Người đàn bà quay đi khi nhìn thấy Ngâu đang đi tới từ ngoài hành lang. Còn năm, mười phút nữa giờ học mới bắt đầu. Giáo sư vẫn chưa đến. Học trò loe ngoe vài người. Không biết vì sao người con gái nhỏ bé kia lại gieo trong lòng bà nhiều ác cảm thế ấy! Thật ra bà chả bao giờ biết tên Ngâu. Và cũng chưa một lần trò chuyện với Ngâu. Mặc dù, Ngâu vẫn đi ngang qua chỗ bà ngồi, ngay cửa lớp, trong những giờ học về chiến tranh Việt Nam. Lúc nào Ngâu cũng ngồi lặng lẽ trong lớp học. Không một lời phê bình. Không một câu hỏi. Mái tóc dài đen óng ả là một dải lụa che phủ hết tâm hồn của người con gái ấy. Tất cả những bí mật của người đàn bà Á Đông đều nằm trong những sợi tóc. Không biết sao bà thường hay nghĩ như thế! Mái tóc của Ngâu vẫn hay làm bà khó chịu. Nó gợi cho bà nhớ tới Eric. Người đàn ông đó đã lấy của bà nhiều quá đỗi! Lấy cả tuổi học trò, lấy đời con gái, lấy nốt quãng đời còn lại. Tất cả những thứ ấy, ông đã mang theo và bỏ lại trong cuộc chiến. Bù lại, những thứ mà ông để lại cho bà là tấm anh dũng bội tinh, lá quốc kỳ xếp ngay ngắn, và tấm ảnh của một người con gái Việt Nam với mái tóc dài, nhét trong chiếc ba lô còn tanh mùi chiến trận. Vậy mà bà vẫn ở vậy để nuôi con. Dạy cho ba đứa con trai hãnh diện về cái chết của cha nó. Để rồi đứa con đầu lòng mới tròn mười tám tuổi cũng vội vàng nối gót cha, đi làm người hùng của thời cuộc. Người ta bảo thế! Họ nói con bà đã hy sinh cho tổ quốc. Nó còn nhỏ qúa. Một mình giữa xứ người. Bị cuốn vào cơn lốc chính trị, chung quanh đầy cám dỗ. Cần sa. Bạch phiến. Gái điếm. Tất cả đều trong tầm tay với...
Người đàn bà thở dài rất nhẹ. Bàn tay lơ đãng lật vài trang sách. Mắt cúi xuống những hàng chữ không còn chút lôi cuốn. Bà hơi nghiêng người, nhìn bâng quơ ra ô cửa sau lưng. Khung cửa sổ mở ra cả vòm trời và khoảng sân cỏ chập chờn, xanh mướt. Đồi cỏ uốn quanh mặt hồ phẳng lặng. Hồ thu. Nước xanh rêu. Lá trôi man mác. Lá vàng phai. Hàng thông sừng sững. Bóng soi mặt hồ. Vài con vịt xiêm đen óng đứng rỉa cánh dưới cành liễu dài thê thướt. Liễu vẫn còn xanh nhưng những gốc phong già quanh sân trường lá đã vàng đi nhiều lắm! Vài gốc phong con trễ tràng hơn, nên lá chỉ vừa đổi sắc. Những gốc phong vàng như trỗ hoa. Những gốc phong có khắc tên Gayle và Eric lồng trong trái tim, trên những thân cây sần sùi thơm mùi nhựa ướt, ở một chỗ mang tên ký ức. Những gốc thông đã già đi, nhưng ký ức còn rất mới!
Người con gái đi ngang qua. Tóc đưa mùi hương. Những sợi tóc đông phương như quất vào da thịt Gayle. Người đàn bà quay phắt lại vị trí cũ. Mắt mở trừng trừng lên tấm bảng đen. Lớp học bắt đầu ồn ào. Tiếng bàn ghế xô dịch. Trong một góc bên kia lớp học, người con gái ngồi im lìm bên những trang sách đang mở rộng. Những lời câm thì thầm trong suối tóc. Đôi mắt nâu đen ngước lên nhìn người giáo sư vừa bước lên bục gỗ. Trong góc phòng, chiếc máy chiếu phim nằm từ đó tự bao giờ. Bài giảng bắt đầu. Cả lớp im phăng phắc. Người giáo sư đang thao thao nó về chiến tranh Việt Nam. Chiếc máy chiếu phim chạy rè rè. Đèn tắt. Bóng tối mờ mờ trong lớp học. Lịch sử hiện về trên màn ảnh. Tiếng Nam Mô hoà trong tiếng la hét. Vị hoà thượng ngồi kiết già trong ngọn lửa bừng soi. Lửa tam muội. Lửa từ bi. Hồn siêu. Xác cháy. Chỉ còn lại một trái tim. Trong một quang cảnh hoang tàn đổ nát, xác người nằm chất đống. Vũ khí xếp hàng hàng, lớp lớp. Xác người nằm phơi trong nắng cháy. Những nhát cuốc cào lên mộ huyệt. Những bàn tay già nua run run.. Mẹ già bới đất tìm con. Bàn tay lần xương thịt. Tiếng gào điếng tê cả trời đất. Người vợ trẻ khóc vùi trong vạt áo.
Trả con cho tui! Trả chồng cho tui! Người lính Cộng Hoà thờ ơ nhìn đoàn tù binh đi qua, nối đuôi nhau trong trò chơi rồng rắng. Anh thẫn thờ, mệt mỏi rít một hơi thuốc dài. Khói thuốc bay lãng đãng trên mặt người đồng đội đang ngoẻo đầu trên vai anh. Vết đạn trên đầu người kia sâu hoắm. Vết máu đã khô đen. Trong làn khói nhạt, đôi mắt của người lính buồn hiu hắt. Mắt nói toàn những lời câm. Nói lên thân phận của con người. Nhỏ bé và chịu đựng đến dễ sợ.
Ở một cảnh thành phố, những người lính Mỹ trẻ con trên xe GMC cười đùa, la lối với lũ nhỏ đang đuổi theo xe cả bầy. Từng nắm kẹp tung xuống mặt đường. Tà áo trắng khép nép bên đường, bối rối trước ánh mắt trêu đùa của mấy người lính viễn chinh. Trong một quán rượu rẻ tiền, nụ cười, ánh mắt của những người đàn bà chỉ đáng giá vài đồng đô la đỏ.
Lịch sử mở ra. Những lá thư gửi về từ Việt Nam là chứng nhân. Những lá thư đã trở thành những kỷ vật của các bà mẹ Hoa Kỳ:
Ngày, tháng, năm...Mẹ ơi!Đêm hôm qua con nằm mơ, thấy mình đang ở Colorado. Cả nhà mình đi lễ Tro. Mẹ mặc chiếc áo màu thiên thanh. Ba diện bộ đồ lớn, đẹp trai như chú rể. Con oai phong trong bộ quân phục. Mẹ sánh vai chồng, con, hãnh diện bước vào giáo đường trong tiếng xầm xì, chào đón của mọi người. Ôi! Một giấc mơ thật tuyệt vời. Khi tỉnh dậy, lòng tràn trề nỗi nhớ. Con tiếc giấc mơ ấy đến bàng hoàng. Té ra, con vẫn còn ở đây. Một mình, không có ba mẹ.Buổi sáng mới thức dậy mà cả người con đã dầm dề mồ hôi. Mẹ ơi! Con rất nhớ mẹ. Ở đây, tất cả đều là một sự bất an; ngay cả thời tiết cũng thế. Mẹ ơi! Hy vọng con sẽ được về trong một ngày rất gần. Lúc ấy sẽ tha hồ thưởng thức những món ăn của mẹ nấu cho cả nhà. Mẹ ơi! Chiếc xe ba mua cho con ngày ra trường vẫn còn phải không mẹ? Khi nào về, con nhất định sẽ đưa Carol đi movie với con. Cô nàng ấy kiêu kỳ quá phải không mẹ? Lúc nào cũng chê con là con nít. Lần này gặp lại, chắc chắn cô nàng sẽ hối hận. Mẹ hãy chờ xem.Thương mẹ nhiều,Con,Patrick.Ngày, tháng, năm....Mẹ ơi!Thằng John bạn cùng lớp của con vừa mới chết. Mẹ còn nhớ nó không? Thằng da đen to dềnh dàng, cầu thủ football của trường. Nó chết trong tay con đó mẹ ơi! Hôm đó, tụi con đi vào làng kia. Thằng John đi trước con mấy bước, đạp phải mìn. Nhìn nó quằn quại, đôi chân gần đứt lìa, bụng tuôn cả đống ruột mà con không khỏi bàng hoàng mừng thầm. Con cám ơn Chúa đã cho con một con đường sống. Trời ơi! Con thật tồi bại. Con mừng vì người trúng mìn là nó! Con mừng vì con hãy còn sống! Sống để về nhà. Sống còn nguyên vẹn.Con ngồi bên nó suốt đường đến quân y viện. Nó đau đớn lắm mẹ ơi! Máu chảy xuống băng ca, ướt dầm dề tấm lưng bự con của nó. Nhưng nó chẳng hề mở miệng oán trách ai, chửi rủa ai. Nói chỉ khóc hu hu, tồ tồ đòi mẹ nó như đứa con nít. Con cũng khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Mẹ ơi! Con sợ một ngày nào đó con cũng sẽ chết đau đớn như nó. Con sẽ không bao giờ gặp lại mẹ. Con sợ thành một phế nhân. Ở đây, chung quanh con là cõi chết. Người chết mới chôn xong, người đào huyệt đã ngừng hơi thở. Mẹ ơí! Con nhớ nhà quá. Con muốn về.Con của mẹJim.Ngày, tháng, năm....Mẹ kính yêu,Khi lá thư này đến tay mẹ thì có lẽ con đã không còn nữa.Mẹ yêu,Những giờ phút cuối của cuộc đời, con không biết phải nói gì. Chỉ mong, mẹ hãy vui sống và luôn nhớ rằng lúc nào con cũng yêu kính và mãi mãi ở bên mẹ. Khi nào có thương nhớ con, xin mẹ hãy nghĩ đến những chuỗi ngày hạnh phúc của mẹ con mình...Ngoài ra, không có gì quan trọng nữa.Chút ân hận sau cùng của con là khi vừa biết cảm nhận, biết cám ơn cuộc đời thì con phải vĩnh viễn lìa bỏ nó. Ngày còn bé, con mơ làm anh hùng. Mơ là một tay súng cừ khôi, đánh tan giặc da đỏ. Mơ làm cảnh sát, rồi mơ làm thám tử, bây giờ con không còn mơ làm người hùng gì nữa. Khi con chết, đừng ai tuyên dương con như một anh hùng. Làm một anh hùng trong khi bao nhiêu người phải tan xương nát máu thì anh hùng để làm gì? Cho ai?Ở nơi này, ngoài những bài học bắn giết, chiến tranh đã dạy cho con biết yêu thương và khát khao đời sống. Yêu con người, thường từng cọng cây lá cỏ và nhiều thứ khác nữa mà trước đây con chưa hề để mắt tới. Đối với con bây giờ, sự sống là một cái gì rất quý giá. Thượng Đế bắt con người từ khi mở mắt chào đời phải trải qua biết bao nhiêu điều cơ cực, chiến tranh càng làm thêm nhiều cơ cực hơn. Mai này, nếu cái chết của con có thể đổi lấy chút ý nghĩa trong cuộc sống cho một người nào đó, hay thức tỉnh được, dù chỉ một người yêu thích chiến tranh thì con đã mãn nguyện rồi.Thương con, xin mẹ hãy vui vẻ lên. Con rất sợ mẹ buồn. Hứa với con đi! Lúc nào con cũng ở bên mẹ..., khi mẹ buồn, con cũng rất buồn theo.Thương mẹ mãi mãi...Con,John.Một tiếng nấc bật lên rất khẽ. Vài ba cái đầu ngẩng lên nhìn quanh quất. Cả lớp chìm trong im lặng. Ngâu ngậm ngùi nhìn theo cái bóng của người đàn bà vừa tuôn ra khỏi lớp học. Tiếng nấc còn gieo đầy nỗi hoang mang, bồi hồi trong lòng người ở lại. Nơi chỗ ngồi của Gayle trống không, bỏ lại những trang vở nằm trơ trên mặt bàn tối câm...