Vào khoảng 11 giờ 50 phút sáng, trong căn hộ ở Port Credit, Harry Partridge bật chiếc ti vi trong phòng khách để đón xem chương trình của trạm truyền hình Buffalo, một chi nhánh của hãng CBA New York. Làn sóng của các trạm truyền hình Buffalo chỉ phải đi có 60 dặm qua hồ Ontario mà không hề có một chướng ngại vật nào nên ở vùng Toronto này thu được rất rõ.
Vivien đã đi ra ngoài phố và đến tận xế chiều cô mới về nhà.
Partridge hy vọng rằng qua vô tuyến, anh sẽ biết thêm những tin mới nhất về vụ tai nạn của hãng hàng không Muskegon ở Dallas-Fort-Wort vào 11 giờ 55 phút, chương trình bỗng bị ngắt đột ngột bằng bản tin đặc biệt của hãng CBA.
Partridge cũng sửng sốt và kinh hoàng như mọi người khác. Liệu có đúng như vậy chăng, anh tự hỏi, hay chỉ là một sự lẫn lộn bất thường? Nhưng kinh nghiệm cho anh biết rằng hãng CBA không bao giờ đưa tin mà lại không bảo đảm tính xác thực của nó.
Trong khi quan sát vẻ mặt của Don Kettering trên màn ảnh và nghe phần tin tiếp theo, anh cảm thấy rằng, mạnh hơn tất thẩy, chính là mối quan tâm của cá nhân anh đối với Jessica. Và lẫn lộn với những tình cảm đó là tình bạn và sự cảm thông đối với Crawford Sloane. Đồng thời, Partridge hiểu rằng kỳ nghỉ của anh vừa mới bắt đầu sẽ chấm dứt sớm. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi 45 phút sau, anh nhận được điện thoại yêu cầu anh trở về trụ sở của hãng CBA tại New York. Điều làm anh thực sự ngạc nhiên là chính Crawford Sloane gọi cho anh.
Partridge nhận thấy rất rõ qua giọng nói là Sloane hầu như mất tự chủ. Sau vài lời mở đầu, Sloane nói: “Tôi vô cùng cần cậu, Harry ạ, Leslie và Chuck đang thành lập một đơn vị đặc biết, đơn vị này sẽ làm hai nhiệm vụ: đưa tin hàng ngày và điều tra riêng. Họ hỏi tôi muốn cử ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi đã nói với họ tôi chỉ chọn một người duy nhất – đó là cậu”.
Trong suốt những năm tháng mà anh và Sloane quen biết nhau, chưa bao giờ Partridge nhận ra rằng họ lại thân thiết với nhau như lúc này. Anh đáp:
“Được rồi, Crawf ạ. Tôi sẽ bay ngay chuyến tối”.
“Cám ơn cậu, Harry. Vậy có người nào cậu cần cộng tác với không?”.
“Có chứ. Tìm cho tôi Rita Abrams – bất kể cô ấy ở đâu, ở Minnesota hay đâu đó – và đưa cô ấy về. Cả Minh Văn Cảnh cũng như vậy”.
“Nếu khi cậu đến nơi mà họ vẫn chưa về, cậu sẽ gặp họ ngay sau đó thôi. Còn ai nữa không?”.
Partridge suy nghĩ rất nhanh rồi nói:
“Tôi cần Toddy Cooper ở London”.
“Cooper” – giọng Sloane ngỡ ngàng, nhưng rồi anh nhớ ra ngay: “Anh ta là người điều tra của chúng ta phải không?”.
“Đúng vậy”.
Toddy Cooper là một thanh niên người Anh, 29 tuổi, sản phẩm của cái mà người Anh gọi một cách trưởng giả là “của trường đại học gạch đỏ”, một người Cockney vui tính lẽ ra đã phát thành công bài Tôi và người yêu của tôi. Theo Partridge anh ta cũng gần như là một thiên tài trong việc biến công việc nghiên cứu thông thường thành cuộc điều tra của một thám tử và tiến hành nó với sự suy luận sắc sảo.
Trong thời gian làm việc ở châu Âu, Partridge đã phát hiện ra Cooper, lúc bấy giờ đang giữ một chân thủ thư nhỏ ở hãng phát thanh và truyền hình BBC của Anh. Partridge đã có ấn tượng tốt ngay vì cái cách nghiên cứu đầy sáng tạo mà Cooper đã làm cho anh. Sau đó, anh đã tìm cách đưa Cooper vào làm việc cho văn phòng của hãng CBA ở London với tiền lương và viễn cảnh tốt đẹp hơn.
“Được, cậu sẽ có cả cậu ta nữa”. Sloane trả lời. “Cậu ta sẽ bay từ Anh sang ngay chuyến bay của chiếc Concordes tới đây”.
“Nếu cậu thấy có thể được”, Partridge nói, “tôi muốn hỏi cậu vài điều, để tôi còn có cái mà nghĩ trên đường về”.
“Cậu cứ hỏi”.
Tiếp theo đó là những câu hỏi gần giống như những câu tay nhân viên FBI Havelock đã hỏi. Có lời đe doạ nào không?... Có sự phản đối đặc biệt nào không? Có chuyện gì bất thường không? Có nhận định gì không? Dù xa xôi nhất, như thể là ai đó?... Liệu có tin tức gì đã biết mà chưa được công bố không?
Việc hỏi han là cần thiết, nhưng tất cả các câu trả lời đều là không.
“Thế cậu đã nghĩ ra được điều gì chưa? – Partridge vẫn hỏi gặng: “Một sự việc nhỏ nhặt nào đấy mà có lẽ lúc đó cậu đã bỏ qua hay hầu như không nhận thấy nhưng lại có thể có liên quan tới những điều đã xảy ra?”.
“Câu trả lời lúc này vẫn là không”, Sloane nói, “nhưng tôi sẽ suy nghĩ về việc đó”.
Sau khi họ bỏ máy, Partridge quay sang chuẩn bị cho chuyến đi. Trước khi Sloane gọi điện tới, anh đã bắt đầu sắp xếp chiếc vali mà anh vừa mới dỡ ra một giờ trước đó. Anh gọi điện cho hãng hàng không Canada, đăng ký chuyến bay 2 giờ 45 phút từ sân bay quốc tế Pearson của Toronto. Nó sẽ hạ cánh xuống sân bay La Guardia ở New York lúc bốn giờ chiều. Sau đó, anh gọi một chiếc taxi đến đón mình sau 20 phút.
Khi đã sắp xếp xong xuôi, Partridge viết nguệch ngoạc mấy lời tạm biệt cho Vivien. Anh biết rằng cô sẽ thất vọng trước sự ra đi đột ngột của anh. Ngay chính anh cũng vậy. Cùng với lá thư anh còn để lại một tấm ngân phiếu rất hào phóng dùng cho việc trang hoàng lại căn hộ họ đã bàn bạc với nhau.
Trong lúc tìm một chỗ để lá thư và tờ ngân phiếu, một hồi chuông dưới nhà vang lên. Chiếc taxi anh gọi đã tới.
Vật cuối cùng anh nhìn thấy trước khi ra đi là những chiếc vé của buổi hoà nhạc Mozart ngày hôm sau nằm trên tủ. Anh buồn rầu nghĩ rằng tất cả những cái đó – cũng như những chiếc vé và những lời mời mà anh đành bỏ trước kia – chẳng biểu hiện một cái gì khác hơn là cuộc sống bất định của một phóng viên vô tuyến truyền hình.
Chuyến bay liền chặng không nghỉ của hãng hàng không Canada trên một chiếc Boeing 727 với toàn bộ chỗ ngồi đồng hạng ba. Vì máy bay ít khách nên Partridge có được thêm ba ghế nữa cho mình. Anh đã hứa với Sloane là trên đường tới New York sẽ để tâm suy đến vụ bắt cóc và vạch ra phương hướng mà anh và nhóm điều tra của hãng CBA sẽ tiến hành. Nhưng những thông tin mà anh có được lại quá ít ỏi, nên anh cần có thêm thông tin. Vì vậy, một lúc sau anh bỏ ý định vạch phương hướng, và nhấm nháp cốc rượu mạnh anh để cho dòng suy nghĩ của mình tự do bay bổng.
Anh suy ngẫm, ở một mức độ rất riêng tư, về Jessica và về bản thânh anh.
Kể từ ngày ở Việt Nam về, anh đã trở nên quen với ý nghĩ rằng Jessica chỉ thuộc về anh trong dĩ vãng, rằng nàng là người anh đã từng yêu nhưng không còn phù hợp với anh nữa và trong một chừng mực nào đó, ở quá xa tầm tay anh. Partridge nhận ra ở một mức độ nhất định, rằng suy nghĩ của anh là suy nghĩ của một kẻ tự bó mình lại để chống lại cảm giác thương hại cho bản thân mình, cái cảm giác mà anh ghét cay ghét đắng.
Nhưng giờ đây, vì Jessica đang gặp nguy hiểm, anh đành phải thú nhận với mịnh rằng anh vẫn luôn nghĩ đến nàng. Hãy nhìn thẳng vào vấn đế: anh vẫn còn đang yêu nàng. Và không phải là một bóng hình trong tâm tưởng, mà là một người bằng xương bằng thịt đang sống, có thật.
Vì thế, cho dù vai trò của anh trong việc tìm kiếm là gì đi chăng nữa – mà chính Crawf đã yêu cầu anh giữ vai trò chủ yếu – Harry Partridge biết rằng tình yêu của anh với Jessica sẽ thúc đẩy anh và khiến anh vững vàng hơn, ngay cả khi anh vẫn giấu kín tình yêu ấy, để nó âm ỉ cháy trong anh.
Rồi, cùng với cái mà anh nhận ra là một thoáng mỉa mai, anh tự hỏi mình: “Có phải ta không chung thuỷ không?”.
Không chung thuỷ với ai? – Dĩ nhiên là với Gemma, người đã mất. Ôi Gemma thân yêu! Sáng sớm hôm nay khi anh nhớ ra một ngoại lệ cho cái khả năng không còn có thể khóc của anh, anh đã để cho những hồi ức về cô len vào trong tâm trí. Nhưng anh đã vội xua đuổi chúng đi như những thứ mà anh không thể chịu đựng nổi. Nhưng giờ đây, những ý nghĩ về Gemma lại đang dồn dập trở về. “Nàng sẽ mãi mãi trở về” – anh nghĩ.
*
Vài năm sau chuyến công vụ của Partridge ở Việt Nam và sau một vài lần bị phân công tới những nơi khó khăn khác nữa, hãng CBA cử anh làm phóng viên thường trú ở Rome. Anh đã ở đó gần năm năm.
Trong nghề làm truyền hình, việc được phân công tới Rome được coi là một cơ hội béo bở. Mức sống ở đó cao, giá cả vừa phải so với các thành phố lớn khác, và cho dù mọi sự dồn ép và căng thẳng không tránh khỏi về công việc từ New York đổ tới, nhịp điệu cuốc sống ở đây vẫn thoải mái và dễ dàng.
Cùng với việc đưa các bản tin địa phương và một đôi lần lang thang đi chơi xa, Partridge đưa tin chủ yếu về Toà thánh Vatican. Nhiều lần anh cũng đã đi trên chiếc máy bay của Toà thánh tháp tùng Giáo hoàng John Paul II trong những chuyến đi nước ngoài của Ngài.
Cũng chính trong một chuyến đi của Toà thánh như thế, anh đã gặp Gemma.
*
Partridge vẫn thường cảm thấy buồn cười khi những người ngoài cuộc cho rằng một chuyến đi trên máy bay của Toà thánh là một dịp thực tập các nghi lễ và sự chừng mực. Sự thực thì hoàn toàn không phải thế. Cụ thể hơn là trong khoang của các nhà báo ở phía cuối máy bay, sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Bao giờ cũng có rất nhều tiệc tùng và ăn uống – rượu uống không hạn chế, không mất tiền và trong những chuyến bay dài thâu đêm, những chuyện tình ái không phải là không có. Partridge đã từng được nghe một anh bạn phóng viên kể về một chuyến bay của toà thánh, nghĩa là có đủ thứ suốt trên con đường từ địa ngục tới thiên đàng – như trong địa ngục của Dante. Bất cứ trong chuyến đi nào cũng vậy, ở phía đầu máy bay là môt khoang lớn rộng rãi dành cho Giáo hoàng. Bên trong có một cái giường và hai ghế trường kỷ lớn đầy đủ tiện nghi, cũng có khi là ba cái. Khoang tiếp theo dành cho những nhân viên cấp cao trong đoàn tuỳ tùng của Giáo hoàng. Ngoại trưởng của Ngài, vài vị Hồng y giáo chủ, bác sĩ riêng của giáo hoàng, thư ký và người hầu phòng. Rồi, sau một bức tường ngăn nữa là đến khoang của các linh mục và các tu sĩ cấp thấp hơn. Ở giữa các khoang phía trước của máy bay, và cũng tuỳ từng loại máy bay, thường có một khoảng trống, nơi để tất cả những quà tặng mà Giáo hoàng nhận được trong chuyến đi của mình. Tất nhiên phải rất nhiều thứ và rất đắt tiền. Cuối cùng là khoang dành cho các phóng viên. Loại ghế ở đây là dành cho khách du lịch, nhưng với sự phục vụ hạng nhất, rất nhiều tiếp viên hàng không, còn thức ăn và rượu thì tuyệt hảo. Các phóng viên cũng được nhận những món quà rất lớn, thường thường là của các hãng hàng không có liên quan, nhất là hãng Alitalia của Italia. Các hãng hàng không rất nhanh nhạy trong việc quảng cáo thường nhận ra ngay một dịp như vậy là một cơ hội quảng cáo tốt. Còn về phía các phóng viên, họ là một nhóm trung bình xét về mặt nghề nghiệp, một hỗn hợp quốc tế các phóng viên báo chí, truyền hình và đài phát thanh của tất cả các nước trên thế giới: các phóng viên truyền hình còn đi cùng đội quay của họ, tất cả đều có những mối quan tâm thông thường, một sự hoài nghi thông thường và đôi khi còn thiên về những hành vi thiếu tôn kính. Trong khi không một hãng truyền hình nào dám thừa nhận điều đó một các công khai, họ vẫn thích các phóng viên làm tin về vấn đề tôn giáo, chẳng hạn như về một chuyến đi của Toà thánh, là những người không bị ràng buộc sâu sắc với một tín ngưỡng nào cả. Họ sợ rằng, một tín đồ tôn giáo sẽ đưa về những bản tin chán ngắt. Người ta thích một chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh hơn. Harry Partridge là người đáp ứng được yêu cầu đó. Khoảng bảy năm sau những chuyến đi của anh với Toà thánh, Partridge rất ngưỡng mộ một bài viết năm 1987 của Judd Rose phóng viên của hãng ABC, về chuyến đi của Giáo hoàng John Palu II tới Los Angeles, Rose đã thành công trong việc đặt một đường phân định khó thấy giữa một tin tức hóc búa và sự hoài nghi triết học vào bài bình luận của anh ta. *
Partridge phải thừa nhận là Rose đã nói hoàn toàn đúng về những cơ hội ngắn ngủi có thể phỏng vấn Giáo hoàng trên chuyến bay của Toà thánh. Thực ra nếu không có một cuộc trao đổi hỏi và đáp ngắn ngủi đó thì câu chuyện giữa anh và Gemma có lẽ đã không bao giờ có… Đó là một trong những chuyến đi dài ngày của Giáo hoàng tới gần 12 nước ở Trung Mỹ và Caribe, trên chiếc máy bay Alitalia DC-10. Họ đã bay suốt cả đêm hôm đó, và sáng hôm sau, khoảng hai giờ trước khi hạ cánh, Giáo hoàng đột ngột xuất hiện trong khoang báo chí ở phía cuối. Người ăn mặc giản dị - một chiếc áo thầy tu trắng, mũ chụp trên đầu và chân đi một đôi dép lê màu nâu – một bộ trang phục thường lệ, khi không phải mặc lễ phục trong các buổi Ngài làm lễ. Giáo hoàng dừng lại gần Harry Partridge với vẻ mặt trầm ngâm. Trong khoang báo chí, ánh đèn của máy quay phim đã bật sáng, nhiều phóng viên đã bật máy thu. Partridge đứng dậy và với hy vọng gây không khí thuận lợi cho một cuộc nói chuyện truyền hình, anh lễ phép hỏi: “Thưa Đức giáo hoàng, Ngài ngủ ngon chứ ạ?”. Giáo hoàng mỉm vười và trả lời: “Rất ít”. Kinh ngạc, Partridge hỏi tiếp: “Rất ít ư, thưa ngài! Vài giờ thôi ạ?”. Không có tiếng trả lời, chỉ có một cái lắc đầu hè nhẹ. Dù Giáo hoàng John Paul là một nhà ngôn ngữ học hoàn hảo biết nhiều thứ tiếng, đôi khi ngài vẫn nói tiếng Anh không chuẩn. Partridge hoàn toàn có thể nói bằng tiếng Italia trôi chảy, nhưng anh lại muốn có được những lời nói của Giáo hoàng bằng thứ tiếng của những khán giả hãng CBA. Anh quyết định thử hỏi một vài câu có giá trị tin tức hơn. Nhiều tuần nay, người ta đã thảo luận về khả năng một chuyến đi của Toà thánh tới nước Nga. “Thưa ngài, Ngài có muốn tới thăm nước Nga không ạ?”. Lần này là một lời đáp rõ ràng: “Có”. Rồi giáo hoàng nói thêm: “Người Ba Lan và người Nga, đều là những người Slavs. Nhưng họ cũng là những thần dân của ta…”. Không kịp để cho ai nói thêm điều gì, Giáo hoàng quay lưng lại và bước trở về phòng riêng của mình ở đầu máy bay. Trong đám phóng viên nổi lên những rì rầm bằng nhiều thứ tiếng về câu hỏi và câu trả lời. Các nhân viên phục vụ của hãng Alitalia đang chuẩn bị bữa ăn sáng cũng ngừng tay và lắng nghe chăm chú. Một người nhà báo hỏi: “Các anh có nghe Ngài nói gì không – nô lệ!”. Partridge đưa mắt nhìn ngườiquay phim và người phụ trách âm thanh. Cả hai đều gật đầu. Anh chàng kỹ thuật viên âm thanh nói: “Chúng tôi cũng nghe thấy như vậy”. Một người khác đang bật lại băng ghi âm. Từ “Slaves” nghe rất rõ. Một phóng viên của một hãng tin Anh nới với vẻ nghi ngờ: “Đức ngài muốn nói “Slavs”. Chính Ngài cũng là người Slaves. Đó là điều chính xác”. “Từ “nô lệ” (Slaves) làm cho câu chuyện trở nên đáng lưu ý hơn”, - một giọng khác chen vào. Quả thực như vậy, Partridge cũng biết điều đó. Việc đưa tin thông thường cách diễn đạt từ “Slaves” sẽ gây nên một sự tranh luận trên toàn thế giới, thậm chí có thể tạo ra những tình huống thời sự quốc tế rắc rối, với những lời buộc tội và lời qua tiếng lại giữa Cremli, Varsava và Vatican. Giáo hoàng sẽ cảm thấy lúng túng, mà điều này sẽ làm hỏng chuyến đi thắng lợi của Ngài. Partridge là một phóng viên lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm trong nghề và được các bạn đồng nghiệp kính trọng. Một số người coi anh như người hướng dẫn. Anh suy nghĩ rất nhanh. Đây là một câu chuyện nóng hổi, một điều ít khi xảy ra trong một chuyến đi của Toà thánh. Có thể không bao giờ có một chuyện thứ hai như thế. Khuynh hướng của anh, một người hoài nghi, là tận dụng nó. Mà tuy vậy sự hoài nghi cũng không trùm lấp sự lịch thiệp thông thường: và một đôi lần trong công việc, đạo đức nghề làm báo thực sự có tác dụng. Sau khi đã quyết định, Partridge nói ra để mọi người cùng nghe: “Ngài muốn nói Slavs. Rõ ràng là như vậy. Nhưng tôi sẽ không dùng đến nó”. Không tranh cãi gì thêm nữa, không ai tỏ ra tán thành hay đồng ý, nhưng sau đó, rõ ràng cũng không ai đưa câu chuyện này lên mặt báo. Khi các phóng viên và kỹ thuật viên trở về chỗ ngồi, các nhân viên hãng Alitalia lại tiếp tục làm việc. Khi chiếc khay đựng bữa ăn sáng của Partridge được mang đến, trên đó có một thứ rất lạ, không dành cho những người khác – một lọ hoa nhỏ bằng thuỷ tinh cắm duy nhất một bông hồng. Partridge nhìn cô chiêu đãi viên trẻ đang mỉm cười trong bộ đồng phục may hai màu xanh lá cây và đen, người đã mang chiếc khay tới. Trước đó, anh đã để ý tới cô mấy lần và nghe các nhân viên khác gọi cô là Gemma. Nhưng lúc này, anh bỗng cảm thấy nghẹn thở vì cô ở quá gần anh, và trong giây lát lưỡi anh ríu lại. Mãi cho đến sau này, đặc biệt là những lúc mà anh cảm thẩy cô đơn ghê gớm, anh vẫn thường nhớ tới Gemma trong cái giây phút kỳ diệu đó – 23 tuổi, xinh đẹp, với mái tóc đen, dài lộng lẫy, đôi mắt nâu lấp lánh, vui tươi trước cuộc đời như bông hoa giữa buối sớm mai thơm ngát, trong bầu không khí trong lành của mùa xuân trên sườn đồi xanh tươi dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Với vẻ bối rối bất thường, anh chỉ tay vào bông hồng. Sau này anh mới biết rằng cô đã lấy nó trong phòng của Giáo hoàng. Lúc đó anh hỏi: “Tại sao lại dành cho tôi?”. Cô mỉm cười với anh, và với chất giọng nhẹ nhàng của người Italia, cô nói: “Em mang nó đến vì anh là một người tốt bụng và ngọt ngào. Em thích anh”. Ngay cả anh cũng cảm thấy câu trả lời của anh có vẻ không đầy đủ và tầm thường: “Tôi cũng thích cô”. Nhưng dù nó tầm thường hay không đi chăng nữa, trong giây phút ngắn ngủi đó, tình yêu mãnh liệt và lâu dài của anh với Gemma đã bắt đầu. Partridge đưa dòng suy nghĩ của mình về với thực tại một lúc trước khi chuyến bay của hãng hàng không Canada hạ cánh xuống New York. Anh là người đầu tiên ra khỏi máy bay và sải bước vội vã qua lối cửa ra La Guardia. Chỉ có hành lý xách tay, anh có thể rời sân bay nhanh chóng và gọi taxi về trụ sở hãng CBA.
Anh vào thẳng phòng của Chuck Insen nhưng thấy phòng bỏ không. Một nhân viên cấp cao ở Vành móng ngựa gọi anh: “Xin chào! Harry, Chuck đang dự cuộc họp báo dành cho Crawf. Mọi cái đang được ghi lại. Anh có thể theo dõi được đấy. À, nhân tiện nếu chưa ai nói gì với anh, tối nay Crawf sẽ không đưa tin. Anh sẽ phải thực hiện chương trình đó”.