Bố vợ tôi làm nghề giáo, tính điềm đạm, khoan hoà. Ông sinh năm Giáp Tuất. Tuổi mới lớn ông đã chứng kiến cuộc kháng chiến Chín năm. Trong một trận càn, giặc bắn chết bà nội ông. Bố con còn đang khâm liệm bà cụ, thì Tây càn quay lại. Những năm kháng chiến ông theo học ở trường Hàn Thuyên, sơ tán lên tận đất Phú Bình, Thái nguyên, rồi sang Trung Quốc học tại Khu học xá trung ương, Nam Ninh, với bao ông thày nổi tiếng, thày Hoàng Như Mai, thày Lê Bá Thảo, thày Nguyễn Lân,... Trong chín năm kháng chiến, giặc càn quét, đánh phá làng quê bố vợ tôi ác liệt. Chỉ trong trận càn ngày 29/7/1948, giặc giết tới hai mươi mốt dân làng.Có ông xã đội trưởng chiến đấu rất ngoan cường. Một lần giặc vây làng, ông cùng hai thiếu niên du kích trốn dưới hầm bí mật. Vì có mật báo, nên chúng phát hiện ra ba người. Họ bị giặc tra khảo dã man. Sau đó chúng thả hai thiếu niên du kích ra, còn ông xã đội trưởng bị chúng đưa sang Hà Nội. Biết rõ là du kích, mà tụi Pháp đành chịu, vì đánh mãi ông không khai.Bọn Tây rất xỏ xiên, chúng nghĩ ra mẹo, bổ cho ông xã đội trưởng cái chân Phó tổng. Mẹo này chắc là của mấy anh Việt gian, chứ lũ Tây khù khờ, làm sao có cái mưu thâm nho thế!Ông Phó tổng tề áo the, quần trắng, được các chú lính nguỵ ta áp súng, diễu khắp mấy làng. Du kích được phen phát hoảng, không dám trú ở các hầm bí mật trước đây nữa. Ông Phó tổng chỉ diễu quanh làng, chẳng chỉ cho giặc Tây căn hầm bí mật nào. Được vài tháng, Pháp không dùng ông Phó tổng nữa, chúng thả ra. Lúc này ông xã đội trường cũng không thể liên hệ với du kích được, vì ta đâu còn dám tin đồng chí ta. Hoà bình Năm tư, ông xã đội trưởng bị đi tù dăm tháng, vì cái tội làm Phó tổng tề. Người thiếu niên du kích năm nào cùng bị bắt với ông xã đội trưởng, sau này từng làm Phó giám đốc sở Văn hoá thành phố.Ông nhạc tôi là tác giả cuốn Lại Đà xưa và nay. Dịp đó tôi tham gia giúp ông tra cứu tư liệu và biên tập một phần cuốn sách.Qua cuốn sách, tôi biết một số nhân vật có tiếng của làng, của nước. Thế kỷ XV, dưới triều vua Lê Thánh Tông, có cụ Vương Khắc Thuật. Ông đậu Thám hoa năm 1472, từng là nhà ngoại giao xuất sắc triều Lê. Do thời gian trôi qua đã lâu, sử sách thu thập được về ông không còn nhiều. Thế kỷ hai mươi, điểm thấy mấy nhân vật có tiếng. Nhân vật thứ nhất là Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phú, giờ đang đảm nhận một chức vụ quan trọng của đất nước.Nhân vật thứ hai là Cụ Nguyễn Bá Bảo, người đỗ Tú tài Tây đầu tiên ở làng. Tháng tư năm bốn sáu, ông là chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban hành chính xã và sau này, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Úc.Nhân vật thứ ba là Cử nhân Hán học Ngô Quý Doãn. Cụ đỗ cử nhân vào năm 1900, đời vua Thành Thái. Đậu cử nhân, nếu khéo chạy, cũng được bổ ra làm chân Tri huyện. Có lẽ Hán học không còn được trọng, lại trong thời buổi nhiễu nhương, cụ không ra làm quan, mà ở làng dạy học. Cụ mở trường vào quãng những năm 1920, dạy chữ Nho và sau này dạy thêm Quốc ngữ. Cụ dạy học đến tận năm bốn lăm. Nghe nói cụ có tham gia phong trào Văn thân chống Pháp. Là người đức cao vọng trọng, cụ được làng mời ra làm chân tiên chỉ và giữ cái chân tiên chỉ đến mấy chục năm. Trong cuộc Cải cách ruộng đất năm năm sáu, ông cử nhân Hán học bị quy là địa chủ. Thật là một đại hoạ. Cụ chết trong cô quạnh và bi thương. Đám chôn chỉ có hai ba người thân, ván ghép vội bằng mấy cánh cửa và âm thầm đi vùi xác trong đêm tối. Có tin đồn, cụ chết vì đói! Chắc là không phải vậy. Đói thì tất nhiên rồi. Nhưng người có học, thường nặng về suy ngẫm. Tai hoạ bất ngờ đổ xuống, ông cụ ngỡ ngàng, không hiểu nguyên do là sao. Chả lẽ có chữ, có học lại là tội? Không sao hiểu được! Lịch sử cổ kim, lần duy nhất có Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, diệt Nho.Hơn bốn mươi năm sau, học sinh của cụ lúc này đều đã tuổi thất thập cổ lai hy, tổ chức đến giỗ thày. Bố vợ tôi là lớp học trò cuối cùng học chữ Nho của cụ. Hôm học trò đến giỗ, người con trai trưởng, tuổi ngoài tám mươi, rưng rưng nước mắt, cảm ơn các học trò xưa của cha đến làm cái nghĩa, cái đạo giỗ thày. Dù có muộn mằn, thôi thì một nén nhang thơm của trò, cũng an ủi người chết và kẻ sống.