Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương 5

     ắng ông Stoyte, bữa ăn trưa náo nhiệt hẳn lên. Đày tớ yên chí phục vụ không sợ bị la rày. Jeremy yên chí nói chuyện mà không lo bị cụt hứng. Bác sĩ Obispo có thể kể mọi thứ chuyện nhảm nhí và Virginia có thể tự do cười bằng thích. Một phần con người cô không muốn cười để cho Sig đừng tưởng lầm là cô mê chuyện hắn, phần còn lại không cười không được bơi vì câu chuyện quả là tức cười, thêm nữa cô khoái vì trưa nay cô đỡ phải đóng kịch với Peter để cho bác Jo xem. Khỏi phải lừa bịp. Được một lần cô thật sự là cô. Khổ một nỗi, cái con người của cô ấy thực là thảm hại. Một cái “tôi” xương cốt mềm như cao su mỗi khi tên Sig sáp lại gần. Một cái “tôi” không giữ nổi lời hứa ngay cả với Đức Mẹ. Tiếng cười của cô vụt tắt.
Chỉ mình Jeremy đau khổ triền miên vì Obispo, vì sự vui nhộn của Virginia và cũng vì thủ đô Tây Ban Nha thất thủ. Hy vọng chiến thắng chủ nghĩa phát xít thế là tiêu tan. Anh chẳng bao giờ gặp lại các bạn chiến đấu. Chưa hết, chuyện Virginia cười vui chẳng nói làm gì, suốt cả bữa ăn cô chẳng ngước nhìn anh lấy một lần.
Mới đây thôi, cô còn tìm mọi cách để trò chuyện cùng anh, gợi chuyện Tây Ban Nha với anh, cả chuyện sinh học nữa. Cô đòi xem kính hiển vi làm cho anh luống cuống không lắp được thanh gương. Rồi anh gượng nhẹ đặt lên đấy tấm lông ruột cá cho cô xem. Trong lúc ngồi vào chỗ của anh, ghé mắt nhìn mớ tóc vàng của cô xõa quanh ống kính, để lộ bờ vai trần, trinh trắng làm anh ngạt thở. Anh phải có gắng lắm mới giữ mình không đặt lên đấy một nụ hôn.
Những hôm sau, anh không muốn cố gắng giữ mình nữa, nhưng cái phần đứng đắn trong con người anh lại thắng và anh lại cố gắng giữ mình.
Nhưng vài tuần nay, anh đã đổi ý kiến hay đúng ra là anh đã hết ý kiến. Tính tình Virginia thay đổi thế nào ấy. Từ thái độ trẻ con, ầm ĩ, bộc tuệch, cô trở nên lặng lẽ, khó hiểu. Không còn những câu đùa cợt nữa mà là một thái độ dễ thương, không phải là kiểu dễ thương đối với một người mà cô muốn làm cho chết mệt, cô dễ thương như một cô em, như một Maxơ. Peter nhớ tới maxơ dòng Ơn phước ở bệnh viện Géronne Tây Ban Nha. Người nữ tu trẻ ấy có đôi mắt to trên gương mặt trái xoan lai lái, giống như Đức Mẹ trong tranh. Kiểu người đang hạnh phúc không phải vì những chuyện xảy ra quanh minh, mà vì một cai gì ở bên trong, một cái gì khác thường mà đẹp, mà thiêng liêng, chỉ riêng mình cảm thấy. Maxơ dường như chẳng còn nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên đầu, cũng chẳng hoảng sợ khi nhìn một cái chân bị cưa. Hẳn là maxơ nhìn mọi vật ở tầm cao mà cụ Propter gọi là tầm cao vĩnh cửu. Ở tầm người, ta thấy sợ hãi, ta giận dữ, hoặc có bình thản thì cũng là thứ bình thản cố gắng. Còn maxơ thì bình thản như thiên thần, không phải cố gắng gì cả. Thời ấy, Peter khâm phục mà không hiểu. Bây giờ nhờ cụ Propter, anh vừa hiểu vừa khâm phục.
Đấy, đấy là gương mặt mà Virginia gợi anh nhớ tới trong mấy tuần qua. Có một sự chuyển hướng từ ngoài vào trong, từ thái độ tự nhiên sang thái độ kín đáo. Cô không còn là trẻ con nữa, đó là một người em gái. Thế mà có lúc em gái quên hẳn anh - nữ tu Dòng Ơn phước tự quên hẳn mình đi - đến mức nghe những chuyện tởm lợm của Obispo lại toét miệng cười. Nhưng sau cái cười, gương mặt Virginia lại trở nên xa xôi, bí mật. Nữ tu Dòng Ơn phước sực nhớ tới mình cũng nhanh như khi tự quên mình: Chuyện ấy thì chịu, Peter không sao hiểu nổi.