Chương 41
Mẹ Con

Thương con ruột đứt gan bào,
Trách mình có lỗi đâu nào tại con.
Ở đời duyên phận vuông tròn,
Cao xanh cắc cớ héo hon cõi lòng.
Nếu nỗi đau không thể giết chết được chúng ta, nó sẽ khiến chúng ta trải nghiệm được những chiều kích sâu lắng nhất của thân phận con người. Nếu nỗi đau không hủy hoại chúng ta hoàn toàn, nó sẽ là một cơ hội để chung ta có thể nhìn lại những chặng đường sóng gió cam go nhất. Nó giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cách chúng ta nhìn vào cuộc sống.
Tình yêu cũng thế, nếu nó không đem đến cho Hợi những gì chị luôn mong đợi, nhất là khi nó giúp chị nhận ra sự tàn nhẫn khi nhưng khao khát sâu lắng bị từ chối, chị cần nên có một sự lựa chọn lựa tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn. Đấy là một lối giải thích của những ai đã trải qua đổ vỗ đau thươn trong tình cảm. Họ nghĩ là Hợi cần tỉnh thức, sẽ làm như vậy.
Nhưng không phải ai cũng có một cái nhìn giống nhau khi đi qua tâm bão của tình yêu tan vỡ. Trường hợp của Hợi là một ví dụ điển hình.
Sau lần Nghêu bỏ đi, lạnh lùng và tàn nhẫn, như thể người ta giũ bỏ một cái áo rách không còn giúp họ giữ được hơi ấm, Hợi đã chết hẳn một phần trong trái tim của chính mình. Căn bệnh trầm cảm cũ của Hợi lại kéo đến, vốn làm cho Ốc một phen điêu đứng ngả nghiêng. Đơn giản là sự yên ấm an toàn của gia đình anh gần như nằm trên bờ vực phá sản. Chưa bao giờ Ốc lại đau khổ hoang mang như thế này
Hợi không còn thiết đến chuyện ăn uống nữa. Giấc ngủ của Hợi cũng không tròn. Có nhiều đêm Hợi thức trắng. Mặc dù chị chẳng suy nghĩ gì cả. Có thể là khi nỗi đau quá lớn, vượt sức chịu đựng của chị, những chuyện khác vì thế đã trở thành vô nghĩa. Chị chỉ còn sống cầm hơi bằng nước lã. Nhìn Hợi, người ta có thể nhận ra sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh trầm uất. Khuôn mặt chị hốc hác, trông như khuôn mặt của một con thú bị nhốt trong chuồng, cự tuyệt thức ăn. Chính thằng Sinh đã ghê sợ không dám nhìn mặt mẹ ruột của nó.
Tất nhiên là Ốc cũng chẳng thể làm gì được. Anh vất vả lao đao vì phải lo nhiều thức. Thím Thoan giờ thỉnh thoảng chạy qua chạy lại. Thím bất chấp những mắng nhiếc của chồng. Vì thím không thể nhìn thấy đứa con gái của thím trong tỉnh cảnh khốn đốn như thế mà không giúp.
Khi ta yêu một người, tình yêu sẽ mãi mãi bền vững trong trái tim. Rồi khi tình yêu tan vỡ, nó sẽ để lại một vết thương lòng. Có người đau khổ rấm rứt cả một đời. Có người có thể quên đi nhanh chóng. Người mãi mãi bi luỵ được coi là kẻ chung tình. Người chóng quên được coi là kẻ vô tâm hời hợt. Chẳng biết có đúng như vậy hay không? Trong trường hợp của Hợi thì chị không thể quên Nghêu được.
Nếu có người hiểu chuyện tình cảm của chị, họ sẽ nói:
-Cái Hợi mà có ai đó mạnh hơn thay thế được cái Nghêu, thì tình dù có đậm mấy cũng trở thành phai nhạt.
Kể ra thì Hợi không phải không có điều gì quan trọng hơn Nghêu, đáng để chị quên đi người tình của mình. Hợi có Ốc, có thằng Sinh, có cả một gia đình hạnh phúc đề huề, ngay của Nghêu cũng phải ghen tị. Nhưng hình như đấy không thể là một sự đánh đổi ngang bằng, sòng phẳng được. Hạnh phúc gia đình không thể thay thế được nỗi đau phụ tình mà Hợi đã trải qua.
Hợi đã cố ép mình để đi vào quĩ đạo của đời sống gia đình nhưng chị không thể làm được. Giữa tình yêu mà Hợi dành cho Nghêu và hiện tại sinh hoạt gia đình chị là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Chính chị đã nhiều lần tự dằn vặt mình:
-Tại sao mài không biết quý trọng con chim sẻ trong tay, mà lại đi tiếc nuối một con chim sẻ khác đang đậu trên cành khế. Tại sao mày không tỉnh thức. Tại sao cứ phải đâm đầu vào vòng bi luỵ, dệt mộng giữa ban ngày. Có ngu ngốc vì tình thì cũng ngu ngốc vừa vừa thôi. Người ta đã tuyệt tình như thế, giữ lại làm gì một con người ăn ở bạc bẽo.
Hôm nay Hợi đã có phần hơi tỉnh táo. Chị đem cái áo của thằng con trai ra vá. Cu Sinh ngồi chơi với con thỏ bằng gỗ gòn mà bố nó đã đẽo cho nó. Thế giới của nó hiền hoà quá, không tì vết, không vướng bận, đơn sơ như một khúc sắn luộc đầu mùa. Hợi nghe con trai nói chuyện với con thỏ bằng gỗ:
-Em ngoan đi…Em không khóc nhé, em ăn nhanh rồi chống lớn. Anh sẽ dắt em đi chơi. Anh sẽ hái thật nhiều cỏ non cho em ăn…Anh sẽ thương em thật nhiều…
Hợi bật khóc vì tủi thân. Ngày xưa Hợi cũng đã từng được nghe những lời hứa ngọt ngào đại loại gần như thế từ miệng của Nghêu. Thế giới của tình yêu buổi đầu trong lành và ngọt ngào như thế giới của trẻ thơ. Nhưng rồi những thử thách của thời gian đã thay đổi tất cả. Trong mắt Nghêu, Hợi không còn là một người tình chung thuỷ nữa. Rồi thì con thỏ bằng gỗ gòn kia sẽ không còn đáng yêu trong ánh mắt đứa trẻ nữa. Không phải vì đứa trẻ ghét bỏ gì con thỏ gỗ. Chỉ là những thay đổi khi cuộc đời đã lật qua những trang sách mới.
Hợi ngừng tay khâu áo, nhìn con, sao mà đứa bé tội nghiệp đến thế. Nó là con trai của chị. Đáng ra nó phải được hưởng tất cả tình thương của một người mẹ. Ngồi suy nghĩ và hồi tưởng lại, Hợi chưa thấy mình đã một lần nồng nàn bao giờ. Người ta có câu: Hổ dữ không nỡ ăn thịt con. Hay là: Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Phải chăng chỉ có những đứa trẻ sinh ra trong tình yêu mới được mẹ nó thương yêu. Còn thằng Sinh, không hiểu sao Hợi chỉ nghĩ nó là kết quả của những lần chung đụng thể xác mà tâm trí của Hợi chỉ chất chứ những âm thầm cay đắng.
Khi Hợi chửa thằng Sinh, chị đã bật khóc:
-Thế là hết rồi. Mình đã không còn cơ hội để đến với Nghêu nữa.
Không biết có phải vì sự ra đời của đứa trẻ trong bối cảnh suy tư như thế, nên vô tình nó đã trở thành một bức tường ngăn cách giữa Hợi và Nghêu. Nó đã án ngữ tình yêu của mẹ nó với một người đàn bà khác. Có phải vì thế mà Hợi chưa bao giờ cảm thấy sự liên hệ mật thiết giữa con và chị. Nó không có tội tình gì cả, nhưng chỉ vì nó xuất hiện trong một mối quan hệ tình yêu nên khó tránh khỏi vạ lây oan tình.
Hợi đã không bao giờ nói ra với ai cả, nhưng chính vì nỗi buồn gặm nhấm ấy nó đã khiến cho chị rơi vào tình trạng bệnh tật. Nghêu bỏ đi khi chưa ai biết là chị đã có thai. Vì thế Hợi luôn tin một cách mãnh liệt là Nghêu ra đi sẽ quay về. Hợi trung thành tín thác đến độ chị đinh ninh là Nghêu sẽ quay trở lại. Như thế, dù chị có phải đợi chờ bao lâu Hợi cũng sẽ chờ. Chị tin tình yêu chân thành mà chị dành cho Nghêu sẽ là một mối tình không bao giờ chết.
Hợi nhìn con trai. Đôi mắt nó u uẩn một nét buồn. Thế giới của nó vẫn thơ ngây, nhưng là một sự thơ ngây được vẽ bằng một gam màu tối xám. Bất chợt toàn thân Hợi nhão chảy, cơ thể chị bần thần run rẩy. Chị không thể nào nhận ra chị có thể đánh đổi thằng bé với Nghêu. Tại sao một người đến trong cõi đời nỳ từ máu huyết và xương thịt của chị lại không quan trọng bằng một con người xa lạ khác. Tại sao chị không thể tỉnh táo một cách bình thường để nhận ra chân dung hiền hoà của một cuộc đời bình thường, trong một cái nhìn đơn sơ dung dị.
Giọng nói của thằng Sinh vẫn đều đều cất lên:
-Em ngoan đi thỏ nhé. Anh sẽ dắt em đi chơi. Anh sẽ hái cỏ non cho em ăn. Anh sẽ thương em thật nhiều…
Phải chăng trong tình yêu con người ta vẫn có những cái nhìn thiếu thực tế tương tự như thế. Trong thế giới thuần khiết của trẻ con những điều không thực tế sẽ trở thành thực tế. Chúng nhân cách hoá mọi thứ như thể đấy là người bạn tri kỷ của chúng. Vì thế trong cách nhìn của trẻ thơ, điều không tưởng sẽ có thể trở thành hiện thực.
Nhưng…
Con thỏ gỗ kia thì làm sao ăn cỏ non cho được, Hợi đáng lẽ ra không nên nhìn vào tình yêu bằng đôi mắt ngây thơ như thằng con trai của chị. Chị không thể nuôi dưỡng tình yêu của mình bằng những hy sinh ân cần trong khi chị biết là thực tế không cho phép chị yêu Nghêu đến mức độ vượt qua tất cả những khung cảm xúc thuần tuý.
Chị không nên tin rằng tình yêu của chị sẽ cảm hoá được tất cả. Chị càng không nên quá ngây thơ tin vào những lời nói của Nghêu. Dù sao thì đấy cũng chỉ là những lời nói của Nghêu khi hai người họ đang lạc vào thế giới thần tiên của đê mê và hạnh phúc. Để rồi khi va chạm với thực tế, những lời thề nguyền kia chỉ còn lại một mặc cảm ê chề khi cả hai đều nhận ra chân dung rạn nứt của cái mà người đời vẫn hay gọi là chung thuỷ, chả khác nào một quả táo xanh có một con sâu rất lớn làm tổ bên trong.
Chị đã quá dại dột. Quá si tình. Yêu đến độ gàn dại, yêu mù quáng.
Câu chuyện thằng con trai của chị và con thỏ gỗ đã khiến cho Hợi tỉnh thức. Nhưng điều đó không giúp cho chị được điều gì cả. Trái lại, nó càng khiến cho chị đau khổ tan nát hơn. Chị cảmt hấy ghê sợ chính mình. Chị cảm thấy mình không xứng đáng với con trai. Cứ nhìn thằng bé thì biết, thế giớ của nó hoàn toàn sung mãn, đầy đủ và thừa mứa tình yêu thương với một con thỏ bằng gỗ. Nó thường không thích chị ẩm nó. Thằng bé chỉ thích chơi với bố và con thỏ. Còn chị…Hình như quan hệ giữa chị và con trai chỉ là một quan hệ nhân duyên sống chung trong một ngôi nhà. Chỉ có thế. Nó chưa bao giờ bú sữa của mẹ. Nó càng không đượng ôm ấp trong những ngày đầu đời của nó.
-Sinh ơi… Mẹ không xứng đáng với con. Mẹ không xứng đáng với tình yêu của nhà họ Huỳnh. Mẹ không xứng đáng để gọi con là con…Sinh ơi…
Đấy là tâm tình của một người đàn bà đang vá ào cho con. Trên nền sân gạch, con chị vẫn đang nghịch đùa với con thỏ gỗ.