Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 5

Trụ sở chính của tổ hợp công nghiệp Globanic nằm trong một toà nhà trong một khuôn viên riêng ở Pleasantville New York, cách Manhattan khoảng ba mươi dặm. Người ta chọn địa điểm này với ý định tránh cho các nhà hoạch định chính sách và vạch đường đi nước bước khỏi cái không khí căng thẳng hàng ngày của các chi nhánh Globanic trong các lĩnh vực công nghiệp và tài chính. Thí dụ chi nhánh tài chính Globanic là người đang giải quyết hợp đồng nợ thành giảm thuế bất động sản ở Peru chiếm hẳn ba tầng của một trong hai ngôi nhà chọc trời trung tâm thương mại thế giới ở khu phố.
Thế nhưng thực tế thì nhiều vấn đề nhỏ ảnh hưởng tới các chi nhánh ở xa của Globanic đều được chuyển về trụ sở Pleasantville. Chính vì vậy, vào lúc mười giờ sáng thứ hai, Glen Dawson, một phóng viên mới vào nghề của tờ Ngôi sao Bantimore đang chờ phỏng vấn vị kiểm sát viên chính của Globanic về vấn đề palladium. Người ta hiện đang đưa nhiều tin vè loại kim loại quý này, mà một công ty thuộc tổ hợp Globanic lại làm chủ sở hữu nhiều mỏ sản xuất palladium và bạch kim ở Minas Gerair Brazil, là nơi các cuộc nổi loạn của cánh thợ mỏ đang đe doạ nguồn cung cấp kim loại ấy.
Dawson ngồi đợi bên ngoài văn phòng kiểm soát viên trong một phòng chờ hình tròn lịch sự nối với hai văn phòng lớn của hai quan chức cao cấp Globanic mà một trong hai vị là, chủ tịch và uỷ viên chấp hành của tổ hợp.
Ngồi khuất trong một góc, tay phóng viên vẫn đang đợi thì cửa văn phòng nọ mở và hai người từ trong bước ra. Một người là Theodore Elliott mà Dawson nhận ra ngay vì đã thấy ông ta trong ảnh từ trước. Người kia trông mặt rất quen, nhưng Dawson  không nhớ là đã thấy ở đâu. Hai người tiếp tục câu chuyện đang nói dở; người thứ hai nói:
“… Có nghe về hãng CBA của ông. Những lời đe doạ của bọn phiến loạn Peru đặt cọc ông vào tình thế khó xử”.
Ông chủ tịch Globanic gật đầu. “À, kể cũng có. Mời ông cùng đi với tôi ra tới thanh máy… Chúng tôi đã quyết định, nhưng chưa công bố. Điều chúng tôi không làm là để cho một nhóm cộng sản điên rồ ép chúng tôi làm theo ý chúng”.
“Có nghĩa là CBA sẽ không bỏ các chương trình tin tối?”.
Đến đó thì không nghe rõ nữa.
Dùng ngay tờ tạp chí mà anh ta giả đọc để che mắt, Dawson vội vàng ghi lại chính xác những lời vừa nghe. Tim anh ta đập thình thịch. Anh ta biết mình vừa có được một tin độc nhất vô nhị mà suốt từ tối thứ bảy, biết bao phóng viên ra công tìm kiếm mà không được.
“Ông Dawson”, cô thư ký gọi. “Ông Licata sẽ tiếp ông bây giờ”.
Khi qua bàn cô thư ký, anh ta dừng lại, mỉm cười và nói: “Người cùng đi với ông Elliott ấy, tôi chắc là đã gặp nhưng không nhớ là ai”.
Cô thư ký có vẻ do dự; anh ta cảm thấy cô ta không muốn nói, nên lại nhoẻn miệng cười. Thế mà có tác dụng.
“Đó là ông Alden Rhodes, thứ trưởng ngoại giao”.
“Đúng rồi! Thế mà sao tôi lại quên mất nhỉ?”.
Dawson trước đây đã thấy ông thứ trưởng ngoại giao phụ trách vấn đề kinh tế một lần trên vô tuyến khi ông ra trước một uỷ ban của Hạ Viện. Song điều quan trọng lúc này là anh ta đã biết được tên.
Mặc dù đã cố làm cho thật nhanh mà Dawson vẫn cảm thấy cuộc phỏng vấn ông kiểm soát viên chính của Globanic dài như vô tận. Dù sao chủ đề palladium cũng không làm anh ta quan tâm lắm. Là một thanh niên đầy tham vọng, anh ta muốn viết về các vấn đề được đông đảo người quan tâm. Cái tin mà anh ta vửa vớ được quả sẽ là thứ lễ ra mắt đúng lúc, hứa hẹn một tương lại hứng thú hơn nhiều. Thế nhưng ông kiểm soát viên xem ra chẳng vội vàng gì trong việc miêu tả lịch sử và tương lai của palladium. Ông cho việc thợ mỏ làm reo ở Brazil chỉ là chuyện thảng hoặc và không thể ảnh hưởng tới việc cung cấp palladium. Dawson tới đây cũng chính là để tìm hiểu việc đó. Lần lữa mãi, cuối cùng tay phóng viên cũng cắt được câu chuyện và tẩu thoát.
Xem đồng hồ, anh ta cho là còn đủ thời gian lái xe về văn phòng của tờ Ngôi sao Bantimore Manhattan viết xong cả hai tin mà vẫn kịp cho đăng vào số báo buổi chiều. Anh ta cho xe chạy về hướng nam, dọc theo đường bờ sông Saw Mill, rồi qua đường bên ban 87; vừa phóng như bay, các câu chữ cứ hình thành dần trong đầu anh suốt cả chặng đường.
Ngồi trước máy tính tại văn phòng nhỏ nhắn của phân xã ở Rockfeller Plaza, Glen Dawson viết vội tin về palladium trước. Đó là việc anh ta được giao làm và lúc này trách nhiệm đó được anh ta hoàn thành đầy đủ.
Sau đó anh ta bắt tay vào tin thứ hai hào hứng hơn nhiều. Tin đầu anh đã chuyển tới phân ban phụ trách các vấn đề tài chính; và vì anh là người thuộc phân ban này, nên tin thứ hai anh cũng sẽ chuyển qua đó. Nhưng anh tin chắc nó sẽ không nằm ở đó lâu.
Những ngón tay anh như múa trên phím chữ, tìm câu mở đầu. Vừa làm, anh ta vừa nghĩ tới một vấn đề đạo đức mà anh biết là sẽ cần đặt ra và trả lời: Liệu việc công bố tin mà anh đang viết đây có đặt các nạn nhân của vụ bắt cóc hiện đang ở Peru vào tình thế nguy hiểm hơn nữa hay không?
Cụ thể hơn là: Liệu các con tin là người nhà Sloane có bị hại vì việc tiết lộ quyết định của CBA bác bỏ đòi hỏi của Sendero Luminoso, một quyết định mà vào thời đểm này người ta chưa có ý định tiết lộ?
Rồi, ở khía cạnh khác nữa, liệu công chúng có quyền được biết tất cả những gì mà một phóng viên xông xáo như anh tìm ra, cho dù bằng cách gì đi nữa?
Mặc dù có những vấn đề như vậy, nhưng Dawson biêt thực tế đơn giản là chúng không phải là việc hoặc là điều anh quan tâm. Nguyên tắc nghề nghiệp là chính xác và tất cả các bên liên quan đều hiểu điều đó.
Trách hiệm của người làm tin là viết những chuyện đáng viết mà anh ta thu lượm được. Một khi đã tìm được tin, việc của anh ta không phải là ỉm đi hoặc thêm thắt vào bằng bất cứ cách nào, mà là viết đầy đủ và chính xác, rồi chuyển cho hãng đã trả lương cho anh ta. Tới lúc đó, những gì anh ta viết sẽ được giao lại cho biên tập viên. Biên tập viên, hoặc các biên tập viên mới là người cân nhắc vấn đề đạo đức.
Dawson nghĩ: ở Bantimore lúc này đây tin anh viết cũng đang được in ra trên một máy tính khác. Khi viết xong anh ấn nút máy định lấy cho mình một bản, nhưng một bàn tay khác đã cầm lấy bản đó trước anh. Đó là ông trưởng phân xã Sandy Sefton lúc ấy vừa bước vào. Là một phóng viên kỳ cựu làm đủ các loại tin, chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi về hưu, Sandy và Dawson chơi thân với nhau. Vừa đọc bản tin, ông phân xã trưởng vừa huýt sáo nhè nhẹ, rồi ngước lên bảo:
“Cậu vớ được một tin giật gân thật đấy. Những lời Elliott nói, cậu có ghi ngay lại khi nghe thấy không?”.
“Ghi ngay lập tức”, Dawson vừa đáp, vừa cho ông ta coi những điều anh ta có ghi lại.
“Tốt lắm. Cậu có nói chuyện với tay Alden Rhodes kia không?”.
Dawson lắc đầu.
“Thế nào Bantimore cũng muốn nói chuyện với cậu”. Đúng lúc ấy chuông điện thoại reo. “Bantimore đấy, cậu có dám đánh cuộc không?”.
Đúng là điện thoại từ Bantimore. Sefton cầm máy, nghe một lát rồi nói: “Tin tức của cậu phóng viên của tôi đăng trên trang nhất số báo tối nay, đúng không?”. Ông ta vừa đưa ống nghe cho Dawsong, vừa cười rạng rỡ: “Frazer gọi đấy”. J. Allardyce Frazer là biên tập viên chính của tờ báo. Ông ta hỏi ngay, giọng hách dịch: “Cậu chưa nói chuyện trực tiếp với Theodore Elliott, đúng không?”.
“Thưa ông Frazer đúng vậy ạ”.
“Vậy làm đi. Hãy nói lại với ông ta những gì cậu đã biết và yêu cầu ông ta bình luận. Nếu ông ta chối không nói những lời đó, cậu hãy đưa vào tin luôn. Nếu ông ta chối, hãy thử tìm cách khẳng định qua Alden Rhodes. Cậu biết cách hỏi thế nào rồi chứ?”.
“Dạ có biết ạ”.
“Cho tôi nói chuyện với Sandy”.
Ông phân xã trưởng cầm máy. Vừa nghe, ông vừa nháy mắt với Dawson, rồi nói: “Tôi đã xem những điều Glen ghi lại. Cậu ta ghi lời Elliott ngay tại chỗ. Câu chữ rõ ràng, không thể có chuyện nghe nhầm được”.
Đặt máy xuống, Sefton bảo Dawson: “Cậu chưa xong việc đâu, họ đang bàn cãi chuyện đạo đức. Cậu hãy tìm gặp Elliott, tớ sẽ tìm xem Rhodes ở đâu; chắc chắn ông ta chưa về Washington đâu”. Sefton sang dùng máy điện thoại phía bên kia phòng.
Dawson gọi số Globanic. Sau khi qua tổng đài, một giọng phụ nữ trả lời. Tay phóng viên tự giới thiệu họ tên và yêu cầu nói chuyện với “ông Theodore Elliott”.
“Ông Elliott hiện không có ở văn phòng”, vẫn giọng dịu dàng ấy trả lời. “Tôi là Kessler. Tôi có thể giúp gì được ông không?”.
“Có lẽ có”. Dawson thận trọng giải thích lý do anh ta gọi điện thoại xin gặp.
Giọng bà ta trở nên lạnh lùng: “Xin ông chờ một chút”.
Mấy phút trôi qua, Dawson đang định dập máy gọi  lại thì nghe thấy tiếng ở đầu dây bên kia. Làn này, giọng bà ta khô khan: “Ông Elliott nhắn lại là những gì ông nghĩ là ông nghe thấy là chuyện riêng và không nên đem ra sử dụng”.
“Tôi là phóng viên”, Dawson trả lời. “Nếu tôi nghe, hoặc biết được chuyện gì, và người ta không nói riêng với tôi, thì tôi có quyền sử dụng tin đó”.
“Ông Dawson, tôi không thấy lý do gì để tiếp tục cuộc nói chuyện này”.
“Xin bà thư cho một lát. Ông Elliott có chối đã không nói những lời tôi đọc lại cho bà không?”.
Cả lần này lẫn lần gọi trước, Dawson ghi ngay lại các câu hỏi và trả lời.
“Bà Kessler, bà vui lòng cho biết tên đầu của bà được chứ?”.
“Có gì mà không được… tôi là Diana”.
Dawson mỉm cười, đoán chắc Kessler cho rằng nếu tên bà ta được đưa lên báo, thì tốt nhất là nên đưa đầy đủ cả họ tên. Vừa định nói lời cảm ơn, Dawson nhận ra đường dây đã bị ngắt.
Anh vừa đặt máy xuống, ông phân xã trưởng đưa cho anh mẩu giấy. “Rhodes đang trên đường ra sân bay La Guardia bằng xe của Bộ Ngoại giao. Đây là số máy điện thoại đặt trong xe”.
Dawson lại nhấc máy.
Lần này, sau hồi chuông đổ là giọng đàn ông trả lời. Khi Dawson xin nói chuyện với “ông Alden Rhodes”, ông ta trả lời: “tôi nghe đây”.
Anh chàng phóng viên lại giới thiệu tên họ, biết rằng Sefton đang nghe qua một máy khác.
“Ông Rhodes…, tờ báo của chúng tôi muốn biết ông có bình luận gì về tuyên bố của ông Theodore Elliott là hãng CBA bác bỏ đòi hỏi mới đây của Sendero Luminoso, và theo lời ông Elliott, “chúng tôi sẽ không để cho một nhóm điên khùng ép chúng tôi làm theo ý chúng”.
“Theo Elliott nói với anh vậy à?”.
“Chính tôi nghe ông ta nói như vậy, thưa ông Rhodes”.
“Tôi nghĩ ông ta muốn giữ kín việc đó”. Ngừng một lát, ông ta nói tiếp. “À, xem nào! Có phải anh là người ngồi ở phòng chờ lúc chúng tôi đi qua không?”.
“Vâng, đúng thế”.
“Dawson, anh đã lừa tôi. Tôi yêu cầu toàn bộ cuộc nói chuyện này không được dùng đăng báo”.
“Thưa ông Rhodes, trước khi chúng ta nói chuyện, tôi đã tự xưng danh và ông cũng đã không nói gì tới chuyện không được trích dẫn đăng tin”.
“Dawson, tiên sư anh!”.
“Thưa ngài, câu này sẽ không trích đăng. Bởi vì trước đó ngài đã yêu cầu”.
Ông trưởng phân xã giơ ngón tay cái làm hiệu, miệng cười toe toét.
Cuộc thảo luận về vấn đề đạo đức người làm tin ở Bantimore kéo dài không lâu.
Trong bất cứ cơ sở đưa tin nào, bao giờ người ta cũng thiên về việc đưa tất cả các tin tức. Tuy nhiên với một số tin, mà tin họ đang có thuộc loại đó, người ta cần đặt ra và trả lời một số câu hỏi. Biên tập viên chính và biên tập tin trong nước là những người đọc trước những tin này sẽ cùng nhau đặt câu hỏi và trả lời:
Hỏi: Việc công bố quyết định của CBA có nguy hại đến tính mạng con tin không?
Trả lời: Tính mạng các con tin hiện đã bị đe doạ. Khó mà biết được việc công bố có làm họ gặp nguy hiểm hơn không?
Hỏi: Liệu họ có bị sát hại sau khi công bố quyết định này không?
Trả lời: Khó có khả năng đó, vì con tin bị giết sẽ không còn giá trị gì nữa.
Hỏi: Vì CBA sẽ phải công bố quyết định của họ trong một hai ngày tới, việc tiết lộ sớm hơn một chút có sao không?
Trả lời: Nếu có cũng không sao.
Hỏi: Vị chủ tích Globanic là Theodore Elliott vô tình để lộ quyết định của CBA và những người khác hẳn cũng sẽ biết, quyết định có còn có thể giữ kín được nữa không?
Trả lời: Chắc chắn không.
Cuối cùng biên tập viên chính đưa ra kết luận của cả hai người: “Không có vấn đề gì phạm đạo đức người làm tin. Chúng ta cho đăng!”.
Số báo buổi chiều của tờ Ngôi sao Bantimore đăng tin trên với hàng tít lớn:
CBA BÁC BỎ YÊU CẦU CỦA BỌN BẮT CÓC NGƯỜI NHÀ SLOANE
Bài viết của Glen Dawson bắt đầu như sau:
CBA sẽ dứt khoát không đáp ứng đòi hỏi của bọn bắt cóc gia đình Sloane là hãng phải dừng chương trình tin buổi tối trong một tuần, thay bằng việc phát các băng ghi hình tuyên truyền do nhóm phiến loạn Maois Peru là Sendero Luminoso cung cấp.
Sendero Luminoso, tức “Con đường sáng” thừa nhận đang giam giữ các con tin tại một địa điểm bí mật thuộc Peru.
Theodore Elliott, chủ tịch và uỷ viên chấp hành chính của tổ hợp công nghiệp Globanic là công ty mẹ của CBA hôm nay đã tuyên bố: “Điều chúng tôi sẽ không làm là để cho một nhóm điên khùng ép chúng tôi làm theo ý chúng”.
Trong khi nói chuyện tại trụ sở Globanic ở Pleasantville ông thêm: “Còn việc cho phát các băng hình của “Con đường sáng”, thì đừng có hòng”.
Một phóng viên của tờ Ngôi sao Bantimore có mặt khi Elliott tuyên bố như vậy.
Alden Rhodes, thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế là người đi cùng ông Elliott khi ông này tuyên bố như trên đã từ chối không bình luận gì thêm khi phóng viên bản báo hỏi, nhưng ông có nói: “Tôi nghĩ ông ta muốn giữ kín chuyện đó”.
Cuối buổi sáng nay, một cố gắng tiếp xúc với ông Elliott để hỏi rõ thêm đã không có kết quả. Phóng viên bản báo được bà Diana Kessler, trợ lý chủ tịch Globanic cho biết: “Ông Elliott không có mặt tại văn phòng”. Sau khi được hỏi thêm, bà Kessler chỉ trả lời “Ông Elliott không bình luận gì thêm”.
Bài báo còn thêm, chủ yếu là về bối cảnh và diễn biến trên của vụ bắt cóc.
Ngay cả trước khi các số báo Ngôi sao Bantimore được đưa tới các quầy phát hành, các đài truyền hình đã đưa tin, có nói là trích từ nguồn tin tờ Ngôi sao. Tối hôm đó, tin của tờ Ngôi sao được trích đưa trong tất cả các bản tin của các hãng, kể cả CBA là nơi mọi người rụng rời chân tay khi nhận được tin đưa quá sớm này.
Sáng hôm sau, ở Peru là nơi tin về vụ bắt cóc liên tục được đưa, tất cả các báo, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình tập trung đưa lại tin trên, đặc biết nhấn mạnh là “nhóm cộng sản điên khùng”, trong tiếng Tây Ban Nha là “grupo de comunistas locos”.