Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương tám

     ng Propter ngồi trên chiếc ghế ngựa dưới cây trắc bá to nhất. Về phía tây, dãy núi chỉ còn là một vết đen in trên nền trời, nhưng trước mặt ông, về phía bắc, trên những triền núi cao, ánh sáng và bóng tối vẫn còn đang tranh chấp, ửng hồng trên bề mặt, tím sẫm ở những vùng sâu. Ngang tầm mắt, tòa lâu đài được bao bọc trong một ánh hào quang rực rỡ, lãng mạn không thể tưởng.
Ông nhìn tòa làu đài, nhìn ngọn núi, rồi nhìn lên bầu trời mờ nhạt trên cao qua tán lá. Ông nhắm mắt lại nghĩ tới câu Đức Hồng y Beruile trả lời câu hỏi “Con người là gì?”.
Nghĩ lan man một lúc, rồi ông trở lại những chuyện làm ông bận rộn trong ngày. Ông nhớ lại buổi nói chuyện ban sáng với Hansen, viên quản lý bất động sản của Jo Stoyte. Hansen lợi dụng tình trạng nhân công thừa ế để bóc lột họ. Trong các đồn điền ông ta quản lý, trẻ em phải làm việc suốt ngày ngoài nắng với đồng lương hai ba xu một giờ. Tối đến, người làm trở về những túp lều dựng ven sông, Hansen thu tiền thuê mỗi căn lều như vậy một tháng mười đô la.
Mười đô la một tháng để chết cóng vì rét, ngủ trên phản đầy rận rệp, dễ bị kiết lỵ, thấp khớp. Chuyện ngược đời là Hansen không phải là người xấu. Thấy ai đánh chó, ông bất bình, ông nhảy tới bênh vực một đứa trẻ bị ức hiếp, một người đàn bà bị hành hạ.
- Đấy là chuyện khác. - Ông ta nói.
- Khác ở chỗ nào? - ông Propter vặn.
Đó là chuyện khác còn đây là do bổn phận của ông. Hansen nói vậy. Nhưng bổn phận gì mà lại coi người lao động như nô lệ? Hansen nói đây là bổn phận của ông đối với đồn điền. Ông không làm cái gì xấu để thu lợi cho ông cả.
Làm điều xấu vì kẻ khác và làm điều xấu vì chính mình nào khác gì nhau? Ông Propter hỏi. Kết quả vẫn thế. Người lao động không bớt đau khổ khi anh làm cái chuyện mà anh coi là bổn phận hoặc cái chuyện làm lợi cho riêng anh.
Nói chung, với Hansen, kết quả chả đi đến đâu. Ông Propter nghĩ chắc ông phải thử lần nữa với Jo Stoyte. Thường thường Jo chẳng chịu nghe nói rằng đồn điền là chuyện của Hansen. Thật là tiện lợi. Hắn chẳng dễ gì để cho thiên hạ gỡ gạc.
Từ Hansen tới Jo Stoyte, ông nghĩ lan man sang cái gia đình của gã làm thuê tỉnh Kansas mà ông cho ở nhờ sau bếp… Nghĩ tới ba đứa nhỏ suy dinh dưỡng, răng đã bắt đầu sún, tới người đàn bà gầy còm yếu đuối chẳng hiểu do những loại bệnh gì, đến anh chồng cục súc, buồn thảm, đầy hậu thù đối với chính bản thân.
Ông ngẩng đầu. Có tiếng chân bước tới. Peter Boone và anh chàng Ăng lê gặp trong ô tô đang tiến về phía ông dưới lùm trắc bá. Ông Propter giơ tay mỉm cười. Ông quý Peter. Anh ta có trí thông mình thiên bẩm, tấm lòng tốt thiên bẩm, tế nhị, hào hiệp, ngay thẳng yêu ghét. Những đức tính đẹp, dễ thương. Nhưng rủi thay, do kém định hướng, những đức tính ấy không đủ sức làm nên điều thiện, không đủ sức đạt được cái mà người ta thường gọi là sự giải phóng. Vàng ròng đấy, nhưng còn ở dạng quặng, chưa cô đặc. Sẽ tới một ngày nào đó anh chàng này học được cách sử dụng kho vàng của mình. Anh ta phải có ý thức học. Học để nhớ và để quên, phải quên đi nhiều thứ. Học đối với chàng này cũng khó như với anh chàng ở Kansas, có điều nó khó do những nguyên nhân khác nhau…
- Nào, Peter! Lại đây. Cậu còn đưa cả ông Pordage đến nữa. Hay lắm! - Rồi ông ngồi dịch ra giữa ghế nhường chỗ cho hai người ngồi hai bên. Trỏ tay về phía lâu đài, ông hỏi Jeremy:
- Thế là anh đã làm quen với con Chằn tinh?
Jeremy nhăn mặt gật đầu nói:
- Tôi nghe lời ông, nhớ lại cái tên của ông ta ở trường. Quả có thấy dễ chịu hơn.
- Tội nghiệp Jo! Những người mập cứ bị coi là những người sung sướng! Nhưng có ai bị người đời chế giễu mới biết điều đó. Cái kiểu vui cười, kiểu tự đùa cợt, chẳng qua chỉ là một cách trách né, một vấn đề phòng bệnh. Họ tự tiêm ngừa bằng cái chất lố bịch giữa họ để khỏi bị dị ứng khi người ta chế giễu họ.
Jeremy mỉm cười. Ông biết quá rõ chuyện ấy, nói:
- Đó là cách gỡ bí hay nhất khi người ta mập…
Ông Propter gật đầu:
- Nhưng rủi thay, Jo không dùng cách đó. Jo là loại mập hù dọa người, bịp người. Loại hành hạ anh và làm ra vẻ che chở anh. Loại thích chơi trội, mời các cô gái ăn kem, dù có phải ăn cắp mười xu trong ví của bà ngoại. Loại bị lật tẩy và tiếp tục khoác lác. Tội nghiệp Jo! Suốt đời hắn là một thằng mập loại ấy.
Ông lại chỉ về phía lâu đài, nói với Peter:
- Kia là ngôi đền hắn dựng lên để thờ chất xám suy thoái. Về vấn đề chất xám, công trình của cậu tới đâu rồi?
Peter đang triền miên trong những ý nghĩ về Virginia. Hàng trăm lần anh đặt câu hỏi vì sao cô ta lại bỏ rơi anh, hay anh đã làm điều gì không phải, hay cô ta mệt thật- hay vì nguyên do nào khác? Nghe đến tiếng “công trình” anh ngước lên và gương mặt anh lập tức sáng rỡ.
- Rất tốt! - anh nói và bằng những lời nồng cháy. Vắn tắt, anh báo cho ông Propter biết những kết quả thu được ở chuột và bắt đầu ở cả chó và khỉ nữa.
- Vậy nếu thành công thì chó của các anh sẽ ra sao?
- Thì tuổi thọ của chúng kéo dài chứ sao!
- Biết rồi, nhưng tôi muốn hỏi chuyện khác kia. Một con chó, tức là một con sói chưa phát triền hoàn chứ gì? Nó giống cái bào thai sói hơn là giống một con sói, đúng không?
- Peter gật đầu.
- Kể cũng đáng ngại đấy. Lũ chó của các anh đi thụt lùi trong quá trình trưởng dục.
Peter cười nói:
- Lúc ấy thì lũ chó Bắc Kinh mà các bà quận chúa già ôm trên tay sẽ trở mặt, đuổi cắn các bà. Khôi hài đấy nhỉ!
Ông Propter tò mò nhìn Peter, chờ anh ta đi sâu thêm vào vấn đề nhưng thấy anh ta lặng thinh, ông nói:
- Tôi thấy anh tìm được hạnh phúc trong công tác khoa học. Xin có lời mừng anh! - Và quay sang Jeremy ông nói:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì loài người đâu có nhờ to xác dần, như cái cây mà trở nên hoàn mỹ phải không anh?
- Cũng không phải nhờ sống lâu, sống ba trăm năm như một gốc thông! - Jeremy trả lời.
- Sống đến ba trăm tuổi, chúng ta sẽ làm gì hả ông? - Ông Propter hỏi - vẫn còn là “Tôn ông và học giả” chứ?
Jeremy húng hắng ho.
- Chắc chẳng còn là tôn ông được. Ngay từ bây giờ, đã bắt đầu rồi đây này! Lạy Chúa! - Và ông sờ tay lên cái đầu hói.