Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 14

“Tôi linh cảm thấy là anh đang có vấn đề đấy”, Chủ tịch tin của hãng CBA mở đầu cuộc trao đổi.
“Linh cảm của anh sai rồi”, Crawford Sloane đáp. “Anh mới là người có vấn đề đấy. Cũng giải quyết được ngay thôi, nhưng anh cần có một số thay đổi về cơ cấu. Thật nhanh vào”.
Leslie Chippingham thở dài. Ông đã có thâm niên ba mươi năm trong ngành vô tuyến truyền hình, bắt đầu sự nhiệp ở vào tuổi mười chín với công việc là làm liên lạc cho chương trình đứng đầu trong những ngày đó. Ngay từ lúc ấy, ông đã biết rằng một phát thanh viên phải được nâng niu nương nhẹ như một chiếc bình cổ thời nhà Minh và phải được trân trọng như một nguyên thủ quốc gia vậy. Đó cũng là thành công của Chippingham trong việc thi hành cả hai điều trên cùng với những tài năng khác đã đưa ông lên chức vụ uỷ viên ban chủ nhiệm, rồi giám đốc điều hành chính, trong khi những người khác cũng đã từng ở các chức vụ cao khác – kể cả một lô những giám đốc phụ trách chương trình tin của hãng – đều bị đầy ải vào những chỗ tù túng hoặc rơi vào số phận bị lãng quên cuả những kẻ về hưu trước tuổi.
Chippingham có khả năng giao thiệp thoải mái với mọi người, và cũng làm cho người khác cảm thấy như vậy. Đã có lần người ta nói rằng ngay cả khi ông sa thải một người nào đó, ông vẫn làm cho người đấy cảm thấy dễ chịu về chuyện đó.
“Thay đổi thế nào? Anh nói thử xem”. Ông bảo Sloane.
“Tôi không thể tiêp tục làm việc với Chuck Insen. Anh ta phải ra đi. Và khi chúng ta chọn lựa một uỷ viên ban chủ nhiệm mới, tôi muốn là phải do mọi người bầu lên”.
“Thôi được. Thôi được. Anh nói có vấn đề là đúng thôi”. Chippingham cẩn thận chọn lựa từng từ, rồi nói thêm: “Mặc dù có lẽ đây là một vấn đề khác với điều anh đang nghĩ đấy”.
Crawford Sloane nhìn cấp trên của mình. Trước mặt anh là một con người có thân hình đồ sộ, kể cả khi ông ngồi, vì Chippingham cao tới 6 fut bốn inxơ và nặng trên 215 pao. Khuôn mặt ông thô chứ không đẹp trai lắm, mắt xanh sáng và một mớ tóc rậm với những lọn tóc xoăn tít giờ đây hầu như đã ngả sang màu muối tiêu. Qua bao năm tháng, vô số phụ nữ rất khoái lùa những ngón tay của họ vào những mớ tóc xoăn của Chippingham, một thú vui đặc biệt trước khi tiến tới những thú vui khác. Phụ nữ là một trong những điểm yếu trong suốt cả cuộc đời của Chippingham, chinh phục họ là mộ thú vui mà ông không thể cưỡng lại nổi. Vào thời điểm này, vì những thú vui đó, ông đang phải đương đầu với những khủng hoảng gia đình và tài chính, điều mà Sloane không biết, mặc dù anh cùng nhiều người khác đều biết tính lăng nhăng của Chippingham.
Tuy nhiên Chippingham biết rằng ông phải gạt chuyện phiền muộn của mình sang một bên để đối phó với chuyện của Crawford Sloane. Điều đó giống như là đi trên dây, bất cứ cuộc nói chuyện với một phát thanh viên nào cũng vậy.
“Thôi, chúng ta không nên vòng vo tam quốc nữa”, Sloane nói, “mà nên đi thẳng vào vấn đề”.
Chippingham đồng ý: “Tôi cũng sắp nói thẳng đây. Như cả hai chúng ta đã biết, trong hãng của chúng ta có rất nhiều chuyện thay đổi…”.
“Ôi, lạy Chúa, Leslie, tất nhiên là có nhiều chuyện thay đổi”, Sloane sốt ruột cắt ngang. “Vì vậy tôi mới có chuyện với Insen. Chúng ta cần thay đổi bố cục chương trình tin của chúng ta – ít đưa những tin chớp nhoáng đi và cần nhiều tin quan trọng có chiều sâu hơn”.
“Tôi biết anh đang nghĩ gì. Trước đây chúng ta đã bàn đến chuyện này rồi. Tôi cũng biết điều mà Chuck đang quan tâm và nhân đây tôi nói luôn, anh ta đã đến gặp tôi vào sáng sớm hôm nay để than phiền về anh”.
Sloane trố mắt. Anh không ngờ tay uỷ viên ban chủ nhiệm lại tiến trước anh một bước trong cuộc tranh cãi giữa hai người; đó là điều trái với lệ thường. “Vậy anh ta nghĩ là anh có thể làm gì?” Anh hỏi.
Chippingham do dự: “Khỉ thật, có lẽ tôi cũng chẳng nên giấu anh làm gì. Anh ấy cho rằng quan điểm của hai người đã khác xa nhau, khiến cho các anh không thể hoà hợp được nữa. Chuck muốn chuyển anh đi”.
Sloane ngả đầu về phía sau và cười lớn: “Còn anh ta thì ở lại sao? Thật là nực cười”.
Viên giám đốc chương trình nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi: “Thế à?”.
“Tất nhiên rồi. Và anh cũng biết điều đó chứ”.
“Trước kia thì tôi biết điều đó. Còn bây giờ tôi không chắc là tôi có biết hay không”. Trước mặt cả hai ngườ là một vùng đất bí hiểm. Chippingham thận trọng đặt chân vào đó.
“Điều tôi đang cố làm cho anh hiểu là mọi chuyện không còn như trước nữa. Từ khi người ta mua đứt hãng ta, thì mọi điều đều khác trước. Anh cũng thừa biết rõ như tôi về vô số những suy nghĩ của những người chủ mới ở hãng này và các hãng khác về quyền lực của những phát thanh viên bản tin buổi tối. Những kẻ đầy quyền uy này đang cai quản các công ty chủ chốt đều muốn giảm bớt quyền lực đó; và họ cũng rất khó chịu vì phải trả những khoản lương lớn cho những việc mà họ cho rằng không mamg lại lợi lộc gì. Gần đây đã có dư luận về những thoả thuận ngầm, riêng tư rồi đấy”.
Sloane lạnh lùng hỏi, “Những thoả thuận kiểu gì vậy?”.
“Theo như tôi nghe thì mấy tay chủ thầu cỡ bự này gặp nhau tại các câu lạc bộ đặc biệt hoặc tại nhà riêng của họ. Ví dụ họ đã thoả thuận: “Chúng tôi sẽ bảo hãng chúng tôi không thuê người của hãng anh, với điều kiện là các anh đồng ý không thuê người của hãng chúng tôi. Theo cách này thì chúng ta sẽ không phải đẩy mức lương lên và có thể hạ lương một số người có lương quá cao”.
“Đó là một sự câu kết, kìm hãm công việc. Điều đó là bất hợp pháp một cách khốn nạn!”.
“Chỉ khi nào anh có chứng cớ về điều đó”, Chippingham nhấn mạnh. “Mà làm sao anh có được chứng cớ, nếu như họ thoả thuận với nhau khi uống rượu tại Câu lạc bộ Links hoặc tại khách sạn Metropolitan, không ghi chép, hoặc lưu hồ sơ?”.
Sloane lặng im và Chippingham gắng làm cho anh ta hiểu: “Theo tôi, bây giờ không nên già néo quá mà đứt dây đấy”.
Sloane đột ngột ngắt lời “Anh nói rằng Insen dự tính tìm người thay tôi. Ai vậy?”.
“Anh ta nhắc tới Harry Partridge”.
Partridge! Sloane tự nhủ rằng một lần nữa anh ta lại đã xuất hiện với tư cách một kẻ tranh tài. Anh không biết có phải chính anh chàng này đã đề ra ý định ấy không. Như đoán được ý nghĩ của anh, Chippingham nói “Rõ ràng là Chuk đã đề đạt ý này với Harry. Cậu ta rất ngạc nhiên nhưng cậu ta tỏ ý không tha thiết lắm”.
Chippingham nói thêm: “Ồ, còn một điều nữa Chuck Insen đã nói với tôi: “Nếu cần phải chọn giữa Harry và anh, anh ta sẽ không lùi bước đâu. Anh ta doạ là sẽ đưa chuyện này lên tận cấp lãnh đạo cao nhất”.
“Nghĩa là sao?”.
“Có nghĩa là anh ta sẽ nói chuyện với Margot Lloyd Mason”.
Crawford Sloane giận dữ hét to: “Đến gặp con mụ khốn kiếp ấy à? Hắn không dám làm điều đó đâu!”.
“Tôi tin là anh ta dám. Và Margot có thể là khốn kiếp thật, nhưng bà ta có quyền lực”.
Leslie Chippingham biết rất rõ về điều này.

*

CBA là hãng cuối cùng trong số các hãng truyền hình lớn trở thành nạn nhân của cái mà giới làm ăn trong khi nói chuyện riêng gọi là “cuộc xâm lăng của lũ vô học”. Đó là sự mô tả dành cho những tập đoàn công nghiệp hiện nay đang tiếp quản các hãng, những kẻ luôn coi trọng việc kiếm thêm lợi nhuận hơn là ý thức về quyền hạn và nhiệm vụ đối với công chúng của họ. Điều này hoàn toàn khác hẳn thời trước, khi các ông Paley của hãng CBS, ông Sarnoff của hãng NBC và ông Goldenson của hãng ABC, tuy là các nhà tư bản chí thú làm ăn, vẫn luôn là những người tôn trọng nghĩa vụ công cộng của họ.
Chín tháng trớc đây, sau khi không còn giữ nổi sự độc lập của hãng, CBA đành phải để cho Tổ hợp Công nghiệp Globanic, một tập đoàn khổng lồ có tầm cỡ quốc tế nuốt chửng. Giống hệt như công ty điện lực General của Mỹ đã thâu tóm NBC trước đó, Globanic là công ty chuyên đấu thầu các hợp đồng quân sự quan trọng. Và cũng như công ty điện lực General, thành tích của Globanic bao gồm cả sự phạm tội mang tính chất phường hội. Một lần, qua những cuộc điều tra của thẩm phán đoàn công ty này đã bị phạt và các uỷ viên cao cấp đã bị xử tù vì đã dùng thủ đoạn trong các vụ bán đấu giá và đặt giá. Vào một trường hợp khác, công ty nhận đã lừa đảo chính phủ Mỹ bằng cách làm giả mạo những số liệu tài chính về hợp đồng quốc phòng: họ bị phạt một triệu đô la – mức cao nhất theo luật, nhưng đó chỉ là một khoản rất nhỏ so với tổng giá trị của một hợp đồng. Theo lời một nhà bình luận đã viết khi Globanic mua CBA, là “Globanic có quá nhiều mối quan tâm đặc biệt để CBA không mất đi tính độc lập trong bình luận. Liệu người ta có cho rằng CBA lại dám đào sâu vào một lĩnh vực nhạy cảm là nơi công ty mẹ của nó có dính líu không?”.
Từ khi tiếp quản hãng CBA, những ngườ chủ mới của hãng đã đảm bảo công khai là tính độc lập theo truyền thống của hãng CBA sẽ được tôn trọng. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào bên trong thì người ta sẽ thấy những lời hứa đó rõ ràng là sáo rỗng.
Sự chuyển biến của hãng CBA bắt đầu từ việc Margot Lloyd Mason đến nhận chức chủ tịch và trưởng ban quản trị mới. Là một người có năng lực, thô bạo và đầy tham vọng, bà ta đã giữ chức phó chủ tịch của tổ hợp công nghiệp Globanic từ trước đó. Có tin đồn bà ta chuyển tới hãng CBA là một thử thách để xem bà ta có tỏ ra đủ cứng rắn để có thể thay vị trí của chủ tịch tổ hợp hay không.
Leslie Chippingham đụng đầu với người lãnh đạo mới của mình khi được bà ta gọi tới hai ngày sau khi bà ta nắm quyền. Thay vì một cú điện thoại gọi riêng – một cách xử sự nhã nhặn mà người tiền nhiệm của bà Lloyd – Mason thường làm với chủ tịch các phân ban – ông lại nhận được lời nhắn khẩn cấp qua người thư ký là ông phải lập tức có mặt tại “Stonehege” – tên thông tục của trụ sở ở đại lộ Ba của hãng CBA. Ông tới đó bằng một chiếc xe sang trọng với tài xế riêng.
Margot Lloyd Mason là một phụ nữ cao lớn, mái tóc màu hung luôn hất ngược về phía sau, gò má cao, nước da hơi rám nắng và đôi mắt sắc lạnh. Bà ta mặc bộ đồ do hãng Sanen may, màu nâu xám, áo sơ mi lụa màu sáng. Sau này, Chippingham mô tả bà ta là một con người “hấp dẫn nhưng đáng sợ”.
Thái độ của bà ta vừa thân ái vừa lạnh lùng: “Anh có thể gọi tôi bằng tên riêng” – bà ta bảo ông chủ tịch phân ban tin tức, nhưng nghe giọng nói thì lại như là ra lệnh. Sau đó, không bỏ phí giây phút nào, bà ta đi thẳng vào việc.
“Vào một lúc nào đó ngày hôm nay, thế nào cũng sẽ có thông báo về chuyện của Theo Elliott”.
Theodore Elliott là chủ tich tổ hợp Globanic.
“Sáng nay ở Washington IRS đã thông báo rồi. Họ nói rằng vua của các ông vua của chúng ta đã trả thiếu một khoản thuế vào khoảng bốn triệu đô la”.
Vô tình mà Chippingham đọc được chuyện này trong tin điện của AP. Sự thể là Elliott đã đầu tư vào những khoản mà người ta phát hiện ra là khoản đầu tư giảm nghĩa vụ thuế bất hợp pháp. Người khởi xướng ra việc đầu từ trốn thuế này đã bị đưa ra truy tố, Elliott thì không, nhưng sẽ phải nộp thuế cùng với những khoản tiền phạt lớn.
“Theo đã gọi điện cho tôi”, Margot nói, “và đảm bảo với tôi là ông ta hoàn toàn không biết việc đầu tư ấy là bất hợp pháp”.
“Tôi cho là một số người cũng tin như vậy” – Chippingham nói, vì biết rằng có cả một đội quân những nhà luật sư, cố vấn thống kê và thuế vụ nằm dưới quyền điều khiển của một người như ông chủ tịch tổ hợp Globanic.
Margot lạnh lùng nói: “Đừng có đùa cợt về chuyện này. Tôi gọi anh đến là vì tôi không muốn bất cứ chuyện gì về Theo và thuế má xuất hiện trên màng lưới tin của chúng ta, và tôi muốn anh yêu cầu các hãng khác cũng không đả động gì đến những chuyện đó”.
Chippingham quá sửng sốt và hầu như không tin vào tai mình nữa, cố giữ giọng bình tĩnh: “Margot ạ, nếu tôi gọi điện cho các hãng khác để yêu cầu chuyện này, thì không những họ sẽ bác bỏ, mà họ còn đưa cả tin là hãng CBA cố thu xếp để che giấu chuyện này. Và nói một cách thẳng thắn là nếu hãng chúng ta nhận được một yêu cầu tương tự, thì CBA cũng xử sự y như vậy”.
Vừa nói, ông vừa nhận thức rằng qua cuộc trao đổi ngắn vị thủ trưởng mới của hãng đã tỏ ra không chỉ thiếu kiến thức về công việc vô tuyến truyền hình, mà còn không hiểu biết về đạo đức của người làm tin. Nhưng rồi ông tự nhủ là ai cũng biết bà ta tới đây không phải vì những thứ đó, mà vì sự nhạy bén về mặt tài chính và khả năng tạo lợi nhuận của bà ta.
“Thôi được”, bà ta miễn cưỡng nói, “Cứ cho là tôi phải chấp nhận điều anh nói về các hãng khác. Nhưng tôi muốn là hãng chúng ta không đả động gì hết”.
Trong thâm tâm, Chippingham cảm thấy ngao ngán, biết rằng từ nay về sau ông sẽ phải đương đầu với những khó khăn to lớn hơn nhiều. “Xin hãy tin tôi bà Margot ạ, chắc chắn là tối nay tất cả các hãng khác sẽ đưa tin về ông Elliott và chuyện thuế má của ông ta. Và nếu chúng ta không đưa tin, thì người ta còn chú ý hơn là nếu chúng ta đưa tin”. Vì mọi người đang theo dõi xem chúng ta thẳng thắn và vô tư đến mức nào, nhất là sau khi Globanic tuyên bố là sự tự do của Ban tin tức của chúng ta sẽ không bị can thiệp”.
Khuôn mặt rắn rỏi của bà chủ tịch hãng đanh lại, môi mím chặt, nhưng sự im lặng của bà ta cho thấy bà ta nhận thức được cái điểm mà Chippingham vừa nêu. Một lát sau, bà ta nói: “Anh sẽ phát thật ngắn thôi chứ”. “Điều đó là đương nhiên. Vì tin này cũng không đáng để đưa dài”. “Và tôi cũng không muốn bất kỳ thằng phóng viên khốn kiếp nào nói bóng gió ám chỉ rằng Theo biết về việc làm ăn phi pháp đó, trong khi ông ta nói rằng ông ta không biết”.
“Điều duy nhất mà tôi có thể hứa với bà”, Chippingham nói, “là bất kỳ cái gì chúng tôi làm cũng sẽ rất đúng mức. Chính tôi sẽ theo dõi việc này”.
Margot không bình luận gì thêm mà lại cầm một mảnh giấy trên bàn lên. “Anh đến đây bằng chiếc xe limo có tài xế đưa phải không?”.
Chippingham giật mình, “Vâng, đúng vậy”. Chiếc xe và người lái xe là một trong những sự trưng diện thuộc về công việc của ông. Nhưng việc người ta đã theo dõi ông, rõ ràng là như vậy, là một điều mới mẻ và không bình thường.
“Sau này, anh hãy dùng xe taxi. Tôi cũng đi taxi thì anh cũng đi được thôi. Và còn một chuyện khác nữa”. Bà ta nhìn xoáy vào mặt ông bằng cặp mắt sắc lạnh. “Kinh phí của Ban tin tức sẽ bị cắt giảm 20% ngay lập tức. Các anh sẽ nhận được một bản chỉ thị của tôi vào ngày mai và chữ “ngay lập tức” có nghĩa là không bàn cãi gì nữa. Tôi mong trong vòng một tuần sẽ nhận được bản báo cáo về mọi vấn đề chi tiêu”.
Chippingham quá bàng hoàng để tỏ ra là một con người lịch sự đúng nghi thức khi kết thúc buổi nói chuyện.
Câu chuyện về Theo Elliott và thuế thu nhập của ông ta đã xuất hiện trong Bản tin tối Toàn quốc của hãng CBA và lời tuyên bố của ông chủ tịch Globanic về việc ông vô tội trong vụ này đã được đưa tin không bình luận gì. Theo lời của một chủ nhiệm của Vành móng ngựa nhận xét một tuần sau đó: “Nếu đó là một nhà chính trị, chắc chúng ta đã trút lên đầu hắn bao nhiêu nỗi hoài nghi, rồi lột da hắn như người ta bóc một củ hành. Thế mà trong trường hợp này, sau đó chúng ta đã chẳng đưa tin gì thêm”.
Trên thực tế, người ta đã xem xét đến việc đưa tin tiếp theo; và cũng có đủ cả dữ kiện để đưa tin. Nhưng trong một cuộc bàn luận ở Vành móng ngựa với sự tham gia của ông chủ tịch phân ban tin tức, người ta đã quyết định những tin tức khác trong ngày quan trọng hơn nhiều, vậy nên không đưa tin thêm về vụ đó. Đây là một quyết định rất tế nhị; một vài người trong thâm tâm cho rằng đây là một sự bội tín.
Còn chuyện cắt giảm ngân sách thì lạ khác. Đó là một lĩnh vực mà tất cả các hãng đều có thể bị những người chủ mới tấn công và mọi người đều biết điều đó, kể cả Leslie Chippingham. Đặc biệt, phân ban tin tức đã phình ra với quá nhiều nhân viên, đến mức cần phải cắt bớt đi rồi. Việc tính toán lại chi phí của Ban tin tức hãng CBA mà người ta yêu cầu phải làm là cả một quá trình đau đớn, chủ yếu là vì hơn 200 người mất công ăn việc làm.
Sự cắt giảm này khiến những người bị mất việc và bạn hữu của họ la ó giận dữ, giới báo chí nhất loạt lên tiếng rầm rộ, các báo đăng nhiều bài về lợi ích của con người để bày tỏ sự đồng cảm với các nạn nhân của làn sóng cắt giảm ngân sách, mặc dù ở các toà soạn báo cũng thường xuyên có những hành động cắt giảm như vậy.
Một nhóm người làm trong hãng CBA, đều là những người đã ký những hợp đồng dài hạn, gửi một bức thư phản kháng tới tờ Thời báo New York. Trong số những người ký tên vào bản đó có cả Crawford Sloane, bốn phóng viên lâu năm và nhiều chủ nhiệm. Bức thư phản kháng phàn nàn rằng trong số những người đột nhiên bị mất việc có cả những phóng viên kỳ cựu đã phục vụ cho hãng CBA gần trọn cuộc đời làm việc của họ. Nó cũng nói rõ rằng nhìn chung thì hãng CBA không gặp khó khăn về tài chính và lợi nhuận của hãng có thể tương đương với những công ty công nghiệp lớn. Bức thư được công bố và bàn cãi, trích dẫn trong toàn quốc.
Bức thư cũng như mối quân tâm của mọi người đối với nó khiến cho Margot Lloyd Mason phát khùng. Bà ta lại triệu ngay Leslie Chippingham đến.
Đặt tờ Thời báo mở rộng ra trước mặt mình, bà ta lớn tiếng chì chiết: “Cái bọn mấy thằng con hoang tự phụ ăn lương quá cao đó cũng là một phần của Ban quản lý. Lẽ ra chúng phải ủng hộ những quyết định của Ban quản lý, chứ đâu lại phá chúng ta bằng cách rêu rao trước công luận”.
Ông chủ tịch phân ban tin đánh liều nói: “Tôi không cho rằng họ tự coi mình thuộc giới quản lý. Họ trước hết là những nhà báo và chẳng sung sướng gì về chuyện những đồng nghiệp của họ. Và tôi cũng phải nói với bà là tôi cũng thế, Margot ạ”.
Người lãnh đạo của hãng tin trừng trừng nhìn ông với một ánh mắt sắc lạnh “Không có những chuyện của anh thì tôi cũng đã có quá nhiều chuyện phải giải quyết rồi, cho nên tôi mong anh sẽ quên những chuyện rác rưỡi của anh đi. Đối với chuyện này thì anh cứ nói toạc ra cho những kẻ đã ký bức thư đó biết rằng tôi không muốn có sự phản bội nào nữa hết. Anh cũng nên báo cho họ biết cái kiểu chơi hai mặt của họ sẽ được ghi lại để xem xét vào lần ký hợp đồng tới. Điều này khiến tôi nhớ ra rằng một số khoản tiền mà chúng ta trả cho đám làm tin này là quá cao đến mức không ai tin được, đặc biệt là lương của cái thằng chó đẻ quá khích Crawford Sloane đó”.
Sau đó Leslie Chippingham nói lại những điều Margot nói với lời lẽ nhẹ nhàng hơn, vì ông tự nhủ ông là người có trách nhiệm tập hợp mọi người của phân tin, một công việc hiện đang trở nên ngày càng khó khăn.
Mấy tuần sau đó, sự thể càng khó khăn thêm khi một đề nghị mới của bà Lloyd Mason được thông báo trong bản tin nội bộ của hãng CBA. Bà ta đã định gây Quỹ hành động chính trị để tài trợ cho việc vận động chính trị ở Washington với danh nghĩa của hãng CBA. Tiền dành cho quỹ này sẽ được các uỷ viên của hãng đóng góp “một cách tự nghuyện” và sẽ được rút ra từ lương của họ. Trong số những người đóng góp, có cả những viên chức lâu năm của phân ban tin. Thông báo cũng nói rõ hoạt động này phù hợp với hoạt động của công ty mẹ là Tổ hợp công nghiệp Globanic.
Vào đúng ngày bản thông báo đến tay mọi người, Chippingham đang đứng gần Vành móng ngựa thì có một chủ nhiệm hỏi ông “Leslie này, anh sẽ đấu tranh chống lại cái hành động chính trị thối tha đó vì tất cả chúng tôi chứ?”. Từ xa Crawford Sloane đế vào: “Dĩ nhiên rồi. Leslie sẽ không bao giờ đồng ý với bất kỳ cái gì buộc phân ban tin yêu cầu được ưu đãi chính trị, thay vì đưa tin chính trị cả. Và điều đó ta có thể tin cậy vào anh ấy”.
Ông chủ tịch phân ban tin cảm thấy khó mà biết được rằng trong giọng nói của người phát thanh viên có hàm ý mỉa mai hay không. Mặt khác, Chippingham cũng nhận thức được rằng ông đang gặp một chuyện nghiêm trọng khác bắt nguồn từ sự dốt nát của Margot – hay là do bà ta không thèm đếm xỉa đến tính toàn vẹn của tin tức? Liệu ông có nên đến gặp bà tà và tranh luận về chuyện quỹ hành động chính trị hay không. Dù sao thì ông cũng không dám chắc sẽ thay đổi được gì vì mục tiêu chính của Margot rõ ràng là để làm vừa lòng các ông chủ Globanic và tạo thuận lợi cho sự thăng tiến của bà ta.
Cuối cùng, ông giải quyết vấn đề bằng cách tiết lộ câu chuyện cùng với một bản sao lời thông báo nội bộ của hãng CBA cho tờ Bưu điện Washington. Ông có một mối quan hệ ở đó mà trước đây ông đã sử dụng và có thể tin tưởng được rằng nguồn cung cấp tin sẽ không bị tiết lộ. Kết quả bài phóng sự của tờ Bưu điện đã được các báo khác đăng lại, chế nhạo cái ý định đưa một tổ chức tông tin tham già vào một cuộc vận động chính trị. Vài ngày sau, kế hoạch đã bị chính thức huỷ bỏ. Theo lời đồn thì đó là do đích thân Theodore Elliott, chủ tịch của công ty Globanic ra lệnh.
Một lần nữa, chủ tịch hãng CBA cho gọi Chippingham đến. Không thèm chào hoặc mào đầu gì hết, bà ta hỏi: “Kẻ nào trong phân ban tin đã đưa thông báo của tôi cho tờ Bưu điện?”.
“Tôi không rõ” – ông chối.
“Thôi đi! Nếu anh không biết chắc, thì anh cũng có thể đoán chừng được chứ?”.
Chippingham quyết định im lặng, mặc dù ông cảm thấy nhẹ nhỏm vì Margot không nghĩ có thể chính ông đã tiết lộ tin”.
Bà ta phá vỡ sự im lặng giữa hai người. “Từ lúc tôi đến đây đến nay anh đã có thái độ hoàn toàn bất hợp tác với tôi”.
“Tôi rất tiếc là bà cảm thấy điều đó bởi vì tôi không cho là như vậy. Trên thực tế, tôi đã cố tỏ ra thẳng thắn với bà”.
Phớt lờ lời chỗi cãi đó, Margot tiếp tục nói: “Vì thái độ ngoan cố của anh mà tôi đã điều tra và đã biết được rất nhiều điều về anh. Một trong những điều đó là vào lúc này, anh rất cần phải có việc làm, bởi vì về mặt tài chính mà nói, anh mất việc thì anh chết”.
“Đối với tôi, công việc lúc nào cũng quan trọng. Còn về tiền bạc thì ai mà lại không cần cơ chứ? Có lẽ cả với bà cũng vậy thôi!” Chippingham bứt rứt không hiểu chuyện gì sắp xảy ra với mình.
Thoáng một nụ cười kẻ cả, người nắm quyền của hãng nói: “Tôi không xen vào cái chuyện ly dị của anh. Cũng rắc rối đấy. Vợ anh muốn một sự dàn xếp về mặt tài chính của hai vợ chồng anh, và nếu như cô ta không có được điều mình muốn, thì cô ta sẽ đưa bằng chứng ra trước toà về chừng nửa tá các cuộc ngoại tình mà anh đã vô ý không giấu kín. Anh còn có cả những khoản nợ, kể cả một khoản tiền vay ngân hàng khá lớn. Vậy nên anh vô cùng cần tiếp tục có thu nhập nếu không anh sẽ vỡ nợ. Rồi chỉ còn nước đi ăn xin”.
Ông cao giọng phản đối: “Đó là một sự lăng mạ! Đó là sự can thiệp vào đời tư của tôi”.
Margot bình tĩnh nói: “Có thể, nhưng đó là sự thật”. Mặc dù phản đối, nhưng ông vẫn bị choáng váng vì bà ta đã biết khá nhiều. Ông đang khốn quẫn về tài chính, một phần vì ông không bao giờ có thể quản lý tiền nong của mình và từ nhiều năm nay, ông không những chi tiêu hết khoản lương của mình, mà còn nợ như chúa chổm. Ông cũng không bao giờ có thể cưỡng lại sự cám dỗ của những người đàn bà khác, một sự yếu đuối mà Stasia, người vợ chung sống với ông suốt 20 năm nay, đã chấp nhận cho tới cách đây ba tháng. Rồi, trong cơn tức giận dồn nén từ lâu, với những bằng chứng đã thu thập được từ trước đến nay, Stasia đột nhiên đâm đơn ra toà đòi ly dị. Kể cả lúc đang phải đương đầu với chuyện đó, ông lại ngu ngốc dính vào một vụ dan díu khác. Lần này là với Rita Abrams, một chủ nhiệm của hãng CBA. Ông không muốn chuyện đó xảy ra nhưng nó lại vẫn cứ xảy ra. Bây giờ ông lại thấy thú vị và vẫn muốn tiếp tục. Nhưng ý nghĩ bị mất việc khiến ông hoảng sợ.
“Bây giờ thì hãy lắng nghe tôi nói đây” - Margot nói. – “Thay một chủ tịch Phân ban tin chẳng có gì là khó và nếu tôi cần thì tôi sẽ thay. Kể cả trước khi anh kịp hiểu ra chuyện, thì anh đã bị đá ra khỏi đây và một người khác đã thế vào chỗ anh rồi. Có vô khối ứng cử viên xin vào chỗ của anh, ở tại đây cũng như tại các hãng khác. Anh rõ chưa?”.
Chippingham nhẫn nhục nói “Vâng, rõ”.
“Tuy nhiên, nếu anh đứng về phía tôi thì anh sẽ ở lại. Nhưng chính sách của phân ban tin sẽ phải theo hướng tôi muốn. Nhớ kỹ điều đó. Và một điều nữa: khi tôi muốn một điều gì đó phải được thi hành mà anh lại không thích, thì đừng có làm tôi mất thì giờ với những điều thối tha về tính trong sạch và đạo lý của người làm tin. Nếu trước đây có lúc anh đã từng trong sạch thì anh đã chấm dứt cái trong sạch đó – khi anh đã không sử dụng những tin anh có để đưa tiếp về vụ thuế má của Theo Elliott. Margot lại thoáng mỉm cười: “Ờ đúng rồi, tôi biết chuyện đó. Thế là anh đã bị tha hoá rồi và có tha hoá vài lần nữa cũng chẳng sao. Thế thôi. Anh có thể đi được”.
Cuộc nói chuyện xảy ra hai ngày trước khi Chuck Insen và sau đó là Crawford Sloane đến gặp ông chủ tịch phân ban tin về những vấn đề cá nhân của họ liên quan đến Bản tin tối Toàn quốc. Chippingham biết sự bất đồng của họ phải mau chóng giải quyết trong nội bộ phân ban tin. Ông muốn tránh phải gặp hoặc chạm trán với Margot càng lâu càng tốt
.

*

“Tôi nói với anh, Crawf ạ, cũng như tôi vừa mới nói với Chuck”, Chippingham nói – “rằng ngay giờ đây, các anh sẽ gây ra một sự nguy hại vô cùng lớn cho bọn làm tin chúng ta nếu như các anh đưa ra công khai chuyệt bất hoà của các anh. Ở Stonehenge, người ta chẳng ưa gì Phân ban tin nữa đâu. Còn về ý định của Chuck để Margot Lloyd Mason dính vào chuyện này, bà ta cũng chẳng đứng về phía của anh ta hay phía anh đâu. Điều có thể bà ta sẽ làm là cắt giảm thêm chi phí với lý do là nếu chúng ta có thời gian đấu đá nội bộ, thì có nghĩa là chúng ta rỗi rãi, và do đó thừa nhân lực”.
“Tôi có thể bác được chuyện đó” – Sloane nói.
“Và tôi đảm bảo là bà ta sẽ chẳng thèm nghe”. Trái với thường lệ, Chippingham trở nên cáu bẳn. Trước kia thì chức năng của chủ tịch Phân ban tin là phải bảo vệ nhân viên của mình, kể cả phát thanh viên, trước người lãnh đạo cao nhất của hãng. Nhưng cũng chỉ chừng mực thôi; lần đầu tiên, ông uyết định tỏ ra thô bạo: “Có điều chắc anh cũng đã biết là người chủ mới của chúng ta không có nhiều thời giàn dành cho anh. Vì các thứ ngu ngốc khốn kiếp anh và mấy người nữa viết cho tờ Thời báo, nên bà ta đã liệt anh vào loại cao ngạo và được trả lương quá cao đấy”.
Sloane phản đối: “Bức thư đó đã trúng đích. Tôi là người có quyền tự do ngôn luận và tôi bầy tỏ ý kiến của mình!”.
“Mẹ kiếp! Anh chẳng việc quái gì phải đề tên anh vào đấy. Về điểm này thì tôi nhất trí với Margot. Hãy vì Chúa, Crawf ạ! Anh phải tỉnh mới được! Anh không thể lĩnh của hãng ngần ấy tiền và tiếp tục là “một trong những thằng nhóc mới lớn” bạ đâu nói đấy được”.
Chippingham không hiểu tại sao ông lại phải hứng chịu tất cả mọi loại đạn của những người chủ mới. Cứ để cho những người làm việc lâu năm khác, kể cả Sloane và Insen phải gánh chịu nữa chứ! Và ông chủ tịch Phân ban tin còn có một lý do nữa khiến ông bực bội. Hôm nay là thứ năm. Ông dự định tối nay sẽ đi nghỉ cuối tuần một cuộc nghỉ ngơi dài, tràn ngập tình yêu với Rita Abrams ở Minnesota; Rita đã tới đó từ tối hôm trước. Ông nhất thiết không muốn chuyện cãi lộn xúi bẩy xảy ra trong khi ông đi vắng.
“Tôi vẫn muốn trở lại cái vấn đề mà chúng ta đã đề cập tới lúc đầu” Sloane nói: “Cần có sự thay đổi khuôn khổ bản tin của chúng ta”.
“Có thể” – Chippingham bảo anh – “chính tôi cũng có vài suy nghĩ”.
“Anh định như thế nào?”.
“Vào đầu tuần sau, tôi sẽ gặp anh cùng Chuck Insen – gặp bao nhiêu lần cũng được, cho đến khi nào chúng ta đi tới một thoả thuận. Kể cả nếu tôi phải đập hai cái đầu của các anh vào với nhau, thế nào rồi chúng ta cũng sẽ đi đến thoả hiệp”.
“Chúng ta cứ thử xem sao”, Sloane nói vẻ không tin tưởng. “Nhưng điều đó không thể nào hoàn toàn thoả mãn được”.
Chippingham nhún vai, “Anh thử nói xem có cái gì là hoàn hảo không nào?”.
Khi ông chủ tịch phân ban tin đã bỏ đi, Sloane lặng lẽ ngồi cạnh trong văn phòng để suy ngẫm về cuộc tranh luận của họ. Rồi anh chợt nhớ ra lời thông báo trên hệ thống truyền thanh về Larchmont. Tò mò xem còn có thêm tin gì nữa không, anh rời khỏi văn phòng và đi tới phòng tin.