"Dân Thanh Hoá ăn rau má phá đường tàu". Mới đầu tôi cứ tưởng chỉ mỗi Thanh Hoá nhà ta mới ăn rau má, sau này vào Nam, thấy hàng giải khát bày bán nước sinh tố rau má, tôi cứ ngạc nhiên.Năm học thứ tư chúng tôi về thực tập ở một huyện đầu tỉnh Hải Hưng, giáp ngay Hà Nội, huyện Mỹ Văn bây giờ, hình như tên xã đó có nghĩa là con đường vui. Tôi không nhớ tên ông chủ nhà lũ sinh viên chúng tôi trọ. Nhà có ông, bà chủ và bà mẹ già, họ đều cao tuổi. Bà mẹ khoảng gần tám mươi, cụ bị ốm đau gì đó, suốt ngày nằm trong buồng. Trọ, song sinh viên chỉ ngủ, còn ăn uống, thì hợp tác lo, làm thôn nào, ăn cơm thôn đó. Khoảng trưa, hay chiều tối, chúng tôi mới về nhà trọ. Những lúc về nhà trọ, tôi đều thấy ông chủ lóc cóc băm đám rau. Ông ta băm kỹ càng lắm và cũng chỉ có một nhúm rau thôi. Tiếng băm canh cách, đều đặn. Tôi dân ăo gạo sổ, nhà không chăn nuôi lợn bao giờ, nhưng nay học nghề liên quan đến lợn gà, nên nay cũng biết chút kiến thức dinh dưỡng cho gia súc. Thấy cảnh ông già cần mẫn băm rau lợn, ngạc nhiên, tôi hỏi anh bạn lớp trưởng Ký, người cùng nhóm thực tập:- Ông này, tôi thấy lạ, trưa, chiều nào ông chủ cũng chí chát băm rau lợn. Rau lợn gì phải băm kỹ thế, lại chỉ có một nhúm? - Lợn đâu mà lợn! Băm cho người ăn đấy! Băm rau má để ghế vào cơm.- Ăn rau má? Độn rau má?- Chứ còn gì nữa! Không biết à? Ngày nào ông ta chẳng băm. Để độn rau má, người ta phải băm kỹ. Cơm sắp cạn, thì ghế vào. Đói, dân ở đây đói lắm!Đến lúc này tôi mới ngẫm ra. Làng quê hiu hắt, gia đình chúng tôi trọ còn hiu hắt hơn, như nhà hoang. Tôi cứ tưởng tượng, căn nhà này như ngôi nhà trong một truyện ngắn Quái dị của Nam Cao. Trừ lúc lũ sinh viên có mặt, thì có tiếng người, còn tịnh không nghe thấy một âm thanh nào, ngoại trừ tiếng húng hắng ho của bà già ốm trong buồng vọng ra và tiếng lách cách băm rau má độn cơm của ông chủ. Đến tiếng chó sủa, mèo kêu cũng không.Trong khi dân đói, thì cơm tiếp sinh viên bữa nào cũng thịt cá ê hề. Chúng tôi về thực tập ở đây theo hợp đồng của nhà trường với các hợp tác xã trong huyện để chăm sóc sức khoẻ đàn trâu bò tập thể. Hợp đồng là dạng manh nha kế hoạch ba, làm ăn kinh tế, đổi mới sau này. Công việc gồm hai phần: Trước hết là tiếp nước đường cho trâu và sau khi vực sức khoẻ chúng lên, sẽ tiến hành thẩm mỹ - tức vá mũi. Con trâu hai ba tạ, tiếp mấy chục gam đường glucô, khoẻ mạnh lên thế nào được, ngang bằng voi uống thuốc gió! Đám trâu bò còn bị lũ sinh viên chưa quen tay tìm ven, dùng xơ ranh đâm chọc cho, máu vãi ra hàng bát. Ngay buổi đầu tiên, kiểm tra số lượng trâu bò của hợp tác xã cấp cao toàn xã, chủ nhiệm thông báo: bảy thôn còn tất cả mười lăm con trâu. Bao năm quản lý chặt chẽ, muốn giết trâu, phải đơn từ trình lên tận chủ tịch huyện, vậy mà trâu bò cả xã còn mười lăm con. Đói, rét và vất vả cày kéo ruộng đất tập thể, chúng chết hết mất rồi. Sinh viên hỏi, thế thì lấy sức kéo ở đâu, ông chủ nhiệm thở dài, thiếu đấy, thôi thì lấy sức người ra cày cuốc ba trăm ha ruộng đất của hợp tác.Sau khi bàn bạc, nhóm sinh viên đưa ra phương án, với số lượng trâu bò trên, chỉ tập trung làm độ dăm hôm là xong. Xong việc, tất cả về thăm nhà. Tâm lý sinh viên, ai chẳng thích tranh thủ biến về quê vài hôm. Vừa nghe vậy, ông chủ nhiệm giãy nảy: Sao chỉ dăm hôm. Lên kế hoạch rồi, phải đủ mười hôm. Nói xong, ông ta đọc luôn, chi tiết từng ngày, từng thôn và giơ bản kế hoạch có chữ ký cùng dấu đóng đỏ chót, nhấn mạnh, Uỷ ban xã duyệt rồi đây này.Con trâu là đầu cơ nghiệp, bao đời nay có câu ca vậy. Chỉ đến khi bước vào thời kỳ làm ăn tập thể, con trâu chẳng còn là đầu cơ nghiệp của riêng nhà nông nào nữa. Nó là cơ nghiệp chung, toàn dân cùng giữ. Sau biết bao lý luận và giáo dục về tinh thần làm chủ tập thể, nó sinh ra cái thứ tinh thần làm chủ: tôi nghĩ anh giữ, anh nghĩ chị giữ, chị lại nghĩ ông thôn bên giữ, ông thôn bên nghĩ bà xã bên giữ, để cuối cùng, ai cũng nghĩ ai giữ. Trâu cười, chắc chỉ có trong truyện tiếu lâm. Thế mà dưới thời hợp tác, lũ trâu toàn toe toét cười. Của chung, nên ai cũng thẳng tay giật kéo. Cái mũi bằng thịt, không chịu nổi, toác ra thành cười. Vụ con trâu ở thôn đầu tiên chúng tôi chăm sóc, ông chủ dắt ra. Con trâu đã gầy, ông chủ còn khẳng khiu hơn. Ông này tính vui nhộn, vừa dắt trâu ra, vừa oang oang nói với nó, nói với trâu mà như nói với người:- Sung sướng nhé! Chuyến này mày được xã hội quan tâm, chăm sóc sức khoẻ đấy! Được tiếp cả nước đường nữa. Đến như vợ tao là người, ốm đận phải khênh lên nhà thương huyện, mới được tiếp chai nước đường. Báo cho mày biết, các cô chú sinh viên còn đem mũi mày ra đẽo, cho mày đẹp. Lúc ấy, không còn kiểu khinh mạn, cười nhạo chúng tao nữa!Rồi ông tiếp:- Sao mày cứ nghểnh mặt lên cười? Mày có biết kế hoạch tiếp khách không? Còn cười nữa, ông đề nghị cho mày vào kế hoạch tiếp khách, thì rồi đời con ạ!Ông ta nói, còn lũ sinh viên cười rinh rích. Mới đầu nghe ông nông dân doạ dẫm con trâu về kế hoạch tiếp khách, tôi không rõ ông ta nói gì, sau đó mới hay kế hoạch đó là gì.Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, thì phát hiện ra lửa, ra chữ viết, rồi dùng tiền thanh toán là văn minh của nhân loại. Các phát kiến này, đôi lúc người ta lại bỏ đi, không dùng nữa. Như cái xã tôi đến thực tập, họ sáng tạo ra vật trung gian thanh toán là chó, gà, lợn, thóc. Một cân lợn hơi bằng sáu cân thóc, một cân gà hơi bằng ba cân lợn hơi, một cân chó hơi bằng ba cân lợn hơi, một cân chó hơi bằng mười tám cân thóc. Đấy là công thức hợp tác xã áp dụng tính cho xã viên. Khi nộp sản phẩm chó, gà, lợn, dùng cho các bữa tiếp khách, xã viên ứng trước, không ưng cũng phải nộp. Nếu cần, cán bộ cứ nhảy vào chuồng, vào sân nhà xã viên mà bắt. Đến vụ, hợp tác quy ra thóc, trả. Tất cả tính vào công điểm, chia đều, xã viên cùng đóng góp. Công bằng, dân chủ, phát huy được tính quần chúng, mà lại công khai. Anh làm chủ nhiệm đã ba nămBa năm vật lộn với khó khănCái nhà ông chủ nhiệm, nơi chúng tôi đến thực tập, khác với anh chủ nhiệm của nhà thơ Hoàng Trung Thông miêu tả. Ông chủ nhiệm này chỉ bận rộn với kế hoạch bắt chó, giết lợn, bố trí nhà xã viên nấu ăn để tiếp khách. Thảo nào nhà ông chủ tôi trọ, không có tiếng chó sủa, gà kêu. Hợp tác xã lên kế hoạch tiếp chúng tôi rất chi tiết: từng ngày, từng thôn, từng nhà, từng bữa, tiếp bằng lợn, hay chó, bao người ăn, đặc biệt cái vùng này có khoản tiết canh chó, tiết đỏ lòm, ăn mát và bổ! Có tất cả năm khách sinh viên, mà hằng ngày hợp tác xã bố trí tới ba mươi cán bộ tiếp đón. Thành phần chủ nhà gồm: đại diện đảng uỷ, uỷ ban, xã đội, an ninh, hội phụ nữ, mặt trận, thanh niên, y tế, người cao tuổi,.... Riêng ông chủ tịch xã tiếp khách từ tờ mờ sớm. Ông này rất ưa khoản tiết canh và đôi bầu dục chần tái. Khi sáng con lợn vừa được ngả ra, trước khi ra trực Ủy ban nhân dân, ông chủ tịch tạt vào, xơi trước bát tiết canh và đôi bầu dục chần, cùng dăm chén rượu nhạt.Sáng đó chúng tôi chăm sóc sức khoẻ cho một con trâu. Con này yếu qúa, anh em tiếp nước lại nhanh, nên nó xốc. Sinh viên phải hồi sức cấp cứu mãi, tiêm mấy xơ ranh ca-phê-in, nó mới tinh tỉnh. Mãi mười một rưỡi mới xong việc, chúng tôi kéo tới nhà một xã viên, hợp tác bố trí nấu nướng tiếp đoàn bữa trưa. Khi tới nơi, chỉ còn mâm cơm phần sinh viên bày ở chiếc chiếu góc nhà. Đợi khách lâu quá, các mâm khác, chủ nhà đành tiếp trước hết rồi. Nhìn thấy mâm bát còn vương vãi, lũ trẻ ba, bốn đứa con nhà chủ đang mút mát xương và húp canh dở các mâm. Mò mề xương xẩu đồ thừa xong, lũ trẻ quay ra ngắm nghía đám sinh viên ăn. Nhìn lũ trẻ xanh xao, đứa thò lò mũi, đứa bụng ỏng chăm chắm nhìn, tôi không nuốt nổi. Chả ai bảo ai, lũ sinh viên vội ăn cho nhanh và bỏ lại gần nửa mâm, để đám trẻ còn có cái hôi tát.Ăn xong, chủ nhà mời khách xuống nhà ngang. Bước vào nhà, thấy đủ văn võ bá quan đoàn thể, họ đang quây quần quanh mấy chiếu bạc. Mặt mũi ông nào ông ấy đỏ gay vì bữa rượu, họ mới tiếp khách sinh viên. Dịp ấy là vào khoảng giữa năm 1984.