CHƯƠNG II - 8
Cha tôi

 Đầu năm 1950, Thái Bình là tỉnh chiến tranh diễn ra ác liệt, ta và địch giằng co nhau từng làng qua mỗi trận càn. Trong một trận giặc càn, cả nhà chạy, riêng cụ nội tôi, vì quá già, ngoài bảy mươi, nên ở lại. Lúc giặc càn tới, chúng mang cụ già ra khảo. Không chịu được đòn, ông cụ chỉ đám của nả gia đình giấu dưới ao. Lũ lính lội xuống, bao nhiều nồi, mâm đồng, bát, đĩa,... chúng vớt lên tiệt. Nhà chạy càn về, hay chuyện, không ai nỡ trách ông cụ. 
Trong bối cảnh ấy, mẹ tôi kể, bận bà sinh con gái đầu, bà bụng mang dạ chửa tháng cuối, vẫn phải chạy giặc. Chửa vượt mặt, chạy càn đâu chỉ vác bụng, bà còn gồng gánh đám của nả: mấy cái nồi, chiếc mâm đồng, ít quần áo,... Tây càn, nghe súng nổ làng này, người ta chạy tránh giặc sang làng khác.
Cuộc sinh nở của bà diễn ra trong một trận chạy càn. Trú nhờ nhà người, một nhà bất kỳ, trong cái làng bất kỳ, bà cũng không nhớ nổi làng ấy là làng nào nữa. Lúc đau đẻ bà dò dẫm ra vườn. Tục quê, người ta kiêng người lạ đẻ trong nhà. May có bà già tốt bụng, làm phúc giúp, không thì mẹ tôi vượt cạn một mình. Sinh ra, chị tôi được cắt rốn bằng chiếc liềm cũ. Bà tự rắc gio lau dọn chỗ mình vừa sinh nở, rồi ra sông giặt giũ. Đẻ xong hôm trước, hôm sau mẹ phải bồng bế con rời làng ấy, tiếng súng Tây càn vọng tới gần.
Chạy càn, đàn ông tách riêng, hoặc xuống hầm bí mật núp. Nếu đã chạy, họ phải chạy trước. Đàn ông mà Tây vớ được, tuổi từ trung niên trở xuống, nếu bị nghi là du kích, thì xơi đòn ốm, còn không, cũng bị bắt lính.
 Đàn bà con gái và người già  thường chạy chung với nhau. Các bà già thì thôi, chứ đám phụ nữ họ phải tự bôi bẩn, làm sao thật nhếch nhác. Một lần không may, mẹ tôi cùng đám đàn bà chạy nhầm vào vùng có Tây. Cả đoàn người sợ sệt, ngồi túm tụm lại một chỗ. Mẹ tôi dù con còn đỏ hỏn, vẫn phải tự làm bẩn - nhổ nước trầu, rắc gio vào váy áo, cả chỗ kín, tóc tai cũng bôi phân trẻ cho nhơ nhớp. Lần ấy lũ Tây đen sấn lại, định bắt gái. Thấy đám đàn bà hôi rình, trẻ con khóc oe oe, chúng mới buông tha.
 Vợ thoát, nhưng một lần khác, chồng bị bắt. Cha tôi bị Tây bắt trong một trận càn vào năm 1952. Ông bị điệu về trại Cầu Bo, sau khi phân loại, chúng tống vào căng Thần Đầu Thần Huống. Người ở trong tù đã khổ, người ở ngoài tù còn khổ hơn. Những ngày nuôi chồng tù là những ngày cơ cực. Mẹ tôi mang theo con nhỏ, ra thị xã Thái Bình, vừa kiếm sống nuôi mình, nuôi con, ngày ngày còn tiếp tế nuôi chồng. Nguồn sống tạm là buôn bán loanh quanh ở chợ thị xã Thái Bình. Cứ vào buổi trưa tan chợ, bà bế con nhỏ, vai khoác bị cơm, chen sát hàng rào trại tù. Chồng trong hàng rào chờ, vợ bên ngoài tìm và ném cơm vào.
Cha tôi lúc bị bắt, đám tù toàn đàn ông. Tây lùa tuốt lên chiếc xe cam nhông. Mấy chục người chồng đống lên nhau, dạt vào góc thùng xe, để lại một khoảng trống cho mấy thằng Tây đen ba vạch hiếp tù. Ở Phi châu, tại một vùng có tục, người ta gây vết thương lên mặt, tạo sẹo - ba vết - nên dân ta quen gọi là Tây Ba Vạch. Những người đàn ông xấu số bị Tây hiếp vào tù một thời gian, thường bị chết. Bởi đói khổ và họ bị bọn Tây ba vạch đổ cho bệnh giang mai, hủi lậu.
Trong trại, người tù phải làm nhiều việc nặng nhọc, kể cả làm cũi giam. Một lần cha tôi cùng đám tù bị xua đi khuân gỗ, gỗ phá từ một ngôi đình. Đốc tù có cả nguỵ binh, lẫn Tây trắng, Tây đen.
Hôm đó có thằng sỹ quan da trắng. Thằng này rất ác, nó luôn vung roi, đánh tù đến toé máu và cứ lăm lăm khẩu súng ngắn, doạ bắn. Thằng này ác quái, ra cái lệnh còn quái ác hơn: Chuyến chuyển gỗ đầu tiên, hai người tù khuân một thanh gỗ lim, chuyến thứ hai bắt tăng lên gấp đôi, chuyến thứ ba tăng nữa. Chỉ một thanh đã nặng, song tù sợ roi và súng, cắn răng mà khiêng. May đến chuyến thứ ba hết gỗ, không hôm đó có tù thiệt mạng.
Căng Thần Đầu Thần Huống có hàng rào và hào nước đào xung quanh. Rác sinh hoạt, phân, nước tiểu của tù thải ra, trút xuống hào. Hình ảnh bố tôi nhớ nhất. Một hôm ngủ dậy, người tù ngơ ngác, không tin nổi mắt mình, sau một đêm, hàng rào xung quanh trở lên xanh rì. Thời tiết nóng nực, phân, nước tiểu dưới hào là môi trường cho ruồi nhặng sinh nở. Ấu trùng - giòi, đến kỳ thành nhặng, bay lên, đậu vào hàng rào, xanh rì như luỹ tre làng.
Ông cũng có thời kỳ tham gia du kích. Trong một lần liên lạc bị lộ, giặc túm được ông. Giặc dùng đủ cực hình. Ông kể, sợ nhất là khoản chúng cho đi tàu ngầm và tàu bay. Nước xà phòng hoà ớt bột, chúng dúi đầu vào cho sặc nước, sau đó trói lại, treo lên cao, quay tít. Thỉnh thoảng chí điện cho giãy đành đạch.
Gần chục ngày giặc dùng đủ cực hình, ông nghiến răng chịu. Nghĩ chuyến này chắc chết, nhưng ông không khai. Không lo cái chết, ông chỉ nghĩ, khai ra sẽ nhục cho gia đình, vợ con. Can trường trước kẻ thù, chấp nhận cái chết, chỉ vì nghĩ đến gia đình. Đánh chán, tưởng ông không phải du kích, chúng tha ra. Sau lần đó ông sợ mà không tham gia du kích nữa. Khi tôi đã lớn, vào những ngày trở giời, cha tôi kêu mình mẩy ê ẩm, mẹ tôi lại chép miệng: Tại ngày xưa Tây nó đánh cậu mày đấy!
Cha tôi là người kiệm lời, khiêm nhường, đã nói là làm, làm thì làm cho kỳ được. Ngày mới lớn, tôi và ông, cha con không hợp chuyện nhau, cứ cha nói là con tranh luận ngược lại. Sau này khôn lớn, tôi mới hiểu cha, cha con gần gũi, tâm sự nhiều với nhau hơn. Tôi không có dịp bên cạnh, lúc ông qua đời. Một tuần trước khi mất, bệnh viện Bạch Mai kết luận, ông bị ung thư gan giai đoạn cuối, tôi đưa ông về quê.
Trước khi trở lại trường đại học, khuya rồi, cha con ngồi uống nước với nhau. Tôi biết bệnh ung thư rất đau đớn, nhưng ông cố gắng ngồi nói chuyện, vì hôm sau con trai phải đi rồi. Biết ngày nào cha con mới gặp nhau. Bệnh viện và mọi người vẫn giấu, động viên ông yên tâm dưỡng bệnh. Ông tự biết bệnh của mình, song tôi ân hận mãi điều mình nói ra với ông. Nghe con trai nói, từ khoé mắt cha tôi, lăn dài dòng nước mắt. Tôi xót xa và càng đau lòng hơn, khi nghe ông đứt quãng:
 - Cậu không… ân hận gì. Nghĩ chỉ... không phụng dưỡng được mẹ già. Các con sau này…. thỉnh thoảng nhớ về thăm bà!
Trước ngày cha tôi mất vài hôm, anh trai tôi nhờ thợ lên cỗ gỗ cho ông. Đã cố giấu, mà ông vẫn biết. Nghe tiếng đục đẽo sau nhà, biết thợ đến nhà mình làm gì, ông bảo con trai vực ra xem. Trước ánh mắt ái ngại của mấy ông thợ, bố tôi yêu cầu con trai dìu quanh cỗ quan tài. Đi hết một vòng, ông yếu ớt nắm tay mấy ông thợ, thều thào cảm ơn họ. Trước giờ lâm chung, bạn bè, hàng xóm vây quanh, ông gắng sức tàn, chào câu cuối cùng:
- Các ông bà ở lại… tôi đi đây!
 Ông ra đi vào ngày 18 tháng 10 âm lịch năm Giáp Tý, 1984, một ngày mưa, gió rất to.
Đầu năm Đinh Hợi linh bảy này, tôi có ý định sửa sang lại mộ phần của ông. Mộ xây lâu rồi, nay thấp bé, nghĩ tủi phận cho người khuất. Việc xây mồ, sửa mả là việc trọng, tôi cẩn thận nhờ thày xem xét. Tôi xem ở đầu phố thị quê tôi. Nghe nói, ông này xem giỏi, khách Hà Nội, Hải Phòng về đông nườm nượp. Đặt lễ xong, tôi vừa định trình bày, thì cậu phán, cứ để cậu xem.
Cậu khen mồ mả của các cụ nhà tôi đẹp. Cậu nói như từ trong bụng tôi nói ra, rằng không bốc hót, mà chỉ sửa sang phần mộ. Mộ phần cất lâu rồi, nay xung quanh thiên hạ xây cao lên, thành ra phần mộ của cha tôi thấp xuống. Đúng quá, tôi nghĩ bụng. Cậu lại phán:
 - Nhà ông có người chú mất trẻ.
Thầy phán tiếp:
 - Ông này liệt sỹ. Mà nhà ông đừng mất công tìm kiếm nữa. Linh ông ta yên phận ở chốn đó rồi. Có tìm, cũng chẳng được đâu.
Ôi, đúng quá! Lâu nay, ông chú hiệu trưởng của tôi áy náy, muốn đi tìm hài cốt anh trai mình. Ông định xuống cả thày Liên dưới Tứ Kỳ, xem.