Chương 1

"Là 1 tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Thơ Sinh, Hoa Giấy (NXB Văn Học) kể về một chuyện tình đầy ngang trái, giằng xé trộn lẫn với những uẩn khúc đau thương cay đắng của một mối tình đồng tính nữ "tam giác" giữa ba nhân vật: Nghêu, Hợi và em trai của Nghêu là Ốc. Bối cảnh của truyện là một làng nghèo miền bắc, nơi con sông Lục đã chứng kiến mối tình thắm thiết của hai người con gái hàng xóm nhưng cuối cùng họ phải đương đầu với một kết cuộc rất đỗi bi thương. Nhiều tuyến nhân vật phụ và những tình tiết gay cấn trong tiểu thuyết đã tái hiện lại một mối tình cao đẹp, nơi những thử thách cay nghiệt nhất của bổn phận, của ân nghĩa, của tình người,... đã bị dồn nén, căng nghẽn để rồi cuối cùng là sự vỡ òa của nỗi đau ngậm ngùi dâng lên đỉnh điểm. Một mối tình buồn, ngột ngạt. Một sự vùng vẫy, phản kháng quyết liệt đến độ kiệt sức. Một tiểu thuyết sẽ thay đổi cách nhìn của bạn đọc về hoa giấy - một loài hoa có ba cánh, đầy gai nhọn,sặc sỡ sắc màu những không có hương thơm - được nhân cách hóa rất thành công trong tiểu thuyết mới này của Nguyễn Thơ Sinh"
1. Hoa Giấy
Loài hoa mỏng không hương không sắc,
Nở làm gì, có kết quả được không?
Nỗi đau gai nhọn, cay đắng chất chồng.
Tình một dải chôn vùi vào nỗi tủi.
Trong ruộng mả làng Cối có một nấm mồ nhỏ, nhìn nấm mộ này không đặc biệt gì nhiều so với những nấm mồ khác. Nếu khác biệt duy nhất là trên nấm mồ ấy người ta nhìn thấy một khóm hoa giấy màu tím, bao giờ cũng mọc um tùm xanh tốt, nở hoa tươi thắm bốn mùa.
Vào mùa mưa, khóm hoa giấy trên ngôi mộ này nở lan tràn cũng là điều bình thường, không đáng nói. Mùa khô hoa vẫn nở, chúng nở một cách thắm đượm. Gần như cái nắng nung người kia xem ra chẳng thể nào khuất phục chất ham sống của nó được. Có mấy người đi tảo mộ đốt hương cho người nhà quả quyết rằng người yên nghỉ dưới lòng đất kia là người thuở sinh tiền đã sống rất có hậu, nên khi nằm xuống,cái nghĩa của người ấy đã toát lên qua những cánh hoa:
-Giời hành thế này mà trông nó mỡ màng làm sao.
Chỉ có vài đứa trẻ chăn trâu quanh đấy thì lại bảo nhau rằng:
- Hoa giấy trên mộ bà Hợi mẹ thằng Sinh tốt thế là vì bà cô của nó chiều nào cũng ra đây tưới nước đấy!
Một con bé còi cọc, tóc khô, sún mất một cái răng cửa, chừng mười ba tuổi, nhoẻn miệng cười bảo mấy đứa khác:
- Chỉ có bà cô thằng ấy bị điên mới đem nước ra đây tưới. Hoa giấy đầy gai. Thế mà cũng đem trồng.
Một thằng bé khác, mặt mũi đen như than, răng bị hô, nheo mắt lại mỗi khi nói chuyện:
- Hình như là hai người đàn bà này có cái gì với nhau ấy. Có hôm tao nhìn thấy cái bà Nghêu, cô thằng Sinh ngồi khóc một mình ở ngoài này!
Một thằng bé khác gầy còm, khuôn mặt nhỏ choắt, nhưng hai con mắt to quá khổ, choán hết gần khuôn mặt, hai con mắt to và đen. Lúc nào đôi mắt ấy cũng chực cười. Nó bảo hai đứa kia:
- Chúng mày chỉ được vớ vẩn là giỏi. Chuyện nhà người ta thì mặc kệ nhà người ta. Chúng mày là cái thá gì mà nói chen vào chuyện nhà thằng Sinh. Tao ghét nhất cái thói nói chuyện sau lưng người khác.
Thằng bé có khuôn mặt đen như than nói chen vào:
- Thằng Phú này thì chỉ được cái bênh cho thằng Sinh là giỏi. Cái gì cũng thằng Sinh thằng Sinh. Làm cái gì cũng bảo: Rủ thằng Sinh đi chung với. Chả lẽ mày thích thằng Sinh đến thế cơ à?
Thằng bé tên Phú quay mặt đi hướng khác. Hình như nó cố giấu một điều gì đó rất bí mật. Con bé sún răng sau cùng nói:
- Có khi mày thích nó phải không Phú?
Thằng bé có khuôn mặt đen lại nói phụ họa vào:
- Tao nói thật. Nhìn thằng Sinh, tao nhận ra là nó thích mày. Nhưng mà chuyện đó chẳng liên quan gì đến tao và cái Chanh cả. – Quay sang con bé có chiếc răng sún, nó nói tiếp: Tao bảo thế có đúng không, Chanh?
Con bé nọ gật đầu, rồi nó nói với thằng Phú:
- Thằng Lực nói đúng đấy!
Thằng Phú không nói gì cả. Nó chỉ đứng im lặng.
Nó không biết nó và thằng Sinh có thích nhau thật sự hay không, điều đó nó chẳng biết, nhất là khi nó chỉ vào cái tuổi mười bốn. Nhưng nó biết rất rõ vì sao trên mộ mẹ thằng Sinh có trồng một khóm hoa giấy nở những bông hoa màu tím rất đẹp như thế. Nó còn biết vì sao bà cô của thằng Sinh chiều nào cũng ra ngoài này tưới nước cho khóm hoa giấy ấy. Thực ra, nó rất muốn kể cho thằng Lực và con Chanh nghe toàn bộ câu chuyện bí ẩn đằng sau. Nhưng nó không thể kể ra được. Vì thằng Sinh,bạn than của nó đã dặn kỹ:
- Mày đã nghe tao kể hết câu chuyện của mẹ tao. Tao chỉ xin mày, đừng bao giờ kể lại cho bất cứ một người nào khác nghe. Mày có dám hứa với tao như vậy hay không Phú?
Thằng Phú lúc ấy gật đầu. Nó đã hứa với thằng Sinh là nó sẽ không kể cho ai nghe. Nhưng cứ hễ mỗi lần nghe người ta nói đến khóm hoa giấy trên mộ người đàn bà, với những nhận xét phỏng đoán đủ kiểu khác nhau, nó lại thấy hậm hực vù nó biết đã đoán sai. Nó biết rất rõ chỉ có mình nó, bà mẹ, ông bố và bà cô của thằng Sinh mới là người đã biết toàn bộ chân tướng sự thực của câu chuyện.
Và câu chuyện ấy bao giờ cũng ùa về đầy ắp những chi tiết… Như thể đấy là câu chuyện của riêng thằng Phú vậy. Như thể nó là một phần của một câu chuyện đau long. Như thể chính nó đã nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn thiêng liêng của loài hoa giấy.
Một điều rất lạ là nó luôn cảm thấy bất ngờ mỗi khi nó nghĩ về câu chuyện ấy. Một câu chuyện đã đưa nó về những miền cổ tích. Một câu chuyện cổ tích rất buồn, bao giờ cũng để lại trong tâm trí nó một cảm giác man mác bang khuâng khó rũ bỏ.
Nó có cảm giác câu chuyện nó nghe được chính là một truyền thuyết về sự tích của loài hoa giấy. Một loài hoa – sau khi nghe về một chuyện tình – nó không còn nhìn bằng con mắt bình thường như trước đây nữa. Nó nhìn thấy ý nghĩa của một loài hoa mỏng mảnh, không hương thơm, không kết trái. Một loài hoa thân đơm đầy gai nhọn nên chẳng được đối xử may mắn ưu đãi như hoa hồng. Một loài hoa nó đã nhìn thấy từ bao nhiêu ngày trước đó.
Dù không được người đời trân quý, loài hoa ấy vẫn nở rất nhiệt tình. Nở như quên đi sự bạc đãi của cuộc đời đói với chính bản thân nó. Hình như nó chỉ cần biết mục đích cuộc đời của nó là mở ra những bông hoa mang một sắc màu tươi thắm nhất.
Câu chuyện bỗng chợt ùa về trong đầu nó rất nhanh.
Ngày xưa…làng Cối…
Có một chuyện tình…