Người dịch: Trần văn Nuôi
Phần thứ nhất - Chương một

     ôi bên đã thỏa thuận trước bằng điện tín: Jeremy Pordage phải nhận ra người tài xế da màu mặc đồng phục xám, khuy áo cài một bông hoa nhỏ; còn người tài xế phải tìm một ông Ăng lê đứng tuổi, tay cầm tập thơ Wordsworth. Ga đông người, nhưng họ dễ dàng nhận ra nhau.
- Anh là người tài xế của ông Stoyte?
- Ông Pordage đây ạ?
Jeremy gật đầu. Dáng dấp thảm hại trong bộ quần áo buồn cười, ông dang hai tay về phía người tài xế, dang nửa chừng như một con bù nhìn, nửa như muốn xin lỗi, nửa lại như muốn khoe cái mẽ xấu xí của mình. Dường như ông muốn nói: “Trông thảm hại nhỉ, nhưng chính là tôi đấy!”.
Tự giễu mình chính là một kiểu tự vệ, một kiểu đề phòng quen thuộc ở ông. Ông dùng nó trong nhiều trường hợp khác nhau. Tự dưng ông lại nghĩ, trong cái xứ Viễn Tây này, không biết người ta có phải bắt tay tài xế không nữa? Nhất là đối với người da đen. Ông muốn tỏ rằng mình không phải là giống người thượng đẳng, rằng chính đất nước Anh của ông đã từng mang trách nhiệm nặng nề là phải bảo hộ người dân da màu.
Trong lúc ông đang phân vân như vậy thì anh tài xế ngả mũ, thực hiện vai trò là một kẻ đày tớ da đen kỳ cựu trên đất Mỹ. Hơi quá đáng một chút, anh ta khom người, cười toe toét đến tận mang tai và nói:
- Ông Pordage, kính chúc ông vui vẻ khi đến Los Angeles!
Và anh ta đổi giọng, chuyển từ long trọng sang thân mật:
- Ông không có quyển sách, tôi vẫn nhận ra ông mà!
Jeremy gượng cười. Một tuần trên đất Mỹ, ông đã thấy ái ngại cho giọng nói của mình, nó vốn là sản phẩm của Viện đại học Ba Ngôi Cambridge, mười năm trước chiến tranh: giọng nói êm nhẹ, gợi nhớ tới khúc kinh cầu chiều trong một ngôi nhà nguyện ở Anh.
Bên Anh, chẳng bao giờ ông chế giễu giọng nói ấy như ông từng chế giễu vẻ người hay tuổi tác của mình. Ở đất Mỹ này, thì lại khác. Chỉ cần gọi một tách cà phê hoặc hỏi nhà vệ sinh ở đâu (chán thật, họ cũng không gọi là “nhà vệ sinh” nữa!), chỉ vậy thôi là thiên hạ trố mắt nhìn ông như một thứ trò lạ ở khu giải trí.
- Anh khuân vác đâu rồi? - Ông ra vẻ bận rộn hỏi, gác lại vấn đề kia.
Vài phút sau, xe nổ máy. Ngồi đong đưa một mình đằng sau, xa tầm gạ chuyện của anh tài xế (ông hy vọng như vậy), Jeremy Pordage thích thú ngắm nhìn phong cảnh, chẳng còn muốn bận tâm tới chuyện gì nữa. Miền Nam California trải ra trước tầm nhìn.
Đầu tiên là khu ngoại ô ghẻ lở của người Phi châu, Nhật Bản, Mêhicô, Philippin. Cảnh xô bồ lai tạp của những màu da: Đen, Vàng, Nâu bát nháo. Và những người đàn bà trẻ trung (trang phục bằng tơ nhân tạo của họ mới đẹp làm sao!). Ông mỉm cười một mình.
Vùng ngoại ô lở lói dần dần nhường bước cho những dãy nhà cao tầng của khu thương mại.
Dân cư có vẻ Âu châu hơn. Mỗi góc đường một cửa hàng dược. Trẻ bán báo rao tin Franco đang tiến tới Barcelone. Phần đông các cô gái làm như vừa bước đi vừa lẩm nhẩm cầu kinh. Nhưng Jeremy phát hiện ra rằng các cô nhai kẹo cao su, nhai luôn mồm như vậy. Kẹo cao su chứ không phải là Chúa.
Chiếc xe hơi bỗng chui tọt vào một đường ngầm và thoát ra một thế giới khác, thế giới ngoại thành với những cây xanh và bảng quảng cáo hỗn độn, những căn nhà thấp trong vườn cây...
Xe hơi chạy về phía Tây, ánh nắng chiếu xiên từ phía sau tới, rọi sáng trên mỗi khu nhà, mỗi tấm bảng quảng cáo như một chùm đèn cố ý soi để khách mới tới nhìn cho rõ những gì cần nhìn.
Hãy dừng xe, đổ thêm xăng Super Consol!
Điều lạ lùng, người tài xế dừng xe thật, anh nói:
- Năm chục lít Super - Và quay lại phía Jeremy anh khoe - Công ty của chúng tôi đấy - Ông Stoyte là giám đốc! - Anh chỉ tay sang tấm bảng bên kia đường:
Cho vay tiền mặt trong mười lăm phút. Hãy hỏi ý kiến Công ty Dịch vụ tài chính chúng tôi!
- những cái kia cũng là của chúng tôi đấy! - Anh tài xế hãnh diện nói.
Anh ta ngoái lại nhìn Jeremy và vẫy tay yề phía tấm bảng Beverly:
- Cả cái kia nữa, cũng là của chúng tôi đấy! - Anh ta có vẻ đắc thắng như con mèo đi hia liệt kê tài sản của Hầu tước De Carabas.
- Anh muốn nói cả cái Lăng Beverly?
Anh da đen gật đầu.
- Nghĩa trang đẹp nhất thế giới! - Và sau một lúc lặng im, anh ta nói - Ông có muốn xem qua một tí chăng? Ngay trên đường đi, chẳng phải rẽ đâu xa.
- Thú vị đấy! - Jeremy nói, bằng cái giọng lịch sự của tầng lớp thượng lưu Anh. Rồi lại nghĩ, có lẽ nên tỏ ra bình dân hơn. Ông e hèm, rồi dùng luôn cái danh từ mới học được, ông nói - Hết xẩy! - Phát âm bằng giọng đại học Ba Ngôi Cambridge. Câu ấy nghe mất tự nhiên đến mức làm ông đỏ mặt. May quá, anh tài xế bận tránh xe nên không để ý.
Chiếc xe chạy vòng quanh một đỉnh đồi trọc màu da cam và bỗng nhiên một hàng chữ khổng lồ xuất hiện giữa trời:
Lăng Beverly, nghĩa trang của các nhân vật xuất chúng.
Ở bên dưới, một phiên bản rất to của ngôi tháp nghiêng Pisa [1].
- Ông thấy chưa? Anh da đen xúc động nói - Tháp Phục sinh đấy! Hai trăm ngàn đô! Nó đấy! - Anh ta nói bằng một giọng trân trọng, dằn từng tiếng. Anh ta ấn vào đầu ông Ăng lê cái cảm giác như chính anh đã bỏ tiền túi ra xây cái tháp vậy.
Chú thích:
[1] Tháp nghiêng Pisa - Thánh đường bảy tầng kiến trúc lộng lẫy cao 56 mét ở thành phố Pisa (Ý) xây dựng từ thế kỷ XI - bị lún nghiêng đến nay vẫn chưa đổ (ND).