Gần một tháng trước đây, ngay khi Miguel vừa mới vào nước Mỹ một cách bất hợp pháp, hắn đã dự định mua quan tài để chuyên chở hai nạn nhân bị bắt cóc về Peru. Kế hoạch đã được triển khai chu đáo trước khi hắn thực sự vào …. Miguel cho rằng việc mua bán sẽ mau chóng và êm đẹp. Nhưng té ra không đơn giản như vậy. Hắn đi tới một cửa hàng đồ tang ở Brooklyn, dự tính sẽ mở rộng hoạt động của hắn ra một chút chứ không chỉ hạn chế ở khu Tiểu Colombia thuộc quận Queens lúc này là trung tâm hoạt động của hắn. Nơi hắn chọn là một cửa hàng gần công viên Prospect, một khu nhà thanh nhã màu trắng có biển đề “Field” và một khu để xe rộng rãi. Miguel bước qua cánh cỗng gỗ sến nặng nề dẫn tới phòng chờ có trải thảm màu nâu ánh vàng, với những chậu cây cảnh cao và những bức tranh phong cảnh thanh bình. Một người đàn ông độ tuổi trung niên, mặc áo vét đen với một bông hoa cẩm thướng màu trắng và quần kẻ sọc đen xám xen lẫn, áo sơ mi trắng, cravat đen, lịch thiệp chào đón hắn. “Chào ông” - Con người ăn mặc tề chỉnh này nói. – “Tôi là Field. Tôi có thể phục vụ ngài điều gì đây ạ?”. Miguel đã nghĩ trước điều hắn sẽ nói: “Tôi có hai bố mẹ già muốn sắp đặt trước, phòng lúc… các cụ ra đi”. Khẽ cúi đầu, Field bày tỏ sự nhất trí và thông cảm: “Tôi hiểu, thưa ông nhiều người già cả, trong buổi xế chiều, đều muốn có sự thoải mái và được bảo đảm về hậu sự của họ”. “Đúng vậy – Giờ đây, bố mẹ tôi muốn…”. “Xin lỗi ông. Xin mời ông quá bộ vào văn phòng của tôi”. “Được ạ”. Field đi trước dẫn đường. Có lẽ là có chủ ý nên họ đã đi qua nhiều phòng khách có trường kỷ và ghế bành, một phòng có những dãy ghế chuẩn bị cho tang lễ. Trong mỗi phòng đều có một cái xác, đã được trang điểm son phấn cẩn thận trong một quan tài để mở, đầu tựa trên chiếc gối có xếp nếp cầu kỳ. Miguel thấy có vài người khách nhưng một số phòng thì vắng tanh. Văn phòng ở cuối ãy hành lang, nằm ở chỗ khuất. Trên các bức tường có các văn bằng đóng khung kính, trông giống như văn phòng của một bác sĩ, trừ cái văn bằng về nghiệp vụ “Trang điểm” cho xác chết (cái này có trang trí bằng các dãi ruy-băng hồng sẫm) và một văn bằng khác về ướp xác. Field ra hiệu cho Miguel ngồi xuống ghế. “Xin ông cho biết tên ạ”. “Tôi tên là Novack” – Miguel nói dối. “Thế này ạ, thưa ông Novack, đầu tiên là chúng ta phải bàn tới những sự thu xếp chung đã. Ông hoặc các cụ nhà đã chọn được một địa điểm nghĩa trang nào và đã đăng ký chưa ạ?”. “À, chưa”. “Vậy thì đó là vấn đề cần xem xét đầu tiên của chúng ta. Chúng tôi cần phải đăng ký chuyện đó cho ông ngay lập tức vì hiện nay càng ngày càng khó kiếm được một chỗ, nhất là một chỗ tử tế. Dĩ nhiên là trừ việc gia đình tính đến chuyện hoả táng”. Miguel cố nén sốt ruột, lắc đầu: “Không. Nhưng điều tôi thực sự muốn bàn đều là…”. “rồi đến vấn đề tôn giáo của các cụ nhà nữa. Đòi hỏi loại lễ gì? Và còn có những quyết định khác cần làm. Có lẽ ông nên xem cái này”. Field đưa ra một cái gì đó giống như một bản thực đơn tỉ mỉ của tiệm ăn. Đó là môt bản danh sách dài dòng gồm những mục riêng biệt và giá tiền như: “Tắm, tẩy uế, sửa sang và trang điểm cho người chết: 250 đô la. “Chăm sóc đặc biệt cho các trường hợp mổ khám tử thi: 125 đô la. “Phục vụ lễ toàn thể các nghi thức khác nhau – 100 đô la”. “Một dịch vụ trọn gói theo truyền thóng” là 5.900 đô la, bao gồm, ngoài mọi thứ khác, còn có một thập ác đáng gía 30 đôla đặt ở trong tay người quá cố. Một cỗ quan tài sẽ được tính riêng, giá lên tới 20.600 đôla. “Tôi tới để bàn chuyện quan tài”. – Miguel nói. “Được ạ” Field đứng dậy. “Xin ông đi theo tôi”. Lần này ông ta dẫn hắn xuống cầu thang tầng hầm. Họ đi vào một căn phòng bày hàng trải thảm đỏ và Field đi ngay tới chỗ quan tài trị giá 20.600 đôla. “Đây là loại tốt nhất của chúng tôi. Bằng loại thép tốt, độ dày tiêu chuẩn 18, có ba lớp bạc, kính, đồng và lại lót đồng – nó sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ hỏng”. Bên ngoài quan tài có những hình hoạ trang trí tỉ mỉ, bên trong lót nhung màu xanh nhạt. “Có lẽ tôi muốn loại đơn giản hơn một chút”, Miguel bảo ông ta. Họ tìm đến chỗ hai cỗ quan tài, to nhỏ khác nhau giá 2.300 đôla và 1.500 đôla. “Mẹ tôi người bé nhỏ mà”, Miguel giải thích. Vào quãng một đứa trẻ mười một tuổi, hắn thầm nghĩ. Miguel tò mò nhìn những hòm gỗ thô sơ, đơn giản. Khi hắn hỏi, Field giải thích: “Đó là để dành cho những tín đồ Do Thái với yêu cầu đơn giản. Các hòm quan này có hai lỗ ở đáy, theo thuyết của họ là “của đất trả về cho đất”. Ông không phải là người Do Thái chứ ạ?”. Khi Miguel lắc đầu, Field thổ lộ: “Nói thẳng ra, đây không phải các kiểu chôn cất mà tôi sẽ chọn cho những người thân yêu của tôi”. Họ đi trở lại văn phòng. Field nói “Bây giờ tôi cho là ta nên bàn những vấn đề cụ thể khác. Đầu tiến là nơi chôn cất”. “Không cần thiết”. Miguel nói. “Điều tôi muốn làm là trả tiền quan tài và đem về”. Field có vẻ sửng sốt “Thế thì không được”. “Sao lại không?”. “Đơn giản là không làm theo cách đó được”. “Có lẽ tôi đã giải thích cho ông rõ” Miguel bắt đầu thấy điều này không đơn giản như hắn nghĩ. “điều mà bố mẹ tôi muốn là giờ đây họ có sẵn quan tài đưa về nhà, đặt ở chỗ mà ngày nào họ cũng có thể nhìn thấy. Điều đó khiến cho họ có thể quen, như người ta thường nói, với nơi an nghĩ tương lai của họ”. Field tỏ ra cương quyết: “Chúng tôi không thể làm như vậy được. Điều chúng tôi có thể thu xếp ở đây, nếu tôi có thể nói gọn lại, là “dịch vụ trọn gói”. Có thể mời các cụ nhà tới xem áo quan họ sẽ an nghỉ sau này. Nhưng sau đó chúng tôi cương quyết sẽ giữ tới khi cần sử dụng”. “Ông không thể…”. “Không, thưa ông. Tuyệt đối không”. Miguel cảm thấy ông ta đã hết quan tâm đến việc bán hàng, và thậm chí đã tỏ ra nghi ngờ. “Thôi được. Để tôi xem sao rồi sẽ quay lại”. Field tiễn Miguel ra. Miguel không hề có ý định quay lại. Như thế này, hắn biết rằng hắn ta để lại ấn tượng quá mạnh rồi. Ngày hôm sau hắn thử hỏi hai cửa hiệu nữa ở khu vực xa hơn và rút ngắn các cuộc hỏi han lại. Nhưng câu trả lời vẫn như vậy. Không ai muốn bán quan tài riêng ngoài “dịch vụ trọn gói”. Đến giờ thì Miguel cho là việc chuyển hoạt động ra khỏi trung tâm hành sự của hắn là sai lầm, nên hắn trở lại quận Queens và những nơi quen biết của hắn ở Tiểu khu Colombia. Sau đó vài ngày hắn được đưa đến một cửa hàng bán áo quan nhỏ bé, buồn tẻ ở Astoria, không xa đồi Jackson lắm. Ở đó hắn gặp Alberto Godoy. Nếu đem so sánh thì cửa hàng của Godoy với của hàng của Field cách nhau một trời, một vực – nó nhằm phục vụ loại khách hàng mèng. Cửa hàng cũng xộc xệch y như ông chủ của nó. Godoy béo phì, đầu hói, tay ám khói thuốc vàng khè và những ngấn mỡ chảy xệ lộ rõ là một tay nghiện rượu nặng. Cái áo khoác đen và chiếc quần kẻ sọc xám đầy những vết thức ăn. Giọng nói của ông ta gắt gỏng và thỉnh thoảng lại bị ngắt quảng vì những cơn ho của người nghiện thuốc. Trong lúc Miguel lại cái văn phòng bé xíu, bừa bộn. Godoy hút ba điếu thuốc liền, điếu nọ tiếp theo điếu kia. “Tên tôi là Novack. Tôi đến hỏi một vài điều”, - Miguel nói. Godoy gật đầu: “Vâng, tôi biết”. “Tôi có hai ông bà già”. “Ồ, cả hai à?”. Miguel kiên nhẫn nhắc lại câu chuyện, còn Godoy lắng nghe với vẻ chán ngán pha lẫn hoài nghi. Cuối cùng câu hỏi duy nhất của ông ta là “Ông trả bằng gì?”. “Tiền mặt”. Godoy thoáng vẻ thân thiện hơn. “Đi lối này”. Lại một khu nhà hầm bày những cỗ áo quan mẫu, chỉ có là ở đây trải thảm màu nâu đã cũ rách, và các mẫu hàng cũng ít hơn ở cửa hàng của Field. Miguel mau chóng chọn hai cái vừa ý, môt cỗ thông thường, một cái nhỏ hơn. Godoy tuyên bố: “Cỡ thông thường, ba nghìn đô, cỡ trẻ con, hai mươi lăm tờ một trăm”. Dù chữ “trẻ con” được đề cập đến trái ngược với câu chuyện của hắn bịa ra và gần với sự thật một cách nguy hiểm, Miguel vẫn lờ phắt. Kể cả khi biết thừa là cái giá 5.500 đôla ít nhất cũng đắt gấp đôi giá thường, hắn cũng không bàn cãi. Hắn mang theo tiền mặt và trả toàn tờ một trăm đola. Godoy đòi thêm 454 đôla để trả thuế doanh thu cho thành phố New York. Miguel cũng đưa cho dù hắn không tin là mấy ông thu thuế lại có thể nhìn thấy khoản này. Miguel đưa chiếc xe GMC mới mua quay lưng vào phía bục chuyển hàng và hai chiếc áo quan được chuyến lên bằng bánh xe đẩy dưới sự giám sát cẩn thận của Godoy. Rồi Miguel đưa gửi tại một căn nhà an toàn để sau đó chuyển về Hackensack. Giờ đây, gần một tháng sau, hắn lại trở lại cửa hàng của Alberto Godoy để mua một chiếc áo quan nữa. ° Miguel thấy khó chịu khi phải quay lại vì như vậy khá nguy hiểm. Hắn nhớ lại việc Godoy bỗ bả đề cập đến chuyện chiếc quan tài thứ hai dành cho đứa trẻ. Vậy liệu có cơ là Godoy đã liên hệ vụ bắt cóc một phụ nữ và một đứa trẻ ngày hôm qua với vụ mua quan tài trước đó chăng? Không chắc đã như vậy, nhưng một lý do khiến Miguel còn sống sót cho đến giờ với tư cách là một kẻ khủng bố chính là vì hắn biết cân nhắc mọi khả năng. Tuy nhiên, một khi đã quyết định chuyển kẻ bị bắt thư ba tới Peru, vào thời điểm này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài Godoy được. Phải dấn thân vào nguy hiểm thôi. Gần một tiếng sau khi rời trụ sở Liên hợp quốc, Miguel ra lệnh cho Luis đỗ xe tang của chúng ở cách cửa hàng bán đồ tang của Godoy một đoạn phố. Miguel lại phải dùng đến ô vì trời vẫn đổ mưa. Trong cửa hàng một nữ nhân viên gọi điện cho Godoy, rồi chỉ đường cho Miguel tới văn phòng của ông chủ. Từ sau đám khói thuốc dày đặc người đàn ông béo phì nhìn Miguel một cách mệt mỏi. “Lại là ông. Các bạn ông đã không báo cho tôi biết ông tới”. “Không ai biết cả”. “Ông muốn gì đây?”. Cho dù động cơ làm ăn của Godoy là gì đi chăng nữa, thì việc bặp ngay vào chuyện kiểu này có nghĩa là hắn đã dè chừng trước. “Người ta yêu cầu tôi giúp đỡ một người bạn già. Ông ta đã nhìn thấy mấy áo quan tôi mua cho bố mẹ tôi. Ông ta thấy ý định đó hay hay và nhờ xem tôi có thể…”. “Ôi dào, thôi đi!” Có một chiếc ống nhổ kiểu cổ để bên cạnh bàn của Godoy. Ông ta bỏ điếu thuốc ra và nhổ toẹt vào đó. “Nghe đây, thưa ông, đừng có phí thời gian vào cái mà cả hai chúng ta đều biết rằng đó là chuyện ba láp. Tôi xin hỏi thẳng là ông muốn cái gì?”. “Một cái áo quan. Tôi sẽ trả như trước”. Godoy liếc nhìn bằng đôi mắt láu cá của ông ta. “Tôi làm ăn ở đây. Đúng là đôi khi tôi làm ơn cho các bạn ông, họ cũng đáp lại tôi như vậy. Nhưng điều tôi muốn ông cho biết là có phải tôi đã tự dấn thân vào một vụ bê bối không?”. “Không có gì bê bối cả. Không bê bối nếu ông hợp tác”. Miguel để lộ vẻ doạ dẫm qua giọng nói của hắn và nó đã có tác dụng. “Thôi được, tôi bán cho ông” Godoy nói, giọng đã dịu xuống. “Nhưng so với lần trước giờ giá cả đã lên rồi. Một cái áo quan người lớn, hết bốn ngàn đô”. Không nói không rằng, Miguel mở chiếc ví Jose Antonnio Salaverry vừa mới đưa cho hắn, và đếm những tờ môt trăm đô. Lúc hắn đưa bốn mươi tờ cho Godoy, tay này nói: “Thêm hai trăm rưỡi tiền thuế của New York nữa”. Gấp chiếc ví có băng dính lại, Miguel bảo Godoy: “Cả ông lẫn New York cũng chẳng là cái đ… gì. Tôi có xe sẵn ngoài kia rồi. Để cái áo quan lên bục chuyển đi”. Lên bục chuyển hàng, Godoy khá ngạc nhiên khi thấy chiếc xe tang xuất hiện. Ông ta nhớ rằng hai chiếc áo quan trước đã được chuyển đi bằng xe vận tải. Vẫn phân vân về vị khách này rất đáng ngờ, ông ta nhớ số xe và ký hiệu biển số của New York và khi trở lại văn phòng, ông ta ghi lại, tuy thực sự không biết để làm gì. Ông ta nhét mẩu giấy vào ngăn kéo và quên bẵng đi. ° Mặc dù ông ta đoán chắc là mình đã dính vào một chuyện gì đó mà đừng biết rõ về nó thì yên thân hơn, Godoy vẫn mỉm cười sung sướng khi cất bốn nghìn đôla vào két văn phòng. Vẫn còn một ít tiền mà vị khách vừa rồi trả hồi tháng trước, mà Godoy không những chẳng có ý định nộp thuế doanh nghiệp cho thành phố New York về bất cứ khoản nào mà ông ta cũng chẳng khai nó vào đâu hết. Làm trò xiếc buôn bán để cho ba chiếc quan tài biến khỏi sổ sách của ông ta thì quá dễ. Ý nghĩ đó làm cho ông ta khoái đến nỗi ông ta quyết định làm điều ông thường làm – tới một quán rượu gần đó để uống một chầu. Đông đảo bạn bè của Godoy đang ở trong quán reo hò chào đón ông ta. Một thời gian sau, chuếnh choáng vì ba cốc whisky Jack Daniel, ông ta kể cho cả bọn nghe là có một thằng cha căng chú kiết nào đó đã mua hai chiếc quan tài và đem về nhà bố mẹ mình – theo lời thằng đó nói – để sẵn sàng cho khi ông bà già ngỏm củ tỏi, rồi lại trở lại mua cái thứ ba, tất cả cứ như thể mua bàn ghế, xoong chảo vậy. Trong lúc cả đám cười rộ lên, Godoy hứng chí thổ lộ là ông ta cứa cho cái thằng lưu manh ngu xuẩn đó giá gấp ba lần giá áo quan bình thường. Lúc đó, một trong những người bạn của ông ta nâng cốc chúc mừng, đồng thời gợi ý rằng Godoy – giờ đây mọi nỗi lo âu đã hoàn toàn tan biến – phải mời cả bọn một chầu nữa. Giữa đám khách của quán đó có một người gốc Colombia, bây giờ đã là công dân Mỹ, hiện đang viết cho một mục của tờ tuần báo vô danh tiểu tốt xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha tại Queens. Lật trái mặt một chiếc phong bì, anh ta vớ lấy một mẩu bút chì và ghi lấy cốt truyện của Godoy, bằng tiếng Tây Ban Nha. Anh ta nghĩ rằng đây có thể là một mẩu tin nhỏ hay hay cho mục tin tuần sau.