Sáng thứ bảy, sau khi thấy chiếc Cheyenne II của Aerolibertad cất cánh, Rita Abrams trở lại Lima và hoàn toàn bất ngời vì hai lẽ.
Một là, cô không hề nghĩ Crawford Sloane sẽ có mặt ở đây. Bức điện để trong phòng dành cho CBA ở Entel Peru báo sáng sớm hôm sau Sloane sẽ tới Lima; như vậy thực ra là đã đến đây rồi. Cô vội vàng gọi điện tới khách sạn Cesar và nói Sloane sẽ thuê buồng ở. Vẫn chưa thấy Crawford tới nhận phòng, nên cô để lại mấy chữ báo cho anh biết cô đang ở đâu, và đề nghị anh gọi điện cho cô.
Hai là, và cái này còn bất ngờ hơn, là bức thư của Leslie Chippingham gửi bằng fax cho Harry Partridge. Đề nghị kèm theo là cho thư vào phong bì đề ngoài “thư riêng” rõ ràng không được người điều khiển máy để ý, nó được để nguyên như vậy cùng các thứ khác, nên ai cũng có thể đọc được. Rita đọc và không tin vào mắt mình.
Harry đã bị CBA cho thôi, bị đuổi việc! “Có hiệu lực ngay lập tức” như trong thư viết, và anh sẽ phải rời Peru “tốt nhất” là vào thứ bảy, tức là hôm nay, “dứt khoát” không được chậm quá chủ nhật! Nếu không có chuyến bay hàng ngày đến Mỹ, anh được phép thuê máy bay riêng. Gớm chưa!
Càng nghĩ, Rita càng thấy chuyện đó thật lố bịch và vô nhân đạo, nhất là vào lúc này. Cô tự hỏi, liệu việc Crawford đến Lima có liên quan gì tới chuyện đó không? Cô tin là có, và nóng lòng chờ điện thoại của Sloane trong khi càng thêm tức giận trước cách đối xử tàn tệ với Harry.
Còn bây giờ, cô không có cách nào báo cho Partridge biết nội dung thư, vì anh đã ở trong vùng rừng rậm, đang trên đường tới Nueva Esperanza.
*
Sloane không gọi điện thoại. Sau khi đến khách sạn và thấy giấy nhắn của Rita, anh lập tức đi tắc xi đến Entel. Trước đây anh đã từng có việc tới Lima, nên anh biết đường đi lối lại.
Câu đầu tiên anh hỏi Rita là: “Harry đâu?”. “Trong rừng rậm, liều mình để cứu vợ con anh”, cô trả lời. Rồi cô lôi ngay bức thư gửi fax ra và hỏi: “Thế này là thế nào?”.
“Chị bảo sao?” Crawford Sloane cầm bức thư đọc, trong khi Rita đứng nhìn. Anh đọc bức thư hai lần, rồi lắc đầu: “Chắc là nhầm. Nhất định là thế”.
Rita hỏi, vẫn với giọng cay nghiệt: “Không lẽ anh định bảo tôi anh không biết gì về việc này sao?”. “Tất nhiên tôi không biết”, Sloane bực dọc lắc đầu. “Harry là bạn của tôi. Ngay lúc này, tôi cần anh ấy hơn bất cứ người nào khác trên đời. Xin chị cho tôi biết anh ấy đang làm gì trong từng rậm – có phải chị vừa nói vậy không?”. Rõ ràng Sloane coi bức thư kia là vô lý, không cần để ý đến nó cho tốn thời gian.
Rita cố nuốt nước bọt, nước mắt đầm đìa. Cô giận mình đã hiểu sai và không công bằng. “Ôi, lạy Chúa, Crawford! Tôi xin lỗi!”. Đến lúc này cô mới nhận thấy những nếp nhăn vì căng thẳng trên khuôn mặt người phát thanh viên, cũng như nỗi đau khắc khoải trong ánh mắt anh. Trông anh tiều tuỵ đi nhiều so với lần cuối cô thấy anh cách đây tám ngày. “Tôi cứ nghĩ chắc thế nào anh cũng… Thôi, không nói chuyện đó nữa”.
Bình tĩnh lại, Rita nói: “Đây là những gì Harry và mấy người khác đang cố gắng làm”. Cô nói lại chuyến đi tới Nueva Esperanza và những việc Harry hy vọng làm được. Cô cũng nói kỹ về những việc trước đó, giải thích lo lắng của Partridge là nói chuyện qua điện thoại không bảo đảm và đó là lý do tại sao anh không báo New York biết kế hoạch của anh.
Cuối cùng, Sloane bảo: “Tôi muốn nói chuyện với người lái máy bay hôm ấy xem sự thể thế nào khi anh ta chia tay Harry và mấy người kia. Tên anh là gì?”. “Zileri”, Rita trả lời, rồi nhìn đồng hồ. “Có lẽ anh ta chưa về đến nơi, song tôi sẽ gọi điện thoại rồi chúng ta cùng đi. Anh ăn sáng chưa?”.
Sloane lắc đầu.
“Trong nhà này có quầy cà phê. Ta xuống đó đi”.
Vừa ăn bánh mỳ, uống cà phê, Rita vừa nói, giọng nhỏ nhẹ: “Crawford ạ, chúng tôi nhất là Harry đều bàng hoàng và đau buồn khi nghe tin về cái chết của cha anh. Tôi biết anh ấy tự trách mình đã không hành động nhanh hơn, thực tình chúng tôi không có được thông tin…”.
Sloane ra hiệu ngăn lại: “Tôi không bao giờ trách Harry về bất cứ chuyện gì xảy ra, ngay cả lúc này. Không ai có thể làm hơn những gì anh ấy đã làm”.
“Tôi cũng thấy thế” Rita đáp. “Chính vì vậy bức thư này là điều không thể tin được”. Cô lại lôi ra bức thư Leslie Chippingham ký và gửi qua fax. “Không phải nhầm đâu, Crawford ạ. Có chủ đích đấy. Không ai nhầm kiểu này đâu”.
Anh lại đọc bức thư lần nữa. “Khi trở lên, tôi sẽ gọi cho Leslie ở New York”.
“Trước khi làm việc ấy, ta hãy xem xét điều này. Có cái gì đó ở sau việc này, mà cả tôi và anh đều không biết. Ở New York hôm qua có chuyện gì khác thường không?”.
“Chị định nói là ở CBA ư?”.
“Vâng”.
Sloane ngẫm nghĩ. “Tôi không nghĩ vậy…à, tôi có nghe Leslie Chippingham được Margot Lloyd Mason gọi lên gặp một cách rõ ràng là rất khẩn cấp. Anh ta qua bên Stonehenge, nhưng tôi không biết là về chuyện gì”.
Rita chợt nghĩ ra. “Có thể chuyện liên quan đến Globanic chăng? Có lẽ vì cái này”. Cô mở túi xách, lấy ra mấy tờ giấy Harry mới đưa sáng nay.
Sloane cầm mấy tờ giấy và đọc. “Thú vị thật! Một cuộc đổi chác lớn chuyển nợ thành bất động sản. Cả đống tiền đấy. Chị kiếm đâu ra cái này thế?”.
“Harry đưa cho tôi”. Rồi cô kể lại những gì Partridge đã nói với cô trên đường ra sân bay – làm thế nào anh lại có được tài liệu này từ tay ông Sergio Hurtado, bình luận viên của đài phát thanh Peru, người định công bố tin này trên đài vào tuần tới. Rita nói thêm: “Harry bảo tôi anh ấy không có ý định sử dụng tin này. Anh ấy bảo, đó là cái ít ra chúng ta có thể làm cho Globanic, vì họ đã nuôi sống chúng ta”.
“Có thể có liên quan giữa cái này với bức thư thôi việc”, Sloane, có vẻ trầm ngâm. “Tôi thấy có khả năng. Bây giờ ta lên gọi điện cho Leslie”.
“Khi lên đó có một việc tôi muốn làm trước đã”, Rita nói.
“Việc đó” là mời Victor Velasco đến.
Mấy phút sau, khi ông giám đốc ban quốc tế của Entel xuất hiện, Rita bảo ông: “Tôi muốn dùng tuyến điện thoại chắc chắn không có ai nghe trộm để nói chuyện với New York”.
Velasco có vẻ bối rối. “Chị có lý do để cho rằng…”.
“Tôi có”.
“Mời chị tới văn phòng của tôi. Chị có thể dùng điện thoại ở đó”.
Rita và Crawford Sloane theo ông giám đôc tới một văn phòng trải thảm, trông đẹp mắt ở ngay cùng tầng. “Xin cứ dùng bàn tôi”, ông nói và chỉ chiếc điện thoại màu đỏ. “Đường dây đó rất an tàon. Tôi đảm bảo điều đó. Đó là máy gọi thẳng”.
“Cám ơn ông”. Vì Partridge đang trên đường tới Nueva Esperanza, Rita không muốn khi nói điện thoại để việc của anh ở đó đến tai nhà chức trách Peru.
Velasco gật đầu chào rất nhã nhặn, rồi ra khỏi phòng và khép kín cửa lại.
Ngồi bên bàn, Sloane trước tiên gọi số máy của Leslie Chippingham ở ban tin CBA. Không ai trả lời máy; vào sáng thứ bảy, điều ấy cũng không có gì lạ. Cái lạ là ở chỗ ông Chủ tịch Ban tin không để lại tổng đài số máy có thể gọi tiếp cho ông. Xem trong sổ tay, Sloane thử gọi số máy thứ ba, là máy ở nhà Chippingham phía ngoài Manhattan. Cũng không ai trả lời máy. Còn một số máy nữa ở Scarsdale, nơi Chippingham đôi khi tới nghỉ vào cuối tuần. Ông ta cũng không có ở đó.
“Hình như sáng nay anh ta cố tình lánh mặt”, Sloane nói. Anh ngồi bên bàn, vẻ trầm ngâm như đang cân nhắc trước khi quyết định.
“Anh nghĩ gì vậy?”, Rita hỏi.
“Gọi cho Margot Lloyd Mason”. Anh nhấc chiếc điện thoại màu đỏ và bảo “Tôi sẽ gọi”.
Sloane quay số quốc tế gọi về Mỹ, rồi số điện thoại ở Stonehenge. Người trực tổng đài nói với anh: “Bà Lloyd Mason hôm nay không đến văn phòng”.
“Tôi là Crawford Sloane. Xin chị cho tôi số máy của bà ở nhà”.
“Thưa ông Sloane số đó không ghi trong danh bạ. Tôi không được phép cho ai số máy ấy”.
“Nhưng chị biết số máy đó?”.
Người trực tổng đài ngập ngừgng nói: “Thưa ông, tôi biết”.
“Tên chị là gì?”.
“Noreen”.
“Một cái tên rất đẹp. Tôi bao giờ cũng thích cái tên ấy. Bây giờ xin chị hãy nghe cho kỹ, Noreen. Chị nhận được giọng tôi chứ?”.
“Ồ, có chứ, thưa ông. Đêm nào tôi cũng theo dõi bản tin. Nhưng gần đây tôi thấy lo…”.
“Cám ơn chị, Noreen. Tôi cũng vậy. Này, tôi đang ở Lima, Peru gọi về và tôi nhất định phải nói chuyện với bà Lloyd Mason. Nếu chị cho tôi biết, tôi hứa sẽ không bao giờ hé răng về chuyện lấy đâu ra số máy đó, chỉ trừ lần sau đến Stonehenge, tôi sẽ đích thân đến tổng đài cám ơn chị”.
“Ôi, ông sẽ làm thế thật ư, ông Sloane? Chúng tôi sẽ rất vui mừng gặp ông”.
“Tôi bao giờ cũng giữ đúng lời hứa. Số máy thế nào, Noreen”.
Chị ta nói số máy và anh ghi lại.
Lần này, khi chuông đổ lần thứ hai, một giọng đàn ông có vẻ là người quản gia trả lời điện thoại. Sloane nói tên mình và xin nói chuyện với bà Lloyd Mason.
Anh đợi mấy phút, rồi nghe giọng không lẫn vào đâu được của Margot “Chuyện gì vậy?”.
“Tôi là Crawf, gọi từ Lima về”.
“Ông Sloane thì ra là thế. Tôi chưa hiểu ại sao ông gọi cho tôi, mà lại gọi số máy ở nhà riêng. Nhưng trước tiên, tôi xin chia buồn về cái chết của cụ nhà”.
“Cám ơn bà”.
Rất lạ là đối với một người tầm cỡ như anh, anh và bà chủ tịch hãng CBA chưa bao giờ gọi nhau bằng tên riêng, và rõ ràng bà ta có ý định giữ nguyên như thế. Nghe giọng lãnh đạm của bà ta, anh cho rằng nếu hỏi thẳng, anh sẽ chẳng biết được điều gì. Vì thế, anh quyết định sử dụng mánh khoé cũ rích của cánh nhà báo; mánh khoé này thường có kết quả, ngay cả khi gặp những người rất thạo đời.
“Bà Lloyd Mason. Hôm qua, khi bà quyết định đuổi Harry Partridge khỏi CBA, tôi cứ tự hỏi không hiểu bà có biết anh ấy làm được bao nhiêu là việc trong toàn bộ cái cố gắng tìm cứu vợ con và cha tôi không?”.
Bà ta trả lời, giọng rít lên. “Ai nói với anh đó là quyết định của tôi?”.
Anh rất muốn bảo: “Chính bà vừa nói”, nhưng kìm lại được và nói: “Giới làm tin luôn phải phối hợp với nhau chặt chẽ, nên hầu như không cái gì có thể giữ bí mật được. Chính vì thế tôi mới gọi cho bà”.
Margot độp ngay: “Lúc này tôi không muốn bàn về chuyện gì”.
“Thật đáng tiếc”, Sloane nói rất nhanh trước khi bà ta kịp dập máy, “bởi vì cứ nghĩ bà có thể muốn nói về mối liên hệ giữa việc đuổi Harry và hợp đồng lớn chuyển nợ thành bất động sản mà Globanic đang dàn xếp với Peru. Có phải những tin trung thực của Harry đã làm phật ý người có quyền lợi trong hợp đồng ấy không?”.
Đầu dây bên kia im lặng rất lâu; anh nghe tiếng thở của Margot trong máy. Sau đó, bà ta dịu giọng hỏi: “Anh nghe tin đó ở đâu?”.
Thì ra là có liên quan!
“A”, Sloane nói. “Thực tế là Harry Partridge biết việc dàn xếp chuyển nợ ấy. Anh ấy là một phòng viên hạng nhất, một trong những tay giỏi nhất của giới làm tin và ngay lúc này đây, anh ấy đang liều mình vì CBA. Thế nhưng Harry quyết định không đưa tin đó. Theo chỗ tôi biết, anh ấy bảo: “Đó là cái ít ra tôi có thể làm cho Globanic, người nuôi sống chúng ta”.
Lại im lặng. Rồi Margot hỏi: “Như vậy là tin đó sẽ không được công bố?”.
“Ấy ấy, đó lại là chuyện khác”. Giá như gặp lúc khác, Sloane nghĩ, chắc anh sẽ rất thích chí, song vào lúc này, anh cảm thấy chán nản vô cùng. “Một phóng viên đài phát thanh ở Lima, người moi tin này, có cả bản sao thoả thuận ấy, và định đưa tin và tuần tới. Tôi nghĩ tin đó sẽ được đưa lại ở ngoài Peru. Bà cũng nghĩ vậy chứ?”.
Margot không trả lời. Không biết bà ta đã dập máy hay không, anh hỏi: “Bà vẫn nghe chứ?”.
“Vâng”.
“Xin hỏi có phải bà đang nghĩ giá bà đừng làm cái việc bà đã làm với Harry Partridge không?”.
“Không”. Câu trả lời có vẻ lửng lơ, tựa như đầu óc bà đang ở tận đâu đâu. “Không”, bà ta nhắc lại. “Tôi đang nghĩ đến chuyện khác”.
“Bà Lloyd Mason”, Crawford nói với giọng cay độc mà đôi lúc anh vẫn dùng khi dọc những tin đáng ghê tởm trong các thương trình tin. “Gần đây có ai nói cho bà biết rằng bà là đồ chó cái lòng băng dạ đá hay không?”.
Nói xong, anh cúp máy.
*
Nghe tiếng cúp máy, Margot cũng dập máy luôn. Một ngày gần đây, bà ta quyết định, bà sẽ tìm cách riêng của bà để xử lý cái tay Crawford Sloane lên mặt quan trọng này. Song bây giờ chưa phải lúc. Ngay lúc này còn nhiều việc khác quan trọng hơn.
Cái tin về Globanic và Peru mà bà vừa nghe làm bà điếng người. Trước đây bà cũng đã từng bị choáng váng, nhưng bà đâu có chịu bó tay. Margot đã leo cao, leo nhanh trong giới kinh doanh không phải là không gặp những thất bại nghiêm trọng, song hầu như bao giờ bà cũng cố biến được chúng thành lợi thế của bà. Bằng cách này hay cách khác, bà phải làm việc đó ngay. Bà ngẫm nghĩ, cân nhắc xem nên bắt đầu thế nào.
Đương nhiên bà phải điện cho Theo Elliott ngay hôm nay. Về những vấn đề làm ăn quan trọng, ông ta không bao giờ bực mình khi bị gọi vào bất cứ lúc nào, thậm chí cả cuối tuần.
Bà sẽ nói với ông rằng bà biết tin ở Peru người ta đã biết về hợp đồng của Globanic, rằng không biết bằng cách nào, một phóng viên Peru đã có được bản sao và định công bố dự thảo hợp đồng ấy. CBA, cũng như các hãng truyền hình và báo chí Mỹ không “dính dáng gì tới chuyện đó. Đó là do phía Peru để lộ chuyện, nhưng rất tai hại”.
Bà sẽ nói rằng việc này thật đáng tiếc, và bà không muốn suy luận, nhưng không khỏi băn khoăn liệu Fossie Xenos có sơ ý nói với ai đó, đặc biệt là ở Peru, về chuyện đó không? Dựa trên những điều bà nghe được, rất có thể chính lòng hăng hái nổi tiếng của Fossie đã làm anh ta thiếu thận trọng.
Bà cũng sẽ nói với Theo rằng, vì những hoạt động trên của báo chí Peru, nên Ban tin CBA đã biết được chuyện ấy. Song Margot đã dứt khoát ra lệnh CBA không được đưa tin đó.
Nếu may mắn, bà nghĩ, độ đầu tuần sau, những nhận xét bất lợi sẽ không còn nhằm vào bà nữa, mà sẽ đổ hết lên đầu Fossie.
Hay! Cách đó rất hay.
Trong lúc suy nghẫm, bà có chợt nghĩ tới Harry Partridge. Liệu có nên để anh ta trở lại hãng không? Rồi bà quyết định là không nên. Làm như thế chỉ thêm rách chuyện, và Partridge cũng không phải nhân vật quan trọng, vì vậy nên giữ nguyên quyết định cũ. Vả lại, Theo vẫn cứ muốn thứ hai tới sẽ gọi điện cho tổng thống Peru Castaneda để nói rằng cái thằng phá thối ấy, như từ ông dùng, đã bị đuổi việc và tống khỏi Peru.
Tin vào chiến lược của bà sẽ có kết quả, bà mỉm cười cầm máy và quay số điện thoại nhà riêng của Theo Elliott không ghi trong danh bạ.
*
Oswaldo Zileri, phi công kiêm chủ hãng Aerolibertad đã biết tiếng Crawford Sloane, nên tỏ ra rất kính tọng.
“Thưa ông Sloane khi các bạn ông thuê máy bay, tôi nói tôi không muốn biết họ thuê làm gì. Từ lúc gặp ông ở đây, tôi đã có thể đoán ra, và tôi xin chúc ông và các bạn ông vạn sự tốt lành”.
“Cảm ơn ông”, Sloane nói. Anh và Rita đang ở trong văn phòng nhỏ của Zileri gần sân bay Lima. “Sáng nay, khi ông chia tay Partridge và mấy người kia, ông thấy mọi việc thế nào?”.
Zileri nhún vai. “Rừng thì lúc nào chẳng như lúc nào. Xanh biếc, dày đặc, vô tận. Không thấy gì ngoài mấy người bạn của ông”.
Rita bảo Zileri. “Khi nói là có thêm hành khách khi trở về, chúng tôi hy vọng là có ba người. Nhưng bây giờ chỉ còn hai”.
“Tôi có nghe tin buồn về cái chết của cụ thân sinh ông Sloane”. Người phi công lắc đầu. “Chúng ta đang sống trong thời đại dã man”.
Sloane lại nói: “Tôi đang tự hỏi liệu bây giờ…” Zileri nói nốt câu giùm anh: “Có chỗ cho ông cô Abrams trong một, hai chuyến hoặc hơn, để đón mọi người về không”.
“Vâng, đúng thế”.
“Được thôi. Vì một khách thêm là trẻ em, lại không có đồ đạc gì, nên trọng lượng không thành vấn đề. Ngày mai trước khi trời sáng, và ngày kia, các vị đến đây rồi chúng ta đi”.
“Chúng tôi sẽ tới”. Rita trả lời. Cô quay sang nói với Sloane. “Harry không lạc quan về chuyện có thể đón được ngay ngày đầu sau khi đến. Chuyến bay tới chỉ là dự phòng, trong trường hợp họ cần đến nó. Ngay từ đầu, anh ấy đã nghĩ có nhiều khả năng là ngày thứ hai”.
*
Có một việc nữa Ria cảm thấy phải làm. Không cho Crawford biết, cô thảo một bức điện gửi bằng fax cho Leslie Chippingham để sáng thứ hai đã có sẵn cho ông ta đọc. Cô cố ý không gửi về máy fax ở văn phòng chủ tịch ban tin, mà về máy ở phòng Vành móng ngựa. Ở đó, nó sẽ không còn là điện riêng, và ai cũng có thể đọc được, hệt như cách thư của Chippingham buộc Harry Partridge thôi việc được gửi tới Entel Peru.
Rita ghi địa chỉ gửi:
L.W. Chippingham
Chủ tịch Ban tin CBA.
Sao chụp dán các bảng thông báo.
Cô đâu có ảo tưởng những gì cô viết sẽ được dán lên bảng. Không có chuyện đó. Nhưng đó là một tín hiệu mà các chủ nhiệm khác ở Vành móng ngựa sẽ hiểu là cô muốn nhiều người biết nội dung. Ai đó sẽ sao lại một hoặc nhiều bản, chuyền cho nhau đọc và có lẽ sẽ sao thành nhiều bản nữa.
Bức điện viết:
“Đồ chó đẻ đê tiện, ích kỷ, hèn nhát!
Đuổi việc Harry theo lối anh làm – không có lý do, không hề báo trước và thậm chí không một lời giải thích – chỉ để thoả mãn bạn chí thân của anh, con mụ Lloyd Mason lạnh như băng ấy – là phản bội tất cả những gì là công bằng và đúng đắn vốn có ở CBA. Harry sẽ qua khỏi chuyện này, thơm nức như nước hoa Chanel 5. Còn anh đã hôi thối như loại chuột cống rồi.
Làm sao tôi lại có thể thường xuyên ngủ với anh là điều tôi không hiểu nổi. Nhưng không bao giờ có chuyện ấy nữa. Dù anh là người duy nhất mà c… còn cứng trên đời này đi chăng nữa, tôi cũng không muốn có nó bên cạnh.
Tiếp tục làm việc dướic quyền anh ư? Không đâu, tởm lắm!
Thật đáng buồn khi so con người anh ngày trước, với cái kẻ là anh bây giờ.
Bạn cũ, người ngưỡng mộ cũ, người tình cũ, chủ nghiệm cũ của anh.
Rita Abrams”.
Rõ ràng, Rita nghĩ, sau khi New York… nhận được và đọc điện này, Harry sẽ không phải là người duy nhát phải tìm nơi làm mới. Song cô không sợ. Nhìn máy fax ở Entel chuyển bức điện đi, cô cảm thấy thanh thản hơn nhiều, biết rằng chỉ một phút sau nó đã ở New York.