Sloane có thể nghe thấy tiếng cười nói lúc anh đi qua dãy hành lang ngắn khép kín từ nhà để xe vào nhà chính. Tiếng cười nói ngừng lại khi anh mở cửa và bước vào lối đi rải thảm dẫn tới hầu hết các căn phòng tầng dưới. Rồi tiếng Jessica từ phòng khách hỏi vọng ra: “Anh đã về phải không, Crawford”. Anh trả lời bằng câu vẫn nói hằng ngày: “Nếu không phải thì rắc rối đấy”. Nàng cười ấm áp đáp lại: “ai cũng được. Xin chào! Chờ em một phút nhé!”. Anh nghe tiếng ly cốc va nhau, tiếng đá lanh canh và biết rằng Jessica đang pha rượu martini một nghi lễ chào đón mà tối nào nàng cũng làm để giúp cho anh trút bỏ những gì đã đến với anh trong suốt cả ngày làm việc. “Chào ba!” Nicholas, cậu con trai mười một tuổi của họ từ cầu thang chào vang lên. So với tuổi thì cậu bé khá cao và mảnh khảnh. Đôi mắt thông minh của cậu bé sáng lên khi cậu chạy tới ôm hôn bố. Sloane hôn con, rồi lùa những ngón tay vào mớ tóc xoăn màu nâu của cậu. Sự chào đón này làm anh rất thích, và anh rất cảm ơn Jessica về điều đó. Hầu như từ khi Nicky ra đời, nàng đã làm cho nó cũng tin như nàng là tình thương cần được thể hiện bằng những phương cách rõ ràng. Khi mới lấy nhau, Sloane cảm thấy rất khó bộc lộ tình cảm. Anh giấu cảm xúc, giữ kín một số điều không bao giờ nói, mà để người bạn đời của anh phải đoán biết. Một phần là do tính chất kín đáo cố hữu của anh, nhưng Jessica thì không có tính cách đó, nàng cố hết sức phá bỏ sự giữ gìn và nàng, rồi sau đó là Nicky, đã thành công. Sloane nhớ lại điều nàng đã nói với anh ngay từ đầu: “Anh yêu ạ, khi đã lấy nhau rồi thì không còn hàng rào ngăn cách nữa. Có nghĩa là chúng ta đã “hoà nhập với nhau”. Anh có nhớ những từ đó chứ? Vậy nên từ giờ cho đến chết, anh và em sẽ nói cho nhau biết thực sự chúng ta cảm thấy như thế nào. Và đôi khi cũng phải nói về chuyện ấy nữa”. Câu cuối cùng là về chuyện chăn gối, vì một thời gian dài khi lấy nhau Sloane vẫn cảm thấy ngạc nhiên và vụng về. Jessica kiếm rất nhiều sách về chuyện ái ân có minh hoạ rõ ràng được bán nhan nhản ở miền Đông và nàng thích áp dụng những kiểu cách mới. Lúc đầu Sloane cảm thấy hơi choáng váng và rụt rè, nhưng sau anh dần cảm thấy cũng thích chuyện đó, mặc dù bao giờ Jessica cũng phải chủ động. (Nhiều lần anh không thể không tự hỏi: “Không biêt cô ấy đã có những cuốn sách về chuyện này hồi cô ấy và Partridge vẫn còn đang yêu nhau không? Liệu họ đã từng làm những kiểu như trong sách này chưa? Nhưng Sloane chưa bao giờ đủ can đảm để hỏi, có lẽ vì anh sợ cả hai câu trả lời có thể sẽ là: có). Đối với những người khác, anh vẫn tiếp tục giữ thái độ dè dặt. Sloane không thể nhớ là anh đã ôm hôn bố mình lần cuối cùng vào lúc nào, cho dù một đôi lần gần đây, anh định làm như vậy, nhưng rồi lại thôi, vì anh không chắc ông già Angus – một con người tính cách cứng cỏi đến mức khô khan – sẽ phản ứng như thế nào. “Chào anh!” Jessica hiện ra trong chiếc váy màu xanh lá cây mềm mại, màu mà anh lúc nào cũng ưa thích. Họ âu yếm ôm hôn nhau rồi cùng đi vào phòng khách. Nicky cũng vào đó một lúc như thường lệ, vì cậu đã ăn tối trước bố mẹ và sẽ phải đi ngủ sớm. Sloane hỏi con: “Con tập đàn đến đâu rồi?”. “Tuyệt, ba ạ. Con đang tập khúc dạo đầu số hai của Gershwin”. Sloane hỏi: “Ba nhớ bài đó. Có phải Gershwin viết bài này khi ông ta còn trẻ không nhỉ?”. “Vâng, hồi ông ta hai mươi tám tuổi”. “Gần đoạn đầu, ba nhớ là nó đi theo nhịp đum-đi-đa-đum. Đi-đa-đa-đum-đi-đum-đi-đum-đi-đum”. Khi anh cất tiếng hát, Nicky và Jessica phá lên cười. “Con biết cái đoạn ba định nói rồi ba ạ, có lẽ con biết tại sao ba nhớ đoạn đó”. Nicky đi tới chiếc piano lớn đặt ở trong phòng rồi cất giọng teno trẻ trung trong sáng, tự đệm đàn theo. Trên bầu trời cao sao sáng lấp lánh. Ở bên bờ hồ trăng xanh chiếu sáng. Và rời bữa tiệc của cô Dina. Tôi đã đưa nàng Neli về nhà. Trán Sloane nhăn lại, anh cố lọc tìm trong ký ức. “Ba đã nghe bài này rồi. Nó có phải là một bài hát ru từ thời nội chiến không con”. Mắt Nicky rạng rỡ: “Đúng đấy, ba ạ”. “À, ba hiểu rồi, có phải là con đang định nói với ba bằng một số nốt nghe tương tự như trong khúc dạo đầu số hai của Gershwin phải không?”. Nicky lắc đầu “Hoàn toàn ngược lại vì bài hát có trước. Nhưng không ai biết có phải Gershwin đã biết bài hát trước, rồi sử dụng nhạc, hay đó chỉ là một sự tình cờ”. “Và chúng ta cũng không bào giờ biết được”, hài lòng trước sự hiểu biêt của Nicky, Sloane reo lên: “Ba thua con rồi”. Cả anh lẫn Jessica cũng không thể nhớ chính xác Nicky bắt đầu biểu lộ niềm say mê âm nhạc từ lúc mấy tuổi, mà chỉ nhớ là từ khi cầu còn rất bé, và giờ đây âm nhạc là niềm say mê lớn nhất của Nicky. Nicky thích chơi piano và theo học mộ tnhajc sĩ giao hưởng già người Áo sống ở vùng New Rochelle gần đó. Cách đây mấy tuần, bằng thứ tiếng Anh lơ lớ, thầy giáo nói với Jessica: “Con của bà đã đạt được trình độ cảm thụ âm nhạc là điều ít thấy ở lứa tuổi cháu. Sau này cậu ta có thể trở thành hoặc nhạc sĩ hoặc nhạc công, hoặc nhà nghiên cứu âm nhạc, thậm chí hoặc nhà triết học. Nhưng điều quan trọng hơn là với Nicholas, âm nhạc nói bằng tiếng nói của thiên thần và của niềm vui. Đó là một phần trong tâm hồn của cậu bé. Tôi nghĩ nó sẽ là ý nghĩa của cuộc đời của cậu”. Jessica liếc mắt nhìn đồng hồ: “Nicky, muộn rồi đấy con ạ”. “Mẹ ơi, cho con ở lại đi! Ngày mai con được nghỉ mà”. “Nhưng ngày mai con cũng có rất nhiều bài tập, mẹ không đồng ý đâu”. Jessica là người giữ kỷ luật của gia đình. Sau khi ngoan ngoãn chúc bố mẹ ngủ ngon, Nicky về phòng. Một lúc sau, họ nghe thấy tiếng cậu bé đang chơi chiếc đàn điện tử xách tay trong phòng ngủ. Cậu bé thường tập bằng chiếc đàn này khi không được sử dụng chiếc đàn piano trong phòng khách. Trong căn phòng sáng dịu Jessica đã trở lại với cốc rượu martini mà nàng đang pha nó. Vừa nhìn nàng làm, Sloane vừa nghĩ: “Mình may mắn biết bao!”. Đó là cảm giác mà anh thường nghĩ về Jessica và vẻ đẹp của nàng dù đã sau hơn 20 năm chung sống. Nàng không còn giữ mái tóc dài nữa và cũng không giấu nhưng món tóc đã ngả bạc. Cũng đã có nhiều nếp nhăn quanh đôi mắt. Nhưng vóc dáng của nàng vẫn thanh tú, xinh đẹp, còn đôi chân nàng vẫn khiến những người đàn ông phải ngoái đầu nhìn lại. Nói chung anh nghĩ nàng thực không thay đổi gì và anh vẫn cảm thấy tự hào khi đi đến bất cứ nơi đâu với Jessica đi bên cạnh mình. Khi đưa cốc rượu cho anh, nàng hỏi: “Hôm nay có vẻ vất lắm, phải không anh?”. “Cũng khá vất. Em có xem chương trình tin không?”. “Có, tội nghiệp cho những hành khách trên chiếc máy bay đó. Thực là khủng khiếp. Họ đã biết trong suốt cả một thời gian dài, rằng họ không còn hy vọng gì nữa ngoài cách là cứ ngồi đó chờ chết”. Sloane cảm thấy hối hận khi nhận ra rằng anh đã không hề nghĩ tới điều đó. Phàm đã là nhà báo chuyện nghiệp, đôi khi vì quá bận tâm vào việc thu thập tin tức mà quên mất những con người được nói đến trong các tin đó. Anh tự hỏi: đó phải chăng là sự nhẫn tâm sau một thời gian dài chuyên làm tin tức, hay đó là một sự cách ly cần thiết, như kiểu các bác sĩ yêu cầu. Anh hy vọng đó là trường hợp thứ hai chứ không phải là trường hợp đầu. “Nếu em đã coi tin về vụ máy bay rơi”, anh nói, “thì em đã thấy Harry. Em nghĩ thế nào?”. “Anh ấy khá lắm”. Câu trả lời của Jessica có vẻ như dửng dưng. Sloane vừa nhìn nàng, chờ xem nàng có nói gì thêm nữa không, vừa tự hỏi: “Có phải trong tâm trí cô ấy, quá khứ đã chết hẳn rồi không?”. “Harry tuyệt chứ không phải là khá. Anh ta đã làm như thế này này”, Sloane vừa nói, vừa bật ngón tay một cái, “không hề được báo trước, không hề có thời gian chuẩn bị”. Anh tiếp tục mô tả sự may mắn của hãng CBA khi có đội quay phim ở ngay sân bay DFW. “Harry, Rita và Minh đều tuyệt vời. Bọn anh đã có được những tin mà tất cả các hãng khác không có”. “Harry và Rita lúc nào cũng làm việc cùng nhau, giữa hai người có chuyện gì không anh?”. “Không. Họ chỉ hợp nhau trong công việc thôi”. “Làm sao mà anh biết được?”. “Bởi vì Rita đang dan díu với Leslie Chippingham. Cả hai người nghĩ chẳng ai biết chuyện đó, nhưng tất nhiên ai cũng biết cả”. Jessica cười: “Lạy Chúa! Bọn các anh là một lũ người bừa bãi hết chỗ nói”. Leslie Chippingham là giám đốc Ban tin của hãng CBA. Đó là người mà Sloane định gặp vào ngày hôm sau để bàn về chuyện đẩy Chuck Insen ra khỏi vị trí uỷ viên ban chủ nhiệm. “Em đừng vơ đũa cả nắm”, anh bảo Jessica. “Anh hoàn toàn hài lòng với cái mà anh có ở nhà…”. Cốc martini bao giờ cũng làm anh thoải mái, mặc dù cả anh lẫn Jessica đều không nghiện rượu. Một cốc martini và một cốc rượu vang trong bữa ăn tối là cùng, còn suốt cả ngày, Sloane không hề uống một giọt nào cả. “Tối nay anh cảm thấy dễ chịu”, Jessica nói, “và anh còn một chuyện vui nữa đây này”. Nàng đứng dậy đi tới bàn làm việc nhỏ ở góc phòng lấy chiếc phong bì, đã được bóc ra như thường lệ vì Jessica thu xếp hầu hết công việc riêng của họ. “Đây là thư của nhà xuất bản thông báo về tiền nhuận bút”. Anh lấy mấy tờ giấy ra khỏi phong bì và đọc, mặt tươi lên trong nụ cười hài lòng. Cuốn sách có tựa đề: “Ống kính và sự thật” của Crawford Sloane đã được xuất bản cách đây mấy tháng. Đây là cuốn sách thứ ba anh viết cùng với một cộng tác viên. Thật ra cuốn sách có vẻ bán chậm. Các nhà phê bình văn học ở New York đã thẳng tay công kích nó, lợi dụng cơ hội này để hạ nhục một người có tầm cỡ như Crawford Sloane. Nhưng ở các nơi khác như Chicago, Cleverland, San Francisco và Miami, giới phê bình lại đánh giá cao cuốn sách. Quan trọng hơn là sau mấy tuần, một vài đoạn trong cuốn sách đã thu hút được sự chú ý trong những mục điểm tin – một kiểu quảng cáo tốt nhất cho bất cứ cuốn sách nào. Trong một chương nói về nạn khủng bố và con tin, Sloane đã nói trắng ra là “phần lớn người Mỹ cảm thấy xấu hổ khi được biết vào năm 1986-87, chính phủ mỹ đã chuộc lại tự do cho một nhóm con tin của chúng ta ở Trung Đông với cái giá là hàng ngàn người Irac chết và bị tàn tật, không chỉ những người trên chiến trường giữa Iran và Irac mà cả những thường dân”. Anh nêu rõ những tổn thất chiến tranh đó là kết quả của việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Iran để đổi lấy việc thả các con tin. “Ba mươi đồng bạc bẩn thỉu của thời hiện đại” – đó là lời Sloane mô tả việc trả giá này, và anh trích một đoạn trong “Đồng tiền vàng” của Kipling: “Chúng ta không bao giờ trả dù chỉ một đồng tiền vàng. Dẫu cái giá không đáng là bao. Vì chung cuộc của trò chơi là hỗ thẹn và áp lực. Dân tộc nào chơi trò này chỉ thua cuộc mà thôi”. Những nhận xét khác được người ta khen là: - Không một nhà chính trị nào có can đảm để nói ra điều này, nhưng con tin, kể cả con tin người Mỹ, nên được coi là có thể hy sinh được. Những lời thỉnh cầu của gia đình con tin nên được cảm thông, nhưng không được làm thay đổi chính sách của chính phủ. - Cách duy nhất để đối phó với bọn khủng bố là chống khủng bố, có nghĩa là hễ có thể được là phải tìm và lặng lẽ diệt trừ chúng – đó là ngôn ngữ duy nhất chúng hiểu. Tuyệt đối không có mặc cả nhượng bộ với bọn khủng bố hoặc trả tiền chuộc, không bao giờ! - Những kẻ khủng bố không tuân theo luật pháp thì khi bị bắt quả tang không được phép trông đợi sự che chở của luật pháp và những nguyên tắc mà chúng coi khinh. Người Anh, mà sự tuân thủ pháp luật đã ăn sâu trong máu họ, đôi lúc đã buộc phải bẻ cong luật pháp để tự bảo vệ chống lại bọn Quân đội Cộng hoà Ailen suy đồi và tàn bạo. - Dù chúng ta làm gì đi chăng nữa thì nạn khủng bố cũng không thể hết được và những chính phủ và những tổ chức ủng hộ bọn khủng bố không thực sự muốn dàn xếp và hoà giải. Họ là những kẻ cuồng tín đang sử dụng những kẻ cuồng tín khác và những tôn giáo tệ hại như một thứ vũ khí của họ. - Là những người sống ở Mỹ, chúng ta sẽ không tránh khỏi nạn khủng bố ở ngay trên đất của chúng ta lâu hơn nữa. Nhưng chúng ta vẫn chưa hề có sự chuẩn bị về tinh thần hoặc bất cứ cách nào khác đối với loại chiến tranh đang lan tràn và rất tàn bạo này. Khi cuốn sách được xuất bản, một số lãnh đạo của hãng CBA đã lo ngại về những lời tuyên bố là “những con tin nên được coi là có thể hy sinh được” và “lặng lẽ diệt trừ”, sợ rằng những lời đó có thể gây ra một vụ bất bình của dân chúng và chính giới đối với hãng. Khi thấy không có gì phải lo ngại, các uỷ viên cũng mau chóng gia nhập vào dàn hợp xướng ca tụng. Sloane rạng rỡ hẳn lên khi anh đặt tờ thông báo số tiền nhuận bút lớn sang bên cạnh. “Anh xứng đáng với những điều người ta nói và em rất tự hào về anh”, Jessica nói. “Đặc biệt là vì anh không phải loại người thích liều nhảy vào những chuyện gây tranh cãi, - Nàng ngưng một lát rồi nói “Ồ, quên mất, ba anh gọi điện đấy. Sáng mai ba sẽ tới và ở lại đây một tuần”. Sloane nhăn mặt: “Ba vừa mới đến mà”. “Ba cô đơn và ba đã già rồi. Có lẽ anh cũng sẽ cư xử như vậy một khi anh có một cô con dâu mà anh thích gặp”. Cả hai cùng cười vì biết rằng ông Angus Sloane rất quý Jessica và cô cũng vậy. Về một mặt nào đó thì họ còn hợp nhau hơn là giữa ông và con trai. Ông Angus sống một mình ở Florida từ khi mẹ của Sloane qua đời. “Em rất thích khi ba tới đây” Jessica nói, - “Nicky cũng vậy”. “Thôi thế cũng được. Nhưng trong khi ba ở đây thì hãy cố dùng ảnh hưởng của em để ba đừng nói quá nhiều về danh dự, lòng ái quốc và những chuyện dài dòng khác nữa”. “Em hiểu anh muốn nói gì. Em sẽ làm cái gì em làm được”. Nguyên do của chuyện này là ông già Angus Sloane không thể nào cạm chịu để cho cái danh tiếng anh hùng của Thế chiến thứ hai trôi vào dĩ vãng, vì ông lúc đó là một phi công chỉ huy cắt bom của không lực Hoa Kỳ, đã được tặng huân chương Ngôi Sao Bạc một huân chương phi công xuất sắc. Sau chiến tranh ông làm một nhân viên kế toán, tuy không phải là một nghề nghiệp đáng chý ý, nhưng khi về hưu ông được một khoản hưu trí đủ để sống độc lập. Những năm tháng trong quân ngũ vẫn cứ tiếp tục chế ngự mọi suy nghĩ của ông. Tuy Crawford rất tôn trọng chiến công của cha mình, anh vẫn thấy chán ngắt khi ông luôn nhắc lại những chuyện ông ưa thích: “Ngày nay không còn có giá trị đạo đức và lòng chính trực nữa”. Vì vậy Jessica cố lái những lời thuyết giáo của ông bố chồng sang phía khác. Sloane và Jessica trò chuyện suốt bữa ăn tối, đó là lúc dễ chịu nhất của họ. Jessica thuê một người đến giúp việc hàng ngày nhưng nàng thường tự nấu bữa ăn tối dành cho chồng con. Sloane trầm ngâm nói: “Trở lại câu chuyện cũ, anh hiểu ý em định nói gì, về chuyện anh không thích những chuyện tranh cãi. Anh nghĩ trong đời anh không mấy khi liều mạng lao vào cuộc. Nhưng cho đến nay anh vẫn có cảm xúc mạnh mẽ về một số điều trong cuốn sách”. “Về nạn khủng bố phải không anh?”. Anh gật đầu: “Từ khi viết ra điều đó, anh cứ nghĩ không biết cái nạn khủng bố có thể tác động vào em và anh thế nào. Vậy nên anh đã có một số biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Cho đến nay anh cũng chưa nói với em, nhưng em nên biết”. Thấy Jessica nhìn anh với vẻ tò mò, anh nói tiếp: “Có bao giờ em nghĩ rằng một người nào đó như anh lại có thể bị bắt cóc và trở thành con tin không?”. “Khi anh ở nước ngoài, em đã nghĩ tới điều đó”. Anh lắc đầu: “Nó có thể xảy ra ở đây. Thế nào cũng sẽ có một vụ đầu tiên và anh, cũng như một số người khác trong đài truyền hình, đều làm việc trong một cái bể cá vàng. Nếu như bọn khủng bố bắt đầu hoạt động ở Mỹ, mà anh tin rằng chúng sẽ sớm bắt đầu thôi, thì những người như anh sẽ là miếng mồi hấp dẫn vì bất cứ điều gì bọn anh làm, hoặc liên quan đến bọn anh, cũng là điều mọi người rất chú ý”. “Thế còn các gia đình thì sao? Liệu họ có thể cũng là mục tiêu của chúng không?”. “Khả năng đó rất ít. Bọn khủng bố cần người có tên tuổi. Một người mà ai ai cũng biết cơ”. Jessica nói vẻ bồn chồn: “Anh nói đến các biện pháp phòng ngừa là gì vậy?”. “Tức là những biện pháp có tác dụng sau khi anh đã bị bắt cóc – nếu chuyện đó xảy ra. Anh đã bàn tính kỹ với một luật sư quen biết, ông Sy Dreelan. Ông ta biết tất cả mọi chi tiết, và có quyền công bố tất cả mọi điều khi cần thiết”. “Em không thích cuộc nói chuyện này lắm, anh đang làm em sợ, và nếu chuyện xấu đã xảy ra rồi thì phòng ngừa còn ăn thua gì nữa?”. “Trước khi nó xảy ra, anh phải nhớ hãng tạo một số điều kiện để bảo đảm an toàn, và hiện nay họ đang làm, ở mức độ nào đó. Nhưng sau đó, như anh đã nói trong cuốn sách, là anh không muốn bất cứ ai phải bỏ bất cứ một kiểu tiền chuộc nào, kể cả bằng tiền túi của chúng ta. Vậy nên một điều anh đã làm là tuyên bố nghiêm túc như thế bằng văn bản hoàn toàn đúng thể thức pháp lý”. “Có phải anh định nói với em là toàn bộ tiền nong của chúng ta sẽ bị phong toả và không hoạt động gì hết?”. Anh lắc đầu: “Không, anh không thể làm điều đó, cho dù anh muốn chăng nữa. Hầu hết mọi thứ chúng ta có, nhà cửa, ngân quỹ, hối phiếu, vàng bạc, ngoại tệ, đều là của chung giữa anh và em, và em có thể làm bất cứ cái gì em muốn với những của cải đó, như hiện nay em đang làm. Nhưng sau khi lời tuyên bố kia của anh được công bố, và mọi người hiểu điều anh nghĩ, anh muốn tin là em sẽ không hạ mình đi theo con đường khác”. Jessica phản đối: “Anh đã tước mật quyền quyết định của em!”. Anh dịu dàng nói: “Không đâu, em yêu ạ. Anh chỉ tránh cho em một trách nhiệm khủng khiếp và tình huống khó xử thôi”. “Nhưng giả sử hãng sẵn sàng trả tiền chuộc thì sao?”. “Anh không tin họ sẽ làm gì trái với ý muốn của anh đã được ghi trong cuốn sách và được nhắc lại trong lời tuyên bố”. “Anh nói rằng hãng đã tạo cho anh một số điều kiện để đảmbảo an toàn. Đây là lần đầu tiên em nghe nói điều đó. Chính xác là gì vậy?”. “Tức là khi nào có những sự đe doạ qua điện thoại, thư tín theo kiểu đó, hoặc tin đồn về một vụ tấn công nào đấy có thể xảy ra – chuyện này vẫn thường xảy ra ở các hãng và đặc biệt là cho phát thanh viên – thì những thám tử tư sẽ được mời đến. Họ sẽ theo dõi xung quanh trụ sở hãng CBA, ở bất cứ nơi nào anh làm việc, sẽ làm bất cứ điều gì mà các thám tử phải làm. Đôi lần, điều đó đã xảy ra với anh rồi”. “Anh chưa bao giờ nói cho em nghe chuyện đó cả”. “Đúng, anh chưa bao giờ nói” – anh thừa nhận. “Còn cái gì anh chưa nói với em nữa?” – có một cái gì đó trong giọng nói của Jessica mặc dù rõ ràng là nàng không biết là do tức giận vì chuyện giấu giếm đó hay chỉ vì lo lắng thôi. “Anh không giấu giếm gì em chuyện ở hãng cả, ngoài một số chuyện anh đã thu xếp với Dreeland”. “Liệu anh cho em biết những chuyện đó thì có quá nhiều không?”. “Em cần phải biết” – Sloane lờ cái vẻ giễu cợt mà đôi khi vợ anh bật ra những lúc xúc động. “Khi có người bị bắt cóc, bất cứ ở nơi nào trên thế giới, thì điều chắc chắn là họ sẽ được hoặc buộc phải thu băng video. Rồi các băng này sẽ được phát, đôi khi trên vô tuyến, nhưng không ai biết chắc được là họ tự nghuyện hay bị bắt buộc, và nếu bị bắt buộc, thì tới mức độ nào. Nhưng nếu có một sự bố trí trước thì bằng những tín hiệu, người bị bắt cóc sẽ có được cơ hội tốt nhất để gửi những lời nhắn nhủ về nhà. Hiện nay ngày càng nhiều người thuộc loại người có thể bị bắt làm con tin để những lời chỉ dẫn lại cho các luật sư của họ bằng một hệ thống các mã số mật hiệu”. “Nếu chuyện này không nghiêm trọng đến thế thì nó nghe có vẻ như một cuốn tiểu thuyết trinh thám ấy” – Jessica nói “Thế anh đã dự tính loại mật hiệu gì vậy?”. “Đưa lưỡi lên liếm môi, động tác mà ai cũng có thể làm mà không bị chú ý, có nghĩa là “Tôi đang làm điều này vì bị bắt buộc. Đừng có tin bất cứ điều gì tôi nói”. Gãi hoặc sờ vào tai phải có nghĩa là “Những kẻ bắt giữ tôi tổ chức rất chặt chẽ và được trang bị vũ khí rất mạnh”. Gãi hoặc sờ vào tai trái có nghĩa là: “Đôi khi an ninh ở đây khá lơi lỏng. Một cuộc tấn công từ phía bên ngoài có thể thành công”. Còn một số điều khác, nhưng bây giờ hãy đến thế đã. Anh không muốn những điều này làm em lo lắng”. “Mà thực sự là em rất lo” – Jessica nói và tự hỏi: “Liệu điều đó có xảy ra không? Liệu Crawford có bị bắt cóc và đưa đi xa không? Dường như đó là điều không thể tin được, nhưng hầu như ngày nào những chuyện không thể tin được đó vẫn cứ xảy ra”. “Ngoài chuyện sợ hãi ra”, nàng nói với vẻ đăm chiêu, “em phải thú nhận một đôi điều làm em ngạc nhiên, vì có cái gì đó trong anh mà chắc chắn là em chưa từng biết. Nhưng em cứ tự hỏi tại sao anh không theo học khoá tự vệ mà chúng ta đã định ấy nhỉ?”. Đó là một khoá luyện tập chống khủng bố do một công ty Anh, là công ty an ninh Paladin, soạn thảo và đã được phát trên nhiều chương trình tin tức của Mỹ. Khoá học kéo dài một tuần, và một phần của nó là chuẩn bị trước cho mọi người đối phó với cái khả năng mà Sloane vừa đưa ra – làm thế nào để xử sự khi trở thành nạn nhân trong tình huống bị bắt làm con tin. Chương trình đó còn dạy cho người ta biết cách tự vệ tay không là điều mà Jessica giục chồng phải theo học sau khi Dan Rather, phát thanh viên của hãng CBS bị tấn công một cách man rợ trên đường phố New York vào năm 1986. Hai kẻ lạ mặt đã tấn công bất thình lình và Dan Rather đã phải đi nằm viện; còn những kẻ tấn công thì biệt tăm từ dạo đó tới nay. “Vấn đề là làm sao có được thời gian để tham gia lớp học”, Sloane nói. “Nhân tiện nói chuyện này, em vẫn đang theo các bài cqb đấy chứ?”. CQB (Close quarters battle) là chữ viết tắt của từ “cận chiến”, một từ đặc biệt dành cho những cuộc đánh nhau tay không mà đội quân tinh nhuệ SAS của Anh đã thực hành. Một thiếu tướng về hưu người Anh hiện đang sống ở New York dạy khoá này và Jessica muốn Crawf phải theo học nhưng vì anh không thể nào thu xếp được thời gian, nên nàng đi học một mình. “Em không đi tập thường xuyên nữa”, nàng đáp lời. “Tuy vậy hàng tháng em vẫn đi một hai buổi gì đó để cho khỏi quên và thỉnh thoảng khi tướng Wadi giảng bài em vẫn đi nghe”. Sloane gật đầu “Thế thì tốt”. Đêm hôm đó, vì câu chuyện vừa qua giữa hai vợ chồng vẫn luẩn quẩn trong óc nên Jessica trằn trọc không sao ngủ được. Bên ngoài, những kẻ ngồi trong chiếc xe Ford Tempo nhìn những ngọn đèn trong nhà tắt dần. Rồi họ báo cáo qua điện thoại lưu động và lái xe đi, chấm dứt cuộc rình mò đêm đó.