Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương năm

     eremy mặc quần áo chỉnh tề ngồi trong căn hầm dưới lâu đài được tạm dùng làm bàn giấy. Mùi bụi khô ngái của đống hồ sơ cũ bốc lên đầu ông như một loại thuốc làm say choáng váng. Hàng nghìn tập tư liệu do biết bao thế hệ của họ hàng Hauberk để lại chất đống qua năm tháng. Hauberk chồng lên Hauberk, Nam tước chồng lên hiệp sĩ, thái ấp chồng lên công quốc, rồi Hầu tước Hauberk chồng lên Bá tước Hauberk, đến người cuối cùng, vị Bá tước thứ năm. Sau vị này, cơ đồ suy sụp chả còn gì. Chỉ còn những văn bản thừa kế, một ngôi nhà cũ và hai bà gái già ngày càng chìm nghỉm trong gia thế hãnh diện mà nghèo túng cuối cùng, nghèo túng hơn là hãnh diện - hai bà gái già tội nghiệp!
Hai bà đã thề là không bán kho gia phả này, nhưng cuối cùng cũng đành ưng thuận, nhượng lại cho ông Stoyte. Kho hồ sơ được gởi sang California. Bây giờ thì hai bà có thể yên trí hưởng hai đám tang linh đình của mình. Và đến đấy là chấm dứt sự nghiệp nhà Hauberk.
Một mâm cỗ thịnh soạn, một mảnh lịch sử Anh quốc.
Như đứa bé khua tay trong thùng cám để tìm món quà tặng mà nó biết là sẽ thú vị. Jeremy khui thùng đầu tiên, lấy ra một bọc và cắt dây buộc. Giấy má lộn xà ngầu. Một quyền sổ chi tiêu trong thái ấp năm 1576 và 1577; Câu chuyện của một người trong họ Hauberk kể về chuyến chinh phạt Alexandrette của Tôn ông Kenelm Digby; mười một bức thư bằng tiếng Tây Ban Nha của Miguel de Molinos [1] gửi cho phu nhân Anne Hauberk làm cho bà này bỏ đạo Tin Lành theo đạo Thiên Chúa (một vụ bê bối trong gia tộc); một tập đơn thuốc trị bệnh ghi bằng thứ chữ viết đầu thế kỷ 17; một tập khảo luận “Về cái chết” của Drelincourt; một quyển sách đã bị sứt gáy: tập “Felicia” hay là “Thời niên thiếu hoa nguyệt của tôi”. Tác giả: Andred de Nerciat [2].
Jeremy mở bọc thứ hai lục ra tập Di cảo của vị Bá tước thứ ba nhan đề “Những suy nghĩ trối lại về âm mưu của Giáo chủ vừa qua”. Giữa xấp tài liệu có một lọn tóc đàn bà màu nâu sáng, Jeremy đang ngẫm nghĩ về lọn tóc thì có tiếng gõ cửa.
Ông ngẩng lên. Một người đàn ông mặc áo choàng trắng đang tiến tới. Người lạ mặt cười nói:
- Hy vọng không quấy rầy anh. - Thật ra thì anh ta đang quấy rầy - Tôi tên là Obispo. Bác sĩ Sigmund Obispo, thầy thuốc của “nhà vua” Stoyte đệ nhất, mà chúng ta hy vọng là Stoyte cuối cùng...
Anh ta cười vang tự thưởng thức câu khôi hài của mình, rồi thuận tay với luôn một bức thư của Molinos, điệu bộ khinh bạc như một nhà quý tộc giữa đống rác rưởi. Anh ta đọc:
- Ame a Dios come es en si y no come se lo dice y forma su imaginacion [3].
Anh ta nhìn Jeremy mỉm cười:
- Yêu Chúa nơi Người! Nói dễ, làm khó. Yêu một người đàn bà nơi nàng đã khó, tuy rằng nàng đã có một cơ sở vật chất hẳn hoi, cơ sơ mà ta gọi là “đàn bà”. Cơ sở đôi khi khá dễ thương. Chứ còn Chúa chỉ là tinh thần, nói cách khác do tưởng tượng thuần túy mà ra.
Jeremy mỉm cười, bối rối:
- Không cần phải để ý đến ý nghĩa của những câu ấy làm gì. - Và để khỏi tranh luận lôi thơi, ông chế giễu luôn công việc mình làm - “Lục lọi trong đống rác rưởi, kể cũng có nhiều cái thú đấy chứ!”
Bác sĩ Obispo cười xòa, đấm vào lưng Jeremy:
- Khen cho anh. Anh rất thẳng thắn. Anh nói công việc đối với anh chỉ là một thú vui. Tôi cũng vậy, tôi coi ngành sinh học bé nhỏ của tôi là một thú vui. Ngày xưa, cũng có thời tôi đã từng mê sách cổ.
Jeremy hắng giọng, đưa tay sờ đầu, mắt sáng lên, thưởng thức trước câu đùa sắp nói. Nhưng chàng bác sĩ không để cho ông có thì giờ, anh ta nhìn đồng hồ và đứng dậy.
- Tôi muốn giới thiệu với ông, phòng thí nghiệm của tôi. Từ giờ đến bữa ăn còn thừa thì giờ.
Jeremy muốn ở lại với cái kho báu của mình, nhưng tính vốn nể nang nên ông miễn cưỡng đứng dậy theo Obispo.
Ra tới cửa, bác sĩ mào đầu về chuyện trường sinh - chuyện ngành nghiên cứu của anh ta khi tốt nghiệp y khoa - nhưng lúc đầu vì sinh kế, anh ta không thể đeo đuổi. Các con bệnh thường giết chết những công trình nghiên cứu. Làm thế nào được khi phải dốc hết thì giờ để thăm bệnh, khám bệnh rồi trị bệnh. Anh ta nói bệnh nhân có ba loại: loại tưởng mình là mắc bệnh, thực ra không có bệnh gì hết, loại có bệnh và sẽ khỏi; loại có bệnh và tốt nhất là nên chết đi cho rồi... Đối với những ai có khả năng tiến hành các công trình dài hơi, thì đừng nên mất thì giờ ở phòng mạch. Nhưng “Sức ép kinh tế” đâu phải chuyện đùa. Anh ta chắc sẽ mòn đời trong con đường tắt tị ấy, thế rồi Jo Stoyte bỗng nhiên xuất hiện. Đúng là của trời cha.
- Chúa ban cho ta một món quà khủng khiếp! - Jeremy lẩm nhẩm câu thơ của Colleridge.
- Dạo ấy Stoyte đang thập tử nhất sinh, hai mươi kí lô thịt thừa, vừa bị một cơn xung huyết. Không nặng lắm, nhưng đủ để lão già xuẩn ngốc toát mồ hôi lạnh. Thế nào gọi là chết khiếp! Ha ha! (hàm răng trắng dã của bác sĩ Obispo lóe ra như một con sói đang cười) Với lão Jo thì đó là một sự hoảng loạn. Lão gần như chết khiếp!
Nhờ vậy bác sĩ Obispo được hưởng lương hậu, có phòng nghiên cứu về trường sinh, có người giúp việc. Anh ta tiến hành nghiên cứu hóa sinh, ở nghĩa địa Berkeley. Những thí nghiệm trên loài khỉ ở Braxin, những chuyến nghiên cứu về rùa ở quần đảo Galapagos. Tất cả những gì cần cho một nhà khoa học, kể cả lão già Jo để làm vật thí nghiệm, ông ta sẵn sàng nhận mọi liệu pháp với hy vọng kéo dài tuổi thọ.
Thời ấy, Obispo chỉ cần làm thế nào ngăn không cho lão lên cân, tráng thận, kích dục bằng cách tiêm tinh dịch, theo dõi tĩnh mạch cho lão. Hiện giờ anh ta đang tiến tới hoàn thành một công trình mới, nhiều hứa hẹn. Trong vài tháng nữa, có thể là vài tuần nữa, và lúc ấy sẽ công bố kết quả.
- Hấp dẫn thật đấy! - Jeremy lễ phép nói. Họ đi dọc một hành lang hẹp quét vôi, ánh sáng lờ mờ.
Bác sĩ Obispo lại tiếp tục câu chuyện trường sinh.- Vấn đề này mới ở giai đoạn tiền khoa học thôi. Thống kê, khảo sát, chưa có một lý thuyết tổng quát; một mớ sự kiện vậy thôi. Nhưng mà là những sự kiện rất lạ, những dị chứng khác thường. Thí dụ tại làm sao mà một con ve sống lâu bằng một con bò mộng? Một con chim yến sống lâu bằng ba đời cừu? Làm sao mà lũ chó mới mười bốn năm đã già còn bọn két thì hơn trăm tuổi vẫn thanh xuân? Làm sao mà ở giống người chúng ta, đàn bà mới bốn mươi, năm mươi đã thôi đẻ, hả ông? Còn các mụ cá sấu thì đến ba trăm tuổi, vẫn đẻ sòn sòn. Lạy Chúa, làm sao mà một con cá chép sống đến hai trăm năm vẫn trẻ, còn cái lão Jo Stoyte nhà tôi...
Từ một ngóc ngách hành lang, hai người khiêng một cái cáng bỗng đổ xô ra, trên cáng là hai cái xác ướp của hai bà nữ tu. Họ đâm sầm vào Obispo.
- Đồ chó chết! - Bác sĩ Obispo hét lên.
- Chính anh là đồ chó chết!
- Các người không có mắt sao?
- Câm mồm!
Bác sĩ Obispo khinh bỉ quay người, tiếp tục bước. Hai người kia nói với theo:
- Anh là cái thá gì chứ?
Jeremy tò mò nhìn hai cái xác ướp.
- Nữ tu Cát minh chân đất. - Ông thì thầm. Thưởng thức một hình tượng văn chương thú vị, ông nhắc lại lần nữa - Cát minh chân đất! [4]
Anh khiêng cáng đi sau hiểu lầm bèn trợn mắt quát:
- Chân đất đấy, thì sao?
Jeremy lẳng lặng chạy theo Obispo. Cuối cùng anh ta dừng chân lại trước một căn phòng, mở cửa bước vào:
- Tới nơi rồi! Ta vào thôi.
Mùi cồn lẫn với mùi chuột xông lên nồng nặc, Jeremy bước vào. Đúng là chuột thật, từng lồng chuột chồng lên nhau suốt một dãy tường đối diện. Bên trái ba cửa sổ đục thông qua triền đồi, trông ra cái sân tennít và viễn cảnh vườn cam cùng với đồi núi. Ngồi trước một trong ba cửa sổ ấy, một anh thanh niên nhòm qua kính hiển vi. Anh ta ngẩng lên, mái tóc vàng bù xù, quay lại nhìn hai người, vẻ mặt chất phác ngây thơ như trẻ con.
- A! Bác sĩ đấy ư? - Anh ta nở một nụ cười khả ái.
- Trợ lý của tôi, Peter Boone. - Obispo giới thiệu - Peter xin giới thiệu với cậu, ông Pordage.
Pcter đứng lên, người to cao như một lực sĩ. Khi nghe Jeremy gọi là ông Boone, anh ta cười nói:
- Xin hãy gọi tôi là Peter. Mọi người ở đây đều gọi tôi là Peter.
Jeremy ngẫm nghĩ xem có nên bảo Peter gọi mình là Jeremy không, nhưng vì ông chần chừ lâu qua nên bị lỡ dịp.
- Peter là một chàng trai thông minh - Bác sĩ Obispo nói bằng giọng che chở, ra điều âu yếm - Anh ta nắm vững khoa sinh lý, lại khéo tay nữa. Đây là nhà giải phẫu chuột giỏi nhất mà tôi được biết trên đời.
Peter mỉm cười, hơi ngượng, không biết phải trả lời sao cho phải.
- Có điều anh ta đề cao chính trị hơi quá mức. - Bác sĩ Obispo nói tiếp - Đấy là khuyết điểm duy nhất của anh ta. Tôi đã tìm cách chữa trị nhưng chưa có kết quả lắm, cho tới nay. Có phải không Peter?
Chàng trẻ tuổi lại cười:
- Vâng, không kết quả lắm - Và anh ta quay sang Jeremy - Ông đã biết tin gì về Tây Ban Nha chưa?
Jeremy lắc đầu.
- Thật là khủng khiếp. - Peter buồn rầu nói - Khi tôi nghĩ tới những con người ấy, không máy bay, không đại bác...
- Ồ! Vậy thì tốt nhất là đừng nghĩ tới, khỏe hơn! - Obispo khuyên.
Chàng thanh niên im lặng nhìn anh ta một lúc rồi rút đồng hồ ra xem và nói:
- Có lẽ tôi lên bể bơi một chút trước giờ ăn. - Rồi anh ta bước ra cửa.
Bác sĩ Obispo lấy một cái lồng chuột dí gần sát mũi Jeremy.
- Đây là những con đực đã được tiêm tinh dịch. - Anh ta lắc cái lồng làm lũ chuột kêu chí chóe. Anh ta lại tiếp tục nói làm cho Jeremy thấy khó chịu - Bọn chúng quả có hoạt bát hơn, nhưng phiền một nỗi hiệu quả chỉ nhất thời. Anh đặt cái lồng vào chỗ cũ - Nhưng nhất thời dễ chịu còn hơn là nhất thời khó chịu! Vì vậy tôi đã dùng trị liệu Testerone đối với lão Jo. Không phải vì lão ta cần lắm đâu, với cô bé Virginia bên cạnh.
Nói tới đó bác sĩ Obispo cho tay lên bịt miệng, nhìn về phía cửa sổ:
- Lạy Chúa tôi! Hắn đã đi rồi. Tội nghiệp, thằng bé đang yêu! Hắn nghĩ cô bé Virginia là một thần tượng của nhà thơ, trong suốt như pha lê. Tháng rồi, có người nói xa gần rằng con bé ấy với lão già... Thế là hắn định đánh người ta. Hắn nghĩ con bé ấy làm gì ở đây chứ? Con bé nói chuyện với bác Jo về các dải thiên hà chắc? Và hắn thấy hạnh phúc. Ôi! Thôi mặc kệ hắn, chẳng cần nói nữa!
- Nhưng trở lại vấn đề bác Jo. - Anh ta lại tiếp, với nụ cười độ lượng - Cô gái ấy trong nhà cũng ngang với trị liện bằng tinh dịch đấy. Nhưng tiêm hormone, chỉ có tác dụng nhất thời. Brown - Sequart và Voronoff và nhiều ngưỏi khác đã lầm. Họ cho rằng cường độ dục tính giảm là nguyên nhân lão hóa. Thật ra nó chỉ là một triệu chứng thôi. Sự lão hóa  bắt đầu ở những nguyên nhân khác. Chính lão hóa ảnh hưởng đến bộ máy sinh dục, đến toàn bộ cơ thể. Trị liệu tinh dịch chỉ là kích thích, những ngọn roi dùng để quất vào các lão già. Nó chỉ giúp anh trong chốc lát, không ngăn được cái già đang xồng xộc theo sau anh.
Jeremy cố nén một cái ngáp.
- Ví dụ, - Obispo lại tiếp tục - tại làm sao nhiều giống thú sống lâu hơn người mà cứ sung sức. Không rõ loài người chúng ta mắc sai lầm về sinh lý vào lúc nào, vào bộ phận nào? Bọn cá sấu đã tránh được sai lầm đó, rùa cũng vậy, cả một số loài cá. Đây anh xem.
Anh ta bước tới vách kéo tấm màn che để lộ ra một bồn nước lớn bằng thủy tinh đặt âm trong triền đồi.
Trong làn nước lờ mờ, hai con cá chép khổng lồ ngậm môi nhau, mang phe phẩy nhịp nhàng, liên tục phun từng dòng bọt khí lên mặt nước, xung quanh chúng. Lũ cá bé thỉnh thoảng vọt lên, vẩy ngời ánh bạc. Đang mê mẩn khoái lạc, hai con cá khổng lồ chẳng thèm đếm xỉa tới ai.
- Hai con cá chép này sống dưới hồ một lâu đài cổ ở Franconie, tôi quên mất tên. - Obispo vẫn tiếp tục - Đâu như vùng Bamberg. Gia đình ấy đang sa sút, nhưng lũ cá là một gia tài quý, không thể nào mua được. Jo Stoyte bèn dùng một khoản tiền lớn, thuê người đánh cắp hai con cá đem ra khỏi xứ trong một cái bồn đặc biệt lắp dưới gầm xe. Mỗi con cân năng ba mươi ký lô, dài một mét hai. Cái vòng gắn đằng đuôi đeo một đồng tiền bạc niên biểu 1761.
- Năm mở đầu thời kỳ của mình đây - Jeremy lẩm bẩm, bắt đầu chú ý câu chuyện. Một ngàn bảy trăm sáu mốt, năm Fingal ra đời. Ông cười một mình. Hai con cá chép với thi hào Ossian, nhà thơ yêu thích của Napoléon, hai con cá chép với những lời thầm thì mở đầu khổ thơ tuyệt diệu: “Hoàng hôn xứ Celtes”. Đề tài hấp dẫn cho một bài tùy bút của mình. Hai mươi trang khảo luận uyên bác xen lẫn chuyện cá mú! - Jeremy mỉm cười.
Nhưng bác sĩ Obispo không để yên cho ông thưởng thức những ý nghĩ ấy. Anh ta lại bắt đầu:
- Vậy thì, hai con cá chép kia gần hai trăm tuổi, sức khỏe vẫn dồi dào. Không một triệu chứng lão hóa, không có gì chứng tỏ là chúng không sống thêm ba hoặc bốn thế kỷ nữa. Còn anh! - Obispo quay lại chỉ vào Jeremy như quan tòa buộc tội - Còn anh thì chưa qua tuổi trung niên mà đầu đã hói, mắt đã mờ, răng đã rụng ít nhiều. Không làm nổi cái gì dài hơi một chút; táo bón kinh niên, đúng không nào? Trí nhớ giảm sút, tiêu hóa thất thường, gân cốt mòn mỏi nếu không nói là hết cốt!
Jeremy gượng cười và ở mỗi câu dẫn tội ông lại gật đầu ra vẻ thú vị. Trong lòng, ông vừa cảm thấy buồn vì lời chẩn đoản quá đúng, vừa thấy giận ông thầy thuốc. Tự giễu mình già sớm là một chuyện, còn khi nghe kẻ khác nhận xét mình như một sinh vật thua kém bọn cá chép, đấy lại là chuyện khác. Nhưng ông vẫn tiếp tục mỉm cười gật đầu.
- Vậy thì một bên là ông đây, đằng kia là lũ cá. - Obispo tiếp tục - Vậy thì tại làm sao mà công việc làm ăn về đường sinh lý của ông chẳng ra gì? Hay, nói cho đúng, tại làm sao và bằng cách nào ông đã vi phạm cái điều sai lầm khiến cho ông rụng cả răng lẫn tóc về nó sẽ sớm đưa ông xuống mồ?
Anh ta khép tấm màn che lại, cầm tay Jeremy đưa tới trước dãy lồng chuột.
- Anh nhìn những con chuột kia.
Jeremy nhìn và chẳng thấy gì lạ cả, liền hỏi:
- Chúng làm sao?
Obispo cười:
- Nếu chúng là người thì chúng đều là những cụ ông, cụ bà ngoài trăm tuổi cả đấy.
Anh ta bắt đầu nói, giọng hăm hở, phấn khích về rượu béo, về lông ruột [5] ở loài cá chép. Bí mật nằm cả ở đấy, chìa khóa của mọi vấn đề lão hóa trường sinh nằm cả ở đấy. Ở giữa các steror [6] và hệ mao mạch trong ruột loài cá chép.
- Ồ! Cái lũ steror ấy! - Bác sĩ Obispo chau mày, lắc đầu khi nhắc đến tên - chúng gắn liền với lão hóa. Trường hợp dễ thấy nhất là Cholesteron. Một sinh vẫt được gọi là già, khi nó tích lũy Cholesteron trên thành động mạch...
Anh ta kết luận: Một là rượu béo trong cá chép không tích tụ quá mức; Hai là Steror lành không biến thành Steror độc ở cá chép; Ba là sự miễn nhiễm ấy do tính chất hết sức đặc biệt của lông ruột ở loài cá chép. Cho nên một con chép có thể sống đến hai trăm năm mà vẫn thanh xuân.
Lòng ruột non ở cá có thể ghép vào ruột loài có vú?
Ngoài hành lang, một hồi chuông báo hiệu giờ ăn trưa đã đến. Hai người bước ra ngoài, xuống thang máy. Bác sĩ Obispo vẫn tiếp tục:
- Nhưng lũ chuột dường như có vẻ nản chí. Bây giờ tôi bắt đầu thử nghiệm ở những con vật to hơn. Nếu có kết quả ở chó và khỉ, thì tôi chắc cũng có kết quả ở bác Jo!
Chú thích:
1] Miguel de Molinos (1610-1697) Lý thuyết gia Thiên Chúa giáo. Bài bác giáo hội La Mã, bị bắt giam, chết trong ngục.
[2] Andred de Nerciat (1734-1801) Nhà ngoại giao, nhà văn Pháp. Tác giả nhiều quyển sách dâm loạn.
[3] Yêu chúa nơi Người, không như nơi hình ảnh ta nghĩ về Chúa.
[4] Dòng tu Carmel (Cát minh) thành lập từ giữa thế kỷ 15, theo giáo lý khổ hạnh Nữ tu Cát minh đi chân đất, ở nhà tu kín. Còn trong giới quý tộc Âu châu thời ấy, cho mãi tới thế kỷ 18, đàn bà có thể để vai trần, nhưng để chân trần thì bị coi là “hở hang”. Jeremy hẳn thú vị chuyện ấy trong đoạn này.
[5] Lòng ruột - Slore - cấu tạo của niêm mạc làm nhiệm vụ ngăn chặn dị thể xâm nhập vào nội tạng đồng thời hấp thu chất dinh dưỡng vào máu. Ruột non và tá tràng chứa khoảng bốn triệu “lông” trên diện tích 5 mét vuông.
[6] Steror: cấu trúc vòng kín của cáo loại rượu béo: Cholesterol, ergosterol... trong máu, phát kiến năm 1933.