Mãi tới tận chiều thứ tư mới xác định được số điện thoại ở Lima mà Don Kettering cung cấp. Ông giám đốc bộ phận quốc tế của Entel Peru cứ phân trần mãi về việc chậm trễ ấy. “Tất nhiên đây là những dữ kiện không được phép phổ biến”, ông ta giải thích với Partridge và Rita trong phòng biên tập của CBA ở Entel, sau khi hai người đã làm việc với biên tập viên Bob Watson về một bản tin khác gửi New York. “Tôi phải thuyết phục mãi một đồng nghiệp của tôi mới chịu cho biết thông tin này đấy”, Velasco tiếp tục giải thích. “Bằng tiền chứ gì?”, Rita hỏi, và khi ông ta gật đầu, cô ta nói: “Chúng tôi sẽ hoàn lại ông”. Thông tin đó được ghi trên một mảnh giấy xé từ sổ ghi: Canderon G-547, phố Huancavelia, 10F. “Chúng tôi cần gặp Fernandez”, Partridge nói. “Anh ta đang trên đường tới đây”, Rita thông báo, và chỉ ít phút sau, anh chàng da ngăm đen, cao to lừng lững đã xuất hiện. Anh ta vẫn làm việc với Partridge và Minh Văn Cảnh từ khi hai người đến sân bay Lima, và hiện giờ đang phụ giúp Rita rất nhiều việc. Fernandez Pabur gật đầu lia lịa khi nghe địa chỉ ở phố Huancavelia và hiểu tại sao việc đó lại quan trọng. “Tôi biết chỗ ấy. Đó là một ngôi nhà cũ nhiều phòng ở gần ngã tư Avenida Tacna, và chắc các ông không thể coi là…”. Anh ta cố tìm từ tiếng Anh, “giống như lâu đài được”. “Nó thế nào cũng được”, Partridge bảo anh ta. “Bây giờ tôi muốn tới đó”. Anh quay sang Rita, “Tôi muốn chị, Minh và Ken cùng đi, nhưng lúc đầu hãy để mình tôi vào xem thế nào…”. “Một mình không được”, Fernandez phản đối. “Ông có thể bị trấn lột, có thể còn tệ hại hơn nữa. Tôi và Tomas sẽ cùng vào với ông”. Lúc này họ mới biết anh chàng vệ sĩ lầm lỳ, vạm vỡ ấy tên là Tomas. Chiếc xe hòm Fernandez thuê, hiện họ rất hay phải dùng đến nó, đang đậu ở bên ngoài toà nhà của hãng Entel. Xe hơi chật, vì có tới bảy người kể cả lái xe, song đoạn dường xe chạy mất có mười phút. “Nó kia”, Fernandez nói, chỉ tay qua cửa sổ. Avenida tacna là một dường lớn, xe cộ qua lại nhiều; phố Huancavelia nằm vuông góc với nó. Tuy không đến nỗi như khu ổ chuột, khu này rõ ràng hoang tàn đổ nát. Số 547 phố Huancavelia là một toà nhà rộng, xám xịt, tường xiêu vách lở. Một đám đàn ông, kẻ ngồi ở rìa tam cấp, người đứng thơ thẩn nhìn khi Partridge, Fernandez và Tomas từ trong xe bước ra; Rita, Minh Văn Cảnh và kỹ thuật viên âm thanh Ken O’Hara ngồi lại cùng người lái. Bắt gặp những ánh mắt dò xét, thiếu thiện cảm của đám người, Partridge mừng là Fernandez đã nhất định không để anh vào đó một mình. Vào bên trong, mùi nước tiểu và mùi thối xộc lên mũi họ. Rác rưởi được vứt ngay trên sàn. Biết trước là thang máy không hoạt động, họ không còn cách nào khác là cuốc bộ chín cầu thang xi măng cáu bẩn. Phòng F nằm ở cuối hành lang không trải thảm tối mò. Partridge gõ vào cánh cửa sơ sài. Anh nghe thấy tiếng động trong nhà, nhưng không có ai ra mở cửa nên lại gõ tiếp. Lần này, cánh cửa chỉ mở hé rồi dừng lại vì sợi xích móc phía trong. Ngay lúc đó, giọng phụ nữ la hét om xòm bằng tiếng Tây Ban Nha; bà ta nói quá nhanh, Partridge chỉ nghe được mấy chữ “animales!... Asesinos! Diablos!”. (1) Anh cảm thấy ai đó nắm tay anh và thấy dáng to bè của Fernandez bước lên trước. Ghé mồm sát khe cửa, Fernandez cũng nói nhanh không kém, nhưng với giọng dịu dàng, có vẻ biết điều. Nghe anh nói, giọng người kia ngập ngừng rồi im bặt; bà ta tháo xích và mở rộng cửa. Người đàn bà đang đứng trước mặt họ có lẽ vào khoảng sáu mươi. Thuở xa xưa, chắc bà cũng đẹp, song thời gian và cuộc sống gian khổ đã làm bà tiều tuỵ và thô lỗ, da xù xì, tóc bù xù và nhuộm đủ màu. Dưới cặp lông mày mảnh kẻ chỉ là đôi mắt đỏ, sưng mọng vì khóc lóc, than vãn, và khuôn mặt bự phấn. Fernandez bước qua trước mặt bà ta, những người khác theo sau. Một lát sau, bà ta đóng cửa, rõ ràng là cảm thấy an tâm. Partridge liếc nhanh quanh phòng. Họ đang ở trong căn phòng nhỏ, đồ đạc sơ sài gồm mấy cái ghế gỗ, một chiếc xôpha đã rách, chiếc bàn bừa bộn và cái giá sách bằng gạch lát ván không theo kiểu cách nào cả. Điều ngạc nhiên là trên giá lại đầy những tập sách dày. Fernandez quay sang nói với Partridge “hình như mới cách đây khoảng mấy giờ, người đàn ông cùng ở với bà ta đã bị sát hại. Lúc ấy bà ta ra ngoài, và khi về phòng thì thấy ông ta đã chết. Cảnh sát đã mang xác ông ta đi. Bà ta tưởng chúng ta là bọn đã giết ông ta, bây giờ quay lại giết nốt bà. Tôi đã làm bà tin chúng ta là bạn của bà”. Anh nói lại với người đàn bà ấy, và bà ta nhìn sang Partridge. Partridge an ủi bà: “Chúng tôi thực sự đau lòng nghe tin bạn bà đã chết. Bà có nghĩ ai đã giết ông ta không?”. Người đàn bà lắc đầu, lầm bầm điều gì đó, Fernandez nói: “Bà ta biết rất ít tiếng Anh”, và dịch cho bà ta; “Lo sentimos cucho la muerte de su amigo, Sabe Ud, quien lo mato?”. Người đàn bà gật đầu rất mạnh, mồm tuôn ra một tràng mà cuối cùng là chữ “Sendero Luminoso”. Câu trả lời xác nhận điều Partridge trước đây đã lo kẻ họ hy vọng sẽ gặp, dù là hạng người nào, chắc chắn có quan hệ với Sendero. Nhưng bây giờ thì đành chịu. Vấn đề là: người đàn bà này có biết gì về những người bị bắt cóc không? Xem ra khó có khả năng đó. Bà ta lại nói, lần này đỡ nhanh hơn, nên Partridge hiểu được. Anh nói với Fernandez: “Có, chúng tôi muốn được ngồi, và hãy bảo bà ta là chúng ta sẽ rất biết ơn nếu bà có thể trả lời một số câu hỏi”. Fernandez nhắc lại yêu cầu của anh; bà ta trả lời và anh dịch lại: “Bà ta nói là được, nếu bà biết. Tôi nói cho bà ta biết ông là ai, nhân thể nói luôn, tên bà ta là Dolores. Bà cũng hỏi ông muốn uống chút gì không?” “No! Gracias” (2) Partridge trả lời. Bà ta gật đầu, bước tới bên giá, rõ ràng định lấy rượu cho mình. Nhưng khi nhấc chai rượu “gin”, bà thấy là chai không. Bà có vẻ sắp khóc, rồi lẩm bẩm điều gì đó và ngồi xuống. Fernandez nói lại: “Bà ta bảo không biết sẽ sống thế nào. Bà ta không có tiền”. Partridge nói trực tiếp với Dolores: “Le dare dinero si Ud, tiene information que estoy huscando” (3). Nghe nói đến tiền, Dolores trao đổi rất nhanh với Fernandez và anh này dịch lại: “Bà nói ông hãy hỏi đi”. Partridge quyết định không dùng cái vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi của mình, mà tiếp tục để Fernandez dịch. Anh hỏi và bà ta trả lời. “Ông bạn bị giết của bà làm nghề gì?”. “Ông ấy là bác sĩ. Bác sĩ đặc biệt”. “Bà muốn nói là chuyên gia?”. “Ông ấy làm người khác ngủ” “Bác sĩ gây mê phải không?”. Dolores lắc đầu, không hiểu. Sau đó bà ta đến chỗ tủ, thò tay vào bên trong và lôi ra một chiếc valy nhỏ đã sờn. Mở nắp vali, bà lôi ra một tập giấy và lần giở các trang văn bằng y khoa. Tờ thứ nhất ghi Hartley Harold Gossage, tốt nghiệp khoa bác sĩ trường đại học Boston được phép hành nghề thuốc. Văn bằng thứ hai chứng nhận Hartley Harold Gossage là một “chuyên gia gây mê đủ tiêu chuẩn”. Partridge làm hiệu hỏi anh có thể xem các giấy tờ khác được không? Dolores gật đầu đồng ý. Một vài tài liệu có vẻ chỉ liên quan đến các vấn đề chuyên môn thuần tuý, không có gì đáng chú ý. Tờ thứ ba là thư viết trên giấy có tiêu đề “Hội đồng đăng ký giấy phép hành nghề thuốc ở Massachusetts gửi ông “H.H. Gossage bác sĩ y khoa”, trong đó viết: “Chúng tôi báo để ông biết ông bị cấm suốt đời không được hành nghề bác sĩ…”. Partridge đặt lá thư xuống. Anh hình dung sự việc rõ ràng hơn. Người đàn ông sống ở đây, có tin đã bị giết chết, có thể chính là Gossage bác sĩ gây mê người Mỹ ô danh, đã bị cấm hành nghề, kẻ có quan hệ với Sendero Luminoso. Về mối quan hệ này, Partridge cho rằng các nạn nhân của vụ bắt cóc đã được đưa khỏi Mỹ trong trạng thái bất tỉnh, có thể do thuốc mê hoặc thuốc ngủ. Thực ra, khi anh nghĩ đến điều này, những phát hiện ở ngôi nhà Hackensack mà Don Kettering cho anh biết ngày hôm qua đã xác nhận điều anh nghĩ. Vì vậy, có khả năng là Gossage vốn là bác sĩ, đã tiến hành việc gây mê. Nghĩ đến đó, mặt anh đanh lại. Anh thầm ước giá anh có thể mặt đối mặt với kẻ ấy khi hắn còn sống. Những người khác đang theo dõi nét mặt của anh. Với sự giúp đỡ của Fernandez anh tiếp tục hỏi Dolores. “Bà nói Sendero Luminoso giết ông bạn bác sĩ của bà. Tại sao bà lại nghĩ như vậy?”. “Vì ông ấy làm việc cho bọn con hoang này”. Bà ngập ngừng, rồi nhớ lại. “Sendero đặt cho ông ấy cái tên mới là Baudelio”. “Làm sao bà biết điều đó?”. “Ông ấy nói với tôi”. “Ông ấy có kể cho bà nghe về những việc ông ta làm cho Sendero không?”. “Cũng có, nhưng ít thôi”. Nụ cười yếu ớt vụt tắt. “Vào những khi chúng tôi cùng uống rượu với nhau đến say mềm”. “Bà có nghe nói về vụ bắt cóc không? Các báo đều đưa tin cả”. Dolores lắc đầu: “Tôi không đọc báo. Những gì họ đưa toàn là chuyện dối trá”. “Gần đây Baudelio có đi đâu khỏi Lima không?”. Bà ta gật liên tục. “Đi lâu lắm. Tôi rất nhớ ông ấy”. Bà ngập ngừng, rồi tiếp “ông ấy gọi điện thoại cho tôi từ Mỹ”. “Chúng tôi biết”. Mọi việc đều ăn khớp với nhau, Partridge nghĩ. Baudelio chắc phải có mặt tại nơi xảy ra vụ bắt cóc. Anh hỏi qua Fernandez “Ông ta trở về đây khi nào?”. Dolores ngẫm nghĩ trước khi trả lời: “Cách đây một tuần. Về đến nhà, ông ấy rất mừng. Ông ấy cũng sợ bị giết chết”. “Ông ta có nói tại sao không?”. Dolores ngẫm nghĩ. “Tôi nghĩ ông ấy nghe lỏm được điều gì đó, về việc ông ấy đã biết quá nhiều…”. Bà ta bắt đầu sụt sịt. “Chúng tôi cùng sống với nhau rất lâu. Tôi sẽ sống sao đây?”. Còn một vấn đề quan trọng nữa. Partridge cố tình chưa hỏi, và hầu như sợ phải hỏi: “Giữa khoảng thời gian ở Mỹ rồi trở lại đây, có lúc nào ông ta ở Peru không?”. Dolores gật đầu. “Ông ta có nói với bà là ở đâu không?”. “Có. Ở Nueva Esperanza”. Partridge không dám tin: điều anh không hề hy vọng thì đột nhiên lại tìm ra. Tay anh run run khi lật các trang sổ tay tìm lại chỗ ghi cuộc phỏng vấn Cesar Acevedo và tên những nơi Sendero Luminoso đã ra lệnh đuổi các đội y tế thuộc nhà thờ Thiên chúa giáo. Anh thấy ngay cái tên Nueva Esperanza. Anh đã tìm ra. Cuối cùng anh đã biết Jessica, Nicky và Angus bị giam giữ ở đâu. ° Trước hết và trên hết anh vẫn là phóng viên đưa tin truyền hình; anh tự nhắc mình như vậy khi cùng Rita, Minh và O’Hara bàn những cảnh cần quay, gồm Dolores, căn phòng và mặt ngoài ngôi nhà. Tomas được phái xuống đưa ba người lên; lúc này tất cả đang ở trên tầng thứ mười của ngôi nhà. Partridge muốn quay cận cảnh cả hai văn bằng y khoa và lá thư từ Massachusetts kết thúc cuộc đời bác sĩ của Gossage còn gọi là Baudelio. Tay cựu bác sĩ người Mỹ đã xuống mồ, song Partridge muốn tội ác của hắn đối với gia đình Sloane được ghi lại vĩnh viễn. Tuy nhiên, dù vai trò rõ ràng của Baudelio rất quan trọng đối với toàn bộ đoạn tin, Partridge hiểu rằng tiết lộ điều đó vào lúc này có thể là một sai lầm, dễ làm cho người khác nghĩ nhóm làm tin của CBA có được những thông tin chỉ riêng họ biết. Song anh muốn đoạn băng về Baudelio quay sẵn, để khi thuận tiện, có thể đem sử dụng được ngay. Dolores được quay cận cảnh; những lời bà nói bằng tiếng Tây Ban Nha sau sẽ được xoá đi, thay bằng phần dịch tiếng Anh. Sau khi quay hình, ghi tiếng xong, Fernandez bảo Partridge: “Bà ta nhắc là anh hứa sẽ cho bà ta tiền”. Partridge trao đổi với Rita; cô liền lấy ra một ngàn đôla Mỹ, gồm toàn tờ năm mươi đô. Trong những trường hợp như thế này, trả như vậy là quá hào phóng, song Dolores đã cung cấp những thông tin quan trọng, giúp anh khai thông bế tắc. Vả lại, Rita và Partridge cũng thấy tội nghiệp cho bà, và họ tin lời bà nói không biết gì về vụ bắt cóc, mặc dù bà gắn bó với Baudelio. Rita bảo Fernandez: “Anh hãy giải thích rõ CBA không có lệ trả tiền cho người xuất hiện trong tin; vì thế, đây là tiền trả cho việc quay căn phòng và những thông tin mà bà ta cung cấp cho chúng tôi”. Đó chỉ là cách phân biệt có tính chất ngữ nghĩa mà các hãng thường sử dụng để làm chính những điều họ nói họ không được làm, song New York yêu cầu các chủ nhiệm phải làm động tác đó. Nhìn vẻ biết ơn của Dolores cũng thấy bà ta chẳng hiểu, mà cũng chẳng quan tâm đến lời giải thích ấy. Partridge tin là ngay khi họ rời khỏi nơi này, cái chai rượu “gin” không kia sẽ nhanh chóng được thay bằng một chai khác. Bây giờ anh được tự do suy nghĩ về những điều chính yếu, là vạch kế hoạch cho chuyến đi của anh tới Nueva Esperanza để giải thoát con tin càng nhanh càng tốt. Nghĩ đến đó, anh thấy người phấn chấn; niềm say mê làm chuyện nguy hiểm nơi tên rơi đạn nổ ngoài chiến trường đang khuấy động trong anh. Chú thích: 1 “Đồ súc vật! Quân giết người! Quân ma quỷ!” 2 Không! Cám ơn bà. 3 Tôi sẽ cho bà tiền nếu bà có tin tức mà tôi đang dò tìm