gồi tựa vào đệm xe để tới gặp Clancy ở thị trấn Baverly. Ông Stoyte nghĩ có lẽ ông khó ở từ vài ba tuần nay rồi. Sáng sáng thức dậy, ông thấy bần thần lười biếng, dường như đầu óc ông mụ mẫm đi. Obispo nói đó là một cơn “cúm hụt” và mỗi tối, bắt ông uống nhiều thuốc viên. Chẳng thấy đỡ chút nào. Mà còn thêm chuyện Virginia. Em bé trở nên kỳ quặc. Em ngồi đó, chẳng để ý đến chuyện gì và khi có ai hỏi câu gì đó, em giật thót người, hỏi lại câu vừa hỏi. Cô bé này hỏng từ ngày cô gần gũi với thằng khốn kiếp Peter Boone. Cô nói chuyện suốt buổi với nó, rủ đi bơi, nhìn kính hiển vi với nó. Có cái gì trong kính hiển vi ấy? Em bé đòi xem kính hiển vi, trời ạ! Những chuyện đó xảy ra đột ngột quá, trước đây ít lâu, cô nào có để ý tới hắn. Cô đối xử với hắn như đối với một con chó bự - dễ thương vậy thôi. Ta vỗ về vào đầu nó một cái và khi nó ngoe nguẩy đuôi, ta chuyển sang chuyện khác. Chẳng hiểu ra làm sao. Nếu quả cô yêu Peter thật thì ông sẽ ném thằng khốn kiếp qua cửa sổ ngay. Nhưng không. Cô chăm sóc hắn như kiểu chăm sóc một con chó nòi hiền lành mà thôi. Làm sao lại nổi khùng với một con bé khi nó bảo con chó nòi hiền lành cho nó xem kính iển vi chứ! Thật điên đầu, không sao hiểu nổi nữa.Có một điều rất rõ là Bé em trở nên thân thiết với ông quá cái mức ông nghĩ lúc đầu. Lúc đầu ông chỉ có ý định tóm lấy cô, sờ nắn người cô, ăn thịt cô. Ông thích cô vì người cô thơm và ấm, cô trẻ còn ông thì già, cô ngây thơ còn ông thì quá mệt mỏi, chỉ cô ngây thơ là còn kích động được ông thôi.Lúc đầu chỉ có vậy, nhưng chuyện khác đã xảy ra. Bé em hiền dịu, Bé em ngây thơ mơn mởn. Cái đó không chỉ kích thích mà thôi, mà nó còn có tác động kỳ lạ. Nó làm cho ông cảm thấy như ông đương xuân, như ông vừa hớp xong một ly Wishky vậy. Chưa hết nó còn làm cho ông cảm thấy mình là người phúc hậu nhất trên đời, như ông đang ở trong nhà thờ nghe cha giảng, hay như ông vừa làm việc thiện, ông vừa cho bé gái một con búp bê nó thích. Huống gì Virginia không phải là cô bé gái bất kỳ nào, Virginia là bé gái riêng của ông. Phu nhân Stoyte không có con, lúc sinh thời bà buồn lắm, nhưng thế tại hóa hay. Nếu có con gái nó lại giống ông - cả nhà Stoyte người nào cũng ụt ịt - hoặc giống bà - cái đó còn tệ hơn. Còn Virginia đây thì mọi cái đâu vào đấy, mọi cái đều “nghiêm chỉnh”. Khi có cô bên cạnh, ông cảm thấy đời cũng đáng sống, chả cần phải đi qua cuộc đời này mà hỏi: “Để làm gì nhỉ”. Cái lý của mọi sự ở ngay trước mặt ông, đội cái mũ lính thuỷ xinh xinh, hoặc là mặc áo dạ hội dát đầy kim cương vàng ngọc đến dự đêm vui với các bạn trong ngành xinê Hollywood. Đấy cái lý nó ở đấy!Thế mà rồi … người ta cướp mất lý do cuộc sống của ông. Bé em không con như xưa nữa. Bé em đi đâu? Tại sao? Tại sao bỏ ông lại một mình. Ông rất già, tấm bia mộ chỉ màu trắng đang chờ ông dưới kia.“Có chuyện gì vậy Bé em?”, nhiều lần ông hỏi. Ông đã chán ngấy, chẳng còn muốn giận hờn, dọa nạt gì hết, ông chỉ muốn Bé em đừng đi mất. “Có chuyện gì vậy Bé em?”.Cô lặng thinh nhìn ông như nhìn hàng ngàn cây số, ở đâu đó, rồi cô nói: Chẳng có gì hết, cô vẫn khỏe, chẳng có gì thắc mắc. Không, ông không thể làm gì hơn được, vì những gì cô cần, thì ông đã cho cô đủ rồi và cô lấy làm sung sướng…Ông bèn làm như tình cờ nhắc đến tới Peter, cô thản nhiên như không, nói: Ồ, cô thích Peter lắm. Peter là một chàng trai tốt, hơi đần một chút, Peter làm có tức cười, cô thích cười…- Nhưng mà Bé em ạ, em không còn như trước nữa.-Ông nói mà giọng nghe nghẹn ngào tắc tị. Ông đau khổ thật sự - Bé em không còn là Bé em nữa…Câu trả lời vẫn là: Lạ thật, cô không thấy cô thay đổi chút nào.Lại trở lại từ đầu: Chuyện càng tìm hiểu càng trở nên mù mịt. Cho nên khi cơn bần thần buổi sáng đã qua, ông thường quát mắng đầy tớ, thô lỗ với anh Ăng lê và nổi khùng lên với thằng khốn kiếp Obispo. Ông ăn chẳng thấy ngon miệng, tim ông đập dồn, ông thấy nhói trong dạ dày. Có lần đau quá, ông tưởng bị viêm ruột thừa, nhưng Obispo nói đó là chứng “cúm hụt”. Ông nổi xung, ông nói hắn chĩ là tên lang băm mạt hạng không chữa nổi một chuyện nhỏ như vậy. Obispo hứa trong vòng hai ba ngày nữa sẽ chữa cho ông khỏi.Chìm sâu trong thắc mắc bực dọc như vậy. Ông Stoyt bảo tài xế chạy dọc con đường ngoằn ngoèo vượt đồi Beverly và phía Đông (Clancy ở Hollywood, dọc đại lộ Santa Monica).Sáng nay, Clancy gọi điện thoại cho ông. Nghe kiểu nói úp mở những tên người nhắc lấp lửng, ông đoán chắc là công việc trôi chảy. Đúng thế, Clancy và “các bạn” đã mua được gần hết phần đất tốt trong thung lũng San Felipe. Giá lúc khác, thì ông Stoyte đã nhảy cẫng lên vì vui sướng, nhưng hôm nay cái chuyện ngồi không mà vơ được một hai triệu đô la chẳng làm ông bận tâm mảy may: Trong cái thế giới ông bị dồn tới, tiền triệu chả đi đến đâu cả. Triệu triệu cũng không làm ông bớt đau khổ. Nỗi đau khổ của một người già mệt mỏi, bị bỏ rơi, một người chẳng có mục đích sống nào ngoài bản thân mình, chẳng có gì ngoài quyền lợi của riêng mình, không bạn bè thân thuộc ngoài một cô gái làm nhân tình, làm vợ bé, một cô gái được khao khát thèm muốn si mê đến cuồng dại. Và thế rồi, cô gái ông hy vọng có thể đem tới một ý nghĩa cho đời ông, cô ấy bắt đầu biến đổi.Luôn ám ảnh trong đầu ông là bóng dáng sảnh đường hình tròn bằng cẩm thạch, nhóm tượng mà Rodin tạc cho sự thèm muốn, tấm bia mộ chí khắc dòng chữ: Joseph Panton Stoyte, sinh ngày… mất ngày cùng với dòng chữ ấy, ông nhìn thấy một dòng chữ khác, màu trang kim trên viền đen: “Điều khủng khiếp nhất đời là rơi vào tay vị Chúa còn sống”.Clancy báo tin vui chiến thắng bằng một giọng mưu sĩ. Hắn thì thầm: Tin mừng! Trong vài năm nữa ông sẽ giàu thêm một triệu đô la. Nhưng những triệu đô la đang ở trong một thế giới, còn ông già đau khổ, sợ sệt thì ở một thế giới khác không có đường ăn thông giữa hai thế giới ấy.