Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương 8

    
ng Bá tước thứ năm ghi trong sổ tay là năm chín mươi mốt tuổi ông có thêm hai người con ngoài giá thú. Ghi bằng những dòng chữ ngắn gọn, tỉnh khô, rất xứng với kiểu nói của các tôn ông quý tộc. Đoạn này nằm giữa đoạn thuật lại một cuộc tiếp xúc với Công tước Wellington và một đoạn nhận xét về nhạc Mozart.
Một trăm hai mươi năm sau khi sự việc xảy ra… bác sĩ Obispo, vốn không phải là một tôn ông người Anh liền vỗ đùi la lớn, làm như chính ông ta đã lập thành tích ấy.
- Ba nhé! Thưa quý vị! Ba! Quý vị thấy thế nào?
Jeremy thuộc hạng con nhà dòng dõi Ăng lê tỉnh bơ nói:
- Kể cũng khá. - Và ông tiếp tục đọc:
“Năm 1820, bá tước lại bị ốm, nhưng không nặng lắm. Ông chữa trị bằng ruột cá chép tươi và sức khỏe lại hồi phục, theo kiểu ông nói “sức khỏe của một gã trai tơ”. Năm kế đó, lần đầu tiên, sau một phần tư thế kỷ, ông tới thăm vợ chồng cô cháu gái. Caroline đã trở thành một bà lão. John đầu đã hói, hom hem như ông cụ.
 
Nghe tin Bonaparte vừa chết, Bá tước triết lý: Một con người thèm khát danh vọng và quyền lực, thèm được kích động, mà lại chỉ biết thoả mãn những cái đó bằng cách tiến hành chiến tranh và tranh giành quyền lãnh đạo thì quả là ngu xuẩn. Trong hòa bình và trong lĩnh vực gia dụng, cũng có những chiến công tương đương với chiến công của Alecxand Đại đế và của Bonaparte.
Trong lĩnh vực này người ta nói: tiến công vào tình yêu, chiếm lĩnh một con tim, chiếm lĩnh thân thể một người đàn bà. Những cách nói hùng hồn mà dễ thương làm sao!
Càng suy nghĩ kỹ. ông càng thấy chiến tranh và mưu đồ đế quốc là điều xấu, xấu vì ngu, ngu vì vô ích, bởi chẳng phải tốn quá nhiều đau khổ, nhọc nhằn, người ta vẫn cứ chiến thắng, vẫn cứ đô hộ được ở đằng sau bức màn the của một quận chúa hoặc trên ổ rơm của một cô gái nông thôn.
Rồi tới lúc nào đó, ta cảm thấy thú vui này trở nên nhạt nhẽo, cũng như các vị anh hùng thời cổ thấy nhàm chiến thắng đòi phải chiếm thêm nhiều lục địa mới, thì lúc ấy ta có thể trả thêm một đồng bạc hoặc chả phải trả thêm gì hết như tôi đã từng làm. Lúc ấy ta có thể dùng roi, dùng cùm, dùng bất cứ cách nào để hành hạ đối phương. Kẻ xâm chiếm cũng như người bị xâm chiếm đều thêm một chút đau đớn, một chút nhục thể trong cuộc tình. Nó như một món gia vị, như một chiến lợi phẩm phụ thêm.
Tôi cho rằng, khi một người chỉ chuyện tâm làm tiền thì đó là kiểu ăn vô tội nhất. Chuyên tâm làm tình càng vô tội hơn. Nếu gã Bonaparte kia có chút ít đạo đức, thì gã sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu đô hộ của hắn trong các phòng khách và phòng ngủ ở đồng quê xứ Corse, hắn sẽ được nhắm mắt yên lành trong gia quyến, và hàng trăm ngàn người vô tội ở đây vẫn còn sống, còn lành mạnh để mà truy tìm hạnh phúc.
Tất nhiên là họ sẽ dùng mắt, dùng tay, dùng cuộc đời họ một cách ngu xuẩn, cũng giống như những kẻ chưa bị Bonaparte sát hại còn sống đến bây giờ với chúng ta. Dù cho Đấng tối cao có vỗ tay hoan hô Bonaparte đã thanh toán giùm ra khỏi mặt đất lũ giòi bọ ấy, nhưng về phía mình, lũ giòi bọ lại nghĩ khác. Ở cương vị là một người bình thường chứ không phải là Đấng tối cao, tôi xin đứng về phía giòi bọ.
Bác sĩ Obispo mơ màng suy nghĩ. Ông nói:
- Anh có để ý thấy là phần đông chúng ta, ngay cả những thằng đểu cáng trơ trẽn nhất, cũng tìm mọi cách làm ra vẻ lương thiện. Ngay cả lão già này cũng thế. Thế mà lão lại bỏ công viết lách, để khoe rằng lão đạo đức hơn Bonaparte, tất nhiên thực tế mà nói, lão có khá hơn, nhưng phí công để mà nói ra điều đó quả là buồn cười.
- Nhưng cùng chưa thấy ai dám nói thực như lão.
- Cho nên buộc lòng lão phải nói vậy! Tôi định nói ra điều đó. Trong thực tế ta khó gặp Iago. Bao nhiêu người trên đời này làm tất cả mọi việc xấu xa, mà Iago đã làm, nhưng họ không chịu cho mình là hèn hạ. Họ thêu dệt lên một thế giới ngôn từ để chứng minh rằng những điều xấu xa của họ là đứng đắn. Tôi nghĩ lão già ăn ruột cá này không nằm trong đám đó, nhưng không, lão cũng như bọn kia thôi. Tôi có hơi thất vọng về lão đấy.
Jeremy lặng im, đọc tiếp:
“Năm 1823, Bá tước có nói chuyện với thi sĩ Colleridge. Ông cho rằng kiến thức của thì sĩ sâu quá nên cũng đục quá. Sâu nên đục - đặc tính của đầm hồ. Văn chương thì nên trong trẻo, đừng sâu quá, để cho người đời dễ dàng vén quần lội qua, không sợ chết đuối giữa dòng.
Năm 1824, Bá tước than phiền về đạo luật vừa ban hành cấm buôn nô lệ. Vậy là mỗi năm ông bị thiệt mất tám chín ngàn ghi-nê.
Năm 1826, dù thu nhập giảm sút ông vẫn không đành bỏ qua, xuất tiền mua bức “Hành hạ Thánh nữ đồng trinh” của Murillo.
1827 là một năm thua thiệt về tiền nong do cái chết của cô hầu phòng gây ra, chi tiết không nói rõ. Sổ chỉ ghi một món tiền lớn cho gia đình cô gái sau vụ phá thai.
Một thời gian sau, ông lại bị ốm. Ông mô tả tỉ mỉ tình trạng sa sút ở cơ thể, đặc biệt là ở mắt và môi. Điều trị bằng ruột cá một thời gian nữa, ông lại bình phục, tâm trí lại vui vẻ. Năm 1828 ông làm một chuyện du lịch tới Athènes, Constantinople và Ai Cập.
Năm 1831, ông thương lượng mua một ngôi nhà gần Farnham.
- Có lẽ là ngôi nhà hai bà gái già sau cùng của họ Hauberk đang ở. Ngôi nhà chứa những c ái này - Jeremy nói và chỉ hai mươi bảy thùng tài liệu. Ông đọc tiếp:
“Ngôi nhà cũ, tối tăm, không tiện nghi nhưng được cái là nằm giữa một khu vườn rộng, bên triền đồi, cạnh con sông Wev. Bờ sông nơi đây vách dựng đứng, nền đá nham vàng, mềm, dễ đào. Vì vậy ở bên dưới thềm nhà có những tầng hầm ngầm rất rộng. Hầm đào dễ đã đến trăm năm. Ngày xưa có lẽ dùng để chứa hàng lậu đưa từ bờ biền Hampshire vào. Người chủ nhà lúc đó sợ trẻ con lạc vào những căn hầm ngoắt ngoéo bên dưới, đã cho xây tường bịt bớt đi một số, nhưng số còn lại vẫn rộng thênh thang như những hầm mộ cổ. Dưới những tầng hầm ấy, một người đàn ông chắc chắn có thể làm theo mọi sở thích dù sở thích có quá quắt tới đâu đi nữa”.
Jeremy liếc lên đầu tập sách:
- Hơi ghê rợn anh thấy không?
Bác sĩ Obispo nhún vai:
- Chẳng có chỗ trú nào là an toàn cả. Bởi không có chỗ trú như anh vừa đọc đó cho nên tôi…- Câu nói nửa chừng buông lửng. Obispo nghĩ chắc mình không thể tiếp tục cho lão già Stoyte uống thuốc ngủ mãi như vậy được. “Quỷ bắt thằng già đi cho rồi!”.
Jeremy nói:
- Vậy là Bá tước mua ngôi nhà, cho tu bổ lại theo kiểu gôtic. Ông đặt một căn phòng dưới tầng hầm, đằng sau một hàng hiên dài ngoắt ngoéo. Dưới hầm ông tìm ra được một cái giếng nước ngọt, một đường ăn ngầm thông ra bờ sông. Nền đất khô ráo thoáng mát.
- Hắn làm cái quái gì ở đó? - Obispo hỏi.
- Làm sao tôi biết được? - Jeremy lướt nhanh phần còn lại. - Hiện giờ thì lão đang đọc một bài diễn văn ở Thượng viện Anh.
- Về vấn đề gì?
- Anh nghe đây: “Vào những ngày đầu của Cách mạng Pháp tôi đã làm cho mọi phe phái ở Anh phải phát khùng. Tôi nói: “Ngục Bastille thất thủ! Ngục Bastille muôn năm!” Bốn mươi ba năm đã trôi qua sau cái sự kiện dở hơi ấy là lời chuẩn đoán của tôi quả là chính xác, Những điều tàn bạo mới xuất hiện. Những điều tàn bạo cũ được phục hồi. Bây giờ thì tôi có thể nói: “Những kẻ ăn trên ngồi trước đã chết! Những kẻ ăn trên ngồi trước muôn năm!”
Quảng đại quần chúng không thể tự giải phóng, họ bất tài, không điều khiển nổi vận mệnh của chính mình, cho nên chính phủ bao giờ cũng thuộc về cường quyền bạo lực. Tôi khinh bọn quý tộc, bọn địa chủ, nhưng họ tự khinh họ còn hơn tôi nữa. Họ nghĩ là quyền bầu cử sẽ tước mất sức mạnh và đặc quyền của họ, còn tôi thì nghĩ, với một chút khôn ngoan quỷ quyệt mà trời phú cho họ quá nhiều thì họ cứ yên chí mà ngồi trên đầu thiên hạ. Cho nên bọn dân đen cứ việc bầu cử một trò bầu cử chẳng qua chỉ là một trò múa rối xem không mất tiền do người cai trị tổ chức để làm yên tâm kẻ bị trị”
- Trong một cuộc bầu cử hiện thời, chắc ông ta khoái chí biết chừng nào! Này, cái năm ông ta bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Để xem… - Jeremy nhẩm tính rồi nói: - Chín mươi bốn tuổi.
- Chín mươi bốn! Nếu không phải nhờ ruột cá, tôi không biết là lão nhờ cái gì nữa?
Jeremy im lặng đọc tiếp:
“Đầu năm 1833, ông tới thăm vợ chồng cô cháu gái nhân dịp sinh nhật Caroline sáu mươi tám tuổi”
- Không nói gì tới cái hầm ngầm nữa sao?
- Không, cô quản gia ốm và ông ta chữa cho cô ta bằng ruột cá.
- Tuyệt! Rồi sao nữa?
Jeremy lắc đầu:
- Trang sau nói về Milton.
- Thi sĩ Millon?
- Ông nói đọc văn chương Milton, ta thấy rõ tôn giáo sống là nhờ lạm dụng ngôn từ.
- Có thể ông ta có lý. Đọc tiếp đi. Cô quản gia rồi ra sao?
- Chắc chắn cô còn sống”. - Jeremy nói. Tôi thấy có một đoạn ngắn ghi là khi đàn bà tận tụy thái quá, ta dễ thấy nản.
- Nản! Kiểu nói quý phái! Tôi có biết những người đàn bà bám dai như đỉa đói, làm ta ngất ngư.
Dường như ông ta cũng không chủ tâm chung thủy lắm, đoạn này đang nhắc tới một cô gái lai da đen tên là Priscilla. Đây: “Cô gái tuyệt vời! Nàng ngu như một con mọi và hiểm độc như một mụ đàn bà Á châu!”
- Vẫn chua thấy nói về sức khỏe của Kate, cô quản gia.
- Ông ta còn gì nói nữa. Chắc ông ta nghĩ rằng chuyện đó phải như vậy.
- Tôi hy vọng ông ta sẽ trở thành một nhà khoa học. Bác sĩ Obispo thở dài nói.
Jeremy bật cười:
- Anh lo làm quái gì cho các vị Bá tước thứ năm và các vị Nam tước thứ mười một! Bọn họ trở thành nhà khoa học để làm cái gì chứ?
Jeremy lật sang trang khác, ông kêu lên:
- Ôi khủng khiếp! Ông ta đọc quyển “Phân tích hiện tượng tâm linh” của James Mill (1). Ở tuổi chín mươi lăm! Điều đó còn dễ sợ hơn là có một cô quản gia và một cô nhân tình trẻ. Đoạn văn viết:
“Thằng ngu bình thường chỉ là một thằng hèn và dốt. Muốn làm một thằng ngu cỡ lớn phải hiểu biết rộng và có nhiều tài năng. Ta phải công nhận như vậy đối với ông Bentham và lũ đồ đệ của ông. Sự điên khùng của họ bao giờ cũng ở tầm cỡ khổng lồ. Còn quyển “Phân tích của ông Mill thì đúng là một lâu đài đồ sộ của sự ngu dốt”.(2)
Đoạn kế tiếp nói về Hầu tước De Sade. À nhân thể, đến bao giờ anh mới trả lại tôi mấy cuốn sách?
Obispo nhún vai:
- Bao giờ cũng được. Tôi không cần dùng nữa.
Jeremy mừng rỡ đọc tiếp:
“Hầu tước De Sade là một tài năng lớn nhưng rủi thay, ông ta là người mất quân bình. Theo ý tôi, một tác giả sẽ đạt tới trình độ tuyệt đỉnh nếu anh ta hội đủ được ưu điểm của Hầu tước với ưu điểm của Butler và Sterne.
- Hầu tước cộng với giám mục cộng với mục sư!… - Jeremy trầm ngâm. Một quyển sách khá hấp dẫn đấy!
Jeremy đọc tiếp:
“Tháng mười 1833. Càng thụt sâu xuống sự sa đọa, ta càng hưởng cái thú được ngắm đỉnh cao trí tuệ của ta. Hành vi sa đọa chấm dứt, ta lại leo về đỉnh cao cũ và lại càng thấy thích thú”.
- Khá đấy! - Jeremy khen - Tới đâu rồi? À đây!
“Người Cơ đốc giáo nói nhiều về đau đớn, nhưng họ chưa đạt tới cốt lõi vấn đề. Đặc điểm của đau đớn chính là vô tận. Lạc thú thì không thế. Lạc thú có giới hạn, một toan tính vượt giới hạn đều biến lạc thú thành đau đớn. Cho nên người thực sự hưởng lạc là người tìm đau đớn chứ không phải tìm lạc thú. Tặng nhau một khối lượng lạc thú có giới hạn là hành vi của con người. Áp đặt sự vô tận mà ta gọi là sự đau đớn, đó là công việc của Chúa, đó là thiêng liêng”.
- Lão khốn kiếp! Khi về già lại nhào vô thần học. Hắn gàn gần giống cụ Propter nhà ta! - Obispo châm một điếu thuốc.
Jeremy bỗng kêu lên:
- Nghe đây! Nghe đây!: “11 tháng ba 1834. Kate lơ đễnh cho con bé Priscilla trốn khỏi căn hầm riêng dùng để giam nó. Mấy tuần nay tôi dùng thân thể nó để tiến hành nhũng nghiên cứu riêng. Nó đã trốn thoát. Vậy là danh giá của tôi, ngay cả tính mệnh tôi nay đã nằm trong tay nó”.
- Dường như đây là câu chuyện anh nói với tôi lúc đầu. Chuyện bê bối cuối đời của lão. Cái gì xảy ra vậy?
- Có thể là cô gái bỏ trốn đã tố giác lão. - Jeremy vẫn dán mắt vào trang giấy. - Nếu không tại sao tự dưng lão lại ghi “quân chó đẻ” vào đây!
“Trình độ nhân văn của loài người tỷ lệ nghịch với số lượng người. Nói một đám đông nhân đức cũng giống như nói một ngọn thác hay một cơn giông nhân đức. Một quân chó đẻ, đàn ông hay đàn bà về phương diện đạo đức trí tuệ, tất nhiên có trình độ cao hơn là một bày heo chó một chút”.
Bác sĩ Obispo ngửa đầu cười vang:
- Tuyệt tác! Tuyệt tác! Loài thú sống như người-bậc-thấp rồi trở thành người. Điều đó chứng minh rằng thực ra người chỉ là loài thú-bậc-cao! Tuyệt tác! - Obispo xoa hai tay vào nhau,- Nào xem sao nữa.
- Thì cảnh sát tới. Rồi tòa án ra lệnh truy tố lão. Nhưng người ta còn nể tuổi tác, địa vị của lão, nhất là để tránh nổ ra một vụ bê bối trong dư luận về dòng họ quý tộc… Người ta đi gọi vợ chồng cô cháu gái. John đã bảy mươi hai tuổi, Caroline đã phải đeo tóc giả.
- Một buổi họp mặt gia đình thú vị. Vị Bá tước không cho biết thêm ý gì nữa?
Jeremy lắc đầu:
- Ngày mười bảy tháng Ba, người ta cho lão biết lão sẽ thoát nếu lão đồng ý ký vào giấy giao lại tài sản cùng lợi tức rồi vào nhà thương tư để điều trị.
- Hơi cứng rắn đấy.
- Lão từ chối vào buổi sáng ngày 18.
- Ghi cho lão một điểm.
Jeremy đọc.
“Những nhà thương tư là những nhà tù đặc biệt ngoài tầm kiểm soát luật pháp, cảnh sát cũng không được vào, nói gì đến các cuộc thăm viếng nhân đạo của các nhà từ thiện. Bọn tra tấn, bọn cai ngục được thuê thực hiện việc trả thù cho cá nhân hay cho gia quyến.
Bác sĩ Obispo khoái chid vỗ tay cười sằng sặc:
- Thêm một nét tiêu biểu của con người. Những cuộc viếng thăm từ thiện! Tuyệt vời! Cũng tuyệt vời như Thống chế Goering tõ giác chuyện hành hạ súc vật! Rồi sau đó?
- Vợ chồng người cháu nói là ông sẽ bị tòa xử, bị lưu đày. Ông trả lời thà lưu đày còn hơn là vào nhà thương tư.
“Thế là hai đứa cháu quý hóa của tôi thất vọng. Họ hứa là tôi sẽ được đối xử nhân đạo trong cái nhà thương ấy. Tôi nói là tôi không đồng ý. John nhắc tới danh dự của anh ta. Tôi nói cái đó không cần. Hai người van tôi hãy vì tiếng thơm của gia tộc mà chấp nhận yêu cầu của họ. Tôi nói là tôi không cần tiếng thơm của gia tộc, nhưng tôi không để bị tòa xử trước công chúng, tôi nói là tôi sẵn sàng chấp nhận một giải pháp hợp tình hợp lý. Giải pháp nào áp đặt tôi phải chịu sự chi phối của họ thì tôi không chấp nhận. Còn như lời hứa danh dự của họ thì tôi không coi là một sự bảo đảm. Do vậy tôi không ưng thuận vào một nơi có bác sĩ và người canh được thuê để giết tôi. Tôi từ chối mọi sự thu xếp, đặt tôi vào tầm tay họ mà không đặt họ vào tầm tay tôi”.
- Nguyên lý ngoại giao có đặc trong một câu! - Bác sĩ Obispo nói - Giá Chamberlain hiểu điều đó thêm một chút trước khi tới Munich (3). Hai việc cũng chẳng khác gì nhau. Bởi việc làm của các chính khách chả có gì là quan trọng. “Chủ nghĩa yêu nước” của bọn tư bản tạo ra ít nhất là một cuộc chiến tranh cho mỗi thế hệ. Xưa đã vậy, tương lai chắc cũng sẽ như vậy. Nhưng lão già làm thế nào thực hiện nguyên tắc ấy. Lão nằm trong tay họ, làm cách nào để họ nằm trong tay lão?
- Tôi cũng không biết nữa! Nhưng ông ta lại lao vào triết lý.
- Ngay lúc ấy? Ngay khi sắp bị truy tố! Khiếp thật!
Jeremy đọc:
“Có một thời, tôi đã nghĩ là mọi nỗ lực của loài người đều hướng về một điều nằm đâu đó ở khoảng giữa thân thể người đàn bà. Ngày nay tôi lại nghĩ trong hoạt động của bọn đàn ông và trong sự quyết định tư tưởng …”.
- Ông ta không trở lại sự việc cụ thể nữa sao? Tính lão vẫn thế… Không, đây rồi!
“20 tháng Ba. Ngày hôm nay Robert Parsons, viên quản lý của tôi từ Luân Đôn đem về ba rương tiền vàng và giấy bạc cộng chung là hai trăm mười sáu ngàn bảng, tiền bán lại chứng khoán, tư trang, tác phẩm nghệ thuật của tôi. Kể cũng thiệt vì phải bán gấp, nếu không tôi có thể thu khoảng ba trăm năm chục ngàn bảng nữa. Dù sao số tiền cũng dư để chi dụng.
- Chi dụng gì nhỉ? - bác sĩ Obispo hỏi.
Jeremy im lặng một lúc rồi lắc đầu. - Chẳng còn hiểu ra làm sao nữa. Chuyện quải quỷ gì thế này? Anh nghe đây!
“Đám tang tôi sẽ cử hành xứng với địa vị và đạo đức của tôi. John và Caroline phản đối các khoản chi quá lớn, nhưng tôi đã quyết là đám tang của tôi phải trị giả không dưới bốn nghìn bảng.
Điều đáng tiếc duy nhất là tôi không được chui ra khỏi trú ẩn để dự tấn hài kịch xót thương này và ngắm gương mặt vờ đau đớn của hai vị nam nữ Bá tước mới. Hôm nay tôi và Kate chui xuống căn phòng chuẩn bị dưới hầm ngầm và sáng mai mọi người sẽ hay tin về cái chết của tôi. Xác một kẻ ăn xin đã được bí mật đón về, cái xác ấy sẽ được đặt vào cỗ áo quan thay tôi.
Sau khi đưa đám, nam nữ Bá tước mới sẽ tới ở tại lâu đài của tôi ở Gonister, giao lại ngôi nhà này cho Parsons. Anh này vừa là người canh gác vừa là người lo cái sống cho chúng tôi. Vàng và tiền do anh ta đưa về đã được chôn ở một vị trí bí mật chỉ mình tôi hiết. Đã thoả thuận là mỗi năm vào ngày một tháng năm tôi sẽ cho người đưa tới cho John hoặc Caroline, hoặc trong trường hợp họ chết trước tôi, thì đưa cho người thừa kế của họ năm ngàn bảng. Tôi đã tạo cho họ một thế đứng để nhận mối tình thương yêu của tôi, mối tình mà họ chẳng thấy bao giờ”.
Jeremy ngẩng đầu nói còn hai trang trắng là hết quyển sổ nhưng không còn một chữ nào nữa.
Im lặng hồi lâu. Bác sĩ Obispo đứng lên đi đi lại lại trong căn phòng. Cuối cùng anh ta nói:
- Chẳng còn ai biết lão già khốn kiếp này sống thêm bao nhiêu năm nữa nhỉ!
Jeremy lắc đầu:
- Chẳng còn ai! À có thể… Có thể là hai bà gái già…
Bác sĩ Obispo dừng lại trước mặt Jeremy, rồi anh ta bỗng dưng đập mạnh xuống bàn hét:
- Tôi phải tới nước Anh ngay lập tức!
Chú thích:
(1) James Mill, một triết gia, chính trị gia và là hjc trò của J. Bentham
(2) Nguyên văn “là rạp Colysée của sự ngu dốt”. Colysée: Sân vận động to đẹp nhất La Mã hoàn thành năm 80 sau CN, có thể chứa 100.000 khán giả.
(3) Cuộc thương nghị tay tư ở Munich ngày 29-9-1938 giữa Hitler, Benito Mussolini, Chamberlain và Édouard Daladiermở đường cho bọn Nazi chiếm Tiệp Khắc