Đối với Partridge, hôm đó thật là một ngày buồn chán. Anh cảm thấy mệt mỏi, và khi trở lại phòng ở khách sạn, anh đi nằm ngay trước mười giờ. Song đầu óc anh vẫn quay cuồng với bao ý nghĩ, anh suy ngẫm về trường hợp Peru. Đất nước này là một nghịch lý, một sự pha trộn không ăn nhập giữa chế độ độc tài quân sự và nền dân chủ tự do. Ở hầu hết những vùng xa xôi của nước cộng hoà này, giới quân sự và cái gọi là cảnh sát chống khủng bố cai trị với bàn tay sắt, và thường bất chấp luật pháp. Như các cuộc điều tra độc lập thường cho thấy, chúng giết người vô tội vạ, sau đó gán cho các nạn nhân cái tên “phiến quân” mặc dù họ không phải như vậy. Một tổ chức nhân quyền của Mỹ là American Watch đã làm một việc Partridge cho là rất đáng ca ngợi là tìm ghi lại “một loạt những vụ hành quyết không cần xét xử, bắt bớ tuỳ tiện và tra tấn”, điều là “đặc trưng” của chiến dịch chống bạo loạn của chính phủ. Mặt khác, tổ chức American Watch cũng không tha bọn phiến loạn. Theo một số báo cáo mới công bố gần đây, đang để ngay cạnh chỗ anh nằm, Sendero Luminoso đã “giết hại một cách có hệ thống những dân thường vô phương tự vệ, đánh bom, gây nguy hại đến tính mạng của khách qua đường vô tội, và tấn công các mục tiêu quân sự mà không hạn chế đến mức tối thiểu mối nguy hiềm đối với dân thường, tức là “vi phạm hầu hết các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế”. Nói đến nước này, nhìn chung mọi người cho rằng “Peru hiện có một ưu thế đáng buồn là được kể là một trong những nơi bạo loạn và nguy hiểm nhất ở Mỹ La tinh”. Kết luận không tránh khỏi, được các nguồn khác xác nhận, là khi nói về việc giết người vô tội vạ và các hành động man rợ khác, bọn phiến loạn và quân chính phủ cũng chẳng khác nhau mấy”. Nhưng đồng thời, các yếu tố dân chủ mạnh mẽ vẫn tồn tại ở Peru, tồn tại thực sự chứ không phải chỉ bề ngoài như đôi khi các nhà phê phán nước này vẫn nói. Thí dụ như tự do báo chí, một truyền thống hình như đã ăn sâu bám rễ từ lâu. Chính nhờ thứ tự do này mà Partridge và các phóng viên nước ngoài khác có thể đi lại, gặp gỡ hỏi chuyện, điều tra thăm dò, rồi đưa bất cứ tin tức nào họ muốn, mà không sợ bị trục xuất hoặc trả thù. Thực tế, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, nhưng cho đến nay xem ra cũng rất hiếm và chỉ là những trường hợp cá biệt. Hôm nay, trong cuộc phỏng vấn tướng Raul Ortiz tư lệnh cảnh sát chống khủng bố, Partridge đã gần như đề cập tới chủ đề này. “Ngài không lấy làm lo ngại”, anh hỏi viên tướng mặc thường phục, ngồi thẳng lưng và không bao giờ mỉm cười này, “trước rất nhiều tin tức có trách nhiệm về các nhân viên của ngài có những hành động tàn ác và giết người bất hợp pháp sao?”. “Tôi sẽ lo lắng hơn” Ortiz đáp với giọng khinh khỉnh, “nếu những người của tôi bị giết hại, mà chắc chắn sẽ như vậy, nếu họ không tự bảo vệ mình trước bọn khủng bố, mà ông cũng như những người khác tỏ ra rất quan tâm. Còn về những tin tức sai lệch trên, nếu chính phủ chúng tôi cấm không cho lưu hành, những người như ông hẳn sẽ làm toáng lên và rêu rao mãi. Vì vậy tốt hơn là nên đưa tin vặt trong ngày, mà hai mươi bốn giờ sau người ta quên luôn”. Partridge yêu cầu phỏng vấn Ortiz, dù không tin là sẽ khai thác được gì nhiều, song có thể giúp anh một số thông tin nào đó. Thông qua Bộ Nội vụ, người ta sắp xếp ngay cuộc gặp, nhưng từ chối việc phỏng vấn thu hình. Trước khi được phép vào văn phòng ông tướng cảnh sát, họ khám người Partridge, bắt để lại chiếc ghi âm nhỏ anh mang theo trrong túi và định xin phép được dùng. Tuy nhiên, họ không nhắc gì đến việc đây là cuộc nói chuyện không chính thức và viên tướng không phản đối việc anh ghi chép nội dung trao đổi. Văn phòng tường lát gỗ, trông rất khiêm tốn của tướng Ortiz cũng giống như vô vàn văn phòng khác trong toà nhà cổ, tường trát xi mặng đồ sộ ở trung tâm Lima. Một nửa toà nhà trước đây được dùng làm nhà giam, có tường bao bọc xung quanh. Trước khi vào được bên trong, phải qua cuộc khám xét của nhiều tốp lính gác đầy vẻ nghi kỵ. Trên chiếc sân bên trong khu tường, Partridge đi ngang qua những chiếc xe bọc sắt và những chiếc xe tải có trang bị vòi rồng chống bạo loạn. Trong khi nói chuyện với Ortiz, Partridge biết rằng ở dưới hầm toà nhà họ đang ngồi có nhiều khu buồng giam, là nơi tù nhân thường bị giam giữ hai tuần không được tiếp xúc gì với bên ngoài, và thường bị hỏi cung và tra tấn. Ngay từ đầu cuộc phỏng vấn tướng Ortiz, Partridge đã hỏi ngay vấn đề anh quan tâm hàng đầu là cảnh sát chống khủng bố có biết người nhà Sloane bị bắt cóc hiện đang ở đâu không. “Thế mà tôi lại nghĩ ông tới đây để cho tôi biết điều đó, vì từ khi đến nước này, ông đã gặp gỡ rất nhiều người”, viên tướng cảnh sát trả lời. Partridge nghĩ: đó vừa là lời thú nhận, vừa là lời cảnh cáo không cần tế nhị lắm, cho thấy mọi hoạt động của anh đều bị theo dõi. Anh cũng đoán rằng, dù là có tự do báo chí đi nữa, chính quyền Peru chắc sẽ theo dõi và ghi lại các tin của CBA và các hãng truyền qua vệ tinh về New York. Khi Partridge tuyên bố mặc dù cố gắng tìm kiếm, anh vẫn không có được tin tức gì về nơi giam giữ các con tin Mỹ, Ortriz nói: “Như vậy hẳn là ông biết Sendero Luminoso kẻ thù của đất nước này, ranh ma kín tiếng đến mức nào rồi chứ? Và chắc ông cũng hiểu đất nước chúng tôi khác xa đất nước các ông, với nhiều vùng rộng đủ sức giấu kín nhiều đạo quân. Nhưng có, chúng tôi có biết nơi các bạn ông có thể bị giam giữ, và lực lượng cảnh sát đang truy tìm ở những nơi đó”. “Ông có thể cho biết vùng nào không?”, Partridge hỏi. “Tôi không nghĩ làm thế là khôn ngoan. Dù sao đi nữa ông cũng không thể tới đó một mình được. Hoặc giả ông cũng có kế hoạch như vậy chăng?”. Mặc dù anh có dự tính thế thực, anh vẫn trả lời là không. Phần còn lại của buổi phỏng vấn vẫn diễn ra theo lối như vậy; cả hai bên đều không tin gì nhau và chơi trò mèo vờn chuột, cố khai thác tin tức của người kia mà không lộ hết tin tức mình có. Tuy cả hai người cuối cùng chẳng ai thắng ai cả, song trong phần viết cho Bản tin chiều toàn quốc, Partridge có trích dẫn lời của tướng Ortoz về những “vùng rộng đủ sức giấu kín nhiều đạo quân” ở Peru và nhận xét trâng tráo của ông ta về cái gọi là những vi phạm nhân quyền chỉ là “tin vặt trong ngày, mà hai mươi bốn giờ sau người ta sẽ quên luôn”. Vì không có ghi âm lời, New York phát ảnh tướng Ortiz, bên dưới hiện hàng chữ trích dẫn lời của ông ta. Tuy nhiên, Partridge không coi cuộc phỏng vấn ấy của anh là thành công. Cuộc phỏng vấn Cesar Acevedo, một bạn cũ của Partridge và là một người đứng đầu nhà thờ Thiên chúa giáo không có chân trong giáo hội cuối ngày hôm đó làm anh hài lòng hơn. Họ nói chuyện trong văn phòng riêng ở phía sau lâu đài của Tổng giám mục ở Plaza Armas, trung tâm chính của thành phố. Acevedo là người nhỏ nhắn, nói nhanh và sôi nổi, trạc năm mưoi tuổi. Ông có lòng tín ngưỡng sâu sắc và là một học giả về thần học. Ông dành cả thời gian tham gia quản lý nhà thờ, có khá nhiều quyền lực, nhưng chưa bao giờ có ý định trở thành cha cố. Bạn bè ông thường bảo, nếu muốn, ông ít nhất cũng có thể được phong chức giám mục và có thể cả chức giáo chủ. Cesar Avevedo chưa từng lấy ai, nhưng luôn là nhân vật nổi tiếng trong các giới ở Lima. Partridge mến Acevedo vì ông không làm vẻ khác người, khiêm tốn và hết sức chân thật. Trước đây, có lần Partridge hỏi tại sao ông không làm cha cố, ông trả lời: “Mặc dù hết lòng kính Chúa Jesus tôi không khi nào muốn từ bỏ quyền vận dụng tri thức để trở thành người theo chủ nghĩa hoài nghi, nếu thực phải thế, song tôi cầu Chúa cho điều đó đừng xảy ra. Nếu trở thành linh mục, tôi sẽ phải từ bỏ quyền đó. Từ khi còn trẻ, và bây giờ cũng vẫn vậy, tôi không bao giờ đủ can dảm làm điều đó”. Acevedo là thư ký thường trực của Uỷ ban Hành động xã hội của Nhà thờ thiên chúa, tham gia vào các chương trình lớn giúp đỡ về mặt y tế cho các vùng xa xôi hẻo lánh, là nơi thường không có mặt các bác sĩ và y tá. Vào đầu câu chuyện, Partridge đã hỏi ngay: “Tôi tin là đã nhiều lần ông phải giao thiệp với Sendero Luminoso?”. “Anh dùng từ “phải giao thiệp” là đúng, ông mỉm cười đáp. “Tất nhiên, nhà thờ không tán thành mục địch và phương pháp của Sendero. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại một quan hệ, nhưng là một quan hệ kỳ quặc”. “Vì những lý do riêng”, ông giải thích, “Sendero Luminoso không muốn gây thù kết oán với nhà thờ và không mấy khi công kích nó. Nhưng nhóm phiến loạn này không tin các quan chức nhà thờ; vì vậy khi họ chuẩn bị các hoạt động chống chính quyền hoặc chuẩn bị nổi dậy ở đâu, họ muốn các linh mục và nhân viên khác của nhà thờ rời khỏi khu vực đó, để họ không thấy được các hoạt động ấy”. Họ chỉ nói với vị linh mục hay nhân viên nhà thờ đơn giản là: “Các ông đi khỏi đây ngay! Chúng tôi không muốn các ông có mặt ở đấy! Chúng tôi sẽ báo khi nào các ông có thể trở lại”. “Và các vị linh mục đã làm theo lệnh ấy?”. Acevedo thở dài. “Nghe có vẻ chẳng hay ho gì, đúng không? Nhưng thường là như vậy, vì không còn cách nào khác. Nếu không tuân lệnh, Sendero sẽ giết chết ngay. Một linh mục còn sống thì còn có thể trở lại giáo phận được, chứ linh mục chết thì không”. Partridge chợt nảy ra một ý, liền hỏi: “Ngay lúc này, có nơi nào mà người của ông được lệnh đi nơi khác, hoặc Sendero Luminoso không muốn người ngoài chú ý không?”. “Có một nơi như vậy, và nó là cả một vấn đề chúng tôi phải giải quyết. Anh lại đây! Tôi sẽ chỉ trên bản đồ cho anh”. Họ tới trước một bức tường, ở đó, đằng sau tấm bảng nhựa có vẽ các đường chì, là tấm bản đồ Peru rất lớn. “Toàn bộ khu vực này” Acevedo chỉ một khu có khoanh chì đỏ thuộc tỉnh San Martin. “Trước đây khoảng ba tuần chúng tôi có một đội y tế thực hiện chương trình cứu trợ hàng năm của chúng tôi ở đây. Công việc chủ yếu của họ là tổ chức tiêm chủng cho trẻ em. Điều này rất quan trọng, vì vùng này là một bộ phận của Selva là nơi các chứng bệnh ở rừng hoành hành và có thể gây chết người. Thế rồi cách đây ba tuần, Sendero Luminoso là người kiểm soát vùng này yêu cầu người của chúng tôi phải đi ngay. Họ phản đối, nhưng vẫn phải đi. Bây giờ chúng tôi muốn đưa đội y tế trở lại, nhưng Sendero không cho”. Partridge nghiên cứu khu vực khoanh đỏ. Anh cứ hy vọng vùng này nhỏ; thế nhưng nó lại rất rộng. Anh đọc các địa danh, nơi nọ cách nơi kia rất xa: Tocache Uchiza Sion, Nueva Esperanza, Pachiza. Anh ghi lại tên những nơi này, nhưng cũng chẳng hy vọng gì nhiều. Giả sử các con tin đang bị giam giữ ở một trong những nơi này, thì có vào mà không biết chắc ở đâu cũng chẳng ích gì. Tiến hành giải thoát con tin ở một vùng như thế này là việc khó khăn, có lẽ không thể thực hiện được. Cơ hội duy nhất, mà cũng rất mỏng manh, là phải hết sức bất ngờ. “Tôi ngờ rằng tôi biết anh đang nghĩ gì”, Acevedo nói “Anh đang tự hỏi không biết các bạn anh bị bắt cóc hiện đang ở đâu trong vòng tròn đỏ ấy”. Partridge gật đầu không nói gì. “Tôi không tin là họ ở đấy. Nếu có, tôi cho rằng thể nào cũng có tin đồn. Mà tôi chưa nghe thấy ai đồn đại. Nhưng nhà thờ chúng tôi cũng có một hệ thống đầu mối. Tôi sẽ thử dò hỏi, và sẽ báo lại anh nếu tôi biết được gì”. Partridge biết đó là cách có hy vọng nhất. Song anh biết thời gian không còn nhiều nữa, mà anh vẫn không biết gì hơn khi anh mới tới, về nơi ba người nhà Sloane đang bị giam giữ. Khi còn ở lâu đài của Tổng giám mục, anh cứ bứt rứt mãi với ý nghĩ ấy. Bây giờ trong khác sạn, nhớ lại câu chuyện ấy và các sự kiện khác trong ngày, anh cảm thấy chán chường và thúc thủ vì công việc không tiến triển được. Bỗng điện thoại cạnh giường đổ chuông. “Harry đấy à?”, Partridge nhận ra tiếng Don Kettering. Sau khi chào nhau, Kettering bảo: “Một số việc vừa xảy ra và tôi nghĩ là anh cần phải biết”. Rita, cùng ở khách sạn Cesar, nhấc máy sau hồi chuông thứ hai. “New York vừa gọi điện cho tôi”, Partridge nói. Anh nhắc lại những gì Don vừa nói với anh về việc phát hiện ngôi nhà ở Hankensack cùng các máy điện thoại di động và nói thêm: “Don cho tôi số máy mà chúng đã gọi ở Lima. Tôi muốn tìm xem số máy đó của ai và ở đâu”. “Đưa tôi số điện thoại đó”, Rita bảo. Partridge đọc: 28-9427. “Tôi sẽ gọi cho tay Victo Velasco ở Entel và nhờ ông ta tìm giúp. Có tin gì, tôi sẽ gọi lại”. Mười lăm phút sau, cô ta gọi lại. “Tôi đã điện thoại đến nhà Velasco. Ông ta nói bộ phận của ông không quản lý việc đó, nên tìm chắc cũng hơi khó. Tuy nhiên, ông ta cho là từ giờ đến sáng mai có thể tìm ra được”. “Cảm ơn chị” Partridge nói và ngay sau đó ngủ thiếp đi.