Cảng Sài Gòn tấp nập, ồn ào. Những chiếc tàu há mồm LCT, LCM của bọn nhà binh Pháp nằm cạnh các tàu buôn, những chiếc tàu vận tải, tàu chở hành khách nằm bên chiến hạm của hải quân Mỹ đã ngang nhiên, công khai kéo cờ sòng sọc xanh trắng trên đỉnh cột tàu. Hầu hết các tàu đều toàn là người bị cưỡng ép di cư từ Bắc vào và hàng hoá Mỹ. Những người bị cưỡng ép di cư – đa số là người công giáo vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Xã Đoài – sau mấy ngày nằm chồng chất trên tàu Mỹ ăn những bữa cơm phát chẩn của Mỹ, bây giờ được đổ lên bến Sài Gòn. Nét mặt người nào cũng ngao ngán, mệt mỏi, đầy lo lắng. Bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông cha, nghe theo bọn chiến tranh tâm lí, bọn đội lốt thầy tu, họ vào đây bơ vơ không biết ngày mai của mình sẽ ra sao. Nhiều ông già, em nhỏ đi biển xa không chịu được, chết trên tàu. Không có chuyến tàu nào mà không có người chết. Mỗi chuyến tàu cập bến, mấy cái cáng khiêng xuống trước. Rồi mẹ bồng con, chồng kéo áo vợ chen chúc nhau ra cầu tàu. Đồ đạc vứt lỏng chỏng. Có người nhặt nhạnh tất cả gia tài mồ hôi nước mắt suốt mấy đời lao động mang đi theo, phút chốc bị mất sạch. Mấy thằng Mỹ đứng trên boong tàu lúc thì nheo mắt bĩu môi nhìn đám người di cư gồng gánh, khổ sở, nheo nhóc, lúc thì chúng há miệng hô hố cười cảnh vợ lạc chồng, con lạc cha chạy nháo nhác, tìm gọi nhau thất thanh.Tiếng loa phóng thanh nheo nhéo như chọc thủng màng tai, cứ nhại đi nhại lại mấy câu sỉ nhục:- Đồng bào lưu ý. Khi xuống khỏi tàu, mỗi đồng bào sẽ được lãnh một tấm thẻ xanh. Tấm thẻ xanh sẽ đổi lấy 100đ do Mỹ quốc tặng. Ai lấy tiền rồi, lấy nữa “dô” tù nghe.Mấy thằng phóng viên Mỹ vác máy quay phim chạy đến quay cảnh người di cư nhận tiền bố thí của Mỹ.Một anh lái tắc xi người miền Nam ngạc nhiên hỏi một đồng bào miền Bắc di cư:- Ngoài đó độc lập rồi. Thầy Hai còn vô đây mần chi?Người di cư bị hỏi, mặt hơi cúi xuống, sượng sùng:- Có lẽ tôi lại tìm đường ra thôi.Xe vận tải nhà binh tám bánh to lớn đã đứng đón sẵn đám người di cư. Đứng đón đám người này còn có bọn chủ đồn điền cao su, hau háu nhìn họ như nhìn những món hàng nhập kho của chúng. Mấy tên mật vụ nguỵ mắt lừ lừ xoi mói sau cặp kính mát, bọn đội lốt thầy tu thì mặt hồng hào hớn hở đếm từng đầu người lên ô tô giao cho bọn chủ đồn điền. Những chiếc xe vận tải sẽ đưa thẳng đám người di cư đến một trại tập trung hoặc một đồn điền nào đó và những con người đang tự do đã biến thành nô lệ.Phu khuân vác chạy đi chạy lại, mồ hôi ướt đẫm áo.Giữa sự hỗn độn nhốn nháo, ầm ĩ ấy, không ai để ý đến một chiếc hạm thuyền nhỏ của Mỹ đậu ở gần cuối cảng. Nó cũng đậu neo vào giữa các tàu khác. Nhìn bề ngoài, nó cũng không khác gì các tàu bè, các hạm thuyền xung quanh; cũng có những người phu khuân vác chạy lên, chạy xuống vác những hòm sữa ế, vải thừa đóng dấu “viện trợ Mỹ”. Trên tàu, ngoài bọn thuỷ thủ Mỹ, có mấy thuỷ thủ Phi Luật Tân đi lại.Chiếc hạm thuyền đã bốc hết hàng. Những người phu khuân vác Việt Nam và Hoa kiều đã xuống hết, chuyển sang bốc dỡ hàng ở tàu khác. Trên hạm thuyền, bọn thuỷ thủ đang phun nước rửa boong. Một chiếc xe hơi đến đậu ở cảng. Cánh cửa xe mở, hai tên Mỹ bước xuống, cả hai tên cùng mặc thường phục: một tên mặc sơ mi trắng, quần trắng, mặt lạnh lùng, khắc khổ: đại tá Lên-sđên; một tên mặc sơmi chim cò, quần tếch-gan sẫm, tay luôn luôn như muốn sờ mó vào mọi vật chung quanh: trung tá Tô-ma. Hai tên đi về phía chiếc hạm thuyền Mỹ. Trên tàu, tên thuyền trưởng và một tên trung uý lục quân đã đứng đợi. Lên-sđên và Tô-ma bước lên. Tên thuyền trưởng và tên trung uý lục quân đứng nghiêm, giơ tay lên ngang mặt chào. Lên-sđên, Tô-ma giơ tay chào lại. Tô-ma giới thiệu:- Đây là đại tá Lên-sđên, người chỉ huy tất cả mọi hoạt động an ninh của chúng ta ở đây. Xin giới thiệu với đại tá đây là thiếu tá hải quân A-lan (24), chỉ huy trưởng của tàu, đây là trung uý En-đru (25), người nổi tiếng về tổ chức những hoạt động bí mật đặc biệt mà tôi vẫn thường nói chuyện với đại tá.Mấy tên bắt tay nhau. Lên-sđên hỏi:- Xong rồi chứ?En-đru đáp:- Thưa đại tá xong rồi!- Bao nhiêu tên?- Báo cáo, hai mươi mốt tên và hai tên đi theo làm bếp.- Đưa xuống có ai biết không?Mặt En-đru ánh lên nét tự mãn:- Thưa đại tá, không ai có thể biết được. Tôi đã tổ chức cho chúng giả làm đám phu khuân vác, trà trộn lẫn với đám phu, rồi từng đứa một lần xuống tầng dưới tàu.- Chúng nó trung thành cả chứ?- Thưa đại tá, trung tá Tô-ma và tôi đã tuyển lựa rất kĩ trong đám di cư. Chúng đều rất thích làm việc cho chúng ta.- Ở căn cứ Clác (26) đã chuẩn bị xong hết cả chưa?- Thưa đại tá, đã dành một khu riêng ở cạnh căn cứ để huấn luyện chúng. Mấy chuyên viên của ta về ám sát, phá hoại bằng mìn, thu thập tin tức tình báo, điện đài… đã sang đầy đủ và đang đợi chúng. Chương trình huấn luyện bọn chúng, chắc trung tá Tô-ma đã trình bày để đại tá duyệt.- Có, tôi đã nắm được rồi, chúng tôi đề nghị rút ngắn thời gian huấn luyện lại. Trước định hai tháng rưỡi, bây giờ chỉ nên huấn luyện chúng trong một tháng rưỡi thôi, vì thời gian gấp lắm. Chúng ta phải lợi dụng khi người Pháp chưa rút hết miền Bắc mà tung chúng ra hoạt động ngay, phối hợp với bọn của thiếu tá Cô-nên (27) ngoài đó. Thời gian huấn luyện bọn chúng càng ngắn thì chúng ta càng huấn luyện được nhiều toán. Lúc này, ta chỉ cần số lượng, chưa cần chất lượng vội. Một toán, chỉ cần chúng phá hoại một vài công trình của bọn Cộng sản rồi chúng đi cũng chẳng sao.- Xin chấp hành ý kiến của đại tá.- Cho tôi xem qua bọn chúng.En-đru và A-lan đi trước dẫn đường, Lên-sđên và Tô-ma đi theo. Chúng bước về phía cuối tàu, xuống một khoang riêng. Ở đó, có hai mươi ba tên người Việt mặc quần áo lấm láp như những người phu khuân vác, đang nằm ngồi ngổn ngang.Thấy bọn chủ Mỹ xuống, lũ tay sai như là lò xo bật cả dậy, đứng cứng người. Tên En-đru chỉ từng tên một báo cáo với Lên-sđên:- Đây là tên Bình, đảng viên đảng Đại Việt, đã từng đi lính cho Nhật. Đây là tên Hảo, vệ sĩ công giáo ở Phát Diêm, sau vào lính nhảy dù Pháp, bỏ trốn khỏi lính nhảy dù vì cướp của, tống tiền. Đây là tên Phay bị toà án Việt Minh truy tố về tội giết người. Đây là tên Đính làm cho Phòng nhì Pháp từ năm 1946…Tên En-đru đọc vanh vách tên và lí lịch từng thằng tay sai một. Đứa nào cũng có một quá khứ lưu manh và làm tay sai cho giặc. Lên-sđên nhìn mặt bọn chúng, mỗi thằng một khuôn mặt khác nhau, đứa thì hàm bạnh mũi hếch, đứa thì trán ngắn, lông mày rậm, đứa thì tóc đít vịt, răng vàng, nhưng chúng đều có những cái nhìn giống nhau: gian giảo xảo quyệt, lại rất quỵ luỵ, khúm núm trước mặt chủ – những cái nhìn của giống chó săn.Lên-sđên gật đầu bằng lòng, hỏi:- Chúng nó có nói được tiếng Anh không?- Thưa đại tá không, có mấy thằng nói được tiếng Pháp.- Chúng nó có yêu cầu gì không?- Chúng chỉ xin được đưa tiền trước. Có đứa thì xin sau được đi Phi Luật Tân hoặc Nhật Bản chơi bời.- Trung uý hãy cho chúng tiền, hứa với chúng muốn đi đâu cũng được, nếu chúng làm được việc. Thôi trung uý đưa bọn chúng đi. Thiếu tá A-len có thể chuẩn bị cho tàu nhổ neo.Lên-sđên và Tô-ma quay lên, A-len và En-đru tiễn hai tên lên tàu. Chúng chào và bắt tay nhau.Hai tên sĩ quan CIA không mặc quân phục đó, đi dọc cảng, giữa những đám người di cư hỗn độn, đau khổ, ngơ ngác. Đàng sau chúng, chiếc hạm thuyền Mỹ kéo một hồi còi.Bỗng Lên-sđên hích khẽ Tô-ma, mặt hơi cau lại, hất hàm ra phía trước, Tô-ma nhìn theo cái hất hàm của Lên-sđên: Phan Thúc Định đang đứng trên bờ cảng, đeo chiếc máy ảnh cạnh sườn ngắm nhìn đồng bào di cư và những chiếc tàu đậu dài bến cảng. Giữa đám người bận bịu tấp nập, anh có thái độ ung dung của một người đi dạo. Đúng lúc ấy Phan Thúc Định cũng nhìn thấy hai tên Mỹ. Anh mỉm cười, gật đầu chào chúng. Lúc đến gần Định, Lên-sđên hỏi:- Ông Định có việc gì mà lại ra đây vậy?Định vẫn mỉm cười đáp:- Cũng như các ông thôi.Lên-sđên nghiêm nét mặt:- Chúng tôi ra xem cảnh đón tiếp người Bắc Việt di cư.Phan Thúc Định vẫn lịch sự:- Tôi cũng vậy.Lên-sđên hỏi:- Ông thấy người Mỹ chúng tôi tổ chức giúp dân các ông tị nạn Cộng sản chu đáo không?- Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ cảm ơn các ông.Câu chuyện rời rạc và hai tên Mỹ cũng không muốn kéo dài, chìa tay bắt tay Phan Thúc Định.Lúc đã ngồi vào xe ô tô, Tô-ma vừa mở máy vừa hỏi Lên-sđên:- Bản danh sách bọn nhân viên SEDCE của Định cung cấp cho Ngô Đình Diệm thế nào?- Một bản danh sách có đầy đủ tên người nhưng vô ích.- Tại sao?- Trong đó có ghi một số tên quan trọng có thành tích chống Cộng, nắm được nhiều tin, ta có thể dùng được, nhưng khi người của ta tìm đến thì những tên đó mất tích không hiểu vì sao. Còn lại một số tên không quan trọng, chỉ thích có tiền, tham lam và đần độn – đối với những thằng tham tiền, đần độn như vậy, chúng ta không thiếu gì, và cũng chỉ dùng được chúng trong một việc nào đó thôi. Muốn chống lại Công sản một cách có hiệu lực, chúng ta cần phải có những tên có lí tưởng chống Cộng, có tử thù với Cộng sản… Bản danh sách của Phan Thúc Định cung cấp cho Ngô Đình Diệm có thể nói là vô ích! Tôi đang đánh dấu hỏi vào số người mất tích kia. Chúng còn sống hay đã chết? Nếu chúng bị thủ tiêu hay bị Việt Minh bắt đi thì thật là một thiệt hại lớn cho chúng ta vi chúng am hiểu tình hình ở đây, chúng ta đã mất một số tên giúp việc có khả năng. Nếu chúng ta không có một số tên bản xứ trung thành với chúng ta thì trong công việc sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.- Chúng ta có thể dùng Phan Thúc Định được không, thưa đại tá?- Đây là điều chúng ta phải cân nhắc.- Vì sao?- Vì nhiều lẽ: Định là người tin cẩn của Ngô Đình Diệm, có học thức, có trình độ, có khả năng, ta không thể dùng vào những việc nhỏ, những việc nhất thời, những việc liều lĩnh chỉ cần gây một chấn động như dùng bọn “Bình”, bọn “Hảo” (28) vừa rồi được. Có dùng Định, phải dùng vào những việc lớn, vào những kế hoạch lâu dài của chúng ta trên mảnh đất này. Nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn chưa nắm được Định, nếu Định là người của SEDCE, nếu Định chỉ trung thành với Diệm thôi mà không trung thành với chúng ta, nếu Định bị một lực lượng thứ ba nào đó lôi kéo như bọn trí thức ở Sài Gòn này vẫn có phong trào đó, thì ta vẫn không thể nào dùng được. Chúng ta cần tìm hiểu kĩ về Định hơn nữa. Và còn điều này mới quan trọng, một nhân viên của ta, phục vụ tại khách sạn Ma-giết-tíc cho tôi biết Định vừa có một bản danh sách cán bộ Việt Minh cũ ở Sài Gòn-Chợ Lớn còn nằm lại. Một nhân viên tình báo Pháp của SEDCE đã bán bản danh sách đó cho Phan Thúc Định.Tô-ma nhổm người lên như ngồi phải lửa:- Chúng ta cần phải có ngay bản danh sách đó. Một nụ cười nhạt nhẽo hiện ra trên bộ mặt lạnh lùng của Lên-sđên:- Đúng. Nhưng vấn đề là làm thế nào…Chiếc xe của hai tên Mỹ phóng nhanh quá suýt đâm vào một cụ già đi ngang đường. Tô-ma hãm phanh, vòng tay trái, miệng bật ra một tiếng chửi. Tiếng còi của tên cảnh sát nguỵ đứng đầu đường rít lên. Tô-ma không thèm để ý, vẫn rú thêm ga, vượt một chiếc tắc xi chạy phía trước.Chiếc xe lao nhanh qua các phố xá tấp nập xe cộ của Sài Gòn, bất chấp luật lệ giao thông, chạy về phía vườn ông Thượng (29).Đến cổng dinh Gia Long, chúng bấm còi. Trông thấy chiếc xe quen thuộc, tên lính gác mở chiếc cổng sắt. Chiếc xe chạy thẳng vào phía trong. Hai tên Mỹ mở cửa xe, bước xuống. Những tên bảo vệ, công chức trong dinh đã quen mặt. đứng nghiêm chào. Chúng lạnh lùng gật đầu đáp lại và đi thẳng đến một chiếc phòng lớn: phòng làm việc của Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đang ngồi với Ngô Đình Nhu và mấy tên tay chân cao cấp khác. Thấy hai tên Mỹ vào, mấy tên tay chân đứng dậy cáo từ sang phòng bên, riêng Ngô Đình Nhu vẫn ngồi lại. Nhìn hình dáng bên ngoài Ngô Đình Nhu có đôi nét không giống hẳn Ngô Đình Diệm: Hắn gầy hơn và cao hơn ông anh ruột hắn, mặt hắn không thô bỉ như mặt Diệm nhưng trông gian hiểm, tàn nhẫn hơn. Điếu thuốc lá thường xuyên trên môi và ngón tay ám vàng khói thuốc. Hắn lừ đừ như một con thú đang tập trung tất cả sự hoạt động của mình vào bên trong đế rình mồi và hình như bất cứ lúc nào hắn cũng đang dự định làm một việc gì to lớn.Lên-sđên với giọng đùa cợt, chào hai anh em Diệm:- Kính chào ngài thủ tướng và ngài cố vấn chính trị. Hình như hai ngài đang nghị bàn đại sự. Chúng tôi đến lúc này có gì phiền cho các ngài không?Ngô Đình Diệm đưa tay mời hai tên Mỹ ngồi xuống ghế, đáp:- Chúng tôi đang mong gặp các ông để báo ngay tin việc chúng tôi vừa cho bắt hai tên: trung tá Lan và đại uý Giai vì bọn này đã công khai phát thanh trên đài Sài Gòn chống đối chúng tôi và hô hào lật đổ chúng tôi.Ngô Đình Nhu tiếp lời anh:- Chúng tôi thấy cần phải bóp chết bọn chống đối chúng tôi – bất kì chúng là ai – ngay trong trứng nước.Giọng Lên-sđên hết đùa cợt:- Tôi đề nghị các ông thả chúng ra. Không phải tôi bênh gì chúng. Lúc nào chúng tôi cũng đứng về phía ông, ông Diệm ạ. Nhưng lúc này, chưa phải lúc chúng ta diệt bọn chúng. Lúc này chúng ta phải tập họp được nhiều người để chống Cộng.Ngô Đình Nhu đáp:- Tôi tổ chức đảng Cần lao nhân vị.Lên-sđên lắc đầu:- Chưa đủ, các ông không thả chúng ra thì chỉ làm cho hàng ngũ chống đối các ông thêm đông đảo, trong lúc các ông chưa yên chỗ đứng, chỉ làm cho những người trước đây đã làm việc cho Pháp nghi kị, oán ghét các ông, trong lúc các ông vẫn cần đến họ. Vả lại, chúng dám làm như vậy vì đằng sau chúng có những thế lực mà lúc này các ông không làm gì nổi, đang đe doạ hất đổ các ông lúc nào không biết. Tôi xin báo riêng để ông rõ: tướng Nguyễn Văn Hinh đang xúc tiến một cuộc đảo chính lật các ông. Họ sẽ đem xe bọc thép tấn công vào dinh này.Ngô Đình Diệm bật lên:- Quân phản bội!Ngô Đình Nhu mím chặt môi rít thuốc lá.Lên-sđên tiếp:- Còn nữa: Vừa rồi ở Can-nơ, Bảo Đại đã gặp Bảy Viễn. Bảo Đại đã biết các ông định gạt Bảo Đại bằng cách loại bỏ hết người thân cận của hắn trong nội các. Hắn đã khuyến khích Bảy Viễn tập hợp lực lượng lật các ông, nếu lật được các ông thì hắn sẽ phong cho Viễn làm thủ tướng. Tôi tự hỏi: Các ông đã thấy hết mối nguy cơ của các ông chưa?Ngô Đình Diệm ngồi im. Ngô Đình Nhu vẫn mím chặt môi rít những hơi thuốc lá dài, mặt càng đanh ác, thâm hiểm.Lên-sđên và Tô-ma có vẻ thích thú nhìn hai anh em Ngô Đình Diệm bối rối, khuất phục trước cặp mắt mình, cái thích thú của những người chủ nhìn những con vật mình nuôi, sau khi đã cho mấy ngọn roi, mất hết tính hung hăng khó bảo, đã trở lại nem nép quỳ mọp dưới chân mình.Một lát sau, Ngô Đình Diệm ngẩng lên hỏi Lên-sđên:- Tôi chỉ cần biết thái độ của chính phủ Hoa Kỳ. Xin các ông cho biết.- Tôi với ông là bạn thân – Lên-sđên đáp úp mở, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Diệm. – Tôi sẽ giúp ông, ông Diệm ạ. Như đã nói với ông, chúng tôi đã đưa ông về nước. chúng tôi có trách nhiệm với ông. Các ông nên nghe chúng tôi.- Chúng tôi sẵn sàng nghe các ông.Lên-sđên tự phụ:- Chưa cần các ông đề nghị, chúng tôi đã có kế hoạch hành động đầy đủ rồi. Trước hết, chúng tôi sẽ phá âm mưu đảo chính của tướng Hinh. Tướng Hinh đang định dựa vào tên trung tá Lan và tên đại uý Giai để tiến hành đảo chính. Chúng tôi sẽ điều tra xem ngày nào bọn họ định tiến hành đảo chính. Gần đến ngày đó, tôi sẽ đề nghị tướng Ô Đa-nien (30) mời bọn họ đi một nước nào đó tham quan – chẳng hạn như sang Phi Luật Tân – Chúng ta làm nhẹ nhàng thể thôi, không gây một chút ồn ào nào. Mặt khác, ông Diệm cần phải có một lực lượng quân sự tin cậy làm chỗ dựa. Đại sứ Cô-lin đã thoả thuận với tôi, giúp ông một số tiền để ông “mua” một số tướng tá, một số thủ lĩnh giáo phái có quân trong tay. Ngay bọn bảo vệ ông ở cái dinh này cũng không tin được. Tôi đã đề nghị với một người bạn thân tôi ở Phi Luật Tân: đại tá Na-pô-lê-ông Va-lê-ri-a-nô (31) – vừa là cánh tay phải vừa làm người tổ chức đội quân bảo vệ cho tổng thống Mắc-xay-xay (32) sang đây tổ chức và huấn luyện một tiểu đoàn riêng để bảo vệ dinh của ông, chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra… Các ông bằng lòng chứ?Ngô Đình Diệm không giấu nổi sung sướng:- Các ông chu toàn quá. Một lần nữa, xin tri ân các ông.Ngô Đình Nhu không nói gì, vẫn im lặng hút thuốc lá nhưng nét mặt hắn đã giãn ra và hơi thuốc hắn rít không kéo dài như trước.Lên-sđên tiếp tục nói:- Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền ra để đưa người Bắc Việt di cư vào đây. Chúng ta sẽ tuyển lựa trong đó nhiều người dùng được. Đó là nguồn nhân lực để ông lôi kéo vào quân đội của ông, cũng là nguồn nhân lực để giúp các công ty Hoa Kỳ khai thác sau này.Lúc ấy, Ngô Đình Nhu mới nói:- Chúng tôi sẽ cố gắng nắm những người di cư đó.Lên-sđên gật đầu:- Đúng! Còn một vấn đề nữa: việc phá hoại miền Bắc và những vùng Việt Minh còn kiểm soát ở miền Nam, chúng tôi sẽ làm thay các ông trong giai đoạn này. Các ông sẽ thấy những vụ nổ lớn, có những sự tàn phá, gây hoang mang trong các vùng đó. Bây giờ các ông hãy làm thế nào đối phó các lực lượng chống đối các ông ở đây để giữ vững chỗ đứng của các ông đã.Trong các lực lượng chống đối đó có bọn Bình Xuyên và các giáo phái… Bọn ấy chúng tôi chưa nắm được mọi hoạt động của chúng, ông có người nào làm được việc đó không?Ngô Đình Diệm ngẫm nghĩ rồi đáp:- Tôi thấy có một người làm được: Phan Thúc Định.Nghe đến tên Phan Thúc Định, Lên-sđên ngần ngại:- Tại sao Định có thể làm được?- Vì bọn ấy trước đây là người của Pháp chi phối. Phan Thúc Định biết nhiều nhân viên SEDCE chắc chắn sẽ có cách tìm hiểu được mọi hoạt đông của chúng. Chúng lại rất thích tìm những người trí thức làm quân sư, cố vấn. Chắc chúng không thể nghi ngờ một người trí thức như Định. Tôi tin rằng tôi giao việc gì Định sẽ làm hết sức.Lên-sđên cau mày suy nghĩ một chút, gật đầu:- Cũng được!Như chợt nhớ ra, Lên-sđên hỏi Ngô Đình Diệm:- Phan Thúc Định đang có trong tay một bản danh sách các cán bộ kháng chiến cũ ở lại Sài Gòn-Chợ Lớn. Vậy anh ta có cho ông biết chưa?Ngô Đình Diệm ngạc nhiên:- Quái thật! Việc gì đại tá cũng biết cả! Anh ta đã đưa cho chú Nhu bản danh sách đó.- Phải, chúng tôi đã có bản danh sách đó. – Ngô Đình Nhu tiếp lời anh – Phan Thúc Định đã trao cho tôi cách đây ba hôm. Tôi đã bàn với ông Trần Kim Tuyến kế hoạch làm ngay một mẻ lưới. Ông Tuyến sẽ trình với ông kế hoạch đó.Lên-sđên gật đầu.Hỏi tên Mỹ bước ra xe. Tô-ma mở máy và nhìn Lên-sđên có ý hỏi – Lên-sđên xem đồng hồ nói:- Chúng ta đi ăn một chút, xong tôi phải đến lớp dạy tiếng Anh riêng cho các quý phu nhân đây!Rồi hắn nói với một giọng thích thú:- Trong đó có cả Nguyễn Văn Hinh phu nhân và cô con gái yêu của bà… những người phụ nữ Pháp mới lịch sự, duyên dáng làm sao!…