Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 13

Ngay chiều thứ tư, khi Harry Partridge thông báo sẽ đi Peru vào sớm hôm sau, nhóm đặc nhiệm thuộc Ban tin của CBA hoạt động hết sức khẩn trương.
Một quyết định khác của Partridge – ba mươi sáu giờ sau khi anh đi sẽ phát các tin họ có – làm mọi người phải họp bàn, trao đổi, lên và duyệt chương trình ưu tiên trong ba ngày tới.
Ngay bây giờ, cần phải viết và thu băng một phần ngay đêm nay thông báo do Partridge đọc sẽ được phát gần như suốt bản tin chiều thứ sáu. Nó sẽ gồm toàn bộ những chi tiết mà họ biết được về vụ bắt cóc gia đình Sloane, trong đó có cả tin mới nhất về Peru và Sendero Luminoso, sự dính líu của tên khủng bố Ulises Rodriguez, còn gọi là Miguel trong vụ này; băng ghi ông chủ nhà đòn Alberto Godoy, về nhà băng Amazonas Mỹ và cái gọi là vụ tự tử của Jose Antonio Salavery và Helga Efferen mà hiện đang nghi là bị giết hại.
Nhưng trước khi bắt đầu các việc chuẩn bị, Harry Partridge tới thăm Crawford Sloane trong văn phòng của anh trên tầng bốn. Partridge vẫn cảm thấy Sloane phải là người đầu tiên được thông báo về các tiến triển hoặc kế hoạch sắp tới.
Từ khi xảy ra vụ bắt cóc mười ba ngày trước đây, Crawford Sloane vẫn tiếp tục làm việc, mặc dù có lúc xem ra anh chỉ đi làm cho đỡ trống trải và anh chẳng còn tâm trí nào mà làm việc nữa. Hôm nay trông anh càng xanh xao, hai mắt mệt mỏi và những nếp nhăn trên mắt hằn sâu hơn. Anh đang trao đổi với một nữ biên tập và một người phụ trách chương trình. Anh ngước nhìn khi Partridge xuất hiện: “Harry, anh cần gặp tôi phải không?”.
Khi Partridge gật đầu, anh nói với hai người kia: “Các bạn ra ngoài được không? Lát nữa ta làm nốt nhé”.
Sloane ra hiệu mời Partridge ngồi: “Trông mặt anh có vẻ nghiêm trọng thế! Có tin xấu sao?”.
“Tôi e rằng như vậy. Chúng tôi có cơ sở để kết luận là người nhà anh đã bị đưa ra khỏi Mỹ. Họ đang bị cầm giữ tại Peru”.
Sloane gục người về phía trước, chống khuỷu tay lên bàn. Anh lấy tay vuốt mặt trước khi trả lời: “Tôi cũng đã nghĩ, mà có lẽ đúng hơn là sợ sẽ xảy ra điều đó. Anh có biết bọn nào bắt họ không?”.
“Chúng tôi tin là Sendero Luminoso  làm việc đó”.
“Ôi, lạy Chúa! Cái bọn cuồng tín ấy ư?”.
“Sáng mai tôi sẽ đi Lima, Crawf ạ”.
“Tôi sẽ đi cùng anh”.
Partridge lắc đầu: “Cả hai ta đều biết anh không thể đi được, vì cũng chẳng giải quyết được gì. Vả lại, hãng không khi nào chịu để anh đi”.
Sloane thở dài, nhưng không tranh luận gì, mà chỉ hỏi: “Chúng ta có biết bọn đâm thuê chém mướn Sendero này muốn gì không?”.
“Chưa. Nhưng tôi chắc thế nào ta cũng sẽ nghe biết”. Hai người im lặng, rồi Partridge nói: “Tôi đã triệu tập nhóm đặc nhiệm vào năm giờ. Tôi nghĩ chắc anh cũng muốn có mặt ở đó. Sau đó, hầu hết bọn tôi sẽ phải làm thâu đêm”.
Rồi anh tiếp tục nói kỹ về những việc xảy ra trong ngày và dự định sẽ công bố tất cả tin tức mà họ  biết vào chiều thứ sáu.
“Tôi sẽ đến họp”, Sloane khẳng định. “Cám ơn anh”. Và khi Partridge đứng dậy ra về, anh hỏi: “Anh có cần phải đi ngay bây giờ không?”.
Partridge do dự. Thời gian còn ít, mà anh còn bao nhiêu việc phải làm, nhưng anh cảm thấy bạn anh muốn dốc bầu tâm sự. Vì vậy anh nhún vai nói: “Tôi nghĩ một vài phút cũng chẳng sao”.
Sloane im lặng một lát rồi ngượng ngùng nói: “Tôi không biết nên nói thế nào, và có nên nói hay không. Nhưng vào lúc như thế này, người ta thường nghĩ đến đủ chuyện”. Partridge tò mò lắng nghe, và Sloane nói tiếp: “Thế này, Harry ạ. Tôi cứ nghĩ không biết tình cảm của anh đối với Jessica hiện nay  thế nào. Dầu sao những năm trước đây hai người cũng khá thân nhau”.
À ra vậy; lần này thì ý nghĩ thầm kín đã bật ra thành lời, Partridge trả lời, chọn câu chữ rất thận trọng, vì anh biết giây phút này rất quan trọng: “Có, tôi rất quan tâm đến Jessica, một phần vì chúng tôi trước rất thân nhau như anh vừa nói. Song tôi quan tâm chủ yếu vì chị ấy là vợ anh, mà anh lại là bạn tôi. Còn những gì đã có giữa Jessica và tôi đều đã chấm dứt vào cái ngày chị ấy lấy anh”.
“Tôi nghĩ nói điều ấy lúc này vì những việc xảy ra mấy hôm nay, nhưng trước đây nhiều lúc tôi cứ băn khoăn về chuyện đó”.
“Tôi biết, Crawf ạ. Cũng có nhiều lúc tôi đã muốn nói với anh những điều tôi vừa nói, cũng như nói rằng tôi không bao giờ ghen tỵ về việc anh lấy được Jessica hoặc thành đạt trong vai phát thanh viên. Tôi chẳng có lý do gì mà ghen tức. Nhưng tôi luôn cảm thấy nếu tôi có nói ra điều đó, chắc anh cũng không tin”.
“Anh nói có lẽ đúng”. Sloane im lặng suy nghĩ. “Nhưng nếu anh muốn biết, Harry ạ, bây giờ thì tôi tin lời anh”.
Partridge gật đầu. Hai người nói với nhau như thế là đủ và anh cần phải đi. Ra tới cửa, anh quay lại nói: “Tôi sẽ làm hết cách khi tới Lima, Crawf ạ. Nhất định là thế”.
Khi đến phòng của Sloane, Partridge nhận thấy vắng Otis Havelock, nhân viên FBI, là người suốt cả tuần sau khi vụ bắt cóc xảy ra luôn có mặt ở đó. Dừng lại ở Vành móng ngựa, anh báo cho Chuck Insen biết cuộc họp của nhóm đặc nhiệm và hỏi về việc không thấy nhân viên FBI.
“Anh ta vẫn quanh quẩn ở đây luôn; nhưng tôi nghĩ anh ta đang dò theo hướng khác”, ông giám đốc điều hành ban tin chiều trả lời.
“Anh có biết liệu hôm nay anh ta có trở lại đây không?”.
“Tôi chịu”.
Partridge mong tay nhân viên FBI cứ làm cái việc anh ta đang làm cho hết cả ngày. Vì như thế sẽ dễ giữ kín các công việc họ làm tối nay và việc hôm sau anh đi mà chỉ mấy người ở CBA biết. Tất nhiên tới thứ sáu, khi nghe tin CBA sẽ tiết lộ những tin mới trong bản tin chiều, có lẽ FBI sẽ đòi phải cho biết chuyện gì đang diễn ra, và sẽ phải làm sao nấn ná không trả lời trước giờ phát tin. Nhưng đến lúc đó, Partridge đã ở Peru, và một người khác sẽ phải làm việc đó thay anh. Vì thế, anh quyết định, đối phó với FBI cũng là một việc phải tính trong kế hoạch hai ngày tới.
Mọi người trong nhóm đặc nhiệm đều có mặt tại phòng họp vào năm giờ. Leslie Chippingham và Crawford Sloane cũng đến. Chuck Insen dự khoảng mười lăm phút rồi đi, vì mục đầu trong bản tin chiều đã sắp tới giờ phát; một người khác trong phòng phát tin đến thay ông. Partridge ngồi ở đầu chiếc bàn họp dài. Rita Abrams ngồi bên cạnh. Iris Everly, người viết đoạn tin về vụ bắt cóc cho bản tin chiều, nhưng chưa đả động gì đến những dữ kiện mới, tới muộn vài phút. Teddy Cooper cũng có mặt; cả ngày hôm đó anh cùng với những người tạm tuyển đi khắp văn phòng các báo đọc các mục quảng cáo nhưng chẳng thu được kết quả gì. Minh Văn Cảnh, các chủ nhiệm Norman Jaeger, Karl Owens đều đến.  Chỉ có Don Kettering là mới. Jonathan Mony cũng ngồi lại và được giới thiệu với mọi người. Các nhân viên giúp việc khác cũng đã đợi sẵn.
Partridge bắt đầu nói tóm tắt những gì xảy ra trong ngày, về ý định của anh đi Peru sáng hôm sau và quyết định công bố tất cả những gì họ biết trong bản tin chiều thứ sáu.
Leslie Chippingham cắt ngang: “Tôi đồng ý với những điều anh vừa nói, Harry ạ, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải làm hẳn một buổi tin đặc biệt trong một tiếng liền vào chiều thứ sáu, trong đó nói từ đầu vụ bắt cóc xảy ra với cả những số liệu mới”.
Ông chủ tịch ban tin nói tiếp, trong khi mọi người thì thầm tán thành. “Các anh nhớ là chúng ta có buổi tin lúc chín giờ mà chúng ta có thể kéo dài thêm. Nghe các anh nói, có vẻ như số liệu đủ để làm luôn cả tiếng”. “Nhiều, nhiều lắm”, Rita Abrams nói chắc. Trước đó chị đã xem băng thẩm vấn không lộ diện Alberto Godoy, nghe lại cuộc nói chuyện của Don Kettering với ông giám đốc nhà băng Amazonas – Mỹ mà Emiliano Armando vừa mới đưa tới. Cả hai làm chị phấn chấn.
Sau khi coi lại băng ghi hình, Rita, Partridge và Kettering bàn với nhau xem có cần giữ kín nhân thân của ông chủ hiệu quan tài hay không, vì khi ông nổi xung lên vào cuối buổi quay, tự ông đã phơi mặt ra ánh đèn sáng và ghi vào trong băng. Họ rất muốn cứ để ông ta lộ diện trên màn hình, vì giấu kín nhân thân của ông ta sẽ làm hãng gặp rắc rối. Nhưng vì đã thoả thuận với ông ta từ đầu, nên đây là vấn đề đạo lý cần phải giữ. Cuối cùng họ quyết định, vì Godoy không biết kỹ thuật nên mới hành động thế, nên thoả thuận lúc đầu cần được tôn trọng. Để cho chắc, Partridge đã xoá đoạn băng lúc ông Godoy lộ diện trên cuộn gốc để khi phát tin sau này không còn hình đó nữa. Xoá lúc này thì chưa phải là phạm pháp, nhưng nếu người ta bắt đầu chính thức điều tra mà xoá thì phạm pháp.
Mọi người trong phòng họp thấy quyết định phải xây dựng bản tin đặc biệt một tiếng đồng hồ tương đối để thực hiện, bởi vì chương trình một tiếng ấy thuộc phạm vi quản lý của ban tin tức. Do đó chẳng cần phải xin ý kiến lãnh đạo của hãng. Chương trình này phát lúc chín giờ ngày thứ sáu, dưới cái tên là “Đằng sau những tít lớn”; đó là mục điểm tin, thường do Norman Jaeger phụ trách, và khi công việc hiện nay kết thúc, đương nhiên ông ta sẽ trở lại chương trình của mình. Chippingham tự bảo, chẳng cần báo ngay cho Margot Lloyd- Mason làm gì, nhưng một lúc nào đó vào thứ sáu, ông sẽ cho bà ta biết về việc phát tin tối hôm đó.
Sau đó họ đi tới nhiều quyết định khác.
Partridge thông báo Minh Văn Cảnh và Ken O’ Hara, chuyên viên âm thanh, là người có mặt tại vụ tai nạn máy bay hai tuần trước ở Dallas-Fort Worth, sẽ cùng đi với anh qua Peru.
Liếc nhìn Chippingham đang ngồi ở cuối bàn, Rita nói thêm: “Les này, tổ công tác đã thuê cho Harry và hai người khác chiếc Learjet, dự định rời Teterboro vào sáu giờ sáng mai. Tôi cần anh đồng ý”.
“Chị có chắc…”, nghĩ tới khoản chi phí, Chippingham định nói tiếp: “Là không có chuyến bay thường lệ không?”, thì chợt thấy đôi mắt sắc lạnh Crawford Sloane như dán vào ông. Ông chủ tịch Ban tin đổi ý, đáp ngắn gọn: “Tôi đồng ý”.
Mọi người quyết định Rita sẽ ở lại New York để theo dõi chung cả bản tin chiều thứ sáu và chương trình đặc biệt một tiếng đồng hồ. Iris sẽ phụ trách phần nội dung bản tin chiều, Norman Jaeger va Karl Owens phụ trách chương trình đặc biệt. Sau đó vào tối thứ sáu, Rita sẽ bay qua Lima cùng Partridge và hai người kia, và Jaeger sẽ đảm nhận vai trò chủ nhiệm chính chương trình ở New York.
Vì đã bàn trước với Chippingham, Partridge tiết lộ rằng sau khi anh rời New York, Don Kettering sẽ thay anh lãnh đạo nhóm đặc nhiệm. Việc theo dõi đưa tin hoạt động của giới kinh doanh tạm thời sẽ do phụ tá của Kettering đảm nhận.
Partridge nói rõ là mặc dù anh sẽ là người đọc tin trong Bản tin chiều thứ sáu và chương trình đặc biệt, nhưng cả hai chương trình không nên để người ta nghĩ là anh đã đi Peru. Thực ra, nếu có cách nào đó làm người xem nghĩ chương trình đang được truyền trực tiếp thì lại càng hay, nhưng không được sử dụng tiểu xảo đánh lừa người xem. Các thủ thuật này khó mà lừa được các hãng truyền hình và các báo khác, nhưng nếu làm nhẹ bớt được việc tại sao hãng lại phải cấp tốc phái ngay một tổ công tác sang Peru sẽ có lợi thế. Ngoài chuyện cạnh tranh nhau, nhìn từ góc độ thực tế, Partridge sẽ có cơ hội tốt hơn, tức là có thể điều tra một mình, chứ không phải giữa đám phóng viên bu đặc xung quanh.
Vậy thì phải tính đến vấn đề giữ bí mật.
Leslie Chippingham tuyên bố: tất cả những việc tối nay và hai ngày tiếp theo sẽ không được mang ra bàn ngay cả với những người không có liên quan trong Ban tin tức, và những người ngoài cuộc, kể cả gia đình mình. Phương châm chung là “Ai cần hãy biết”. “Đây không phải là yêu cầu, mà là mệnh lệnh”.
Vừa nói, ông chủ tích Ban tin tức vừa nhìn từng người quanh bàn: “Chúng ta đừng làm hoặc nói gì để lộ tin quá sớm, và cướp mất của Harry lợi thế hai mươi bốn giờ mà rõ ràng là anh ấy rất cần. Nhưng trước hết, chúng ta phải nhớ rằng tính mạng của nhiều người đang bị đe doạ!”. Liếc nhìn Crawford Sloane, ông thêm:”Tính mạng của những người đặc biệt gần gũi và quan trọng đối với tất cả chúng ta”.
Các biện pháp an ninh khác cũng được sắp xếp. Ngày mai và ngày kia, khi sử dụng phòng ghi chương trình cho Chương trình đặc biệt, bên ngoài sẽ bố trí người gác và chỉ những người có tên trong danh sách do Rita ghi mới được phép vào phòng. Hệ thống nối ra ngoài sẽ bị ngắt, để không ai ở ngoài phòng ghi chương trình có thể theo dõi qua màn hình ở ngoài những gì đang được tiến hành ở trong phòng.
Tuy nhiên, mọi người đồng ý là sáng thứ sáu có thể nới lỏng việc giữ bí mật một chút, ở mức loan báo trước các tin sẽ phát trong ngày. Việc này cho người xem biết những tin tức quan trọng mới về vụ bắt cóc người nhà Sloane sẽ được công bố trong bản tin chiều hôm đó và trong chương trình đặc biệt. Cũng trong này hôm đó, để giữ phép xã giao trong nghề với nhau, các hãng truyền hình, đài phát thanh và báo chí cũng được thông báo, nhưng không nói rõ chi tiết.
Cối cùng Partridge hỏi: “Còn gì nữa không? Chúng ta bắt đầu vào việc được chưa?”.
“Còn một việc nữa”, Rita nói, giọng láu lỉnh. “Les này, tôi cần anh cho phép thuê bao một chiếc Learjet nữa vào tối thứ sáu để tôi qua Lima. Tôi sẽ mang theo biên tập viên Bob Watson, cùng máy biên tập và tiền mặt”.
Những người ngồi quanh bàn cười khúc khích; ngay cả Crawford Sloane cũng mỉm cười. Rita đã khôn khéo để được đi bằng máy bay riêng; trước tiên là việc mang theo một biên tập viên và máy biên tập gồm những thiết bị cồng kềnh không có cách mang nào khác. Hai là mọi người sẽ cho là không khôn ngoan nếu đi trên máy bay thường mà lại mang theo một số lượng lớn đôla Mỹ, tuy Rita không nói cụ thể là bao nhiêu, nhưng số tiền có thể tới năm mươi ngàn đôla. Mà ngoại tệ mạnh thì lại rất cần ở một nước như Peru, nơi tiền địa phương gần như vô giá trị, còn đôla lại có thể mua được mọi thứ, kể cả những đặc quyền mà chắc chắn là chị rất cần.
Chippingham nén tiếng thở dài. Thật khinh xuất, ông tự bảo, và mặc dù công việc đang tiến triển tốt, Rita đã đặt ông vào thế khó xử.
“Thôi được”, ông bảo, “chị cứ thuê đi”.
 
Mấy phút sau khi cuộc họp kết thúc Partridge đã ở phòng máy tính chuẩn bị cho phần mở đầu của anh trong bản tin chiều thứ sáu.
Anh viết: “Về vụ bắt cóc vợ, con và cha của người dẫn chương trình tin CBA Crawford Sloane cách đây mười lăm ngày, hiện nay đã có thêm một số sự kiện mới làm chúng ta giật mình. Việc điều tra do CBA tiến hành đã cho chúng tôi cơ sở để tin rằng ba nạn nhân bị bắt cóc đã được đưa qua Peru; họ đang bị bọn Sendero Luminoso, tức là “Con đường sáng” giam cầm. Đây cũng là bọn từ nhiều năm nay gây bao nỗi kinh hoàng trên hầu khắp đất nước Peru.
Động cơ bắt cóc đến nay vẫn chưa được biết. Cái người ta đã biết là một nhà ngoại giao tại Liên hiệp quốc sử dụng tài khoản trong một nhà băng New York để chuyển tiền cho bọn bắt cóc, tạo điều kiện cho bọn này thực hiện vụ bắt cóc trên, cũng như các hành động khủng bố khác.
Việc đưa tin rộng khắp của chúng tôi, cũng như nhiều tội ác khác đều bắt đầu từ chuyện tiền. Phóng viên phụ trách phân tin tức thương mại Don Kettering giải thích như vậy”.
Khi xem lại những điều anh viết, Partridge nghĩ đó sẽ là một trong nhiều lời dẫn chương trình tương tự mà anh sẽ phải làm và ghi băng trước khi rời Manhattan đi sân bay Teterboro vào lúc năm giờ sáng.
 
Chú thích: 
 
(1)  Hãy đốt chúng ba lần cho sạch.
(2)  Vâng, thưa sếp.
(3)  Không được phép.