CHƯƠNG VI - 43
Tao không ăn cướp

Ta bây giờ có cả một uỷ ban chống tham nhũng. Như thế quá đúng. Chuyện tham nhũng, hối lộ, không phải ở ta, mà ở Tây, Tàu đều có tuốt. Không chỉ bây giờ, mà tham nhũng, hối lộ xảy ra từ cổ chí kim. Câu chuyện xưa có ông quan tuổi Tý, đến khi về hưu, bà vợ đem con chuột bằng bạc người ta hối lộ bà trước đây, kể với chồng. Ông chồng cứ tiếc, ông trách sao bà không khai ông tuổi trâu. Ai trong chúng ta chẳng từng nghe chuyện đó.
Tham nhũng, tham ô là xấu.
Lại kể về ông chú hiệu trưởng của tôi. Ông là người có tiếng liêm khiết, sống khá ngang. Ngang tới mức, người ta kèm thêm tên ông chức Chánh mà gọi. Mấy năm tôi sống ở nhà ông. Sống gần, nên tính tình ông tôi khá rõ. Ông thường nói với cháu con:
Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o!
Ă cơm thịt bò thì lo ngay ngáy!
Bài học đạo đức của ông với con cháu đơn giản quá. Song học được, thì hơi khó. Ăn cơm thịt ngon hơn chứ!
Một lần, ông giúp ai việc gì đó, sau người ta mang túi quà đến nhà biếu cho bà vợ. Bà đem chuyện kể với chồng. Nghe vậy, ông quắc mắt bảo:
- Không biết! Bà đem trả ngay người ta.
Bà vợ vừa tiếc của, vừa bực mình, vừa bị trận chồng xỉ vả, vẫn phải cum cúp mang quà đi trả. Cái vụ ấy tôi cứ tiếc, nghĩ, giá như bà ỉm đi, ông chồng đâu biết. Dù sao ông đã giúp người ta, việc xong rồi.
Một năm vào dịp tết Nguyên Đán, quãng hai tám, hai chín. Vợ chồng và con cái chú thím tôi đã về quê ăn tết, chỉ mình tôi còn ở lại. Tôi đang dở công việc, về sau. Sáng hăm chín đang ngon giấc, thì bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa đùm đụp. Choàng tỉnh, tôi hoảng hốt tưởng có việc cướp.
Trời còn tối, lại nghe tiếng người ngoài hành lang, không vội mở cửa, tôi cẩn thận bật điện ngoài hành lang lên. Bên ngoài thấy có người đang đứng. Ông ta ngập ngừng hỏi chú thím tôi. Biết họ đã về quê, khách vẫn nhờ tôi mở cửa cho ông vào. Nhìn chỉ có mình ông, lại thấy người chân chất, tôi đành mở cửa.
Ông khách xách theo chiếc bu gà, bên trong có con gà trống to tướng, đến hai cân rưỡi. Ông trình bày mình có con gà quê, tết đến biếu chú thím tôi. Tôi đâm lúng túng, không biết xử lý ra sao, đành bảo sau tết, chú thím tôi lên, ông quay lại mà biếu gà quê. Đun đẩy mãi, cuối cùng, trước lời nài nỉ của ông, nể quá, tôi đành nhận chiếc bu gà quà biếu.
Trao con gà xong, ông khách cũng vội ra bến, đón xe về quê ăn Tết. Nhận quà, nghĩ lại, tôi thấy lo lo, ông chú có chịu nhận quà hối lộ không, song tặc lưỡi, thôi Tết lên hẵng hay. Đặt bu gà vào nhà tắm, chuẩn bị cho nó bát cơm, chậu nước, tôi còn cẩn thận đè lên chiếc thớt.
Mùng ba tết tôi mới lên. Vừa tới hành lang, bà thím chặn lại thì thầm, chú mày đang hỏi con gà đấy. Liệu mà ăn nói với ông ấy. Tôi biết ăn nói sao đây. Đúng là quà biếu, đúng của hối lộ rồi, thôi thì cứ đành sự thật, nào cháu có biết họ là ai đâu, chuyện lại xảy ra vào tờ mờ sớm, cháu nửa thức nửa ngủ, ông khách thì vật nài là gà quê… Nghe cháu trình bày một hồi, ông chú lặng thinh, mặt khó đăm đăm. Bà thím dàn hoà, thôi, bây giờ biết trả ai. Nghe vợ nói vậy, ông chú chỉ còn biết trút bực lên vợ:
- Bà thì…
Chiều ấy hai thím cháu tôi hì hụi thịt con gà. Lúc dọn cơm ra, tôi lấy chai rượu vừa mang từ quê lên. Rót rượu cho chú, rót rượu cho mình, tôi vẫn hãi, ngấm ngầm quan sát ông chú. Lúc này thái độ của ông không còn khó đăm đăm nữa. Trong bữa ăn, tôi thỉnh thoảng thấy ông cũng gắp thức ăn, lúc miếng gà luộc, lúc miếng lòng xào, nhưng không thấy ông chú khen thịt gà ngon. Thôi thì nó cũng là prôtít. Dù là prôtít gà hối lộ, hay prôtít gà nhà mình nuôi, nó có tội tình chi mà ghét bỏ, không ăn nó!
Năm về hưu rồi, ông gọi khách bán căn hộ tập thể để xây nhà. Trước đó ông tụ tập mấy đứa cháu. Trong bữa ăn, ông nói ý định sẽ xây nhà và tham khảo các cháu. Ông giáo trước mức đầu tư căn nhà, nó vừa bằng số tiền sẽ rao bán căn hộ.
Lũ cháu được chú hỏi ý kiến, nhao nhao đóng góp. Đứa thì bảo xây kiểu thế này, vật liệu thế kia, toàn loại xịn. Cứ theo các cháu, mức đầu tư tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi số tiền căn hộ sẽ rao bán. Nghe các cháu góp bàn, ông chú lắc đầu. Các cháu thuyết phục, tiền ít như vậy, nhà sẽ lom nhom lắm. Mặc các cháu thuyết phục, ông vẫn bảo lưu ý kiến. Thấy vậy, tôi gặng hỏi:
- Thế nhà chú không còn khoản nào nữa ư?
- Không!
Ơ hay thật đấy! Trong thâm tâm từ lâu vẫn biết, ông là người bôn, nhưng giữ thì giữ chứ, làm gì mấy chục năm hiệu trưởng, đầu tư bao công trình, chả lẽ ông không chấm mút được tý gì. Chỉ cần cái phết phẩy phần trăm, phần ngàn thôi, là có khoản vài trăm triệu giắt túi. Giờ về hưu rồi, còn sợ gì nữa, mà giữ tiếng. Tôi đánh bạo:
- Thế… chả lẽ trước đây, chú không…
Nghe cháu nói vậy, ông quắc mắt:
- Không, không làm sao. Mày bảo tao không ăn cướp được phải không?
Ông chú tôi chắc lại ám ảnh sợ câu: Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan, nên làm quan, ông đã không dám ăn cướp ư?
Chú tôi sống khác người, đó là việc riêng của ông ấy. Tại khu tập thể trường, ông hiệu trưởng ở gian phòng cấp bốn, nằm tít góc cuối trường, rộng hơn chục mét vuông. Hết giờ làm, chú tôi thú nhất chơi bóng chuyền, về đến phòng riêng là không muốn gặp gỡ ai, nhất là phụ huynh và đám học sinh.
Chắc ông nghĩ, phụ huynh, học sinh tới thăm, tình cảm thì ít, mà mang quà biếu là nhiều, nên ông chủ động nuôi con chó lai rất to. Ông đặt cho nó một cái tên Tây và rất yêu quý nó. Con chó thường được thả luẩn quẩn trước sân nhà. Nhiệm vụ của nó là ngày ăn mấy bát cơm và nhìn thấy ai bén mảng đến gần nhà là sủa và xô ra cắn.
Con chó dữ lắm, bất kể ai, nếu không có mặt chủ, là cắn liền. Nhà người ta như vậy, đi biếu quà, chẳng lẽ khách cứ réo to, gọi chủ thì lộ ráo, mà liều mình vào, không thoát nổi con chó dữ dằn kia, nó chắc sẽ căn đau. Biện pháp của ông xem ra rất hiệu nghiệm.
Người ta bảo chó nó cũng biết chọn người mà cắn, những người sang, thì nó nhằn ra. Đằng này con chó kia rất ngu, khách nghèo, sang nó cắn tuốt. Một hôm, ông chủ tịch tỉnh miền Trung đến thăm ông chú tôi. Lý do là đứa con ông vừa được nhận vào trường. Nhân chuyến công tác ra Hà Nội, để biểu thị lòng biết ơn ông hiệu trưởng, ông chủ tịch tỉnh tạt vào thăm. Khi đi, ông không quên mang gói quà to tướng.
Chiếc xe con đẹp xịch đỗ giữa sân trường, ông chủ tịch ngỗn nghện xách gói quà vào nhà ông hiệu trưởng. Đã là chủ tịch, mà lại chủ tịch tỉnh, còn sợ ai. Ông có đâu ngờ, đón tiếp ông là con chó lai to. Không biết ông là ai, gói quà giá trị đến đâu, vừa thấy người nghênh ngang bước về phía nhà chủ nó, con chó xồ ra, xơi luôn cho ông khách kia một miếng. Chó cắn, lại chó to, ai chẳng đau, chẳng hoảng. Mãi đến khi chủ nhà ra quát, nó mới chịu buông ông chủ tịch tỉnh ra.
Xin lỗi rối rít khách, ông chú tôi mời vội khách lên văn phòng, lại còn thông báo mấy cán bộ trong trường cùng tiếp. Tiếp đón đông vui, công khai thế, ông chủ tịch tỉnh khó mà biểu thị được tấm lòng riêng. Chẳng lẽ đi biếu quà, con chó đã làm ầm lên, rồi chủ đưa ra công đường, có mấy người cùng tiếp, khách chả tiện chuyện biếu xén.