Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương 4

     rong suốt hai giờ đồng hồ Jeremy ngồi phân loại sơ bộ liệt kê, lập phiếu cho các tập hồ sơ. Sáng hôm ấy không tìm được cái gì hay, chỉ có sổ sách., chứng từ giao dịch có thể làm tư liệu cho những sử gia kinh tế. Jeremy không thích những thứ ấy.
Tới giờ trưa, chán quá rồi, ông bèn ngừng việc, giải lao bằng cách giở quyển ghi chép bìa nhung của ông Bá tước thứ năm ra xem vậy. Ông đọc:
“Tháng bảy 1780. Khoái cảm gắn liền với đau khổ. Có khi chính vì thực lòng đau khổ mà các bà quả phụ bị nỗi đau của mình làm hại. Các bà không làm sao chống chọi nổi với kẻ tới đưa đám đức ông chồng khi hắn nắm chắc nghệ thuật đi nhè nhẹ tử chỗ chia buồn tới chỗ suồng sã. Bản thân tôi cũng đã cắm sừng một ngài Quận công và hai Nam tước quá cố (một vị mới chiều qua đây thôi) ngay trên chiếc giường các vị vừa được nghi lễ linh đình đưa đến phần mộ”.
Mẹ mình mà đọc đoạn văn chương này chắc cụ chết cười… Jeremy bỗng nảy ra ý định gửi cho bà cụ những dòng này bằng điện tín nếu nó không quá dài.
Ông lại đọc tiếp:
“Một xứ đạo, trong đất tôi đang thiếu Cha, bà em tôi liền giới thiệu một Cha xứ trẻ - bà khoe cái tài nói trên của Cha và tôi tin ngay. Tôi bèn nhận Cha về trong đất tôi, rồi thích ở quanh tôi có những vị chủ chăn biết uống rượu, biết đi săn, hay sờ mó con chiên. Một Cha xứ hiền đức quá không biết cách thử thách đức tin con dân mình, cho nên tôi nói với bà em tôi rằng, bằng thứ đức tin được thử thách như vậy, người ta dễ lên thiên đàng lắm lắm”.
Đoạn sau đầy đề tháng ba 1784.
“Gần đây người ta khai quật nhiều hầm mộ cổ. Một thứ bọt nhờn nhờn nhỏ giọt tử vòm xuống hai bên vách. Đấy là do xú khí cô đọng”.
“Tháng giêng 1786. Mấy năm liền mà chỉ ghi được có mấy dòng tư tưởng. Chắc là phải sống dai hơn các vị kỳ lão của Cựu ước thì mới viết xong một quyển sách. Thật quá đỗi lười biếng, nhưng tôi lại tự an ủi rằng những kẻ đương thời của chúng ta thường đáng khinh quá, không đáng để ta mất thì giờ giáo dục hay giải trí họ”.
Jeremy lật qua luôn ba trang ghi về đề tài chính trị và kinh tế. Ở trong đó ngày 12 tháng ba 1787, ông thấy một đoạn thú vị:
“Chết là mọi hành động ít trí tuệ nhất của con người, có thể nói như vậy! Nó còn tùy thuộc thể xác hơn cả hành động làm tình, có những trường hợp hấp hối giống như người táo bón rặn trên bô. Hôm nay tôi trông thấy M.B chết”.
“31 tháng giêng 1788. Cách đây năm mươi năm, ngày này tháng này tôi ra đời. Từ sự cô đơn trong lòng mẹ, chúng ta bước ra sự cô đơn giữa đồng loại để rồi lại trở về sự cô đơn trong nấm mồ. Trong suốt cuộc đời ta, ta luôn tìm cách làm dịu bớt nỗi cô đơn. Nhưng gần gũi, chung đụng không hề là hòa đồng, Một đô thị đông dân chỉ là một cộng đồng của những nỗi cô đơn. Chúng ta trao lời, nhưng là trao từ nhà ngục này sang nhà ngục khác, chẳng bao giờ dám nghĩ rằng lời ta nói ra được người khác hiểu như ta hiểu.
Chúng ta kết hôn và thế là có hai cô đơn thay có một, chúng ta đẻ con và thế là có hàng lũ cô đơn. Chúng ta lặp lại động tác làm tình nhưng ngay cả ở đấy cùng không có hòa đồng. Sự đụng chạm thân thiết nhất củng chỉ là sự đụng chạm trên bề mặt. Tôi đã nhìn thấy một đôi nam nữ tội đồ ở nhà tù Newgate ngủ với nhau qua chấn song. Chúng ta cũng vậy, ăn nằm với nhau qua hai chấn song của hai nhà tù thân xác.
Đau khổ cũng như khoái cảm, không thể chia sẻ, chỉ có thể cảm nhận hay áp đặt. Khi ta bố thí cho kẻ khó hay ân ái với người tình, ta chẳng bao giờ làm vì họ, mà chỉ vì ta. Lý do ta làm điều ác cũng giống lý do ta làm điều thiện: đấy chỉ là phát huy quyền uy của ta. Đấy là điều chúng ta thường cố làm và làm như vậy ta lại càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Thực tại cô đơn giống nhau ở mọi người, không hề giảm bớt, có chăng chỉ là do quên lãng hay là do ảo tưởng. Nhận thức cô đơn tương ứng với nhận thức về quyền lực. Trong mọi trường hợp, ta càng nắm nhiều quyền lực, ta lại càng thấy lắm cô đơn. Tôi đã hưởng quá nhiều quyền lực trong đời tôi”
“Tháng sáu 1788. Hôm nay thuyền trưởng Payey mới báo cáo công việc với tôi. Đấy là một con người béo tốt. vui tính, phàm tục, cười hô hố ngay cả trước mặt ông chủ. Tôi hỏi về chuyến buôn nô lệ vừa qua. Ông mô tả tỉ mỉ cách thức tên nó lệ dưới khoang, dùng thang để buộc họ, thức ăn của họ, cách thức cho họ dạo chơi trêu bong khi tối trời (lúc ấy phải giăng lưới dể phòng ngừa những vụ tự tử). Thuyền trưởng mô tả cảnh trừng phạt những kẻ nổi loạn, những bày cá mập bơi theo tàu, bệnh sút móng vả các bệnh khác, lớp da trần lở lói của nô lệ nằm trên ván sàn nhớp nhúa, mùi hôi thối dưới khoang (ngay cả những thuỷ thủ táo tợn nhất cũng bị ngất xỉu dưới đó). Cái chết tàn nhẫn và chớp nhoáng, nhất là ở vùng xích đạo.
Khi ông ta đứng dậy ra về, tôi tặng ông một cái hộp đựng thuốc lá bằng vàng, ông trố mắt kinh ngạc và tíu tít cảm ơn. Hộp thuốc lá giá trị sáu mươi ghi-nê. Ba chuyến sau cùng, thuyền trưởng đem về cho tôi sáu chục ngàn ghi-nê Quyền lực và của cải trên đời này rõ ràng tương ứng với khoảng cách của ta đối với các phương tiện vật chất làm ra của cải. Càng xa cơ sở bao nhiêu, càng có nhiều quyền lực bấy ấy nhiêu. Mỗi một bất trắc xảy ra cho sĩ quan thì người lính phải trải qua trăm bất trắc, mỗi một ghi-nê người lính được hưởng thì ngài sĩ quan được hưởng một trăm ghi-nê.
Nô lệ làm việc ở đồn điền được trả lương bằng bữa ăn hàng ngày cộng thêm roi vọt, ngoài ra chẳng có gì khác. Thuyền trưởng Pavey chịu đựng gian khổ hiểm nguy trên mặt biển, ông ta sống không hơn một chủ tiệm tạp hóa hay một chủ quán rượu. Toi chẳng mó tay vào việc gì cả ngoài việc mó vào hàng chồng giấy bạc ở ngân hàng, từng đám mưa vàng rơi xuống đầu tôi để đền bù công ăn không ngồi rồi của tôi.
Trong cuộc đời này, mọi người đều có thể chọn ba kiểu sống mà chỉ có ba mà thôi.
Kiểu thứ nhất, ta nên làm như mọi người ; Đừng đểu cáng quá, đừng khốn nạn quá và hãy che đậy bản chất thối tha của ta bằng một kiểu ngông nào đó.
Kiểu thứ hai: Hãy bắt chước những thằng ngông thực sự, rũ sạch thối tha để trở thành con người đạo đức.
 Kiểu thứ ba: Hãy học làm một kẻ khôn ngoan. Biết làm mình thối tha, cho nên ta hãy sử dụng luôn sự thối tha ấy, học tập quy luật của nó, vượt lên trên những thằng đồng loại ngu hơn ta.
Về phần tôi, tôi đã chọn kiểu thứ ba.
“Tháng bảy 1789. Nếu mọi người nam và mọi người nữ, khi ân ái lại cũng gào lên như mèo, tôi thiết nghĩ chắc chẳng có người dân Luân Đôn nào chợp mắt khi đêm đến”.
“Tháng bảy 1789. Ngục Bastille thất thủ. Ngục Bastille muôn năm.
Mấy trang sau dành viết về cách mạng. Jeremy lật qua. Năm 1794, vị bá tước thứ năm đặc biệt chú ý tới sức khỏe của mình, Ông viết:
“Tôi nói với những người tới thăm tôi rằng tôi vừa ốm dậy và bây giờ tôi đã khoẻ. Thực ra không phải như vậy. Đối với tôi bây giờ, mọi thứ đều là khá muộn. Ốm đau, mệt mỏi, chết. Tên tuổi của tôi với vài ba kỷ niệm. Đấy là tất cả những gì còn lại. Về một sinh vật đã sống một cuộc đời. Coi như tôi đã chết rồi. Như là một bản chúc thư gởi lại cho bạn bè. Một mớ ngôn từ chẳng có ý nghĩa gì, một kỷ niệm về tôi thế thôi”.
“1794. Khi một người giàu có ốm nặng, anh ta giống như một chiến sĩ bị thương, bị bỏ rơi một mình trong bãi sa mạc. Bầy diều hâu mỗi lúc một sà xuống thấp hơn. Bầy chim chóc và lợn chó hôi thối mỗi lúc một thêm siết chặt vòng vây. Những kẻ thừa kế của một người giàu có sắp chết cũng làm như vậy, hoặc hơn vậy.
Khi tôi nhìn gương mặt của người cháu và tôi đọc được sự sốt ruột ẩn dưới cái vẻ ân cần thăm hỏi của hắn, thì lập tức máu tôi lại sôi lên, tôi lại thấy người khoẻ thêm một chút. Tôi muốn sống thêm một chút để tước đoạt lại nguồn hạnh phúc của hắn (hắn hy vọng bệnh tôi tái phát, hắn nghĩ tôi đang nằm trong tay hắn)”
“1791. Cuộc đời là một tấm gương. Hình ảnh ta nhìn thấy trong đó là hình ảnh của chính ta”.
“Tháng giêng 1795. Tôi thử ứng dụng cách chống già của vua David (1), nhưng tôi thấy cách ấy chưa đủ. Thân nhiệt không thể đối lưu, chỉ có thể bùng cháy. Khi tia lửa sắp lụi tàn, thì có đưa bùi nhùi vào cũng không thể làm bừng lên thành ngọn lửa được
Các vị Cha cố nói là nhờ có một người chịu đau khổ thay ta mà ta được cứu rỗi. Có thể như vậy. Nhưng tôi dám nói rằng đi tìm khoái cảm giùm cho người khác là chuyện không thể có”.
“Tháng bảy 1796. Những cái hồ trong đất Hauberk được các thầy tu đào từ thời Mê tin quanh ngôi nhà hiện nay, xưa vốn là Thánh đường. Thời vua Charles đệ nhất, ông cố ba đời của tôi cho đính vào đuôi năm mươi con cá chép niên biểu của người. Giờ còn độ hai mươi con, tôi vẫn đếm mỗi khi chúng nghe chuông báo hiệu, trồi lên mặt nước đớp mồi. Nhiều con khác còn to hơn nữa có lẽ sống sót từ thời vua Henry giải tản các cộng đồng Thiên Chúa. Nhìn chúng tung tăng dưới làn nước, tôi thường ngạc nhiên về sức vóc cũng như sự nhanh nhẹn của chúng. Những con to nhất có lẽ sống từ khi quyển “Ảo mộng” (2) ra đời, những con bé hơn có thể là những kẻ đương thời của tác giả “Thiên đường đã mất” (3). Vị này tìm cách thanh minh, cho thái độ của Chúa đối với loài người, có lẽ ông ta nên tìm cách giải thích thái độ của Chúa đối với loài cá chép, thì thiết thực hơn.
Bọn triết gia thường làm mất thì giờ của họ và độc giả bằng những bài luận về sự bất tử của linh hồn, bọn luyện đan mất bằng bao thế kỷ để tìm ra nước thần hoặc hòn đá trường sinh.
Trong khi đó bao nhiêu ao hồ kinh rạch, bọn cá chép sống gấp ba lần nhà hiền triết Platon hay gấp nửa tá lần tuổi thọ của nhà luyện đan Paracelse. Bí mật cuộc sống trường tồn không thể tìm trong các trang sách mọt, cũng không ở trong vàng lỏng ngay cả thiên đường cũng không. Nó nằm giữa đống bùn, nó chờ người câu giỏi”.
Bên ngoài hành lang, chuông báo giờ ăn trưa. Jeremy xếp quyển vở của vị bá tước lại. Bước ra thang máy. Ông mỉm cười nghĩ tới lúc nói cho con lừa khoác lác Obispo biết rằng những ý nghĩ độc đáo của hắn về trường sinh đã có người phác họa từ thế kỷ 18.
Chú thích
(1) Khoả thân nhảy múa cho vợ xem. David - vua thứ hai của người Do thái (1010 trước Công nguyên)
(2) Khảo luận chính trị của Thomas More viết năm 1516
(3) Tập thơ của John Milton (1606-1674) viết về sự phản loạn của người đối với Chúa, xuất bản năm 1674