Thấy tằm buông tơ, nhện cũng giăng, Lòng cò tê tái bát canh măng, Thương con lòng mẹ vò trăm mối, Nhện nhả tơ một đời mà không thành kén nổi,nhện ơi.Vãn việc, nhà không có gì làm, chơi không mãi cũng chán, Nghêu quay ra rủ Ốc vào rừng đốn vàng tâm về để mai kia có gỗ sẵn, muốn làm vào việc gì cũng có cái mà làm. Không thì đem bán đi cũng có dăm đồng để chi dùng vào những việc khác. Nghêu là con gái nhưng xem ra các việc của đàn ông Nghêu đều có thể làm một cách rất tốt, gọn gàng, ra tấm ra món. Có lẽ vì thằng em trai tuy to cao ngồng nghềnh nhưng không biết gì nhiều việc của đàn ông. Ốc lại không biết leo trèo, vừa lên có bốn bậc thang đã thấy hai ống chân run lên bần bật. Leo xuống giếng thì mới quá nửa đã thấy chóng mặt, thành ra các việc xốc vác cần đến bàn tay đàn ông thì Nghêu bao giờ cũng phải xắn tay lao vào. Ốc chỉ giỏi đan lưới bẫy chim và đan lồng bẫy thỏ, bẫy chuột. Có mấy người đàn bà làng Cối biết chuyện kháo nhau rằng: - Đáng lẽ con Nghêu sinh ra phải là con trai, còn thằng Ốc sinh làm con gái mới đúng. Thế mới bảo ông Trời đúng là cắc cớ thật. Người tế nhị hơn thì họ bảo: - Nhưng mà cái Nghêu giỏi giắn như thế, sau này thằng nào vớ được nó thì cả một đời nhàn xác. Chả bao giờ phải động vào móng chân, móng tay. Thứ đàn bà con gái mà đào giếng khỏe hơn đàn ông, ngày xưa thì chỉ có bà Triệu Ẩu. Người kỹ tính thì họ lại nói khác đi: - Làm cái anh đàn bà con gái, việc mình cần làm là có chửa, sinh con và nuôi con. Biết chăm sóc và chiều chuộng gia đình nhà chồng. Còn các chuyện như đẵn tre chẻ nan và những việc nặng nhọc thì đã có cánh đàn ông họ làm. Trong trường hợp của Nghêu thì cô nhất định phải làm việc. Theo lý lẽ của cô thì việc đến tay thì làm, chả cứ phải là việc này của đàn ông hay việc kia của đàn bà. Hơn nữa ngay từ khi thằng Ốc còn nhỏ, Nghêu đã giành tất cả các việc nặng vì cô rất thương thằng em của mình. - Mai kia gặt xong, chả có việc gì làm, mày với chị vào rừng kiếm lấy dăm cây gỗ vàng tâm chặt về. Thường thì đã thành nếp, mỗi lần Nghêu xướng ra việc gì thì thằng Ốc hưởng ứng. Là con trai thật, nhưng nó chẳng bao giờ có chủ kiến gì. Chuyện khơi giếng hay làm giàn mướp, trát lại cái vách, lợp lại cái chuồng lợn... những sự ấy cứ hễ Nghêu thấy cần làm thì chủ động. Thằng Ốc chỉ là người bảo làm sao nó nghe làm vậy. Từ ngày chú Biện theo ông bà họ Huỳnh về nơi chín suối, Nghêu nghiễm nhiên trở thành cột trụ của nhà họ Huỳnh. Các việc của người đàn ông đều do cô đảm nhận tất. Rừng nơi gỗ vàng tâm mọc nước rất độc. Trong ấy vàng tâm mọc không nhiều nhưng năng tìm sẽ có. Nghe đâu rằng trong rừng có rất nhiều hồn ma vất vưởng nên chả có mấy người dám vào đẵn vàng tâm. Đận ấy nghe đâu có một trận đánh nhau rất to, chết rất nhiều lính thú. Sau họ hóa thành hồn ma. Đận nào người đi đốn gỗ trong ấy đều về bị ốm. Có người còn thác oan vì rước vào thân cái khỏan thương hàn. Chính chú Biện cũng chỉ vào rừng đẵn vàng tâm mà về nhà bị cảm, sơ sểnh thuốc men có mấy hôm là thiệt mạng. - Thôi con ạ. Ở nhà vun lấy mấy luống khoai cho mẹ. Thím Biện cản con gái như thế, nhưng xem ra ý Nghêu đã quyết. Trồng khoai thì biết bao giờ mới ra tiền, hả mẹ. Người mẹ cắt đàng cắt lối: - Thôi con ạ. Của nả thế gian thì nhiều, Giời có cho thì tự nhiên nó khắc đến. Chứ vào rừng, nước độc thế, mẹ lo lắm. Nói thì nói thế chứ mẹ biết tính nết con gái. Nó đã bảo là nó làm. Thành ra thím Biện chỉ biết sửa soạn các sự cho hai chị em Nghêu. Dường như nhìn thấy nét lo âu trên khuôn mặt mẹ; nhất là khi nhà họ Huỳnh này chỉ có một mình thằng Ốc, Nghêu bảo thằng em: - Thôi mày ở nhà. Để một mình tao đi được rồi. Thằng Ốc không phải là đứa lười biếng, nhưng chị gái bảo cái gì nó cũng nghe, Thế là sớm hôm sau, Nghêu đi một mình. Trên đường đi vào rừng ngang qua ruộng mả, Nghêu ghé vào thăm bà nội. Cô gái thì thầm với bà nội rằng: - Không phải là con ương gàn không nghe lời mẹ con. Nhưng bà biết rồi đấy, nhà của thím Thoan đang độ túng ngặt. Nhà ấy họ đã trót nhận tiền của người ta, gần như là đem bán không cái Hợi đi. Vì thế con mới vào rừng đẵn gỗ vàng tâm. Bà nội xin hãy sống khôn thác thiêng, phù hộ cho con.Bà nội biết đấy, lần này con vào rừng đẵn gỗ vàng tâm để cứu cái Hợi khỏi phải lấy một thằng chồng ngổ ngáo. Bà nội phù độ cho con nhá. Nghêu nói xong rồi tất tả đi vào rừng. Cô gái nhớ đến hôm kia tắm ngoài sông, Hợi đã khóc với mình: - Cái thân em nó khổ quá. Thầy em lấy tiền của nhà ông Điều, bắt em phải sang bên ấy làm vợ thằng Sở. Mà em thì em hốt cái thằng này lắm. Bản tánh nó ác độc. Mẹ em cũng không muốn gả em sang bên ấy, nhưng mẹ em không có tiền trả cho nhà người ta. Họ bảo là không muốn gả em cũng không sao, chỉ cần đền lễ cho họ, một đền bốn, thì họ sẽ không làm khó nữa. Thế là thầy em ngày nào cũng chửi bới mẹ em. Mà tiền thì ông ấy nướng sạch cả vào chiếu bạc rồi. -Thế có mất nhiều tiền không? Hợi tấm tức: - Em không biết nữa. Hình như mẹ em bảo là phải mất hai đồng cân vàng, Mà chị biết đấy, nhà em thì làm gì có tiền. Mẹ em có bao giờ tơ hào được đồng nào đâu. Có cái gì bán được thầy em cũng đều hoạnh cả. Nên mẹ em tứ thời chẳng có lấy một đồng nào lận trong người. Nghe Hợi nói chuyện nhà, máu nghĩa hiệp trong tim Nghêu chợt nổi lên. Có lẽ vì ngay từ khi còn nhỏ, Nghêu bao giờ cũng đứng trong vai trò bảo vệ thằng Ốc; nên cô gái bây giờ thấy những chuyện ép người như thế trong lòng không thể bó gối khoanh tay, ngồi im mà nhìn cho được. Vả lại, từ trong sâu thẳm, Nghêu luôn tin mình là một chàng trai nghĩa hiệp, giống như Võ Tòng của người Tàu xưa. Thế mới có chuyện Nghêu giả đò đi vào rừng đẵn gỗ vàng tâm là vì nhà mình, nhưng sự thật cốt là tìm cho đủ số tiền để thím Thoan có thể đưa cho chồng đi đền tiền cho nhà họ Quách. Người ta hay vào rừng đẵn gỗ vàng tâm, rồi thì kết lại thành bè từ, thả theo nhánh con sông Lạch cho trôi về. Nghêu định bụng sẽ đi chặt đúng ba hôm mới thôi. Hôm trước Nghêu đã dặn Hợi là cô đi vắng chỉ ba hôm, nên đừng ra ngoài sông tắm một mình. Hợi hỏi đi đâu. Nghêu chỉ bảo quanh quanh là đi thăm người quen nhà họ Huỳnh ngoài chợ huyện. Nghêu còn nói dối là sẽ mua quà cho Hợi. Cô con gái của thím Thoan hỏi Nghêu: - Chị đi ba ngày thôi hử. - Ừ. - Chị đi như thế ở nhà em nhớ chị lắm đấy. Nghêu nghe câu nói ấy trong lòng bỗng chợt dềnh lên một làn sóng thương yêu trìu mến. Nghêu không thích chữ “chị” nhưng lại sướng ran người vì chữ “nhớ”. Tình thực ra thì Nghêu đã thương Hợi từ lâu. Đôi mắt của hai người đã ngầm có những cử chỉ nhìn nhau rất khác. Nhất là kể từ cái hôm Nghêu vặn sái tay một thằng trong làng Cối để cho Hợi có thể rẽ lối về nhà,sau khi cô gái đã ngâm đến tím cả người dưới sông. Nghêu muốn lấy tay ôm choàng người con gái hàng xóm mà không dám. Hình như có một cái gì đó ngăn cản Nghêu lại. Cô gái chỉ biết nói: Đi cũng chỉ có ba hôm là về. Nhớ thì cứ để trong bụng ấy. Mai kia... tôi về... Hợi kể cho tôi nghe là Hợi nhớ tôi bằng ngần nào... Đã bốn hôm rồi mà Nghêu chưa về, Hợi sốt ruột quá chạy sang dò la xem có tin gì của Nghêu hay không. Nghe thím Biện kể chuyện, đến lúc ấy Hợi mới biết là Nghêu nói dối mình. Khi biết Nghêu vào trong rừng ấy chặt gỗ vàng tâm, Hợi nghĩ ngay đến câu chuyện nhà Quách đòi nhà cô phải trả lại số tiền dẫn cưới, lại còn đòi phải phạt vạ nữa. Thế là cô gái chợt rân rấn nước mắt. Cô khẩn khoản nói với Ốc: - Hai đứa mình vào trong rừng tìm chị Nghêu được không? Đàn ông vào trong ấy còn bị ốm nặng. Huống hồ gì là đàn bà con gái. Chị Nghêu đi vào trong ấy một mình, tôi sợ lắm... Ốc cũng sốt ruột nên nó bảo thím Biện: - Mẹ để cho hai đứa chúng con vào rừng. Chứ để một mình chị Nghêu trong ấy con cũng không an tâm chút nào. Ngộ nhỡ có chuyện chẳng lành xảy ra... Chị ấy bảo là đi chỉ có ba hôm thôi... hôm nay là hơn bốn hôm rồi. Ruột gan thím Biện đã như lửa đốt sẵn. Nay nghe thế, vội vã chuẩn bị dao và cơm nước cho hai đứa trẻ đi vào trong rừng. Rừng vào mùa tháng chạp thế mà vẫn um tùm xanh tốt. Đầy vẻ đe dọa. Không khí lành lạnh thấm vào da thịt của hai đứa như thể đấy là một thứ chướng khí rất độc. Ánh nắng bị tắt thở trước khi chúng có thể đi sâu xuống phía dưới mặt đất. Cuối cùng chỉ còn tiếng côn trùng kêu ri rỉ, nghe rất nhợn người. Hợi cảm thấy gai ốc nổi khắp phía sau gáy. Thằng Ốc thì thấy tim mình đánh thình thịch. Cánh rừng trên quả núi chỉ đi vào vài trăm bước chân đã trở thành một thế giới hoàn toàn khác hẳn, âm u bít bùng, hiểm trở và hoang dã. Đây là lần đầu tiên Hợi đi vào rừng. Còn thằng Ốc thì đã từng theo chị gái vào đây hái nấm vài bận, nhưng chỉ là đi men men theo bìa rừng mà thôi. Đây là lần đầu tiên hai đứa tay dao tay giỏ đi sâu vào trong rừng tìm người. Mới đi được một khoảng chưa sâu lắm, Hợi đã bắc tay lên miệng làm loa, gọi tên Nghêu tướng lên: Chị Nghêu ơi! Chị Nghêu ơi! Chỉ có tiếng vọng của Hợi lan đi trong rừng, tiếng vọng loang ra như hòn cuội ném xuống mặt nước sông tĩnh dòng. Rồi cũng tiếng vọng ấy dội ngược trở lại, khuếch tán, chia nhỏ thành hàng trăm tiếng gọi Chị Nghêu ơi. Chị Nghêu ơi, khiến cho cả một cánh rừng nhốn nháo như đang ngủ say bị giật mình đánh thức. Tiếng chim thảng thốt kêu nghe rợn cả gáy. Trời đất âm u. Không khí đặc quánh và nặng đến độ khó thở. Có cả tiếng vượn hú trộn lẫn với tiếng khỉ kêu nghe như tiếng trẻ con đang khóc. Có cả những con thằn lằn chạy vội trên lá khô, nghe xoàn xoạt, khiến da người nổi đầy gai ốc. Thằng Ốc cầm dao phát những sợi dây mây đầy gai, dọn một con đường. Thằng này không thạo việc đi rừng, nên tay chân lóng ngóng. Mấy lần dao tuột ra khỏi tay. Nhưng vì sự an toàn của chị gái, vả lại có đứa con gái đang đi phía sau, nên nó nhất định không thể không cố gắng thể hiện mình là một chàng trai đã lớn. Hai đứa quên cả đói và khát, nên cái mệt vì thế đã đánh úp hai đứa một cách bất ngờ. Khi thằng Ốc bảo là khát nước thì con Hợi mới biết là quả bầu khô đựng nước đã bị rớt mất từ lúc nào không hay. Con bé ngơ ngác nhìn thằng nọ: Chết rồi, rớt bình nước lúc nào tôi cũng không biết nữa. Giữa rừng âm u. Không có nước như thế này. Chết là cầm chắc rồi còn gì. Khuôn mặt thằng Ốc chợt biến sắc, dù nó cố gắng giữ vẻ mặt bình tĩnh. Nó biết cơ thể nó đã đang rất khát. Tình thực ra nó đã khát từ lúc nãy. Nhưng vì hăm hở tìm chị nên nó cứ cố nhịn. Mà kể ra cũng liều thật, hai đứa chúng nó chưa bao giờ vào rứng, thế mà dám đi tìm người. Hộ cái thân còn chưa xong, bảo đi cứu người thì biết cứu thế nào. Con Hợi bỗng thút thít khóc. Nó cũng đói, cũng mệt, cũng khát. Nhưng nó không biết phải nói gì nữa bây giờ. Lỗi của nó mà ra cả. Đầu tiên cũng chỉ vì nó mà người ta mới cho hai đứa đi vào trong rừng. Và giờ thì cũng vì nó mà bình nước đã bị rớt mất. Thằng Ốc lấy lưỡi liếm đôi môi khô và bị sưng của mình rồi nói: - Thôi đừng khóc nữa. Khóc cũng chẳng phải là cách. Rồi thì lại kiệt sức đi thì khổ lắm. Con Hợi phải giấu nước mắt của mình vào tiếng nấc. Không khí trong rừng càng lúc càng nặng hơn. Đôi chân không quen đi rừng của thằng Ốc bây giờ mỏi rừ. Trên khuon mặt của hai đứa người ta nhìn thấy những vệt máu khô do gai mây cào mà chúng nó vì mải đi mà không hề biết. Tóc tai con Hợi xờm xạp, rối tung lên. Quần áo của hai đứa rách tươm. Trông chúng nó, người đi rừng quen nhất định sẽ mắng cho: - Bận sau không đi rừng quen thì chớ có mà liều như thế. Bộ chán sống rồi hay sao? Rừng xem ra vẫn chẳng thân thiện với hai đứa trẻ. Tiếng thú vật kêu càng lúc càng ảo não hơn, như thể chúng lo lắng hộ cho hai đứa trẻ. Đôi mắt của thằng Ốc cuối cùng lộ ra vẻ lo âu thực sự. Còn khuôn mặt con Hợi thì vẫn lặng lẽ, một sự lặng lẽ của người con gái bất chợt hiểu ra mình sẽ phải làm gì. Con bé đưa tay lên miệng làm thành cái loa rồi gom hết sức lực tru lên: - Có ai ở trong rừng không? Cứu chúng tôi với! Có ai ở trong rừng không? Tiếng con bé vọng đi rồi vọng ngược lại như thể rừng chẳng còn ai nữa. Thằng Ốc bảo con bé: Thôi đừng phí sức. Trong rừng chẳng có ai đâu mà gọi. Con Hợi trả lời: Phải cố gọi khi vẫn đang có sức. Chốc nữa kiệt đi, có muốn gọi cũng không gọi được. Thế à con bé lại gào lên. Lần này nó gào bằng tất cả sức lực trong hai lá phổi và từ trái tim của mình: Có ai ở trong rừng không? Cứu chúng tôi với... Không đến nỗi quá vô vọng, có một âm thanh nghe rất mỏng, nửa giống như tiếng vượn, nửa như giống tiếng người đáp lại. Con Hợi cố tình gào lên một lần nữa. Tiếng hú kia đáp lại một cách rất cố ý. Thế là con bé lại gào lên, nhưng thật kém may mắn, thanh quản của nó bị đứt hay làm sao ấy nên tiếng nói không thoát ra được nữa. Nó khản đặc giọng lại. Tắt tiếng. Thằng Ốc vội vã tiếp sức. Tiếng hú kia đáp lại. Mỗi lúc một gần hơn. Sau đó có tiếng người nghe rõ hơn: Đứng nguyên chỗ ấy, tôi đang đến đây này. Rồi tiếng dao phát lá nghe rõ hơn, gần hơn. Cuối cùng là một người đàn ông có mái tóc rất dài, khuôn mặt đầy rau, tuồng như ông ta là người sống ở trong khu rừng này rất lâu rồi. - Trời ơi... Sao lại vào rừng thế này. Đi tìm người phải không? Hai đứa trẻ gật đầu: Chúng cháu đi tìm chị cháu. - Biết rồi. Cách đây mấy hôm, chị chúng mày có bảo là vào rừng chặt gỗ vàng tâm. Ta đã cản, nhưng cô ấy làm dữ quá. Rồi thì ta tưởng chỉ là nói đùa. Rồi ta cũng mặc. Nhưng qua ba ngày sau ta thấy trong bụng không an tâm. Vào đến bãi vàng tâm ta mới biết là cô gái ấy đã mê man vì bị sốt. Nhìn hai đứa trẻ mặt mũi vẫn còn vều vào, ông ta nhìn thằng Ốc rồi bảo: Thế mày là thằng Hợi phải không? Thằng bé chỉ đứa con gái rồi nói: Cháu tên Ốc. Đứa này mới là tên Hợi. Rồi nó hỏi tiếp: Làm sao chú biết tên bọn cháu? Người đàn ông trả lời: - Con chị chúng mày trong lúc bị sốt mê man, cứ réo một cái tên Hợi. Thế tao mới nghĩ là mày tên Hợi. Nói rồi ông ta trao ra một bình nước cho hai đứa uống. Ông dẫn chúng về một cái lều cất theo kiểu nhà sàn giữa rừng. Trên tầng gác, một người con gái đang nằm run bần bật, người sốt li bì. Người con gái ấy tên tục là Nghêu, tên cúng cơm là Huỳnh Thị Diệu. Từ phía dưới đất, người ta nghe được tiếng người mê sảng vẫn cứ gọi: - Hợi ơi... Hợi ơi... Bất giấc tim Hợi nhói đau. Nước mắt cô lăn nhanh. Trái tim cô bồi hồi thổn thức.