rở về Cần Thơ, chúng tôi lại ở chung với ông bà ngoại và dì Bảy. Người lớn trong gia đình phụ má tôi lo tính công việc làm ăn để nuôi một bầy con, bầy cháu phá gạo. Chị em tôi ví như chim sổ lòng khi được sống gần bà con thân thuộc. Má mướn một chị giữ Hoà Bình và Minh Tâm. Còn tôi, Hải Vân, anh Quốc (con cậu Tư Diệp) rong chơi từ đất của ông bà ngoại tới vườn cao của ông Mười, ông Út, em của bà ngoại. Hai ông là em ruột của ngoại tôi. Được về lại Bang Thạch, chúng tôi như chim về rừng. Tha hồ bay nhảy, tha hồ phá phách. Chúng tôi không một chút nào luyến tiếc Sài gòn. Ruộng đồng, vườn tược, mới là nơi chúng tôi vẫy vùng ngang dọc suốt ngày. Chúng tôi hết đi vớt cá thia thia ở mấy con rạch, lại đi bắt ong, bắt bướm. Ban đêm bắt đom đóm bo vô chai. Chúng tôi thường đi kiếm mấy cái tầu dừa khô đã rủ xuống đất để đánh đu từ bờ mương này qua kia. Con của ông Út, chỉ có một người mười sáu tuổi là lớn hơn chúng tôi. Còn những người kia đều nhỏ hơm chúng tôi ba, bốn tuổi. Vì vai vế, chúng tôi phải kêu bằng dì, bằng cậu, nhưng vẫn chơi trò “lớn hiếp nhỏ”. Tôi, anh Quốc, Hải Vân đánh đu chờ mấy tầu dừaa gần đứt mới nhường cho mấy dì, mấy cậu. Dì, cậu đung đưa qua lại chỉ được mấy lần là tầu dừa đứt luôn, họ lọt xuống mương, ướt như chuột lột. Anh em tụi tôi cười lăn lộn dưới đất. Dù tinh nghịch, phá phách như vậy, chúng tôi vẫn còn là con nít. Về nhà còn kể lại cho chị Yvonne nghe thành tích nghịch ngợm ấy. Chị liền méc dì Bảy. Cả ba đứa chúng tôi ăn đòn. Cái tội chánh là vai cháu mà không biết kính nể, nhún nhịn người trên. Dì Bảy còn doạ treo chân chúng tôi lên nóc nhà. Dì doạ như vậy đã nhiều lần, nhưng chưa ai bị hình phạt đó.Cả ba đứa chúng tôi đều biết lội, chỉ có mấy dì và cậu con nhỏ của ông Út là chưa. Mới lần xuống sông, họ phải ôm cây chuối, lời lõm bõm ở chỗ nước cạn. Tụi tôi lại âm mưu với nhau để chọc phá mấy người đó. Anh Quốc lội lại gần hai dì Nghĩa, dì Lý và cậu Cư, lúc đó mới sáu, bảy tuổi, chỉ cách cho họ mau biết lội, là nên cho chuồn chuồn cắn rún vài ba lần. Hải Vân và tôi bắt chuồn chuồn. Ba chị em dì theo chúng tôi lên vạch rún cho chuồn chuồn cắn. Cũng đau lắm, nhưng mấy người ham cho mau biết lội, nên cắn răng chịu đựng. Thấy họ nhăn mặt và đau, bọn quỷ sứ chúng tôi chạy vô bổ lúa ôm bụng cười. Sau hai ba lần cho chuồn chuồn cắn rún, họ cũng cũng chưa biết lội. Ông Út biết chuyện, liền cho kêu bọn tôi tới, la cho một trận tơi bời.Dì Bảy là người biết thưởng phạt công minh. Tội nhỏ, dì rầy và bắt xin lỗi, rồi bắt chúng tôi hứa không tái phạm. Tội nặng dì mới dùng roi vọt. Nhưng dì không bao giờ có sẵn roi trong nhà. Dì bắt một đứa có lỗi, sắp ăn đòn, phải ra bụi mây ở ranh đất, róc một cây roi. Nhưng nng tôi ma le, chỉ lựa cây mây non, đánh ít đau hơn cây già. Chúng tôi luôn luôn tìm cách “câu giờ”, vừa róc roi thật chậm chạp, tìm cách báo động cho bà ngoại biết. Bà ngoại không muốn đánh đòn đám cháu, nên sẵn sàng can thiệp và chúng tôi được tha. Nể bà, dì Bảy phải tha. Đôi khi, nếu tội nặng, dì nhứt quyết phải trừng phạt chúng tôi thì bà ngoại nói:- Vậy thì mày đánh tao đi, đừng đánh cháu tao.Đến nước đó thì dì Bảy phải nhượng bộ.Ông ngoại thì không bao giờ can thiệp vào việc dì Bảy răn lũ chúng tôi. Tuy vậy, không bao giờ ông đánh các cháu. Trong gia đình tôi cháu trai hay gái đều được thương yêu, đối xử ngang nhau. Riêng đám con nít chúng tôi lại có ý cưng chiều hai người là anh Quốc và Hải Vân. Chị Thuận và tôi sẵn sàng nhận làm thế cho họ. Đã vậy, chúng tôi không bắt họ làm việc nhiều, thay nhau rửa chén và quét nhà. Có một lần tôi đề nghị với anh Quốc, khi chúng tôi xách cây roi mây về để bị đòn, anh và tôi nên bó lá chuối cho đỡ đau. Anh phì cười mà nói rằng phải lấy mo cau bó đít mới đỡ đau. Tôi cãi lại rằng nếu xài mó, lúc đánh lên đít nó kêu cái bộp, dì Bảy sẽ biết liền, thì anh thêm một tội nữa. Anh Quốc dành nghe lời tôi. Hai anh em lấy tầu lá chuối bó đít. Nhưng làm sao qua mặt dì Bảy được. Chỉ một quất roi là dì khám phá ra mưu gian của cháu dì. Dì ngạc nhiên đến phát khóc vì cháu của dì “ma quỷ” quá, dám lừa dối cả dì. Hai anh em tôi ra sau hè cười lăn cười lộn. Nhưng lần đó cũng là lần chót mà chúng tôi làm cho dì khóc.Tôi yêu tuổi thơ vì tình ruột thịt họ hàng đằm thắm, vì những trò chơi thú vị lành mạnh, quê mùa, vì những bó tre cao vút bao quanh làng mạc, vì hàng đậu đũa ra bông trắng nõn, thơm ngào ngạt. Tuổi thơ là cái bếp lửa hồng của dì Bảy tôi luôn luôn nóng hổi, vì đám cháu của dì “ăn như tằm ăn lên”. Dì làm bánh tét, bánh u, bánh lá dừa. Ban đêm dì nấu tấm heo ngoài sân, thì đám con nít đòi ăn bánh phồng, dì nướng bánh phồng. Tôi không quên loại cỏ tên là “cỏ cứt heo”. Dù có tên xấu như vậy, nó lại ra cái bông mầu xanh là cây, chung quanh mầu vàng. Tụi tôi thấy mợ Bích Lan được bà ngoại cho một đôi bông cẩm thạch vàng, cũng giống như bông cỏ cứt heo. Tôi còn nhỏ nên bà chưa cho đeo bông, nhưng đã xỏ lỗ tai rồi. Tôi và chị Thuận từ trang điểm bằng bông của cỏ cứt heo. Đôi này héo lại có đôi khác thế vô.Hai bên bờ đê thì một bên là ruộng lúa xanh rì, một bên là đầm sen. Anh em tôi tha hồ hái gương sen để ăn hột. Mỗi lần hái sen, chị Thảo cũng đem bông về cho bà ngoại chưng trên bàn thờ.Tôi yêu nước tôi, vì tôi biết một cách thâm thuý những hy sinh cao cả của những người chống Pháp, trong đó có cậu Năm Sắc của tôi. Cạu bị binh lao ở trong tù, rồi khi được tự do thì bịnh đã quá nặng, không sao cứu chữa được nữa. Cậu chết, bỏ lại bầy con thơ cho ông bà ngoại tôi nuôi. Trong khi đó, mợ Năm vẫn miệt mài theo kháng chiến.Tôi yêu mảnh đất của ông bà tôi, vì nơi đây bà con bên ngoại của tôi đã lần lượt theo nhau đi vào lòng đất, trong đó có cậu Thế. Tôi thường nghe má tôi kể về cậu Út. Cậu học giỏi, đẹp trai. Cậu tôi hiếu thảo, hiền lành, luôn luôn làm vui lòng cha mẹ và các các anh chị trong nhà. Vì vậy, khi cậu mất đi, cả nhà ai cũng thương tiếc. Mấy chục năm dài, ngày nào bà ngoại cũng ra thăm mộ cậu. Lúc chưa có chúng tôi về, bà đi một mình thăm mộ cậu. Khi đám con nít về, chiều nào cũng có một hai đứa cháu đi theo bà.Sau ngày cộng sản xâm chiếm Miền Nam, nghĩa trang quân đội Biên Hoà bị phá bỏ, mộ của em Hải Vân tôi phải chuyển về Bang Thạch, nằm dưới chân ông ngoại và cậu Út Thế.Tôi thương người Việt, vì tôi nhớ hoài cảnh chạy giặc, cảnh lính Tây bắt người dân quê trói như trói heo đem ra chợ bán. Tôi yêu người Việt, vì trong đó có ba tôi, người đàn ông chỉ biết có gia đình và lấy gia đình làm sức mạnh để bảo vệ đất nước.Mùa hè qua, chúng tôi sửa soạn cho niên học mới, thì má tôi mua được một căn nhà ở gần sân banh trên đường Lý Thái Tổ, Cần Thơ. Ở đây phố xá tấp nập, dân cư đông đúc, nhưng không náo nhiệt như Sài gòn. Hai dẫy phố từ sân banh xuống chợ Tham Tướng, nhà nào cũng đẹp, trước sân nhiều nhà có cây ăn trái, lại có nhà trồng kiểng. Cũng có những nhà đặt bàn thờ ông Thiên ở trước cửa.Tôi thương khu phố thanh tịnh này lắm. Nếu có đi xa, tôi vẫn nhớ hàng cây trứng cá bên kia đường và mấy cây chùm ruột trước tiệm hàng xén. Mỗi lần tôi qua tiệm hàng xén, thể nào tôi cũng hái một nắm chùm ruột, trái thì chua, trái thì chát, nhưng tôi cũng ăn từ bên này qua bên kia đường.Nhà chúng tôi ở là tiệm may của má tôi. Bấy giờ má tôi phải nuôi thấm mấy cháu, vì trường làng đã hết lớp cho mấy chị con của cậu Tư và cậu Nam. Đó là các chị Thảo, Thuận, Yvonne và Quốc. Đám con nít chúng tôi ở với má từ thứ hai tới thứ sáu, về Bang Thạch đến chiều Chúa nhựt. Mợ Bích Lan và chị Hoàng Mai cũng ra ở chung để học may. Tiệm chưa chính thức khai trương mà đã có thêm sáu người xin học may.Má tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa dậy học, vừa may vá cho khách hàng, bận rộn suốt ngày. Nhưng bà hài lòng lắm, vì đây là bước đầu để tạo an cư lạc nghiệp. Có đêm mọi người đi ngủ, một mình má ngồi cắt sẵn quần áo mẫu để ngày mai dậy học trò. Tôi nghe bà hát nhỏ nhỏ: “Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê bên bên luỹ tre. Nắng vàng hoe, đến bên luỹ tre, vườn rau trước hè vui đón người về. Mẹ lần mò, ra trước ao… nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ… Tiếc rằng ta, đôi mắt đã rơi lệ quá đợi chờ”… Lần nào hát đến đây má tôi cũng nghẹn lại, rồi không hát tiếp được nữa. Tôi cắn môi để dằn tiếng khóc vào sâu trong trái tim thổn thức của mình.Trong bưng, người ta loan truyền rằng những người đi tập kết có chương trình nhắn tin từ ngoài Bắc về cho vợ con còn ở Miền Nam. Má tôi, mợ Bích Lan và chị Hoàng Mai hùn tiền mua một cái radio. Đêm khuya thanh vắng, năm người gồm có má tôi, mợ Bích Lan và các chị Thảo, Yvonne, Hoàng Mai dụm lại nghe radio phát đi từ Hà Nội xem có nhận được tin tức gì của ba tôi và các cậu, các anh không. Tuyệt nhiên không! Vậy mà người trong khu quả quyết đã nghe ba tôi nhắn tin về cho gia đình mấy chục lần. Họ khuyên chúng tôi rằng kiên nhẫn đón nghe mỗi đêm. Đã vậy, họ còn khoe là đã nghe được tiếng người thân của họ. Thậm chí họ còn khen tiếng vĩ cầm của anh Khôi rất điêu luyện. Anh đàn để tặng Hải Vân và tôi.Vào thời buổi đó, nghe đài phát thanh hạ Hà Nội phạm pháp. Nhưng nghe được tiếng nói của người thân nơi xa xôi là một điều rất quyến rũ cho những gia đình có người đi tập kết. Mỗi lần nghe đài Hà Nội, má tôi cắt một người đứng canh ở bên cửa nếu thay xe công an, phải lập tức báo động.Một đêm, khi đám con nít chúng tôi đã ngủ yên, bỗng có người đập cả cửa trước lẫn cửa sau. Hết cả nhà hoảng hốt chồm tỉnh dậy. Mấy ông công an ào vô. Trong cảnh hỗn loạn đó, không biết có tất cả bao nhiêu người. Họ tịch thâu cái radio, đưa cho má tôi và mợ Bích Lan mỗi người một tờ giấy mợi lên bót Công an sáng hôm sau. Khi má tôi và mà Bích Lan đi chị em chúng tôi chờ đợi ở nhà trong lo sợ Những chỉ một lát sau, hai người trở về tươi cười cho biết công an chỉ tịch thu radio, và bắt hứa sẽ không lén nghe đài Hà Nội nữa.Chỉ mấy ngày sau, mấy bà lại hùn tiền mua một cái radio khác. Rồi đêm này qua đêm khác, mọi người chờ đợi nghe lén nhắn tin từ Hà Nội. Cuối cùng chỉ là nỗi thất vọng ê chề. Nhiều đêm, sau khi chương trình chấm dứt, má tôi tức giận nói:- Uổng công tao quá, lần này là lần chót, tao không có làm mọi cho cái radio mắc dịch này nữa đâu!Nhưng đêm sau, khi mọi người xúm quanh cái radio, má tôi cũng chen vô ngồi với họ, mắt bà nhắm, tai bà kề sát máy phát nghe tiếng nói của chống, con mình.Má tôi than với ông ngoại là tại sao ai cũng nghe ba tôi nhắn tin mà má tôi lại không nghe được. Ông giải thích:- Tụi đó là đồ lưu manh, một mặt bắt con nuôi hy vọng, một mặt nghe nó tuyên truyền.Từ đó má tôi mới thôi không nghe lén đài phát thanh Hà Nội nữa.Hai mươi năm sau, tôi mới biết ông ngoại tôi là người nhìn xa thấy rộng, hiểu thấu tâm địa của cộng sản. Khi chúng tôi gặp nhau ở Luân Đôn vào năm 1977, má tôi nhắc lại những chuyện vui buồn trong khoảng thời gian xa cách ấy, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng từ năm 1954 đến năm 1960, ba tôi vẫn còn ở miền Nam để vận động và tổ chức cho Mặt trận giải phóng miền Nam thành hình. Năm 1961, khi được bầu vào trung ương Đảng, ông mới ra Bắc. Làm sao một đứa trẻ mới lên mười như tôi có thể hiểu được những man trá, gian manh của cộng sản, của chánh trị. Tuổi thơ của chúng tôi gánh chịu tất những ảnh hưởng của sự man trá, lừa bịp đó.