Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương mười

     a người yên lặng đi về phía lâu đài. Peter nói trước!
- Đôi khi tôi nghĩ không biết có nên sống bằng đồng tiền của lão ta không? Ông nghĩ thế nào ông Propter?
- Nghĩ thế nào? Cứ tiếp tục làm công việc nghiên cứu. Nhưng coi chừng! Công việc ấy có lợi hay có hại? Phải thực dụng trong các vấn đề đó. Như Bentham (1) chẳng hạn.
Tội nghiệp Bentham? Jeremy nói khi nghĩ đến chuyện mình trùng tên với ông ta, cái tên hết sức thiểu não (2).
Ông Propter mỉm cười:
- Bentham, tội nghiệp thật! Con người quá hiền lành, thông minh biết bao, đồng thời cũng sai lầm biết bao! Ông ta không nghĩ rằng cái thiện là cái có rất ít tiền trên đời này.
- Vậy thì về mặt thực dụng, ông nghĩ thế nào về công trình nghiên cứu của tôi? - Peter hỏi.
- Tôi cũng không biết nữa. Tôi chưa nghĩ kỷ về vấn đề này, cũng chưa nhìn rõ kết quả để có thể kết luận. Có điều, nếu tôi làm công việc của cậu, tôi sẽ cẩn thận. Hết sức cẩn thận.
- Thế còn tiền? Tiền trong túi một anh nhà giàu như vậy, tôi có nên nhận không?
- Mọi thứ tiền ít nhiều đều bẩn. Không hiểu tiền của Stoyle có bẩn hơn các thứ tiền khác không Cậu, thì chắc cậu nghĩ là bẩn hơn. Nhưng tiền ở các viện nghiên cứu, các trường đại học là do hắn chu cấp cả đấy… Chỉ tại lần đầu tiên cậu trông thấy cái nguồn của nó, nên cậu tởm. Đây này, cậu như lũ trẻ con ở thành phố, quen uống những chai sữa bò lấy từ trong ô tô ra, sạch sẽ, trắng tinh. Rồi một ngày nào đó cậu về quê, cậu thấy sữa được vắt từ trong vú bò ra, chuồng bò thì hôi hám…
- Vậy cứ tiếp tục như bây giờ là đúng?
- Phải. Đứng ở chỗ nó không xấu hơn chuyện khác. - Propter nói và bỗng nhoẻn cười. - Nghe nói tiến sĩ Muige trưa nay lại được Stoyte tặng thêm ba chục ngàn đô la nữa. Tôi rất mừng. Một món tiền lớn cho Viện Nghệ thuật Tarzana. Bọn nhà giàu cũng có ích chỗ đó - bảo trợ trí thức. Bởi vì bọn chúng chịu một áp lực khá lớn của xã hội. Chúng vừa xấu hổ vừa tự hào nghĩ, ít ra chúng cũng là ân nhân của xã hội. Với tiến sĩ Mulge, thì bọn giàu có thể yên chí. Có thể lập ở Tarzana bao nhiêu trường nghệ thuât cũng được. Còn nếu tôi mà yêu cầu hắn bỏ ra ít tiền để tài trợ cho việc nghiên cứu kỹ thuật phát huy dân chủ chẳng hạn, hắn sẽ mời tôi đi chỗ khác chơi. Tại sao? Tại vì nguy hiểm chứ sao! Hắn thích nghe, thích diễn văn về dân chủ. Nhưng hắn không thích ai phát minh ra những sáng kiến thực hiện dân chủ. Cậu đã thấy hắn nổi khùng lên với cái máy be bé của tôi. Bởi vì trong lĩnh vực nhỏ nhoi ấy, nó cũng gợi ý đến chuyện đó.
Đúng lúc ấy, một luồng sáng cực mạnh đập vào mặt ba người.
- Cái gì vậy? - Jeremy giật mình kêu lên.
- Cái chùm đèn đó thôi. Lâu đài sợ bọn cướp - Peter nói.
- Cá tính của triệu phú Stoyte biểu hiện ra đấy.
- Ông Propter nắm tay Jeremy, - Nói cách khác hắn công bố cho mọi người biết là hắn sợ. Hắn sợ là vì hắn cầm quyền, là vì trong chế độ này, kẻ cầm quyền có một tiềm năng sợ rất lớn. Bọn ta hãy cố làm cho ra một chế độ trong đó, những kẻ khốn khổ như Jo đỡ thấy sợ.
Cái bừa mạ kềnh giở lên, hai cánh cửa chạy dạt sang hai bên để đón họ. Ông Propter tiếp tục nói:
- Phải làm một chế độ làm giảm tới mức tối thiểu cái tiềm năng hiện có về sợ hãi, băn khoăn, đau khổ, đồng thời với sự khao khát quyền lực. Nghĩa là về mặt kinh tế, con người phải được bảo vệ khá an toàn để xóa đi nguồn lo lắng ấy, có vừa đủ của cải để không bị kẻ giàu bắt nạt nhưng không để ai bóc lột kẻ khác…
- Giống như trong ruột xã hội nông dân thời cổ…
- Cộng thêm chút ít máy móc, chút ít năng lượng… Nhưng cộng đồng tự túc.
- Thế ai làm ra các cái khác? Những nông dân khác ư?
- Những cái khác thì cứ để như bây giờ, cho là một phần ba của cái xã hội đi. Hai phần kia làm ở nhà, làm tại chỗ…
- Ông nghĩ là mọi người vui lòng trở về nhà sao?
- Đấy, đấy! Tôi cũng đã nghĩ tới chỗ đó - Ông Propter cười - Thực thà mà nói, tôi biết rõ họ không rời bỏ thành thị, tôi cũng không chờ họ thôi đấu đá lẫn nhau, thôi làm cách mạng. Tới chỉ hy vọng sẽ có đôi ba người hưởng ứng…
- Chỉ đôi ba người thôi? Sao ông không nghĩ tới số đông? Phải nghĩ tới số đông chứ, bằng cách này hay cách khác.
- Cách này hay cách khác, đúng. Nhưng có những lúc chẳng làm gì được cả. Ta chỉ làm được khi người ta muốn hoặc người ta có thể cộng tác với ta. Hiện tình bây giờ là thế này. Dân chúng ở tất cả các nước phát triển đều bị đe dọa, tất cả đều muốn thoát ra khỏi hiểm hoạ treo trêu đầu.
Nhưng họ không muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nói cách khác, họ không thể cộng tác với ta, họ không chịu thay đổi…
- Vấn đề lại tắc tịt! -Peter cười và anh ngoảnh lại nhìn bức tượng nàng tiên của Bologne vẫn nhẫn nại phun hai tia nước lấp lánh qua nền trời đen như nhung.
Chú thích:
(1) Jeremie Bentha (1748 - 1832) triết gia thực dụng Anh. Khẩu hiệu của ông: “Hạnh phúc tối đa cho số đông tối đa”.
(2) Tiên tri Jeremie viết khổ thơ “Than khóc”, sau trở thành Thánh ca trong mùa lễ Trọng.