Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương hai

     ột giờ sau. Họ đã xem những gì cần xem. Những thảm cỏ nghiêng như những ốc đảo xanh trên vùng đồi trọc này. Những lùm cây, bia mộ trong cỏ. Nghĩa trang của những con vật thân yêu. Ngôi nhà Nguyện của Tu sĩ với ngôi mộ của Shakespeare thu nhỏ. Chầu nhạc lễ liên tục, giọng độc tấu thụ cầm của ban Wurlitzer Vĩnh cửu do hệ thống loa giấu kín trong nghĩa trang phát ra thường trực ở khắp mọi ngóc ngách.
Ngôi nhà Cô Dâu ở lối ra của Thánh đường. Người ta cử hành hôn lễ cũng như tang lễ của mình trong ngôi nhà thờ này.
- Ngôi nhà Cô Dâu, - Anh tài xế nói - vừa mới tân trang lại theo kiểu phòng ngủ của Hoàng hậu Marie Antoinette. Và cạnh ngôi nhà Cô Dâu, hành lang Tro Tàn tuyệt diệu bằng cẩm thạch đen đưa bạn tới lò thiêu. Ba kiểu lo thiêu hiện đại chạy bằng Mazut lúc nào cũng nổi lửa sẵn sàng phục vụ các bạn.
Đi tới đâu, hai người cũng được tiếng thụ cầm Wurlitzer Vĩnh cửu đưa theo bén gót. Họ đi xe tới ngọn tháp Phục sinh, họ đứng bên ngoài để ngắm vì ban quản trị Công ty nghĩa trang Viễn Tây đang làm việc trong đó. Họ đi ngang góc Trẻ thơ - khu nghĩa trang dành cho trẻ - đầy tượng Mục đồng với tượng Chúa Hài đồng, nhóm tượng trẻ con bằng cẩm thạch đùa với nhưng con thỏ vàng. Cái ao sen, và một cái máy đặt tên là Vòi nhạc cầu vồng phun nước cùng với những tia ánh sáng màu và những dòng nhạc không thể thiếu được của hãng Wurlitzer Vĩnh cửu. Rồi thì khu vườn Tĩnh Lặng, lăng Hoàng hậu Taj Mahan thu nhỏ, rồi mộ phần Hy Lạp cổ. Sau cùng, anh tài xế dừng lại bên cái lăng để giới thiệu. Coi như một bằng chứng hào hùng cho sự hiển hách của ông chủ.
Có thể nào chăng? - Jeremy tự hỏi - lại có thể có một cái vật như thế? Chắc không thể nào có được. Cái Lăng Bervely như không có thật, không thể nào ông tưởng tượng ra nổi. Nhưng bây giờ đây, khi nhớ lại nó, thì ông nghĩ rằng quả ông đã có trông thấy nó.
Ông nhắm mắt để khỏi bị ngoại cảnh quấy rầy và ông hình dung lại từng chi tiết cái thực tế khó tin là thực kia. Kiến trúc bên ngoài chép theo bức “Hòn đảo người chết” của Boecklin. Bản dập “Nụ hôn” của Rodin được những ngọn đèn giấu kín tô hồng. Những bậc thang mênh mông bằng cẩm thạch đen. Những dãy hành lang bất tận với những hàng mộ gắn bia. Bình thau, bình bạc đựng người chết hỏa táng, trông như loại cúp thể thao. Cửa kính màu tô hình thánh tích. Lời răn đạo tạc trên băng rôn cẩm thạch. Băng nhạc Wurlitzer Vĩnh cửu nghêu ngao. Điêu khắc ở khắp nơi.
Jeremy nghĩ đây là điều khó tin nhất. Điêu khắc cũng thường trực như nhạc Wurlitzer. Mắt nhìn bất cứ hướng nào cũng có tượng. Hàng trăm bức tượng mua sỉ ở một xí nghiệp cẩm thạch khổng lồ nào đó ở Carrare, ở Ý. Và chỉ có một loại tượng phụ nữ khỏa thân. Loại tượng người ta nghĩ có thể gặp trong phòng khách của một nhà chứa loại sang ở Rio de Janeiro.
Trên lối vào cửa mỗi hành lang, một khẩu hiệu bằng cẩm thạch có câu hỏi: “Hỡi thần chết, bây giờ đến lượt ai đây”. Các bức tượng đã trấn an mọi người, lẳng lặng thôi, nhưng rất hùng hồn. Tượng phụ nữ trẻ, quần áo đơn giản bằng một sợi dây nịt. Tượng phụ nữ ngồi, phụ nữ làm điệu bộ thẹn thùng che đậy, phụ nữ vươn vai, vặn vẹo hoặc là nằm ngửa. Phụ nữ chơi chim, chơi với hổ báo, phụ nữ chơi với phụ nữ, mắt ngước lên trời để diễn tả sự thức tỉnh của linh hồn “Ta là Phục sinh của sự sống”, khẩu hiệu viết: “Chúa trời là người chăn ta, cho nên ta chẳng thiếu thứ gì”. Chẳng thiếu thứ gì, cả nhạc Wurlitzer, cả loại gái nịt thắt lưng rất chặt. “Cái chết tan vào trong chiến thắng” - Chiến thắng không phải của tinh thần mà là của thân xác, thân xác no nê, mãi mãi thanh tân, dồi dào tình dục, Thiên đường của người Hồi có những cuộc giao phối kéo dài sáu thế kỷ. Trong cái thiên đường Cơ Đốc cải tiến này, nhờ khoa học tiếp tay, thời gian làm tình có thể kéo dài đến hàng chục thế kỷ, cộng thêm những cuộc đấu ten nít và khúc côn cầu. Ô to bắt đầu xuống dốc. Jeremy mở mắt, xe đã vượt qua đỉnh ngọn đồi, nơi thiết lập cái Lăng. Tới chân dốc, xe rẽ trái, lăng bánh trên con đường bê-tông, băng qua cánh đồng. Tài xế tăng tốc. Bảng quảng cáo trôi vùn vụt. Phòng tắm hơi. Ăn tối kèm khiêu vũ trong lâu đài Horolulu. Chữa bệnh tâm thần. Bánh mì thịt khổng lồ. Ngay từ bay giờ, bạn hãy mua ngôi nhà mơ ước.
Những đồn điền cam mênh mông, màu xanh thẫm xen vàng, diễu hành như những trung đoàn, rộng hàng cây số vuông, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
- Tarzana - anh tài xế nói, vẻ quan trọng.
Đúng. Hàng chữ trắng xuất hiện bên đường “Viện đại học Tarzana”.
- Ông Stoyte vừa cho xây một đại giảng đường ở đấy. - Anh tài xế nói.
Con đường bắt đầu lượng vòng, dường như nó hướng tới nơi hai dãy núi giao nhau. Bỗng nhiên ở khoảng trống giữa hai đồn điền cam, Jeremy trông thấy một khung cảnh lạ mát. Cách chân núi độ non cây số, có một ngọn đồi nhỏ lên trên cánh đồng, giống như một hòn đảo đối diện với ghềnh đá trên bờ biển. Trên ngọn đồi ấy, một tòa lâu đài vươn khỏi màn sương. Tòa lâu đài kỳ lạ, một thứ nhà chọc trời, nền dốc theo thế núi. Kiểu cách thái ấp, gôtic, trung cổ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trung cổ hơn bất cứ một tòa lâu đài nào của thế kỷ mười ba.
Jeremy bàng hoàng tới mức buộc miệng nói:
- Cái kia là cái gì vậy? - Tay chỉ lên cơn ác mộng dựng ở đỉnh đồi.
- Cái kia? Đó là trụ sở của ông Stoyte! - Anh tài xế trả lời và lại mỉm cười, hết sức tự hào nói tiếp - Cũng là nhà riêng nữa.
Các đồn điền cam lại một lần nữa xuất hiện, che lấp quang cảnh. Jeremy dựa lưng vào đệm băn khoăn tự hỏi “Không biết mình lọt vào một chuyến đày ải nào đây?” Thù lao hậu hĩnh, công việc thú vị: phân tích hồ sơ gia phả của dòng họ Hauberk mà ông Stoyte vừa mua được ở Anh cho bộ sưu tập riêng.
Nhưng còn cái nghĩa trang rồi cái... cái vật kia, Jeremy lắc đầu. Giữa con người ấy với ông có một sự liên quan nào, một sự thông cảm nào về tình cảm, tư tưởng? Vì cớ gì ông ta lại mời mình. Chắc ông ta chẳng thèm thưởng thức sách của mình viết. Mà liệu ông ta đã có đọc bao giờ chưa? Ông ta hiểu gì về mình? - Jeremy nghĩ.
Tiếng còi xe cắt đứt dòng suy nghĩ của ông.
- Dân làm mướn. - Anh tài xế nói.
- Là thế nào?
- Dân làm mướn. Đám này ở miền Nam. Ở Kansas. Họ tới hái “rốn” ở chỗ chúng tôi.
- Hái rốn của các anh?
- Cam rốn, cam vỏ lúm ấy. Đang mùa. Năm nay cam rốn được mùa.
Lại ra khoảng trống. Và “cái vật” lại xuất hiện, đồ sộ hơn bao giờ hết.
Bên ngoài bức tường, có nhiều khu biệt thự. Mặt tiền ngôi nhà to nhất, mang dòng chữ mạ vàng: “Khu điều dưỡng Stoyte dành cho trẻ bệnh tật”. Hai lá cờ treo hai bên. Một lá cờ sọc sao, lá kia màu trắng với chữ S to màu đỏ, phấp phới trong gió. Anh tài xế hãm phanh, chiếc xe nhẹ nhàng dừng lại bên cạnh một người đàn ông đang rảo bước dọc theo lề cỏ.
- Mời ông lên xe, ông Propter! - Anh tài xế gọi.
Người kia quay lai, mỉm cười ra vẻ cảm ơn, rồi bước tới gần xe. Đấy là một ông già cao lớn, vai rộng nhưng hơi còng, tóc hung điểm bạc, một gương mặt tế nhị, thông minh, vừa kiên nghị vừa bình thản, hiền hòa.
- A! Georges đấy ư? - Ông ta nói - Anh đáng yêu lắm!
- Tôi rất thích ông. Ông Propter! - Anh da đen nói, rồi anh quay lại, mặt mày tươi rói, trịnh trọng vẫy tay về phía Jeremy nói - Xin được giới thiệu, ông Prodage từ bên Anh mới qua. Ông Pordage, đây là ông Propter.
Hai người siết tay nhau và ông Propter lên xe.
- Ông tới thăm ông Stoyte? - Ông ta hỏi khi anh anh tài xế cho xe chạy.
Jeremy lắc đầu. Không, ông tới làm việc. Ông tới để nghiên cứu những tập tài liệu viết tay, nói chính xác là những tập hồ sơ của dòng họ Hauberk.
Ông Propter chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại nghiêng đầu.
Jeremy nhìn ông, dò xét:
- Ông có phải là ông William Propter không? Có phải ông đã viết quyển “Khái luận về chống cải cách”?
Ông ta gật đầu.
Jeremy sung sướng nhìn ông:
- Thật vậy sao? - “Khái luận” là một trong những quyển sách Jeremy yêu thích, một công trình mẫu mực.
Xe tiếp tục lăn bánh và Cái Vật [1] kia lại xuất hiện. Ông Propter chỉ tay nói:
- Tội nghiệp Jo Stoyte! Ông nghĩ xem, với cái quả tạ ấy buộc ở gót chân? Chưa nói tới nhiều quả tạ khác lê theo hắn. Bọn ta may mắn thật, chẳng có gì để thi thố, ngoài cái mác học giả. - Im lặng một lát rồi ông la lại nói - Tội nghiệp Jo, hắn hơi phách lối. Bởi người đời coi ông cao hơn hắn, nên hắn sẽ ra vẻ với ông. Ông ta nhìn Jeremy vừa có vẻ cảm tình vừa có vẻ giễu cợt - Chưa hết, ông thuộc loại người để cho người ta hành hạ. Tướng ông là tướng nạn nhân, dù ông có là học giả, là tôn ông đi nữa! Dễ dàng bị thiên hạ giết thịt.
Vừa bực vì sự suồng sã của ông kia, vừa cảm động vì giọng cởi mở, Jeremy lo lắng mỉm cười, ông Propler lại nói:
- Trong quan hệ với Jo Stoyte, ông nên nhớ rằng hắn luôn có mặc cảm cho nên hắn luôn tấn công trước. - Ông lại trỏ Cái Vật - Tôi và hắn đi học với nhau từ thời trẻ. Thời ấy chúng tôi gọi hắn là thằng “bụng mỡ”, là “thùng nước lèo”, vì cả trường chỉ có một mình hắn là to bụng. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi tại làm sao người đời hay thành kiến với những thằng mập. Ví dụ trong số các thánh, chẳng có thánh nào mập cả, trừ Thomas d’Aquin [2]. Chẳng có gì phải ngờ, cụ ấy thánh thật đấy, - hiểu theo nghĩa bình dân - nghĩa đúng nhất. Nhưng vì Vincent de Paul [3] là thánh, cho nên Thomas d’Aquin không được coi là thánh. Có lẽ do cái bụng phệ của cụ. Nhưng thôi, ta đang nói đến Jo Stoyte. Hắn mập, tôi đã nói, cho nên ở trường lúc đó, hắn đích thực là nạn nhân của chúng tôi. Chúng tôi trừng phạt cái tội mập và hắn đã chống đỡ một cách thảm hại. Tội nghiệp! Luật bù trừ đấy... Nhưng thôi, tới nhà rồi.
Chiếc xe dừng lại trước ngôi biệt thự màu trắng giữa một lùm trắc bá rậm rạp. Ông bắt tay Jeremy và nói:
- Thôi, để khi khác. Nhưng mỗi khi hắn lên mặt, hắn quá đáng quá, thì ông hãy nhớ cái ngày ở trường của hắn, và ông nên thương hại hắn, đừng chấp.
Chiếc xe lại lăn bánh. Cuộc gặp gỡ với tác giả “Khải luận” làm cho Jeremy vừa yên tâm lại vừa hồi hộp. Cái Vật đã ở gần bên. Ông chợt nhận ra quanh khu đồi có một hào nước sâu. Cách hào nước vài trăm mét, ô-tô vượt qua hai hàng rào sư tử đá. Có lẽ trong mắt chúng có đặt tế bào quang học, nên khi xe vừa qua khỏi, thì chiếc tàu treo phía bên kia hào từ từ hạ xuống. Xe vượt qua cầu, dừng trước một cổng chắn ghép kiểu răng bừa, cái bừa mạ kềnh từ từ giở lên, hai cánh cửa bằng thép inốc lập tức mở rộng. Ô-tô chạy thẳng vào, bắt đầu leo dốc.
Cánh cửa ở bức tường thứ hai cũng tự động mở ra lập tức khi chiếc xe tiến tới gần. Giữa bức tường và vách núi có một chiếc cầu bê tông rộng. Bên dưới cầu trong bóng râm, Jeremy nhận ra một hình thù quen thuộc. Lát sau ông mới nhớ: Đấy là phiên bản của động Laurdes [4].
Anh tài xế trỏ ngón tay về phía cái động nói:
- Cô Maunciple là ai vậy?
- Thì... một cô gái trẻ, có thể coi như là bạn của ông chủ đi. - Và anh lảng sang chuyện khác.
Chiếc xe tiếp tục leo dốc. Sườn đồi trồng toàn xương rồng. Con đường vòng về phía Bắc, xương rồng bắt đầu nhường chỗ cho cỏ non và cây cảnh. Giữa sân cỏ là một bệ đá hết sức lịch sự như được rút ra từ tờ “Thời trang”, số đặc biệt dành cho các Thánh nữ. Trên bệ, một tượng thần bằng đồng của nhà điêu khắc Ý Bologne tạc một cô gái có bộ ngực trần nhẵn bóng, đôi vú phun ra hai tia nước. Xa hơn một chút là chuồng khỉ đông đúc đang chí chóe.
Xe tiếp tục lên cao, lại rẽ quanh và lần này đỗ hẳn trên một tấm sàn bê-tông hình tròn. Anh da đen lại một lần nữa ngả mũ, cúi đầu chào khách và khuân hành lý ra khỏi xe. Jeremy tới cạnh lan can nhìn xuống. Sườn đồi gần như lao thẳng xuống vực ở chiều sâu ba mươi mét, ngoài kia là bức rào, hào nước, rồi khu đồn điền cam.
- Im dunklen. Lanh die gold nen Orengen Ginhen [5] - Jeremy khẽ ngâm và ông nghĩ đến một câu thơ tương tự của thi sĩ Marvell: “Người treo lên cành lá những quả cam vàng rực như ngọn đèn vàng trong bóng đêm xanh”. Ông thấy nhà thơ Anh diễn đạt chính xác hơn Goethe.
Cam đã được ghi nhận, được đánh giá rồi, còn tòa lâu đài?
Ông quay lại, tựa lưng vào lan can, nhìn trời. Cái Vật ngự tít trên cao, đồ sộ, đe dọa. Chắc chưa có ai làm thơ về nó.
Một tiếng gầm kéo dài. Hai cánh cửa sắt của tòa lâu đài quay trên bản lề như một cơn bão giật, mở tung ra. Một người đàn ông cục mịch, mặt đỏ bừng dưới làn tóc trắng như tuyết vọt ra khỏi cửa, nhảy bổ về phía Jeremy. Gương mặt ông ta lạnh lẽo như một cái mặt nạ câng câng nhìn khách.
Chưa hề sống ở xứ sở tự do. Jeremy lập tức mỉm miệng cười trong khi người kia (ông đoán chắc là ông chủ) đang sấn đến chỗ ông. Đối chiếu với gương mặt sa sầm bất động kia, ông cảm thấy nụ cười trên môi mình không đúng chỗ, bộ mặt ông hẳn là bộ mặt thằng ngớ ngẩn. Hết sức bối rối, ông tìm cách điều chỉnh lại bộ mặt.
- Ông Pordage? - Người kia hỏi bằng một giọng ông ổng - Hân hạnh được biết ông. Tôi là Stoyte.
Hai người bắt tay nhau. Người kia vẫn nhìn ông trân trân, không buồn nhếch mép. Mãi một lúc ông ta mới nói:
- Tôi không nghĩ là ông già như vậy.
Lần thứ hai trong buổi sáng hôm ấy, Jeremy lại dang hai tay như một con bù nhìn đang xin lỗi. Ông xin lỗi thật. Ông nói:
- Như là cây trước gió, thưa ông, người ta tiến tới tuổi già. Người ta...
Stoyte cắt ngang:
- Ông bao nhiêu tuổi, hả? - Giọng xẳng xớm, như giọng cảnh sát hỏi thằng ăn trộm vừa bị tóm.
- Năm mươi bốn tuổi.
- Năm mươi bổn tuổi, không hơn? - Ông Stoyte lắc đầu - Năm mươi bốn tuổi lẽ ra phải cường tráng hơn nhiều. Cuộc sống tình dục của ông ra sao?
Jeremy tìm cách che đậy sự bối rối của mình, bèn cười trừ, vỗ lên vầng trán hỏi:
- Mon beau printemps et mon été ont fait le saut par la fenetre [6] - Ông nói bằng tiếng Pháp.
- Cái gì vậy? - Ông Stoyte cau mày - Đừng nói tiếng ngoại quốc với tôi. Tôi chẳng bao giờ học cái đó. - Ông ta bỗng cười ầm lên, tiếng cười như ngựa hí - Tôi cầm đầu một công ty xăng dầu ở đây. Tôi có hai ngàn trạm cấp xăng, riêng ở California này. Và không có một người nào trong bất cứ trạm xăng nào của tôi lại không tốt nghiệp đại học! - Ông ta lại hí lên một hồi cười đắc thắng - Ông hãy đi tìm họ để nói tiếng Tây!
Ông lặng im một lúc, liên tưởng chuyện gì đó rồi nói:
- Người đại diện của tôi ở Luân Đôn, thằng cha chuyên moi đồ cổ cho tôi ở bên ấy, mà cũng là người giới thiệu ông cho tôi, hắn nói ông là nhân vật cần thiết cho những cái... gọi nó là cái gì nhỉ? Những hồ sơ mà tôi đã mua kỳ hè vừa rồi. Roenuck? Hobuck?
- Hauberk - Jeremy nói - ông buồn rầu nhưng cảm thấy hài lòng: Đúng ông nghĩ không sai về con người này. Ông ta chưa hề đọc sách của ông, cũng chẳng biết có ông. Tóm lại có lẽ nên nhớ rằng ngày còn trẻ người ta gọi ông ta là “thùng nước lèo”.
- Hauberk - Ông Stoyte nhắc lại vẻ khinh khỉnh - Người ta nói ông chính là người tôi đang cần. - Và ông ta lại hỏi luôn - Lúc nãy ông nói gì về vấn đề tình dục của ông, khi ông nói bằng tiếng Tây?
Jeremy có một nụ cười bối rối:
- Tôi có ý là nói cũng bình thường thôi, ở tuổi của tôi.
- Ông biết gì chuyện đó, bình thường ở tuổi của ông? Hãy nhờ bác sĩ Obispo bảo cho. Không tốn tiền. Bác sĩ Obispo là người làm của tôi. - Và chuyển ngay sang chuyện khác - Ông có muốn viếng cái lâu đài này không? Tôi cho người hướng dẫn.
- Ồ, ông chu đáo quá. - Jeremy nói. Và để tỏ ra đôi chút lễ độ, ông thêm - Tôi vừa mới thăm cái nghĩa địa của ông.
- Thăm nghĩa địa của tôi? - Ông Stoyte nhắc lại, vẻ nghi hoặc; vẻ nghi ngờ trở thành giận dữ. Ông Stoyte hét lên.
- Ông nói cái chó gì vậy?
Jeremy hốt hoảng nói rằng ông có tới thăm Lăng Beverly, rằng theo chỗ ông biết thì ông Stoyte đã bỏ vốn ra cho công ty nghĩa trang...
- À, được - Ông kia đã dịu giọng, trán vẫn còn nhíu lại - Tôi lại nghĩ là ông nói...
Ông Stoyte dừng lại giữa câu, để mặc cho Jeremy đoán xem ông nghĩ cái gì.
- Nào, mời ông. - Ông ta bỗng nói như sủa vào tai người ta và nhào vào phía cửa lâu đài. 
Chú thích:
[1] Chỉ tòa lâu đài của Stoyte.
[2] Thánh Thomas d’Aquin (1225-1274.) tu sĩ Ý, lý thuyết gia lớn của Thiên Chúa giáo xuất thân quý tộc, sinh hoạt và tác phong trí thức.
[3] Thánh Vincent de Paul (1581-1660), tu sĩ Pháp xuất thân nông dân, sống khổ hạnh, giản đơn với người nghèo khổ.
[4] Động đá ở miền Nam nước Pháp, nơi một bé gái mười ba tuổi nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1858. Sau đó trở thành địa điểm hành hương du lịch...
[5] Giữa vòm lá sẫm ngời lên những quả cam vàng (Goethe)
[6] Mùa xuân đẹp và mùa hạ của tôi đã nhảy qua cửa sổ, đi rồi.