Tôi cùng Phùng Quang có chuyến đi khá nhớ. Chuyến đi vào quãng năm 1998. Lịch trình chuyến đi: Hà Nội, Hà Tiên, rồi quay lên Đắc Lắc. Từ Hà Nội chúng tôi bay vào thành phố Hồ chí Minh, xuống Cơ quan thường trú Cần Thơ. Anh Cộng Trương, Giám đốc, định đưa xuống mấy nơi trong tỉnh, nhưng anh bận khách, không chờ được, thế là chúng tôi xuống luôn thị xã Rạch Giá. Phùng có bà chị dạy học ở Rạch giá. Chị gái cậu ta rất xinh. Anh em nhà này toàn người đẹp, xinh. Hôm ở Cần Thơ, tôi gặp lại cô Miện, giáo viên chủ nhiệm, dạy văn hồi lớp mười. Nhận điện thoại, cô phi xe đến. Chiếc cúp làm ăn đời bảy tám xịch đỗ trước mặt, tôi không nhận ra cô chủ nhiệm của mình. Cô gái Hà Nội thướt tha mái tóc dài, nay cắt ngắn cụt, cô bảo tôi lên xe, rồi đèo ra thăm bến Ninh Kiều. Trong lúc cô trò ôn lại mái trường xưa, tôi kể kỷ niệm về thày Cao Đại Môn, một đồng nghiệp ngày trước của cô:Dạy môn địa lớp tám của chúng tôi là thày Môn. Thày dạy hay và có tài vẽ bản đồ rất nhanh. Trong lúc học trò trả lời, thày đưa vài đường là bản đồ của một quốc gia nào đó sẽ hiện hình trên bảng.Hồi đó trường cấp ba của tôi còn ở nơi sơ tán. Phòng học nhà tranh vách đất, nhỏ bé, khoảng vài ba chục mét vuông, bàn ghế kê sát vào nhau. Bục giảng của thày đắp cao độ 40 phân, giáp ngay trước bàn học sinh. Hôm đó đầu giờ không kiểm tra, thày Môn lúi húi vẻ bản đồ, còn trò được tư do. Lũ trò, nhóm chơi cờ vây, nhóm thì kháo chuyện. Có mấy đứa đầu bàn, giáp ngay bục giảng, thì thầm to nhỏ gì đó. Trong khi cả lớp đang lúi húi, người nào việc nấy, bất ngờ nghe tiếng thày Môn quát to:To, to... cái mả mẹ chúng mày. Học trò ngơ ngác nhìn lên! Không hiểu ông thày quát gì. Trên bục giảng, thày Môn mặt đỏ gay. Thày chỉ xuống bàn thứ hai, quát mấy đứa ngồi đấy đứng lên. Cả bàn sợ rúm lại. Lớp ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì, lại nghe tiếng thày quát:- Ra. Ra ngay khỏi lớp.Không rõ lũ kia … mả mẹ cái gì. Chúng cập rập bước ra. Thày Môn cũng không hứng khởi giảng như mọi khi. Tiết học căng thẳng qua đi.Vừa nghe tiếng trống hết giờ, học trò ùa ra khỏi lớp. Tại góc sân trường, mấy đứa bị đuổi ra, mặt mũi tiu nghỉu, lo sợ. Bạn bè túm lại điều tra xem chuyện gì. Nguyên nhân từ cái tên của thày, Cao Đại Môn. Trong khi thày bận vẽ bản đồ, mấy đứa học sinh rỗi việc, mang tên thày ra chiết tự: Đại tức là to, môn tức là cửa, cứ như vậy chúng chiết tự. Cuối cùng, đám nhất quỷ nhì ma kia chiết ra thành: cao đại môn tức là đít to!Chúng đâu ngờ, ông thày đang chú tâm vẽ bản đồ trên bảng lại nghe thấy. Hết giờ ra chơi, thày Môn bảo lớp trưởng gọi mấy đứa kia vào học, không thấy thày nhắc lại chuyện trước. Tiết dạy tiếp của thày lại sôi nổi, lôi cuốn như mọi khi. Vài năm sau ngày giải phóng miền Nam, để bổ sung giáo viên cho các tỉnh phía Nam, thày được phân công vào đồng bằng sông Cửu Long. Nghe nói thày công tác tại Cần Thơ. Chắc bây giờ thày đã nghỉ hưu rồi.Gợi lại chuyện xưa cô Miện như thoáng buồn, bảo tôi:- Cô "mất dạy" mấy năm rồi. Nay buôn cá.Cô vẫn nhiệt tình, nhiệt huyết, song cái chất lãng mạng văn chương, nhẹ nhàng thanh lịch của con gái thủ đô, nay thay bằng cái chất gấp gáp làm ăn. Cô khoe, nhà có mấy căn ở Cần Thơ và cả Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh nữa. Cô còn rủ:- Hay em kinh doanh thuỷ sản đi. Được lắm! Cô chỉ mối cho. Cả mối hàng xuất khẩu nữa.Bất chợt tiếng điện thoại di động của cô kêu tin tít, cô hối hả hỏi, hối hả trả lời. Tôi biết, khách hàng đang gọi và cô phải đi rồi. Tế nhị tôi bảo, mình còn ở Cần Thơ vài hôm nữa. Ngày xưa ấy, mỗi tối cô đi vài cây số khắp lượt nhà học trò để kiểm tra chúng học bài. Nhìn cô giáo cũ, tôi ước ao, giá mà trở lại được ngày xưa nhỉ. Nghèo đấy, nhưng nhàn nhã, thanh bình!Cô trò tôi chào nhau bên bến Ninh Kiều. Một cái đích chuyến đi của chúng tôi đặt ra là đảo Phú Quốc. Từ Rạch Giá chúng tôi định ra bằng máy bay, nhưng bị đe: Nguy hiểm lắm. Kẻo trên trời lại rơi tõm xuổng bể. Nếu muốn, xuống Hà Tiên mà đi, theo đường thuỷ. Chúng tôi đành phải đi vòng vèo. Làm việc với Ban chỉ huy quân sự Biên phòng Kiên Giang, họ cử một viên thượng uý tháp tùng chúng tôi xuống Hà Tiên. Viên sỹ quan trẻ, người miền Trung, khá cởi mở.Năm ấy vết tích và chuyện chiến tranh Tây Nam còn in đậm nhiều nơi. Trong khi trò chuyện, vị đồn trưởng bảo, tối phải có người ngủ kèm, có động tĩnh gì, còn người chỉ đường, dắt lối. Tưởng họ đùa, thế mà thật. Tôi thức khá khuya, bên bếp lửa có nồi cháo gà. Nhân mấy cậu sỹ quan cứ phân biệt kẻ Bắc, người Nam, tôi mới nói về lịch sử mở nước từ Lý, Trần, Lê đến Nguyễn và hiệp ước giữa ba quốc gia An Nam, Xiêm La và Cao Miên, cùng mảnh đất biên cương Hà Tiên đó.Đêm ấy, tôi được một bữa hoảng hồn. Khi đi nằm, thấy có anh lính đến ngủ cùng phòng, tôi đâm thấp thỏm. Đúng là vùng này chưa yên. Lên giường được một lúc khá lâu, lại lạ nhà, tôi cứ chập chờn. Đang nằm, bỗng nghe bộp. Tôi lo lo, lựu đạn chăng. Mãi không thấy tiếng nổ. Sáng sau nhìn ra, có quả dừa rụng trong sân. Mình thần hồn nát thần tính. Tôi và Phùng Quang còn ra chợ giáp biên, uống rượu với mấy viên sỹ quan biên phòng nước bạn. Biết chúng tôi từ Hà Nội vào, lúc đầu họ ngoại giao, nói bằng tiếng Miên, phải có người dịch. Sau thấy anh chàng Phùng Quang đùa, định mua chiếc Dream Thái, thì họ xoắn lấy và chẳng cần phải ai phiên dịch nữa, nói luôn bằng tiếng Việt, giá bao nhiêu, quy đổi từ tiền Việt ra tiền Riên thế nào. Buôn bán, thị trường ở đâu, lúc nào cũng nhanh nhạy thế.Chuyến đi này chúng tôi còn ghé vào xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, địa danh nổi tiếng được nhà văn Anh Đức dựng thành tiểu thuyết Hòn Đất. Chúng tôi tới thắp hương đài tưởng niệm anh hùng Phan Thị Ràng. Nhân vật chị Sứ trong truyện, tên thật là Phan Thị Ràng. Tại đây chúng tôi gặp bà Thi Cà My, được xây dựng là nhân vật Cà Mỵ và ông Doanh Khoanh, người chứng kiến trận tra tấn và sự hy sinh anh dũng của chị Ràng. Ông Doanh Khoanh kể:Chúng tôi hay gọi là cô Tư Phùng. Tư Phùng không phải người Hòn đất, mà sinh ở Lương Phi, Tri Tôn, An Giang. Tư Phùng thấp, nước da đen, nhìn chả khác gì người Khơ Me chúng tôi. Thời gian Tư Phùng ở nhà tôi là lúc tôi làm Phó ban Nông hội. Tôi cũng bị giặc bắt cùng ngày với Tư Phùng. Lúc đó Tư Phùng bị địch phục kích, bắt trên đường lên núi. Còn tôi đang xay lúa để tiếp tế cho hang, thì chúng bao vây quanh nhà, bắt đi. Giặi trói tôi cách chỗ cô ấy khoảng năm, sáu bước chân. Cô Tư bị chúng buộc hai ngón tay lại, rồi treo lên cành xoài, mỗi tên một bên, đưa qua đưa lại và đánh đập, tra khảo. Tôi ở bên cạnh, nghe cô Tư trả lời không xót câu nào:- Mày làm việc bao lâu rồi?- Bốn năm- Mày làm việc với ai?- Tao không biết.- Không biết thì chỉ có chết- Tao chết, mày chết.Trong suốt tời gian bị tra tấn, cô Tư chỉ nói hoài câu: "Tao chết, mày chết." Cuối cùng tức quá, bọn lính lấy cọc rào vót nhọn, đâm vào đùi cô Tư cho đến khi cô chết. Khi cô hy sinh, cô Tư mặc áo bà ba màu huyết, nằm nghiêng, đầu xéo về hướng Hòn đất, bên cạnh là bụi tre, chân quay ra hướng đường lộ. Lúc chôn, chỉ có tôi và vài ba người. Sau chuyến đi, Phùng Quang có bút ký về Hòn Đất, đăng kín cả trang báo Nhân dân số Chủ nhật.Ở Hà Tiên, chúng tôi ra bến tàu mua vé ra Phú Quốc, đúng vào hôm biển động. Nếu không có anh chàng Phùng Quang nhát chết, chắc hôm ấy tôi đã liều ra đảo. Không ra được đảo, chúng tôi đành quay về Rạch Giá. Bữa cơm chia tay, vợ chồng chị gái Phùng Quang còn mời một đồng nghiệp người Bắc. Ông này vui tính, xồn xã. Tôi nhớ câu chuyện vui ông kể về các đồng nghiệp:Giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, cuộc sống tẻ nhạt lắm. Những vùng đất nước phèn trong vắt, nhìn rõ đáy nước. Nước sẵn mà không dùng được, chỉ toàn lau lác mọc ngút đầu. Với giáo viên người địa phương, thì không sao. Thày cô nơi khác tới, ngày nghỉ buồn tẻ, không biết làm gì. Thường các thày rủ nhau sắm đồ, nấu nướng nhậu nhẹt, hay la cà khắp xóm, tham dự hết lượt mọi đám xá trong xóm. La cà, dự cỗ bàn nhiều, nên giáo viên nắm chắc ngày vui, việc buồn của học sinh. Hôm đó là sáng thứ hai, trong tiết sử kiểm tra đầu giờ, anh giáo trẻ gọi một học sinh lên:Hôm qua, cậu có biết là ngày gì không? Cậu học trò nghệt mặt ra. Cuối cùng cũng nặn ra được cái ngày hôm qua là ngày gì, giải phóng Điện Biên, đại phá quân Thanh,... Nghe cậu học trò trả lời linh tinh, thầy giáo gắt:- Tôi không hỏi các ngày đó. Tôi hỏi, hôm qua là cái ngày gì cơ mà!Cậu học trò rụt rè:- Dạ con... thưa thày, hôm qua là… Chủ nhật.- Không phải! Hôm qua là ngày.... giỗ nội cậu. Thế mà ông bà già cậu không thèm mời tôi.