Chương 6

    
ỘT BUỔI SÁNG THÁNG CHÍN OI NỒNG, tôi thức dậy trên chiếc giường mình đã nằm từ khi còn bé tí, xỏ chân vào đôi giày rọ anh Carlton mua từ Mexico về cho tôi. Đích thị là đồ của đàn ông, vì chân phụ nữ Mexico làm sao có thể lên đến cỡ chín rưỡi được. Mẹ ghét đôi giày này lắm, bà bảo trông chả khác gì mấy thứ đồ giẻ rách vứt đi.
Tôi khoác chiếc áo sơ mi cũ của bố ra ngoài váy ngủ rồi lệt xệt đi ra cửa trước. Mẹ đang bận trông Pascagoula và Jameso ở sau nhà trong khi hai người lột vỏ sò.
“Không thể để một đứa mọi đỏ ngồi cùng một đứa mọi đen khác mà chẳng có ai giám sát,” mẹ từng thì thầm với tôi như thế, từ lâu lắm rồi. “Cũng chẳng phải lỗi tại bọn chúng, cái giống đấy nó thế.”
Tôi bước xuống bậc tam cấp để xem cuốn Bắt trẻ đồng xanhmình đặt đã đến chưa. Tôi luôn đặt sách cấm từ mấy tay phe chợ đen ở tận California, vì chắc mẩm nếu bang Mississippi đã cấm lưu hành, thì hẳn đó phải là thứ gì hay lắm. Khi tôi đi đến cuối con đường dẫn xe vào nhà, cả đôi giày rọ lẫn hai mắt cá chân đá lấm đầy bụi đất.
Ở cả hai bên, những cánh đồng bông trải ra một màu xanh ngăn ngắt, chi chít những búp bông tròn mũm mĩm. Bố mất sạch chỗ bông trồng phía sau nhà trong cơn mưa tháng vừa rồi, song phần lớn bông đã nở mà không bị hư hại gì. Từng phiến lá bắt đầu nổi đốm nâu vì thuốc thúc rụng lá, mũi tôi vẫn còn ngửi thấy mùi hóa chất chua chua vương trong không khí. Trên con lộ liên quận không có lấy một bóng xe qua lại. Tôi mở hộp thư.
Và ở đó, dưới tờ tạp chí Ladies’ Home Journal của mẹ, là một lá thư đề gửi Cô Eugenia Phelan. Những dòng chữ nổi màu đỏ ở góc phong bì ghi tên Nhà xuất bản Harper & Row. Tôi xé thư đọc ngay tại chỗ, trên người không mặc gì khác ngoài cái váy ngủ dài và chiếc áo sơ mi Brooks Brothers cũ mèm của bố.
Mồng 4 tháng 9,1962
Cô Phelan thân mến,
Tôi viết thư này với tư cách cá nhân để hồi đáp bản lý lịch trích ngang cô đã gửi, bởi tôi rất khâm phục một cô gái trẻ hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào lại dám bạo gan đăng tuyểnị trí biên tập viên của một nhà xuất bản uy tín như chúng tôi. Tối thiểu năm năm làm việc trong ngành là yêu cầu bắt buộc cho vị trí này. Nếu cô từng tìm hiểu ít nhiểu về nghề hẳn cô sẽ biết.
Tuy nhiên, bản thân cũng đã từng là một thiếu nữ trẻ đầy tham vọng, tôi xin tặng cô vài lời khuyên: cô hãy tìm đến tòa báo địa phương và xin một công việc sơ đẳng nhất. Trong thư cô có nói rằng cô “vô cùng say mê viết lách. Những lúc không phải soạn văn bản hoặc pha cà phê cho sếp, cô hãy chịu khó quan sát, tìm tòi và viết. Đừng lãng phí thời gian sa đà vào những vấn đề đã quá hiển nhiên. Hãy viết về những điều làm cô trăn trở, nhất là nếu nó không khiến những người khác bận tâm.
Thân,
Elaine Stein, Trưởng ban biên tập, Ban sách cho người lớn
Dưới phần chữ in là mấy dòng viết tay nguệch ngoạc bằng mực xanh.
Tái bút: Nếu cô thực sự nghiêm túc, tôi sẵn lòng duyệt qua những ý tưởng hay nhất cô có và đưa ra quan điểm của mình. Cô Phelan, đề nghị này của tôi không xuất phát từ nguyên do nào khác ngoài việc đã từng có người làm điều tương tự cho tôi.
Một chiếc xe tải chở đầy bông men theo đường lớn rầm rầm chạy qua. Những người da đen ngồi ở ghế hành khách đồng loạt thò đầu ra nhòm. Tôi đã quên mất mình là một cô gái da trắng chỉ mặc độc có chiếc váy ngủ mỏng tang. Tôi vừa nhận được thư hồi đáp, có lẽ kèm theo cả những lời động viên, từ tận thành phố New York và tôi bỗng đọc to cái tên đó thành tiếng: “Elaine Stein.” Tôi chưa bao giờ gặp một phụ nữ Do Thái.
Tôi hối hả chạy về, cố gắng giữ sao cho lá thư không bay lật phật trong tay. Tôi không muốn nó bị nhàu. Tôi phi lên gác còn mẹ thì ra sức gào rú sau lưng, bắt tôi lột ngay đôi giày nam Mexico tởm lợm kia khỏi chân, và tôi ngồi xuống miệt mài viết ra tất cả mọi thứ trên trời dưới biển khiến tôi trăn trở, nhất là những thứ có vẻ không làm ai động lòng. Từng câu chữ của Elaine Stein như chạy rần rật trong huyết quản, tôi cuống quít gõ nhanh hết mức có thể. Hóa ra, danh sách lại dài đến không ngờ.
Ngay hôm sau, tôi đã sẵn sàng gửi lá thư đầu tiên cho bà Elaine Stein, liệt kê ra toàn những ý tưởng mà tôi nghĩ sẽ là đề tài tốt cho báo chí: tình trạng mù chữ hoành hành ở Mississippi; số vụ tai nạn xe cộ do say rượu cao ngất ngưởng trên toàn quốc; những cơ hội việc làm hạn hẹp cho nữ giới.
Song phải đến khi thư đã gửi đi, tôi mới nhận ra rằng có lẽ mình đã chọn những ý tưởng mà cô ấy sẽ cho là ấn tượng, hơn là những điều tôi thực sự tâm đắc.
Tôi hít mỘt hơi thẬt sâu và kéo cánh cửa kính nặng nề ra. Chiếc chuông réo rắt những tiếng khe khẽ rất nữ tính thay lời chào. Một nữ nhân viên tiếp tân trông-rất-không-nữ- tính nhìn tôi. Bà ta có vóc người đồ sộ, nom có vẻ không thoải mái lắm với chiếc ghế gỗ bé tí. “Chào mừng cô đến tòa báo Jackson Journal. Tôi giúp gì được cho cô?”
Tôi đã hẹn trước từ hôm kia, chỉ chưa đầy một tiếng sau khi nhận được lá thư của Elaine Stein. Tôi đã xin được phỏng vấn cho bất cứ vị trí nào họ còn trống và rất ngạc nhiên khi họ nói sẽ gặp mặt mình sớm đến vậy.
“Thưa, tôi đến gặp ông Golden.”
Bà tiếp tân lạch bạch trở vào phía sau trong chiếc váy chật ních. Tôi cố giữ yên hai bàn tay đang run lên bần bật. Tôi ngó qua cánh cửa mở hờ, nhác thấy đằng sau đó là một căn phòng nhỏ ốp gỗ. Trong phòng, bốn người đàn ông vận âu phục đang lạch cạch đánh máy chữ và cầm bút chì viết sột soạt. Tất cả đều cúi khom lưng, mặt mày hốc hác, có tới ba người đã hói vẹt đầu, chỉ còn sót lại một mảng tóc hình móng ngựa. Khắp phòng sực lên mùi thuốc lá nồng nặc.
Người tiếp tân quay lại, giơ ngón tay cái ra hiệu cho tôi đi theo mình, một điếu thuốc vắt vẻo trên tay bà ta. “Cô vào đi.” Dù đang hồi hộp đến sôi gan sôi ruột, song tất cả những gì tôi còn nghĩ được trong đầu là nội quy ở trường cũ, Một sinh viên ở nhà Chi Omega không bao giờ được vừa đi vừa hút thuốc. Tôi lẽo đẽo bám theo bà ta đi qua những dãy bàn làm việc với những ánh mắt đàn ông đang nhìn mình chằm chằm, cùng làn khói thuốc mù mịt, tới một phòng bên trong cùng.
“Đóng cửa lại mau,” ông Golden quát lên ngay khi chúng tôi vừa kịp mở cửa ra và đặt chân vào. “Đừng có để thứ khói thuốc kinh tởm kia lọt vào đây.”
Ông Golden đứng lên khỏi ghế. Ông ta lùn hơn tôi chừng hai chục phân, gầy, trẻ hơn bố mẹ tôi, răng dài, binh khỉnh, cùng mớ tóc đen bóng nhẫy của một người ở tuổi trung niên.
“Cô chưa biết à?” Ông ta nói. “Mới tuần trước thôi người ta vừa công bố rằng thuốc lá có thể giết chết chúng ta đấy.”
“Chưa ạ.” Tôi chỉ biết hy vọng là chuyện đó chưa đăng chình ình trên trang nhất tờ báo của ông.
“Khiếp, tôi biết có những người da đen sống đến cả trăm tuổi rồi mà nom còn trẻ chán nếu so với mấy gã khùng ngoài kia.” Ông ta ngồi xuống ghế, song tôi vẫn đứng đấy vì trong phòng chẳng còn chiếc ghế nào khác.
“Rồi, để xem cô có gì nào.” Tôi đưa ông ta bản sơ yếu lý lịch của mình và những bài viết mẫu tôi từng viết hồi còn ở trường. Từ khi còn bé tí tôi đã thấy tờ tạp chí này nằm trên bàn bếp nhà mình, trang thường được mở ra là báo cáo thống kê nông trại và tin thể thao vùng. Tôi hầu như không có thời gian sờ đến nó.
Không chỉ xem hồ sơ của tôi, ông Golden còn lấy một cây bút chì đỏ chấm gạch chi chít vào đó. “Ba năm làm biên tập viên ở Trường trung học Murrah, hai năm làm biên tập viên cho tờ Rebel Rouser, ba năm làm biên tập viên cho Chi Omega, theo học hai chuyên ngành song song Ngữ văn và báo chí, tốt nghiệp hạng bốn...Khỉ thật, này cô bé,” ông ta càu nhàu, “cô không chơi bời tí gì à?”
Tôi dặng hắng. “Chuyện đó... có quan trọng không ạ?”
Ông ngước mắt lên nhìn tôi. “Cô có hơi cao quá thật nhưng tôi nghĩ một cô gái xinh xắn như cô lẽ ra phải chài được nguyên một đội bóng rổ ấy chứ.”
Tôi trố mắt nhìn ông ta, không biết ông đang trêu hay khen tôi nữa.
“Tôi đồ là cô biết cách tẩy rửa đấy chứ...” Ông vừa săm soi những bài viết của tôi vừa gạch lên đó đầy những vạch đỏ thô bạo.
Mặt tôi nóng bừng bừng. “Tẩy rửa ư? Tôi không đến đây để tẩy rửa. Tôi đến đây để viết.”
Khói thuốc lá rỉ qua khe cửa chui vào phòng. Nom như cả tòa nhà đang gặp hỏa hoạn vậy. Tôi thấy mình ngu quá, sao tôi có thể nghĩ rằng chỉ cần đến đây thì sẽ được làm báo cơ chứ.
Ông ta thở hắt ra một hơi nặng nề, đoạn chuyền sang tay tôi một cái cặp giấy to bự. “Tôi cho là cô sẽ làm. Cô Myrna vừa nổi cơn lồng phách tách trôn với chúng tôi, chắc cô ta uống phải keo xịt tó rồi. Cô đọc mấy bài báo, rồi cố gắng viết bài trả lời giống cô ta, sao cho không ai nhận ra một chút khác biệt nào nghe chưa.”
“Tôi... dạ?” Và tôi đón lấy chiếc cặp giấy vì không biết phải làm gì khác. Tôi chẳng hiểu cái cô Myrna này là ai. Tôi bèn hỏi câu hỏi an toàn duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra. “Ông nói... tôi được trả lương bao nhiêu?”
Ông nhìn tôi khắp lượt bằng ánh mắt thán phục đến ngỡ ngàng, từ đôi giầy bệt đến mái tóc bẹp dúm của tôi. Thứ linh tính tiềm ẩn nào đó mách bảo tôi mỉm cười và đưa tay lên vuốt tóc. Dù nó có vẻ kỳ quặc sao đó, nhưng tôi vẫn làm theo.
“Tám đô-la, trả vào mỗi sáng thứ Hai.”
Tôi gật đầu, cố nghĩ cách hỏi rõ nội dung công việc sao cho đỡ lộ liễu.
Ông ta chúi người về phía trước. “Cô có biết có Myrna chứ hả?”
“Dĩ nhiên. Phụ nữ... chúng tôi đọc mục của cô ấy suốt,” tôi nói, và hai người chúng tôi lại nhìn nhau chòng chọc trong khoảng thời gian đủ cho một chiếc điện thoại đặt ở đâu đó rung lên tới ba hồi chuông.
“Thế nào? Tám đô-la ít quá hả? Lạy Chúa tôi, các bà toàn cọ hố xí miễn phí cho chồng kia mà.”
Tôi cắn môi. Song tôi chưa kịp thốt ra lời nào, ông ta đã nhướng mắt lên.
“Rồi, mười đô-la. Thứ Năm nộp bản thảo. Nếu không thích văn phong của cô, tôi sẽ không cho đăng bài, mà cũng không trả cô xu nào đâu đấy.”
Tôi cầm cái cặp giấy, cảm ơn ông rối rít, có lẽ nhiệt tình hơn mức cần làm. Ông ta lờ tịt và nhấc điện thoại quay số trước cả khi tôi kịp bước ra khỏi cửa. Khi vào xe, tôi trầm mình trong chiếc ghế bọc da mềm mại của con Cadillac. Tôi ngồi đó, mỉm cười, rồi đọc lướt qua những trang giấy trong cặp.
Tôi vừa có một công việc.
TÔI BƯỚC VÀO NHÀ với bộ dạng hiên ngang chưa từng thấy kể từ hồi lên mười hai, trước khi tôi bước vào thời kỳ nhổ giò. Toàn thân tôi run lên vì kiêu hãnh. Dù rằng từng tế bào trong não đều ra sức can ngăn, song không hiểu sao tôi không thể cưỡng nổi cám dỗ báo cho mẹ hay tin. Tôi xông vào phòng nghỉ và kể cho mẹ tất tần tật mọi chi tiết, tôi đã nhận được công việc viết bài cho mục của cô Myrna thế nào, rồi đó là nơi chia sẻ các kinh nghiệm tẩy rửa ra sao.
“Trớ trêu chưa.” Mẹ thở hắt ra một hơi dài, có nghĩa là một cuộc đơi như thế này thật chẳng đáng để sống làm gì. Pascagoula bèn đi rót thêm trà đá cho bà.
“Chí ít đấy cũng là bước khởi đầu,” tôi nói.
“Khởi đầu cho cái gì? Chia sẻ kinh nghiệm về cách thu vén nhà cửa trong khi...” Mẹ lại thở hắt ra, một hơi thật dài và thật chậm như cái lốp xe xịt.
Tôi cụp mắt nhìn đi chỗ khác, trong bụng tự hỏi không biết mọi người trong thị trấn có nghĩ như vậy không. Bao nhiêu niềm hứng khởi đã tịt ngóm.
“Eugenia, đến đánh bóng dao nĩa con còn chả biết, nói gì đến khuyên người khác cách giữ gìn nhà cửa cho sạch sẽ.”
Tôi siết chặt cái cặp giấy trên ngực. Mẹ nói đúng, tôi làm sao biết cách trả lời những câu hỏi này. Thế nhưng, tôi vẫn đinh ninh mẹ sẽ tự hào vì tôi.
“Mà nếu cứ ngồi chết dí với cái máy đánh chữ, con sẽ chẳng gặp được ai ra hồn đâu. Tỉnh lại đi, Eugenia.”
Cơn giận rần rật chạy dọc hai cánh tay tôi. Tôi lại đứng thẳng lên. “Mẹ nghĩ con muốn sống ở đây ư? Với mẹ ư?” Tôi cười sằng sặc với hy vọng sẽ khiến mẹ tổn thương.
Tôi thấy nỗi đau dâng lên mắt mẹ. Mẹ mím chặt môi cay đắng. Song tôi chẳng mong lấy lại những lời mình vừa nói vì rốt cục, rốt cục, tôi đã nói được điều gì đó mà mẹ chịu lắng nghe.
Tôi đứng nguyên tại chỗ, kiên quyết không chịu dời gót. Tôi muốn xem mẹ sẽ phản ứng ra sao. Tôi muốn nghe mẹ xin lỗi.
“Mẹ phải... hỏi con một chuyện, Eugenia.” Mẹ vò chặt chiếc khăn tay, mặt nhăn nhó khổ sở. “Hôm nọ mẹ vừa đọc được tin rằng... rằng có một số phụ nữ bị mất cân bằng, bắt đầu có những... những suy nghĩ bất bình thường.”
Tôi chẳng hiểu mẹ đang nói gì nữa. Tôi nhìn lên chiếc quạt trần. Ai đó đã bật quạt chạy nhanh quá. Tạch - tạch - tạch...
“Con... con có thích đàn ông không? Con có cảm xúc gì khác thường với...” Mẹ nhắm chặt hai mắt lại. “Với bọn con gái hay... hay phụ nữ không?
Tôi nhìn mẹ chòng nhọc, ước gì cái quạt trần đứt trục rơi xuống đầu cả hai mẹ con tôi thì tốt quá.
“Vì trong báo nói có cách chữa đấy, có một loại trà rễ cây đặc biệt...”
“Mẹ,” tôi kêu lên, mắt nhắm chặt lại. “Con thích bọn con gái cũng nhiều như mẹ thích... Jameso ấy.” Tôi quay ra cửa. Song mắt tôi vẫn nhìn lướt về phía sau. “À, tất nhiên, lỡ đâu mẹ có thích thì sao.”
Mẹ đứng bật dậy, thở hổn hển. Còn tôi sầm sập chạy lên gác.
Hôm sau, tôi buộc gọn những lá thư gửi cô Myrna thành một bó. Trong túi tôi có ba lăm đô-la, số tiền tiêu vặt mẹ vẫn cho tôi hàng tháng. Tôi xuống nhà với một nụ cười ngoan đạo hết chỗ nói. Ở nhà, mỗi lần muốn rời Longleaf, tôi đều phải hỏi mượn xe của mẹ. Như thế có nghĩa là mẹ sẽ hỏi tôi đi đâu. Nghĩa là tôi phải nói dối mẹ hàng ngày, làm vậy cũng có cái thú của nó, có điều hơi hèn hạ.
“Con phải qua nhà thờ xem mọi người có cần giúp gì cho lớp truyền giáo Chủ nhật này không đây.”
“Ôi, con yêu, tuyệt quá. Cứ lấy xe của mẹ mà đi.”
Tối qua tôi đã quyết định rằng thứ mình cần là một dân chuyên có thể giúp tôi xử lý mục này. Tôi nghĩ đến Pascagoula trước tiên, song tôi chẳng biết mấy về cô ta. Thêm nữa tôi cũng không chịu nổi ý nghĩ mẹ sẽ dòm dỏ rồi bỉ bai tôi. Yule May, cô giúp việc của Hilly, thì nhát cáy quá, tôi sợ rằng cô ta sẽ chẳng dám giúp tôi. Chỉ còn mỗi một người tôi hay gặp là Aibileen, người giúp việc của Elizabeth. Phần vì Aibileen khiến tôi nhớ tới Constantine, phần vì bác ấy lớn tuổi và có vẻ giàu kinh nghiệm.
Trên đường đến nhà Elizabeth, tôi tạt qua cửa hiệu Ben Franklin và mua một cái bảng kẹp, một hộp bút chì số hai, và một cuốn sổ tay bìa xanh. Mai là hạn cuối, bài viết phải có trên mặt bàn ông Golden trước hai giờ chiều.
“Vào đi, Skeeter.” Elizabeth tự mở cửa nên tôi sợ rằng hôm nay Aibileen không đi làm. Cô ấy mặc chiếc áo choàng tắm màu xanh lơ và cuốn những chiếc lô khổng lồ, khiến đầu cô to bự ra còn thân hình nom càng quắt lại so với lúc bình thường. Elizabeth thường cuốn lô suốt ngày, dường như có cố đến mấy cô cũng không làm cho mớ tóc mỏng bồng thêm được.
“Xin lỗi, tớ luộộm quá. Con Mae Mobley làm tớ thức trắng gần cả đêm qua, bây giờ tớ còn chả biết cái bà Aibileen kia mất hút tận đâu nữa.”
Tôi bước vào gian phòng nghỉ bé tin hin. Đây là một ngôi nhà trần thấp có những căn phòng nhỏ xíu. Thứ gì trông cũng cũ cũ - những tấm rèm hoa bạc màu, lớp vải phủ ghế sofa nứt nẻ. Tôi nghe nói công ty kế toán Raleigh mới gầy dựng làm ăn không suôn sẻ lắm. Ở New York hay nơi nào khác nghề này may ra còn kiếm được, chứ ở cái vùng Jackson, Mississippi này, chẳng ai mặn mà làm ăn với một gã thô kệch, hạ lưu cả.
Xe của Hilly đậu bên ngoài, nhưng tôi không thấy tăm hơi cô ấy đâu. Elizabeth ngồi xuống trước cái máy khâu đặt trên bàn phòng khách. “Tớ làm xong ngay đây,” cô nói. “Đợi tớ máy nốt đường cuối cùng nhé...” Đoạn Elizabeth đứng dậy, tay giơ cao một chiếc váy đi lễ nhà thờ màu xanh lục có cổ tròn, trắng. “Cậu nói thật đi,” cô ấy thì thầm với đôi mắt như van lơn tôi hãy nói bất cứ điều gì khác, trừ câu “Trông có giống đồ tự may không?”
Đường diềm bên dài, bên ngắn. Thân váy nhăn nhúm còn ống tay đã hơi sờn. “Trăm phần trăm hàng hiệu. Đích thị là đồ mua từ Maison Blanche,” tôi nói thế vì cửa hiệu đó là niềm mơ ước của Elizabeth. Đó là một tòa nhà năm tầng bán toàn quần áo đắt tiền nằm trên phố Canal ở New Orleans, những thứ quần áo có tìm đỏ mắt cũng không kiếm ra ở cái vùng Jackson này. Elizabeth nở một nụ cười đầy biết ơn.
“Mae Mobley đang ngủ à?” Tôi hỏi.
“May phước.” Elizabeth vân vê một nhúm tóc vừa tuột ra khỏi lô, mặt nhăn lại vì thấy nó mỏng quá. Đôi lúc giọng cô ấy trở nên gay gắt khác thường khi nhắc đến đứa con gái nhỏ.
Cửa phòng vệ sinh dành cho khách ở khu sảnh bật mở, Hilly bước ra, vừa đi vừa nói thoải mái hơn rồi. Giờ thì ai cũng có chỗ riêng để đi.”
Elizabeth hí hoáy với mũi kim máy khâu đầy vẻ lo lắng.
“Nhắn với Raleigh là tớ nói Không cần khách sáo đâu nhé,” Hilly đế thêm, tôi bỗng giật bắn mình, bởi những lời cô ấy vừa nói. Vậy là Aibileen đã có phòng vệ sinh riêng xây ngoài gara.
Hilly mỉm cười với tôi và tôi nhận thấy cô lại sắp sửa lôi sáng kiến của mình ra. “Mẹ cậu sao rồi?” Tôi hỏi, dù biết thừa đó là đề tài làm cô ngán nhất. “Cụ ở trong nhà dưỡng lão ổn không?”
“Chắc cũng ổn.” Hilly kéo vạt áo len đỏ xuống, phủ lên những ngấn mỡ múp míp trên eo. Chiếc qẻ caro xanh, đỏ khiến cặp mông tròn xoe, bự xụ của cô trông càng khổng lồ hơn lúc nào hết. “Dĩ nhiên cụ chẳng coi những việc tớ làm ra gì cả. Tớ còn phải đuổi con mụ giúp việc hộ cụ nữa chứ, tớ tóm được ả đúng lúc ả tính đường thó mấy món đồ bạc ngay trước mũi tớ.” Hilly hơi nheo nheo con mắt lại. “À, nhân thể, các cậu đều không nghe nói con mụ Minny đó đã kiếm được việc mới chứ hả?”
Chúng tôi đều lắc đầu.
“Tớ nghĩ có tài thánh mụ ta cũng chẳng tìm được việc gì khác ở thị trấn này đâu,” Elizabeth nói.
Hilly gật đầu, khép lại câu chuyện này. Tôi hít một hơi dài, háo hức báo cho hai bạn biết cái tin của mình.
“Tớ vừa mới nhận được một công việc ở Jackson Journal,” tôi nói.
Im lặng bao trùm khắp căn phòng. Rồi đột nhiên Elizabeth rú lên. Hilly mỉm cười nhìn tôi đầy hãnh diện, còn tôi đỏ bừng mặt rồi nhún vai, ra điều có gì to tát đâu.
“Chỉ có đồ ngu mới không thuê cậu, skeeter Phelan ạ,” Hilly nói và giơ cao ly trà đá như để chúc mừng.
“Vậy... ừm, có ai trong số các cậu đọc mục của cô Myrna không?” Tôi hỏi.
“À không,” Hilly đáp. “Nhưng tớ cá bọn con gái da trắng nghèo ở miền Nam Jackson sùng món này ghê lắm, cứ như được đọc Kinh Vua James không bằng.”
Elizabeth gật đầu. “Mấy đứa nhà nghèo không có tiền thuê người giúp việc, tớ cá là bọn nó có đọc đấy.”
“Cậu có phiền không nếu tớ nói chuyện với Aibileen?” Tôi ướm hỏi Elizabeth. “Để bác ấy giúp tớ trả lời mấy lá thư?”
Trong chốc lát Elizabeth chỉ đứng đờ ra. “Aibileen á? Aibileennhà tớ ấy à?”
“Tớ thì chắc chắn chả biết cách trả lời mấy câu hỏi này rồi.”
“Ơ... tớ nghĩ là, miễn đừng để ảnh hưởng đến công việc của bà ấy.”
Tôi khựng lại, ngỡ ngàng trước thái độ của cô. Song tôi tự nhắc mình rằng dù gì Elizabeth mới là người trả tiền thuê bác ta.
“Với lại hôm nay thì chưa được, Mae Mobley sắp dậy rồi không tớ lại phải tự chăm con bé mất.”
“Thế cũng được. Vậy có khi... có khi sáng mai tớ qua được không?” Tôi bấm đốt tay nhẩm tính giờ. Nếu nói chuyện với Aibileen xong tầm giữa buổi sáng, tôi vẫn còn thời gian về nhà để viết, sau đó đưa bản thảo vào thị trấn trước hai giờ.
Elizabeth cau mày nhìn lô chỉ xanh lục của mình. “Chỉ vài phút thôi đấy nhé. Mai là ngày đánh bóng dao nĩa mà.”
“Không lâu đâu, tớ hứa đấy,” tôi nói.
Elizabeth bắt đầu ăn nói giống hệt mẹ tôi mới chết chứ.
MưỜi giỜ sáng hôm sau, Elizabeth mở cửa, gật đầu với tôi hệt như một bà giáo. “Được rồi. Vào đi. Nhưng đừng lâu quá đấy. Mae Mobley sắp dậy rồi.”
Tôi đi vào bếp, cuốn sổ cùng giấy má kẹp dưới nách.
Aibileen đứng ở bồn rửa mỉm cười chào tôi, chiếc răng vàng lóe sáng lấp lánh. Người bác ấy hơi phì ra ở đoạn hông, nhưng nom mềm mại dễ coi lắm. Và bác ấy thấp hơn tôi nhiều, mà có mấy ai không thế đâu? Làn da của Aibileen màu nâu sậm, nổi bật trên nền đồng phục trắng tinh. Đôi lông mày đã ngả bạc mặc dù mái tóc vẫn còn đen thẫm.
“Chào cô Skeeter. Cô Leefolt vẫn ngồi may hả cô?”
“Vâng.” Sau ngần ấy tháng trời ở nhà, mà tôi vẫn thấy là lạ khi nghe Elizabeth được người khác gọi là cô Leefolt chứ không phải cô Elizabeth hay thậm chí là tên họ thời con gái của cô ấy, cô Fredericks.
“Cho tôi vô phép?” Tôi chỉ vào chiếc tủ lạnh. Song tôi chưa kịp làm gì thì Aibileen đã mở cửa tủ ra.
“Cô uống gì? Co-Cola nhé?”
Tôi gật đầu và bác ấy bật nắp chai bằng chiếc mở nút gắn trên mặt quầy, rồi rót nước ra cốc.
“Aibileen” - tôi hít vào một hơi thật sâu - “Không biết tôi có thể xin vú giúp cho việc này không.” Rồi tôi cho bác ấy biết về chuyên mục, tôi mừng húm khi bác ấy gật đầu trả lời rằng mình có biết cô Myrna.
“Vậy có lẽ tôi sẽ đọc cho vú nghe vài lá thư rồi vú... giúp tôi trả lời nhé. Sau một thời gian, có lẽẽ quen việc và...” Tôi im bặt. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện tôi đủ sức tự mình trả lời những câu hỏi về tẩy rửa kia. Thành thực mà nói, tôi cũng chẳng có ý định học cách tẩy rửa làm gì. “Nghe có vẻ bất công, phải không, câu trả lời là của vú mà tôi lại làm như là mình nghĩ ra. Hoặc Myrna, ý tôi là vậy.” Tôi thở dài.
Aibileen lắc đầu. “Tôi có ngại gì đâu. Tôi chỉ e cô Leefolt sẽ không đồng ý thôi.”
“Cô ấy bảo được mà.”
“Ngay trong giờ làm việc của tôi sao?”
Tôi gật đầu, chợt nhớ lại điệu bộ nghiêm trọng trong giọng nói của Elizabeth.
“Vậy thì được.” Aibileen nhún vai. Bác ấy ngước nhìn chiếc đồng hồ treo phía trên bồn rửa. “Có thể tôi sẽ phải dừng khi nào Mae Mobley dậy.”
“Ta ngồi chứ?” Tôi chỉ vào chiếc bàn bếp.
Aibileen liếc mắt ra cửa. “Cô ngồi đi, tôi đứng thế này được rồi.”
Tôi đã mất cả đêm hôm qua để đọc tất cả các bài viết trong mục của cô Myrna trong vòng năm năm trở lại đây, song vẫn chưa có thời giờ xem những lá thư chưa được trả lời. Tôi giở bảng kẹp, bút chì sẵn sàng trên tay. “Đây là một lá thư từ quận Rankin.”
“Cô Myrna thân mến” tôi đọc to, “tôi phải làm sao để tẩy vòng ghét đen bám trên cổ áo sơ mi của lão chồng béo ị lôi thôi của tôi, lão ta ở bẩn như lợn, và... và đổ mồ hôi cũng như lợn ấy…”
Tuyệt. Một chuyên mục về chuyện tẩy rửa và các mối quan hệ.Hai vấn đề tôi hoàn toàn mù tịt.
“Vậy cô ta muốn khử cái gì?” Aibileen hỏi. “Vết bẩn hay lão chồng?”
Tôi nhìn tờ giấy đăm đăm. Tôi không biết phải khuyên cô ta thế nào đối với cả hai việc.
“Bảo cô ta vò áo bằng nước giấm pha Pine-Sol. Sau đó phơi dưới nắng một lúc.”
Tôi vội ghi vào sổ. “Phơi dưới nắng bao lâu?”
“Chừng một tiếng. Đến khô thì thôi.”
Tôi giở lá thư thứ hai ra và, nhanhchớp, bác ấy trả lời được ngay. Sau khoảng bốn, năm lá thư, tôi thở hắt ra nhẹ nhõm.
“Cảm ơn vú, Aibileen. Vú không biết vú đã giúp tôi nhiều thế nào đâu.”
“Có gì đâu. Miễn là cô Leefolt không có việc gì cần sai tôi.”
Tôi thu dọn đống giấy tờ của mình và uống nốt hớp coca còn lại, tự cho phép bản thân nghỉ xả hơi mấy giây trước khi phải về viết bài. Aibileen đứng nhặt một bao nõn dương xỉ xanh mướt. Căn phòng tĩnh lặng, chỉ còn tiếng chiếc đài phát thanh rì rầm, lại là kênh giảng đạo của Cha Green.
“Sao vú lại biết bác Constantine? Hai người quen nhau à?
“Chúng tôi... cùng chung nhóm ở nhà thờ.” Aibileen đổi chân đứng trước bồn rửa.
Tôi lại thấy trong lòng nhói lên cảm giác gì đó, một nỗi đau đã trở nên quen thuộc. “Bác ấy thậm chí còn chẳng để lại đến một dòng địa chỉ. Tôi... tôi không ngờ bác ấy lại bỏ đi như thế.”
Mắt Aibileen vẫn nhìn xuống. Có vẻ như bác ấy đang săm soi mấy ngọn dương xỉ rất kĩ. “Không phải, tôi chắc chắn chị ấy đã bị đuổi.”
“Đâu có, mẹ tôi nói bác ấy xin thôi việc. Từ hồi tháng Tư. Bác ấy về Chicago sống với họ hàng.”
Aibileen lại nhặt một cọng dương xỉ lên, rửa sạch phần nhánh dài, rồi đến cái đầu xanh mướt xoăn tít của nó. “Thưa cô, không phải vậy đâu,” bác ấy đáp sau một hồi im lặng,
Phải mất vài giây tôi mới nhận ra chúng tôi đang nói về chuyện gì.
“Aibileen,” tôi nói, cố gắng nhìn vào mắt bác ấy. “Vú thực sự nghĩ rằng bác Constantine đã bị đuổi việc ư?” Song khuôn mặt Aibileen phút chốc bỗng lạnh tanh như chưa từng có gì xảy ra. “Chắc tôi nhớ nhầm,” bác ấy đáp, tôi có thể đoán ngay ra bác ấy nghĩ mình đã hở miệng quá nhiều với một phụ nữ da trắng.
Bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng Mae Mobley gọi ầm ĩ, Aibileen xin lỗi rồi quay gót ra cửa. Vài giây sau tôi mới lấy lại bình tĩnh để đứng dậy ra về.
Khi tôi bưỚc vào nhà mười phút sau đó, mẹ đang ngồi đọc báo bên bàn phòng ăn
“Mẹ,” tôi hỏi, tay siết chặt cuốn sổ trên ngực, “mẹ đã đuổi bác Constantine đúng không?”
“Mẹ... sao cơ?” Mẹ hỏi. Nhưng tôi biết mẹ đã nghe rõ những lời tôi nói vì bà đã đặt tờ báo của DAR(5) xuống. Phải là một câu hỏi khó nhằn lắm mới khiến mẹ rời mắt khỏi ấn phẩm đầy sức mê hoặc này.
“Eugenia, mẹ đã bảo con rồi kia mà, em gái bác: ấy ốm, thế nên bác ấy lên Chicago để sống với họ hàng thân thích,” mẹ đáp. “Sao thế? Ai nói gì khác với con à?”
Đời nào tôi nói với mẹ đó là Aibileen. “Con vừa nghe người ta nói chiều nay. Trong thị trấn.”
“Ai lại nói nhăng nói cuội thế?” Mắt mẹ nheo lại sau cặp kính. “Chắc lại bọn da đen chứ gì.”
“Mẹ, mẹ đã làm gì bác ấy?”
Mẹ liếm môi, rồi nhìn tôi bằng ánh mắt trân trối qua cặp kính dày. “Con không hiểu đâu, Eugenia. Phải đến lúc tự mình thuê người giúp việc may ra con mới thấm.”
“Mẹ... đuổi bác ấy ư? Tại sao chứ?”
“Chẳng quan trọng. Mọi chuyện đã xong xuôi rồi, mẹ chẳng muốn nghĩ thêm làm gì.”
“Mẹ, chính bác ấy đã nuôi con lớn. Mẹ nói đi, chuyện gì đã xảy ra?” Tôi thấy phát tởm bởi chất giọng the thé của mình, bởi thứ âm thanh trẻ con trong từng lời chất vấn của mình.
Nghe giọng tôi mẹ nhướng đôi lông mày, rồi gỡ cặp kính xuống. “Chẳng có gì, chỉ ià chuyện màu da. Mẹ chỉ nói thế thôi.” Mẹ lại đeo kính vào và đưa tập báo DAR lên ngang tầm mắt.
Tôi giận điên người, toàn thân run lẩy bẩy. Tôi chạy sầm sập lên gác rồi ngồi phịch xuống trước máy đánh chữ, lòng bàng hoàng. Sao mẹ có thể tống cổ một người đã có cái ơn lớn nhất với bà, đó là nuôi dạy con cái bà, dạy cho tôi biết yêu thương, cho tôi lòng tự trọng? Tôi ngước mắt lên nhìn khắp căn phòng, bức tường hoa, đợt rèm vải, những tấm ảnh ố vàng đã trở nên quen thuộc đến phát ngấy. Constantine đã giúp việc cho gia đình tôi hai mươi chín năm trời.
TuẦn tiẾp đó, bố trở từ khi chưa tỏ mặt người. Tôi thức giấc trong tiếng động cơ xe tải, tiếng thợ hái bông xôn xao, tiếng hò hét thúc giục. Cả cánh đồng bao phủ một màu nâu khô nỏ của những cành bông chết, lá bông đã rụng hết, nhờ vậy máy gặt có thể vươn tới tận búp bông. Mùa gặt bông đã tới.
Vào mùa gặt, bố thậm chí còn không đi lễ nhà thờ, song đến Chủ nhật, sau bữa ăn tối, tôi bắt gặp bố trên hành lang mờ câm, đang đứng nghỉ cho nhẹ bụng trước khi về phòng ngủ. “Bố ơi?” Tôi hỏi. “Bố nói cho con biết chuyện gì đã xảy ra với Constantine đi?”
Bố đã mệt rã rời, ông thở dài trước khi kịp trả lời tôi.
“Sao mẹ lại đuổi bác ấy hả bố?”
“Sao cơ? Con yêu, Constantine tự nghỉ đấy chứ. Con thừa biết mẹ sẽ không bao giờ đuổi việc bác ấy mà. Trông bố có vẻ thất vọng vì tôi lại hỏi một câu như thế.
“Bố có biết bác ấy đi đâu không? Bố có địa chỉ của bác ấy không?”
Bố lắc đầu. “Con hỏi mẹ ấy, có khi mẹ biết đấy.” Bố vỗ vai tôi. “Ai cũng phải thay đổi, Skeeter ạ. Nhưng bố ước sao bác ấy có thể ở lại với gia đình ta.”
Bố bước dọc hành lang về phòng ngủ. Tính bố vốn thật thà, ông có bao giờ giấu được chuyện gì, thế nên tôi biết bố cũng như tôi, chẳng biết gì về việc này cả.
Tuần đó và hàng tuần khác, tôi ghé qua nhà Elizabeth để nói chuyện với Aibileen, có khi tới hai bận. Lần nào nom Elizabeth cũng giống hệt một chiến binh nhỏ bé. Tôi cứ nấn ná trong bếp thêm phút nào, Elizabeth lại nghĩ ra thêm việc để sai phái, tới chừng nào tôi về mới thôi: nắm đấm cửa cần đánh bóng, nóc tủ lạnh cần lau, móng tay Mae Mobley cần tỉa. Aibileen vẫn thân thiện với tôi, vẻ bồn chồn, bác ấy đứng trước bồn rửa, tay không bao giờ ngơi làm việc. Chẳng bao lâu sau tôi đã nộp xong cả những bản thảo chưa đến hạn, ông Golden có vẻ hài lòng với chuyên mục, hai số đầu tôi chỉ viết trong hai chục phút là hoàn tất. Tuần nào tôi cũng hỏi Aibileen về Constantine. Bác ấy cho tôi địa chỉ được không? Nói cho tôi biết tại sao Constantine bị đuổi không? Có phải đã xảy ra chuyện gì động trời không, vì tôi không tài nào tưởng tượng nổi cảnh Constantine đáp Vâng, thưa bà và bỏ đi đằng cửa hậu. Hay mẹ đã nổi cơn tam bành với bác ấy vì một cái muỗng bẩn và Constantine đã làm cháy đồ ăn suốt một tuần liền. Tôi chỉ có thể nghĩ được ngần ấy thứ cho một cuộc đuổi việc.
Nhưng hỏi han cũng chẳng ích gì, vì tất cả những gì Aibileen làm là nhún vai đáp bác ấy không biết.
Một buổi chiều nọ, sau khi hỏi Aibileen cách tẩy vòng ghét khô bám trên thành bồn tắm (đời tôi chưa cọ bồn tắm bao giờ), tôi về nhà. Tôi đi qua phòng nghỉ. Thấy tivi đang bật, tôi bèn liếc sang. Pascagoula đứng cách màn hình có mươi phân. Tôi nghe loáng thoáng từ OleMiss và trên màn hình nhòe nhoẹt, tôi thấy những người đàn ông da trắng vận âu phục tối màu chen vai thích cánh trước camera, mồ hôi chảy nhễ nhại trên những cái đầu trọc lốc. Tôi bước lại gần hơn và nhìn ra một thanh niên da đen trạc tuổi mình đang đứng giữa đám người da trắng, sau lưng anh ta là một toán binh lính. Khuôn hình mở rộng ra phần hậu cảnh, thu vào cả tòa nhà hành chính ở trường cũ của tôi. Thống đốc Ross Barnett đứng khoanh tay, mắt đối mắt với chàng trai da đen. Đứng bên cạnh ông là Thượng nghị sĩ Whitworth, cha của người mà Hilly đang cố gán ghép cho tôi.
Tôi nhìn tivi như bị thôi miên. Song tôi chẳng rùng mình, cũng không thất vọng bởi cái tin người ta có thể để một người da màu bước chân vào Ole Miss, chỉ thấy ngạc nhiên. Pascagoula, trái lại, thở hồng hộc đến mức tôi nghe rõ từng tiếng. Cô đứng chết trân, hoàn toàn không nhận ra tôi đứng ngay sau lưng. Gã phóng viên đài khu vực, Roger Sticker, mặt lo lắng, vừa mỉm cười vừa nói rất nhanh. “Tổng thống Kennedy đã ra lệnh thống đốc: nhường đường cho James Meredith, tôi xin nhắc lại, Tổng thống Hợp chủng quốc...”
“Eugenia, Pascagoula! Tắt tivi đi!”
Pascagoula giật bắn người khi thấy tôi và mẹ. Cô luống cuống chạy khỏi phòng, mắt dán chặt xuống đất.
“Hừ, mẹ cấm con, Eugenia,” mẹ gầm gừ. “Mẹ cấm con dung túng bọn nó kiểu đấy.”
“Dung túng cái gì cơ? Tin đấy phát đi cả nước kia mà mẹ.”
Mẹ khụt khịt mũi. “Hai đứa xem tivi cùng nhau là không đúng phép,” và mẹ đổi kênh, rồi dùng ở chương trình ca nhạc của Lawrence Welle.
“Đấy, thế này có phải hay hơn không?”
Một ngày thứ Bảy nóng bức cuối tháng Chín, những cánh đồng bông đã bị đốn sạch trơn, bố mang về nhà một chiếc tivi màu RCA. Bố chuyển chiếc tivi đen trắng xuống bếp. Miệng cười rạng rỡ đầy tự hào, ông cắm phích nối tivi mới lên tường phòng nghỉ. Những âm thanh râm ran từ trận đấu giữa hai đội bóng trường Ole Miss và trường LSU vang khắp nhà suốt buổi chiều hôm ấy.
Dĩ nhiên, mẹ cũng ôm riết lấy chiếc tivi màu, mắt chữ o mồm chữ a vì những m màu xanh xanh đỏ đỏ sặc sỡ của đội bóng. Mẹ và bố đều sống chết vì đội Rebel. Mẹ mặc một chiếc quần vải bông màu đỏ dù trời đang nóng chảy mỡ và phủ tấm chăn Kappa Alpha cũ của bố lên lưng ghế tựa. Không còn ai đả động đến James Meredith, anh sinh viên da màu người ta vừa cho vào trường.
Tôi lấy chiếc Cadillac và chạy vào thị trấn. Mẹ không tài nào hiểu nổi tại sao tôi lại không muốn xem các bạn học cùng trường chạy loanh quanh để đuổi theo một quả bóng. Nhưng Elizabeth cùng cả gia đình đang ở nhà Hilly xem đấu bóng, vậy nên Aibileen chỉ làm việc ở nhà có một mình. Tôi hy vọng sẽ dễ cho Aibileen hơn nếu không có Elizabeth ở nhà. Song sự thực là, tôi hy vọng bác ấy sẽ nói cho tôi biết điều gì đó, bất kỳ điều gì, về Constantine.
Aibileen mở cửa và tôi theo bác ấy vào bếp. Dường như bác ấy chỉ thoải mái hơn một chút xíu trong ngôi nhà vắng tanh của Elizabeth. Bác ấy liếc mắt nhìn bàn bếp, như thể hôm nay bác muốn được ngồi. Song khi tôi hỏi, bác lại đáp, “Không cần đâu. Cô cứ ngồi đi.” Bác ấy nhặt một quả cà chua trong chảo rồi cầm dao bắt đầu gọt vỏ.
Thế là tôi nghiêng người tì lên mặt quầy và trình bày bài toán hóc búa mới nhất: làm sao để ngăn bọn chó bới thùng rác đặt bên ngoài căn nhà của bạn. Vì lão chồng lười nhác của bạn quên mang thùng rác ra đúng ngày có xe đi gom. Cũng bởi lão còn tối ngày say sưa bia bọt.
“Cứ đổ ít nước dải vào thùng rác. Lũ chó ngửi thấy là bỏ đi ngay.” Tôi vội vã ghi lại, sửa thành chữ giải, và mở lá thư tiếp theo. Khi tôi ngước lên, Aibileen dường như đang nhìn tôi cười cười.
“Tôi chẳng có ý gì báng bổ đâu, cô Skeeter ạ, nhưng... cô chẳng biết tí gì về nội trợ, ấy thế mà lại đóng vai cô Myrna mới, chẳng kỳ lắm sao?”
Bác ấy không nói bằng giọng điệu của mẹ tôi cách đây một tháng. Tôi bỗng thấy mình bật cười thành tiếng, và tôi kể với bác ấy điều tôi chưa từng kể với ai, về những cuộc điện thoại và bản lý lịch trích ngang tôi đã gửi đến Harper & Row. Chuyện tôi muốn trở thành một nhà văn. Lời khuyên tôi nhận được từ Elaine Stein. Cảm giác được kể lể mọi chuyện với ai đó thật dễ chịu biết mấy.
Aibileen gật gù, tay đưa dao vòng quanh một quả cà chua đỏ ối mềm mại khác. “Thằng Treelore con tôi ấy, nó thích viết lắm.”
“Tôi không biết vú có con trai đấy.”
“Nó mất rồi. Từ hai năm trước.
“Ôi, tôi rất tiếc,” tôi nói, trong chốc lát, căn phòng chỉ còn tiếng Cha Green, tiếng vỏ cà chua rơi nhẹ trên bồn rửa.
“Bài kiểm tra tiếng Anh nào nó cũng được điểm A hết. Về sau lớn lớn một tí, nó mua một cái máy chữ rồi bắt đầu lên ý tưởng...” Dải dây vai cài ghim của chiếc áo đồng phục bác ấy mặc hơi chùng xuống. “Nó bảo nó sẽ viết một cuốn sách.”
“Y tưởng như thế nào?” Tôi hỏi. “Y tôi là, nếu vú không ngại...”
Một lúc lâu Aibileen chẳng nói năng gì. Chỉ cặm cụi gọt cà chua. “Nó bảo tên sách là Người vô hình. Đặt xong tên, nó nói nó sẽ viết để kể chuyện của một người da màu làm việc cho một ông chủ da trắng dưới Missỉssippi này.” Tôi nhìn lảng đi chỗ khác, tôi biết nếu là mẹ, mẹ sẽ dừng ngay cuộc nói chuyện ở đây. Mẹ sẽ cười và chuyển sang chủ đề tiền công đánh bóng đồ bạc hay giá gạo trắng.
“Tôi cũng đọc Người vô hình rồi, ngay sau khi nó viết xong,” Aibileen tiếp. “Tôi thích lắm.”
Tôi gật đầu, mặc dù chưa được đọc cuốn sách ấy. Tôi không ngờ Aibileen lại thích đọc sách.
“Nó viết được gần năm chục trang rồi,” bác ấy nói. “Tôi đưa con bé Frances, người yêu nó, giữ hết.”
Aibileen ngừng tay dao. Tôi thấy cổ họng bác ấy chuyển động khi bác ấy nuốt nước bọt. “Xin cô đừng nói cho ai biết,” bác ấy thì thầm, giọng càng khẽ hơn, “rằng nó muốn viết về ông chủ da trắng của nó.” Aibileen cắn môi, tôi sững người nhận ra bác vẫn lo sợ cho con. Dù cậu ấy đã chết, bản năng bảo vệ con vẫn không vì thế mà mất đi.
“Aibileen, vú kể cho tôi thì không có vấn đề gì đâu. Tôi nghĩ đó là... một ý tưởng rất dũng cảm.”
Aibileen níu lấy ánh nhìn của tôi một lúc. Rồi bác nhặt một quả cà chua khác lên và đưa dao kề lên vỏ. Tôi dõi theo, chờ dòng nước quả đỏ chảy xuống. Song Aibileen dừng cắt, mắt liếc ra cửa bếp.
“Tôi không nghĩ như thế là công bằng, chuyện cô không biết những gì đã xảy ra với Constantine ấy. Tôi... tôi xin lỗi, tôi thấy thật không hay nếu kể cho cô.”
Tôi im lặng, không hiểu cái gì đã thôi thúc bác ấy nói ra, nhưng tôi không muốn phá hỏng cơ hội này.
“Nhưng tôi cứ nói vậy, chuyện liên quan đến con gái chị ấy. Nó đến gặp mẹ cô.”
“Con gái ư? Constantine chưa bao giờ kể với tôi là bác ấy có con gái cả.” Tôi đã biết Constantine suốt hai mươi ba năm trời. Tại sao bác ấy lại giấu tôi chuyện này?
“Chị ấy có cái khó riêng. Lúc đẻ ra con bé... nhợt nhạt lắm.”
Người tôi cứng đơlại, tôi chợt nhớ những gì Constantine từng nói với mình từ nhiều năm trước. “Ý vú là da nó sáng lắm à? Màu... trắng phải không?”
Aibileen gật đầu, tay vẫn không ngơi gọt. “Chị ấy phải gửi nó đi chỗ khác, hình như lên miền Bắc thì phải.”
“Bố Constantine là người da trắng,” tôi nói. “Ôi... Aibileen... vú có nghĩ là...” Một ý nghĩ xấu xa vụt qua đầu. Tôi quá sốc, không thể nói hết câu.
Aibileen lắc đầu. “Không không, thua cô. Không... phải thế đâu. Chồng Constantine, ông Connor ấy, là người da màu. Nhưng vì trong máu Constantine còn có máu của bố chị ấy, nên đứa con sinh ra có nước da hanh vàng. Chuyện đó... có xảy ra đấy.”
Tôi thấy xấu hổ vì đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Thế nhưng, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi. “Sao Constantine chưa bao giờ nói cho tôi biết?” Tôi hỏi, dù không thực lòng chờ được trả lời. “Tại sao bác ấy lại giấu con đi?”
Aibileen gục gặc đầu, như thể hiểu hết. Nhưng tôi thì không. “Tôi chưa bao giờ thấy chị ấy khổ sở như thế. Constantine đã nói phải đến hàng trăm hàng nghìn lần, rằng chị ấy không thể chờ tới ngày được đưa nó về.”
“Vú nói đứa con gái ấy có liên quan đến việc Constantine bị đuổi à? Chuyện gì đã xảy ra?”
Nghe thế, mặt Aibileen đột nhiên lạnh tanh. Tấm màn đã được vén lên. Bác ấy hất đầu về phía đống thư gửi cho cô Myrna, nói rằng đó là tất cả những gì bác ấy chịu tiết lộ. Chí ít là trong thời điểm này.
CHIỀU HÔM ĐÓ, tôi ghé qua bữa tiệc bóng bầu dục ở nhà Hilly. Cả dãy phố chật kín những con xe kiểu nhà ga và xe Buick dài nằm nối đuôi nhau. Tôi phải ép mình bước qua cửa. Tôi biết trong đám này mình là người độc thân duy nhất. Trong nhà, phòng khách đông nghẹt các cặp vợ chồng ngồi kín những ghế sofa, đing và cả tay ghế. Các bà vợ ngồi thẳng lưng, chân bắt chéo, trong khi các đức ông chồng chồm hẳn người về phía trước. Mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc tivi ốp gỗ. Tôi đứng phía sau, đáp lại những nụ cười, những lời chào khe khẽ. Cả căn phòng im ắng, chỉ còn tiếng của bình luận viên.
“Whooooooa!” Tất cả đồng loạt vung tay hú hét ầm ĩ, cánh phụ nữ đứng bật dậy, vỗ tay như điên. Tôi cắn móng tay.
“Có thế chứ, Rebel! Cho bọn Tiger ăn bùn đi!”
“Cố lên, Rebel!” Mary Frances Truly gào lên, cô ta nhảy tưng tưng trong chiếc áo len bộ. Tôi nhìn xuống móng tay mình, một mảng da nhỏ xíu đã bong ra, màu hồng hồng và hơi ngứa. Cả phòng sực lên mùi rượu whisky cùng len đỏ và nhẫn kim cương. Tôi không hiểu cánh phụ nữ có thực quan tâm đến bóng bầu dục không, hay họ chỉ làm bộ như vậy để gây ấn tượng với các đức ông chồng. Suốt bốn tháng sinh hoạt trong Hội phụ nữ, tôi chưa từng nghe một cô gái nào hỏi, “Đội Reb thế nào?”
Tôi lần đường len qua vài cặp vợ chồng bằng những câu chuyện gẫu cho đến khi thoát ra được nhà bếp. Yule May, cô giúp việc của Hilly, người cao, gầy, đang quấn lớp áo bột quanh những cây xúc xích nhỏ xíu. Một cô gái da màu khác, trẻ hơn, đứng rửa bát đĩa trước bồn nước. Hilly vẫy tay gọi tôi lại, cô đang ngồi nói chuyện với Deena Doran.
“...đây là cái bánh nho ngon nhất tôi từng được nếm đấy! Deena, chị đúng là đầu bếp cừ nhất Hội!” Hilly đút tọt mẩu bánh còn lại vào mồm, vừa gật gù vừa ầm ừ trong họng.
“Ôi, cảm ơn Hilly, bánh này làm khó lắm, nhưng tôi nghĩ cũng bõ công.” Deena cười rạng rỡ, nom chị ta gần như phát khóc trước lời khen ngợi của Hilly.
“Vậy là chị nhận làm rồi phải không? Ôi, tôi mừng quá. Gian hàng bánh rất cần một người như chị đấy.”
“Vậy chị cần bao nhiêu chiếc?”
“Năm trăm, phải xong trước chiều mai.”
Nụ cười trên mặt Deena cứng đơ lại “Thế cũng được. Có lẽ... tôi làm cả đêm nay sẽ kịp.”
“Skeeter, cậu đến rồi à,” Hilly chào, còn Deena lững thững ra khỏi bếp.
“Tớ không ở lâu được đâu,” tôi nói, có phần hơi gấp gáp. “À, tớ vừa mới biết tin.” Hilly mỉm cười tinh quái. “Lần này chú ấy đến. Ba tuần nữa kể từ hôm nay.” Tôi nhìn những ngón tay dài của Yule May ấn mũi dao lên vỏ bột và thở dài. Tôi thừa biết Hilly đang nhắc đến ai. “Tớ chẳng biết nữa, Hilly ạ. Cậu đã cố bao nhiêu lần rồi còn gì. Có khi đấy là điềm báo cũng nên.” Tháng trước, khi anh ta hủy hẹn ngay trước ngày gặp mặt, thực ra tôi đã tự cho phép mình hồi hộp chút đỉnh. Tôi thật không muốn phải trải qua cảm giác ấy một lần nữa.
“Cái gì? Sao cậu dám ăn nói thế hả.”
“Hilly,” tôi nghiến răng, đã đến lúc nói toẹt ra rồi đây, “Cậu thừa biết tớ không phải là mẫu người anh ta thích.”
“Nhìn tớ đây này,” cô nói. Và tôi ngoan ngoãn làm theo. Vì tất cả chúng tôi luôn tuân lệnh Hilly răm rắp.
“Hilly, cậu không ép được tớ đâu...”
“Skeeter, đây là thời cơ của cậu.” Cô vươn tới siết chặt tay tôi, ấn ngón cái cùng những ngón tay khác xuống rất mạnh, y như Constantine từng làm trước kia. “Đến lượt cậu rồi. Mẹ kiếp, tớ sẽ không để cậu đánh mất cơ hội này chỉ vì mẹ cậu đã nhồi vào đầu cậu cái ý nghĩ rằng cậu không xứng với một người như chú ấy.”
Tôi rùng mình vì những lời lẽ vừa quyết liệt, vừa chân thành đó. Thế nhưng, tôi không khỏi sửng sốt trước cô bạn, bởi niềm tin bền bỉ cô dành cho tôi. Hilly và tôi luôn thành thật với nhau, kể từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Với những người khác, Hilly chẳng ngại phun ra toàn những lời dối trá, hào phóng không khác gì các tín đồ giáo hội Trưởng lão sa vào vòng tội lỗi, song có lẽ chính thỏa thuận ngầm giữa hai đứa, sự trung thực nghiêm cẩn ấy, là điều duy nhất gìn giữ mối dây tình bạn của chúng tôi.
Elizabeth bước vào bếp, tay bưng một chiếc đĩa không. Cô ấy mỉm cười, rồi dừng lại, và ba người chúng tôi nhìn nhau.
“Có chuyện gì thế?” Elizabeth nói. Tôi có thể đoán được cô ấy đang nghĩ rằng chúng tôi vừa nói gì về cô ấy.
“Vậy ba tuần nữa nhé?” Hilly hỏi tôi. “Cậu đi nhé?”
“Ôi phải rồi! Cậu nhất định phải đi đấy nhé!” Elizabeth kêu lên.
Tôi nhìn khuôn mặt rạng rỡ của họ, nhìn niềm hy vọng họ dành cho tôi. Không giống kiểu quan tâm phiền toái của mẹ, đó là một niềm hy vọng trong sáng, không ràng buộc, không đau đớn. Tôi căm ghét cái ý nghĩ hai cô bạn dám tự tiện bàn luận chuyện đó, chuyện số ph của tôi, sau lưng tôi. Tôi ghét nó biết mấy, và cũng yêu nó biết mấy.
TÔI QUAY VỀ nhà trước khi trận đấu kết thúc. Bên ngoài ô cửa sổ chiếc Cadillac, những cánh đồng nom trơ trụi và cháy xém. Bố đã thu hoạch xong những khoảnh bông cuối cùng từ mấy tuần trước đây, song hai bên vệ đường vẫn trắng tinh như có tuyết phủ bởi vô số sợi bông còn vương trong cỏ. Từng đám tơ bay lơ lửng trong gió.
Từ trong ghế lái, tôi vươn tay ra mở hộp thư. Trong hộp có một quyển Niên giám của nhà nông cùng một lá thư. Thư gủi từ Harper & Row. Tôi đánh xe vào ngõ, rồi cài số dừng. Lá thư được viết tay, trên một miếng giấy nhỏ vuông vức.
Cô Phelan,
Chắc chắn cô vẫn có thể trau dồi kỹ năng viết của mình với những đề tài tẻ nhạt, hời hợt như lái xe khi say rượu và mù chữ. Tuy nhiên, tôi hy vọng cô sẽ chọn những vấn đề thực sự mới lạ. Hãy chịu khó tìm tòi thêm. Chừng nào tìm ra thứ gì thật độc đáo, cô hãy viết thư cho tôi.
Tôi đi qua mẹ trong phòng khách, hoàn toàn không nhìn thẩy Pascagoula phủi bụi những bức tranh treo dọc hành lang, rồi leo lên những bậc thang dốc đứng độc địa dẫn đến phòng mình. Mặt tôi nóng bừng bừng. Tôi cố nén những giọt nước mắt tủi thân trước lá thư của bà Stein, gắng sức tự trấn an bản thân. Nhưng tệ nhất là tôi chẳng còn ý tưởng nào khả dĩ hơn cả.
Tôi vùi mình vào bài viết nội trợ cho số tiếp theo, rồi đến tờ báo của Hội. Tuần thứ hai liên tiếp tôi bỏ qua sáng kiến của Hilly. Một tiếng sau, tôi bỗng thấy mình nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Quyển sách Hãy tôn vinh những con người vĩ đại nằm im trên bậu cửa. Tôi bước tới và cầm nó lên, sợ rằng ánh nắng sẽ làm bạc màu lớp giấy bao ngoài, phá hỏng tấm ảnh đen trắng chụp hình một gia đình nghèo và khắc khổ in trên bìa. Cuốn sách nặng và ấm sực hơi nắng. Tôi không biết liệu rằng cả đời này mình có thể viết được thứ gì ra hồn không. Đột nhiên có tiếng Pascagoula gõ lên cửa phòng, tôi bèn quay lại. Đúng khoảnh khắc ấy, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi.
Không. Mình không thể. Thế là... đi quá giới hạn.
Song ý tưởng tự biến đi.
AIBILEEN