“Con thích Vicente”, Nicky nói. “Chú ấy là bạn của chúng ta”. “Ông cũng nghĩ thế”, Angus từ trong cũi giam nói vọng ra. Ông già đang nằm trên một đệm mỏng bẩn thỉu trên chiếc giường tạm bợ, giết thời gian bằng cách quan sát hai con bọ dừa to đậu trên tường. “Vậy thì cả hai ông cháu đừng nghĩ thế nữa”, Jessica quát. “Thích ai trong bọn này là điều ngây thơ và ngốc ngếch”. Nàng dừng lại, cắn môi hối tiếc đã nói những lời ấy. Đâu cần phải quát nạt như vậy. “Con xin lỗi”, nàng nói. “Con không định nói với giọng như thế”. Khổ nỗi là, sau mười lăm ngày tù túng trong ác cũi giam bé tý xíu, cả ba đều lộ vẻ căng thẳng, bải hoải tinh thần. Jessica đã phải cố sức giữ tinh thần, nếu không được vững, thì chí ít cũng không đến nỗi tuyệt vọng. Nàng cũng cố gắng đảm bảo mọi người đều vận động thân thể hàng ngày, một việc nàng luôn là người cầm chịch. Nhưng rõ ràng là dù có ý định tốt ấy, sự tù túng về thể xác, cái đơn điệu và nỗi cô đơn đã tác động rõ rệt tới họ. Thêm vào đó, thứ đồ ăn nhờn nhờn, nhạt nhẽo cũng là một gánh nặng nữa làm sức lực họ hao mòn cạn kiệt. Cùng với những nỗi khổ trên, mặc dù đã cố gắng để lau rửa, nhưng người họ lúc nào cũng nhớp nháp, hôi hám, thường xuyên ướt đẫm mồ hôi, quần áo bẩn thỉu như dán vào da thịt. Jessica nghĩ cũng là điều hay khi luôn tự nhắc mình là ông thầy dạy khoá chống khủng bố, tướng Wade đã phải chịu đựng nhiều hơn và lâu hơn nàng trong chiếc hầm nhỏ ở Triều Tiên. Nhưng dẫu sao Cedric Wade cũng là con người phi thường, toàn tâm phụng sự tổ quốc trong thời buổi chiến tranh. Còn ở đây thì đâu có chiến tranh để chế ngự tinh thần và thể xác? Họ chỉ là những người dân thường bị bắt cóc… mà bắt làm gì chứ? Jessica vẫn không hiểu nổi tại sao. Thế nhưng ý nghĩ về tướng Wade, nhận xét của Nicky thích Vicente, cùng lời tán thành của Angus đã làm nàng nhớ tới điều này đã học được từ Wade. Đem vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay chắc là thích hợp. Vừa lo lắng nhìn tên lính gác, nàng hỏi nhỏ: “Angus và Nicky này! Hai ông cháu đã nghe nói về Hội chứng Stockholm chưa?”. “Hình như là ba có nghe, nhưng không nhớ chắc lắm”. Angus trả lời. “Còn con, Nicky?”. “Chưa mẹ ạ. Đó là gì hả mẹ?”. Thằng gác là đứa thỉnh thoảng vẫn mang theo cuốn truyện tranh cười, lúc này đang chúi mũi vào đọc, không để ý gì đến việc họ nói chuyện với nhau. Jessica cũng biết là hắn không nói được tiếng Anh. “Mẹ sẽ nói cho con biết”, Jessica đáp. Trong tai nàng như còn vang lời tướng Wade nói với nhóm nghiên cứu nhỏ, trong đó có nàng: “Trong hầu hết các vụ không tặc hoặc bắt cóc, bao giờ cũng có điều chắc chắn là sau một thời gian, ít nhất cũng có người trong số con tin sẽ thấy mến bọn khủng bố. Đôi lúc những con tin còn cho bọn chúng là bạn, trong khi lại coi cảnh sát và quân đội, những người đang tìm cách cứu họ là kẻ thù. Cái đó gọi là hội chứng “Stockholm”. Về sau Jessica đọc thêm tài liệu lại càng thấy đúng là có việc như vậy. Nàng – còn tò mò - tìm đọc để biết tại sao nó lại có cái tên gọi hư vậy. Bây giờ cố nhớ lại và diễn đạt theo ngôn từ của nàng, nàng tả lại câu chuyện lạ lùng ấy, trong khi Nicky và Angus lắng nghe: Chuyện xảy ra ở Stockholm, Thuỵ Điển vào ngày hai mươi ba tháng Tám năm 1973. Sáng hôm đó, tại Normastrong, một quảng trường ở trung tâm thành phố, một tù trốn trại là Jan Erik Olsson, ba mươi hai tuổi vào một trong những nhà băng lớn nhất Stockholm là Sveriges Kredibanken. Olsson rút khẩu liên thanh giấu trong áo khoác cầm ở tay, nổ súng bắn lên trần, làm mọi người la hoảng chạy tán loạn trong đám kính vỡ và bê tông rơi xuống như mưa. Thử thách tiếp theo kéo dài sáu ngày. Trong suốt những ngày đó, không ai trong số con tin lại nghĩ rằng những năm sau đó, và có lẽ cả những thế kỷ sau nữa, dư vị của cái mà họ đã trải qua lại nổi tiếng đến mức được mang cái tên hội chứng Stockholm, một thuật ngữ y học và khoa học mà đối với các sinh viên và bác sỹ hành nghề khắp thế giới cũng trở nên quen thuộc như các thuật ngữ “mổ lấy thai nhi”, “chứng ăn không ngon miệng”, “chứng cuồng dâm” hoặc “chứng lão hoá” vậy. Ba phụ nữ và một đàn ông, đều là nhân viên nhà băng. Đã bị Olsson và đồng bọn của hắn, Clark Olofsson, hai mươi sáu tuổi, bắt làm con tin. Đó là Birgitta Lundbald, cô gái tóc hung xinh xắn ba mươi mốt tuổi, Kristin Ehnmark, cô gái tóc đen, hồn nhiền hai mươi ba tuổi, Elisabeth Oldgren, hai mươi mốt tuổi, người nhỏ nhắn, dịu dàng và tóc vàng nhạt; và Sven Sapstrom, hai mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng và chưa vợ. Hầu như suốt sáu ngày ấy, bộ sáu này giam mình trong một hầm chứa két bạc và từ đó bọn tội phạm gọi điện toại đòi nộp cho chúng ba triệu curon tiền mặt (tương đương 710.000 đôla), hai súng lục và một chiếc xe để chúng tẩu thoát. Các con tin bị đầy đoạ trong thời gian bị giam giữ. Họ buộc phải đứng thẳng người, dây thít chặt quanh cổ, nên nếu ngã là bị ngạt thở ngay. Nhiều lúc họ nghĩ sắp bị giết chiết khi họng súng liên thanh gí sát vào sườn. Họ không có gì vào bụng suốt năm mươi giờ liền. Họ phải đi ngoài vào các túi ni lông đựng rác. Họ sống với nỗi khiếp sợ và khắc khoải nơi hầm kín. Thế nhưng giữa các con tin và hai tên bắt cóc họ lại nảy sinh sự gần gũi kỳ lại. Birgitta có lúc đã có thể đi thoát, song cô ta lại không đi. Kristin tìm cách báo tin cho cảnh sát, rồi lại thừa nhận: “Tôi cảm thấy mình giống như một kẻ phản bội”. Anh chàng Sven cho bọn bắt cóc là “tử tế” và Elisabeth cũng đồng ý như vậy. Cảnh sát Stockholm tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao để giải thoát con tin thì lại gặp phải sự thù địch của họ. Kristin nói qua điện thoại rằng cô ta tin cậy bọn cướp nhà băng, sau đó còn thêm: “Tôi muốn các ông để chúng tôi cùng đi luôn với họ… Họ rất tốt”. Nói đến Olsson, cô ta tuyên bố: “Anh ta bảo vệ chúng tôi khỏi rơi vào tay cảnh sát”. Khi được bảo: “Cảnh sát sẽ không đụng chạm đến cô”, Kristin trả lời: “Tôi không tin điều đó”. Về sau còn được biết Kristin còn khoác tay với tên tội phạm trẻ hơn là Olsson. Cô ta nói với một thẩm tra viên: “Clark cho tôi cảm giác dịu dàng”. Và sau khi các con tin được giải thoát, Kristin nằm trên cáng ra xe cứu thương mà vẫn còn gọi với theo Olsson: “Clark em sẽ gặp lại anh!”. Các chuyên viên phòng thí nghiệm trong khi kiểm tra căn hầm đã tìm thấy dấu vết tinh dịch. Sau một tuần thẩm vấn, một trong ba cô, tuy chối là không có các hành động tình dục, nhưng nói là một đêm khi mọi người đã ngủ say, cô ta đã giúp Olsson thủ dâm. Mặc dù vẫn còn hoài nghi những điều cô ta nói, các thẩm sát viên cũng thôi không đả động đến chuyện đó nữa. Khi được các bác sỹ hỏi, các con tin được trả tự do gọi cảnh sát là “kẻ thù” và tin rằng họ còn sống được là nhờ bọn tội phạm. Elisabeth còn buộc tội một bác sỹ là mưu đồ “tẩy sạch” lòng yêu mến của cô ta đối với Olsson và Olofsson. Năm 1974, tức là gần một năm sau bi kịch ở nhà băng, Birgitt đã tới nhà tù thăm Olofsson và nói chuyện với hắn nửa tiếng đồng hồ. Các bác sỹ tham gia nghiên cứu vấn đề trên cuối cùng tuyên bố hành động này của các con tin là hành động tiêu biểu của những người gặp “hoàn cảnh sinh tử”. Họ dẫn lời Anna Freud mô tả những phản ứng này là “đồng tình với kẻ sinh sự”. Nhưng tấn bi kịch ở nhà băng Thuỵ Điển đã tạo ra một cái tên mãi mãi đáng nhớ là Hội chứng Stockholm. “Mẹ ơi, hay quá”, Nicky từ trong cũi nói ra. “Jessica, ba không biết chi tiết đến vậy”, Angus thêm. Nicky hỏi: “Còn chuyện hay nào nữa không hả mẹ?”. Jessica rất hài lòng, trả lời: “Ít thôi”. Một lần nữa, nàng lại cố nhớ lại lời của ông tướng người Anh là Wade: “Tôi khuyên các anh, các chị hai điều”, có lần ông nói với lớp huấn luyện chống khủng bố. “Một là, nếu bị bắt làm con tin, hãy nhớ Hội chứng Stockholm. Hai là, trong khi giao thiệp với bọn khủng bố, luôn nghĩ rằng “Yêu kẻ thù của mình” là điều nhàm tiếu và vô nghĩa. Cũng cần tránh một thái cực khác là đừng có mất thời gian và hao tổn tâm lực căm ghét bọn chúng làm gì, vì lòng căm giận là thứ tình cảm hao tâm tổn trí và mất thời gian. Chỉ có điều, đừng bao giờ tin chúng, thích chúng, cho dù trong giây lát, và đừng bao giờ quên chúng là kẻ thù”. Jessica nhắc lại lời khuyên của tướng Wade cho Nicky và Angus nghe. Nàng còn kể thêm về những vụ không tặc, trong đó những người bị bắt và bị đánh đập lại cảm thấy thân thiện với bọn không tặc. Đó là chuyện có thực xảy ra năm 1985 trong chuyến bay ô nhục 847 của hãng TWA, khi một số hành khách tỏ ý đồng tình với bọn không tặc Shiite và truyền đạt quan điểm tuyên truyền của chúng. Gần đây hơn, Jessica giải thích, một con tin được giải thoát ở Trung Đông, một người dễ xúc động mà rõ ràng là nạn nhân của Hội chứng Stockholm đã chuyển cả thông điệp của bọn đã giam giữ ông ta tới Đức Giáo hàong và Tổng thống Mỹ, được các hãng đưa tin rất nhiều. Người ta không tiết lộ nội dung thông điệp ấy, nhưng “theo các nguồn tin không chính thức, nó được coi là vô vị và chẳng được điểm nào ra hồn. Mối quan tâm còn lớn hơn của những người am hiểu hội chứng Stockholm là trường hợp Patricia Hurst, nạn nhân của một vụ bắt cóc. Không may cho Hurst là khi bị bắt năm 1975 và ra toà vào năm sau vì người ta cho là cô đã phạm tội, các sự kiện ở Stockholm chưa được hiểu một cách đầy đủ, để cô có thể được thông cảm và giảm nhẹ tội. Trong một bài giảng ở khoá chống khủng bố của tướng Wade, một luật sư Mỹ đã tuyên bố: “Xét về giá trị pháp lý và tri thức, vụ xử Patricia Hurst có thể sánh với các vụ xét xử thuật phù thuỷ Salem năm 1692”. Ông ta nói thêm: “Biết những gì ta nay đang làm và nhớ rằng tổng thống Catơ đã nhận thấy việc xét tội sai, nên đã giảm án tù cho cô ta, nếu không nó sẽ là một ngày đen tối vì ô nhục cho đất nước này, nếu Patricia Hurst chết đi mà không được mọi người tha thứ”. “Jessica”, Angus nói, “Ba hiểu ý con muốn là đừng có bị mắc lừa vì cái vẻ dễ dãi của Vicente, hắn vẫn là kẻ thù của chúng ta”. “Nếu hắn không là kẻ thù”, Jessica vạch rõ, “chúng ta có thể đàng hoàng ra khỏi nơi đây trong phiên hắn gác”. “Mà chúng ta đều biết là không có chuyện đó”, Angus hướng về cũi giam ở giữa và nói “Nicky, cháu hiểu điều đó chứ? Mẹ cháu nói đúng, còn ông cháu ta sai đấy”. Nicky không đáp, chỉ buồn bã gật đầu. Một trong những cái đáng buồn của cảnh giam cầm này, Jessica nghĩ, là Nicky đã phải chịu đựng thực tế phũ phàng của người đời tàn ác sớm hơn bình thường. ° Ở Peru lúc nào cũng vậy, tin tức mối liên quan đến vụ bắt cóc gia đình Sloane được đài phát thanh truyền đi rất xa, tới cả những vùng hẻo lánh nhất của nước này. Tin tức đầu tiên về việc Peru và Sendero Luminoso dính líu đến vụ bắt cóc được đưa hôm thứ bảy, tức là một ngày sau bản tin chiều qoàn quốc của CBA, trong đó tiết lộ các dữ liệu độc nhất mà Nhóm đặc nhiệm của hãng này thu thập được. Trước đó, các phương tiện thông tin Peru chỉ đưa qua về vụ bắt cóc, nhưng khi có tin nước này có dính líu, thì lập tức nó trở thành một tin quan trọng. Trong trường hợp này, đài phát thanh vẫn là phương tiện đưa tin rộng rãi nhất. Cũng tương tự như trên, vào hôm thứ ba, tức là sau tiết lộ của tờ Ngôi sao Bantimore hôm thứ hai, ở thị trấn Ayacucho trong vùng núi Andes và ở làng Nueva Esperanza ở Selva cũng bắt được tin đầu tiên trên đài về việc Theodore Elliott bác bỏ đòi hỏi của bọn bắt cóc và những lời miệt thị của ông đối với Sendero Luminoso. Các nhà lãnh đạo của sendero ở Ayachucho và tên khủng bố Ulises Rodriguez, tức Miguel ở Nueva Esperanza nghe được tin đó qua đài. Ngay sau đó đã có cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa Miguel và một lãnh đạo của Sendero ở Ayacucho, nhưng cả hai không ai xưng tên trong khi nói chuyện. Chúng đều hiểu, so với tiêu chuẩn hiện đại, đường dây liên lạc này quá tồi, lại qua nhiều điểm dân cứ là nơi bất kể ai, kể cả cảnh sát và quân đội đều có thể nghe trộm được. Vì thế, chúng nói những chuyện chung chung, úp úp mở mở, điều mà ở Peru nhiều người thường làm, song cả hai đứa đều hiểu được ý của nhau. Đó là: Cần phải làm ngay một việc gì đấy để chứng tỏ cho hãng truyền hình Mỹ CBA biết rằng họ đang “chơi”với những người không phải ngu ngốc hay yếu đuối. Có thể giết một con tin rồi để xác tìm thấy ở Lima chẳng hạn. Miguel, trong khi đồng ý rằng đó cũng là một cách có hiệu quả, gợi ý lúc này nên để cả ba con tin sống sót, giữ họ như giữ tiền vậy. Thay vì giết họ, hắn khuyên nên có một hành động kiểu khác mà, nhớ lại điều hắn đã học khi còn ở Hackensack, hắn tin là sẽ tác động ghê gớm đến tâm lý của những kẻ ở dãy kia của phương trình ở New York. Cách này được đồng ý ngay, và vì cần phải có phương tiện vận chuyển, một ô tô hoặc xe tải cũng được rời ngay Ayacucho tới Nueva Esperanza. Ở Nueva Esperanza, Miguel bắt đầu công việc chuẩn bị bằng cách cho gọi Socorro tới. Jessica, Nicky và Angus ngước nhìn khi thấy một toán người kéo đến ngay gần cũi giam họ. Toán này gồm Miguel, Socorro, Gustavo, Ramon và một tên khác đứng gác. Nhìn vẻ mặt chúng, rõ ràng sắp có chuyện gì xảy ra, nên Jessica và hai người kia lo lắng chờ xem có chyện gì. Có một điều mà Jessica cầm chắc là dù chúng đòi nàng phải làm gì, nàng cũng sẽ hợp tác. Tính đến hôm nay đã được sáu ngày kể từ cái lần chúng quay băng ghi hình nàng, mà chỉ vì sự chống đối lúc đầu của nàng nên Nicky phải mang trên người nhiều vết bỏng đau rát. Sau đó, Socorro hàng ngày có đến xem xét vết thương mà đến nay đã kín miệng, nên Nicky không còn cảm thấy đau đớn nữa. Jessica vẫn cảm thấy có lỗi trong chuyện ấy, nên quyết định sẽ không để con mình bị hại lần nữa. Vì thế khi bọn khủng bố mở cũi và kéo vào chỗ Nicky, bỏ qua Jessica và Angus thì nàng sợ hét lên: “Các ông làm gì vậy? Tôi xin các ông đừng hại cháu. Nó đau đớn thế là đủ rồi. Nếu các ông muốn làm gì thì hãy làm tôi đây này”. Chính Socorro quay ngoắt lại nhìn Jessica và quát qua tấm liếp ngăn hai cũi giam: “Câm mồm! Những gì sắp xảy ra mày không có cách gì ngăn lại được đâu”. Jessica cuống cuồng kêu khóc: “Chuyện gì?”. Nàng thấy Miguel mang một chiếc bàn gỗ nhỏ vào cũi giam Nicky, trong khi Gustavo và tên thứ tư túm lấy Nicky, chặt đến nỗi cậu bé không cựa quậy được. Jessica lại kêu: “Ôi, đừng làm thế. Các ông hãy vì Chúa mà tha cho nó”. Không thèm trả lời Jessica, Socorro bảo Nicky: “Mày sắp sửa bị cắt hai ngón tay”. Nghe thấy tiếng “ngón tay”, Nicky lúc đó đang quá kinh hãi liền khóc ầm lên và cố giằng người ra nhưng không được. Socorro nói tiếp: “Mấy người này sẽ làm việc đó, mày không cưỡng lại được đâu. Mày càng cố kéo thì càng đau đớn, cho nên tốt nhất là đứng yên”. Như không nghe thấy những lời báo trước đó, Nicky mồm lắp bắp, mắt như điên dại, lại càng vùng vẫy, quyết liệt hơn để mong thoát ra, hoặc ít ra cũng rút được tay lại, nhưng không ăn thua gì. Jessica rên rỉ: “Ôi, đừng! Đừng chặt ngón tay nó. Các ông không hiểu sao? Cháu chơi Piano; đó là cả niềm vui suốt đời của cháu”. “Tao biết”, lần này là Miguel nói. Hắn quay lại, mặt nở nụ cười. “Tao nghe chồng mày nói điều đó trên truyền hình, khi nó trả lời câu hỏi của ai đó. Khi nhận được những ngón tay này, nó sẽ tiếc là đã nói điều ấy”. Angus đang đập ầm ầm vào vách ngăn giáp cũi Nicky và cũng kêu gào ầm ĩ. Ông già giơ tay mình ra: “Tay tao đây, hãy chặt cũng được chứ sao? Nỡ nào làm hại cả cuộc đời còn dài của thằng bé?”. Mặt mày giận dữ, Miguel trừng mắt quát: “Hai ngón tay của một thằng lỏi con tư sản thì có thấm vào đâu, khi mỗi năm có tới sáu mươi ngàn trẻ em Peru chết trước năm tuổi”. “Chúng tao là người Mỹ”, Angus trả miếng. “chúng tao không có lỗi về việc đó”. “Chính là lỗi ở chúng mày! Chế độ tư bản của chúng mày là chế độ thối nát, phá hoại, bóc lột nhân dân. Chính là lỗi của nó…”. Số liệu trẻ em tử vong do Miguel đưa ra là trích của Abimael Guzman, người sáng lập Sendero Luminoso. Miguel cũng biết Guzman phóng đại số liệu ấy nhưng rõ ràng số trẻ em chết vì suy dinh dưỡng ở Peru là cao nhất thế gới. Trong khi hai bên lời qua tiếng lại, các công việc khác diễn ra rất nhanh. Chiếc bàn gỗ nhỏ Gustavo mang vào đặt trước mặt Nicky. Trong khi cậu bé tiếp tục quằn quại, vặn vẹo người, kêu xin rất tội nghiệp. Gustavo dằn riêng ngón trỏ tay phải cậu bé lên mặt bằn, còn các ngón khác ngoài mép bàn. Ramon rút ra con dao khỏi vỏ bao. Lúc này, hắn nhăn nhở cười, dùng ngón tay cái thử lưỡi dao sáng loáng, sắc như dao cạo. Với vẻ hài lòng, Ramon bước tới đặt lưỡi dao vào đốt thứ hai của ngón trỏ Nicky, rồi với động tác rất nhanh, hắn dùng bàn tay trăi dập mạnh lên sống dao. Chỉ nghe “xựt” một cái, máu tuôn ra, Nicky hét lên đau đớn, và ngón tay đã bị đứt nhưng chưa rời hẳn ra. Ramono nhắc dao cắt nốt phần da thịt còn dính cho đứt hẳn. Tiếng kêu tuyệt vọng vì đau đớn của Nicky nghe thật nát lòng. Máu loang trên mặt bàn và dính cả vào tay của hai thằng đang giữ chặt Nicky. Chúng vẫn tỉnh khô, kéo ngón út bàn tay phải của Nicky từ mép bàn lên. Động tác và kết quả lần này nhanh hơn. Ramon chỉ chặt một nhát, ngoán tay út đã đứt lìa khỏi bàn tay, trong khi máu chảy túa ra. Socorro, trước đó nhặt ngón tay trỏ bị cắt cho vào một cái túi ni lông, bây giờ đút thêm ngón út vào đó và đưa cái túi cho Miguel. Mặt Socorro tái đi, môi mím chặt. Ả liếc vội Jessica, lúc này lấy tay che mặt, người rung lên trong tiếng khóc nức nở. Nicky mặt trắng bệch, gần như không còn biết gì nữa, ngã vật trên chiếc giường nhỏ hẹp, tiếng kêu khóc chỉ còn là tiếng rên, quằn quại vì đau. Lúc Miguel, Ramon và tên thứ tư từ trong cũi giam bước ra, mang theo chiếc bàn vấy máu, Socorro ra hiệu cho Gustavo nán lại: “Agarra Elliott Chico, Sientalo!” (1). Theo lệnh Socorro, Gustavo đỡ Nicky ngồi dậy trong khi Socorro ra ngoài, rồi trở vào mang theo bát nước ấm hoà xà phòng mà ả đem theo lúc mới đến. Cầm bàn tay phải của Nicky và giữ nó ở thế thẳng đứng. Socorro cẩn thận rửa sạch hai ngón tay cụt đề phòng nhiễm trùng. Bát nước trở nên đỏ lòm. Rồi sau khi đặt gạc lên vết thương, ả dùng băng cuốn chặt cả bàn tay lại. Tuy vậy, máu vẫn thấm qua gạc và băng, nhưng hình như có ít hơn. Trong lúc ả làm việc đó, Nicky rõ ràng là đau, người run bần bật, nhưng không hề tỏ thái độ chấp nhận hay cản trở gì. Miguel vẫn còn quanh quẩn bên ngoài cũi giam, nên Jessica tiến lại cửa cũi của mình và gọi hắn, giọng đầy nước mắt: “Tôi van ông, tôi xin ông cho tôi sang với con tôi!”. Miguel lắc đầu. Hắn khinh bỉ nói: “Cái đồ chó đẻ ấy không cần có mẹ chăm nom. Hãy để Mocoso cố gắng nên đấng nam nhi”. “Nó còn đáng mặt nam nhi hơn cái thứ mày”, Angus nới, giọng đầy căm giận. Ông già cũng lần ra cửa cũi giam, nhìn thằng mặt Miguel. Ông cố nhớ những câu chữ bằng tiếng Tây Ban Nha mà Nicky dạy ông tuần trước: “Mày…; Maldito hijo de puta!”. Câu đó Angus nhớ có nghĩa là: Tiên sư mày, mẹ mày đồ con đĩ! Nicky đã nhắc lại cho ông nghe lời bạn bè gốc Cu Ba bảo nó ở sân chơi; đối với dân nói tiếng Tây Ban Nha, đem mẹ ai ra mà chửi là sự xúc phạm nặng nhất. Miguel từ từ quay mặt lại. Hắn nhìn thẳng vào mặt Angus với ánh mắt lạnh như băng, đầy ác ý và thù hằn. Rồi lại nghiêm mặt như không có chuyện gì xảy ra, hắn bỏ đi. Từ cũi giam Nicky bước ra đúng lúc ấy, Gustavo kịp nghe câu chửi và quan sát phản ứng của Miguel. Hắn lắc đầu, nói với Angus bằng thứ tiếng Anh giả cầy: “Ông già! Ông đã phạm sai lầm lớn. Ông ta không quên đâu”. ° Mấy tiếng sau, Jessica càng thêm lo lắng về tình trạng tinh thần của Nicky. Nàng tìm cách nói chuyện với con, cố dùng lời để an ủi nó nhưng không ăn thua; thậm chí nó còn không trả lời. Có nhiều lúc Nicky nằm im, đôi khi rên rỉ. Rồi đột nhiên người nó co giật mấy cái liền, miệng gào lên lanh lảnh, sau đó người run bần bật. Jessica cho rằng các dây thần kinh bị đứt gây cơn co giật kèm theo đau đớn. Theo chỗ nàng thấy, hầu như mắt Nicky lúc nào cũng mở trừng trừng, nhưng mặt luôn thờ thẫn. Jessica thậm chí nài nó trả lời: “Nicky, con yêu của mẹ! Hãy nói với mẹ một tiếng đi con! Nói đi, nói gì cũng được!”. Nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Jessica nghĩ mình sắp phát điên lên mất. Nàng ao ước được ôm ấp, vỗ về con nàng, nhưng đành bó tay bất lực. Có lúc gần như điên dại, Jessica cố gạt bỏ mọi suy nghĩ trong đầu, nằm xuống giường và cay đắng khóc thầm. Rồi thầm trách mình: “Gượng dậy nào! Can đảm lên! Đừng có thối chí!”, nàng lại tiếp tục cố nói chuyện với Nicky. Angus cũng nhập cuộc, nhưng vẫn như trước, không có kêt quả gì. Đồ ăn được đưa vào trong cũi giam. Không có gì là lạ khi Nicky chẳng ngó ngàng tới. Biết mình cần giữ sức, Jessica cố ăn, nhưng cảm thấy nuốt không nổi, nên gạt nó qua bên. Nàng không biết Angus có ăn được hay không. Màn đêm buông xuống. Bọn chúng thay gác vào buổi tối. Đến phiên gác của Vicente. Khi bên ngoài im ắng dần, chỉ còn nghe tiếng kêu đều đều của lũ côn trùng, thì Socorro tới. Ả mang theo bát nước vẫn dùng khi trước, mấy miếng gạc mới, một cuộn băng cùng chiếc đèn dầu và bước vào cũi giam Nicky. Ả nhẹ nhàng dựng Nicky ngồi thẳng dậy và bắt đầu thay băng gạc ở tay nó. Xem chừng Nicky thấy dễ chịu và đỡ đau hơn, người ít co giật hơn. Một lát sau, Jessica gọi với qua giọng dịu dàng “Socorro, chị làm ơn…”. Socorro quay ngoắt lại. Đặt ngón tay lên môi, ả ra hiệu cho Jessica im lặng. Không biết gì, nỗi căng thẳng và mòn mỏi làm nàng mất hết phương hướng, Jessica đành nghe theo. Sau khi băng bó xong, Socorro đi ra nhưng không khoá cửa cũi Nicky, mà tới bên cũi giam Jessica rồi dùng chìa mở khoá cửa cũi. Ả lại ra hiệu giữ im lặng. Sau đó, Socorro vẫy gọi Jessica ra và chỉ tay vào cửa cũi để ngỏ của Nicky. Tim Jessica đập rộn lên. “Chị phải trở lại cũi trước khi trời sáng”, Socorro nói nhỏ. Ả hất hàm về phía Vicente. “Anh ta sẽ nhắc chị”. Vừa định đi về phía Nicky, Jessica dừng và quay lại. Bị thôi thúc một cách vô thức, nàng đến bên Socorro và hôn lên má người đàn bà ấy. Lát sau, Jessica ôm chặt Nicky vào lòng, cẩn thận không chạm vào bàn tay quấn băng của nó. “Ôi, mẹ”, nó nói. Hai mẹ con chỉ còn biêt ôm chặt lấy nhau. Ngay sau đó, Nicky ngủ thiếp đi. Chú thích: 1 Hãy lôi thằng nhóc ra. Cho nó ngồi xuống.