ăm 1958, tôi học lớp nhứt ở trường Nữ Tiểu học. Cô giáo của tôi là cô Nguyễn Thị Hoa, người Bắc. Có có mái tóc dài đen mươt, nước da cô ngăm đến. Cô đẹp, khả ái và đặc biệt rất quý học trò của cô. So với cô Xuân Phương, cô Hoa dễ tánh hơn. Ngày cô lấy chồng, chúng tôi tò mò hỏi dò mấy đứa bạn có chị em bạn của cô Hoa, thì được biết người đã lọt mắt xanh của cô là một ông phi công. Nhưng cô chưa vui được lâu. Một hôm, chúng tôi đã thấy cô khóc nức nở vào giờ ra chơi. Tin sét đánh là chồng cô đã tử trận. Rồi từ đó, mỗi lần máy bay trực thăng bay ngang trời, cô quay mặt vô vách. Chúng tôi thấy vậy đều giữ im lặng như muốn tôn trọng nỗi đau khổ của cô. Hôm nào có nhiều máy bay, có ra sân đứng, không cho chúng tôi thấy cô khóc. Từ đó cho tới cuối niên học, cả lớp bỗng trở nên ngoan ngoãn, không đứa nào dám làm cô phật ý. Không biết cô có hiểu chúng tôi làm như để chia buồn cùng cô không?Năm đó là năm cuối cùng của bậc tiểu học, nên tôi rất chăm chỉ để sửa soạn thì vô trường trung học Phan Thanh Giản, năm đó cũng là năm gia đình tôi nhận được một tin quan trọng. Lần đầu tiên trong năm năm, chúng tôi được tin của ba tôi, người đàn ông lạ mặt đến tìm má tôi với mật khẩu chỉ riêng má tôi biết thôi. Ông tự giới thiệu: “Hai Lồi kêu tôi tới gặp chị!”. Vừa nghe nói đến “Hai Lồi”, má tôi giựt mình. “Hai Lồi” tên lóng của anh Khôi, vì lúc nhỏ anh bị lồi rún. Sau khi nói mật khẩu, sứr giả bí mật cho biết ba tôi muốn gặp má tôi ở Nam Vang. Ông ta cũng chỉ dẫn mọi đường đi nước bước để má có thể đến chỗ hẹn an toàn. Ông còn dặn thêm là má tôi phải đến đúng hẹn vì ba tôi không thể cho lâu được. Nghe tin này, đứa nào cũng muốn đi gặp ba. Những tiền đâu mà dẫn hết đám con nít đi Nam Vang. Đường đi từ Cần Thơ lên Nam Vang trong thời ấy rất nguy hiểm, má tôi cho biết, nếu đi cả nhà, lúc về sẽ không còn tiền để làm ăn nữa, phải bắt đầu lại từ con số không. Riêng tôi, tôi rất muốn gặp ba bằng xương bằng thịt, cho nên sẵn sàng chấp nhận con số không. Tôi thầm sửa soạn tinh thần để đi gặp ba.Vì là một việc quá quan trọng, má tôi phải về Bang Thạch nói với ông bà ngoại và dì Bảy trước khi quyết định. Khi má trở về Cần Thơ, sự việc đã đổi khác. Mấy ngày sau, má cho biết mọi người khuyên nên để một hay hai đứa ở lại trông cửa tiệm, trong số có tôi. Tôi biết đo ni tấc cho khách hàng. Hải Vân cũng phải ở lại vì sợ phiền chủ nhà trên Nam Vang nếu có đông người tới, nhưng điều quan trọng hơn hết là sợ Công an để ý, nếu đóng tiệm may nhiều ngày. Trong thời gian này có nhiều vợ con của những tập kết cũng kéo nhau vô bưng để gặp chồng con họ. Một người đàn bà có người anh rể làm cảnh sát ở Cần Thơ đi thăm chồng ở vùng Cả Mau, rồi mang bầu. Khi bụng đội áo, bà bị công an kêu lên điều tra. Để giữ bí mật cho Việt Cộng và cho chính chống mình, bà phải nói dối là bà làm bé một người có chức vụ trong tỉnh. Ba năn nỉ nhà cầm quyền đừng lôi xấu xa này ra ánh sáng để bảo vệ đứa con gái lớn của bà, cảnh sát công an mắc mưu nên bỏ qua.Đất nước chìm trong khói súng. Hoàn cảnh trở nên phức tạp trong đời sống của người dân. Nguyên tắc đạo đức của con người bị đe doạ, nhân cách không được tôn trọng; phải tuỳ cơ ứng biến, tôi sợ lắm. Cứ sợ nhân-nghĩa-lễ-trí-tín rồi cũng đi theo cái đà ấy, làm cho dân tộc mình mất gốc. Nơi tôi ở, đi qua khỏi đường Cầu Ông Cả Đài, sâu bên trong có một con sông. Đi dọc bên bờ sông có thể tới Bến Xe Mới. Trên đường đi, có mấy cây cầu tre, cầu ván mà tôi thường ra đó một mình, ngồi thõng chân xuống nước để nhớ về Ong Vèo, Ba Ngọn. Kim Qui, những mật khu kháng chiến. Không biết còn di tích nào của ba tôi ở những nơi đó không, nhưng tôi đi đâu những nơi này cũng đi theo tôi tới đó, nơi đào tạo người ái quốc. Tôi nhìn bóng tôi trong dòng nước chảy lờ đờ, rồi nghĩ tới những mất mát của cuộc đời mình trong cuộc chiến, ví như nước chảy qua cấu, không biết mấy ai ngồi ôn lại để nhớ, để ghi, cho con cháu sau này đừng mắc mưu Cộng sản.Má tôi nhờ một người bạn gái thân tín thỉnh thoảng tới thăm nom chúng tôi, trong khi bà phải “lên Sài gòn thăm bà ngoại chân đang đau”. Sự việc xảy ra trong chớp nhoáng. Má dẫn Hoà Bình và Minh Tâm theo cho ba biết mặt Minh Tâm; ba cưng Hoà Bình lắm, nên má đem em theo. Tôi và Hải Vân ở lại nhiệm vụ tới nhà cậu Hai, con cô Chức, chụp hình năm chị em tôi để má đem lên Nam Vang cho ba biết Hải Vân và tôi đã lớn. Tiếc là không kịp chụp hình hai chị Kim, Cương vì hai chị học trên Sài gòn. Khi má tôi đi được mấy ngày, tôi mới nghĩ tới việc viết thơ hoặc mua quà biếu ba tôi. Tôi tự trách tôi vô tình, ngu quá! Hải Vân an ủi tôi là quà cáp không quan trọng đối với ba tôi đâu. Em nhắc tôi nhớ lại hồi còn ở “vùng giải phóng” ba không thích những đồ từ ngoài thành gởi vô, mà ông cho đó là đồ “xa xỉ phẩm”.Không được theo má đi gặp ba, hai chị em tôi buồn vô cùng. Để phản ứng lại chuyện bị “bỏ rơi”, chúng tôi mưu toan sẽ bỏ mọi luật lệ, sẽ rủ nhau ngày thì đi chơi cho đã, nhưng không dám trốn học, tối thì thức thật khuya… Mấy chị học trò của má dù ở chung nhà cũng không có quyền rầy la chúng tôi… Nhưng sao, cứ tan học là hai chị về nhà ngay. Học bài xong, chúng tôi dọn dẹp cửa tiệm, nhà cửa cho sạch sẽ. Hải Vân con tháo mấy bàn máy may, chùi sạch, cho dầu giùm mấy chị học trò của má. Chiều tối, cả hai đứa đều ru rú ở trong nhà, bạn tới rủ cũng không đi. Mấy chị học trò lấy làm lạ khi thấy chúng tôi không đi chơi. Vì vậy, một chị nói: “Có Tám nên đi vắng thường hơn; mấy bữa này hai đứa này hiền như cục bột!”.Rồi cũng tới ngày má tôi trở về. Bà buồn bã, thất vọng như chim gẫy cánh. Bà không được gặp ba tôi. Má tôi kể rằng khi lên tới Nam Vang, bà được vợ một đồng chí của ba tôi ân cần đón về nhà bà ấy. Hai ngày sau bà dẫn má tôi tới một bờ sông thật xa, lên một chiếc ghe có mui đã có ai chất mấy buồng chuối Xiêm sẵn đó rồi. Hai bà giả trang là hai bà bán chuối. Bà ấy làm theo chỉ dẫn của liên lạc viên, cứ giả dạng chèo trên sông bán chuối. Ghe của ba tôi sẽ tìm họ, sẽ nhận ra họ. Nhưng không thấy ba tôi đâu hết; cũng không có ai tới nhận diện hai bà để nhắn nhủ câu nào. Má tôi và bà bạn đi tìm nhiều ngày như vậy, sáng đi tối về rồi cũng đành thất vọng mà bỏ cuộc. Má tôi buồn bã dắt hai con trở về Cần Thơ, sau khi đưa may tấm hình của chúng tôi cho bà bạn chuyển giùm nếu gặp được ba tôi.Mười tám năm sau, khi ba má tôi gặp nhau ở London, má nhắc chuyến đi mạo hiểm lên Nam Vang và hỏi sao ba không đến chỗ hẹn gặp má, ba mới cho biết rằng năm 1954 dù nói là đi ra Bắc, nhưng ông vẫn ở trong Nam. Đến năm 1958, ông mới được lịnh ra Bắc thật sự. Ông muốn trước khi ra Hà Nội, ghé, rước má và sáu đứa con ra Bắc với ông, nên nhận cả gia đình lên Nam Vang. Nhưng không may, dự định của ông bị tình báo phe quốc gia phát giác, cho nên ông và các đồng chí phải đưa ba tôi đi đường khác ra Hà Nội. Má tôi lắc đầu nói: “Trời ơi, chớ không thì mẹ con tôi đứa thì bị đầy vô rừng sâu nước độc, đứa bị đi chống Mỹ cứu nước chết hết rồi!”.Sau chuyến đi Nam Vang, lúc đó má tôi mới có 42 tuổi, bà quyết định sẽ không chạy theo tiếng gọi của ba tôi nữa. Bà dành thì giờ cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Một việc mà má không chịu bỏ cuộc, là phải tìm thầy chữa bịnh cho Minh Tâm. Cứ nghe ai chỉ có thầy hay, dù xa xôi đến mấy bà cũng bồng em đến đó. Lần ông ngoại ra thăm chúng tôi. Ông nói: “Tụi cháu có chết đi sống lại mấy kiếp cũng không làm sao trả ơn má cháu nổi. Kiếp này ráng mà hiếu thảo với má”.Chị Thảo không thích việc may vá, vì chị không kiên nhẫn, mà cũng không khéo tay. Đơm một cái nút áo mà chị còn làm rối chỉ thì làm sao trở thành một thợ may được. Thường thường, cuối tuần chị về vườn săn sóc ông bà. Ngoài tình yêu dành cho ông bà nội và miếng vườn, chị còn một tình yêu khác. Vì vậy chị nói dối cả má lẫn ông bà. Với má, chị xin phép về vườn đến chúa nhựt sẽ trở ra Cần Thơ để đi học. Nhưng với ông bà, chị nói phải ra Cần Thơ sáng chúa nhựt để học bài.Từ má tôi tới ông bà đều không ai biết sự thật về chị Thảo. Chị có trọn một ngày chúa nhựt hoàn toàn tự do. Chị dành ngày đó cho tình yêu thầm lén của chị. Tình yêu đó là những hoạt động của Việt Cộng. Chị Thảo được các cán bộ cộng sản huấn luyện để làm công tác học sinh, sinh viên. Một hôm, Hải Vân nói với tôi “Óc của chị Thảo bị rửa bằng xà bông Liên Xô rồi”. Chúng tôi đều biết chị đi đâu và làm gì, nhưng chúng tôi không dám cho người lớn biết. Bịnh của chị Thảo là một thứ bịnh không có thuốc chữa, dù ông bà ngoại và má tôi có biết, cũng không thể thay đổi được chị, chỉ thêm đau buồn vì thất vọng thôi.Khác với các học trò lớp Nhứt bình thường, chị Thảo không muốn thi đậu để vô trường Phan Thanh Giản, vì Việt Cộng không cho phép. Họ sợ chị bị công an để ý theo dõi nếu học trường công. Chị vẫn đi thi nhưng cố tình làm cho mình rớt. Thật ra, là người thông minh, học rất giỏi. Bà ngoại tôi, vì muốn các cháu gái cũng được học hành đến nơi đến chốn như các cháu trai, sẵn sàng trả học phí trường tư cho chị. Việt Cộng muốn chị học Anh văn là sinh ngữ chánh, để sau này có thể giúp đỡ nhiều “cách mạng”.Rồi chị Thảo bắt đầu nói đến “Mỹ-Diệm” với một giọng hằn học, đầy hận thù. Mỗi thứ hai, trong lúc mọi người ngồi quanh bàn tròn dưới bếp để học bài, thì chị thao thao bất tuyệt kể tội lỗi của “để quốc Mỹ”. Những danh từ chị dùng cũng mới lạ đối với chúng tôi. Đó là kết quả của ngày hôm qua, chúa nhựt, khi chị họp với các cán bộ Việt Cộng.Đã nhiều lần chị Thảo rủ tôi đi theo chị để gặp những cán bộ lớn tuổi đời, tuổi đảng. Nhưng lần nào tôi cũng trả lời chị một câu quen thuộc: “Mấy ông Cha bên đạo Thiên Chúa dụ em đi nhà thờ ngày chúa nhựt để được lên thiên đàng em còn từ chối: đâu có ngu mà đi xuống địa ngục với Việt Cộng”. Chị không giận, chỉ cười, rồi tuần sau lại rủ nữa, và tôi cũng trả lời y như trước.Nhưng rồi có một hôm tôi đã nghe lời chị, vì chị dụ tôi rằng: “Nếu em giúp chị việc này, ba mà biết được ba vui lắm”. Thế là tôi nghe bùi tai, đi theo chị. Hôm ấy nhằm buổi sáng chúa nhựt chị sửa soạn ra Cần Thơ trước bọn chúng tôi, để “học bài” như chị nói với ông ngoại bà ngoại. Tôi theo chị ra Cần Thơ sớm. Lúc đầu, chị và tôi đi xe đò, nhưng chưa tôi Cái Tắc chị đã đòi xuống ngang giữa đường, để đứng bên đường chờ xe khác. Rồi đi gần tới Cái Răng chị lại xuống xe một lần nữa, và lại đứng bên đường đón xe khác. Chị không đón xe đò dù có xe vừa đi qua. Lần này chị bắt tôi phải chờ xe Lam, lên xe Lam ngồi, tôi giận chị lắm, không thèm nói chuyện với chị nữa. Hồi nhỏ, tôi nghĩ cách đối xử tàn nhẫn nhứt, là khi giận không nói chuyện với nhau. Xe Lam vừa chật chội vừa chạy chậm rì rì. Tôi bắt đầu cằn nhằn: “Chị làm mất hết ngày giờ của em. Nếu mình đi xe đò thì mình tới lâu rồi”. Chị không nói gì mà chỉ lấy cùi chỏ thúc vô hông tôi, bắt tôi im lặng. Khi đến giữa khoảng từ cầu Rạch Ngỗng đến cầu Tham Tướng, tôi thấy chị có vẻ lo sợ, ngồi không yên trên băng xe chật cứng, động đậy hoài. Xe bị kẹt một đoạn thật sự. Tôi không biết là có tai nạn xe, hay cảnh sát công an xét thẻ căn cước, thẻ học sinh. Cũng có thể quân cảnh xét lính. Tôi biết rõ hai chục cây số của con đường này, còn rành hơn biết người cha của tôi đi theo Việt Cộng. Lúc xe Lam ngưng lại, tắt máy, chị Thảo biểu tôi đi bộ lên coi chuyện gì mà bị kẹt cứng ở đó. Tôi nghe lời chị đi quan sát; lúc trở lại tôi cho chị hay là công an, cảnh sát, quân cảnh, hiến binh, có người mặc thường phụ, có người quân phục, đang xét giấy ở phía trước. Nghe nói vậy, chị Thảo vội đưa cái cặp da của chị cho tôi giữ, cầm cái tui vải, rời xe, đi băng qua đường, mất dạng sau hàng tre trên bờ đê. Bà già ngồi trước mặt chúng tôi lấy khăn chùi cổ trầu quanh miệng, rồi nói: “Chờ giọng này có nước đái trong quần; con nhỏ này khôn, đi trước cho rồi”.Khi người tài xế cho xe nổ máy rồi từ từ chạy theo xe trước, nhìn quanh để tìm chị Thảo, nhưng không thấy chị đâu. Một lúc lâu, tôi thấy một bóng người quen quen đứng bên kia đường. Nhìn kỹ, tôi nhận ra chị Thảo. Chị Thảo bấy giờ không giống chị Thảo hồ sáng. Chị bỏ guốc, đi chân không, bộ quần áo cũ mèm thay cho bộ đồ sạch sẽ. Mái tóc thề của chị bị cắt cụt ngủn, như một bà xẩm bán hẹ. Chị băng qua đường, đến bên tài xế để trả tiền xe đi Cần Thơ, dù hồi nẫy chị đã trả rồi. Chị không nhìn tôi. Tôi không dám nhận chị. Chị không trở lại chỗ ngồi cũ bên cạnh tôi, mà tới ngồi ghế phía trong, cạnh một người đàn ông nhà quê. Hình dáng của chị thay đổi, cử chỉ cũng khác thường. Chị gãi đầu hoài, như đầu chị bị chí cắn. Hết gãi đầu, chị lại bẻ mấy lóng tay kêu lóc cóc. Chị còn móc lỗ mũi nữa. Thấy chị làm, tôi nói thầm: “Người này không phải chị Thảo!” Má tôi cấm ngặt việc móc lỗ mũi nơi công cộng. Tôi đoán ngay là chị đóng kịch để che mắt mọi người, tôi thầm phục chị lanh tri, và đóng kịch hay hơn cô Kim Cương. Sau khi Quân cảnh và cảnh sát kiểm soát giấy tờ của hành khách, một người mặc thường phục đưa ra ba tấm hình, hỏi tài xế có bao giờ gặp ba người trong hình không? Tôi nghển cổ lên nhìn, nhận ra một hình của chị Yvonne, giống như hình trong thẻ học sinh của chị. Tôi sợ điếng lên. Khi một người mặc thường phục khác xét cái cặp da của Thảo tôi đang ôm khư khư, tôi nín thở mở cặp ra. Bên trong chỉ có một cuốn từ điển Anh-Việt, ông lấy ngón tay cái lật một cái rù, rồi thấy không có gì ngoài mấy trăm trang từ điển, ông trả cuốn từ điển lại cho tôi. Tôi hoàn hồn khi chiếc xe Lam từ từ lăn bánh.Chúng tôi xuống xe ở góc đại lộ Hoà Bình và Ngô Quyền. Tôi giận chị Thảo quá nên ráng đi lẹ hơn chị cho hả giận. Cứ đi như vậy mà trong bụng tôi tức cành hông. Đến khi chúng tôi băng qua lộ để về cầu Cả Đài, chị Thảo mới lên tiếng:- Hồi nãy chị vái cho em đừng nói chuyện với chị, hỏi chị trong ruộng trở ra. Em nín thinh, chị mừng quá.Tôi nói:- Em không biết ai phù hộ cho chị bữa nay?Chị chỉ cười, im lặng. Tôi nói:- Hồi nẫy em thấy hình chị Yvonne.- Đừng lo, chỉ ra ngoài chợ trước mình rồi!- Còn phần chị? - Tôi lo sợ hỏi.- Hổng biết… đừng lo.Tôi nhìn đầu chị, doạ:- Ông ngoại không cho tụi mình cắt tóc cụt, chết chị rồi!Chị nhún vai:- Đừng lo, chị không về thăm ông nói ba nội ít tuần thì tóc dài lại.Chị đưa tay lấy lại cái cặp da từ tay tôi, rồi nói:- Chị cho cưng biết là cưng đã làm một công việc vô cùng quan trọng để giúp chị. Em giỏi thiệt.Tôi tức giận nói:- Em có làm cái gì đâu ngoài chuyện sợ muốn đái trong quần.Chị nghiêm giọng:- Cái này không phải là chuyện giỡn, Dung à. Cưng cầm trong tay phân nữa cái kế hoạch Công tác Thành; nữa phần kia được đem ra ra ngoài này trước rồi.Tôi mau mau lấy tay che mắt, che tai, che miệng một hơi, rồi lắc đầu lia lịa:- Em không muốn biết, muốn nghe, muốn thấy mấy cái việc chị làm đâu!Nhưng chị tiếp tục nói cho tôi biết là một nửa bản kế hoạch được dán trong cái bìa cứng của cuốn từ điển. Dù không còn ôm cái cặp da trong tay nữa, nhưng khi nghe chị nói vậy tôi bỗng tim đập mạnh lên, cổ tôi khô, hai bàn tay đổ mồ hôi. Trong tôi, nhiều tình cảm lânn lộn. Nào là tình cốt nhục giữa chị và tôi, nào là ngôi trường mài tôi vừa nhập học; nào là tình thầy trò vừa chớm nở. Tôi thầm thán phục sự can đảm của người con gái nhà quê này. Mới hôm qua chị hái rau, bẻ trầu cho bà nội, hôm nay đã đi làm cán bộ cho Việt Cộng. Tôi muốn can đảm như chị, nhưng dùng sự can đảm đó để đưa gia đình tôi ra khỏi khó khăn, chứ không lấy nó mà chung sức với Việt Cộng được.Tối hôm đó, sau bữa cơm chiều, má tôi kiên nhẫn tỉa tóc cho chị Thảo, để chị có mái tóc gọn gàng, ngay ngắn lại. Trong nhà ai cũng tội nghiệp cho chỉ vì chỉ nói láo rằng lúc thổi lửa nấu tấm heo, lửa cháp phừng bắt qua tóc chị. Đêm đó, lúc chỉ có hai chị em tôi họcv bài, tôi nói nhỏ với chị là khi chị chết xuống âm phủ chị sẽ bị bọn quỷ sứ kéo lưỡi chị dài cả cây số vì cái tội nói láo. Chị Thảo cười vị tha mà không giận tôi, vì chị biết tôi thương chị.Hai chị Thảo và Yvonne càng ngày càng bị siết chặt vào vòng của Việt Cộng. Hai chị không khác gì những kẻ mê muội tin vào một tà đạo, đem hết của cái, bản thân mình dâng hiến cho tà đạo ấy. Hai chị tôn thờ chủ nghĩa cộng sản một cách mù quáng, mà thờ ở với các bổn phận trong gia đình. Họ nói dối, họ qua mặt ông bà, để phục vụ cho cộng sản. Chị Thảo miệt mài trong Thư viện Việt-Mỹ, để tìm hiểu về “kẻ thù” của chị qua sách vở.Người bạn hàng xóm của tôi là anh Chu Dung. Anh là người Bắc làm việc ở nhà thuốc tây Lương Xuân Đấu. Anh lớn hơn tôi chừng mười lăm tuổi, nhưng đám con nít chúng tôi mến anh lắm, có thể vì anh là người phương xa đến Cần Thơ làm ăn. Anh hiếu khách mà khách cũng quý mến anh, kêu anh là “anh Bắc kỳ”. Anh vui vẻ, thân mật với tất cả mọi người, từ trẻ con đến người lớn. Anh đẹp trai và là người duy nhứt ở Cần Thơ lúc bấy giờ có chiếc xe đạp bằng nhôm bóng láng. Qua anh Dung, chúng tôi quen chị Hằng và em chị là anh Hùng. Cả hai chị em cùng làm việc ở Thư viện Việt Mỹ. Hai người cũng quý mến chị Thuận, Hải Vân và tôi. Chị Thảo biết chúng tôi quen với anh Hùng, nên một hôm chị nhờ tôi hỏi dò anh, để biết chừng nào ông giám đốc người Mỹ của Thư viện từ Sài gòn xuống Cần Thơ? Chị muốn biết rõ tên họ và chức vụ của ông. Chị Thảo và tổ chức của chị tin rằng chức giám đốc thư viện chỉ là bề ngoài, nhưng thật ra ông là nhân viên cao cấp của cơ quan tình báo CIA. Tôi từ chối săn tin cho chị Thảo. Tôi nói thẳng cho chị biết là tôi không thể lợi dụng bạn như vậy được. Chị liền nổi giận, nói: “Mấy người đó không phải là bạn của em được, họ là tay sai của Mỹ”. Tôi giận, nạt lại: “Nếu chị không phải là chị của em, em kêu công an bắt chị liền”. Chị liền lên mặt dậy đời tôi: “Đừng quên mình là con cháu của những người làm cách mạng; bổn phận của mình là ủng hộ cách mạng”. Tôi không chịu thua, la lớn lên: “Công tác đó là giựt min xe buýt, giết ông già bà cả chớ gì!”. Tôi dám thẳng thắn trả lời chị, vì tôi biết, ba tôi không đành lòng cho con mình đi làm kẻ giết người.Chuyện tranh cãi giữa chị Thảo và tôi đến đó tạm ngưng. Nhưng con đường chỉ đi con dài lắm. Hai ngày sau, người ta liệng lựu đạn vô sân thư viện; người lính Việt Nam gác cổng thiệt mạng.