Chương 14
Bị theo dõi

Số cố vấn Mỹ tăng vùn vụt cùng với những tàu Mỹ thi nhau cập bến Sài Gòn đổ vũ khí, xe cộ. Trên đường Catinat – bây giờ theo đúng “mốt” chủ nghĩa thực dân mới gọi là đường “Tự Do” – thấy vắng bóng dần bọn sĩ quan và binh lính Pháp nhưng xuất hiện đông đảo bọn “cố vấn” Mỹ, đứa ngơ ngác trong bộ quần áo ka ki bóng, vì lần đầu đến một nước Đông Nam Á xa xôi, đứa khụng khiệng trong bộ Âu phục sang trọng, mặt vênh váo tưởng như khắp thiên hạ phải cúi đầu trước túi đôla của mình. Những cửa hàng có tên Arc-en-ciel, Susanna, Paris bar, Modern Tailleur… đã đổi rất nhanh thành những Paramount, Elizabeth, Hollywood bar, New star tailor…
Báo chí đầy rẫy quảng cáo những lớp dạy tiếng Anh cấp tốc bên cạnh những quảng cáo phim Mỹ sôi động, giật gân: “Bảy tên cướp và một người đàn bà”, “Tình yêu cháy bỏng”, “Bàn tay đẫm máu”…
Những công chức xưa nay hay nói chen tiếng Pháp vào câu chuyện, đã bắt đầu nói: “OK”, “Yes, Sir”, “All right”…
Quân đội nguỵ làm lễ lớn trút bỏ huy hiệu, phù hiệu cấp bậc kiểu Pháp và gắn huy hiệu, phù hiệu, cấp bậc kiểu Mỹ.
Trên khán đài, bọn sĩ quan Mỹ cười hoan hỉ.
Ngô Đình Diệm tuyên bố. “Biên giới Mỹ kéo dài đến vĩ tuyến 17”.
Lên-sđên được cả cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ghi công.
Từ trong toà nhà lớn ở đường Gia Long giữa Sài Gòn, những chỉ thị của Hoa Thịnh Đốn được cụ thể hoá, chi tiết hoá ra và thực hiện.
Cũng từ trong nhà lớn đó, chiều chiều một chàng thanh niên dong dỏng, thanh tú, lịch sự tự lái chiếc xe Rơ-nôn xinh xắn ra ngoài phố, đi lang thang trên các phố phường Sài Gòn-Chợ Lớn tấp nập xe cộ, lính tráng…
Sự có mặt của Phan Thúc Định ở dinh Gia Long trong những giờ phút sóng gió mà nhiều người khác bỏ đi, khi những lực lượng thân Pháp liên kết với nhau định hất đổ Ngô Đình Diệm đã làm cho Diệm thêm tín nhiệm anh. Diệm đã coi anh là một trong những thủ túc thân tín. Ngô Đình Nhu cũng tôn trọng sự hiểu biết sâu sắc của anh về mọi vấn đề, về tư tưởng của anh, không có gì để hắn phải phàn nàn. Hắn có đôi chút nghi ngại về thái độ của vợ hắn đối với anh, nhưng vốn là người thâm hiểm, hắn không bộc lộ ra ngoài. Hắn thấy không có một dấu hiệu gì để phải nghi vấn Phan Thúc Định về mặt đó. Nếu có nghi vấn tất phải nghi vấn thái độ của Phi-sin. Nhiều lúc hắn bắt gặp cái nhìn thèm muốn lộ liễu của tên giáo sư Mỹ này với Lệ Xuân. Nhất là từ dạo anh em hắn thâu tóm tất cả quyền hành vào trong tay, họ Trần của vợ hắn cũng được đưa lên không kém gì họ Ngô, vợ hắn được đề cao là “đệ nhất phu nhân” thì ăn mặc, sống càng buông tuồng phóng túng. Ả tung ra một kiểu áo dài phụ nữ mới, bó chẽn sát vào người, sườn xẻ thật cao, cổ khoét rộng đến vai. Người phụ nữ không mặc áo cánh bên trong, mặc kiểu áo đó bằng vải mỏng hoặc vải ni-lông, thân hình hầu như được phơi trần ra trước mặt mọi người.
Kiểu áo đó gọi là kiểu “Trần Lệ Xuân”. Ả mặc kiểu áo đó đăng đàn diễn thuyết, đi khánh thành một nhà máy do anh em họ Ngô bớt tiền viện trợ Mỹ ra xây làm của riêng, đi thăm một khu tập trung vợ lính… Thấy cái mũi tẹt mình do bố mẹ sinh ra không được đẹp, ả thường xuyên đến các cửa hàng mĩ viện để chữa cho mũi cao lên. Có lần ả khoe với Định:
- Mũi tôi đã cao hơn được một li.
Ả thường rủ Định đi tham dự chợ phiên “ủng hộ thương phế binh”, dự đại hội tân nhạc, hoặc lên Đà Lạt thăm biệt thự riêng của vợ chồng hắn xây mất hàng trăm triệu đồng… Trừ trường hợp không thể từ chối được, Phan Thúc Định mới đi còn thường thường anh nhường cái hân hạnh ấy cho “giáo sư cố vấn” Phi-sin.
Sau khi củng cố được địa vị, Ngô Đình Diệm muốn trả công cho Phan Thúc Định bằng một cái ghế trong chính quyền của hắn, nhưng bọn Lên-sđên vẫn chưa nghe. Lên-sđên nói với Diệm:
- Nếu để cho Định một chức nhỏ thì anh ta sẽ không bằng lòng, nhưng nếu giao cho anh ta một chức to trong chính phủ – tổng trưởng chẳng hạn – thì anh ta còn trẻ quá, chưa có uy tín trong chính giới Việt Nam. Chúng tôi sợ ông không tập hợp được những lực lượng ủng hộ ông. Chúng tôi muốn dùng những người nào cả quá khứ lẫn hiện tại phải đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ triệt để chống Cộng sản.
Hắn không nói rõ điều nghi ngại của hắn, nhưng cũng làm Ngô Đình Diệm phân vân. Ngô Đình Diệm quay sang hướng khác, muốn trả công Định bằng kinh tế. Hắn bàn với Ngô Đình Nhu để cho Định phụ trách một số công trình xây dựng của gia đình hắn thông qua việc sử dụng viện trợ Mỹ. Ngô Đình Nhu lắc đầu:
- Nếu anh muốn trả công Định, anh có thể cho anh ta một số tiền lớn bao nhiêu cũng được, em không có ý kiến gì. Anh ta muốn sử dụng thế nào, tùy ý. Nhưng kinh tế riêng của gia đình chúng ta thì không nên để cho bất cứ một người nào biết.
Ngô Đình Diệm thấy Nhu có lí. Vì vậy, Phan Thúc Định vẫn được chiêu đãi ở trong dinh “tổng thống” nhưng vẫn không giữ chức vụ gì công khai trong chính phủ Diệm. Mỗi buổi chiều, vẫn theo lệ thường, anh lái chiếc xe con của anh ghé các quán cà phê, các tiệm nhảy. Các tiệm nhảy, quán cà phê, quán rượu càng ngày càng mở nhiều thêm. Ở các quán rượu, quán cà phê, quán trà, người ta bàn áp phe, bàn tán thời sự công khai. Bất cứ một việc gì xảy ra ở Sài Gòn-Chợ Lớn, từ chuyện xe hơi đâm chết người ở đường Lê Lợi đến chuyện ông tổng trưởng nào có “mèo” ở đâu, từ chuyện một anh lính “cộng hoà” giải ngũ, không cách gì nuôi con, đã cầm dao cắt cổ ba con nhỏ rồi tự tử như thế nào, đến chuyện đại sứ Hoa Kỳ tiếp những ai, ngay buổi chiều hôm đó, người ta có thể nghe đầy đủ ở các quán rượu, quán cà phê, quán trà. Người ta có thể gặp ở đây từ những nhà báo quen đi săn tin vặt, những nhà văn chuyên viết sách theo đơn đặt hàng, cười nói ba hoa, đến những sĩ quan nguỵ vừa ở đồn lẻ về ngồi lầm lì; từ những anh sinh viên trường đại học sôi nổi tranh luận đến những anh chào hàng thì thầm bàn tán. Người ta có thể gặp ở đây cả những gã cao bồi du côn mắt nhắm nha nhắm nháy, bám lăng nhăng mấy cô bán hàng đến những tên mật thám chỉ điểm của đủ các thứ cơ quan mật vụ nguỵ quyền: Sở nghiên cứu chính trị và xã hội của Trần Kim Tuyến, Sở Cảnh sát đô thành, Phòng Nhì, Cục An ninh quân đội…
Ở các tiệm nhảy cao cấp thì khách lui tới có khác. Người nước ngoài ghé thăm “Hòn ngọc Viễn Đông” với những mục đích khác nhau. Bọn cố vấn Mỹ muốn giết nỗi buồn xa nhà; mấy nhà tư bản mới trỗi dậy học làm sang; những anh con nhà giàu du học ở nước ngoài về; những sĩ quan nguỵ ở bộ tổng tham mưu quen thói ăn chơi.
Phan Thúc Định ghé vào quán trà “Thiên Thai”. Quán đã đông người. Khói thuốc lá mù mịt. Từ cái máy chạy băng ghi âm ở cạnh cô thu tiền văng vẳng vọng ra một giọng nữ sướt mướt, não nuột.
“… Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt.
Với bao tiếng tơ xót thương đời.
Hận cuộc tình đã chết một đêm nao…”.
Định đưa mắt khắp gian phòng tìm chỗ ngồi. Người đàn ông ngồi một mình một bàn, trông thấy anh, đứng dậy niềm nở:
- Anh Định! Mời anh ngồi chung bàn với tôi.
Người đàn ông đó trạc ngoài năm mươi tuổi, dáng chải chuốt, mặc bộ “trô” xám, đầu chải mượt, mũi to. Định thường hay gặp người này ở các quán trà, tiệm nhảy. Mấy lần anh và hắn đã nói chuyện, ngồi chung bàn với nhau. Ban ngày hắn thường đeo kính mát to gọng, và anh cảm thấy hình như đã gặp hắn ở đâu một lần rồi.
Qua nhiều lần gặp gỡ, biết anh là tiến sĩ luật ở Pháp về, đang tìm việc làm, hắn bắt đầu tâm sự với anh. Hắn cũng là một trí thức Việt kiều về nước. Hắn tự giới thiệu tên là Sanh, bác sĩ chuyên chữa bệnh thần kinh ở Anh, nghe tin hoà bình lập lại, nước nhà độc lập rồi thì về nước, nhưng rồi hắn hối hận đã về miền Nam, vì theo lời hắn: “Đáng lẽ phải về miền Bắc vì miền Bắc mới là độc lập thực sự. Chứ miền Nam chỉ là độc lập giả hiệu. Người Pháp đi thì người Mỹ thay thế. Tôi đã lầm khi về miền Nam này”.
Hắn nói với Định những lời nhiệt tình yêu nước và tha thiết muốn hành động để đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Hắn thường thấp giọng ca ngợi một số trí thức cũng dũng cảm đấu tranh trong “Phong trào đòi hoà bình thống nhất” ở Sài Gòn-Chợ Lớn như luật sư Nguyễn Hữu Thọ. giáo sư Phạm Huy Thông… Hắn nói: “Nếu tôi về nước sớm, tôi cũng tham gia phong trào đó. Những người trí thức phải là những người yêu nước dám đứng về phía chính nghĩa. Tôi chỉ công nhận ở nước Việt Nam này có một lãnh tụ duy nhất: Cụ Hồ Chí Minh…”
Thời gian đầu, Định lặng im. Vài lần gần đây, tuy không nói ra lời nhưng anh chăm chú nghe hắn và gật đầu tỏ vẻ đồng tình, hắn càng thân mật, tâm sự với anh.
Cũng chẳng còn bàn nào để trống, Định bước lại bàn của Sanh. Một cô chiêu đãi viên đến trước bàn, hơi cúi đầu, mỉm cười. Định nói:
- Cô cho tôi một tách cà phê đen. Xin đừng cho bơ.
Cô chiêu đãi viên quay đi. Định và Sanh trao đổi với nhau những câu hỏi thăm xã giao về sức khỏe, về việc làm. Hai người cùng cười khi biết cùng chưa lựa chọn được việc làm nào hợp ý mình. Tên Sanh cười lớn hơn:
- Bởi vì chúng mình không phải chỉ cần có việc làm để kiếm được nhiều tiến hoặc có danh vọng. Nếu chỉ cần thế thì tôi vẫn cứ ở Anh và anh đã ở lại Pháp rồi, phải không? Chúng ta cần những cái gì lớn hơn thế.
Ở bàn bên cạnh, mấy người đàn ông, vừa già, vừa trẻ ngồi lẫn lộn với nhau. Cách ăn mặc mỗi người một khác, người thì sang trọng thắt cà vạt, quần thẳng nếp, giày đen bóng loáng, người thì cẩu thả áo cộc tay bỏ ngoài quần, đi dép lê. Người hút thuốc lá liên tục, người ngậm tẩu và ánh lửa đỏ trên nõ tẩu luôn luôn sáng. Những cốc cà phê để đầy bàn lẫn với ấm chén trà. Qua câu chuyện, Định biết đấy là mấy phóng viên, biên tập viên của mấy tờ báo lớn ở Sài Gòn. Định rất thích nghe chuyện phóng viên. Họ biết đủ các thứ chuyện, lại hay trống miệng và coi trời bằng vung. Những gì họ biết mà họ không viết ra được, họ đều nói ra miệng ở các quán trà, tiệm rượu, trong những buổi gặp gỡ nhau. Vừa nghe Sanh nói, Phan Thúc Định vừa để ý nghe câu chuyện của các nhà báo ở bàn bên. Đây là câu chuyện của họ:
- Đệ nhất phu nhân qua Đông Kinh và ở đó bà mắng nhiếc ông đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ thậm tệ.
- Thái độ Nguyễn Ngọc Thơ ra sao?
- Tổng thống nhiều khi còn bị bà nạt nộ la ó ở trong dinh mà không dám ngẩng đầu lên, huống chi là Thơ!
- Thơ lên từ sau vụ Ba Cụt bị giết phải không?
- Việc cụ thể như thế nào, kể cho nghe với.
- Anh chưa biết à? Hồi đó, sau khi đã đánh lui quân Bình Xuyên, ông Diệm và ông Nhu cho ông Thơ đi làm sứ giả kêu gọi Ba Cụt đầu hàng. Ông Thơ tiếp xúc với người chú của Ba Cụt là Huỳnh Kim Hoan. Huỳnh Kim Hoan nghe lời ông Thơ đi dỗ dành Ba Cụt trở về với chính phủ và chuyển cho Ba Cụt một cái giấy thông hành của Diệm cấp. Ba Cụt cầm giấy thông hành đó đến địa điếm hẹn thì lập tức bị bắt ngay. Những người bắt Ba Cụt lấy cớ là Ba Cụt đến quá giờ hưu chiến. Người chú Ba Cụt là Huỳnh Kim Hoan cũng mất tích luôn. Toà án quân sự Cần Thơ đưa ngay Ba Cụt ra xử tử hình và cho thi hành án ngay. Riêng ông Thơ được cử đi làm đại sứ.
- Chà chà. Thế thì giỏi quá. Tào Tháo cũng không bằng.
- Suỵt. “Huý” đấy. Có mồm thì cắp có nắp thì đậy.
- Kiểm duyệt báo thôi chứ kiểm duyệt cả mồm người ta nữa à?
- Kiểm duyệt báo là Nha thông tin, còn kiểm duyệt mồm là Nha tổng giám đốc cảnh sát và công an. Không những kiểm duyệt mồm mà còn kiểm duyệt cả ý nghĩ của anh nữa chứ.
- Sự im lặng của nhân dân không phải là một điều tốt đẹp.
- Hà… Hà… Hà…!
- Nhiều anh còn bị đau hơn Ba Cụt nữa cơ. Cứ tưởng bở. Trịnh Minh Thế tưởng sẽ về làm tướng trong quân đội quốc gia, có nhà lầu, ô tô, lại có cả mấy triệu đô la tiền thưởng. Ai ngờ lãnh một viên đạn sau lưng, chết thẳng cẳng. Tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương nhận không biết bao nhiêu tiền của ông Diệm. Cá nhân tướng Phương được riêng ba triệu sáu đôla, ngoài ra còn được ăn vào hàng triệu Mỹ kim cấp cho binh sĩ Cao Đài của Phương và việc thành lập đảng Phục quốc ủng hộ ông Diệm. Ai ngờ ông Diêm vững ngồi rỗi, chỉ một năm sau anh em tướng Phương bị đè xuống bùn nhơ, bị ông Nhu tịch thu hết tài sản, lấy lại toàn bộ số tiền đã nhận của ông Diệm.
- Hà… Hà… Hà… Thổ khô hết thì chó săn phải chết, đấy là chính sách của các bạo chúa.
- Một nền chính trị độc tài bao giờ cũng đi đôi với những thủ đoạn lừa dối và tàn bạo.
- Suỵt! Lại phạm huý rồi.
- Âu đó cũng là một bài học hay… À, này, tôi nghe nói Hít-le khi lên làm quốc trưởng thì tìm cách thủ tiêu hết những người biết rõ quá khứ mình có phải không?
Cô chiêu đãi viên bưng một tách cà phê nóng đặt trên bàn Phan Thúc Định. Anh nhìn cô gật đầu.
- Cảm ơn cô.
Câu chuyện của mấy nhà báo ngồi bàn bên chuyển sang những việc Hít-le làm, khi cầm quyền ở Đức, những sự tàn bạo khủng khiếp của bọn “Giét-ta-pô” đối với những người chống đối hắn và những người Do Thái vô tội. Lão Sanh ngồi phía bên kia bàn nghe họ nói câu được câu chăng. Dù sao hắn cũng biết họ nói gì, nên nhún vai bảo Phan Thúc Định:
- Anh thấy đấy. Ai có trí thức một chút đều bất mãn với chế độ này.
Rồi hắn hạ giọng, cúi xuống nói rất nhỏ với Định:
- Tôi mới ở nước ngoài về nên nhiều cái bỡ ngỡ. Thú thực với anh, nếu tôi biết một người kháng chiến, nếu tôi bắt liên lạc được với một người của Việt Minh… Tôi sẽ như tất cả những người trí thức yêu nước khác.
Định nhìn hắn cũng nói nhỏ, thận trọng:
- Tôi có thể tin được anh không?
Mắt lão Sanh sáng lên, cái mũi to của hắn phập phồng:
- Tôi đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc về đây. Tôi biết nói thế nào hơn được với anh. Người Việt Nam nào chẳng yêu nước, chẳng muốn đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Tôi có giấu gì anh đâu.
Phan Thúc Định vẫn có vẻ ngần ngại:
- Làm thế nào để tôi có thể hoàn toàn tin anh được?
- Tôi xin thề…
Phan Thúc Định nâng tách cà phê uống một ngụm, trầm ngâm như đấu tranh tư tưởng. Lão Sanh nóng ruột, giục giã:
- Đấy là tính mạng của tôi, là cả cuộc đời tôi. Tôi đùa thế nào được. Tôi xin thề với anh… Anh không nên coi thường tôi.
- Xin lỗi anh, không phải tôi coi thường anh đâu. Vì là vấn đề quan trọng có thể mất mạng, không phải là việc đùa, nên tôi phải thận trọng, anh hiểu cho, anh đừng giận tôi.
- Không. Không. Tôi giận anh thế nào được. Anh thận trọng là phải lắm. Bây giờ người tốt thì ít, người xấu thì nhiều. Chỗ nào cũng đầy rẫy bọn mật vụ. Vả lại, chuyện ấy thì ngay đến cả bố mẹ, vợ con mình, mình cũng không cho biết được phải không anh? Nhưng cũng còn tuỳ từng người chứ.
Phan Thúc Định cẩn thận nhìn khắp tiệm trà một lượt, ghé vào tai nói bên tai hắn:
- Tôi hoàn toàn tin ở anh nhé. Tôi có biết một người kháng chiến cũ, người này có thể giúp anh được vì vẫn còn liên lạc với Việt Minh. Anh phải tuyệt đối giữ bí mật đấy.
Lão Sanh không giấu nổi sự sung sướng.
- Ôi, thế mà anh giấu tôi mãi. Thế mà anh để cho tôi bấy lâu nay cứ định lại ra nước ngoài rồi xin về miền Bắc. Anh có thể giới thiệu tôi với người ấy được không? Tôi xin làm bất cứ việc gì, miễn là đóng góp được cho nước nhà chóng thống nhất. Người ấy ở ngay Sài Gòn này hay ở xa đây?
- Người ấy ở ngay Sài Gòn này thôi. Nhưng anh làm gì mà nóng ruột thế?
Lão Sanh thanh minh ngay:
- Anh bảo tôi không nóng ruột làm sao được. Thời gian gần đây tôi thấy cuộc đời tôi cứ kéo dài như thế này, vô vị lắm rồi. Tôi muốn đổi khác đi. Mình có trí thức, có tâm hồn, có lòng yêu nước, mình không thể chấp nhận bất cứ một ngoại bang nào giày xéo lên đất nước này, không thể chấp nhận một sự độc tài tàn bạo thống trị trên mảnh đất này, không thể chấp nhận nỗi đau chia cắt đất nước.
Hắn nói hùng hồn, tha thiết quá, làm Phan Thúc Định phải chuyển thái độ. Anh nói:
- Tôi rất kính phục những người có lòng yêu nước nồng nhiệt như anh. Tôi xin giới thiệu anh với người ấy. Không nói giấu gì anh, tôi đến gặp người ấy bây giờ. Tôi cũng như anh.
Lão Sanh bắt ngay lấy câu nói của Định.
- Ngay bây giờ?
Phan Thúc Định đưa mắt ra hiệu cho Sanh.
- Anh nói khẽ chứ. Uống xong tách cà phê, xin mời anh đi theo tôi.
Lão Sanh uống một ngụm hết chỗ cà phê còn lại trong tách. Phan Thúc Định đứng lên. Lão Sanh nhanh nhẹn ra quầy trả tiền. Hai người bước ra khỏi quán trà. Phan Thúc Định chỉ chiếc xe hơi con của mình.
- Mời anh lên xe tôi.
Mở cửa xe để lão Sanh bước lên, xong anh sang phía tay lái ngồi. Rập mạnh cánh cửa xe, trước khi mở máy, anh móc trong túi hộp thuốc lá, đưa mời lão Sanh. Hắn rút một điếu. Anh bật lửa cho hắn châm. Hắn hít một hơi dài sung sướng.
- Tôi cứ hình dung những người cách mạng là những người phải hiểu biết nhiều. Trước đây, thú thực, tôi chỉ lao vào khoa học, thờ ơ với chính trị. Nhưng từ khi thắng trận Điện Biên Phủ của dân tộc ta vang dội thế giới, tôi tỉnh ngộ…
Thấy Định đóng hộp thuốc cất vào túi, hắn hỏi:
- Anh không hút?
Định cười:
- Trong lúc lái xe, tôi không hút.
Chiếc xe chuyển bánh, bon trên đường đầy xe cộ đi lại. Tối đến, hầu như cả Sài Gòn đổ ra ngoài đường. Những cửa hàng nhấp nháy ánh điện nê-ông xanh đỏ nhiều hơn trước. Những cao ốc kiểu Mỹ đã thấy lác đác xuất hiện. Lão Sanh lại rít một hơi thuốc lá dài, chỉ mấy tên cố vấn Mỹ mặc quân phục đi trên hè đường, nói:
- Bọn này có khác gì bọn lính viễn chinh Pháp trước đây đâu. Nhìn bọn chúng, tôi không chịu được… Ơ hay, không hiểu sao… tôi thấy nôn nao khó chịu quá…
Định vẫn nhìn ra phía trước:
- Có lẽ anh say thuốc đấy!
Tiếng nói của lão Sanh bỗng chới với, mơ hồ:
- Ờ… ờ… có lẽ thế… chỉ buồn ngủ…
Định quay sang, hắn đã nghẻo đầu trên chỗ dựa. Anh cho xe chạy chậm lại, một tay giữ tay lái, một tay rút điếu thuốc lá cháy dở còn trong kẽ tay hắn, ném ra ngoài đường. Anh tiếp tục cho xe chạy ra một phố vắng, đỗ vào sát hè đường. Anh lần lượt soát khắp các túi quần, túi áo hắn. Hắn không mang một giấy má gì, chỉ có một tập tiền. Soát đến túi trong áo “trô” của hắn, Phan Thúc Định móc ra một vật dẹt nhỏ vừa bằng chiếc hộp đựng thuốc lá, có ghi nhãn hiệu USA. Anh mỉm cười: đó là một loại máy ghi âm đặc biệt. Anh lật đi, lật lại chiếc máy trên tay, ấn vào một vài bộ phận trong máy rồi đưa lên tai nghe thử: toàn bộ cuộc nói chuyện giữa anh với lão Sanh ở quán trà đã được ghi lại lẫn với những tiếng âm nhạc khác trong quán. Anh bỏ chiếc máy vào túi mình, rú ga, sang số xe.
Xe anh chạy về đường Trần Hưng Đạo, đỗ lại trước cổng nha Tổng giám đốc cảnh sát công an. Anh đưa giấy chứng nhận là nhân viên đặc biệt của phủ tổng thống cho tên cảnh sát thường trực xem, yêu cầu hắn cho người ra giữ người ngồi trong xe và cho anh gặp ngay tên đại tá giám đốc cảnh sát và công an Nguyễn Ngọc Lễ – Nguyễn Ngọc Lễ đã thay Lại Hữu Sang, sau khi Ngô Đình Diệm diệt Bình Xuyên. May quá, tối đó, Nguyễn Ngọc Lễ ở phòng làm việc. Tên cảnh sát thường trực vội vã lễ phép mời anh vào phòng khách. Một phút sau, anh đi qua chiếc sân đầy bọn cảnh sát mặc quần áo trắng, đầy những xe ô tô sơn xám, những mô tô chực sẵn, bước vào phòng làm việc của Nguyễn Ngọc Lễ. Nguyễn Ngọc Lễ đã gặp anh mấy lần ở “dinh tổng thống”, niềm nở đứng dậy:
- Xin chào ông Định. Ông có việc gì cần kíp truyền đạt cho chúng tôi?
Phan Thúc Định chìa tay bắt tay hắn. Hắn đưa cả hai tay nắm lấy bàn tay Định vì hắn biết anh là người được Ngô Đình Diệm ưu ái. Định nói:
- Tôi vừa lừa bắt được một tên chống đối Ngô tổng thống, công khai chửi bới chính quyền quốc gia và ca ngợi Việt Minh. Nó định bắt liên lạc với Việt Minh để hoạt động lật đổ chính quyền quốc gia. Tôi xin giao nó cho đại tá trước khi về báo cáo với tổng thống.
Nguyễn Ngọc Lễ nói như reo lên:
- Tốt quá. Xin ông cứ để nó đấy cho tôi! Tôi xin thân chinh lấy khẩu cung nó ngay lập tức.
Hắn nắm những ngón tay béo mẫm, chắc nịch của hắn lại:
- Á à! To gan thật, dám chống đối Ngô tổng thống, chửi bới chính quyền quốc gia… á à… dám liên lạc với Cộng sản… Dù gan bằng trời, cứ treo lên cho một trận điện kích liệt là phải phun ra hết…
Phan Thúc Định móc túi đặt chiếc máy ghi âm của lão Sanh lên bàn Nguyễn Ngọc Lễ:
- Đây là chứng cớ nó không thể chối cãi được: toàn bộ những lời nói phiến loạn của nó được ghi lại trong này. Tôi xin giao cho đại tá làm tang vật.
Anh mở chiếc máy ghi âm cho Nguyễn Ngọc Lễ nghe. Càng nghe, mặt hắn càng nhăn lại. Hắn nghiến hai hàm răng vuông bạnh:
- Nó chết với tôi. Nó phải chết với tôi!
Phan Thúc Định tắt máy ghi âm:
- Tôi để nó ngoài xe. Đại tá làm ơn cho mấy nhân viên ra khiêng nó vào hộ. Nó bị ngất đi. Khoảng mươi phút nữa nó sẽ tỉnh dần.
Nguyễn Ngọc Lễ rối rít:
- Vâng, vâng. Nếu cần, chỉ cần một thùng nước vào mặt là tỉnh ngay thôi mà.
- Tuỳ đại tá xử trí.
Nguyễn Ngọc Lễ theo Phan Thúc Định ra ngoài. Đi cạnh Định, hắn hỏi nhỏ:
- Ông thấy tổng thống và ngài cố vấn có ý kiến gì về ngành cảnh sát và công an chúng tôi không?
Phan Thúc Định nghiêm trang:
- Tổng thống và ông Nhu rất bằng lòng về những việc làm tích cực của đại tá nói riêng và những chiến tích của ngành cảnh sát và công an dưới quyền ngài nói chung.
Nguyễn Ngọc Lễ rạng rỡ mặt mày:
- Ông trình lại với tổng thống và ngài cố vấn hộ tôi: Tôi rất hàm ơn tổng thống, xin hết sức trung thành và tuyệt đối; chấp hành mọi mệnh lệnh của tổng thống.
Hắn vẫy mấy tên cảnh sát võ trang đang đứng ở sân theo hắn ra cổng. Sau khi ra lệnh cho chúng khiêng lão Sanh vào trong phòng lấy khẩu cung, Nguyễn Ngọc Lễ còn nói với Phan Thúc Định trước khi anh lên xe:
- Ông thưa với tổng thống là tôi sẽ thân chinh lấy khẩu cung nó ngay bây giờ và ngày mai xin trình lên tổng thống.
Chiếc xe con của Phan Thúc Định lẫn ngay vào với dòng xe xuôi ngược tấp nập trên đường. Anh lái xe quay về trung tâm thành phố Sài Gòn, đỗ trước cửa tiệm nhảy Liberty Palace.
Trong lúc anh đang ngồi nói chuyện như thường lệ với Thuý Hằng trên gác, cậu bé đánh giày huýt sáo miệng đi qua phía sau xe anh…

°

° °

Sáng hôm sau, lão Sanh tả tơi ngồi gục trước mặt Lên-sđên và Trần Kim Tuyến. Hắn chỉ còn mặc chiếc áo sơ mi và chiếc quần “trô” rách mướp đầy vết bẩn lẫn với máu. Mặt hắn nổi lên từng khối tím sưng húp. Hắn thở hổn hển và không muốn cử động chân tay nữa. Thỉnh thoảng, hắn bật lên những tiếng đau đớn…

Lên-sđên lồng lộn như con hổ bị sa lưới:
- Con khỉ. Anh làm hỏng hết mọi việc!
Trần Kim Tuyến thì nhìn lão Sanh bằng cặp mắt ái ngại:
- Anh Phòng, sao anh không nói ngay với đại tá Lễ anh là ai và gọi điện về cho chúng tôi biết.
Phạm Xuân Phòng – chính hắn là Phạm Xuân Phòng – rên rỉ:
- Ông ấy có thèm nghe tôi đâu… Tôi nói rồi. Ông ấy không tin… Cái máy ghi âm… Nó hại tôi… Ông ấy đánh tôi… đau quá… Thằng chó chết!… vừa quay điện… vừa đổ nước vào mồm… tôi chết mất… đau quá…
Hắn đưa tay lên lay lay hàm răng của mình, có cảm tưởng như hai hàm răng đã long chân hết. Không giữ lịch sự gì nữa, hắn nhổ một bãi nước bọt có vẩn máu xuống nền nhà.
Trần Kim Tuyến nói như an ủi:
- Anh cũng đã được huấn luyện để có thể chịu đựng được sự tra tấn khi nhỡ rơi vào tay Cộng sản rồi cơ mà.
Phạm Xuân Phòng đưa bàn tay quệt ngang miệng. Tức giận rên lên:
- Nhưng tôi… có được huấn luyện để… chịu đựng máy quay điện tối tân… của Hoa Kỳ đâu.
Trần Kim Tuyến hơi nhếch mép, Lên-sđên không chú ý gì đến hình hài tả tơi, sự đau đớn của Phạm Xuân Phòng, nói như mắng vào mặt hắn:
- Con khỉ. Thế là hỏng hết! Anh lộ rồi, anh Phòng ạ. Từ giờ trở đi, anh không thể đảm nhận được công việc theo dõi Phan Thúc Định nữa. Anh hãy giấu mặt đi, và làm việc khác.
Rồi Lên-sđên quay về phía Trần Kim Tuyến:
- Chúng ta đã thanh toán xong các giáo phái, các đảng phái của Nhật, của Pháp còn lại chống đối chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn không làm thế nào dẹp yên được những kẻ đòi hoà bình thống nhất, đòi nói chuyện với miền Bắc, đòi tổng tuyển cử, chống lại ông Diệm và sự có mặt của người Mỹ ở đây. Phong trào đó ngày càng lan rộng, ngày càng đe doạ chúng ta. Trong dân chúng, ảnh hưởng của Việt Minh. của ông Hồ Chí Minh vẫn còn sâu sắc. Ở một số vùng nông thôn, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được. Nhiều trưởng ấp, trưởng thôn đã bị mất tích. Ở thành phố, qua báo cáo của các cơ quan điều tra, tầng lớp trí thức thanh niên có nhiều bất mãn hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm, có những tổ chức hoạt động bí mật. Tất cả những điều đó chắc chắn có bàn tay của Việt Minh. Tất cả những điều đó làm chúng ta lo ngại hơn bọn giáo phái thân Pháp, chúng ta vừa dẹp xong. Cho nên nếu Phan Thúc Định là người của SEDCE thì tôi không lo ngại, nhưng nếu là người của tổ chức Việt Cộng thì phải thanh toán ngay. Cuộc điều tra vừa rồi của anh Phòng vẫn bổ ích cho chúng ta. Chúng ta chưa thấy một dấu vết gì chứng tỏ Định là người của Việt Cộng. Dù sao, muốn chắc chắn, chúng ta vẫn phải làm thêm lần cuối cùng nữa cho an tâm, để biết rõ Định có phải là một người hoàn toàn theo ta chống Cộng hay còn ở trong một tổ chức nào khác? Còn một đầu mối chúng ta vẫn phải thẩm tra.
Hắn kéo khoá mở chiếc cặp cầm trên tay, lấy ra hai tờ báo hàng ngày: “Thời Đại” và “Sài Gòn”. Cả hai cùng được mở sẵn ở trang 8, mục rao vặt có bút chì đỏ đóng khung mấy dòng chữ nhỏ. “Mua tranh cổ: xin liên lạc 165 đường Võ Di Nguy”. Trần Kim Tuyến đọc nhanh mấy dòng chữ nhỏ đó, ngước mắt nhìn chủ như dò hỏi. Lên-sđên hất hàm:
- Anh có biết 165 Võ Di Nguy là địa chỉ của ai không?
Trần Kim Tuyến lắc đầu:
- Tôi làm thế nào biết hết được tất cả các nhà ở vùng Sài Gòn này.
- Thế mà phải biết hết đấy! Nếu không, cũng phải biết hầu hết, thưa ông Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị ạ… Đây là địa chỉ của Thuý Hằng, cô gái nhảy xinh đẹp của tiệm Liberty vẫn nói chuyện với Phan Thúc Định, hẳn anh chưa quên.
Phạm Xuân Phòng vẫn ngồi ôm hàm rên rỉ nhổ xuống một bãi nước bọt vẩn máu nữa.


© 2006 - 2024 eTruyen.com