Đồng khuôn hình của má tôi gởi tặng anh Khôi, một bộ pyjama má tôi may và 4 chai thuốc bổ cho ba tôi.
Đó là lần cuối cùng CIA và tôi liên lạc với anh Khôi. Ba năm sau đó chúng tôi cũng không biết anh Khôi có lanh trí mà tìm ra số tiền trong cái khuôn hình đó không? Nhưng một hôm, má tôi được thơ từ Paris gởi qua, tên người gởi là Xuân Mai. Xuân Mai là người con gái yêu anh hỏi hai người trên dưới 16 tuổi. Khôi giả dạng là chị Xuân Mai. Chị viết: “Cảm ơn em đã gởì chị khuôn hình đẹp, nhưng lỡ tay, chị đã làm nó bể làm đôi.
Tôi mừng không thể tả, những tức mình là, tại sao có một số tiền khổng lồ trong thời buổi đó mà không trốn! Cho tới 11 năm sau, năm 1986, gia đình tôi mới được gặp lại anh Khôi sau 32 năm xa cách.

*

Mùa thu tới, nhưng chúng tôi vẫn chưa được tin tức gì vì việc ba tôi được phép qua Luân Đôn thăm má tôi. May mắn là tôi còn bận dãn Lance ghi tên nhập học vào ngày 8 tháng 9. Chỉ hai ngày sau, thì FBI và CIA gọi tôi về Washington. D.C, để hội họp với Bộ tư pháp, chuẩn bị cho cuộc ra toà sau khi FBI bắt Trương Đình Hùng và Ronald Humphrey. John phải thay đổi giờ làm việc để đưa rước Lance từ nhà tới trường, tội nghiệp thằng con tôi, ngày tưuh trường lo sợ, hồi hộp chưa dứt, thì mẹ vắng nhà; hai tuần lễ, hai cha con đi ăn nhà hàng đủ hai tuần. Nhưng cũng nhờ dịp này mà Lance học cách thức cẫm nĩa, cầm dao cho lịch sự. Khi tôi về, Lance kể lại là Lance nợ ba nó 2 dollars, vì cứ mới lần làm rớt khăn ăn xuống đất thì bị phạt 10 cents. Cuối cùng thằng nhỏ biết khôn, nên ngồi trên nửa cái khăn suốt bữa ăn, thì khăn không rớt xuống đất nữa.
Trong những cuộc hội họp, bàn thảo với CIA và FBI, chúng tôi đi đến quyết định phải cho má tôi biết sự thật, là khi tôi làm cho FBI, tôi làm nhiều việc khác, ngoài việc thông dịch thơ từ cho họ. Tôi đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu, bởi vì má tôi đẻ tôi ra, má tôi nuôi tôi, má tôi đùm bọc, che chở tôi, từ mới lọt lòng, làm sao mà má tôi không nghi ngờ việc làm của tôi. Những bà không hỏi, thì tôi không nói.
Từ Washington. D.C, bay xuống Atlanta chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, những cầm giấy đừng chờ lên máy bay mà ngao ngán không muốn đi, vì ngại núi e sông. Ngại núi, vì phải gan dạ lắm để nói hết sự thật với má tôi. E sông, vì e rằng sự việc làm cho má tôi buồn, má tôi lo sợ cho sự an toàn của ba tôi. Éo le thay, một bà già tỵ nạn Cộng sản lại lo lắng cho an ninh của người chồng là đảng viên cao cấp của cộng sản. Nhưng chúng tôi biết, má tôi không có lo sợ vẩn vơ. Mối lo sợ của má tôi có tên, có tuổi, có lịch sử, có bằng chứng trong sách vở của đảng cộng sản Việt Nam: một khi họ không tin tưởng người của họ, thì họ thủ tiêu.
Khi tôi và má tôi vừa tới nhà ở Luân Đôn, chưa kịp mở va-li, thì nhận được điện thoại của đại sứ Võ Văn Sung. Ông ân cần cho biết, Hà Nội đã trả lời là họ cho ba tôi tới Paris, rồi má bay qua thăm ba tôi, chớ họ không cho ba tôi sang Luân Đôn. Ông hỏi chúng tôi có khả năng đưa má qua Paris không? Ông chỉ là người đưa tin, nên tôi không có phép trách móc ông, nhưng ước sức tôi muốn nói: “Chỉ có Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có việc người đau đi gặp người mạnh để được thăm hỏi”. Nhưng tôi cắn răng không dám nặng lời, chỉ nói cho biết là tôi phải hỏi bác sĩ của má tôi, xem bà có đủ sức đi xa vậy không? Trước khi dứt cuộc điện đàm, đại sứ Võ Văn Sung rất tử tế với tôi, khi ông nảy ra một ý kiến rất hay: ông khuyên tôi nên viết thơ cho Bộ ngoại giao Hà Nội, kèm theo một cái thơ của bác sĩ cho biết má tôi không thể bay qua Paris.
Tôi trân quý lời chỉ dẫn của đại sứ Võ Văn Sung, nhưng viết thơ cho Bộ ngoại giao Hà Nội là chuyện đại sự. Rồi đây, mười tám cái tai, 200 con mắt sẽ biết, sẽ nghe chuyện của đồng chí Đặng Văn Quang rồi đồng chí này phê bình, đồng chí kia soi mói, thì phiền cho ba tôi lắm. Lại tới phiên tôi bảo vệ ba tôi. Thay vì, viết cho Bộ ngoại giao, sao tôi không viết thơ cho bạn chí thân, cho đồng chí của ba tôi, lại là người lớn nhứt nước Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ.
Đêm đó, chờ cho mọi người ăn giấc, nhón gót trở xuống nhà dưới, tôi viết thơ. Thơ viết bằng viết mực trên giấy pelure.
“Kính gởi bác Lê Duẩn, bác Nguyễn Cơ Thạch và ba kính yêu,
Sức khoẻ của má cháu càng ngày càng tệ vì thận bị nhiếm trùng như cháu đã cho ba cháu hay trong thơ trước. Cháu đã thức nhiều đêm suy nghĩ và rất lo rằng rủi ba cháu qua gặp má cháu quá trễ thì làm sao đây?
Cháu mong rằng những ngày cuối đời của má cháu phải là những ngày đẹp nhứt trong đoạn đời này của bà, có nghĩa là má cháu được ở cạnh ba của cháu. Cháu mong hai bác tạo cơ hội cho ba cháu gặp má cháu càng sớm càng tốt.
Thưa ba, kể từ ngày ba cưới má con cho đến ngày ba tập kết ra Hà Nội năm 1954, chắc ba cũng nhớ là má con không bao giờ hỏi một điều gì ngoài khả năng của ba. Nhưng lần này, thây mặt má con, con xin cấp trên của ba một đặc ân. Trong thâm tâm, con tin tưởng rằng má con xứng đáng được gần ba và anh Khôi.
Ba với bác Ba Duẩn đã cùng nhau có những hy vọng lẫn thất vọng, cùng ước mơ cho đất nước thanh bình, cùng đau buồn vì những giấc mộng lớn cho dân tộc không thành: cũng như hai vị đã sát cánh nhau trong những thắng năm đên tôi nhứt của đất nước, rồi cũng cùng nhau vui mừng trong thắng lợi vẻ vang. Từ đáy lòng cháu, cháu tin rằng bác Ba sẽ không từ chối người bạn chí thân về gia đình của một đồng chí, đông tâm một khi bác biết được tình cảnh của gia đình này và vì vậy mà cháu viết thơ này cho bác.
Thưa ba,
Con gởi thơ này cho hai bác và cho ba mỗi người một bản. Con mong sẽ được gặp ba thật sớm. Chúng con đã chuẩn bị tiền vé máy bay khứ hồi cho ba. Xin cho con biết con gởi tiền mua vé máy bay về đâu.
Con gái của ba.
Đặng Mỹ Dung”
Tôi suy nghĩ rất kỹ, không nhờ anh Đồng chuyển thơ này vô Hà Nội, vì anh Đồng không dám “làm phiền” các ông lớn. Tôi không nhờ đại sứ Võ Văn Sung, vì đại sứ đã khuyên tôi viết thơ cho Bộ ngoại giao; tôi không nghĩ đó là thượng sách. Tôi không dám nhờ ông chuyển thơ, vì tôi làm trái với nghi thức của Bộ ngoại giao. Mà nghĩ cho cũng, tôi làm trái nghi thức của cả cái đảng và cái nhóm Cộng hoà xã hội chủ nghĩa rồi.
Tôi quyết định gởi thơ đó qua New York, kèm theo một cái thứ ngắn mà tôi viết cho đại sứ Thi, cảm ơn ông và nhờ ông chuyển thơ về Hà Nội hộ chúng tôi, với nguyện vọng của má, là được thấy mặt anh Khôi.
Sau đó, ngày 13 tháng 11, tôi được thp của anh Huỳnh Trung Đồng báo cho biết anh vừa công tác ở Sài gòn vê. Anh có đến thăm ba tôi, nhưng ông không có tin tức gì từ Hà Nội về chuyến đi thăm má tôi ở Luân Đôn. Anh nhỏ nhẹ khuyên tôi nên nhớ là trong lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam, chưa có ai đi ra ngoại quốc thăm vợ con. Anh viết:
“Thơ của má cô đã tới tay người tối cao trong đảng rồi. Dĩ nhiên, sự quyết định là do chủ tịch nhà nước và ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Theo tôi hiểu thì nhà nước cho phép má cô về Việt Nam và bác có thể ở đó bao lâu cũng được”.
Đọc xong thớ anh Đồng, má tôi hứ một cái rồi nói:
- Tao không có bước chân về Việt Nam, một khi Cộng sản còn. Đừng có nghĩ tới chuyện chôn tao bên bà may như tụi con tính, hồi đó tới giờ. - Má tôi giận hậm hực.
Thơ anh Đồng tiếp:
“… bây giờ thì những người có trách nhiệm đang bàn tính về chuyến đi của ba cô. Trong thơ, tôi được nói có bấy nhiêu thôi, mong cô hiểu cho tôi. Ba của cô lo lắng về bịnh tình của má cô lắm. Cô cũng nên biết rằng, nếu ba cô thăm mà cô được, thì bác chỉ đi một mình mà không có anh Khôi cùng đi. Nhứt định là đảng và nhà nước không cho phép rồi. Tôi phải nói trước với cô, ba cô biết luật lệ của đảng, chỉ ngại là cô và má cô không hiểu luật, rồi buồn ba cô; bác lo ngại về vấn đề này lắm cô Dung à…”

*

Đời sống ở Luân Đôn của những gia đình người Mỹ làm trong toà đại sứ Mỹ như một cuộc du lịch nước Anh dài hạn. Gia đình tôi thì cứ bị hai cái bóng ma FBI và CIA đi tới đi lui làm bất an. Giữa tháng 11 thì Rob và Bill trở lại Luân Đôn gặp chúng tôi. Kỳ này họ không có mục đích rõ ràng, nên khi hai người bất ngờ tới gõ cửa, mở cửa ra, không chào hỏi, tôi cười chua chát nói:
- Tôi không có chỗ nào trốn hết, bởi vì một là Liên Xô hai là Mỹ quốc.
Bill cười gượng như anh bị tôi nói trúng tim đen.
Trong chuyến đi này, hai ông không có việc gì làm, vì tất cả đứng khựng lại để chờ tin từ Hà Nội. Họ đi chơi, đi ăn, đi nhậu, đi xem thắng cảnh, mua sắm quà Giáng Sinh cho vợ con, cho ngày giờ qua mau. Chúng tôi cùng nhau đi ăn vài lần, rồi hai người trở về Washington tay không.
Rồi việc gì tới phải tới. Mọi buổi sáng, tôi được cú điện thoại của đại sứ Võ Văn Sung, gọi tôi từ Paris, kêu tôi liên lạc với toà đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Luân Đôn.
Đã nhiều lần Rob dặn tôi, khi nào bắt liên lạc với một đảng viên mới của Cộng sản Hà Nội, tôi phải báo trước cho anh biết. Nhưng sáng đó, tôi chỉ có số điện thoại để gọi Rob khi khẩn cấp; mà gọi điện thoại cho toà đại sứ cộng sản Việt Nam đâu phải là trường hợp khẩn cấp, nên tôi không báo tin cho Rob hay trước, tự tiện gọi thẳng tới toà đại sứ Việt Nam ở đường Victoria.
Chắc nhân viên trong toà đại sứ này nhàn nhã lắm. Vừa mới nghe tên Mỹ Dung thì người đàn ông trả lời điện thoại biết ngay tôi là ai và tôi gọi có việc gì. Ông mới tôi đến văn phòng của ông để nói đến “vấn đề khá quan trọng này”.
Tại toà đại sứ, người đàn ông tiếp tôi trong điện thoại cũng là người đón tôi tại cửa, ông tên là Lại Xuân Chiểu, một “sĩ quan thông tin”. Bắt tay ông mà tôi không giữ được nụ cười, khi nhìn ông và so sánh ông với cái tên cải lương của ông.
Ông Lại Xuân Chiểu cho tôi biết là ông đã nhận được điện văn từ Hà Nội về việc ba tôi sẽ qua London thăm má tôi sau công vụ ở Moscow. Tôi không dám thổ lộ sự mừng rỡ vô hạn, cũng như thất vọng, vì ông không có nhắc đến tên anh Khôi.
- Cơ quan của chúng tôi rất hồ hởi được giúp đỡ gia đình chị theo khả năng của anh em chúng tôi.
Rồi ông nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
- Chị sẽ trả tiền vé máy bay cho chuyến đi của đồng chí Minh bao nhiêu? Có thể, chị cũng nên biết trước, Chánh phủ sẽ không thể trả tiền vé máy bay.
- Có thể có một sự hiểu lầm lớn. Tôi chỉ yêu cầu ông chủ tịch nhà nước và ông bộ trưởng Bộ ngoại giao khuyến khích ba tôi đi, và cho phép ba tôi đi. Tôi không có xin nhà nước trả tiền cho chuyến đi của ba tôi. Đây li xin phép, chớ tôi không có xin lòng từ thiện của các ông ấy.
- Thế thì chúng ta không có vấn đề gì… vì chúng tôi không phải lo đến vấn đề tiền bạc. - Lại Xuân Chiểu nói.
- Tôi cũng nghĩ, chúng ta không có vấn đề gì lo lắng. - Tôi lặp lại câu nói của anh ta mà giận trong bụng.
- Tôi xin báo với chị là sứ quán của chúng tôi đây sẽ tiếp đốn, phục vụ đồng chí Minh khi ông đến London. - Lại Xuân Chiểu trịnh trọng nói.
- Anh Chiểu, cảm ơn sự rộng rãi của anh, nhưng vợ chồng tôi sẽ tiếp đón, lo hết cho ba tôi. Chúng tôi muốn xử sự như đây là chuyện gia đình. - Tôi nói.
- Chị không hiểu, sự an ninh của đồng chí Minh tại Luân Đôn là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi đã được lệnh giúp đỡ gia đình chị mọi điều. Về tiền về máy bay của ba chị, thì tính thế nào đây?
Tôi muốn hỏi anh ta: “hỏi gì mà hỏi lãng xẹt vậy”, nhưng tôi uốn lưới bảy lần rồi trả lời:
- Tiền thì tôi có sẵn sàng.
- Chúng tôi biết cách mua về máy bay rẻ nhứt!
Vẻ mặt của đồng chí Lại Xuân Chiểu thay đổi từ một cán bộ cộng sản nghiêm chỉnh thành một anh mua bán dollar vụng về.
- Tôi không nên làm phiền anh trong việc nhỏ nhặt này. Tôi đã hỏi qua tiền vé máy bay với hãng Acroflot. Chừng 900 pounds đi từ Moscow tới Luân Đôn. Tôi có thể mua vé từ đây, rồi ba tôi lấy về từ Moscow, khi ba tôi tới đó.
Chiểu không chịu thua:
- Chị đưa tiền cho tôi, tốt nhứt là dollar Mỹ. Tôi sẽ báo cho Bộ ngoại giao, và bên ấy có người mua vé máy bay tại Hà Nội, trả bằng tiền Việt Nam. Làm như thế, chúng ta không mất một đồng ngoại tệ nào.
Nghe anh nói, tôi mắc cỡ cho một đại diện của cái chánh phủ mà ba tôi phục vụ, đứng đây kèn cựa với tôi về lãi lời vài ba trăm dollar cho đảng của họ. Tôi muốn chấm dứt cuộc gặp gỡ này ngay đó, nên tôi đáp:
- Sao cũng được, thưa anh.
Vậy mà trước khi ra khỏi cửa, cán bộ Lại Xuân Chiểu còn nói với thêm:
- Chị đem dollar Mỹ, chị nhé!
Tuần sau, tôi gọi cán bộ Lại Xuân Chiểu, cho hay tôi sẽ đem tiền đến cho ông. Tôi có đủ 2.000 dollas Mỹ, nhưng tôi đi theo John ra toà đại sứ Mỹ đổi ra tiền Bảng Anh của Anh quốc. John hỏi tôi làm chi cho mất thì giờ vậy? Tôi làm cho bõ ghét, vì không muốn Việt Cộng bên nhà mua bán dollar một cách ha tiện như vậy. Dĩ nhiên, cán bộ Lại Xuân Chiểu nhận số tiền đó với vẻ thất vọng, nhưng không nói lời nào.

*

Vào thời gian này thì Rob và Bill đã trở về Washington, nên tôi viết thơ báo tin cho họ biết mọi việc được sắp xếp theo chương trình; bây giờ chỉ chờ đợi biết ngày nào ba tôi tới Moscow thôi. Tôi cũng có viết thêm cho Rob và Bill, nhờ hai anh đến gặp tận mặt ông Griffin Bell, xin với ông làm mọi thủ tục dễ dàng để sẵn sàng rước ba tôi sang Mỹ cư ngụ, trong trường hợp má tôi và con cái thuyết phục được ba tôi hưu trí, ở lại dưỡng già với vợ con. CIA cho biết là họ sẽ có máy bay sẵn sàng đưa ba tôi qua Mỹ khi ba tôi bằng lòng.
Suốt đời, tôi muốn ba má tôi được sống trong một mái nhà, như ông ngoại bà ngoại của tôi ngày xưa ở với nhau đến đầu bạc, răng long, như cha mẹ của bạn bè tôi, như người bình thường. Mấy tuần nay, mọi sắp đặt được diễn tiến nhanh chóng và gần như việc gì cũng theo ý muốn của tôi, cho nên tôi yêu đời một cách lạ thường. Tôi lên giường nằm kề bên má, rồi hai mẹ con mơ ước căn nhà nhỏ, yên tĩnh của ba má. Tôi không biết ba có chịu ở với con cái không, hay là ba chỉ muốn ở với má và Minh Tâm, đứa con mà ba chỉ biết mặt khi nó vừa mới ba tháng thì ba đi tập kết rồi. Chúng tôi nằm tính sắm sửa cái gì trong căn nhà đó, từ cái bàn cái ghế, cho tới cái bình trà với mấy cái chung nhỏ cho ba tôi uống trà quạu. Tôi còn nghĩ tới mùa đông phải mua cái mền điện cho ba.
Tình thương cho ba không phai đi với thời gian và không gian trong suốt hai mươi năm, chỉ sỡ mỗi người thờ phượng một lý tưởng, đó mới ngăn cách sâu hơn con sông Bến Hải. Ba tôi yêu thương hết bảy đứa con; thương mỗi đứa mỗi cách khác nhau. Anh Khôi là đứa con trai đầu lòng; anh là kết quả của những tháng năm trăng mật. Chị Kim giống tánh ba nhiều; như là, chị dễ bị xúc động, chị tế nhị, chị giầu tình cảm. Chị Cương tánh cương quyết, nói là làm, trọng kỷ luật, trong sạch, ngay thẳng, Tôi giống ba từ gương mặt tới tánh tình. Tôi nghĩ đến người chung quanh và đất nước, nhưng ba cũng biết, tôi với ba thờ hai ông trời khác nhau. Ba tôi không những thương yêu Hải Vân mà còn thán phục nó; nhưng ba cũng chưa biết nghĩ thế nào về sự chọn lựa của em khi nó trở thành phi công của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Hoà Bình được ngự trị ở một chỗ đặc biệt trong trái tim của ba tôi tưd lúc nó còn bé. Khi tôi nhắc đến Hoà Bình, mặt ba tôi rạng rỡ; lắng nghe như để biết và thấy hết đứa con yêu của ông trước mặt. Ba tôi ví tình thương của ba cho Hoà Bình như “một giòng sông dài vô tận, có bầu trời xanh, có hoa nở tươi thắm triền miên”. Ba chỉ biết Minh Tâm có ba tháng, mà ba tháng đó ba bận rộn chuẩn bị đi tập kết, khi ra Hà Nội, ba đổi tên Đặng Văn Quang thành Đặng Quang Minh. Tôi nghĩ rằng ông đổi tên như vậy với ý tạ lỗi vì ông không ở bên cạnh để dậy dỗ Minh Tâm.